Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Thời Phục Hưng của Quý Bà
_____________________________________________________________________

Nguyễn thị Cỏ May
Trước đây tôi thường tưởng tượng khi tới tuổi 50, tôi sẽ làm Bà nội, Bà ngoại, tôi sẽ phục sức theo nhà Thời trang Chanel, tôi có nhiều cháu. Nhưng điều gì đã thay đổi?
Trong việc làm, ngày nay, không còn bị “stress” nữa. Và trong tình yêu, tôi cảm thấy nhiều thiết tha hơn.
Ngày nay, tôi thấy hạnh phúc hơn hồi tôi 20 tuổi. Tôi có thể nói rõ rằng người ta bắt đầu biết định nghĩa hai tiếng Hạnh Phúc ở tuổi 50…” (Lời của Bà Inès de la Fressange, 53 tuổi được nhà báo Fabrice Léonard ghi lại trên tuần báo Le Point, 10/03/11).
Inès de la Fressange hiện là tác giả Best-seller với quyển “Cô Gái Paris” (La Parisienne, viết chung với Sophie Gachet ) do nhà Flammarion, Paris, xuất bản.
Theo Bà Inès de la Fressange thì thực tế đã chứng nghiệm người ta chưa bao giờ thấy hạnh phúc hơn khi người ta bước vào tuổi 50!
Tuổi 50 quả thật là Thời kỳ Phục Hưng của người phụ nữ ngày nay.
Tới tuổi 50, người phụ nữ bắt đầu bước qua cuộc đời mới mà thường ít ai để ý tới. Đây là lúc con cái lần lược ra ở riêng. Ai còn cha mẹ già thì cũng phải đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão để có người sớm tối chăm sóc. Về bản thân, nếu bình tĩnh nhìn lại thì các bà đang độ quyến rũ còn hơn hồi 20 tuổi. Dĩ nhiên nếu các bà không bị những khuyết điểm quá lớn trên cơ thể có thể làm biến đổi dung nhan một cách thảm hại. Nên nhớ từ đây, tức từ 50 tuổi, mọi việc sẽ tuần tự đi vào trật tự để cho các bà được mọi bề ổn định.
Tác giả Inès de la Fressange quả quyết khi qua khỏi ngưỡng cửa 50 các bà sẽ ngày càng sống trong hạnh phúc thật sự. Mà đúng vậy. Cứ mỗi năm qua, các bà cảm thấy hạnh phúc hơn năm trước. Hạnh phúc hơn hồi còn 30 tuổi rất nhiều.
Nếu đúng như vậy thì đây là nhận xét khoa học của các kinh tế gia. Kết quả của một quá trình nghiên cứu dài hơi của Phòng kinh tế vi mô ứng dụng của “Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế” (OCDE). Theo kết luận của các kinh tế gia thuộc khối OCDE thì các bà thấy đời sống của mình hạnh phúc và hạnh phúc được biểu tượng bằng một đường vẽ theo hình chữ U. Đường cong chữ U bắt đầu bằng lớp tuổi từ 16-19, tuổi còn đi học hoặc còn sống với cha mẹ. Chưa thật sự biết hạnh phúc là gì. Từ 30-40 tuổi là cuộc đời về mặt hạnh phúc đang đổ dốc. Tới 40-50 là tuổi cực thấp về mặt hạnh phúc. Tức hạnh phúc tụt xuống dưới mức O. Từ sau 50, hạnh phúc tăng lên với tốc độ nhanh như hồi tuột dốc, để đạt cao điểm là hạnh phúc tuyệt vời vào 70 tuổi.
Bà Inès de la Fressange báo tin mừng cho các bà hiện ở tuổi 50 là bắt đầu bước lên con đường hạnh phúc. Tức nét bên mặt của U là đường cong biểu diễn vươn lên cao.
Các bà có tin không?
Quan niệm phát triển cho hạnh phúc
LHQ quan niệm vào thập niên 90 phát triển phải nhằm phục vụ phúc lợi con người. Kinh tế một quốc gia có tăng trưởng với 2 số tính theo sản lượng nội địa thì cũng không có ý nghĩa thật sự về mặt phát triển của quôc gia đó. Trong gần đây, năm 2008, T.T.Sarkozy của Pháp đưa ra lời kêu gọi các quốc gia Âu châu trước hết hãy thay đổi cách làm thống kê về phát triển, đừng hoàn toàn căn cứ vào những con số đo sản lượng nội địa, mà chủ yếu nhằm vào phúc lợi con người. Ông giao cho kinh tế gia Joseph Stiglitz, giải Nobel kinh tế, điều khiển một Ủy ban nghiên cứu cách tính mức phát triển phù hợp với phúc lợi con người không theo cách cũ nữa tuy rằng con số chỉ sản lượng nội địa một quốc gia tự nó không phải sai. Người ta hiểu và áp dụng không đúng mà thôi.
