Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Ngô Nhân Dụng - Tương lai kinh tế vẫn lạc quan
Ngô Nhân Dụng

Ông Ben S. Bernanke, chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (hệ thống Dự Trữ Liên Bang, gọi là Fed) đang ra điều trần trước các ủy ban Quốc Hội Mỹ ngày hôm qua (Thượng Viện) và hôm nay (Hạ Viện). Thị trường chứng khoán khắp thế giới chờ nghe.


Sau khi báo động các nghị sĩ trong ủy ban ngân hàng Thượng Viện về tỷ lệ thất nghiệp còn nặng nề, ông Bernanke kêu gọi Quốc Hội hãy có những biện pháp kích thích kinh tế. Ông nhấn mạnh hai yếu tố đang ngăn cản sự phát triển kinh tế Mỹ là cuộc khủng hoảng ở Âu Châu và mối lo về chính sách của Quốc Hội.

Sau bài thuyết trình của ông Bernanke, chỉ số các thị trường chứng khoán ở Mỹ và trên thế giới đã tăng lên. Vì những hình ảnh bi quan ông nêu ra cho thấy Ngân Hàng Trung Ương Mỹ có thể sẽ bơm thêm tiền vào nền kinh tế (với biện pháp gọi là QE-3), vào Tháng Bảy, hoặc Tháng Tám, trong các phiên họp định kỳ của ủy ban chính sách tiền tệ (gọi tên là Ủy Ban Thị Trường), cho các xí nghiệp và người tiêu thụ có thể vay thêm tiền sử dụng.

Không cần nghe ông Bernanke, chúng ta cũng biết trạng kinh tế Mỹ hiện nay rất xấu. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 8.2% không giảm. Số việc làm mới tạo ra còn thấp, trong ba tháng liền. Số hàng bán lẻ giảm sút trong hai Tháng Năm và Tháng Sáu; do đó nhiều người rất bi quan về tương lai.

Khi bi quan, chúng ta rất dễ nhìn cái gì cũng chỉ thấy điềm xấu. Thí dụ, khi đọc bản tin về công ty Boeing trúng mối thầu bán nhiều máy bay, một vị độc giả báo Người Việt viết: “Boeing có trúng thầu lớn cũng chẳng có lợi gì cho dân lao động Mỹ. Bởi vì tất cả các phụ tùng để sản xuất thành một chiếc phi cơ đều đặt làm tại Trung Quốc và các nước Á Châu vì giá nhân công ở Á Châu rẻ hơn sẽ mang nhiều lợi nhuận cho công ty...” Chắc nhiều người cũng chia sẻ các ý kiến bi quan này. Nhưng bi quan quá đáng thì không có căn cứ.

Dù các công ty Mỹ có đặt làm bộ phận ở nước ngoài, khi họ bán được hàng thì vẫn lợi lộc cho cả nền kinh tế Mỹ chứ không phải chỉ làm giàu cho công nhân Trung Quốc! Một cái máy bay có hàng vạn bộ phận, có thứ đắt, thứ rẻ. Thí dụ, trong chiếc máy bay mới Boeing 787 gọi là Dreamliner, công ty này đã đặt các xí nghiệp Ấn Ðộ làm hệ thống đèn trên sàn máy bay; một phần cánh máy bay làm ở Nhật Bản; cánh cửa máy bay và bộ phận bánh xe hạ cánh làm ở Pháp và Thụy Ðiển. Một số bộ phận cái đuôi làm ở Nam Hàn và Italy. Các bộ phận được đặt làm tại 50 quốc gia trên thế giới, vì ở đâu có đủ kỹ thuật và làm rẻ thì người ta đặt; nhưng cũng vì công ty Boeing muốn lấy lòng chính phủ các nước này, để sau sẽ bán hàng cho họ dễ hơn. Hiện đã có khách hàng đặt mua 800 cái Dreamliner dù nó chưa ra đời.

