Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

1028. Tranh luận về chính sách ngoại giao của Trung Quốc
Posted by basamnews on 24/05/2012
South Asia Analysis Group

Tranh luận về chính sách ngoại giao của Trung Quốc

Tác giả: Bhaskar Roy
Người dịch: Trần Văn Minh
17-05-2012
Các cuộc tranh luận về chính sách ngoại giao là chuyện bình thường ở bất cứ cường quốc và quốc gia có tầm ảnh hưởng nào. Các nhà thông thái trong nước được chính quyền tham khảo để đánh giá những quan điểm khác nhau hầu tìm ra điều mà dân chúng muốn, những điều môi trường bên ngoài báo trước và cuối cùng là chuẩn bị phương cách đáp ứng và hành động. Trung Quốc, một quốc gia độc đảng, không có vấn đề đảng đối lập theo sát gót như ở Ấn Độ, nhưng không giống như thời Mao-ít, ngày nay lãnh đạo Trung Quốc phải lưu tâm đến những tiếng nói khác biệt bên trong hệ thống qua chín ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị của Đảng.
Theo ông Lý Vệ (Li Wei), một giảng viên trường Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, Đại học Renmin (theo báo Century Business Herald, ngày 20-21 tháng 2 năm 2012), một cuộc tranh luận sôi nổi về chính sách ngoại giao hiện tại đang xảy ra, khảo sát nguyên tắc “che dấu sức mạnh, chờ đợi thời cơ” của Đặng Tiểu Bình có còn hợp thời hay không.
Đây không phải là lần đầu tiên chính sách của Đặng Tiểu Bình bị đặt nghi vấn. Ông đã đặt ra chính sách này với nhiều khuyến khích, vào khoảng năm 1991-1992 khi Trung Quốc đang bị thế giới cô lập theo sau vụ thảm sát Thiên An Môn hồi tháng 6 năm 1989. Ông Đặng quyết xây dựng một nước Trung Quốc hùng mạnh về kinh tế và quân sự, trong môi trường ổn định. Lời khuyên đặc biệt cho ông ta là đừng đối đầu với Hoa Kỳ. Theo các chuyên gia Trung Quốc, Trung Quốc đã đạt được vị thế đó, nhất là sau khi thay thế Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới trong năm nay. Một lần nữa, một phân bộ trong giới chức lo về chính sách ngoại giao Trung Quốc, nhất là về lĩnh vực quân sự, đã bắt đầu phô trương sức mạnh vào những năm đầu của thế kỷ này. Cũng cần nên nhắc lại rằng, vào khoảng năm 2004, một học giả Trung Quốc đưa ra đề nghị là Trung Quốc nên kiểm soát khu vực từ Trung Đông tới Tây Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, hiện Trung Quốc đang đứng trước một chuyển biến lớn khác trong lịch sử, theo sau chính sách đổi mới và mở cửa do Đặng Tiểu Bình chủ xướng năm 1978. Sự thay đổi lãnh đạo mỗi 10 năm sẽ xảy ra vào mùa thu năm nay. Trung Quốc đã bị mất uy tín do các vụ bê bối như sự cố Bạc Hy Lai hồi tháng 2 và tháng 3 năm nay, và trường hợp mới đây về nhà hoạt động dân chủ khiếm thị Trần Quang Thành, người đã lánh nạn trong Đại Sứ quán Hoa Kỳ 6 ngày. Sự chuyển hướng sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã gia tăng sự quan ngại về an ninh và thách thức tham vọng bá quyền trong khu vực của Trung Quốc.
Vì thế, việc thực thi hay bãi bỏ nguyên tắc của Đặng Tiểu Bình được đưa vào cuộc tranh luận về hai câu hỏi căn bản, “phải chăng Hoa Kỳ đang suy thoái?” và “đường lối căn bản của chiến lược ngoại giao Trung Quốc là gì?”
Theo bài viết của ông Lý Vệ, Giáo sư Wang Yizhou, tác giả của quyển sách “Sự tham gia khôn khéo: một đường lối mới trong chính sách ngoại giao Trung Quốc”, nhìn thấy 3 vấn đề căn bản mà Trung Quốc đang đối mặt.
