Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

CÙNG LUẬN BÀN VỀ VIỆN HÀN LÂM VÀ DANH HIỆU VIỆN SĨ CỦA ÔNG PHAN HUY LÊ  ( 1 )

MỤC LỤC

I.  Về Viện hàn lâm
1. Hàn lâm việ
n ở Trung Hoa và ở Việt Nam thời xưa
2. Về các chữ Académiê, Academy, Akademiya
3. Viện hàn lâm Pháp
4. Viên hàn lâm khoa học Liên Xô, Viện hàn lâm khoa học Nga

II Về tên gọi “viện sĩ”
Thế nào là viện sĩ
Tên gọi “viện sĩ” phải đi kèm với tên viện hàn lâm

III. Những nhấm lẫn không nhỏ trong việc sử dụng tên gọi “viện sĩ”
Sử dụng không đúng theo thông lệ của tiếng Việt
Sai lệch quá lớn giữa danh vị thật và danh vị dược quảng bá
cuộc tuyên truuyền rầm rộ cho một mỹ hiệu hão huyền

IV. Vài lời cuố
i bài 

* Kỳ thứ nhất * 

I. Về Viện Hàn lâm (hay Hàn lâm viện翰 林 院 trong Hán ngữ)

1.Hàn lâm viện ở Trung Hoa và ở Việt Nam thời xưa

Theo từ điển Từ hải, chữ hàn翰 (trong Hàn lâm viện翰 林 院) vốn có nghĩa là một loai gà núi đẹp, gọi là cẩm kê, dịch sang tiếng Việt là “gà gấm”. Về sau, chữ hàn 翰này còn có nghĩa là cái lông chim dài và cứng. Ngày xưa, ở châu Á cũng như ở châu Âu, người ta dùng những chiếc lông chim dài và cứng để làm bút viết, do đó, chữ hàn翰 lại có nghĩa là cái bút, và còn có thêm vài nghĩa khác nữa. Trong từ hàn lâm翰林thì hàn 翰 nghĩa là bút, lâm 林nghĩa là rừng; hàn lâm 翰 林có nghĩa đen là rừng bút, nghĩa bóng là văn đàn, là chốn tinh hoa về học thuật.
Thời nhà Đường, năm Khai Nguyên thứ 26 (738), Đường Huyền Tông tuyển mộ các triều thần “văn hay chữ tốt” để soạn thảo các chiếu chỉ, mệnh lệnh, từ đó sinh ra chức quan Hàn lâm học sĩ (gọi tắt là Hàn lâm) và Hàn lâm viện, mà ngày nay chúng ta gọi là Viện hàn lâm. Thời Tống, quan Câu đương Hàn lâm viện (tức là chủ quản Hàn lâm viện) còn kiêm quản thiên văn, thư nghệ, đồ họa, y dược và cả việc bếp núc trà rượu của triều đình. Nhà Nguyên lập Hàn lâm học sĩ viện, về sau hợp với Quốc sử viện, gọi là Hàn lâm kiêm quốc sử viện. Thời Minh, Hàn lâm viện chính thức trở thành cơ quan ngoại vi của triều đình. Thời nhà Thanh, Hàn lâm viện vẫn đảm nhiệm việc biên soạn quốc sử, ghi chép lời nói và việc làm của hoàng đế, giảng kinh sử, thảo văn kiện có liên quan đến các quy định về lễ nghi.
Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí (phần Quan chức chí) do Phan Huy Chú biên soạn thì ở Việt Nam, Hàn lâm viện được thành lập từ năm 1086, thời vua Lý Nhân tông, với Mac Hiển Tích là vị Hàn lâm học sĩ đầu tiên. Nhà Trần đặt chức Hàn lâm phụng chỉ để soạn thảo các chiếu chỉ thay nhà vua, thường do thái sư đảm nhiệm. Nhà Lê khi mới dựng nước cũng lập ngay Hàn lâm viện, do Nguyễn Trãi làm Hàn lâm phụng chỉ.
Phan Thanh Giản (1796 – 1867), vị tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ, lúc mới đỗ đạt đã từng giữ chức Hàn lâm viện biên tu rồi thăng lên chức Hàn lâm viện kiểm thảo, thời vua Minh Mệnh
Nói tóm lại, dù là ở Trung Hoa hay ở Việt Nam, Hàn lâm viện là nơi tập trung những người có học vấn cao để thực hiện những công việc liên quan đến sách vở, trứ tác.
Từ “Hàn lâm viện” trong Hán ngữ được dịch sang tiếng Latin là Academia (xuất hiện năm 1508 - theo từ điển Robert), tương ứng với Academy, Académie, Академия trong các thứ tiếng Anh, Pháp và Nga (chữ Академия được phiên âm là Akademiya). Điều đó cũng được thể hiện trong Từ điển Annam -Latin (Dictionarium Anamitic - Latinum) của A.J.L. Taberd (in năm 1838).