Cuối cùng thì các công ty như Boeing đã bán cái gì cho khách hàng, bên cạnh những bộ phận mua từ nước khác? Quan trọng nhất là họ bán một “sản phẩm trí óc” là bản họa đồ toàn thể chiếc máy bay. Nhờ khả năng “kỹ thuật hàng không” với kinh nghiệm lâu đời mà các công ty nước khác không địch được với Boeing, nên vẫn đem mối lợi lớn nhất về nước Mỹ. Trên thế giới bây giờ chỉ có công ty Air Bus của các nước Âu Châu là cạnh tranh ngang hàng với Boeing. Mà Air Bus cũng vừa mới quyết định đặt một xưởng sản xuất máy bay ở Mỹ, mặc dù nhiều nhà chính trị Pháp, Ðức phản đối rằng quyết định đó khiến cho công nhân nước họ mất việc làm, cho công nhân bên Mỹ hưởng! Chia một số việc cho người ngoại quốc làm, nhưng nhờ thế bán được máy bay, vẫn thêm việc làm cho nhiều người Mỹ. Mà những người làm việc ở Mỹ phụ trách các phần quan trọng, thiết yếu nhất, thì lãnh lương cao hơn gấp bội.

Trong việc chế tạo chiếc máy bay Boeing không thấy nói đến tên các nhà cung cấp bộ phận từ Trung Quốc. Nếu có thì chắc cũng là những thứ rất rẻ tiền, như vải bọc các chiếc ghế, hay những hộp để mắc áo cho nhân viên phi hành đoàn. Một thí dụ để so sánh, là trong một chiếc iPad của hãng Apple bán giá 500 đô la, thì chỉ có 8 đô la được trả cho người Trung Quốc khi lắp ráp. Chính hãng Apple thu về hơn 160 đô la, riêng cho giá trị của “sản phẩm trí tuệ” vì họ đã vẽ kiểu ra cái máy đó. Cho nên, chúng ta đừng hiểu lầm rằng cái gì người Mỹ cũng nhờ người Tàu làm, kiểu đem vàng đi đổ sông Ngô!

Kinh tế toàn cầu hóa là hiện tượng tự nhiên, mà những nước tiền tiến cũng có lợi chứ không phải chỉ có các nước nghèo mới được lợi. Ðiều mọi người không để ý là số xuất cảng của nền kinh tế Mỹ đang tăng lên một cách ngoạn mục, nhờ bán bán cho các nước kinh tế đang lên. Kể từ năm 2008 đến năm ngoái, số tiền nước Mỹ thu về nhờ xuất cảng sang Trung Quốc đã tăng hơn gấp rưỡi (53%) trong khi số bán sang các nước giàu (nhóm OECD) chỉ tăng 20%. Trong các món mà nước Mỹ xuất cảng, dịch vụ chiếm 30%. Riêng đối với ba nước lớn, Brazil, Ấn Ðộ và Trung Quốc, số dịch vụ do Mỹ xuất cảng sang các nơi đó đã tăng gấp đôi kể từ năm 2006 đến nay.

Nói xuất cảng hàng hóa thì dễ thấy, nhưng nhiều người không biết các dịch vụ được xuất cảng là những thứ gì. Tuần báo Nhà Kinh Tế (The Economist) mới nêu một thí dụ. Tòa nhà Shanghai Tower ở thành phố Thượng Hải, khi được khánh thành năm 2015 sẽ nhất Trung Quốc, là do công ty Gensler, một công ty Mỹ họa kiểu. Cấu trúc chính để xây tòa nhà này là do các kỹ sư một công ty Mỹ khác thiết kế, công ty Thorton Tomasetti. Tòa nhà cao tên Jin Mao (Kim Mậu) đang là trụ sở Trung Tâm Tài Chánh Hoàn Cầu của thành phố Thượng Hải, cũng là do các kiến trúc sư và kỹ sư Mỹ vẽ kiểu. Và rất nhiều cao ốc khác khắp nước Trung Hoa. Trung Quốc có nhiều kiến trúc sư và kỹ sư giỏi không thua gì nước Mỹ; nhưng chưa có một nhóm nào đủ kinh nghiệm bằng các công ty cố vấn kỹ thuật ở Mỹ. Ðó là một “món hàng” do Mỹ xuất cảng, rất đắt tiền so với những bộ quần áo may cho các lực sĩ thể thao Mỹ đang làm dư luận xôn xao! Những dịch vụ khác về tài chánh, nhu liệu vi tính, Internet, cố vấn quản trị cũng vậy; nước Mỹ vẫn mạnh nhất trong nền “kinh tế dùng óc” (economy of knowledge).

