Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

TỰ DO

Cam Thảo dịch từ "36 đức hạnh".


Một lần nữa, câu hỏi lại được đặt ra: Tự do có phải là một đức tính không? Ai muốn trả lời thì phải phân biệt rõ: một bên, tự do do thể chế hay quyền lực ấn định, bên kia, là tình yêu tự do, cũng như tự do tinh thần.
Hai điều này chắc chắn là những đức tính. Cuối thế kỷ thứ 18, nhà khảo luận người Anh William Hazlitt đã viết: “Tình yêu dành cho tự do là yêu người khác. Tình yêu dành cho quyền lực là yêu chính mình”. Thời đó chỉ cần nhắc đến chữ tự do là đủ để kích động quần chúng.
Làm sao quên được đã có rất nhiều người hy sinh mạng sống vì hai chữ tự do? Bởi vì, như nhà văn Élie Wieswl đã nói: “Một người tự do sẽ không tự do khi người khác không được tự do. Họ được tự do khi người khác cũng được tự do”. Người ta không tự do một mình được.
Còn tự do tinh thần thì là cuộc chinh phục mỗi ngày. Một trận đấu cự lại các ước muốn, các loại mốt, các tư tưởng làm ra sẵn, các xung năng và sự ích kỷ của chúng ta. Triết gia Jean-Paul Sartre viết: “Không có tự do có sẵn, chỉ có tự do phải chiến đấu với các đam mê, trên giống nòi, trên giai cấp, trên Quốc Gia” (1).
Triết gia Sartre còn dám nói rằng, con người có thể dành lấy tự do hơn khi sống dưới chế độ toàn trị. Viết năm 1949, ông lấy ví dụ nước Pháp dưới thời Chiếm đóng. Có thể thời gian này không quá khắc nghiệt với ông và ông cũng không chiến đấu ở tiền tuyến. Người ta giãy nẩy lên khi ông dám viết: “Chúng ta bị vây hãm”. Nhưng điều đó không giảm đi sự đúng đắn trong lập luận của ông:
Chưa bao giờ chúng ta tự do như trong thời bị Đức chiếm đóng. Chúng ta mất tất cả quyền và trước hết là quyền được nói. Người ta sỉ vả trước mặt chúng ta mỗi ngày và chúng ta phải câm miệng. Người ta tống chúng ta vào các trại tập trung, những người lao động, người Do Thái, những tù nhân chính trị…Đâu đâu, trên tường, trên báo chí, màn ảnh chúng ta đều thấy hình ảnh ô uế, nhạt nhẽo mà những kẻ áp bức muốn chúng ta phải tự đeo lấy hình ảnh này cho mình: vì tất cả những chuyện này, chúng ta được tự do.


Bởi vì nọc độc nazi len lỏi đến tận cùng tư tưởng chúng ta, và chúng ta phải chinh phục được từng tư tưởng chính trực. Bởi một hệ thống cảnh sát cực mạnh luôn tìm cách buộc chúng ta im lặng, và mỗi lời nói sẽ trở nên quý giá như một bản tuyên ngôn về quan điểm. Bởi chúng ta đã bị vây hãm nên mỗi hành vi của chúng ta phải có sức nặng của sự dấn thân. Những tình huống mà chúng ta phải chiến đấu đôi khi quá bạo tàn buộc chúng ta phải sống trung thực trong những hoàn cảnh đắng lòng, hết chịu nổi mà người ta gọi là thân phận con người. Lưu đày, bị bắt, giết chóc, nhất là khi người ta ngụy trang khéo léo trong những hạnh phúc, lấy đó làm những tiêu điểm vĩnh cửu cho các mối lo của chúng ta, học cách coi đó không phải là các sự cố tránh được, cũng không phải là những đe dọa thường xuyên nhưng là những chuyện ngoài lề. Chúng ta phải thấy đó là phần số của mình, định mệnh của mình, nguồn gốc sâu đậm của hiện thực nhân loại; từng giây phút chúng ta sống trong ý nghĩa trọn vẹn của câu nói bình thường này: “Tất cả mọi người đều phải chết”. Và chọn lựa của mỗi người cho bản thân mình đều phải đích thực vì họ phải làm trước sự hiện diện của cái chết, vì luôn luôn họ có thể giải thích theo cách “thà chết…”. Ở đây tôi không nói đến những người ưu tú là những người Chống Cự đích thực, tôi nói đến tất cả người Pháp mà trong từng giây phút, từng ngày từng đêm, trong vòng bốn năm, đã nói không. Sự hung ác của kẻ thù đã đẩy chúng ta đến thái cực của thân phận chúng ta, buộc chúng ta phải đặt những câu hỏi mà chúng ta lẩn tránh lúc hòa bình: tất cả những ai trong chúng ta – và có người Pháp nào dù một lần – biết các chi tiết thú vị của việc Chống Cự mà không lo âu tự hỏi: “Nếu họ tra tấn tôi, liệu tôi có đứng vững không?”. Vấn đề tự do được đặt ra và chúng ta ở bên bờ của sự hiểu biết sâu xa nhất mà con người có thể hiểu về chính bản thân mình. Bởi vì bí mật của một người, không phải là mặc cảm Oedipe của người đó hay mặc cảm tự ti, chính là giới hạn của tự do, là khả năng chống cự lại khổ hình và cái chết” (2).
