Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Hồ Phổ Lại - Biết đâu mà tìm 
Hồ Phổ Lại

Tại phi trường Darfour, một buổi trưa mùa hạ. Với ngàn vạn tiếng động ồn ào hỗn loạn đến cao độ; cảnh phi trường hôm ấy diễn ra không khác gì khung cảnh của một buổi chợ khổng lồ đang giờ đông đúc nhất.


Phải chen lấn giữa đoàn hành khách đi và đến, lại thêm bị đoanh vây giữa bầu không khí nóng bức ngột ngạt in hệt cái hỏa lò, Miên có cảm tưởng như toàn bộ con người của nàng cứ bở rệu dần đi. Đứng ngay bên cạnh Miên và không hề rời mắt khỏi khuôn mặt nhợt nhạt, dáng đi thất thểu của nàng, Rémi cũng thấy mình dần dần mất bình tĩnh theo. Tuy nhiên, để giúp Miên quên bớt độ nặng nề và căng thẳng của cuộc chia tay  trước mắt, thỉnh thoảng Rémi lại lên tiếng nhắc :
- Miên, coi chừng cái xắc! Vé máy bay và tờ hộ chiếu anh đã để sẵn ở ngăn ngoài cùng.

 Rémi nhắc đi nhắc lại trong khi Miên vẫn đứng yên  một chỗ. Khi thoạt nhìn thấy cánh cửa mở ra sân bay đang từ từ kéo rộng, liệu bề không còn chần chờ được nữa, Rémi bèn đưa tay ra, nâng cao khuôn mặt không son phấn của Miên lên, cúi xuống, ngấu nghiến hôn lấy hôn để. Hôn xong, thả ra, thấy Miên loạng quạng như sắp ngã, thêm một lần nữa, Rémi  đưa tay giữ cho con người của nàng được đứng thẳng lại. Lấy khăn lau mồ hôi, Rémi nói qua chuyện khác :
- Anh đã có nhờ bác sĩ Toupin hàng ngày ghé qua nhà thăm bệnh tình cho bé Mai rồi, em không cần phải lo lắng nhiều lắm đâu.

Miên vẫn giữ yên lặng. Niềm thương nỗi nhớ và sự cảm động đã làm nàng nghẹn lời. Không còn biết phải nói thêm gì nữa, Rémi cũng nhấp nhỏm như người ngồi trên lửa. Vừa may, tiếng gọi người đi vang lên từ chiếc loa phóng thanh làm cả hai giật mình, cuống quít nhìn nhau. Cuối cùng, nhớ sực lại Rémi đành nhích chân ra, nhường chỗ cho người khác. Rồi, vừa đưa tay đẩy bờ lưng Miên tới trước Rémi vừa nói nho nhỏ :
- Nối đuôi theo người ta đi, Miên! Lâu lắm qua đầu tháng tới  anh đã  có thể ra đây đón em trở lại rồi.
«Ra đây, đón em…» Câu nhắc nhở, lời hứa hẹn, đồng thời cũng là sự an ủi và niềm  khính lệ… Khổ thay, vừa nghe qua, chưa gì, Miên đã rùng mình ớn lạnh. Nội chuyến tiễn đưa nầy, với trọn hai đêm và một ngày dài, khi trèo lên khi trụt xuống, lúc chui nhủi bò lết như hai con thằn lằn… Rồi, nào là cảnh xác người tung toé, xác xe tanh bành, cảnh những tràng đạn bỏ vung vãi, cảnh những thanh mã tấu và những cái rựa bén ngót sáng rực. Cái xứ sở nầy với mấy mươi năm nội chiến không ngừng. Mới nhớ lại, Miên đã bỏ quên sạch mọi chuyện  khác để chỉ chăm chăm chú chú tới một sự việc độc nhất: nỗi an toàn  của Rémi. Quay phắt mặt lại, Miên lên tiếng hỏi:
- Khi nào anh trở về trại?

- Có lẽ nội ngày mai hay ngày mốt là cùng. Đưa em đi rồi, anh sẽ lập tức liên lạc về bệnh viện B. Ghazal để xin phương tiện di chuyển.

Hai con mắt ráo hoảnh, cặp chân mày cau lại, Miên gắt gỏng nói tiếp :     
- Lúc ở trại em đã nhiều lần ngăn cản vì không muốn cho anh đi đưa, nhưng anh cứ không nghe. Lần sau trở về em sẽ không báo tin cho anh biết trước.

Nói chưa xong, Miên đã quay đầu lại, vùng vằng bước thẳng tới trước. Sau lưng nàng, Miên có nghe tiếng chân ai hối hả chạy theo và tiếng nói của Rémi gào lớn giữa những tiếng động khác:
- Đừng, đừng bao giờ làm vậy! Em về trại một mình nguy hiểm lắm. Phải báo tin trước, để anh ra đây đón. Hứa với anh đi, hứa liền đi!