Thứ nhất, sức mạnh gia tăng của Trung Quốc đã không có chỗ cho sự phát triển mạnh mẽ tiếp theo, và Trung Quốc là nguyên nhân cho mối lo ngại và mong đợi ngày càng nhiều của cộng đồng thế giới. Cần có sự gia tăng về trách nhiệm quốc tế, khi sức mạnh Trung Quốc gia tăng. Nếu Trung Quốc không có khả năng đáp ứng điều này, về căn bản họ sẽ hủy hoại “sức mạnh mềm” của chính họ.
Kế đến, Trung Quốc đang đối diện với nhiều vấn đề ngoại giao cấp bách. Liệu Trung Quốc có thể giải quyết các tranh chấp đang xảy ra bằng sức mạnh hiện có của họ?
Thứ ba, chính sách ngoại giao truyền thống về che dấu sức mạnh và chờ đợi thời cơ đã chứng tỏ không có khả năng bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài.
Ba vấn đề nêu trên là phát biểu ngắn gọn trong phân tích của Giáo sư Wang, nhất là khi Trung Quốc bước vào sân khấu thế giới trong tư thế có uy quyền. Vì vậy, Trung Quốc không thể ở lại vị thế van nài rằng mình vẫn còn là một nước đang phát triển và tránh né trách nhiệm với thế giới, và đồng thời đòi hỏi tư thế cường quốc để tranh giành lợi thế trong mậu dịch, để cho những nước khác đổ vỏ.
Ông Lý Vệ diễn tả hai phía của cuộc tranh luận là “quốc tế gia” và “thực nghiệm gia”. Cả hai phía đồng ý rằng, chính sách của Đặng Tiểu Bình không còn thích hợp và ủng hộ sự tham gia tích cực vào công việc thế giới của Trung Quốc. Hai nhóm này có những khác biệt căn bản về các cách tiếp cận ngoại giao và chiến lược tiêu biểu. Các quốc tế gia không đồng ý với việc sử dụng vũ lực, khuyến cáo tự kiềm chế, chủ trương tuân theo các thông lệ quốc tế, dựa vào hệ thống vận hành quốc tế để tham gia vào việc điều hành thế giới, trong lúc nhấn mạnh vai trò trách nhiệm với xã hội – không chỉ quyền tối cao.
Các thực nghiệm gia đặc biệt ưa thích quyền lực quân sự lớn mạnh và sẵn sàng phô diễn sức mạnh với cộng đồng quốc tế, nếu cần. Quan điểm này tiêu biểu cho thái đội quyết đoán của Trung Quốc được chứng kiến gần đây, nhất là qua diễn tiến của các tranh chấp lãnh thổ trong vùng Biển Đông và với cường độ nhẹ hơn ở vùng biển Hoa Đông. Quan điểm này cổ võ việc bảo vệ lợi ích ở nước ngoài đang gia tăng của Trung Quốc, thiết yếu để nuôi sống bộ máy phát triển (kinh tế) gia tăng. Ngày nay, Trung Quốc lệ thuộc rất nhiều vào vấn đề nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu thô như quặng sắt.
Điểm yếu trong các phân tích về Trung Quốc là, rất ít điều được biết về những gì xảy ra bên trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 9 ủy viên, là những người nắm quyền quyết định cuối cùng về những gì được thi hành. Chắc chắn rằng Tổng Bí thư hiện nay là Hồ Cẩm Đào là người nắm giữ lá phiếu quyết định. Nhưng ông Hồ Cẩm Đào không phải là Mao Trạch Đông, và cũng không phải Đặng Tiểu Bình. Mặc dù quyết định cuối cùng của nhóm này sẽ được thi hành, chắc chắn sẽ có những sự khác biệt. Các nhóm lợi ích ngày nay có quyền thế hơn hai thập niên trước, và tác động lên những quyết định. Quân đội nắm giữ vị thế cao hơn và có tiếng nói mạnh mẽ về chính sách ngoại giao chiến lược, như các vấn đề lãnh thổ, hơn là bộ ngoại giao. Theo định nghĩa của Lý Vệ thì quân đội thuộc về nhóm thực nghiệm gia.