Khả năng chống cự của con người với tất cả các chế độ độc tài được khắc hoạ rất rõ, đẹp đẽ qua chuyện kể của ông Armando Valladares bị chế độ cộng sản ở Cuba bỏ tù. Các quản giáo muốn hủy hoại tự do nội tâm, tự do tinh thần của ông. Như thường lệ, trong cuộc đấu tranh này có một chi tiết mới đầu chỉ về mặt vật chất nhưng lại đầy ý nghĩa: nhà cầm quyền muốn các tù nhân chính trị mặc đồng phục tù màu vàng, như một luật lệ bắt buộc. Kết quả cuộc đấu tranh sắc bén này là: “Một lần nữa, các điều kiện sống của chúng tôi bắt đầu xấu đi. Lời hứa có thêm săn sóc về mặt y tế bị bỏ mặc, các tù nhân bị phát điên ở chung với chúng tôi thay vì được đưa đến một nơi thích hợp và người ta không cho chúng tôi nhận thư nữa. Chúng tôi bị thiếu khoảng ba mươi đến bốn mươi xuất ăn và không muốn chia nhau các xuất thức ăn đó vốn không đủ cho mọi người. Và chúng tôi quyết định tuyệt thực và dù có mặc đồng phục vàng hay không, chúng tôi vẫn là một nhóm không thoả hiệp…(…) Không có sự cố nào xảy ra trong hai ngày đầu tiên và không có sự thay đổi đáng kể nào. Nhưng qua ngày thứ ba, ban giám đốc rút hết tất cả tù nhân tự giác không để họ bê các chậu thức ăn từ bếp ra nhà ăn, mà thay vào đó là các quản tù. Và ở nhà ăn chúng tôi thấy các chậu thức ăn ngon lành trước đây chưa từng có. Chúng tôi biết thừa cái trò cũ rích này, nhưng nó không làm suy nhược ý chí chống cự của chúng tôi.
Một tuần trôi qua. Rồi một buổi chiều, trung úy Lemus, người có trách nhiệm ở Trại tù xuất hiện trong sân với nhiều viên chức nhà nước. Trên tay ông cầm danh sách hai mươi lăm người, những tù nhân bị coi là những người xúi dục và lãnh đạo cuộc tuyệt thực. Danh sách gồm các cựu chỉ huy cách mạng như Matos, Meneoy, Páez…Cả Alvarez, anh em Bayolo, Blanco…vv…Tôi cũng ở trong nhóm đó.
Trước đó chúng tôi bị dẫn đến trạm gác. Có vẻ như chúng tôi sẽ buộc phải ra sân nhưng có một lệnh ngược lại và chúng tôi trở lại Galera 18, căn phòng cuối cùng, trống lặng và hoàn toàn biệt lập. Họ để chúng tôi ở lại đó.
Ngay ngày hôm sau, một phái đoàn của Trại tù đến thảo luận với chúng tôi. Họ bắt đầu bằng lời tuyên bố sẽ không khoan nhượng một điều khoản nào và họ từ chối mọi đòi hỏi của chúng tôi. Chúng tôi trả lời rằng không đòi hỏi gì hết, chỉ muốn họ tôn trọng các lời đã hứa: có sự săn sóc sức khỏe, được thăm nuôi hàng tháng, có đủ thức ăn, mỗi ngày được ra ngoài đi dạo để hít thở khí trời.
Ban giám đốc trại tưởng khi tách chúng tôi ra khỏi các tù nhân khác thì họ có thể chấm dứt cuộc tuyệt thực. Họ nghĩ rằng chúng tôi là những người cầm đầu. Nhưng họ lầm.
