Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Một du học sinh dẫn bạn nước ngoài đi chơi tại Hà Nội


Posted by  on 6/05/12 

Trong khi các học sinh lớp 12 trên cả nước miệt mài ôn luyện chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp thì một du học sinh Việt Nam tại Bốt-tơn là anh Trần Du Học lại tung tăng dẫn bạn người Mĩ đi chơi trên các nẻo đường Hà Nội.
Anh Trần Du Học hiện đang là sinh viên năm thứ 4 khoá tiến sĩ chất lượng Mĩ tại Đông Bắc đại học viện vốn nổi tiếng khắp nước Mĩ vì có 2 nữ sinh trở lên trong mỗi lớp học ngành kĩ sư. Nhân dịp nghỉ hè, anh Du Học đã tranh thủ về quê để báo cáo tiến độ hai công trình nghiên cứu khoa học chưa có lời giải đáp với tựa đề :“Hoàn cảnh nào dẫn đến việc anh vẫn chưa có bạn gái?” và “Chính xác là bao giờ anh sẽ tốt nghiệp?” Bạn cùng khoa với anh là anh Mai-cơn Cô-lin, người Mĩ, đã hào hứng xung phong cùng anh Du Học đến Việt Nam. Tại cửa khẩu sân bay Nội Bài, anh Mai-cơn hào hứng cho biết :“Tôi nghe nói Việt Nam là một đất nước có lịch sử lâu đời và nền văn hoá độc đáo. Tôi hi vọng sẽ được tìm hiểu nhiều về nước bạn qua chuyến đi này.” 

Tiền trạm cho anh Mai-cơn, ông Giôn Mác Kên, một du khách kì cựu đi kiểm tra tình hình ăn ở tại khách sạn Hà Nội Hin tơn
Ngày đầu tiên anh Mai-cơn ở Hà Nội, anh được bạn dẫn đi một vòng các danh lam thắng cảnh thủ đô như khu Bờ Hồ, chợ Đồng Xuân, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bảo Tàng Hồ Chí Minh, Bảo Tàng Hà Nội,, vv. Tuy nhiên anh Mai-cơn không tỏ ra quá hứng thú với các địa danh này vì “Hình ảnh chợ búa ở Việt Nam đã quá quen thuộc trên các phim tài liệu. Còn các đền đài bảo tàng thì khi vào tôi toàn gặp người nước ngoài lơ ngơ như tôi, chỉ thi thoảng mới thấy vài người Việt thì hoá ra họ lại là nhân viên bảo tàng. Tôi muốn tới nơi những người Việt Nam hiện đại thích tới, để hiểu thêm về cách suy nghĩ và cách sống của họ.”
Đáp ứng với nhu cầu này, ngày hôm sau, anh Trần Du Học dắt anh Mai-cơn Cô-lin đi xem phim tại Mê-ga-xờ-ta, nơi có mật độ teen boi teen gơn cao nhất trong thành phố. Sau đó anh Mai-cơn Cô-lin đã được dẫn đi ăn trưa tại “Gà rán Ken-tấc-ki”, một cửa hàng mang phong vị Mỹ đến cho số đông nhiều người Việt Nam đang du học tại chỗ. Nhận định về chuỗi nhà hàng này cũng như các cửa hàng Mác-Đô Nan sắp mở, anh Phan Văn Giôn-ni, Mỹ kiều sinh sống nhiều năm ở Việt Nam nói: “Tôi đến Việt Nam trước bệnh béo phì.”  Còn anh Mai-cơn thì vô cùng phấn chấn trao đổi với anh Du Học: “Ở Pháp người ta nói “Bon appetit”,  ở  Nhật Bản mọi người nói “itadakimasu”, giờ tôi biết ở Việt Nam trước khi ăn cơm và xem phim thì phải chụp hình.”

Nhập môn phong tục Việt Nam bài 1: chụp hình trước khi ăn
Trong quá trình dẫn anh Mai-cơn đi chơi, anh Du Học đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị vì được đóng giả làm người ngoại quốc. Tại khu vực ngã tư Đường Thành-Hàng Bông, trong khi hai anh đang trò chuyện bằng tiếng Tây với nhau, anh Du Học nghe được người chủ cửa hàng lên chiến thuật chi tiết cùng vợ: “Thằng này trông có vẻ Tây ba lô chắc là ki lắm. Thằng châu Á chắc là Hồng Công, có khi khách sộp.” Sau khi vui vẻ rời cửa hàng đồ lưu niệm, anh Du Học đã vô cùng vui vẻ giải thích cho anh Mai-cơn về phong tục của người Việt Nam hiếu khách, mỗi khi khách đi lại đốt tờ giấy báo mong giữ lại chút hơi ấm tình thương và gửi những lời tiễn đưa líu lo qua gió.
Lòng hiếu khách của người dân bản địa luôn được thể hiện mọi nơi, mọi lúc, dù anh Du Học có mặt hay không. Trong một chiều mải mê đi trà trộn tán gái ở trường Đại học Ngoại thương, anh Du Học đã bỏ mặc cậu bạn người Mỹ. Anh Mai-cơn đã gọi tắc-xi đi từ  chợ Đồng Xuân đến phố Hàng Chiếu, và được người tài xế dắt đi chu du 36 phố phường.
Tiếp tục đi theo anh Du Học tới những nơi mà người Việt Nam thực thụ thường lui tới để chạy trốn những ông Tây ngơ ngác cầm sách hướng dẫn ngắm nhìn cửa hàng thời trang mà theo chỉ dẫn là nhà hàng các món dân tộc, anh Mai-cơn đến một quảng trường lớn trước mặt một nhà thờ xây theo kiểu Gô-tích. Đời sống tinh thần của giới trẻ là đây chăng? Anh Mai-cơn được chứng kiến hàng trăm bạn trẻ ngồi uống trà chanh nghe chuông nhà thờ và nghe dịch lại những thảo luận về đề thi Văn tốt nghiệp, với nhiều câu hóc búa như “thế nào là hai con người côi cút?” hay “tại sao thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức?” Anh cũng vô cùng khoái trá khi biết đề thi Lịch sử hỏi về giai đoạn 1945-1973 ở nước Mỹ, và theo suy nghĩ của anh thì đó là một thời kì của những bây-bi bum-mờ, khi nước Mỹ  sản sinh ra những ông bà híp-pi như S-típ Giốp.   Quá trình trao đổi với các bạn Việt Nam cho thấy là đáp án của anh trật lất, và anh ra về sau khi đã học được câu “Tôi là người Mỹ bị hâm“, một câu chào do các bạn mới dạy. Anh sẽ  thực hành khi đi qua cửa xuất nhập cảnh, anh chắc chắn sẽ làm như thế.
Bởi anh biết, nói được tiếng Việt giọng Mỹ là một tài sản vô cùng quý giá. Thậm chí anh có thể trở thành ngôi sao truyền hình.
Trong khi đó, anh Du Học vẫn đang nói tiếng Mỹ giọng Việt mà chẳng được ai quan tâm.
(nguồn tinkhotin) http://tinkhotin.com/?p=2943
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001