Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Bước đại nhảy vọt của quân đội Trung Quốc
(Dịch từ nguyệt san L’Expansion tháng 12/2011)

Phi cơ tiêm kích, hàng không mẫu hạm, hỏa tiễn…Với việc sao chép kỹ thuật của nhà cung cấp vũ khí là nước Nga, Bắc Kinh đã xây dựng nên một quân đội hiện đại, và một nền công nghiệp quốc phòng đầy tham vọng, đã bắt đầu làm cho Hoa Kỳ và châu Âu lo ngại.

« Chiếc tàu này sẽ trở thành một casino trên biển ». Đó là những gì người Trung Quốc đã nói khi mua lại chiếc hàng không mẫu hạm cũ của Ukraina, chiếc Varyag, hồi tháng 6/2000. Nhưng rồi chiếc mẫu hạm được đặt lại tên là Thi Lang đã được chạy thử lần đầu vào mùa hè này, không hề là thiên đàng của các đại gia rủng rỉnh tiền cho các trò đỏ đen. Nó đã trở thành một chiếc hàng không mẫu hạm mới toanh, hiện là niềm tự hào của hải quân Trung Quốc.

Giới quân sự Trung Quốc, họ rất thích gây ngạc nhiên ! Hồi cuối năm 2010, họ loan báo việc triển khai một loại hỏa tiễn chiến lược mới, có khả năng đe dọa vai trò bá chủ của Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương. Vào tháng Giêng năm nay, hình ảnh một loại phi cơ tiêm kích lạ lùng được lan truyền trên internet, gây sững sờ cho các chuyên gia phương Tây : không quân Trung Quốc đã hoàn chỉnh được máy bay tàng hình ! Đến tháng 10, chiếc máy bay mẫu này, được đặt tên là J-20, đã thành công trong chuyến bay thử đầu tiên.

« Khi Trung Quốc vũ trang, thế giới sẽ rung chuyển » (LND : Từ câu nói của Nã Phá Luân « Khi Trung Hoa tỉnh thức, thế giới sẽ rung chuyển »). Đây là suy nghĩ của Lầu Năm Góc, khi trong một báo cáo gần đây đã tỏ ra quan ngại về việc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang gắng sức hiện đại hóa.

Khó thể nào biết được những ý đồ thực sự của người Trung Quốc. Có phải họ chỉ đơn thuần muốn có một lực lượng quân sự « phòng thủ » như họ khẳng định hay không ? Hay là, như suy nghĩ của nhiều quan sát viên nước ngoài, họ muốn đóng một vai trò đầy tham vọng trong khu vực ? Một chuyên gia quân sự không muốn nói tên thổ lộ : « Điều này vẫn còn mập mờ. Không có gì trong thái độ của Bắc Kinh cho thấy họ tìm cách đạt được cân bằng chiến thuật với người Mỹ.Nhưng đồng thời người ta cũng nhận thấy rằng từ hai ba năm nay, Bắc Kinh đã thay đổi hẳn giọng điệu. Hung hăng hơn, thù địch hơn ! ».

Chỉ cần giở tờ báo Global Times ra đọc để kiểm chứng lại điều này. Tờ báo được xem là tiếng nói không chính thức của Bắc Kinh thường xuyên bày tỏ một thái độ rất hiếu chiến mỗi khi có sự kiện nào liên quan đến lợi ích quốc gia. Đó cũng là trường hợp mới đây về vấn đề thăm dò dầu khí tại Biển Đông.

Khả năng « Trung Quốc hóa » các kiểu mẫu của Nga

Chính quyền Bắc Kinh làm mọi cách để đạt được khả năng này, và phải nói rằng họ bắt đầu từ một trình độ khá thấp. Trở lại một chút vào thời điểm của năm 1989, khi xảy ra vụ thảm sát Thiên An Môn : các nước phương Tây tiến hành các biện pháp trừng phạt, và cấm bán vũ khí cho Trung Quốc. Bắc Kinh bèn quay sang Matxcơva. Đây là một hướng ra bất ngờ cho ngành công nghiệp quân sự Nga đang đứng bên bờ vực, sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Nga liền tuôn số vũ khí tồn cho « nước anh em » : xe tăng tác chiến, chiến hạm, tiềm thủy đĩnh, hỏa tiễn…và đặc biệt là các loại phi cơ tiêm kích, mà người Trung Quốc vội vã cho tháo rời ra để học hỏi kỹ thuật. Họ ngây thơ chăng ? Người Nga phải mất khá nhiều thời gian trước khi nhận chân được mối đe dọa.

