Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Lại nói về sự thỏa hiệp chính trị  

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgOssRJcle3Bx3hxHrIDR7lVKf6Y6gik_NtJ31IcsKCH0NOq4GRQBtE9lJ-jw0umyRNX3hsiAqRyX8XyJ5ad5IeI8EyiudAx3u63pJLL28W4NY1vTvQrMssMwQVeBSod6EBueXgkdoeyH4/s1600/CSVN556.jpg

Huỳnh Thục Vy (Danlambao) - Cuộc đấu tranh để đạt được một thể chế chính trị tốt đẹp hơn, bản thân nó là một cuộc đấu tranh chính trị. Dù những người đấu tranh không phải là những người làm chính trị đúng nghĩa; họ thuộc đủ mọi thành phần xã hội, từ sinh viên, những người hoạt động xã hội thiện nguyện, nghệ sĩ, trí thức khoa bảng, nhà văn, nhà báo, luật sư... với những ưu thế sẵn có, họ lên tiếng cho Dân chủ Tự do, nhưng với một thái độ chính trị nhất định và với sự phản kháng chính trị dành cho nhà cầm quyền độc tài, cuộc đấu tranh ấy của họ là một cuộc đấu tranh chính trị và mang đầy đủ tính chất của sự đấu tranh chính trị.

Trong những người đấu tranh cho Tự do Dân chủ hôm nay, có nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau. Có một nhóm người chủ trương không đối thoại với Cộng sản; còn số khác thì ngược lại, lại cổ vũ cho một sự thỏa hiệp mà họ tự cho là nhân bản và thích đáng trong một thế giới văn minh hôm nay. Bản thân người viết dù chỉ là một người thiếu kinh nghiệm, với tất cả những khiếm khuyết của mình, tôi thiết nghĩ, một cách nhìn nhận trung dung là thỏa đáng hơn cả. Cả Đức Phật, Khổng Tử của Đông Phương đến Socrates của văn minh Hy La Tây phương đều cổ vũ cho một sự trung dung cần thiết. Bởi bất cứ sự cực đoan nào cũng dẫn ta tới thái cực kia, theo chiều ngược lại. Tôi không cổ vũ cho sự thỏa hiệp chính trị với nhà cầm quyền độc tài nhưng cũng không phủ nhận hoàn toàn cái gọi là “sự thỏa hiệp” trong chính trị (miễn sao nó có lợi). Tha thiết xin quý độc giả kiên nhẫn lắng nghe những chia sẻ của một người trẻ như tôi.

Điều mà hôm nay tôi muốn lạm bàn trong giới hạn tri thức của mình, đó là sự đối thoại và thỏa hiệp chính trị, cũng như tính cần thiết nếu có của chúng. Sự thỏa hiệp chính trị theo nghĩa đơn giản nhất của nó là sự tiến lại gần nhau, đứng cùng nhau trong một sự đồng ý chung giữa hai phe đối lập về lập trường tư tưởng chính trị. Đã nói đến thỏa hiệp là nói đến một khế ước về ý chí giữa hai phía khác biệt quan điểm hoặc thậm chí là đối lập, thù nghịch. Mà nhắc đến khế ước thì phải có một điều kiện tất yếu để đảm bảo tính chất của nó, đó là cả hai bên cùng tiến đến một điểm ở giữa, để chính ở đó, họ chấp nhận được nhau như trong bất cứ khế ước dân sự nào. Thế nhưng, đấu tranh chính trị không đơn giản như hoạt động kinh tế - dân sự. Các hoạt động kinh tế dân sự được điều chỉnh và chế tài trong những chế định luật pháp minh bạch, sẵn có và được thông báo trước. Dù hoạt động đó diễn ra trên phạm vi quốc tế thì tư pháp quốc tế vẫn điều chỉnh được hoạt động này. Đấu tranh chính trị quốc gia và quốc tế thì phức tạp và hàm ẩn nhiều bất trắc hơn gấp bội. Chúng ta có bao giờ tự hỏi, sự thỏa hiệp trong chính trị có thể đạt được hay không, mà dù có đạt được thì việc thực hiện nó có hiệu quả hay không?

Trong thế giới liên lập và cởi mở ngày hôm nay, những thỏa hiệp chính trị có vẻ minh bạch và ít bất trắc hơn. Vì tư duy chính trị hôm nay là “cùng thắng” (win-win) là hai bên cùng có lợi. Nhưng điều đó không có nghĩa là khả năng win-win là hoàn toàn chắc chắn và không thể đảo ngược. Các mâu thuẫn chính trị càng lớn, khả năng “cùng thắng” này càng nhỏ; hai phía càng đối lập sâu sắc về quyền lợi thì hy vọng “cùng có lợi” lại càng hiếm. Thế giới hôm nay không phải là nơi “cá lớn nuốt cá bé” nữa, nhưng mọi ưu thế trong đàm phán và thỏa hiệp chính trị luôn thuộc về kẻ có sức mạnh về quân sự, kính tế, chính trị trên trường quốc tế.