Vẫn tiếp tục bước tới trước, Miên không nhìn lại, dầu chỉ một lần, lấy lệ. Có một nỗi gì vừa thương yêu da diết vừa nâng niu đùm bọc phơi bày lồ lộ trong cách nói  trong giọng nói và trong lối dùng chữ của Rémi, làm Miên bủn rủn cả tay chân. Ngoài ra, hơn ai hết, Miên biết rõ rằng nếu phải nhìn lại, nếu phải nhìn rõ khuôn mặt não nề và tình tứ của Rémi lúc đó, chắc chắn nàng sẽ không còn đủ can đảm để ra đi, dầu chỉ đi trong một thời gian ngắn ngủi. Nhưng, sự đời! Than ôi! Trước mặt Miên đoàn người vẫn cứ tiến, sau lưng nàng những bàn tay cứ tàn bạo đẩy xô. Có nghĩa là, bốn phía, chung quanh nàng cái đà sống phức tạp nhiễu nhương vẫn nhất định cản trở và đoanh vây lấy nàng. Đưa tay chùi nước mắt, Miên dỏng tai, lắng nghe tiếng nói của Rémi vang lên lần cuối:
- Đừng khóc nữa, Miên ơi! Tháng sau em trở lại rồi!

 *

« Tháng sau em trở lại rồi». Một sự trông chờ, một lời nhắn nhủ hay chỉ là một nỗi trấn an cho kẻ ra đi lẫn cho người ở  lại. Dầu có mang theo hay không mang theo bất cứ một ý nghĩa nào thì câu nói sau cùng của Rémi vẫn sôi sục hoài trong bộ nhớ của Miên. Vì lý do gì? Đó chính là câu hỏi Miên tự đặt ra cho mình ngay lúc vừa an vị giữa lòng chiếc máy bay xuyên lục địa. Phải chăng, qua đó, có thêm một lần nữa giúp Miên cơ hội khẳng định lại độ thâm sâu và sự keo sơn gắn bó về cuộc tình mình. Dầu sao, dư âm của câu nói cọng thêm hình ảnh bơ phờ của Rémi, mái tóc hoe vàng, cặp mắt trong xanh, dáng vóc cao lớn nổi bật lên một cách vô cùng lạc lõng giữa đoàn người bản xứ da đen tóc quắn; không hiểu tại sao lại có thể làm cho Miên cảm thấy xót xa. Đồng thời, hình ảnh đó cũng giúp nàng nôn nao hồi nhớ lại cái thuở ban đầu.

Buổi trưa hôm ấy…

Cũng một buổi trưa, nơi một khung trời khác. Tại một nhà thương công  ở thủ đô Canada, nguyên là chỗ Miên phải đặt chân tới để bắt đầu giai đoạn thực tập, sau mấy năm dài học toàn lý thuyết. Sau ba giờ cúi đầu cúi cổ chạy theo sau lưng vị giáo sư hướng dẫn lo ghi ghi chép chép về những điều mới học được ngay trên thân xác người bệnh, Miên và nhóm bạn cùng lớp được nghỉ để ăn trưa. Lê chân xuống dãy nhà ăn dưới lầu, Miên chỉ còn đủ sức đưa mắt tìm một chiếc bàn trống trong góc khuất nhất rồi thả rơi người xuống chiếc ghế dựa. Chống hai cùi chỏ lên mặt bàn, bắt chéo hai bàn tay lại với nhau, làm gối, Miên uể oải tựa cằm lên và nhắm nghiền mắt lại. Đang lơ mơ nửa ngủ nửa thức, Miên bỗng giật nẩy người.

- Xin lỗi chị!

Mở choàng mắt ra, Miên dớn dác đưa mắt nhìn quanh. Ngay trước mặt nàng, đứng đối diện bên kia chiếc bàn ăn, xuất hiện lù lù bóng dáng của một người đàn ông da trắng. Giữa lúc Miên còn đang lớ ngớ vì chưa biết phải chào hỏi ra sao thì người khách mới đến đã tự tiện kéo xa chiếc ghế trống, đặt mình ngồi xuống. Rồi, cứ thản nhiên như không, ông ta toét miệng ra cười.

- Phòng ăn chật cứng cả người. Tôi xin phép được ngồi đây, có được không chị…

Cũng không cần đợi Miên lắc hay gật đầu, ông ta lẹ làng đứng dậy, chồm đầu tới trước, chìa thẳng bàn tay ra.

- Tôi xin phép được tự giới thiệu: tôi là Rémi F., hành nghề giải phẫu. Từ Phi châu tôi trở về đây để thay chân bác sĩ Toupin trong vòng sáu tháng.

Giới thiệu xong, thay vì ngồi xuống, Rémi lại nhón chân lên, dí cặp mắt mèo hoang vào sát bản tên bằng đồng Miên đang mang trên ngực áo.

- Cho phép tôi được thử đọc tên chị : ồ -ai-mi. Ha, ha...

Cố nhịn cười, Miên bẽn lẽn cúi đầu nhìn xuống đất.