2.Về các chữ Académie, Academy, Akademiya (trong tiếng Pháp, Anh, và Nga,
tương ứng với Academia trong tiếng Latin, với nghĩa là Viện học thuật )

Trong cuốn Pháp – Việt từ điển (ra đời năm 1936) của cụ Đào Duy Anh, ở mục từ Académie, chúng ta thấy những lời dịch như sau:
1. Cái vườn mà Platon giảng triết học ở đó, gần thành Athènes;
2. Quốc gia học hội, bác-học-viện, hàn-lâm-viện, đại học hiệu, đai học khu.
3. Du kỹ trường, thể dục trường, như trường kỵ mã, trường đấu kiếm;
4. Bức họa người cổi truồng, khỏa thân họa.
Sau đó, tác giả nêu một số ví dụ:
-. Académie franÕaise: Pháp quốc hàn lâm viện (nay ta gọi là Viện hàn lâm Pháp)
- Académie des sciences: Khoa học viện (nay nên gọi là Viện hàn lâm khoa học Pháp)
- Académie des inscriptions et belles-lettres: Bi ký mỹ văn học viện ( =Viện HL Bi ký và Mỹ văn)
- Académie des sciences morales et politiques: Luân lý chính trị học viện
- Académie des beaux-arts: Mỹ thuật viện (có thể gọi là Viện hàn lâm nghệ thuật)
- Académie de médecine; Y khoa học viện (có thể gọi là Viện hàn lâm Y học)
- Académie d’agriculture: Nông phố học viện.( có thể gọi là Viện hàn lâm nông học)
(Bên cạnh tên của các cơ quan này đều có chữ Hán, chúng tôi xin phép bỏ bớt – LMC)

Tất cả các nghĩa 1, 2, 3, 4 đều được ghi trong từ điển Petit Larousse – cuốn từ điển Pháp ngữ rất thông dụng của người Pháp. Học giả Đào Duy Anh đã nêu đầy đủ và đã dịch đúng nghĩa.
Pháp – Việt từ điển được biên soạn trước năm 1936, khi mà chữ quốc ngữ mới được sử dụng rộng rãi trong vài chục năm nên còn chịu ảnh hưởng nặng nề của cách diễn đạt trong Hán ngữ. Trong 4 nghĩa trên đây thì nghĩa thứ hai là thông dụng nhất, có thể dịch sang tiếng Việt hiện nay bằng các cụm từ: Hội học thuật quốc gia; Viện hàn-lâm; Viện nghiên cứu; Học viện; Học hiệu, Trường đại học ...
Chúng ta nhận thấy rằng, chỉ trong ví dụ đầu tiên thì chữ Académie mới được soạn giả gọi là Viện hàn lâm, còn trong các trường hợp khác thì được gọi là Viện hoặc Học viện. Nghĩa là, chỉ riêng Académie cao cấp nhất, có uy tín nhất, “danh giá” nhất thì cụ Đào Duy Anh mới gọi là Viện hàn lâm, một tên gọi mang tính tôn nghiêm, trịnh trọng, còn các Académie khác ở cấp thấp hơn thì gọi là viện, học viện. Nghĩa là, phải biết về hoạt động của từng Académie cụ thể để tìm cho nó một nghĩa tiếng Việt thích đáng. Người dịch phải có kiến thức và có trách nhiệm cao thì mới cân nhắc như thế.
Theo Từ điển Pháp – Việt của Viện khoa học xã hội Việt Nam do Lê Khả Kế chủ biên thì từ Académie được dịch sang tiếng Việt như sau; 1. viện hàn lâm; 2. hội (văn học nghệ thuật); 3. học viện. Académie militaire Học viện quân sự; 4. khu giáo dục (Pháp): Académie de Nancy khu giáo dục Năng-xi; 5. (họa) hình nghiên cứu khỏa thân. Như vậy là, ở đây thiếu hẳn nghĩa 1 và nghĩa 3 trong từ điển của Đào Duy Anh. Tuy nhiên, đó là những nghĩa rất ít gặp.
Chữ Academy trong tiếng Anh và chữ Akademiya trong tiếng Nga đều có các nghĩa 1, 2 và 3 như trong Từ điển của cụ Đào Duy Anh, nhưng không thấy có nghĩa thứ 4.
Ở Liên Xô trước đây và ở Liên bang Nga hiện nay, có khá nhiều trường đại học được gọi là Akademiya, ví dụ, Военно-воздущая академия = Đại học Không quân, Военно-медицинская академия = Đại học quân y; Академия общественных наук = Học viện khoa học xã hội (chính là trường đảng của Liên xô, nhưng các học viên người Việt cứ gọi là Viện hàn lâm khoa học xã hội).
Mặc dầu các quyển từ điển Pháp –Việt và Anh – Việt đều nêu nhiều nghĩa cho các chữ Académie, Academy để giúp người dịch lựa chọn trong từng trường hợp khi dịch sang tiếng Việt, nhưng trên sách báo ở Việt Nam từ nhiều chục năm nay, dường như tất cả các chữ này (cùng các chữ tương ứng trong các thứ tiếng khác) đều được dịch thành “viện hàn lâm”. Các sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam học tại các trường của Liên Xô có tên trong các ví dụ vừa kể đều gọi các trường ấy là “viện hàn lâm”, như Viện hàn lâm không quân, Viện hàn lâm quân y, Viện hàn lâm khoa học xã hội. Gọi như thế là sai, vì Akademiya ở đây có nghĩa là trường học
Ở Anh, chữ Academy rất ít khi được dùng để đặt tên cho các viện nghiên cứu hoặc các trường học. Thế nhưng ở Việt Nam hiện nay có một số trường mang tên bằng tiếng Anh có chữ đó, ví dụ: Hanoi Academy (không thấy tên bằng tiếng Việt, và tôi cũng chưa biết dó là trường gì), Academy of Finance (Học viện Tài chính), Ho Chi Minh National Academy of Politics and Public Administration (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh). Phải chăng, đó là sự bắt chước từ tiếng Nga?
Hiện nay, người Việt Nam vẫn thường nói đến Viện hàn lâm. Nhưng, ở Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Macao thì các viện nghiên cứu lớn nhất hoặc các Academy nổi tiếng trên thế giới đều được dịch sang Hán ngữ là Viện, Học viện, Viện nghiên cứu, Viện học thuật, Hội học thuật....chứ không bao giờ gọi là Hàn lâm viện. Ví dụ, Académie franÕaise được gọi là Pháp-lan-tây học thuật viện, tức là Viện học thuật Pháp; Russian Academy of Sciences mà ta gọi là Viện hàn lâm khoa học Nga, thì người Trung quốc gọi là Nga-la-tư khoa học viện, tức là Viện khoa học Nga
Chữ Academy (Académie, Akademiya.....) được dịch sang tiếng Việt là Viện hàn lâm hay Viện, Học viện, Viện nghiên cứu, Viện học thuật, Hội học thuật.... là do sự cân nhắc của người dịch. Uy tín của mỗi Viện không phụ thuộc vào chữ Academy mà là do những thành tựu của nó trong quá khứ và hiện tại tạo nên. Ở nước Anh, cơ quan khoa học sang trọng nhất, danh tiếng vào bậc nhất thế giới, được thành lập từ năm 1660, có tên là Royal Society = Hội Hoàng gia, để cho rõ hơn một chút, ta có thể dịch là Học hội Hoàng gia . Cái tên đầy đủ của nó thì lại càng “bình dân” hơn nữa: The Royal Society of London for Improving Natural Knowledge = Hội Hoàng gia Luân Đôn nhằm cải tiến tri thức tự nhiên. Trong khi đó, British Academy, tưởng như là cơ quan học thuật cao nhất lại là một viện về khoa học xã hội và nhân văn, được thành lập năm 1902, ít danh tiếng hơn rất nhiều. Hiện nay ở nước ta hầu như chữ Academy (Académie, Akademiya.....) được đồng nhất hóa với Viện hàn lâm và mặc nhiên trở nên hết sức khả kính, rất ít khi người ta để ý đến thực chất của nó trong từng trường hợp cụ thể.