Ví dụ ngoạn mục nhất liên quan đến loại máy bay tiêm kích Sukhoi 27 (Su-27) của Nga. Được chính quyền Bắc Kinh đặt mua trên 200 chiếc, Nga đồng ý cho lắp ráp tại Trung Quốc, nhưng theo hợp đồng thì đa số phụ tùng phải được nhập khẩu từ Nga. Hợp đồng cũng cấm Trung Quốc xuất khẩu kiểu máy bay này sang nước khác. Năm 2004, khi chỉ mới giao được phân nửa số lượng máy bay đặt mua, Trung Quốc bỗng chấm dứt hợp đồng. Ba năm sau đó, trên truyền hình Trung Quốc xuất hiện chiếc J-11, một kiểu máy bay nhái theo chiếc Su-27 và được cải tiến một ít. Chỉ có động cơ là của Nga.

Bertrand Slaski, cố vấn cao cấp của cơ quan tình báo chiến lược châu Âu phân tích : « Khả năng bắt chước chiếc Su-27 và nhất là việc « Trung Quốc hóa » nó của Bắc Kinh đã gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người ». Ông nói tiếp, nghiêm trọng hơn nữa là « Bắc Kinh không còn ngần ngại cạnh tranh với chính Matxcơva trong việc xuất khẩu, một điều mà cách đây vài năm không ai có thể nghĩ đến ».

Chẳng hạn như chiếc JF-17, một loại phi cơ tiêm kích mà Trung Quốc đã cùng triển khai với Pakistan, nay đang cạnh tranh với chiếc Mig-29 khi tham gia đấu thầu ở Ai Cập. Tại Miến Điện cũng thế. Và như thường lệ, các sản phẩm made in China luôn siêu cạnh tranh. Giá bán JF-17 chỉ có 10 triệu đô la một chiếc, trong khi chiếc Mig-29 đắt gấp ba lần ! Yếu tố này có thể hấp dẫn một số quốc gia châu Phi như Nigeria hay Zimbabwe, là những nước có tiềm năng quân sự lớn.

Trên thị trường hỏa tiễn, Trung Quốc lại còn tiến nhanh hơn. Họ đã thực hiện được một bản sao của loại hỏa tiễn Nga S-300, được những người thông thạo cho rằng « khá tốt ». Một chuyên gia quân sự mỉa mai : « Bắc Kinh có thể cảm ơn người Nga. Nhờ Matxcơva mà nay họ đã rất mạnh về kỹ thuật tên lửa ». Trong thập niên vừa qua, Trung Quốc đã tăng gấp đôi xuất khẩu vũ khí, và trở thành quốc gia đứng hàng thứ sáu thế giới trong lãnh vực này.

Nhưng cho dù rất nỗ lực, Bắc Kinh vẫn chưa thể rút ngắn được mọi khoảng cách. Bertrand Slaski nhận định : « Đã hẳn là Trung Quốc nắm vững được việc sản xuất tàu ngầm, hàng không mẫu hạm, xe bọc thép và các loại thiết bị bay. Họ cũng triển khai được các kỹ thuật như radar, điện tử hàng không, thiết bị cơ giới tự động… nhờ đó sản xuất ra được các hệ thống vũ khí rất cạnh tranh. Nhưng nay Trung Quốc cần phải chuyền đổi từ mô hình quân đội theo kiểu xô viết cũ, sang một dạng quân đội hiện đại, ứng dụng các kỹ thuật mới mẻ về thông tin và truyền thông ».

Một kiểu quan niệm đặc thù về chủ quyền lãnh hải

Trong số những ưu tiên của chính quyền Bắc Kinh, ưu tiên hàng đầu là xây dựng một cụm căn cứ không quân trên biển. Họ cần khoảng 5 năm để có được một hạm đội sẵn sàng hoạt động, hộ tống cho chiếc hàng không mẫu hạm Thi Lang. Khi Trung Quốc đạt đến khả năng này, thì cục diện ở Tây Thái Bình Dương sẽ thay đổi hẳn.

Một nhà chiến lược quân sự giấu tên giải thích : « Đó là vì Bắc Kinh chỉ có mỗi một khát vọng : xây dựng một pháo đài trên đại dương. Họ cũng có cách nhìn vê chủ quyền lãnh hải không giống ai cả. Dưới con mắt của Trung Quốc, thì mối quan tâm của họ không phải là lãnh hải, mà là vùng biển « lịch sử » nằm ở xa tít vùng duyên hải của họ ».

Và khi đó sẽ là « Phút nói thật ». Trung Quốc sẽ có thái độ như thế nào một khi hải quân của họ thống trị được Thái Bình Dương ? Liệu Bắc Kinh sẽ sử dụng lực lượng này để gây áp lực trên các lãnh thổ mà họ đang đòi hỏi chủ quyền, như Đài Loan chẳng hạn ? Và như vậy thì người Mỹ sẽ phản ứng như thế nào ? Liệu Hoa Kỳ có gởi các hàng không mẫu hạm nguyên tử đến đây như đã làm hồi năm 1996 hay không ?

Nhân tiện, bạn đọc có biết tên Thi Lang có ý nghĩa gì không ? Đó là tên một vị thủy sư đô đốc nhà Thanh đã từng xâm lược vương quốc Đông Trữ - một hòn đảo ngày nay mang tên là Đài Loan.

ồn thuymy RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001