Thỏa hiệp là phía này cho phía bên kia một thứ, để đổi lại, sẽ nhận được một thứ có giá trị tương đương. Trong những khó khăn riêng về nội bộ và về thế lực của phe nhóm mình, thiển nghĩ một sự nhượng bộ thích đáng trong từng tình hình cụ thể là có khả năng được đặt ra. Nhưng nhượng bộ là để tiến về phía trước để đạt được mục đích chính, để tiếp tục đấu tranh; chứ không phải nhượng bộ đánh mất quan điểm chính trị cố hữu, để hòa tan và tự làm mình biến mất. Giữa sự thỏa hiệp và đầu hàng có biên giới rất mong manh mà chỉ cần sự bất cẩn và không giữ được thăng bằng, tất cả những giá trị đấu tranh mà mình đang cổ vũ sẽ là vô nghĩa. Vì thế, thỏa hiệp với phe đối địch là một trò chơi nguy hiểm của những người có “cold head”, không phải là những toan tính ngây thơ của những người chỉ có trái tim nóng nhưng thiếu kinh nghiệm. Bởi vậy, quan điểm của tôi, với tất cả những cẩn trọng cần thiết của một người thiếu kinh nghiệm, tôi chưa bao giờ nghĩ đến đối thoại hay thỏa hiệp với chính quyền Cộng sản Việt Nam, bởi điều đó là quá nguy hiểm.

Trong đấu tranh chính trị nói chung, không phải là hoàn toàn không có khả năng đối thoại hay thỏa hiệp. Một sự đấu tranh không có sự ngừng lại và nhượng bộ sẽ là cứng nhắc mà không tận dụng những điều kiện thuận lợi bên ngoài như một cây cao không biết uốn mình trong gió bão sẽ khó có thể vươn cao, nếu không muốn nói là sẽ bị bẻ gãy. Cả thực tế lẫn lý luận đều cho thấy, thỏa hiệp chính trị là không thể không có, nhưng đồng thời nó cũng không thể là chân thật. Hiệp định Geneve, hiệp định Paris, Mao Trạch Đông thỏa hiệp với Tưởng Giới Thạch để kháng Nhật…và tất cả những sự thỏa hiệp chính trị khác, không thể nào mang lại cho chúng ta một cảm quan tin tưởng khả dĩ về tính chân thật và hiệu quả của các thỏa hiệp. Thỏa hiệp trong đấu tranh chính trị vì thế, không thể là thỏa hiệp chân thật, bởi ngay từ khi thỏa hiệp chưa hình thành, những âm mưu và khả năng xóa bỏ nó đã tồn tại và tất nhiên được giấu trong bí mật. Chúng ta đều có thể thấy, hai phía có quyền lợi đối lập, không thể nào có những đồng ý thực sự với nhau về một điểm nào đó. Những ai trông mong vào sự thỏa hiệp thật trong cuộc đấu tranh hôm nay sẽ sớm nhận thấy nguy cơ và thiệt thòi cho mình.

Hơn nữa, không phải lúc nào cũng có thể thỏa hiệp, ngay cả thỏa hiệp giả. Vậy khi nào thì hai phía đối lập (ví dụ như hai bên: những người đấu tranh cho Dân chủ và chính quyền Cộng sản) có thể thỏa hiệp? Đương nhiên, ngay từ đầu, chúng ta có thể nhận thấy: thỏa hiệp là cùng dừng lại ở một điểm cân bằng, rồi cho và nhận. Vậy thì chúng ta phải có thứ gì đó mới có thể mang ra mà trao đổi, nên phải có thực lực mới có thể thỏa hiệp. Thứ nữa, khi cả hai bên đều tiến vào tình trạng “dẫm chân tại chỗ” trong một điều kiện cụ thể nào đó, cả hai không thể tiếp tục chiếm thêm bất cứ ưu thế nào nữa, thì người ta sẽ cùng ngồi lại với nhau để có một sự đồng ý chung về một câu chuyện cụ thể. 