- Chị ồ-ai-mi ơi! Xin chị sửa giọng đọc cho tôi. Để lần sau tôi còn hi vọng…

Tên nầy... láu cá, đã có gì đâu mà bày đặt «lần sau». Tuy nghĩ vậy, nhưng, nội ánh mắt trong sáng, nội tiếng cười sảng khoái vô tư lự và, nhất là, nội công ăn việc làm ông ta đang theo đuổi; tất cả, trong nháy mắt đủ sức xua đuổi đi xa cái cảm giác bực bội lúc ban đầu (vì thình lình bị phá đám). Thấy vui vui, Miên có khuynh hướng muốn bắt chuyện cho qua  giờ khắc chờ đợi lâu lắc. Mỉm cười, Miên lên tiếng :
- Kính chào bác sĩ Fortin, tôi rất lấy làm hân hạnh được…

- Xin chị vui lòng gọi tôi là Rémi, đồng thời cho phép tôi được gọi chị là Ồ…

Vẫn chúm chím cười, Miên tự động uốn cong vành miệng để có thể phát âm rõ ràng từng tiếng, cách đọc tên mình :
- Tên tôi là Hồ Hải Miên, rất khó đọc. Tôi sợ rằng …

Chưa nghe dứt câu Rémi đã vội vàng cãi lại :
- Không có gì khó; một khi người ta thực lòng mong muốn.

Giả vờ như không hiểu, Miên nói lảng qua chuyện khác :
- Bác sĩ Fortin, à Rémi, ông bắt đầu làm việc tại nhà thương nầy từ lúc nào? Tại sao chưa bao giờ tôi có dịp chạm mặt ông, dầu chỉ trên hành lang.

- Tôi về đây đã gần một tháng. Mà…

Dừng lại, Rémi đưa mắt nhìn Miên một lúc lâu trước khi ỡm ờ nói tiếp :
- Miên có bao giờ thèm nhìn thấy ai đâu!

 Miên lúng túng quay đầu nhìn lơ qua chỗ khác. Qua đuôi mắt Miên có cảm tưởng Rémi vẫn đăm đắm nhìn mình. Và, không gian tưởng chừng như  lắng đọng lại. Có đến mấy phút trôi qua rồi Miên mới kịp thời hồi tỉnh lại để lắp ba lắp bắp nói, cốt xoá bỏ bầu không khí hình như đã bắt đầu nghiêm trọng:
- Nói vậy, ông cũng là một thành viên của đoàn Bác sĩ vô-biên-giới?

- Quả đúng vậy! Kể từ khi tốt nghiệp cho đến mãi hôm nay, tôi vẫn là một đệ tử trung thành của nhóm người áo trắng lang thang đó.

Miên đắn đo suy nghĩ, trước khi e dè đặt câu hỏi kế tiếp.

- Tại sao lại «cho mãi đến hôm nay», chẳng lẽ chỉ nội ngày mai hay qua tháng tới ông đã đổi ý để bỏ cuộc?
Rémi đặt mình xuống ghế. Mãi cho đến lúc đó, Miên mới sực nhớ lại chi tiết nhỏ nhoi nầy: thì ra, từ đầu câu chuyện Rémi vẫn cứ giữ thế đứng, với hai cùi tay chống hết lên bàn để cho khuôn mặt được chúi nhủi về phía Miên ngồi. Sau khi xoa xoa hai bàn tay vào nhau, Rémi hớn hở trả lời :
- Chị cứ nghĩ thử xem! Chuyện đời biết sao để nói trước? Ngay đến vị bác sĩ sáng lập ra hội đoàn Bác sĩ vô biên giới –Bernard Kouchner-  cho tới một giai đoạn nào đó, ông ta còn thay đổi ý định để nhảy ra làm chính trị và lập gia đình.

Nheo một bên mắt, Miên cười cười hỏi lại:
- Nói vậy, ông cũng nuôi tham vọng có ngày sẽ bỏ việc bỏ nhóm để nhảy ra làm chính trị và…

Đặt cái nhìn vào chính giữa khuôn mặt đỏ bừng của Miên, Rémi lập nghiêm trả lời:
- Ba vụ chính trị sẽ không bao giờ có tôi dính dáng vào; nhưng, biết đâu có một ngày không xa tôi sẽ noi gương ông ta ở phần thứ hai. Phải, biết đâu!

  Cứ theo điệu nầy, trước sau gì mình cũng đuối lý. Tự nhủ lòng xong, Miên e thẹn đẩy ghế đứng dậy. Lòng náo nức, chân loạng quạng, tay thừa thãi, Miên cắm cúi đi lên lầu và quên bẵng rằng mình chưa kịp ăn trưa.
Rồi…

 Kể từ buổi trưa hôm ấy, cuộc tình mới bắt đầu. Vào thời điểm giao kèo làm việc tại Canada sắp chấm dứt, có một ngày, Rémi long trọng tuyên bố :
- Đây là lúc chúng mình phải nghĩ đến chuyện chính thức lấy nhau.

- Lấy nhau!

 Miên bật miệng kêu lớn tiếng, rồi lẳng lặng đứng khựng lại. Hai mắt nàng láo liên, cơ thể nàng chao đảo như vừa lỡ tay nốc cạn một ly rượu đầy. Dẫu rằng, hơn ai hết, Miên biết rõ đến mười mươi mối tình sâu đậm giữa hai người. Nhưng, yêu đương là một chuyện còn lấy nhau lại là một chuyện khác. Và, dẫu rằng Miên cũng thừa biết: một lễ cưới với tờ giấy hôn thú là kết thúc tốt đẹp và vững bền nhất của một cuộc tình. Một cuộc sống ấm êm, một bến bờ hạnh phúc, có nắng có mưa, có vui có buồn, có đôi có cặp… Đó chính là nỗi mong đợi to lớn nhất của mọi người đàn bà, qua muôn đời. Phải, của mọi người đàn bà! Huống chi một khi kẻ đó lại là Miên. Nhưng, đặc biệt đối với hoàn cảnh của Miên thì muốn vươn tới niềm hạnh phúc viên mãn đó, không phải là một điều dễ thực hiện. Dường như, có một hột sạn hay một miếng miểng chén miểng sành nào đang nằm lấn cấn đâu đó trong đôi dày mới mua làm toàn bộ con người của Miên cứ nghiêng qua ngã lại. Liếc thấy Rémi vẫn đang nôn nóng đứng đợi, không còn biết phải làm sao hơn nữa, Miên đành trả lời bằng một câu hỏi khác.