3.Viện hàn lâm Pháp

Tầng lớp thanh niên trí thức Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20 luôn luôn giàu lòng yêu nước và có hoài bão chống thực dân Pháp để giành độc lập cho nước nhà. Nhưng họ luôn luôn trân trọng, thậm chí, say mê những giá trị cao đẹp của nền văn hóa Pháp, với nhiều danh nhân có tên tuổi lẫy lừng, cống hiến rất nhiều cho nền văn minh của nhân loại. Tôi được biết và tin điều đó từ khi còn rất nhỏ do nghe lỏm các cuộc trò chuyện giữa cụ thân sinh và các bạn học của ông – những người đã tốt nghiệp Cao đẳng Đông Dương (École des Hautes Études Indochinoises), đồng môn và cùng lứa với các liệt sĩ cách mang Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính.
Ở Pháp có một tổ chức học thuật có tên là Institut de France (Hiệp hội học thuật Pháp), được thành lập năm 1795, gồm 5 Viện (Académie) trong số 7 viện mà học giả Đào Duy Anh đã nhắc đến ở mục từ Académie trong quyển Pháp – Việt từ điển của ông. Đó là:
Académie franÕaise = Viện Hàn lâm Pháp, thành lập năm 1635
Académie des sciences = Viện Khoa học (tự nhiên) Pháp, thành lập năm 1666
Académie des inscriptions et belles-lettre = Viện Bi ký và Mỹ văn, thành lập năm1663
Académie des sciences morales et politiques = Viện Luân lý và Chính trị, thành lập năm 1785
Académie des beaux-arts = Viện Mỹ thuật, thành lập năm 1815.