Vậy trong tình thế hiện nay, khó có thể, nếu không muốn nói là không thể có sự đối thoại hay thỏa hiệp giữa những người đấu tranh cho Tự do và chính quyền Cộng sản. Bởi lẽ những người đấu tranh chưa thực sự tập trung được thành một lực lượng chính trị đủ mạnh có đủ thế và lực để cạnh tranh với chính quyền cộng sản. Nhà cầm quyền cộng sản lại đang nắm trong tay tất cả quyền lực chính trị, kinh tế, xã hội và kể cả bạo lực nhà nước. Trong khi lực lượng đối lập chỉ là những nhóm người chưa có sự phối hợp hoạt động và chưa có người lãnh đạo, chưa có được vị thế vững vàng trong xã hội. Có chăng là chúng ta đang thủ đắc chính nghĩa đấu tranh phù hợp với các giá trị mà nhân loại đang hướng tới, nói khác hơn chúng ta có được “công đạo”. Nếu chúng ta không có gì để trao đổi với chính quyền thì không bao giờ có thể thỏa hiệp với họ, vì họ không có nhu cầu phải đối thoại và thỏa hiệp vợi một lực lượng mà họ đang có khả năng chặn đứng và đàn áp bất cứ lúc nào. Sự thỏa hiệp trong điều kiện này, không khác hơn là sự tự đánh mất lập trường và giá trị của mình, tạo ra khả năng bị lợi dụng và gia tăng sự chính danh cho nhà cầm quyền. Còn nếu khi chúng ta có đủ sức mạnh như một lực lượng đối trọng với họ thì không có lý do gì để chúng ta phải thỏa hiệp với họ khi điều này đồng nghĩa với việc phải từ bỏ một ưu thế vốn có của mình. 

Cũng phải nói thêm một điều, khi xảy ra một trường hợp, cả hai phe phải đương đầu với một lực lượng thứ ba, mà lực lượng này là kẻ thù chung của hai phía, là trở ngại khiến hai phía chẳng thể tiến lên thêm một bước nào nữa thì có khả năng dẫn đến sự thỏa hiệp. Nhưng trong tình hình Việt Nam hiện nay, khả năng này khó xảy ra, vì ngay đối với ngoại xâm (lực lượng thứ 3 nguy hiểm) những người cộng sản Việt Nam cũng chỉ muốn hợp tác, ngược lại, họ lại coi những người đối lập là kẻ thù không đội trời chung. Thậm chí, họ còn dựa vào ngoại bang để có ưu thế và thời gian đàn áp lực lượng Dân chủ.

Nói chung, sự thỏa hiệp nằm trong trang thái cân bằng động mà một động thái nhỏ cũng có thể phá vỡ sự cân bằng này. Trong đấu tranh chính trị, một là ưu thế thuộc về phe này, hai là thuộc về phe kia và khi một phía vẫn chiếm thế thượng phong không ai dại gì thỏa hiệp. Thỏa hiệp là một câu chuyện ở xa phía trước, nên đặt ra vấn đề đó lúc lực lượng dân chủ còn yếu hôm nay là không phù hợp. Còn trong tương lai có nhiều biến chuyển không thể nói trước, rất khó để có thể đưa ra dự phóng. Nhưng có một điều quan trọng là, với những gì người Cộng sản đã gây ra đối với dân tộc này, bất cứ sự thỏa hiệp nào với họ cũng dễ dẫn đến sự giảm sút uy tín của những người đấu tranh dân chủ. Ấy là chưa kể đến khả năng chúng ta tặng họ sự chính danh để rồi sau đó họ đẩy chúng ta ra bên lề. Thỏa hiệp giữa Hồ Chí Minh và những người Quốc gia trong chính phủ Liên hiệp là một ví dụ sáng giá mà những người đấu tranh chính trị cần nhớ mãi.

Trong thời gian này, quả thực khi nói đến sự thỏa hiệp, tôi luôn nghĩ đến một cụm từ "bình mới rượu cũ” . Kẻ yếu thỏa hiệp với kẻ mạnh thì chỉ có một cách là làm cho mình tan biến đi thôi: mà dù là giữa hai kẻ có sức mạnh ngang nhau thì cũng không có gì đảm bảo là một trong hai phía, thậm chí là cả hai vi phạm thỏa hiệp. Là một người luôn mong muốn một sự đổi thay với kịch bản tốt nhất cho đất nước, tôi luôn đề cao một sự hòa giải trong lòng người, hòa giải văn hóa, hòa giải lịch sử. Nhưng muốn có hòa giải thực sự phải có Công lý. Vì bản thân Công lý là một giá trị mang lại sự hài hòa trong mọi mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ chính trị-xã hội. Công lý chưa được thực thi, tội ác chưa bị trừng phạt, công lao chưa được vinh danh, hòa giải chỉ là giả.

Đối thoại cũng được, thỏa hiệp cũng chẳng sao, nhưng trước tiên cả hai phía phải cùng đứng trên một võ đài trong vị thế bình đẳng cùng với sự tương xứng về thực lực; và những ai muốn đối thoại phải đảm bảo mình đủ sáng suốt và khôn ngoan để không bị đưa vào bẫy, bị đẩy vào tình thế “thả con rô bắt con tép”. Lại nói một lần nữa, thiết nghĩ cũng không thừa, đối thoại hay thỏa hiệp là một trò chơi nguy hiểm không dành cho những người thiếu tư duy chiến lược và thiếu khả năng nhạy bén vượt trội về chính trị.

