Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

1147. CHÂU ÂU CẦN MỸ TRONG VIỆC CAN THIỆP QUÂN SỰ VÀO XYRI
Posted by basamnews on 17/07/2012
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

CHÂU ÂU CẦN MỸ TRONG VIỆC CAN THIỆP QUÂN SỰ VÀO XYRI

Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ hai, ngày 16/7/2012
TTXVN (Pari 10/7)
Trước các báo cáo ngày về việc càng nhiều nạn nhân dân sự bỏ mạng tại Xyri, đầu tháng 6 vừa qua, Tổng thống F. Hollande đã có những tuyên bố cho biết Pháp sẽ không loại trừ hành động can thiệp quân sự vào nước này. Theo kết quả các thăm dò ý kiến gần đây, đa số dư luận Pháp cũng bày tỏ sự ủng hộ một giải pháp quân sự cho khủng hoảng tại Xyri. Tuy nhiên hành động can thiệp này trước hết phải phụ thuộc vào một nghị quyết tiên quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc, nhưng tới nay mọi ý đồ can thiệp từ bên ngoài đối với chế độ Đamát đều bị Nga và Trung Quốc ngăn chặn.
Tiếp theo là sự phụ thuộc vào các khả năng về quân sự, điều mà các nước châu Âu vẫn còn thiếu rất nhiều cho dù chiến dịch này buộc phải được thực hiện trong khuôn khổ lực lượng đồng minh. Giới chuyên gia Pháp đã có những phân tích cụ thể về các phương tiện quân sự có thể được huy động cho một chiến dịch chống Xyri nếu một nghị quyết được HĐBA thông qua. Bài được đăng trên báo Le Monde (Pháp) ngày 2/7 nội dung chính như sau:

Trước hết, cần nêu ra một vài giả định được cho là đáng tin cậy để xâu chuỗi mọi khía cạnh trong nghiên cứu phức tạp này với nhau. Trong số các giả định này, rõ ràng là mọi sự can thiệp quân sự từ bên ngoài đều phải được thực hiện trong khuôn khổ một liên minh tập họp một số nước châu Âu, có sự hậu thuẫn của Mỹ về hậu cần và chỉ hậu cần mà thôi, bởi Mỹ đang bận tâm trước hết đến việc rút quân khỏi Apganixtan và chuẩn bị cho một cuộc bầu cử tổng thống gay cấn. Ngược lại, các lực lượng của Arập Xêút, Cata, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), thậm chí cả Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ gia nhập liên minh này. Sức nặng về chính trị và quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có ý nghĩa không nhỏ đối với thành công của một chiến dịch can thiệp mà chắc chắn NATO sẽ đóng vai trò lãnh đạo, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ luôn chứng tỏ là một thành viên có những cam kết chặt chẽ với khối quân sự này.
Một tiền giả định quan trọng khác cũng xứng đáng được đề cập: không có bất cứ lực lượng bộ binh nào của phương Tây, ngoại trừ một vài đơn vị đặc biệt, được tính sử dụng đến, bất kể khả năng có thực của lực lượng nổi dạy vũ trang Xyri đạt đến mức độ nào. Các bài học thực tế được đúc rút từ các chiến dịch quân sự tại Apganixtan cho thấy phương Tây không nên có bất cứ triển khai lực lượng bộ binh nào của mình tại một nước Hồi giáo.
Vậy với các giả định được đặt ra, phương Tây có thể lựa chọn các phương tiện tin cậy nào cho một chiến dịch can thiệp vào Xyri? Chiểu theo các chiến dịch được tiến hành tại Libi, các lực lượng hải quân và không quân với sự phối hợp của một lực lượng đặc nhiệm có giới hạn trên mặt đất sẽ tạo thành xương sống cho các khả năng quân sự của quân đồng minh.
