Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Trần Minh Khôi - Đối diện với chủ nghĩa dân tộc lớn


Trần Minh Khôi
Tài liệu Khuấy động Biển Đông của International Crisis Group giúp chúng ta thấy rõ cái cơ chế mà qua đó kế hoạch bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông được thực hiện. Kế hoạch đó thể tóm lược như sau: Bắc Kinh thả lỏng cho chính quyền địa phương các tỉnh Hải Nam, Quảng Đông, và Quảng Tây, cùng với các đơn vị kinh tế nhà nước, các đơn vị tuần dương thuộc các bộ, và lực lượng hải quân của Giải phóng Quân tự do theo đuổi quyền lợi riêng của chúng trên Biển Đông mà không có một cơ quan điều hợp hữu hiệu nào ở cấp trung ương. Khi cần làm dịu đi sư căng thẳng khu vực có hại cho nó thì Bắc Kinh có thể đổ lỗi cho các cơ quan này và thực hiện một vài cử chỉ hòa giải để xoa dịu dư luận quốc tế. Nhưng, như hành xử ôn hòa của Bắc Kinh từ giữa 2011 đến giữa 2012 cho thấy, rõ ràng nó cố tình duy trì tình trạng có vẻ như hỗn loạn đó cho mục đích bá quyền của nó.
Chiến thuật này không có gì cao siêu hay mới mẻ. Đây là chiến thuật của các băng đảng. Khi cần thì tên thủ lĩnh có thể xử vài tên đàn em trước mặt đối thủ nhưng chính bọn đàn em này đang thực hiện mục đích cướp bóc cho nó. Chỉ có một điểm khác biệt: Bắc Kinh theo đuổi chính sách này với sự bảo trợ của chủ nghĩa dân tộc lớn. Fukuyama nói đâu đó trong cuốn Những nguồn gốc của trật tự chính trị rằng quyền lợi và sự chính đáng là nền tảng của các trật tự chính trị. Lòng tham của Bắc Kinh và sự kích động chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc để tạo sự chính đáng cho lòng tham đó là vấn đề then chốt của cuộc xung đột ở Biển Đông.
Việc Bắc Kinh dung túng các hành động gây hấn tự tung tự tác của các cơ quan nhà nước địa phương Trung Quốc ở Biển Đông đặt chúng ta trước một nguy cơ chiến tranh rất lớn. Trong ngắn hạn, khi mà Trung Quốc vẫn chưa xây dựng được một nền kinh nội địa vững mạnh và giải quyết thỏa đáng vấn đề năng lượng, Bắc Kinh sẽ không dám tổ chức một cuộc chiến tranh xâm lược ở Biển Đông. Nhưng mặt khác nó vẫn duy trì tình trạng hiện nay như một công cụ chính trị, một phần là vừa để đe dọa vừa để thăm dò dư luận khu vực và quốc tế về các kế hoạch bá quyền, phần khác là để giải quyết sức ép chính trị nội bộ bằng sự kích động chủ nghĩa dân tộc. Điều mà Bắc Kinh không tiên liệu được là những hành động gây hấn, ngày càng trở nên hung bạo, của các cơ quan nhà nước địa phương có thể làm bùng nổ một cuộc chiến nằm ngoài sự tính toán của nó. Khi súng đã nổ thì chiến tranh sẽ đi theo logic của nó. Lúc đó không ai dám khẳng định rằng một cuộc chiến tranh toàn diện sẽ không xảy ra. Ở thời điểm này, chính quyền trung ương ở Bắc Kinh là tác nhân duy nhất có khả năng ngăn ngừa sự táo tợn của các cơ quan địa phương, như nó đã làm trong thời gian vừa rồi, qua đó ngăn ngừa sự bùng nổ của một cuộc chiến như thế.
Việc tăng cường các lực lượng phòng vệ sẳn sàng chiến đấu ở Trường Sa là cần thiết. Nó giúp ngăn chặn một khả năng điên rồ, những vẫn có thể xảy ra, đặc biệt là để giải quyết bế tắc chính trị nào đó, của Bắc Kinh là dùng lực lượng hải quân hùng hậu của nó để cưỡng đoạt Trường Sa ở thời điểm này, như nó đã làm năm 1988. Nhưng việc ngăn chặn các nguy cơ dẫn đến chiến tranh vẫn là ưu tiêu quan trọng hơn. Từ hơn 1000 năm nay, Đại Việt đã là một tảng đá không lay chuyển nổi ở biên cương phía nam nước Tàu. Trong cái thế giới nhất cực đó, cha ông chúng ta vẫn có thể giữ được nước. Trong thế giới đa cực ngày nay khó có thể hình dung là chúng ta bị khuất phục và mất nước, ngay cả khi chúng ta đang đương đầu mới một tình huống rất khó khăn là một bộ phận của thế lực cầm quyền, vì những duyên nợ của quá khứ và tham vọng quyền lực của hiện tại, đang thỏa hiệp với Bắc Kinh vì quyền lợi của nó.