Buôn Hồ, ngày 11 tháng 9 năm 2012

nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/09/lai-noi-ve-su-thoa-hiep-chinh-tri.html#.UF6E6aBHSh1
======================================================================
Lại nói về sự thỏa hiệp chính trị (tiếp theo)


https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhJ0_X9VdljCWXB-kSfG0hz6BFKYW55AZdfF5RaR5XDTXmRSvFZTGVi8bfKUpg0J4CPIhf3mbaua7zjDlEzao8ZpI559uxd0f3J5sSlQLEn4ekxhCCPAkEpShoupg-6XG941riKePaxoKEY/s1600/battayvoiquy-danlambao.jpg

Huỳnh Thục Vy (Danlambao) - Có lẽ tiêu đề trên không phù hợp lắm với nội dung mà tôi muốn trình bày sau đây. Trong phần này, tôi chỉ muốn đưa ra những giải thích tường minh cho quan điểm của mình - cái đã theo tôi từ những ngày tôi cầm bút, viết những dòng đầu tiên gởi đến quý độc giả.
Sau bài viết “Lại nói về sự thỏa hiệp chính trị”, tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực, nhưng cũng không ít những phản hồi bày tỏ sự nghi ngờ, cũng như cho rằng có sự khó hiểu trong lý luận của tôi. Những điều đó làm tôi suy nghĩ nhiều, và đón nhận với tất cả sự trân trọng. Tôi biết rằng mình có trách nhiệm giải thích rõ mọi điều cho độc giả, để đáp lại sự quan tâm và yêu mến của quý vị. Lâu nay tôi luôn có thiên hướng đề cao sự minh bạch và dứt khoát trong quan điểm cũng như cách thể hiện quan điểm. Dù muốn hay không, đã là người viết, một bài viết tối nghĩa sẽ không những gây hiểu lầm đáng tiếc đối với cá nhân người viết, mà có thể còn gây bất lợi cho sự nhận thức của công luận.

Có thể đề tài này là quá lớn so với khả năng của người viết. Nhưng với những diễn biến chính trị gần đây: cuộc chuyển hóa ở Miến Điện, việc ra đời gây nhiều tranh cãi của Phong trào Con Đường Việt Nam, những lục đục nội bộ trong Đảng cộng sản…, với tất cả những quan ngại non nớt của một người trẻ, tôi muốn đưa ra những gợi mở cần thiết về chuyện “thỏa hiệp” này để nhận được những chỉ giáo hữu ích từ những bậc trưởng thượng. Quả nhiên, tôi đã nhận được một số chỉ giáo hữu ích.

Trong bài viết trước, tôi không muốn bỏ qua câu chuyện “thỏa hiệp” trên bình diện lý luận trung dung nên đã khẳng định: khả năng thỏa hiệp là có. Quả thật, trong lý thuyết đấu tranh chính trị luôn tồn tại khái niệm thỏa hiệp; dù trong cuộc đấu tranh hiện tại, chúng ta có muốn điều đó hay không. Lịch sử nhận loại đã chứng kiến nhiều cuộc thỏa hiệp “động trời”. Chúng ta gạt bỏ sự tồn tại của thỏa hiệp là vô tình đã gạt bỏ luôn khả năng gây hại của nó, cùng những đối phó cần thiết. Có thể nói thỏa hiệp chính trị là một đề tài khá nhạy cảm và gây tranh cãi ở Việt Nam nhưng không có nghĩa là nó không rình rập ở đâu đó để chờ thời cơ lộ diện. Tôi đặt ra vấn đề không phải để ủng hộ nó mà để cảnh giác nó. Đối với tất cả những người thực sự có tâm huyết với đất nước, xét những tội ác mà những người cộng sản đã gây ra cho đất nước, cũng như nền văn hóa của sự Ác mà họ đang cố gắng duy trì, đề cao sự thỏa hiệp với họ là chúng ta đã tự biến mình thành đồng bọn của kẻ ác. 

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng tôi đặt ra vấn đề thỏa hiệp vào lúc này là không cần thiết, xa lạ với thực tế. Bản thân tôi cũng nhận thức như vậy và đã nói rõ trong bài trước rằng: bàn luận về sự thỏa hiệp trong lúc lực lượng dân chủ chưa đủ mạnh là thừa. Nhưng tôi có một nỗi lo sợ rằng, dù đề tài nhạy cảm này chưa được nhiều người đấu tranh trong nước bàn luận (về lý thuyết) một cách nghiêm túc; nhưng ở đâu đó, trong hoạt động của nhóm này nhóm kia, trong quan điểm của vài người phản kháng… vẫn đặt sự thỏa hiệp như một khả năng quan yếu. Dù không được nhắc đến nhiều trên giấy mực, sự thỏa hiệp vẫn tồn tại trong xu hướng và chủ trương của họ. Nên thiết nghĩ, thà chúng ta đặt ra để bàn luận, để tỏ tường sự nguy hại của nó, còn hơn để sự việc được phát triển âm thầm ngay trong hàng ngũ những người phản kháng.