Trong số 5 viện này, Académie franÕaise – Viện hàn lâm Pháp (ở Trung Quốc người ta gọi là Viện học thuật Pháp) được thành lập sớm nhất, quan trọng và “danh giá“ hơn hẳn các viện khác.
Do Hồng y Giáo chủ Richelieu thành lập năm 1635 dưới thời vua Louis XIII, Viện hàn lâm Pháp được giao nhiệm vụ trước tiên là tiêu chuẩn hóa và hoàn thiện ngôn ngữ Pháp, xây dựng những quy tắc ngữ pháp làm cho tiếng Pháp càng thêm trong sáng và dễ hiểu. Trên tinh thần đó, Viện này bắt đầu biên soạn một bộ từ điển có tên là Dictionnaire de l’Académie française (Từ điển của Viện hàn lâm Pháp) xuất bản lần đầu tiên vào năm 1694, sau đó, không ngừng được bổ sung và cải tiến. Lần xuất bản thứ 8 diễn ra trong những năm 1933 - 1935. Hiện nay, lần xuất bản thứ 9 đã in được 3 tập, còn thiếu tập 4. Hàng năm, Viện tổ chức nhiều cuộc hội thảo giới thiệu các tác phẩm, xét duyệt và trao tặng các giải thưởng cho các công trình khoa học có giá trị lớn.
Viện Hàn lâm Pháp gồm 40 “ghế bành” (fauteuil), tập hợp những nhân vật nổi tiếng trong đời sống văn học (thơ ca, tiểu thuyết, kịch nghệ, phê bình), các nhà triết học, các nhà sử học cùng các nhà khoa học tự nhiên. Ngoài ra, nò còn thu hút các tướng lĩnh, các chính khách, các chức sắc tôn giáo nổi tiếng. Phải là tác giả của những tác phẩm lớn để lại cho đời sau thì mới được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp và được “giữ ghế” suốt đời (trừ khi có hành vi bất chính). Họ được gọi là những người bất tử (immortels) của nước Pháp, và đương nhiên, đều là công dân Pháp. Mỗi khi có một viện sĩ (acadénicien) qua đời thì Viện sẽ bầu một viện sĩ mới để thay vào chỗ trống. Nhà tư tưởng vĩ đại Montesquieu, các đại văn hào Voltaire, Victor Hugo, Alexandre Dumas (con), các nhà toán học Joseph Fourier và Jean le Rond d'Alembert, nhà bác học Louis Pasteur... là những tên tuổi sáng ngời đã được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp. Năm 1855, người ta đã đặt thêm chiếc “ghế bành thứ 41” (tượng trưng) dành cho những con người đúng là “bất tử” nhưng suốt đời không bao giờ có dịp bước vào cửa của Viện hàm lâm Pháp. Trong số đó, cần phải kể đến những tên tuổi quen thuộc với độc giả Việt Nam như Descartes, Molière, Pascal, Rousseau, Diderot, Balzac, Dumas (cha), Stendhal, Maupassant, Baudelaire, Zola, Daudet, Proust, v.v.
Trong lịch sử của Viện Hàn lâm Pháp, đã có những viện sĩ bị phế truất vì có hành vi bất chính.
Viện sĩ Hàn lâm Pháp được bầu gần đây nhất là ông Jules Alphonse Nicolas Hoffmann (viết gọn là Jules Hoffmann), một nhà sinh vật học gốc Luxembourg, được trao tặng giải thưởng Nobel về Sinh lý học và Y học năm 2011 cùng với Bruce Alan Butler (Mỹ) và Ralph Marvin Steinman (Canada). Ông sinh năm 1941, là viện sĩ của Viện HL khoa học Pháp (Académie des sciences) từ năm 1992, chủ tịch của Viện này trong những năm 2007 – 2008, trở thành Viện sĩ thứ 726 (trên thực tế là thứ 722 vì có 4 viện sĩ đã bị phế truất, trong đó có Henri Philippe Pétain, vốn là anh hùng dân tộc của Pháp trong Đại chiến I nhưng phạm tội phản quốc trong Đại chiến II) của Viện Hàn lâm Pháp từ ngày 01/3/2012.
Trong những năm cuối thế kỷ 20, có một Viện sĩ Hàn lâm Pháp khá quen thuộc với khán giả truyền hình Việt Nam. Đó là ông Jacques-Yves Cousteau (1910 – 1997), nhà thám hiểm hải dương học huyền thoại, cũng là người sáng chế những bộ áo lặn và thiết bị lặn hiện đại đắc dụng nhất, đồng thời là tác giả của nhiều bộ phim và nhiều quyển sách kỳ thú về thế giới sinh vật dưới đáy biển. Ông được bầu làm viện sĩ Viện hàn lâm Pháp ngày 24/11/1988.
Viện Hàn lâm Pháp không phải là một cơ quan nghiên cứu khoa học, mà là “ngôi đền” tôn vinh các nhà khoa học, các nhà văn hóa đã đạt những thành tựu to lớn có ảnh hưởng lâu dài ở trong và ngoài nước Pháp. Đây cũng là tổ chức có uy tín nhất có tác dụng khuyến khích, biểu dương kịp thời những công trình khoa học, văn học và những tài năng mới xuất hiện, bằng những hoạt động như hội thảo, giới thiệu, xuất bản các tác phẩm. Việc hoàn thiện văn phạm và từ điển tiếng Pháp được coi là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và thường xuyên. Đó là một điều khiến chúng ta rất đáng suy nghĩ.
Ở Pháp, ngoài 7 cơ quan có tên là Académie... mà học giả Đào Duy Anh đã nhắc đến, còn có một số cơ quan nữa cũng được gọi là Académie. Nếu tất cả các Académie ở Pháp không phải là trường học (mà là các viện) đều được gọi là Viện hàn lâm thì nước Pháp có chừng một chục Viện hàn lâm, trong số đó, Viện hàn lâm Pháp, tức Académie franÕaise là lâu đời nhất, danh giá nhất, được ngưỡng mộ nhất, ai cũng biết. Mọi người chỉ cần gọi nó là l’Académie (nghĩa là Viện hàn lâm, không cần có chữ franÕaise nghĩa là của nước Pháp), giống như ở Việt Nam người ta nói đại hội Đảng có nghĩa là đại hội của Đảng cộng sản Việt Nam ..Nhưng khi nói đến một Viện hàn lâm khác thì nhất thiết phải gọi đầy đủ tên của nó.