- Tại sao phải lấy nhau và tại sao phải lúc nầy?

Mức độ căng thẳng trên khuôn mặt giảm dần, Rémi nói như reo:
- Vì em phải theo anh qua Soudan.

- Chỉ chừng đó thôi sao? Với cái nghề y tá hiện tại và với loại việc làm thiện nguyện của các anh, nếu thực sự muốn đi và nếu thu xếp ổn thoả thì lúc nào em đi mà chẳng được, cần gì phải…

Quàng tay qua, kéo Miên sát vào người, Rémi tiếp tục dìu nàng bước ra khoảng sân rộng bên ngoài. Vừa đi vừa nói, âm điệu chỉ vừa đủ cho Miên nghe thôi.

- Em đừng quên rằng hai đứa mình yêu nhau.

 Áp đầu vào bờ vai Rémi, Miên bắt chước, cũng trả lời khe khẽ:
- Có ai cấm đoán chuyện chúng mình yêu nhau đâu, anh?

- Anh đang tự hỏi có nên nhắc em chi tiết nầy hay không: khi yêu đương, con người dễ trở nên ích kỷ. Anh muốn chiếm đoạt em và chiếm đoạt suốt đời.

Ôi, «chiếm đoạt suốt đời!». Có ngọn đèn pha nào cực mạnh đang… chơi ác, cứ một mực xoáy thẳng ro vào giữa khuôn mặt sượng sùng của Miên. Vừa đê mê sung sướng vừa thẹn thùng tủi thân, Miên trào nước mắt. Nghe tiếng thút thít, Rémi lộ vẻ ngạc nhiên.

- Tại sao em không cười mà lại khóc?

Nén cơn thổn thức, Miên trả lời, giọng sũng nước.

- Em không xứng đáng làm vợ anh. Anh, sự nghiệp vững bền, cuộc đời suôn sẻ, đạo đức bẩm sinh; còn em…

Không dằn được nữa,  Rémi láu táu cướp lời:
- Còn em thì sao?

- Em là người đàn bà có hai con và đã qua một lần gãy đổ.

Nghe chưa xong, Rémi đã mở rộng miệng  ra, phá lên cười. Tiếng cười giòn giã vang lên cao, cao mãi rồi toả rộng ra giữa khu vườn vắng vẻ và giữa màu nắng ban trưa hực hỡ. Đứng yên nghe, Miên có cảm tưởng như vừa được nghe lại đâu đây thứ âm thanh vui tai liên tục của tiếng pháo nổ trong buổi lễ rước dâu năm nào. Mới đó! Rõ, cuộc đời không biết sao để tiên liệu trước. Miên lầm bầm trong miệng.

- Anh tạm mượn lời nói của một danh nhân nào đó để trả lời nỗi thắc mắc em vừa nêu ra : «Tôi yêu người đàn bà có dĩ vãng và người đàn ông có tương lai.»

Lối lý luận! Miên nói thầm và không còn biết nên phản ứng ra sao nữa, trong khi Rémi vẫn hăng say nói tiếp:
- Anh chỉ lặp lại câu nói của người khác chứ thật lòng anh không hề nuôi ý định gán cho mình  ba chữ «có tương lai».

Lại dừng, lại nói.

- Hừ, tương lai gì, tương lai cho ai? Một khi, con đường anh đang đi là chiến trường đẫm máu, là xó núi mù sương, là đất đá cằn cỗi, là vùng trời hạn hán, là cảnh người thiếu ăn thiếu thuốc thiếu học thức thiếu phương tiện thiếu an toàn; là sự hiện diện của nỗi bất công và niềm bất hạnh đời đời.

Lại dừng, lại nói.

- Với tình trạng môi sinh càng ngày càng nhiễu loạn, nếu cứ phải cọng thêm vào đó nỗi tham vọng vô bờ bến và sự độc ác có sẵn của con người muôn thuở thì, nói đúng ra, tất cả công khó của cá nhân anh và của bạn bè anh (lớp trước lẫn lớp sau) dầu cho có cố gắng tới đâu đi nữa, rốt cuộc lại, cũng chỉ là việc đem vài ba nhúm muối vứt vào biển cả mênh mông, mà thôi. Thấm tháp gì! Tương lai đâu, cho người lẫn cho mình!
Buông thả vòng tay ôm ra, hai mắt ngước nhìn trời, lần đầu tiên, Miên được nghe tiếng thở dài não nuột xuất phát từ cửa miệng của Rémi.

- Biết làm sao bây giờ? Chẳng lẽ chúng ta đành tâm khoanh tay lại  và không chịu làm bất cứ điều gì, cho bất cứ một ai. Thôi, kệ!