Tôi không dám cho rằng mình có đủ tư cách để phê phán bất cứ ai, hoặc bất cứ nhóm nào. Tôi cũng chưa có đủ thời gian và phương tiện để tìm hiểu về Phong trào Con Đường Việt Nam một cách kỹ lưỡng nhưng tôi cho rằng trong thời đại thông tin hôm nay những phát biểu hay văn bản có thể sẵn có cho công luận kiểm chứng. Sau khi đọc những dòng nhà văn Phạm Thị Hoài (một nữ văn sĩ có uy tín và kiến thức rộng) viết về Phòng trào này, trong bài viết “Chọn đường” của bà, nỗi lo sợ về một cạm bẫy khoác bộ áo “thỏa hiêp” cứ mãi ám ảnh tôi. Tôi tin vào sự khả tín của những đoạn văn bản được cho là của ông Trần Huỳnh Duy Thức, mà một người có kiến văn như bà Phạm Thị Hoài, đưa ra. Vì thế nên, xin quý độc giả hãy đọc bài viết này của bà và tìm những dữ liệu khác để chia sẻ và thông cảm cho những lo sợ của tôi.

Tôi đã nói: “Một sự đấu tranh không có sự ngừng lại và nhượng bộ sẽ là cứng nhắc mà không tận dụng những điều kiện thuận lợi bên ngoài như một cây cao không biết uốn mình trong gió bão sẽ khó có thể vươn cao, nếu không muốn nói là sẽ bị bẻ gãy” với tâm ý rằng: nếu trong một tình huống cụ thể ngắn hạn phải thỏa hiệp thì có thể thỏa hiệp, nhưng thỏa hiệp để giành phần lợi ích và chiến thắng cho chúng ta, cho dân tộc chứ không phải thỏa hiệp để đánh mất giá trị của mình. Bởi nếu chúng ta thỏa hiệp để đánh lừa kẻ đối địch, để chiến thắng họ thì sao chúng ta ngại thỏa hiệp? Và tôi phát biểu rằng “đối thoại hay thỏa hiệp là một trò chơi nguy hiểm không dành cho những người thiếu tư duy chiến lược và thiếu khả năng nhạy bén vượt trội về chính trị”… chỉ với một mục đích duy nhất là cảnh báo những ai có xu hướng thỏa hiệp với chính quyền Cộng sản phải cảnh giác và phải hành động thế nào để lợi ích thuộc về dân tộc, nếu họ muốn chọn con đường nguy hiểm đó (mà không ai, kể cả tôi dám chọn) thì nhất thiết họ phải đảm bảo mình có tài trí vượt bậc để mang sự sáng suốt chính trị ra phục vụ cho quyền lợi cốt lõi của quốc gia, chứ không phải vì những tham vọng quyền lực mà bất chấp Công lý, hoặc ngây thơ làm con rối cho Nhà cầm quyền cộng sản. Như chúng ta thấy, trí tuệ để xây dựng đất nước người cộng sản không có, họ có thể thua những Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định… nhưng thủ đoạn gian xảo thì họ có thừa.

Như tôi đã nói trong bài trước: “Công lý chưa được thực thi, tội ác chưa bị trừng phạt, công lao chưa được vinh danh, hòa giải chỉ là giả”. Vì thế, không thể bán đứng Công lý cho những thỏa hiệp chính trị, cũng như không nên đề cao thái quá tinh thần “ôn hòa” để bỏ qua cái nhìn nghiêm khắc đối với Nhà cầm quyền này. Thỏa hiệp là phương tiện, là bộ mặt giả để đạt được chiến thắng (nếu đủ tỉnh táo, khôn ngoan ), nhưng Công lý mới là cứu cánh, mới là giá trị tối hậu. Một phương tiện đối nghịch về bản chất với cứu cánh thì không có khả năng biện minh cho cứu cánh đó. Ai đó đã nói: “Thành tựu công nghiệp là vì biết quên cái mình trọng để trọng cái mình quên”. Công lý là giá trị mà chúng ta không bao giờ được lơ đãng. (Và đề tài Công lý này, xin được gởi đến quý độc giả vào một dịp khác.)

Thành thật hy vọng những biện giải này sẽ góp phần hiệu quả để giải tỏa những hồ nghi trong lòng quý độc giả cũng như giải thích minh bạch những trình bày tối nghĩa trong bài viết trước. Kính xin quý độc giả thông cảm cho một kẻ hậu sinh mạo muội đưa ra những suy nghĩ quá tuổi, quá sức mình, cũng chỉ bởi một tâm tình hướng về đất nước, về tương lai dân tộc trong sự lo lắng khôn nguôi. Kính chúc quý độc giả nhiều an lạc dù phải đối mặt với những diễn biến thời cuộc rối ren gần đây.