4.Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, Viện hàn lâm khoa học Nga

Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô tồn tại từ năm 1925 đến năm 1991, là cơ quan nghiên cứu khoa học cao nhất của Liên Xô, trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, có tên theo tiếng Nga là Академия наук СССР, tên tiếng Anh là USSR Academy of Sciences. Tiền thân của nó là Viện hàn lâm khoa học Nga, do Pyotr Đại đế thành lập năm 1724 tại Saint Petersburg theo khuôn mẫu của Tây Âu (gần giống như Académie des sciences của Pháp ở Paris) nhưng phụ thuộc nhà nước nhiều hơn. Trong thời gian 1917 – 1925, có 69 viện sĩ. Sau khi chuyển thành Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, nó được tổ chức lại theo mô hình mới hoàn toàn và có quy mô càng ngày càng to lớn. Năm 1934, chuyển trú sở từ Petrograd về Moskva. Lúc này, có 80 viện chuyên ngành, với khoảng 2000 nghiên cứu viên. Đến năm 1940, các con số đó đã tăng gấp đôi. Năm 1936 có 98 viện sĩ (akademik). Năm 1985, có 330 cơ quan khoa học, với 57 ngàn cán bộ nghiên cứu, một nửa trong số đó là tiến sĩ và phó tiến sĩ (mà ở Việt Nam đã được nâng bậc thành tiến sĩ). Năm 1989 có 323 viện sĩ, 586 thành viên thông tấn, 138 thành viên nước ngoài.
Viện hàn lâm khoa học Liên Xô là viện lớn nhất và “danh giá ‘ nhất ở Liên Xô, bên cạnh nó còn có một số Viện hàn lâm chuyên ngành về kiến trúc, y học, nông nghiệp, sư phạm, nghệ thuật, v.v. Ngoài ra mỗi nước cộng hòa xô viết đều có một Viện hàn lâm khoa học, khiến tổng số các Viện hàn lâm ở Liên xô lên đến nhiều chục. Các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cũng thành lập các viện hàn lâm khoa học theo mô hình của Liên Xô.
Ngày 21/11/1991, Tổng thống Liên bang Nga ký sắc lệnh tái lập Viện hàn lâm khoa học Nga với tư cách là cơ quan thừa kế hoàn toàn của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô.. Cơ cấu tổ chức từ thời Liên Xô vẫn được giữ nguyên. Hiện nay, Viện hàn lâm khoa học Nga có 3 chi nhánh (ở Siberia, ở Ural và ở Viễn đông.) và 15 trung tâm ở các vùng. Đến cuối năm 2011, Viện hàn lâm khoa học Nga có 531 viện sĩ (akademik) và 769 thành viên thông tấn.
Trong những năm 50 – 60 của thế kỷ trước, những người thuộc thế hệ cha mẹ chúng tôi vẫn chưa già lắm, chỉ mới trên dưới 60 tuổi. Họ cùng với những thanh niên học sinh thuộc lớp con cái của mình được nghe rất nhiều điều kỳ diệu về một nền khoa học đang phát triển rực rỡ ở Liên bang Xô-viết mà trụ cột của nó là Viện hàn lâm khoa học Liên Xô. Những thành tựu khoa học vĩ đại có thật của nó, như việc chế tạo vũ khí nguyên tử, phóng vệ tinh nhân tạo và con tàu vũ trụ đã khiến cả thế giới phải khâm phục.
Mặt khác, đã xẩy ra rất nhiều sự việc tệ hại liên quan đến Viện hàn lâm khoa học Liên Xô. Điển hình nhất là sự tác oai tác quái của Trofim Denisovich Lysenko (1898 – 1976), kẻ khởi xướng một khuynh hướng khoa học giả hiệu trong sinh vật học và khống chế khoa học nông nghiệp ở Liên Xô từ khoảng năm 1935 đến 1960. Ông ta đã dùng quyền lực chính trị để giết hại nhiều nhà bác học có ý kiến khác mình, bắt bớ và giam cầm khiến họ bị chết trong tù, ví dị như Nikolai Ivanovich Vavilov (1887 – 1943), nhà di truyền học xuất sắc nhất của Liên Xô đã bị bắt giam năm 1940 và chết trong nhà tù ở Saratov ngày 26/01/1943 vì thiếu dinh dưỡng.
【Theo website poeples.ru bằng tiếng Nga chuyên giới thiệu tiểu sử các nhân vật nổi tiếng, tại trang http://www.peoples.ru/science/botany/vavilov/index.html ghi tiểu sử của N.I. Vavilov thì nhà bác học này bị tuyên án tử hình ngày 09/7/1941 cùng với nhiều người khác nhưng đến ngày hành quyết là 28/7/1941 thì một mình ông đươc hoãn lại, và đến ngày 23/6/1942, được giảm mức án xuống 20 năm tù, nhưng chỉ nửa năm sau đó thì ông qua đời. Sergei Pavlovich Korolev (.1907 – 1966), tác giả của tên lửa vũ trụ Xô-viết cũng phải ở tù từ ngáy 22/6/1938 đến ngày 27/6/1944.】
Tuy nhin,những sự thật đen tối như vậy đã được giữ kín, chỉ những người thân của các nạn nhân mới biết nên hầu như không ảnh hưởng đến uy tín của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô.trong lòng nhân dân Việt Nam.
II. Về tên gọi “Viện sĩ”