Đu cao mình lên, hai cánh tay vươn dài, Miên ra sức vít chặt khuôn mặt của người tình. Rồi, in hệt giống giây leo quấn quýt quanh thân mẹ, Miên hé miệng thì thầm trong tiếng gió :
- Thôi, đủ rồi! Đừng nói nữa, anh ơi! Em sẽ theo anh suốt cuộc đời còn lại.

…Cho mãi đến tuần qua, bất ngờ nhận được tin bé Mai bị bệnh, Miên phải hộc tốc trở về.

…Miên gặp lại bé Mai tại gian nhà của Vĩnh.

Đang nằm bẹp dí, mền trùm lên tận cổ, vừa thoáng thấy bóng mẹ, con bé hối hả chống tay ngồi bật dậy. Nhưng, khi Miên chạy a lại, định bụng sẽ ôm ghì lấy nó thì bé Mai lại thả rơi người nằm vật xuống giường. Quay mặt vào tường, con bé cất tiếng khóc hu hu.  Đặt mình  ngồi xuống bên con, Miên ân cần lên tiếng dỗ dành. Nhưng, dầu Miên có vỗ về và khuyên giải cách nào thì con bé cũng không chịu nín. Đã vậy, càng lúc tiếng khóc của nó càng có vẻ sướt mướt nỉ non hơn. Và cả con người của nó thì cứ lần lần co rút lại, cong vòng nhỏ xíu in hệt một con sâu róm. Miên có cảm tưởng hình như con bé cố tình tránh né, không muốn «bị» bàn tay của mẹ đụng vào người. Liếc xéo qua Vĩnh, tuy đang chắp tay sau lưng thong dong đi qua đi về nhưng khuôn mặt của ông ta cũng căng thẳng không thua gì nàng. Phần mệt mỏi, phần chạnh lòng, Miên chán nản phủi tay đứng dậy. Không biết phải làm gì cho qua giây phút  vừa dai dẳng vừa khó chịu, Miên bèn lên tiếng hỏi trống không:
- Thằng Minh đâu rồi, tại sao từ nãy đến giờ tôi chẳng nhìn thấy nó?

Đang đếm bước đều đều, nghe hỏi, Vĩnh dừng chân lại, ngập ngừng trả lời:
- À, à chắc nó đi học chưa về.

Hoặc có đi học hoặc không, tại sao lại «chắc» Miên tự đặt câu hỏi, rồi theo thói chanh chua cố hữu, nàng cất giọng mai mỉa:
- Tôi muốn biết, giả tỉ như hàng ngày nó có đến trường đều đặn như con cái nhà người khác thì độ mấy giờ nó về đến đây?

- À, chắc nó cũng sắp về tới.

Lại «chắc» nữa! Cau mặt lại, Miên định bụng phải «trả đũa» bằng  một vài câu xỏ xiên  cho hả nỗi hậm hực còn đầy ắp trong lòng,  nhưng nghĩ kỹ –giờ nầy mình với ông ta đã là người dưng nước lã- Miên đành ngậm cứng miệng lại, buồn bã cúi xuống, xách hành lý lên. Vừa bước chân ra cửa, Miên vừa lạnh lùng nói với lại:
- Nếu được, ngay đêm nay, xin ông vui lòng đưa hai đứa nhỏ qua bên tôi.


Miên chưa kịp thay đổi quần áo thì tiếng chuông gọi cửa đã vang lên. Tống đi cho rảnh nợ, Miên hậm hực  nghĩ. Nhưng nàng vẫn không khỏi mừng rú lên khi nhìn thấy bóng dáng thân yêu của hai đứa con hiện ra, trước khung cửa mở rộng. Thằng Minh, một tay xách bịch áo quần, tay kia dìu bé Mai. Cả hai, áo quần xốc xếch, mặt mũi vêu vao, chẳng khác nào những đứa bé lang thang, không nhà. Xúc động đến nghẹn ngào, Miên dang rộng hai cánh tay ra, vồ lấy, ghì sát cả hai đứa con vào lòng. Cõi lòng tan nát, nước mắt ràn rụa, Miên ôm con, những tưởng đang ôm giữ tro tro nỗi truân chiên của cả cuộc đời mình.

Đặt bé Mai nằm trên giường, giữ thằng Minh trong vòng tay, Miên ngồi thừ ra, thử suy nghĩ cặn kẽ trước khi bắt đầu mở cuộc đối thoại. Quay qua bé Mai, Miên hỏi :
- Tại sao lúc nãy, lúc vừa gặp mẹ, con không mừng mà lại khóc?

Dấu kín khuôn mặt trong cánh tay áo, con bé sụt sịt trả lời :
- Tại, tại vì mẹ… bỏ anh em con.

Tim Miên như thót lại, nhưng nàng vẫn cố dằn lòng hòng  kiếm cách giải thích, cốt sao cho vấn đề trước mắt bớt gay cấn được chừng nào hay chừng đó. Kéo tay áo con bé ra, Miên cúi đầu xuống sát khuôn mặt xanh xao của nó, từ tốn nói:
- Mẹ đâu có bỏ anh em con.  Chẳng qua mẹ bận đi làm việc nơi xa.