Buôn Hồ, ngày 18 tháng 9 năm 2012 


nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/09/lai-noi-ve-su-thoa-hiep-chinh-tri-tiep.html#more
=====================================================================
Nguyễn Ngọc Già - Trao đổi với Huỳnh Thục Vy
        
Nguyễn Ngọc Già
Cho phép chú gọi Vy bằng "cháu" với tư cách người lớn tuổi và ngưỡng mộ một tâm hồn thanh cao, toát lên từ vẻ đẹp hình thể thật thánh thiện của cháu. Nhân đây, chú thành tâm chúc mừng hạnh phúc vợ chồng cháu, dù có muộn. Lòng chú tràn đầy cảm xúc, khi nhìn ảnh hai cháu thật đẹp đôi trong ngày cưới.Bây giờ chúng ta cùng bàn về vấn đề cháu đặt ra - "Thỏa hiệp chính trị" - với tư cách là những công dân có trách nhiệm đối với Dân tộc, Tổ quốc.
Thỏa hiệp là gì?
Từ điển Webster’s New World định nghĩa thỏa hiệp (compromise) là “một sự dàn xếp mà ở đó, mỗi bên từ bỏ một số yêu cầu của mình trong một cuộc tranh chấp để có thể đạt được một sự thỏa thuận, làm cả hai phía hài lòng trong một chừng mực nhất định nào đó”. Sau này người ta cũng có thể dùng thuật ngữ "win - win" để diễn đạt.
Tuy nhiên, không biết từ lúc nào, thỏa hiệp bỗng trở thành một thuật ngữ mang ý nghĩa xấu, một điều gì đó tương tự như sự phản bội, toa rập, thậm chí là sự đầu hàng trước cái ác, cái xấu.
Song song với khái niệm "thỏa hiệp", chúng ta cũng biết khái niệm "đồng thuận".

Đồng thuận là gì?

Nó là sản phẩm tự thân của quá trình chọn lọc, sửa đổi, đào thải và đi đến thống nhất hành động với nhau trong một lĩnh vực nào đó.
Cũng gần như "thỏa hiệp" bị méo mó, "đồng thuận" đôi khi bị biến thành như phương tiện, để khỏa lấp và đi đến tương nhượng để từ bỏ những nguyên tắc cơ bản, mà lẽ ra cần phải giữ vững và xuyên suốt trong quá trình đàm phán về một vấn đề nào đó cần giải quyết.
Tác giả Huỳnh Thục Vy nhận định:
Tôi đặt ra vấn đề không phải để ủng hộ nó mà để cảnh giác nó. Đối với tất cả những người thực sự có tâm huyết với đất nước, xét những tội ác mà những người cộng sản đã gây ra cho đất nước, cũng như nền văn hóa của sự Ác mà họ đang cố gắng duy trì, đề cao sự thỏa hiệp với họ là chúng ta đã tự biến mình thành đồng bọn của kẻ ác.
Trong khi Brian Tracy [1] - Diễn giải nổi tiếng thế giới có khuyên [2]:
"Trước khi tham gia vào buổi thương lượng, bạn cần thông báo trước chính kiến của mình rằng bạn mong muốn và chờ đợi một giải pháp làm thỏa mãn cả hai bên. Nếu kết quả cuối cùng không đưa đến thắng lợi cho cả hai, bạn nên từ chối không thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào."
Ví dụ về sự bóp méo của hai khái niệm: "Thỏa hiệp" và "Đồng thuận" trong thực tiễn xã hội Việt Nam hiện nay quá nhiều, những tưởng không cần phải minh họa chi tiết.
Điều này cho thấy, Huỳnh Thục Vy đã hiểu chưa đủ về "thỏa hiệp", do đó cô đã khuyên nên "cảnh giác""đề cao sự thỏa hiệp với họ là chúng ta đã tự biến mình thành đồng bọn của kẻ ác". Đây là sự ngộ nhận, mà tôi nghĩ xuất phát từ những năm tháng gian khổ của cô cùng gia đình. Sự ngộ nhận của Huỳnh Thục Vy phần lỗi lớn nhất thuộc về cách ứng xử hoang dại từ phía người CS.