Thế nào là Viện sĩ ?

Câu hỏi này tưởng như là do một kẻ dốt đặc nêu ra, nhưng không hẳn như thế.
Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên thì, viện sĩ là thành viên viện hàn lâm (thường là viện hàn lâm khoa học).
Định nghĩa như vậy, xem qua thì thấy không có gì sai, nhưng nghĩ kỹ thì thấy còn chưa ổn.
Trong một Viện hàn lâm thì các Viện sĩ phải là những người quyết định các vấn đề khoa học thuộc chương trình hành động của Viện. Đành rằng, trong Viện hàn lâm cũng có ông chủ tịch và các ông trưởng ban nọ, trưởng bộ phận kia, nhưng đó chỉ là những chức vụ về tổ chức chứ không có ý nghĩa quyết định trong các vấn đề khoa học.Trong khoa học, ông chủ tịch Viện hàn lâm cũng là một Viện sĩ, lá phiếu của ông ta không thể có “trọng lượng” hơn lá phiếu của các Viện sĩ khác. Những người chỉ được tham dự một số công việc của Viện hàn lâm thì không thể gọi là Viện sĩ. Các viện nghiên cứu của nước ngoài mà tiếng Việt hiện nay gọi là Viện hàn lâm đều mang các chữ Academy, Académie, và Akademiya trong tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga. Các thành viên trụ cột của các viện nghiên cứu ấy ở Anh, Pháp và Nga được gọi là Acadenician, Académicien, Akademik mới đích xác là viện sĩ. Ở một số Viện hàn lâm của các nước châu Âu, nhiều khi còn có các thành viên ở ngạch thấp hơn, không có tư cách của viện sĩ.
Sau đây, tôi xin viện dẫn mục Члены РАН trong bài Росси́йская акаде́мия нау́к (Viện hàn lâm khoa học Nga) tại website của Viện này (mà mọi người sử dụng Internet đều rất dễ tìm thấy) để diễn giải về các ngạch thành viên của Viện hàn lâm khoa học Nga.. Đó cũng là quy định của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô trước kia.

. Члены РАН (Nguồn : http://www.ras.ru/members.aspx)
Членами Российской академии наук являются действительные члены РАН (академики) и члены-корреспонденты РАН. Главная обязанность членов Российской академии наук состоит в том, чтобы обогащать науку новыми достижениями. Члены РАН избираются общим собранием академии. Членами Российской академии наук избираются учёные, являющиеся гражданами Российской Федерации. Члены Российской академии наук избираются пожизненно. Действительными членами РАН избираются учёные, обогатившие науку трудами первостепенного научного значения. Членами-корреспондентами РАН избираются учёные, обогатившие науку выдающимися научными трудами.

Xin đổi chữ РАН (Росси́йская акаде́мия нау́к) nghĩa là Viện hàn lâm KH Nga thành chữ RAS (Russian Academy of Siences) và chuyển đoạn văn trên đây sang tiếng Việt, như sau:

Các thành viên của Viện hàn lâm khoa học Nga
Các thành viên của Viện hàn lâm khoa học Nga (RAS) gồm có các thành viên chính thức (các viện sĩ - akademiki) và các thành viên thông tấn. Trách nhiệm chủ yếu của các thành viên RAS là phải đóng góp cho khoa học bằng những thành tựu mới. Hội nghị toàn thể của Viện hàn lâm bầu ra các thành viên của Viện. Các nhà bác học được bầu làm thành viên RAS phải là công dân của Liên bang Nga. Các thành viên RAS được bầu suốt đời. Các nhà bác học đã hoàn thành những công trình có ý nghĩa khoa học hàng đầu để cống hiến cho khoa học thì được bầu làm thành viên chính thức (trở thành viện sĩ). Các nhà bác học đã góp những công trình khoa học xuất sắc cống hiến cho khoa học thì được bầu làm thành viên thông tấn. (LMC dịch)

