Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Cái hành lang và cái cầu

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS Nguyễn Sĩ Dũng có lần hùng hồn khẳng định, đại ý: Nếu một dân tộc hàng triệu người mà thiếu đi truyền thông thì cũng chỉ có sức mạnh của một người.

Ông nói điều này trong một cuộc hội thảo với chủ đề “quan hệ với báo chí trong hoạt động Quốc hội”. Hôm đó, khi GS Nguyễn Minh Thuyết tổng kết thái độ, hành động của một dân biểu, trong quan hệ với báo chí- bằng 8 chữ T “thân thiện, thẳng thắn, tỉnh táo, tự tin”, các đại biểu thậm chí còn thân thiện góp thêm 4 chữ “trí tuệ, thực tế”. Thật là sung sướng khi báo chí được ca ngợi là “cái cầu” để cử tri có thể giám sát hoạt động các đại biểu họ đã bầu nên.
Sáng nay, sau phiên khai mạc của kỳ họp thứ 3, QH khóa XIII, dường như không có mấy đại biểu xuất hiện trên báo. Dường như không phải họ đã quên “12 chữ T” mà do một quy định về tác nghiệp của báo chí tại QH.
Tuổi trẻ sáng nay đưa một tin “độc”: Phóng viên gặp khó khi tác nghiệp tại Quốc hội.
Theo đó, trong ngày khai mạc, Trung tâm báo chí kỳ họp thứ 3 QH khóa XIII đã phát hành thông báo yêu cầu các phóng viên không được thực hiện phỏng vấn đại biểu Quốc hội tại các hành lang hai bên và hành lang sau của hội trường Bộ Quốc phòng (nơi Quốc hội làm việc). Muốn phỏng vấn, phóng viên phải mời đại biểu Quốc hội vào phòng phỏng vấn (phòng số 12) được đặt tại tầng hai của khu hội trường. Quy định trên đây khiến các phóng viên báo, đài gặp rất nhiều khó khăn khi tác nghiệp, bởi khu vực trả lời phỏng vấn cách các hành lang của hội trường và nơi giải lao của đại biểu bởi một cầu thang khá dài, trong khi thời gian nghỉ giải lao chỉ có 20 phút (đây là khoảng thời gian các đại biểu thường dành để trả lời báo chí trong nhiều kỳ họp trước).
Thực ra, Tuổi trẻ còn đưa thiếu 1 chi tiết: Khi các đại biểu phát biểu, các PV không được vào chụp ảnh mà chỉ có Ban Ảnh TTXVN được tác nghiệp và có trách nhiệm “cung cấp ảnh” cho các báo.
Nói “gặp nhiều khó khăn” còn là quá nhẹ nhàng. Bởi giờ “ngó mặt” cũng phải ngó qua…tivi, ít tệ hơn thì ngó qua…cái “hành lang dài”. Bởi cái nghề mà giới PV nghị trường hay nói đùa là “bu quanh mồm đại biểu” giờ đã mất nghiệp. Trong cái hội thảo mà TS Nguyễn Sĩ Dũng đã nói tới sức mạnh một người nếu không có báo chí đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên Lê Như Tiến cũng cho rằng: Đã là đại biểu Quốc hội, là nghị sĩ thì cánh cửa phòng làm việc phải luôn mở rộng với báo chí. Khi phóng viên đề nghị phỏng vấn thì thì dù bận rộn đến mấy chỉ có thể hẹn chứ không được nói không.
Không ai nghi ngờ phát ngôn của ông Tiến. Không ai phủ nhận sự nhiệt tình, thân thiện của các vị đại biểu QH, nhưng giờ muốn gặp họ ở QH giờ khó quá. Nhà báo cần đại biểu có nghĩa là cử tri đang cần, công chúng đang cần, dư luận xã hội đang cần. Thôi thì đành phải nhờ sự khó nhọc của các vị đại biểu QH để “cái hành lang dài” không thay thế cho “cái cầu”: Đại biểu dân cử- Báo chí- Cử tri.

(nguồn Đào Tuấn blog)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001