Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Bàn về chữ “vốn” trong cụm từ “vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam”

NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Tôi hay đọc những bài viết của Thanh niên online về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, thấy có một việc cần góp ý cho quí báo.
Trong những bài viết về chủ đề này, cụm từ “vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam” được nhắc nhiều lần:
“Hành động xây dựng trại giam, đổi tên đường… trên đảo Phú Lâm nằm trong âm mưu chiếm đoạt vĩnh viễn Hoàng Sa, vốn thuộc chủ quyền Việt Nam …”.
“Theo đó, đơn vị cung cấp game WoT sẽ quyên tặng vật chất, cho những binh sĩ Trung Quốc đang đóng trái phép tại Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền Việt Nam …”
“Đội tàu hải giám Trung Quốc gồm 4 tàu số 83, 84, 71 và 66 tổ chức diễn tập trái phép tại bãi Châu Viên, ở quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam”
“Những mạng này tạo điều kiện để người chơi đóng góp gián tiếp cho binh sĩ Trung Quốc đang đóng tại các đảo thuộc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam”.
Như vậy, chẳng những tác giả dùng cụm từ “vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam” đối với quần đảo Hoàng Sa đã mất mà còn dùng nó khi nói về quần đảo Trường Sa mà ta đang thực hiện chủ quyền ở phần lớn số đảo.
Dùng thêm từ “vốn” chẳng hóa ra trước đây Hoàng Sa (và một số đảo thuộc Trường Sa) thuộc chủ quyền của Việt Nam, còn bây giờ không thuộc chủ quyền của Việt Nam nữa?
Chữ “vốn” gần nghĩa với “nguyên”, ví dụ nguyên Chủ tịch nước, nguyên Tổng bí thư …
Tìm hiểu thêm chữ “vốn” trong mấy ví dụ sau:
“Ông ấy vốn là cầu thủ bóng đá lừng danh” (nghĩa là bây giờ đã xuống phong độ, hoặc đã về già hay đã giải nghệ)
Nói về một cựu chiến binh nào đó có thể nói “anh ấy vốn là một chiến binh dũng cảm” chứ không thể nói “anh ấy là một chiến binh dũng cảm”. Chiến binh là quá khứ của anh ta còn bây giờ chỉ gọi là cựu chiến binh thôi.
Có thể việc dùng cụm từ trên không riêng gì báo Thanh niên mà còn ở báo khác hoặc ở một số văn bản nữa.
Chúng ta khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Vì vậy, khi nhắc đến hai quần đảo này, phải viết “Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam”. Phải bỏ đi chữ “vốn” trong cụm từ “vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam” mà một số tác giả quen dùng.
23/7/2012
NTT
Bài cùng chủ đề:

Báo với chả chí

(Bài này chưa đăng trong NTT blog, nhân tiện mang về cất)
Dọn vườn: BÁO VỚI CHẢ CHÍ
Được đăng bởi nguyentrongtao
NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Đọc báo, đôi khi gặp những chuyện thật ngớ ngẩn. Một trong những điều ngớ ngẩn ấy là ở cùng một bài báo nhưng lại không thống nhất hay mâu thuẫn trong việc nhắc đến một ai đó.
1. Có những trường hợp, hai vợ chồng xêm xêm tuổi nhau nhưng khi nhắc đến lại gọi vợ là bà nhưng gọi chồng là anh (như một bài báo trong vụ “Dân vây bắt bí thư xã như bắt trộm”).
2. Bài “Nấp chỗ tối dùng dao nhọn khống chế phụ nữ” trên xaluan.com có đoạn:
“Theo trình báo của bà Ngô Thị Mận (32 tuổi) và chị Kiều Thị Ngoãn (43 tuổi) cùng trú tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê, Gia Lai) thì, lúc 2 giờ sáng ngày 24/3, trong lúc 2 chị đang trên đường đến chợ đêm TP. Pleiku mua bán hàng …”
Ba hai tuổi gọi bằng bà
Bốn mươi ba tuổi gọi là chị thôi
Ngay sau đó bà đâu rồi
Lại thành “2 chị”, nực cười lắm thay.
Mà sao lắm “lúc” thế này.
3. Xin trích một đoạn trong bài “Thiệt mạng về lời thách đố …” trên vietnamnet:
“Làm việc nhiệt tình suốt buổi sáng bơi lội vớt bèo, đến chiều khi đang trong lúc nghỉ giải lao thì anh P, một thanh niên cùng làng ra chơi, nhìn thấy Thắng liền nảy sinh ý định thách đố.
Phú liền gọi Thắng lại và nói, nếu lặn được từ bờ bên này sang bờ bên kia và lặn ngược về thì Phú sẽ mất 1 triệu đồng”.
Chỉ trong vòng 2 câu liền nhau, anh P. đã trở thành anh Phú.
Tên người vừa định giấu
Đã lộ ra mất rồi
Bởi tác phong cẩu thả
Mới sinh chuyện buồn cười.
4. Bài “Nữ sinh lớp 7 mang bầu gây chấn động vùng quê yên bình” đăng ở Báo Mới.com là một điển hình của sự tiền hậu bất nhất.
Cháu Nguyễn Thị G là người bị hại, không thể nói thẳng tên nhưng tên bà ngoại là người nuôi dưỡng cháu thì lại được công khai danh tính là bà Vũ Thị Xớn, địa chỉ cụ thể là ở xã Hoàng Tiến – Chí Linh – Hải Dương.
Riêng gã yêu râu xanh sau 6 lần được nhắc đến dưới cái tên V. nhưng rồi hình như do sơ suất nên bị tiết lộ là Vinh:
“Ông Đặng Văn Tuyên (bìa Trái) và ông Đỗ Văn Chu – Phó trưởng công an xã Hoàng Tiến cho biết: ” đối tượng Vinh đã bỏ trốn khỏi nhà từ khi biết tin …”.
Rồi chẳng hiểu sao, gã lại trở về núp dưới cái tên viết tắt V. ban đầu:
“Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Tiến cho biết: “Đối tượng Nguyễn Văn V. có nhiều đời vợ …”
Cuối cùng thì gã tòi ra với đầy đủ danh tính:
“Công an Hải Dương đã ký quyết định khởi tố vụ án … với đối tượng liên quan là Nguyễn Văn Vinh, 56 tuổi sinh sống tại xã Hoàng Tiến”.
Hết V. rồi Vinh, rồi lại V. rồi Nguyễn Văn Vinh. Bó tay luôn.
Việc trẻ gọi bằng bà, nhiều tuổi hơn gọi bằng chị, rồi đang bà thành chị nó chỉ ngồ ngộ tí thôi. Nhưng cái việc úp úp mở mở khi đưa thông tin về các vụ án phải coi chừng. Điều này không những có thể làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, tương lai của đương sự mà có khi còn làm tiết lộ bí mật điều tra của cơ quan công an chứ chẳng chơi.
Những lỗi trên và cả những lỗi khác vẫn xảy ra nhan nhản hàng ngày trên các bài báo, tôi chỉ vô tình vấp phải chứ không hề có ý định đi nhặt. Chẳng qua cũng là bởi cái phong cách làm báo cẩu thả, xem thường người đọc mà sinh ra.
Báo với chẳng chí. Chẳng hiểu ngày xưa đi học, các vị được thầy cho mấy điểm.
NTT
nguồn:https://nguyentuongthuy.wordpress.com/2012/07/23/ban-ve-chu-von-trong-cum-tu-von-thuoc-chu-quyen-cua-viet-nam/
--------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001