Co tay chùi nước mắt, con bé chu miệng lại, cãi lớn tiếng :
- Mọi người đều nói rằng: «Tại sao mẹ mày không chịu làm việc ngay tại đây mà lại băng bộ chạy qua tận mấy xứ sở xa xôi đó?»

- Tại mẹ muốn bắt đầu bằng cách thử làm việc thiện một thời gian, xem sao. Mà, mẹ chỉ đi một năm có sáu tháng thôi. Trong thời gian mẹ vắng mặt thì hai anh em con vẫn còn có bố Vĩnh ở ngay bên cạnh.

- Bố đi suốt ngày.

- Con có anh Minh.

- Anh Minh cũng đi.

«Anh Minh cũng đi»; nhớ sực lại dáng điệu và những câu trả lời lúng ta lúng túng của Vĩnh lúc nãy, Miên quay mặt lại, đưa mắt nhìn khuôn mặt tẽn tè của thằng bé. Nén tiếng thở dài, Miên hỏi nó:
- Con có đi học đều đặn không, Minh?

- Dạ, dạ,… có.

- Con có đem theo đầy đủ sách vở về đây không? Nếu có, cho mẹ xem thông tín bạ kỳ rồi.

Im lặng. Cúi đầu.

Thấy không cần phải tra khảo nhiều hơn nữa, Miên thẫn thờ đứng dậy, kéo thằng bé đứng dậy theo. Hai mẹ con cùng sánh bước, đi lần ra phía ngoài. Ngồi xuống ghế bành, đặt thằng bé lên đùi, Miên tìm cách dò hỏi, bằng một phương pháp khác.

- Thôi, con không cần phải giải thích dài dòng làm gì. Mẹ chỉ muốn con nói rõ cho mẹ nghe về điểm then chốt sau đây: Có lúc nào bố Vĩnh chịu bỏ thì giờ ra để hỏi han về chuyện học hành hoặc để coi ngó bài vở và dạy kèm thêm cho hai anh em con, hay không?

Thằng bé ngồi yên, chỉ lắc đầu và rơm rớm nước mắt. Nhìn nó, Miên cũng ảo não lắc đầu theo. Nỗi buồn rầu và nỗi thất vọng làm nàng tắt tiếng. Thả tay thằng bé ra, Miên đờ đẫn, không biết mình nên nói gì làm gì, cho đúng lẽ phải. Dần dà, lòng hối hận, tình thương con như cơn sóng nhẹ đưa hồn Miên trở về lại cái bến bờ xưa cũ, của một ngày không xa xôi gì lắm. Lại đưa tay ra, lại kéo thằng bé vào lòng, dịu dàng, Miên lân la tìm hiểu :
- Mẹ muốn biết những lúc không tới trường con đi đâu?

Đang ngồi gặm móng tay, nghe giọng nói ôn hoà của mẹ, thằng bé mắc bẫy, mở lời tâm sự:
- Con đi lang thang trong mấy thương xá.

- Tại sao con không ở nhà đọc sách hay xem tivi?

- Ở nhà một mình buồn lắm. Bố đi từ sáng tới khuya bố mới chịu về.

- Còn bé Mai nữa?

- Hễ đi học về là nó bắt đầu khóc lóc. Con chán lắm.

Thoáng thấy mặt thằng bé đầm đìa nước mắt, nỗi giận hờn trong lòng bỗng dưng nguội lạnh đi. Ghì đầu thằng bé vào sát ngực mình, quay mặt về phía sau liếc mắt qua chỗ bé Mai đang nằm –nó nằm im ru như đã ngủ say sưa- cảm thấy có phần nào yên tâm hơn, Miên kiên nhẫn tiếp tục câu chuyện còn bỏ dở.

- Con có biết lý do tại sao bé Mai lại thích khóc nhè như vậy không?

- Nó kêu nhớ mẹ, nó than ở nhà không có ai lo cho nó, nó chê ngày nào cũng ăn chừng đó thứ.

- Chừng đó thứ là những thứ gì?

- Đồ hộp và thức ăn đông lạnh; mà, con cũng không thích ăn hoài những thứ đó…

Rõ, giọng điệu của trẻ con! Miên nghĩ, nhưng vành miệng nàng vẫn cứ mếu xệch đi. Ngồi xổm xuống đất, ôm trọn hai đầu gối nhỏ nhắn của bé Nam trong vòng tay, cố đè nén cơn trào lòng đang chặn ngang cuống họng, Mai lựa lời tra hỏi tiếp :
- Là anh cả của bé Mai, tại sao con không cố gắng lên để lo cho em trong lúc mẹ đi vắng?  Mẹ chỉ đi xa mỗi năm có sáu tháng thôi, sau nhiệm kỳ mẹ trở về, ba mẹ con mình lại sống cạnh bên nhau.

Thay vì trả lời, thằng Nam hấp tấp hỏi lại :
- Khi nào thì mẹ xong nhiệm kỳ?

- Còn chừng hai tháng nữa thôi.

Mở lớn cặp mắt, lom lom nhìn mẹ, thằng bé bất đồ lên giọng:
-  Lần nầy mẹ về một mình hay về với ông… Rémi?

Cái nhìn và lối hỏi, Miên chột dạ, nhưng vẫn phải trả lời, một lần cho mãi mãi về sau.