***

Khi nào thì khái niệm "thỏa hiệp" và "đồng thuận" nên được đặt ra?
Khi một chiếc bàn chữ nhật hay oval đã được định vị với hai phía ở hai bên, để cùng ĐỐI THOẠI một vấn đề mà cả hai bên đều nhìn thấy lợi ích lẫn nguy hại, một khi không chịu nhìn nhận vấn đề cần giải quyết, nó sẽ bị đẩy đến bờ vực hiểm nguy và bùng nổ, cho không chỉ phía nào. Đó cũng cho thấy, để một cuộc ĐỐI THOẠI xảy ra, thì cả hai phía phải thực tâm nhìn nhận vấn đề cần nên đặt lên chiếc bàn đó đúng lúc.
Thế nào là một cuộc "Đối thoại" đúng nghĩa?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh có viết (nguyên văn):
You have to be very concerntrated while you listen. You have to focus on the practice of listening with all your attention, your whole being: your eyes, ears, body, and your mind. If you just pretend to listen, and do not listen with one hundred percent of yourself, the other person will know it and will not find relief from his suffering.Tạm dịch:
Bạn phải thật sự quan tâm trong khi lắng nghe. Bạn phải tập trung vào việc lắng nghe bằng tất cả sự chú ý của mình, bằng tất cả hiện hữu của bạn: mắt, tai, cơ thể và nhận thức sâu sắc của bạn. Nếu bạn giả vờ lắng nghe và không thật sự lắng nghe bằng 100% bản thân của mình thì người khác sẽ biết ngay, cũng như họ sẽ không tìm thấy nỗi khổ đau của họ được giải tỏa.
Thật khó để tin người Cộng sản biết và thật sự quan tâm đọan trích dẫn trên. Người CS cũng là một trong những "ảo thuật gia" chữ nghĩa. Họ thường sử dụng "kế hoãn binh", nhằm biện minh cho cứu cánh - duy trì sự tồn tại ĐCSVN như là một "tất yếu khách quan"(!).
Bất kỳ ai cũng có thể nhận ra, họ viện dẫn những cụm từ "thỏa hiệp", "đồng thuận" như lá chắn hữu hiệu nhằm thực hiện dài lâu việc cai trị của họ. Họ luôn giả vờ lắng nghe thay vì lắng nghe bằng 100% tư duy cần có; cũng có thể khả năng cảm thụ về nhận thức của họ không được chuẩn bị kỹ lưỡng, trên nền tảng tư tưởng Nhân quyền, Dân chủ bị thiếu hụt và chắp vá, chủ yếu chỉ dựa trên những tư tưởng lạc hậu, lỗi thời và mang đầy chất ngụy biện. Bên cạnh đó, họ tỏ ra là thế lực thực dụng nhất trong các thế lực thực dụng; cũng bởi lực lượng đối lập có mang lại lợi ích gì cho họ? Có đảm bảo vị thế chính trị của họ mãi là vị trí độc tôn trên xứ sở này?
Chưa phải lúc để đặt vấn đề "thỏa hiệp".
Trong mắt người Cộng Sản, lực lượng đối lập cho đến nay vẫn chưa tỏ ra là lực lượng đáng nể hơn, đáng khâm phục hơn, cũng như đáng ghi nhận trân trọng hơn, thông qua hình ảnh của bất kỳ ai, dù đó là BS. Nguyễn Đan Quế, HT. Thích Quảng Độ, DN. Trần Huỳnh Duy Thức, Blogger Điếu Cày hay TS. Cù Huy Hà Vũ v.v... Thế cho nên, việc ngồi vào bàn đàm phán để khái niệm "thỏa hiệp", "đồng thuận" nảy sinh là điều khá viển vông, trong bối cảnh hiện nay, bất chấp nội bộ họ đang đánh nhau quyết liệt. Cũng bởi, các khuôn mặt kỳ cựu như kể trên, phía sau lưng các vị ấy có gì? Hoàn toàn chẳng có gì cả, ngoài những nhóm người ít ỏi ủng hộ bằng việc lên tiếng, kêu gọi và chỉ thế mà thôi.
Những khuôn mặt nổi trội đó quá đơn độc khi so hình ảnh Aun Sang Suu Kyi, với bề dày thành tích lẫy lừng, cùng sự sát cánh của đảng NLD, sự ủng hộ lớn lao của người Miến Điện và của cả thế giới dành cho bà. Do đó, vẫn khó tìm thấy một "Aun Sang Suu Kyi Việt Nam", cho đến khi nào một kỳ tích gì đó xuất hiện, ví như giải Nobel Hòa Bình 2012 cho người Việt Nam? Dù cho là vậy, một đảng phái chính thức như NLD của bà Aun Sang Suu Kyi, xuất hiện sau giải thưởng Nobel Hòa Bình 2012, tại Việt Nam, vẫn là điều kiện đủ để nói về "thỏa hiệp"!
Hiện nay, "Chiếc bàn thỏa hiệp" đang được dọn ra, có lẽ chỉ là câu chuyện giữa người CS với nhau? Trên chiếc bàn đó, tấm khăn "phê và tự phê" phủ lên với những "món ăn phong phú" mang tên "Dương Chí Dũng", "Nguyễn Đức Kiên", "Trần Xuân Giá", "Nguyễn Văn Hưởng", "Đặng Thành Tâm", "Lương Ngọc Anh", "Lê Đức Thúy" v.v... được bày biện thật ngon mắt, cùng ván bài lật ngửa không cần che giấu của họ. Rất tiếc, trong đó không có một chiếc ghế nào dành cho các nhà dân chủ, điều thật hiển nhiên. Bởi đó là câu chuyện "thỏa hiệp" và "đồng thuận" giữa họ với nhau.