Sự thử nghiệm về tác động của hai nhóm có vẻ như được phản ánh phần nào qua thái độ của Trung Quốc đối với Philippines về chủ quyền ở bãi cạn Scarborough, còn gọi là đảo Hoàng Nham ở Biển Đông.
Vào ngày 7 tháng 5, bà Phó Oánh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã triệu tập ông Alex Chua đại biện Philippines ở Bắc Kinh và cảnh báo rằng, Trung Quốc đã chuẩn bị đầy đủ để đối phó nếu phía Philippines làm tình hình căng thẳng tại đảo Hoàng Nham gia tăng. Ngày 8 tháng 5, trong mục bình luận của Nhân Dân Nhật báo, tờ báo có thẩm quyền, đã đưa ra tối hậu thư cho Philippines rằng, khi Trung Quốc không chịu đựng được nữa thì sẽ không cần kềm chế. Báo của Quân Giải Phóng Nhân Dân TQ (PLA), tờ Nhật báo Quân đội Giải Phóng, hôm 10 tháng 5 cũng đã cảnh báo tương tự như thế, rằng Trung Quốc sẽ không nhượng bộ nửa tấc đất trong lãnh thổ của mình. Các lãnh đạo cao cấp của PLA như Thiếu tướng La Viện cũng lên tiếng công kích.
Tuy nhiên, giọng điệu của Trung Quốc đã thuyên giảm bất thình lình. Bộ Quốc phòng đã loại bỏ khả năng về một cuộc chiến với Philippines. Nhưng ấn tượng để lại là, Bắc Kinh không muốn tuân theo các luật lệ quốc tế về các tranh chấp lãnh thổ mà họ tuyên bố như thể đó là của chính họ. Điều này, từ mọi phương diện, là một sự tạm nghỉ. Philippines cũng xuống giọng.
Quyết định giảm bớt căng thẳng tình hình của Bắc Kinh bắt nguồn từ lợi ích của Hoa kỳ trong khu vực. Hoa Kỳ và Philippines có một hiệp ước quân sự, mặc dù vẫn còn mù mờ về sự can thiệp của Hoa Kỳ trong trường hợp Philippines bị tấn công. Hoa Kỳ và Philippines đã thực hiện một cuộc diễn tập quân sự chung hồi tháng 4, gồm việc lấy lại một hòn đảo bị quân ngoại quốc chiếm giữ. Thông điệp đó rõ ràng là nhắm tới Trung Quốc.
Hơn nữa, quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và Việt Nam như mở rộng các cuộc tiếp xúc quân sự từ năm 2011 đã gây khó chịu cho Trung Quốc. Bắc Kinh cho đây là một hành động khởi đầu của Hoa Kỳ để xây dựng liên minh với các nước yếu kém ở Đông Nam Á nhằm chống lại Trung Quốc. Áp lực của Bắc Kinh ở khu vực biển Hoa Đông về chủ quyền trên các đảo Senkaku với Nhật bản đã tạo nên một tình hình căng thẳng khác. Nhưng tình thế ở biển Hoa Đông thì khác. Các quốc gia liên hệ, Nhật Bản và Hàn Quốc không phải là các nước yếu kém. Cả hai cũng có liên minh quân sự mạnh mẽ với Hoa Kỳ, và Hoa Thịnh Đốn có quân đội hiện diện ở cả hai nước.
Những suy xét này chắc hẳn đã tác động lên Trung Quốc và các nhà thực nghiệm trong quyết định rút lui tạm thời. Nhưng đây là các vấn đề ung nhọt. Tương lai dường như vẫn còn mất cân bằng. Sự quan tâm của quốc tế rõ ràng đã chuyển sang châu Á và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Nguồn: SAAG
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Trần Văn Minh
(nguồn basamnew)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001