Các phương tiện trên biển của lực lượng đa quốc gia sẽ đảm nhận trách nhiệm bảo đảm lệnh cấm vận và phong tỏa mặt tiền Địa Trung Hải của Xyri. Bộ máy chiến tranh trên biển của Xyri hiện cũng có tàu ngầm và một số tàu nổi nhưng chưa thể đạt tới tầm cỡ có thể đương đầu với một lực lượng đồng minh có thể mạnh áp đảo về hải quân. Ngược lại, hệ thống tên lửa chống hạm của Xyri, trong đó có một số sản phẩm do Nga mới cung cấp, sẽ là một mối đe dọa thực sự rất nguy hiểm, cần phải biết cách gây nhiễu hoặc tìm cách tiêu diệt nhanh chóng. Để loại bỏ mối đe dọa nghiêm trọng này, lực lượng liên quân cần phải có sự hỗ trợ của các đơn vị không quân trên biển, trong đó có ít nhất một tàu sân bay giữ một khoảng cách tối ưu đối với các bờ biển của Xyri.
Các phương tiện không quân, nhờ sự linh hoạt và khả năng chuyển hồi, cũng sẽ là những ưu tiên. Nhiệm vụ của chúng trước hết là bảo đảm ưu thế trên không để duy trì bầu trời tự do và ngăn chặn mọi hành động tấn công nhằm vào mục tiêu dân sự từ các máy bay và trực thăng chiến đấu của Xyri. Nhưng thật không may là các lực lượng phòng không của Xyri luôn rất mạnh và cũng rất hiệu quả. Có vẻ như việc hệ thống phòng không của Xyri phá hủy một máy bay trinh sát cúa Thố Nhĩ Kỳ mới đây đã cho thấy một câu trả lời xác đáng về chủ đề này.
Trong những điều kiện như trên, ít nhất lúc đầu các lực lượng không quân của đồng minh sẽ phải bằng lòng với một ưu thế không gian – thời gian tương đối. Tất nhiên, Italia và Thổ Nhĩ Kỳ đã được trang bị hệ thống chống rađa nhưng liệu các phương tiện này có đủ để đối mặt với các mục tiêu di động? Vì vậy, lực lượng đồng minh có thể rơi vào trường hợp khó khăn như từng diễn rạ với các chiến dịch mà NATO đã tiến hành trên bầu trời Côxôvô năm 1999. Giải pháp lựa chọn cho tình thế này có thể là yêu cầu Mỹ triển khai các tên lửa hành trình Tomahawk và các máy bay tàng hình F22?
Các máy bay mà rađa không thể phát hiện này có thể xâm nhập vào giữa hệ thống phòng không đối phương và phá hủy các trận địa này, đồng; thời đưa ra tin tình báo trực tiếp để các máy bay chiến đấu “cổ điển” của đông minh tấn công phá hủy. Mỹ không thực sự tham gia các cuộc tấn công nhưng có thể thực hiện một số nhiệm vụ theo kiểu này trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, trong điều kiện các cam kết ban đầu của bất cứ thành viên nào trong đồng minh cũng được quan sát, theo dõi rất kỹ lường về mặt thông tin đại chúng và chính trị. Tất nhiên, một chiến dịch như vậy chỉ có thể được thực hiện dưới sự chỉ huy của Mỹ và phải nằm trong khuôn khổ NATO.
Nhiệm vụ thứ hai mà các đơn vị không quân đồng minh phải thực hiện là hỗ trợ lực lượng nổi dậy Xyri. Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ đơn giản nếu biết rằng các lực lượng bộ binh của Bashar al-Assad được bố trí rộng khắp các thành phố, trong khi việc hỗ trợ từ trên không; đối với trận địa nằm ở trung tâm các đô thị sẽ phải được thực hiện rất “tinh tế” để làm sao đạt được hiệu quả cao nhất, đồng thời tránh gây tổn thất tối đa do quân đội Xyri sẽ sử dụng “lá chắn người” chống lại quân đồng minh. Nhiệm vụ nhạy cảm này rất cần các vũ khí thích hợp mà chỉ quân đội Anh mới có. Trong những điều kiện như trên, mọi sự can thiệp hỗ trợ từ trên không của đồng minh chủ yếu sẽ phải lấy các khu vực ngoại vi đô thị làm trục chính, đồng thời phải có sự ủng hộ của các lực lượng đặc biệt trên mặt đất.