Dù lúc này tình hình chính trị đang nóng bỏng, đó vẫn là chuyện riêng của họ mà không ai được phép léo hánh tới, cho đến khi nào một "Aun Sang Suu Kyi Việt Nam", giả sử xuất hiện. Nói vui, trong óc người CS hiện nay có lẽ nghĩ: "Lực lượng dân chủ "thân mến"! các người chả có số má gì ngồi vào "chiếc bàn thỏa hiệp" này! Đây là chuyện của chúng tôi, dứt khoát là thế.".
Đời sống eo hẹp, lay lắt của người dân với một nền kinh tế suy tàn, khó cứu vãn trong tương lai gần, dù sao không phải là trọng tâm của họ để hướng đến trong lúc này, thay vào đó nó trở thành "vũ khí hủy diệt" để họ sử dụng mà sát phạt nhau trên chiếc bàn đó.
Trong bài viết của Huỳnh Thục Vy, có nhắc đến "Con Đường Việt Nam" cùng việc dẫn ra bài viết của nhà văn Phạm Thị Hoài để thấp thoáng lo lắng về một "thỏa hiệp" nào đó từ phía những người sáng lập vô tình không hay biết.
Cô thật tâm lo lắng cho những người tâm huyết này coi chừng "trở thành đồng bọn của kẻ ác". Huỳnh Thục Vy viết:
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng tôi đặt ra vấn đề thỏa hiệp vào lúc này là không cần thiết, xa lạ với thực tế. Bản thân tôi cũng nhận thức như vậy và đã nói rõ trong bài trước rằng: bàn luận về sự thỏa hiệp trong lúc lực lượng dân chủ chưa đủ mạnh là thừa. Nhưng tôi có một nỗi lo sợ rằng, dù đề tài nhạy cảm này chưa được nhiều người đấu tranh trong nước bàn luận (về lý thuyết) một cách nghiêm túc; nhưng ở đâu đó, trong hoạt động của nhóm này nhóm kia, trong quan điểm của vài người phản kháng… vẫn đặt sự thỏa hiệp như một khả năng quan yếu. Dù không được nhắc đến nhiều trên giấy mực, sự thỏa hiệp vẫn tồn tại trong xu hướng và chủ trương của họ. Nên thiết nghĩ, thà chúng ta đặt ra để bàn luận, để tỏ tường sự nguy hại của nó, còn hơn để sự việc được phát triển âm thầm ngay trong hàng ngũ những người phản kháng.
Cô nhận rõ đặt vấn đề "thỏa hiệp" vào lúc này là sớm và thực tâm lo lắng cho "Con Đường Việt Nam" có thể đi "lạc đường". Tôi hoàn toàn tin rằng, cô quý trọng những người sáng lập và mong muốn họ đừng "thỏa hiệp" với "bọn ác".
Huỳnh Thục Vy đừng quá lo lắng, bởi "thỏa hiệp" đúng nghĩa, nhìn trên toàn cục diện của một vấn đề nào đó, chưa bao giờ là "NGUY HẠI" cả và như cháu đã nhận rõ, cho đến hiện nay, chưa có điều kiện cần lẫn điều kiện đủ để làm, dù tạm giả sử "Con Đường Việt Nam" có muốn đi chăng nữa.
"Con Đường Việt Nam", theo chú, hiện nay họ đang làm công việc đúng như tôn chỉ của họ: "Hiểu biết để tự tin làm giàu cuộc sống". Họ đang gợi mở, khích lệ cho người dân hãy biết, hiểu, thực hành và nâng cao vai trò "Làm Người" - giá trị cơ bản mà giản dị đã bị vùi quên trong mấy mươi năm qua.
Chìa khóa thành công là tập trung lý trí của chúng ta vào những điều chúng ta muốn chứ không phải những điều chúng ta sợ.The key to success is to focus our conscious mind on things we desire not things we fear.
Brian Tracy

***

"Kiên trì" là đức tính mà những ai đang theo đuổi mục tiêu tự do, dân chủ, nhân quyền đều hiểu rõ.
Nhất định trong tương lai gần, người Cộng sản sẽ nhẹ nhàng ngồi vào bàn đàm phán đặt vấn đề "thỏa hiệp" để vì lợi ích Dân tộc, Tổ Quốc.
Tôi tin ngày ấy không xa.
Nguyễn Ngọc Già
_______________

http://en.wikipedia.org/wiki/Brian_Tracy [1]
http://doanhnghiep.portals.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=168:75-quy-lut-oi-ben-cung-thng&catid=74:cac-quy-luat-thuong-luong&Itemid=122 [2]
Khách gửi hôm Thứ Bảy, 22/09/2012 
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20120922/trao-doi-voi-huynh-thuc-vy
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001