Khi ở Mỹ người ta “bày ra” những thứ như iPhone, Facebook, được khắp thế giới ham chuộng, thì có 311,000 người Mỹ kiếm được việc làm nhờ họ đã “bày ra” những trò chơi, các nhu liệu để dùng trong các phát minh đó. Mấy trăm ngàn người này đã bán các món “hàng hóa ảo” (virtual goods) như thế, và năm ngoái tạo ra được hơn một tỷ đô la cho kinh tế Mỹ, một phần ba là bán ra nước ngoài, xuất cảng.

Năm 2010, Tổng Thống Barack Obama đoán trong 5 năm nước Mỹ sẽ tăng gấp đôi số xuất cảng. Tới nay nước Mỹ thật sự đã đạt được một nửa chặng đường đó rồi. Không phải vì nhờ vào chính phủ mà vì sức mạnh tự nhiên trong nền kinh tế tự do. Trong năm 2010 có 293,000 công ty Mỹ xuất cảng ra ngoài, con số tăng gần một phần năm (19%) so với năm 2006. Các công ty lớn, xuất cảng nhiều, như Boeing hay General Electrics ai cũng biết. Nhưng ngày càng nhiều các công ty nhỏ (dưới 500 nhân viên) tham dự thị trường xuất cảng để đối phó với tình hình kinh tế trong nước yếu đi. Năm 2006 số thu của các công ty nhỏ bằng 29% số tổng số tiền xuất cảng, đến năm 2010 đã tăng thành 34%.

Dân Trung Quốc hiện nay tiêu thụ hàng xa xỉ nhiều nhất thế giới, sắp vượt qua cả dân Mỹ. Không phải chỉ vì người Tàu mới giàu muốn làm sang, nhưng còn vì họ cần mua để hối lộ các quan chức! Công ty Ethan Allen ở Connecticut làm đồ đạc trong nhà như bàn ghế, quầy tủ loại sang trọng. Kinh tế xuống thì công ty này cũng xuống theo; nhưng hàng bán sang Trung Quốc vẫn lên. Hiện nay họ có 69 cửa hàng bên Trung Quốc, sau khi mở thêm 25 cửa hàng mới vào năm ngoái.

Chúng ta không nên vì tình trạng bi quan trong mấy tháng nay mà nghĩ rằng kinh tế nước Mỹ xuống dốc mãi. Thực sự, trên đường dài thì kinh tế nước Mỹ vẫn đầy đủ những ưu điểm mà các nước khác không có được. Tình trạng hồi phục kinh tế chậm chạp vì bản chất cuộc khủng hoảng vừa qua là bắt đầu từ hệ thống ngân hàng và tài chánh, chứ không bắt đầu trong lãnh vực sản xuất như mọi khi. Nhưng kinh tế đang hồi phục và sẽ hồi phục nhanh hơn các nước Âu Châu trong dăm năm tới.

Cơn khủng hoảng tài chánh từ năm 2007 là do các ngân hàng quá tự do cho nên bất cẩn. Họ cho vay quá dễ dãi khiến người tiêu thụ cũng vay nợ và tiêu tiền quá sức trả nợ của mình, đặc biệt là nợ mua nhà. Năm 2000, số nợ của một gia đình Mỹ trung bình còn nhỏ hơn số lợi tức kiếm được mỗi năm, đến năm 2007 số nợ lên tới 133% lợi tức, kiếm được 100 đồng thì mang nợ 133 đồng. Từ năm 2008 gặp khủng hoảng vỡ nợ, người ta bớt tiêu thụ, một lý do khiến cho kinh tế đi xuống. Trong khi đó các ngân hàng cũng mất tiền, và thắt chặt lại việc cho vay, ảnh hưởng dây chuyền khiến các xí nghiệp đều giảm đầu tư, người tiêu thụ mất việc càng giảm chi tiêu hơn nữa.