Trong mấy giờ đồng hồ, đại diện phái đoàn đã thảo luận với ba người trong chúng tôi, ông Lamas, ông Páez và ông Matos. Các viên chức này làm việc mấy ngày liền. Họ làm hết khả năng để kéo dài buổi nói chuyện, cốt gây nghi ngờ trong hàng ngũ những người tù đang tuyệt thực. Đương nhiên mục đích của họ là chia rẽ chúng tôi. Nhưng mỗi ngày trôi qua mà không hề có sự tiến triển, và nhà cầm quyền bắt đầu hiểu rằng, chúng tôi kiên quyết đi đến cùng cuộc tuyệt thực dù hậu quả có là sự cùng cực đi chăng nữa.
Lúc đó có nhiều sự kiện đáng nhớ xảy ra, ví dụ như câu trả lời của bác sĩ Mico Urrutia năm đó đã 70 tuổi với ban giám đốc. Sau ba tuần nhịn đói, cơ thể của ông như xác chết, giống như người sống sót trong trại tập trung của nazi. Lúc đó ban giám đốc đề nghị sẽ trả tự do cho ông ngay nếu ông thay đổi thái độ…
-Tôi không bỏ đồng đội của tôi khi họ ở trong tình trạng khó khăn này…- Ông nói.
Cả những người bệnh nặng, không một ai ngưng tuyệt thực: Aldo Cabrera bị nhồi máu cơ tim hai lần; cơ thể ông Gámez phủ đầy vảy da. Luis Lara nôn liên tục, không cách nào giữ được một ngụm nước trong người. Giống như ông, đa số chúng tôi vô cùng đau đớn vì cuộc tuyệt thực.
Còn các quản tù tiếp tục để những chậu thức ăn thơm phức ngay trước song sắt nơi chúng tôi bị cầm tù. Nhưng chúng tôi không hề bị cám dỗ.
Martha là người đầu tiên hiểu được chuyện gì đang xảy ra với chúng tôi nhờ tôi viết một chữ và chuyển cho cô. Ngay lập tức cô loan tin cho nhiều gia đình tù nhân: hai ngày sau, thân nhân đến trước cổng trại chờ tin tức để biết sự thật là thế nào và tình trạng sức khỏe của chúng tôi.
Các thân nhân khác đến vây trụ sở của Bộ Nội Vụ. Các công chức luôn luôn trả lời: cho đến lúc nào chúng tôi vẫn còn tiếp tục tạo áp lực với nhà cầm quyền thì sẽ không có một giải pháp nào.
Qua tuần tuyệt thực thứ hai, các quản giáo ngăn không cho thân nhân đứng trước cổng trại nữa. Các bà mẹ, chị, bà vợ ngồi trên đường đất giữa Cabana và lâu đài del Morro. Dù mưa nắng, họ cứ ở yên đó suốt ngày. Những thân nhân là đàn ông không dám đến đó vì biết họ sẽ bị bắt ngay lập tức.
Vào khoảng giữa tháng 10, các bà càng ngày càng lo lắng đã quyết định đến gặp thư ký của ông Castro. Những người đi đường kinh ngạc hỏi họ chuyện gì xảy ra? Lời giải thích của họ làm cho những người này hoảng sợ bỏ về nhà đóng cửa lại, có người hét lên chỉ còn một chuyện để làm, đó là những người tuyệt thực chết vì chính nghĩa!
Trên con đường L, một chiếc xe jeep quân đội xuất hiện, những người trên xe khuyên các bà về nhà vì tụ tập như vậy cũng chẳng giải quyết được gì. Nhưng họ vẫn tiếp tục đi. Cuộc đi bộ này không giống như các cuộc đi biểu tình có biểu ngữ, có hét to hô hào. Nó chỉ là một nhóm các bà họp nhau lại đi trong im lặng.
Lúc đó, một loạt các xe đi tuần hú còi đến chặn tất cả mọi ngã đường. Cảnh sát nhảy ra khỏi xe như đi lùng bắt tội phạm trọng án nguy hiểm. Họ tấn công các bà không thương tiếc, hung bạo đấy các bà lớn tuổi vào xe, dùng gậy đánh các bà trẻ hơn nếu chống cự lại.
Martha và một bà khác thoát được nhưng khi nhìn lại đàng sau, vị hôn thê của tôi nhận ra Inès Del Valle, một cô bạn đang cự lại với một cảnh sát: ông ta nắm cổ tay cô nhưng bị cô vùng ra, ông ta dùng sức mạnh kéo cô về chiếc xe hơi. Martha không thể để bạn ở đó một mình nên đã quay lại và leo lên cùng bạn trên chiếc xe đó. Đến trụ sở Cảnh sát, tất cả các bà bị bắt ngồi chờ trên ghế xi măng.