- Đương nhiên mẹ phải trở về với Rémi vì…

- Con biết rồi, vì ông Rémi là chồng của mẹ.

Miên còn đang ú ớ, thì nó đã gỡ tay Miên ra, nhếch mông, lùi người về phía sau, hăm hở nói :
- Nếu vậy khi trở về đây mẹ cứ việc ở với cái ông Tây đó, con và bé Mai thì tiếp tục ở với bố.

Mới thoạt nghe qua, hai con mắt Miên đã vụt tối sầm lại. Bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu công khó. Chẳng lẽ nào! Tuy vậy, Miên vẫn nhướng cổ lên, nuốt nước miếng, mở miệng ra:
- Nam, con phải nói rõ cho mẹ nghe: Tại sao ngay sau khi mẹ đã trở về đây rồi mà hai anh em con vẫn…

- Vì bố đang ở một mình. Nhà bố không có ai là người lạ.

- Nhưng Rémi đâu phải là người lạ?

Cung tay lại, xô mạnh Miên ra, thằng bé hét:
- Tụi con ghét ông Rémi!

Cổ họng đắng chát, Miên sờ soạng chống tay ngồi thẳng dậy. Cố nạo, cố vét, cố kêu nài số vốn liếng ý chí sau cùng, Miên thấy mình chỉ có thể lắp ba lắp bắp :
- Ông ta làm gì nên tội để đến nỗi hai anh em con phải…

Không thèm nghe tiếp, lẹ như con sóc, thằng bé vung mình đứng thẳng dậy. Quắc ngược hai con mắt lên, thằng bé chổng mông, gào lớn :
- Tại vì ông ta «cướp vợ» của bố và «giựt mẹ» của tụi con.

Trút xong nỗi căm hờn, thằng bé hùng hục đi thẳng ra hướng cửa trước. Đầu óc quay vòng vòng, Miên chết điếng cả người. Mãi sau, cố gắng lắm nàng mới có thể lồm cồm đứng dậy. Định bụng sẽ đi theo nó, sẽ tìm cách giữ nó lại để hi vọng còn giải thích cho nó hiểu vì lý do gì cha mẹ nó xa nhau, -với mười mấy năm trời chịu đựng trường kỳ, kể từ lúc Miên lỡ đem thân ra làm vợ Vĩnh-, vì lý do gì Miên bước thêm bước nữa và, nhất là, phải nhắc cho nó nhớ chuyện Miên đã thật sự rời xa Vĩnh trước, mãi đến hai, ba năm về sau nàng mới gặp gỡ Rémi. Vậy mà, tình đời, miệng thế! Nhưng, một khi sự bình tĩnh đã trở về, Miên lại đâm ra ngập ngừng: nàng nên bắt đầu ra sao và bằng cách nào;  một khi thằng Nam chưa tròn 12 tuổi đầu còn bé Mai mới lên tám. Chẳng lẽ Miên lại can đảm bắt đầu kể lể nỗi khổ bằng một sự thật ê chề và trắng trợn như sau: trong con người của Vĩnh, ngoài mảnh bằng to tổ bố ra, hoàn toàn không có gì hết, không còn gì hết.

Bề nào, ông ta cũng là người cha ruột của chúng nó. Và, bề nào, làm mẹ, Miên cũng có bổn phận phải bòn mót để, ít ra, còn mong gìn giữ được một phần nhỏ nào đó trong cái gọi là «tuổi hồng» cho những đứa con do nàng banh da xẻ thịt, đẻ ra. Ngoài ra, cho dầu Miên có «muối mặt» đến độ vất đại qua một bên, mọi điều phải không hơn thiệt để tha hồ mở miệng vạch trần chà đạp lên toàn bộ con người của Vĩnh thì liệu bề hai anh em chúng nó có đủ tuổi đời và có đủ trí khôn để đặt hết niềm tin tưởng vào lời kết tội của Miên  hay không. Biết đâu đã không hiểu không tin thì chớ chúng lại còn cắc cớ đi nghe theo lời đàm tiếu độc ác của thiên hạ  để gán ghép cho Miên cái tội tày trời «bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra». Bằng chừng sờ sờ là hiện nay Vĩnh vẫn còn ở một mình trong khi Miên lại… đi theo người khác. Vĩnh ở một mình để khỏi bị ràng buộc, ở một mình để được ăn chơi thả cửa, ở một mình để được «nhận thêm» mà khỏi lo sợ cái  nạn phải «tặng không» cho ai bất cứ điều gì. Đó mới chính là thứ triết lý sống khôn ngoan, lập lờ mà Vĩnh đã chính thức đem ra áp dụng với đời, kể từ  lúc mới thành lập gia đình. Than ôi, Miên chỉ biết rõ, đắng cay biết rõ, chua chát biết rõ  một khi đã «tay bế tay bồng» và, một khi đã đánh mất tiêu tan phần đời quí báu và trẻ trung nhất của chính bản thân nàng.