Năm 1974, kinh tế gia Richard Easterlin của Mỹ là người đầu tiên chứng minh con số thống kê sản lượng nội địa không đủ nói lên mức phúc lợi của người dân một quốc gia được hưởng. Ở thời điểm đó, kinh tế nước Mỹ phát triển liên tục suốt 30 năm nhưng thăm dò người dân Mỹ, không thấy ai hài lòng với đời sống của mình vì có hạnh phúc. Người ta mới hiểu rõ hơn câu nói dân gian “tiền bạc không mua được hạnh phúc” là chân lý. Tội nghiệp cho kinh tế gia Easterlin thuyết giảng chân lý quá sớm vì lúc bấy giờ mọi người đang chạy theo thuyết phát triển gia tăng sản lượng nội địa là ưu tiên sanh tử. Tiếng nói của ông bị chìm ngay trong quên lãng. Mãi đến cuối thập niên 90, những nhà nghiên cứu kinh tế mới thấy ra rằng tại sao sự tăng trưởng sản lượng nội địa lại không cải thiện được đời sống con người. Nhiều cuộc điều tra về đời sống xã hội được thực hiện. Kết quả cho thấy hạnh phúc con người không chỉ liên hệ với lợi tức thu nhập và mức tiêu thụ. Các kinh tế gia thay đổi cách nhìn sự việc. Họ dựa vào sự đòi hỏi và thỏa mãn trong đời sống của cá nhân mà xác định điều gì có ảnh hưởng và quan trọng thật sự.
Trong một hội thảo về phát triển với cả ngàn người tham dự, người ta đi đến kết luận tìm yếu tố nào là yếu tố quyết định có hạnh phúc. Việc làm lương cao? Làm thân đàn ông sướng hay làm thân đàn bà sướng? Có gia đình hay ở độc thân là hạnh phúc? Có con cái hay vợ chồng không con cái là hạnh phúc? Điều quái gở là mọi người bất ngờ khi thấy yếu tố tuổi tác làm thay đổi nếp suy nghĩ từ xưa nay. Bất luận thuộc thế hệ nào, bất luận hoàn cảnh kinh tế xã hội nào như việc làm, lương bổng, gia đình, người ở tuổi 30-40 đều cho biết là họ đang sống tuột dóc, không biết hạnh phúc là gì hết cả. Tới tuổi 50, họ bắt đấu thấy tỉnh táo như vừa mới được sanh ra. Và qua 60, họ hân hoan chào mừng cuộc đời tươi sáng, êm đẹp. Họ từng bước tiến lên theo biểu đồ hạnh phúc bằng đường cong chữ U bên mặt.
Tất cả các nhà kinh tế học đều kinh ngạc. Họ đã phải nhìn nhận rằng chính tuổi tác mới ảnh hưởng thật sự đời sống có hạnh phúc hay không. Từ đây, biểu đồ hạnh phúc chữ U xuất hiện trong văn học kinh tế ở khắp các nước Tây phương.
Để xác nhận thêm một lần nữa lý thuyết về hạnh phúc liên hệ mật thiết với tuổi tác, kinh tế gia người Mỹ, ông David Blanchflower và kinh tế gia người Anh, ông Andrew Oqwald, cả hai cùng thực hiện một cuộc điều tra trên 500 000 người Mỹ và Âu châu, kết quả cho thấy dù đàn ông hay đàn bà, ở bên này hay nên kia bờ Đại Tây dương, sự cảm nhận hạnh phúc bị rớt xuống mức thấp nhứt ở cuối năm 40 tuổi để bắt đầu vươn lên ở tuổi 50. Riêng ở Pháp, Viện thống kê quốc gia (Insee) năm 2008, mở cuộc điều tra và kết quả vẫn là đồ biểu hạnh phúc chữ U. Đồng thời, ở Hòa-lan, kinh tế gia Bert Van Landeghem, sử dụng những dữ kiện của Anh, Đức và Thụy sĩ, đi đến kết luận “hạnh phúc các bà, hay nói chung, chỉ bắt đầu, hay đúng hơn bắt đầu lại từ tuổi 50”.
Như vậy phải chăng người ta có thể quả quyết đường cong chữ U có giá trị phổ quát để mô tả hạnh phúc con người? Các bà ở tuổi 65 thường cho rằng mình chỉ mới có 25. Nhưng điều đó không phải không có nghĩa là các bà không hạnh phúc bằng hồi 25 tuổi thật sự. Trái lại là khác.