Nhờ 700 tỷ đô la cấp cứu của cựu Tổng Thống Bush năm 2008, các ngân hàng nay đã hồi phục. Hầu hết đã trả lại cho chính phủ, kể cả tiền lãi. Họ đã xóa 500 tỷ nợ xấu, gọi thêm vốn được 318 tỷ. Bây giờ tỷ lệ tiền vốn trên tổng số cho vay của các ngân hàng Mỹ lên tới 10%, cao hơn tỷ số vốn trước khi bị khủng hoảng, và cao hơn tất cả các ngân hàng lớn bên Âu Châu. Tỷ lệ nợ nần của dân Mỹ cũng giảm, từ 133% năm 2007 nay đã xuống chỉ còn bằng 114% lợi tức. Nhưng trước khi trả bớt được nợ nần thì dân Mỹ vẫn chưa tiêu thụ mạnh, cho nên kinh tế chưa phục hồi được. Trong khi số xuất cảng tăng lên, số việc làm không tăng được bao nhiêu vì những món được xuất cảng không cần dùng nhiều nhân công, họ chỉ dùng số nhân công nhỏ mà trả lương rất cao.

Một triển vọng lạc quan khác trong nền kinh tế Mỹ là dầu và hơi đốt. Khi giá dầu tăng lên trên thế giới, ai cũng lo tốn tiền. Nhưng cũng vì giá dầu cao nên các công ty ở Mỹ đã tăng sản xuất; hiện lên tới 5.7 triệu thùng dầu mỗi ngày, con số cao nhất kể từ năm 2003. Nhờ đó, số dầu mà nước Mỹ nhập cảng, sau khi trừ số dầu xuất cảng, trong năm nay xuống đến mức thấp nhất kể từ năm 1995 đến giờ. Kỹ nghệ dầu và hơi đốt (gas) ở Mỹ mới đạt được một đột phá đặc biệt. Ðó là kỹ thuật khoan mới theo chiều ngang để lấy hơi đốt từ các lớp đá phiến mềm, gọi là shale gas. Một nhà kinh doanh, ông George Mitchell chỉ đầu tư 6 triệu nhưng trong bảy năm đã thành công, đang thay đổi cả thị trường dầu khí với kỹ thuật mới phát minh mà các công ty hơi đốt đang dùng khai thác hơi đốt khắp nước Mỹ. Nhờ thế, giá hơi đốt ở Mỹ rẻ chỉ bằng 30% giá ở các nước Á Châu và Âu Châu, và Mỹ trở thành một quốc gia xuất cảng hơi đốt. Kỹ thuật này cũng đang được áp dụng để lấy dầu lửa từ đá phiến mềm (shale oil), nhờ thế trong mươi năm tới sẽ sản xuất thêm được gần bằng số dầu mà nước Mỹ đang nhập cảng hiện nay (thêm 7 triệu, so với 9 triệu thùng dầu đang nhập cảng mỗi ngày).

Chúng ta có thể thấy triển vọng của nền kinh tế Mỹ vẫn rất lạc quan. Tất nhiên, đó là chuyện đường dài, còn trong hiện tại nước Mỹ vẫn chưa qua được hết cơn khủng hoảng do nợ nần địa ốc gây ra. Nếu trong Tháng Bảy hoặc Tháng Tám này, Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang bơm thêm tiền vào với chính sách QE-3 thì chắc chắn sẽ thúc đẩy kinh tế lên nhanh hơn. Một chính sách như vậy sẽ gây hiệu quả trông thấy sau vài ba tháng, tức là sẽ không ảnh hưởng mấy trước cuộc bầu cử đầu Tháng Mười Một! Nhưng thị trường chứng khoán chỉ cần đoán hành động của Ngân Hàng Trung Ương là sẽ kích thích thì cũng đủ để cho giá các cổ phiếu đứng vững rồi!
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/07/tuong-lai-kinh-te-van-lac-quan.html?utm_source=BP_recent
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001