Như vậy, theo website chính thức của Viện hàn lâm khoa học Nga thì tổ chức này này có hai ngạch thành viên. Thứ nhất là thành viên chính thức (действительные член, nếu dịch thật sát nghĩa thì gọi là thành viên thực nhiệm), là akademik, là viện sĩ. Thứ hai là thành viên thông tấn (член-корреспондент), có tư cách thành viên thấp hơn, chưa phải là thành viên chính thức, chưa phải là viện sĩ. Bởi vậy, nếu gọi họ là viện sĩ thông tấn. thì sai, chữ “viện sĩ” (akademịk) phải dành cho thành viên chính thức.
Còn một ngạch thành viên nữa nhưng không được nhắc đến trong văn bản tiếng Nga này, đó là thành viên nước ngoài hay thành viên ngoại tịch, tiếng Nga là иностранный член, mà ở nước ta đã có 5 người được nhận danh hiệu này, nhưng ở Việt Nam, người ta vẫn gọi họ là Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Nga (hoặc Liên Xô). Gọi như vậy là không đúng. Phải chăng, đây là ngạch thành viên thứ yếu, có tính chất hình thức, lễ nghi, không quan trọng cho nên website chính thức của Viện hàn lâm khoa học Nga đã bỏ qua? Quả thật, khó mà có cách giải thích khác hơn. Tuy thế, nó vẫn được nhắc đến trong văn bản tiếng Anh tương ứng trên Wikipedia (dành cho đông đảo độc giả trên thế giới), như sau:
Membership
There are three types of membership in the RAS: full members (academicians), corresponding members and foreign members. Academicians and corresponding members must be citizens of the Russian Federation when elected. However, some academicians and corresponding members had been elected before the collapse of the USSR and are now citizens of other countries. Members of RAS are elected based on their scientific contributions - election to membership is considered very prestigious. As of 2005-2007 there are just under 500 full members in the academy and a similar number of corresponding members.
(Nguồn: mục Membership trong bài Russian Academy of Sciences, Wikipedia tiếng Anh)

Dịch sang tiếng Việt:
Tư cách thành viên (của Viện hàn lâm khoa học Nga)
Có ba ngạch tư cách thành viên trong Viện hàn lâm khoa học Nga: thành viên có tư cách đầy đủ, tức là thành viên chính thức (academician), thành viên thông tấn (corresponding member) và thành viên nước ngoài (foreign member). Các viện sĩ và các thành viên thông tấn phải là công dân của Liên bang Nga khi được bầu. Tuy vậy, một số viện sĩ và thành viên thông tấn đã được bầu trước khi Liên Xô sụp đổ, hiện nay là công dân mới của các nước khác. Các thành viên của RAS được bầu dựa trên những cống hiến khoa học của họ, người được bầu làm thành viên được coi là rất có danh giá. Trong những năm 2005 – 2007, ở Viện hàn lâm khoa học Nga có gần 500 thành viên chính thức và khoảng ngần ấy thành viên thông tấn (LMC dịch).

Tuy website chính thức của Viện hàn lâm khoa học Nga không nhắc đến ngạch thành viên thông tấn, coi như nó không tồn tại, nhưng, bài viết về Viện hàn lâm khoa học Nga trong từ điển Wikipedia tiếng Ạnh thì có nhắc đến một chút. Điều đó chứng tỏ rằng, đối với Viện hàn lâm khoa học Nga (hoặc Liên Xô), thành viên nước ngoài (иностранный член, foreign member) chỉ là thành viên hình thức, có ý nghĩa hết sức mờ nhạt, đương nhiên không thể là viện sĩ. Chưa cần xét đến thành tích và uy tín trong khoa học, chỉ riêng vấn đề quốc tịch đã không cho phép người nước ngoài trở thành viện sĩ của Viện hàn lâm khoa học Nga (hoặc Liên xô). Thành viên thông tấn (члены-корреспондент, corresponding member) của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô (hoặc Nga) có tư cách thành viên thấp hơn viện sĩ, đương nhiên, không phải là viênhj sĩ nhưng có thể coi như “viện sĩ dự bị”.

Viện hàn lâm Pháp (Académie franÕaise) vốn là ”ngôi đền” để tôn vinh các vĩ nhân của nước Pháp cho nên chỉ có ngạch thành viên chính thức tức là các viện sĩ chứ không có các ngạch thấp hơn. Nhưng ở các Viện hàn lâm khác thì thường vẫn có vài ngạch thành viên, trong đó, ngạch cao nhất là thành viên chính thức, tiếng Pháp gọi là membre titulaire (nhưng người ta thường viết là membre mà không cần có chữ titulaire) mới là viện sĩ (tức là académicien)