Nhiệm vụ thứ ba là phá hủy các trung tâm của bộ máy chính quyền và bộ máy chỉ huy, hậu cần của Xyri. Tuy không đơn giản nhưng nếu thực hiện bài bản, nhiệm vụ này sẽ mang lại một hiệu quả rất lớn cho toàn bộ chiến dịch. Bộ máy chính trị – quân sự đối phương, bị rối loạn bởi các trận oanh kích rất đúng mục tiêu, sẽ nhanh chóng mất chức năng vận hành và dễ dàng sụp đổ.
Toàn bộ các nhiệm vụ này, kể cả các nhiệm vụ liên quan đến lực lượng hải quân, đều rất cần các phương tiện tình báo chính xác và kịp thời dựa trên các thiết bị thu dẫn và phân tích thông tin khác nhau để phát hiện các mục tiêu được ngụy trang và bao vệ rất kỹ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, các lực lượng châu Âu được trang bị rất thiếu thốn, như đã được thấy trong các chiến dịch tấn công Libi. Sau chiến dịch can thiệp vào Libi, các nước châu Âu đều nhất trí rằng quân đồng minh thực sự thiếu một yếu tố quyết định, đó là các máy bay không người lái hiện đại đa năng.
Cần lưu ý rằng các máy bay chiến đấu của quân đồng minh sẽ phải đặt căn cứ tại Síp hoặc Crete (Hy Lạp), thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ, và các máy bay tiếp nhiên liệu trên không cũng cần được huy động đề phục vụ các sứ mệnh tầm xa. về phương diện này, chắc chắn các lực lượng châu Âu sẽ phải dựa chủ yếu vào các phương tiện của Mỹ, đúng như trường hợp đã diễn ra đối với mọi chiến dịch trên không quy mô được thực hiện trong những năm gần đây.
Cuối cùng, cần nói rằng các phương tiện tấn công hệ thống tin học quốc phòng – một hành động gây rỗi loạn, thậm chí phá hủy toàn bộ các mạng lưới thông tin và chỉ huy của Xyri – trên thực tế hầu như không tồn tại ở châu Âu và chỉ có Mỹ mới sở hữu một khả năng thực sự.
Để kết luận, chiến dịch can thiệp đáng tin cậy vào Xyri, giới hạn ở các lực lượng hải quân và không quân vì những lý do giành ưu thế, dường như sẽ là bất khả thi trên phương diện quân sự nếu không có sự tham gia của Mỹ, thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ. Chứng minh này là đúng với các hạn chế về khả năng can thiệp của các lực lượng quân sự châu Âu, đặc biệt là Pháp. Thực tế cho thấy Pháp thiếu hẳn khả năng trong tất cả các lĩnh vực nếu trên đây, gồm khả năng tấn công các căn cứ phòng không cũng như các phương tiện tình báo điện tử, máy bay không người lái, vũ khí chính xác tấn công mục tiêu đô thị, máy bay tiếp nhiên liệu và khả năng tấn công tin học… Một cách cụ thể, hành động can thiệp “phủ đầu” như đã thực hiện ngày 19/3/2011 bằng các máy bay Rafale để bảo vệ người dân Benghazi ở Libi trước các vụ thảm sát sẽ không thể tái diễn tại Xyri. Các nhà hoạch định chính sách quốc phòng của Pháp có thể sẽ phải tính đến tình thế này trong việc biên soạn sách trắng quốc phòng mới tới đây cũng như trong bất cứ chương trình quân sự nào khác trong tương lai. /.
nguồn_basamnew:http://anhbasam.wordpress.com/2012/07/17/1147-chau-au-can-my-trong-viec-can-thiep-quan-su-vao-xyri/#more-68750
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001