Ông Hernández, viên đại úy chỉ huy cuộc bố ráp cãi nhau với Martha và đe dọa bỏ tù cô. Ông nổi cơn khùng, la hét tố cáo những người bị bắt là nhân viên CIA!
Lúc đó có những chiếc xe khác của bên An ninh đến mang các bà cầm đầu về trụ sở riêng. Inès, nghi viên đại úy Hernández sẽ trả thù Martha nên cố che giấu bạn bằng cách đứng che đi. Nhưng vừa lúc cả hai sắp lên xe, ông Hernández bất chợt thấy Martha.
-Bắt được rồi…Giờ thì cô vào tù nghe chưa!
Đến trụ sở cảnh sát, họ bắt đâu phanh phui và tịch thu các vật dụng cá nhân của các cô. Martha bị lấy mắt kiếng dù cô đã cố chống cự:
-Ở đây cô không có việc gì để dùng mắt kiếng. Chẳng có gì để xem đâu.
Họ lôi từng người vào căn phòng nhỏ và tại đây các nữ an ninh lột trần họ một cách thô bạo để khám trước khi đưa họ về văn phòng, nơi làm thẻ và chụp hình. Rồi họ nhốt từng người vào xà lim.
Một trung úy dẫn Martha đi qua một hành lang ngoằn nghoèo để đến một trong các văn phòng. Một nhân viên khoảng năm mươi tuổi hỏi cung cô. Ông muốn biết ai tổ chức cuộc đi bộ đến đến gặp thư ký Celia Sánchez của ông Castro, và với mục đích gì?
Martha cho biết là thân nhân của họ sắp chết vì tuyệt thực do nhà cầm quyền đã không cung cấp những gì thiết yếu để họ có thể sống.
Viên sĩ quan nói phong trào này được CIA điều khiển, trả tiền và được tổ chức từ bên ngoài. Martha không nhịn được cười làm cho viên sĩ quan bực mình. Sau đó ông hỏi vì sao Martha không đề nghị cha cô, hôn phu của cô theo học các khóa cải tạo chính trị? Như vậy có phải là giải pháp lý tưởng không? Cách mạng rất công bằng và nhân đạo sẽ cho những người chống đối chế độ cơ hội duy nhất để hội nhập chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhưng Martha tỏ ra rất cương quyết: cải tạo chính trị không phải là giải pháp cho cô, cho cha cô và hôn phu của cô: “Chúng tôi không bao giờ từ chối Chúa, dù sự từ chối của chúng tôi mang đến hậu quả như thế nào”.
-Vậy thì cô sẽ có rất nhiều thì giờ để suy nghĩ về chuyện này…
Đó là những lời nói cuối cùng của viên sĩ quan. Từ đó, Martha nghĩ mình sẽ bị ở tù rất lâu.
Người ta đưa cô về xà lim. Cô không biết đã ở đó bao lâu, không biết lúc nào là ngày hay đêm? Một hôm, người ta đưa cô đi không biết bao nhiêu là hành lang, cầu thang, đi lên rồi đi xuống, rồi lại đi lên. Cuối cùng họ đưa cô vào một văn phòng, gặp một viên sĩ quan trẻ và cao dong dỏng. Ông không buộc tội cô là CIA và tỏ ra dễ mến. Ông bắt đầu nói về chiến tranh Việt Nam, về các cuộc thảm sát trẻ em của người Mỹ, như cô dự đoán, làm sao cô không phẫn nộ về tội ác người Mỹ đã làm?
Martha nói người cộng sản Cuba kết tội người Mỹ đã phạm tất cả tội ác nhưng không bao giờ nói đến các nạn nhân của phía bên kia...Và cô nói thêm, những người chết trong các cuộc chiến tranh là những người nghèo, còn những người có trách nhiệm thì sống tiện nghi bên trong các villa của họ.
Lúc đó viên sĩ quan trẻ bắt đầu nói đến các chuyện tốt đẹp mà cách mạng có thể làm cho những người phản cách mạng hội nhập vào xã hội mới. Ông còn khẳng định là xã hội mới đã chấm dứt tra tấn trong tù. Martha cười mũi nhưng viên sĩ quan trẻ giả bộ ngây thơ nói ông không hiểu vì sao cô cười? Sau đó ông tế nhị khai thác ai chủ mưu đề xuất việc đến văn phòng Celia Sánchez, không lẽ là các tù nhân hay sao? Rồi đến sự đe dọa cuối cùng: nếu cô và các bạn của cô không thú nhận thì sẽ bị tù mọt gông…
Khi về lại xà lim đen tối, cô nghĩ đến số phận của Inès và Josefina, mẹ của Nacer. Bao nhiêu thời gian trôi qua cô không biết nữa? Lần thứ hai họ lại dắt cô đi vòng quanh hành lang, lên xuống cầu thang. Bỗng cô ngừng lại ở căn phòng có các bạn tù khác. Họ đang phải nghe một bài diễn văn dài, các lời đe doạ, các lời buộc tội cho đến câu kết luận cuối cùng: lần này, nhà cầm quyền tha thứ cho các bà...