Hai tiếng “viện sĩ” hiện nay nghe rất quen tai nhưng hình như cũng mới xuất hiện ở Việt Nam chừng nửa thế kỷ. Trong quyển Hán- Việt từ điển của Đào Duy Anh không có từ này. Giở quyển Pháp – Việt từ điển, xem chữ Académicien, thấy cụ Đào viết: Académicien: 1. Nhà triết học về phái Platon; 2. Hội viên của Quốc gia học hộ,; hội viên tòa Hàn lâm nước Pháp. Lại xem tiếp các quyển từ điển Pháp – Việt và Việt – Pháp của Đào Văn Tập hay của Đào Đăng Vĩ in ở Sài Gòn hồi những năm 50 – 60 của thế kỷ trước, cũng không thể tìm thấy chữ “viện sĩ”.
Giở mấy quyển từ điển của Trung Quốc hiện có trên giá sách của tôi như Cổ kim Hán ngữ từ điển, Cổ kim Hán ngữ thực dụng từ điển hay Tân hiện đại Hán ngữ từ điển (kiêm tác Anh-Hán từ điển) thì thấy quyển nào cũng có từ “viện sĩ”, với lời diễn giải giống nhau. Quyển Tân hiện đại...viết: 院士 (viện sĩ): academician; nhân viên nghiên cứu cao cấp nhất của các bộ phận thuộc viện khoa học ở một số quốc gia. Tôi cho rằng, định nghĩa như vậy là chính xác.
Tiếp tục tìm hiểu thêm thì biết rằng, ở Trung Quốc lâu nay không hề sử dụng tên gọi “viện hàn lâm” để chỉ các viện khoa học, nhưng họ vẫn có các viện sĩ. Hiện tại, ở nước này có hai loại viện sĩ có uy vọng ngang nhau, đó là: Viện sĩ Viện khoa học Trung Quốc (Chinese Academy of Sciences, CAS)và Viện sĩ Viện công trình Trung Quốc (Chinese Academy of Engineering, CAE), gọi tắt là Viện sĩ Trung khoa viện và Viện sĩ Trung công viện. Người Trung Hoa bắt đầu có viện sĩ từ năm 1948.

Tên gọi “Viện sĩ” phải đi kèm với tên của Viện hàn lâm (hay Viện nghiên cứu)

Như quý vị độc giả đã thấy, nước Pháp có chừng một chục viện học thuật được gọi là Académie..., tức là có chừng một chục viện hàn lâm khác nhau, không thể lẫn lộn. Do đó, không thể có một ngạch viện sĩ chung chung, mà phải phân biệt viện sĩ của Viện hàn lâm X hay của Viện hàm lâm Y. Ở Pháp, Académie franÕaise (mà ta gọi là Viện hàn lâm Pháp).là Académie nổi tiếng nhất, chỉ cần nói đến l’Académie là người ta nghĩ ngay đến Académie franÕaise, cũng như ở Việt Nam hay ở Liên xô trước đây, hễ nói đến đảng thì có nghĩa là nói đên đảng Cộng sản. Do đó, từ Académicien (hoặc Membre de l’Académie) nghĩa là viện sĩ của một viện hàn lâm, nhưng khi nó được sử dụng một mình thì có nghĩa là viện sĩ Viện hàn lâm Pháp (đúng như cụ Đào Duy Anh đã giảng), cũng như ở nước ta, khi nói “ông A là đảng viên” thì đã có nghĩa rằng, ông ấy là đảng viên của đảng Cộng sản Việt Nam, ngay cả khi đảng Dân chủ và đãng Xã hội đang tồn tại cũng vậy. Nhưng ta không thể nói bà Hillary Clinton là đảng viên, mà phải nói rằng, bà Hillary Clinton là đảng viên của đảng Dân chủ ở Mỹ.
Ở Trung Quốc, cả Trung khoa viện (Viện khoa học Trung Quốc) và Trung công viện (Viện công trình Trung Quốc) đều chưa có cái nào nổi trội hơn hẳn, cho nên không thể nói đến viện sĩ A hay viện sĩ B, mà phải phân biệt viện sĩ Trung khoa viện với viện sĩ Trung công viện.
Trong tiếng Nga, chữ aкадемик (akademik, tương đương với académicien trong tiếng Pháp và academician trong tiếng Anh) có nghĩa là thành viên chính thức của một Академия. Cũng tương tự như ở Pháp, ở Liên Xô (và ở Nga hiện nay) có rất nhiều Академия, tức là rất nhiều Viện hàn lầm, nhưng vì Viện hàn lâm khoa học Liên Xô (nay là Viện hàn lâm khoa học Nga) quá nổi tiếng và quen thuộc với mọi người trên đất nước ấy, cho nên, chữ akademik mà không kèm theo định ngữ nào nữa thì có nghĩa là viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, tương tự như từ “đảng viên” ở Việt Nam hiện nay có nghĩa là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam. Viện sĩ của các viện hàn lâm khác thì phài ghi rõ là akademik của viện nào, nếu nhận là akademik mà không có định ngữ kèm theo (khiến mọi người hiểu là viện sĩ của Viện hàn lâm khoa học Liên xô) thì điều đó được coi là một sự gian dối.
Sở dĩ phải nhấn mạnh mấy chữ thành viên chính thức là vì, ở Liên Xô trước đây và ở Nga ngày nay cũng như ở các nước khác còn có các ngạch thành viên không chính thức của viện hàn lâm, không phải là viện sĩ, như chúng tôi đã nói ở trên.

( Hết kỳ thứ nhất. Đón đọc tiếp kỳ thứ
 hai )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001