Vậy con người ta sống hạnh phúc thật sự chỉ từ tuổi 50?
Để tìm hiểu kết luận trên đây có đúng không, chúng ta thử nhìn lại khoảng thời gian hai mươi năm trước 50 tuổi, con người quần quật để tạo dựng cho mình một mái ấm gia đình, một sự nghiệp. Tuổi 50 là thởi điểm để gặt hái kết quả đầu tư. Hay để xem xét lại những ước muốn, kiểm điểm thành quả của những dự án. Người Á đông có câu nói “Ngũ thập tri thiên mệnh”!
Riêng các bà có chung nỗi lo là thời kỳ tắt kinh. Cơ thể thay đổi ảnh hưởng đến đời sống ái ân. Nhưng nỗi lo già nua sẽ không còn ám ảnh các bà nữa vì ngày mai, hiện tượng sinh lý này sẽ được đẩy lui tới tuổi 60. Làm chậm lại dấu hiệu già nua và tìm lại được cho mình những năm tháng quý báu của tuổi trẻ.
Những ý kiến về hạnh phúc từ tuổi 50
Theo kinh tế gia Joseph Stiglitz, Nobel kinh tế, thì đời sống con người chỉ thật sự bắt đầu từ giữa 40 và 50 tuổi. Trước đó, sự lo âu, sự thiếu ổn định đã làm mất đi hạnh phúc.
Giáo sư Etienne-Émile Beaulieu, người phát minh ra thuốc cải lão hoàn đồng DHEA, cho rằng khi tới tuổi 50, người ta phải biết trước mắt còn ít nhứt 50 năm nữa để sống. Năm nay, ông 84 tuổi, người vẫn còn lanh lẹ, đầu óc vẫn minh mẫn, ý chí làm việc không mệt mỏi, ông tiếp tục thực hiện tham vọng tìm cách kéo dài tuổi thọ con người.
Theo Giáo sư Beaulieu thì một người 50 tuổi năm 2011 và một người 50 tuổi năm 1950 hoàn toan khác. Người 50 tuổi ngày nay có bắp thịt, tim mạch trong tình trạng tốt. Một phụ nữ 50 tuổi ngày nay trông giống như Bà nội của bà ấy lúc 35 tuổi. Cứ mỗi năm từ năm1950, chúng ta được thêm 3 tháng tuổi thọ.
Những người sanh năm 2000 sẽ sống tới 100 tuổi trung bình. Người ta sẽ chúc nhau không phải “sống lâu trăm tuổi” nữa mà phải phải nói sống thọ 120 tuổi. Và người sống 120 tuổi không phải do di truyền mà đó là tuổi thọ trung bình cho mọi người ngày mai này.
Bác sĩ Frédéric Saldmann, làm việc về tim và dinh dưỡng ở Bệnh viện Âu châu Georges Pompidou, Paris, cho rằng khoa học trong thập niên tới sẽ cải thiện tuổi thọ con người để sống 150 tuổi. Ông than thở “tiếc là chúng ta sanh hơi sớm một chút nên phải chờ đợi để hưởng những tiến bộ ấy”. Tạm thời, ông biên toa cho bịnh nhơn của ông “Chocolat đen, rượu chát (Vin) chừng mực, nhưng quan trọng là sex thả cửa”.
Ông nhấn mạnh “Làm tình 21 lần / tháng sẽ giúp tránh được nhiều bịnh tật nguy hiểm, nhứt là tránh được cho các ông trên 50 tuổi 1/3 nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến, giúp mọi người sống thọ thêm 10 năm. Riêng các bà, làm tình sẽ phóng thích một số luợng ocytacine cần thiết, một thứ hóc-mon có tác dụng bảo vệ và ngăn ngừa ung thư vú. Nếu ai cũng bảo muôn sống khỏe và thọ nên thường xuyên tập thể dục. Đúng! Nhưng đừng quên rằng làm tình đúng cách là môn thể dục trọn vẹn hơn hết” {Trích dẫn sách của Bs Frédéris Daldmann, La vie et le Temps (Đời sống và Thời gian), do Flammarion xuất bản}.
Các Bà và các Ông trên 50 nghĩ xem đây có phải là thời đại của ta hay không?
Nguyễn thị Cỏ May
(Trileo mail)

1 nhận xét:

  1. Nhưng đừng quên rằng làm tình đúng cách là môn thể dục trọn vẹn hơn hết .
    Theo bạn thì làm tình thế nào là đúng cách ?

    Trả lờiXóa

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001