Trong lúc đó, cơ quan Cảnh sát Chính trị điện thoại cho bà Josefa, mẹ của Martha, ra lệnh cho bà đến góc đường và đứng bất động ở đó. Sáng hôm sau, Martha và Inès được thả, vội đến nơi họ ấn định, có bà Josefa đang chờ ở đó. Ba người đàn bà ôm nhau khóc rất lâu.
Ngày hôm sau là ngày chiến thắng sau 21 ngày tuyệt thực.
Lòng cương quyết không lay chuyển của chúng tôi đã buộc nhà cầm quyền nhìn nhận các đòi hỏi của chúng tôi là chính đáng.
Các quản giáo mở rộng cửa phòng, và chúng tôi ôm nhau vui mừng nhưng chỉ ít người trong chúng tôi có thể ra ngoài hít thở không khí. Nhiều người trong chúng tôi không còn đứng được. (3)
Sau một câu chuyện như vậy, thật khó mà đọc tiếp.
Dù vậy cũng phải nhấn mạnh, muốn dùng tự do, chúng ta phải thực hành các đức hạnh khác. Và đó là những gì văn sĩ F. Rabelais đề nghị trong một bản văn danh tiếng, một đoạn trong Gargantua, khi ông nói về đời sống trong tu viện Thélème. Ở đây, thường thường người ta để tu sĩ tự do hành động theo cái đầu của họ, theo những gì họ thích. “Nhưng đừng quên là - Rabelais nhấn mạnh- các thành viên của tu viện này được giáo dục để «hành động một cách đạo đức» và cố gắng dễ chịu với bạn đồng tu: Tất cả đời sống của họ không khuôn theo luật, thể chế hay nguyên tắc nhưng theo ý chí và phán đoán tự do của họ. Họ ra khỏi giường khi nào họ thích, ăn uống, làm việc, ngủ nghỉ khi nào họ cần. Không ai đánh thức họ, không ai bắt họ ăn uống hay làm bất cứ việc gì. Luật lệ của họ ấn định theo điều khoản: LÀM NHỮNG GÌ BẠN MUỐN. Vì những người tự do được sinh ra, được giáo dục rất tốt, được ở trong xã hội tốt thì tự nhiên họ có một bản năng, được khích lệ cái mà họ gọi là danh dự, thúc đẩy họ luôn hành động một cách đức hạnh và tránh xa tội lỗi. Khi họ mềm yếu, bị khống chế bởi một sự khống chế hèn hạ, họ sẽ dùng khuynh hướng cao cả này, và qua đó, họ được tự do hướng về đức hạnh để tháo gỡ cái ách nô lệ và để tránh cái ách này, vì chúng ta luôn luôn làm những gì bị cấm và thèm những gì bị từ chối.
Nhờ tự do này, họ giành giật từng cố gắng làm tất cả những gì mà họ thấy vui cho mọi người. Nếu một anh hay chị trong họ nói: “Chúng ta cùng uống” thì tất cả mọi người uống; nếu một người nói: “Chúng ta chơi” thì tất cả cùng chơi; nếu một người nói: “Chúng ta ra đồng” thì tất cả mọi người ra đồng.
Họ được giáo dục kỹ lưỡng để ai cũng biết đọc, biết viết, biết hát, biết chơi một nhạc cụ, nói năm, sáu thứ tiếng, biết làm thơ, viết văn. Chưa bao giờ người ta thấy những kỵ sĩ dũng cảm, cao thượng, khéo léo đi chân không hay như cưỡi ngựa, hùng mạnh, nhanh nhẹn, có tài xử dụng vũ khí như những người này. Chưa bao giờ người ta thấy các bà lịch sự, dễ thương, dễ chịu, khéo léo kim chỉ, tận tâm làm việc như một người đàn bà cao thượng và tự do như những người đàn bà này.
Ngắn gọn, có một Thiên Đàng. Đó là nhờ đức hạnh!

1.Jean-Paul Sartre, Tình huống I, (Situations I, Gallimard.)
2.Jean-Paul Sartre, Tình huống II (Situations III, Gallimard.)
3.Armando Valladares, Ký ức nhà tù (Mémoires de prison, Albin Michel.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001