Vậy chúng ta cần phải làm gì? Việc từ từ nhích dần về phía Mỹ và Đông Nam Á giúp cảnh tỉnh Bắc Kinh trong các động thái bá quyền phiêu lưu của nó. Đây là vai trò của ngoại giao.
Việc thứ hai là luôn luôn kịp thời đánh động dư luận thế giới về các động thái gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Mục tiêu của chúng ta là vạch trần bộ mặt tham lam được tô vẻ bằng cái mặt nạ ôn hòa nhằm đánh lừa dư luận quốc tế về một triển vọng vươn lên trong hòa bình mà Bắc Kinh đã dày công gầy dựng từ hơn ba mươi năm qua. Hình ảnh xuống đường biểu tình chống Trung Quốc của công dân Việt Nam trên các trang báo lớn của thế giới có khả năng tố cáo tâm địa của Trung Quốc hơn bất cứ một hoạt động ngoại giao nào từ phía nhà nước. Bắc Kinh không sợ chúng ta nhưng nó phải bảo vệ hình ảnh của nó trên trường thế giới. Hơn thế, nó sợ những cuộc biểu tình ở Việt Nam có thể làm bùng nổ những bức xúc xã hội được ngụy trang bằng tinh thần nồng nhiệt của chủ nghĩa dân tộc mà chính Bắc Kinh đã nuôi dưỡng như một công cụ bảo chứng cho tính chính đáng cai trị của nó. Trước tình huống như thế Bắc Kinh buộc phải giới hạn sự ngông cuồng của các cơ quan nhà nước địa phương như nó đã làm trong thời gian qua. Đây là lý do cho sự cần thiết phải tiếp tục xuống đường biểu tình chống Trung Quốc mỗi khi có sự cố gây hấn xảy ra. Biểu tình giúp ngăn chặn nguy cơ bùng nổ của chiến tranh trên Biển Đông.
Nhà nước Việt Nam hiểu rất rõ tác dụng của việc xuống đường biểu tình của các tầng lớp nhân dân trong việc giúp ngăn chặn các ý tưởng phiêu lưu của các lực lượng cứng rắn trong nội bộ nhà nước Trung Quốc. Trong vài trường hợp nó có vẻ như muốn bảo trợ cho các cuộc biểu tình này. Nhưng sự sợ hãi, cũng giống như sự sợ hãi của Bắc Kinh đối với nguy cơ bùng nổ biểu tình thách thức quyền lực của nó, đã đẩy nhà nước Việt Nam vào một lựa chọn phản động: chống lại những cuộc xuống đường bảo vệ đất nước của nhân dân. Điều này đặt ra một thử thách rất lớn cho chúng ta.
Một điều quan trọng khác là chúng ta phải có đủ ý chí và sự tỉnh táo để không làm kích động thêm nữa sự ngông cuồng và mù quá của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc. Có người lập luận rằng việc đánh động chủ nghĩa dân tộc, và đi cùng với nó là sự thù hận lịch sử, cả ở Việt Nam và Trung Quốc, là cần thiết để giải quyết vấn đề chủ nghĩa cộng sản mà tầng lớp quyền lực đang bám víu. Điều này có sự cám dỗ của nó (như đã nói trong cái note Tư duy Tàu chống Tàu và sẽ nói thêm trong cái note kế tiếp, Chủ nghĩa dân tộc phản bội). Nhưng kinh nghiệm lịch sử cho thấy, chủ nghĩa dân tộc có khả năng thiêu cháy luôn cả những người cổ xúy nó và thiêu cháy sinh lực quốc gia. Không có gì chắc chắn là sự bùng dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc sẽ thiêu cháy tập đoàn quyền lực Bắc Kinh, thế lực đã nuôi dưỡng nó. (Cũng như không có gì chắc chắn chủ nghĩa dân tộc Việt Nam có khả năng tước đoạt quyền lực từ thế lực độc tài hiện nay. Khả năng lớn hơn là các thế lực này sẽ sử dụng chủ nghĩa dân tộc để thay thế chủ nghĩa cộng sản và tiếp tục cai trị. Sẽ nói thêm về sau.) Nhưng chắc chắn hơn là sự trỗi dậy này sẽ đẩy các khả năng bùng nổ chiến tranh ở Biển Đông ra khỏi giới hạn của khả năng ngăn ngừa của chúng ta. Như đã nói, chống một chủ nghĩa dân tộc lớn bằng một chủ nghĩa dân tộc nhỏ hơn là vô vọng.
Chính nghĩa ở phía chúng ta. Nhưng đó là chính nghĩa của lòng tự trọng, của công lý, và tự do chứ không phải là chính nghĩa mang tính hận thù lịch sử. Đối diện với chủ nghĩa dân tộc lớn, mục đích của chúng ta là dùng chính nghĩa đó để tránh chiến tranh.
Một khi vẫn còn có thể tránh được.
Admin gửi hôm Thứ Sáu, 13/07/2012 
nguồn_danluan:http://danluan.org/node/13364
--------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001