Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

CUỐI THÁNG CÙNG CỤ NGUYỄN DU THƯỞNG THỨC MÓN THỊT CẦY
Võ Phiến.

-Thơ của thi hào Nguyễn Du thật độc đáo?
-Bạn nói về Truyện Kiều hay thơ chữ Hán của ông?
-Không. Tôi muốn nói về món thịt cầy trong thơ ông...
- Trời! Tiên sinh có cả thơ thịt cầy nữa à? Nếu quả có hẳn là độc đáo, không sai.
-Sao lại “nếu”? Có chứ. Này nghe:
“... Nhân sinh vô bách tải
Hành lạc đương cập kỳ
Vô vi thử bần tiện
Cùng niên bất khai mi
Di Tề vô đại danh
Chích Kiểu vô đại lợi
Trung thọ chỉ bát thập
Hà sự thiên niên kế
Hữu khuyển thả tu sát
Hữu tửu thả tu khuynh
Nhãn tiền đắc táng dĩ nan nhận
Hà sự mang mang thân hậu danh”.
Đó là một đoạn trong bài từ ‘Hành lạc’1. Thịt chó hiển hiện rõ ràng. Thấy không?
-Quả nhiên. Đúng nó. Đọc lên nghe thơm phưng phức. Người xưa từng nói đến thứ văn hay đọc thơm tho cả miệng lưỡi. Là đây chăng? Giá có luôn cái nghĩa...
-Có đấy. Hai ông Phạm Khắc Khoan và Lê Thước đã dịch ra Việt ngữ:
... “Người không sống trăm tuổi
Gặp thì nên vui chơi
Chớ giữ nếp nghèo khó
Lo lắng suốt đời người
Di Tề không danh lớn
Chích Kiểu không giàu to
Trung thọ chỉ tám chục
Tội gì ngàn năm lo
Có chó cứ làm thịt
Có rượu cứ nghiêng bầu
Được mất trên đời chưa dễ biết
Cần gì lo tiếng hão về sau”.
-Mấy câu chót... thấy nó thế nào. Những câu trên không nói làm gì, nhưng từ cái chỗ “có chó” là phải khác. Có chó là có khác, lẽ ra phải thế. Dân nhậu đớp thịt cầy ai lại “nghiêng bầu”? trông nó cổ lỗ, khệ nệ quá. Mình có nên điều chỉnh cái khẩu khí lại một chút cho hợp thời hợp cảnh không? Chẳng hạn:
“Có cầy nên hạ gấp
Có rượu hãy dzô mau
Được thua trước mắt còn chưa rõ
Sá gì danh hão chuyện mai sau”...
V.P.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001