Mà, cái lỗi tày trời của Miên đâu phải chỉ dừng lại ở mức độ cá nhân đó? Vì, cho đến mãi về sau khi đã thật sự lún sâu vào nỗi khổ Miên mới từ từ  phát giác ra thêm sự ân hận to lớn nầy: khi ra tay lựa… chồng cho mình, cũng có nghĩa là Miên tự ý lựa cha cho những đứa con về sau của mình.  Muốn là người cha tốt trước tiên phải là con người tốt, kế đó là người chồng tốt; họa may ra!  Đàng nầy! Ôi thôi! Vì lựa sai chọn lầm Miên đã vô tình đưa tay ra tước đoạt mất cái quyền «được làm con» của hai đứa nhỏ. Vậy, thủ phạm đích thực là ai? Nếu không phải là: Miên. Còn ta thán nỗi gì? Mà, lẽ đời có lỗi thì đương nhiên phải đền bù. Nỡ lòng nào!

Nói đúng ra, lúc quyết định theo Rémi qua Phi châu, thoạt kỳ thuỷ,  phần nào Miên cũng có lo sợ cho nỗi an toàn của hai đứa nhỏ trước sự «vô trách nhiệm» bẩm sinh của Vĩnh. Nhưng rồi, vì tuổi đời cứ chồng chất thêm mãi, với vốn sống và kinh nghiệm lần hồi thu góp được, lắm khi Miên cũng có chịu khó nén lòng để suy nghĩ lại và để tự lên tiếng trách móc mình: biết đâu trong dĩ vãng, vì lúc nào hai đứa bé cũng có mẹ kè kè ở bên cạnh và biết đâu với bẩm tánh xét nét và khó khăn, đôi khi Miên cũng có làm Vĩnh bực mình; do đó ông ta phải tìm cách tránh né ra chỗ khác, rồi được trớn sẵn đà tránh né luôn chuyện… thi hành bổn phận. Một khi Miên vắng nhà thì đương nhiên «cờ tới tay ai người nấy phất». Loài chim trời, dã thú còn biết lo bảo vệ và lo tha mồi về bú mớm cho con; nữa là…

Nào dè! Thật quả «đánh chết cái nết không chừa».

Nghĩ tới nghĩ lui, suy qua tính về, Miên bấn loạn không còn biết phải làm gì hơn nữa, ngoài chuyện đi đến và đứng dựa lưng vào tường,  dõi mắt dò tìm bóng dáng của thằng Nam. Từ đàng xa, cái bóng lùn chủn của nó đang len len lách lách giữa đám đông. Hai vạt áo quên cài (hay sứt nút, sứt đường chỉ)  xoè rộng ra hai bên như mấy cánh buồm con tơi tả trước gió. Ơ hờ, quay mặt nhìn lui, Miên bắt gặp hình ảnh co quắp của bé Mai trên khung giường rộng hoắc. Con bé vẫn ngủ, khuôn mặt tái xanh, vành miệng mở rộng phơi bày hai bờ môi nứt nẻ khô khốc và trên gò má hai vệt nước mắt còn đọng lại thành dòng.

In hệt một con ma đói, Miên dật dờ đi đến chỗ đặt chiếc va-li nàng vừa lễ mễ đem về từ Phi châu. Đặt mình ngồi xuống, Miên lần túi tìm lại chiếc chìa khoá.  Kiếm cách mở bung ra, Miên đưa mắt nhìn đống áo quần, giày dép, khăn lượt, son phấn, thuốc men…; đặt kế cận cây cung cùng với bó tên bằng gỗ (quà của bé Nam) và cái mặt nạ rằn rện (quà của bé Mai). Nghĩ tới chuyện mới cách đây có mấy ngày trời chính Rémi đã bỏ thì giờ ra để nhờ vả, thu xếp, lựa chọn và sắp đặt vào đó tất cả mọi thứ. «Đường về xa xôi, em đi một mình chỉ nên xách theo những gì cần thiết nhất». Nghĩ tới cảnh, dưới ánh đèn tù mù đôi bàn tay với mười ngón dài thượt, thoăn thoắt cứ hết nhét thứ nầy vô lại chèn thêm thứ khác vào. Nghĩ tới cái bóng cao lớn, với mái tóc bù xù gần như không bao giờ chịu chải gỡ, in lắt lay trên vách gian lều vải. Nghĩ tới chuyện, kể từ hôm nay Miên sẽ không bao giờ có dịp được trở qua Phi châu nữa và cũng không bao giờ có quyền được ở cùng nhà, ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu với Rémi nữa. Nghĩ tới lời thề hứa «Em sẽ theo anh suốt cuộc đời còn lại». Nghĩ  tới câu dặn dò «Đừng khóc nữa, Miên ơi! Tháng sau em trở lại rồi.» Nghĩ tới bức tường tù ngục, một mực khăng khăng giam hãm cuộc đời mình.  Nghĩ tới đoạn đời lê thê quạnh quẽ còn lại về sau… Nghĩ tới công dã tràng xe cát…

  Trong một cử chỉ gần như vô thức, Miên xoè rộng đôi bàn tay ra, hốt trụm đống hành lý, tung hê hết ra giữa nhà. Úp mặt giữa đống đồ đạc ngổn ngang, Miên dụi đầu  qua về, cố lục lọi tìm tòi chút hơi thừa còn lại. Chẳng thấy đâu, cái bến bờ hạnh phúc đìu hiu ấy! Bật miệng, Miên nấc lên, khóc thành tiếng.

Québec, tháng giêng 2009
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/09/ho-pho-lai-biet-au-ma-tim.html?utm_source=BP_recent
==============================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001