Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Làm sao để dạy tốt (1) 
(sửa ngày 09/09/2012)
Lời giới thiệu
He who opens a school door, closes a prison  — Victor Hugo
Năm học 2012-2013 khá là đặc biệt ở chỗ tôi: đây là lần đầu tiên mà khoa Toán Toulouse nhận người Việt Nam vào làm phụ giảng (ATER — attaché temporel d’enseignement et de recherche). Mà là nhận không phải một bạn, mà là liền một lúc 4 bạn VN làm ATER năm nay ! Vấn đề dạy học bỗng chốc trở nên có tính thời sự đặc biệt: để giữ uy tín và phát triển hợp tác Pháp-Việt về toán lâu dài ở Toulouse, một điều quan trọng là 4 bạn ATER này phải dạy học làm sao cho hay, hoặc ít ra là làm sao cho khỏi bị sinh viên kêu ca phàn nàn nhiều.
Không chỉ có 4 bạn ATER, mà phần lớn các bạn khác đang học thạc sĩ hay nghiên cứu sinh cũng là những người sẽ đi theo con đường nghiên cứu và giảng dạy, và nhiều bạn trong số đó cũng đã từng dạy học ở các trường đại học ở VN trước khi sang Toulouse làm NCS. Bởi vậy vấn đề “làm sao dạy học cho tốt” liên quan trực tiếp đến hầu hết các bạn.
Trong tình hình như vậy, tôi thấy rằng cần có gặp gỡ thảo luận thường xuyên với các bạn VN ở Toulouse về vấn đề dạy học, ít nhất là 2 tuần một lần cả nhóm ngồi lại trao đổi các triết lý, kinh nghiệm, kỹ năng dạy học.
Buổi trao đổi đầu tiên về việc này đã diễn ra vào chiều hôm thứ sáu 07/09/2012, với sự tham dự của mười mấy bạn trẻ.
Tôi sẽ đăng tải lên đây nội dung các buổi trao đổi này, với hy vọng giúp ích được cho nhiều bạn khác trong việc dạy học.
Dạy học là một nghề cao quí
In a completely rational society, the best of us would aspire to be teachers and the rest of us would have to settle for something less, because passing civilization along from one generation to the next ought to be the highest honor and the highest responsibility anyone could have. – Lee Iacocca
Trước khi bàn đến việc làm sao để dạy tốt, có lẽ không thừa khi khẳng định lại một lần nữa rằng, dạy học là một nghề cao quí, và một khi đã dạy học thì cần làm sao để khỏi hổ thẹn với sự cao quí đó.
Không chỉ giáo viên mới có trách nhiệm dạy học, mà dạy học là sứ mệnh của hầu hết những người có tư tưởng, trình độ cao trong xã hội. Những nhân vật vĩ đại trong lịch sử cũng đều là những người thầy. Khổng Tử, Plato, v.v., cho đến Einstein, Dalai-Lama đều là những người thầy, qua các lời nói và hành động của họ mà họ đã truyền đạt lại được những tư tưởng lớn cho các thế hệ tiếp nối. Các nhà khoa học lớn, ngoài sứ mệnh nghiên cứu khoa học còn một sứ mệnh khác là đào tạo đội ngũ khoa học mới qua việc giảng dạy của mình. Các bác sĩ cũng vậy, ngoài việc chữa bệnh, còn có việc đào tạo các bác sĩ mới, v.v. Không có dạy học, thì  không có sự nối tiếp và phát triển của xã hội.
Giá trị của người thầy
A teacher affects eternity; he can never tell where his influence stops — Henri Brooks Adams
Như Henri Adams đã nói, một người thầy ảnh hưởng đến muôn vàn thế hệ, ông ta không thể biết được ảnh hưởng của ông ta sẽ dừng ở đâu. Những giá trị mà một người thầy truyền đạt được cho các học trò trực tiếp của mình, sẽ tiếp tục được các học trò truyền đạt cho thế hệ tiếp theo, rồi cứ thế tiếp tục truyền đạt mãi.
“Tài sản” lớn nhất của một người thầy không nằm ở nhà cửa tiền nong mà người thấy đó có được, mà nằm ở chính các thế hệ học trò mà người thầy đã đào tạo được. Một trong những niềm vui và niềm tự hào lớn nhất của người thầy là có được các học trò giỏi, thành đạt, có tình nghĩa, ở các nơi khác nhau. Một người thầy đã có được nhiều học trò như vậy thì “đâu cũng là nhà”, đi đâu cũng được các học trò cũ quan tâm chăm sóc.
Giá trị của người thầy không tính được bằng tiền. Nhưng nếu ta cứ thử tạm lấy thước đo tài chính để hình dung mức độ ảnh hưởng, thì cũng ra được những con số rất lớn. Ví dụ, một người thầy đã từng có một nghìn học trò được thầy quan tâm hàng năm trời. Vì được học thầy mà cuộc sống và sự nghiệp của học trò được tốt lên (so với nếu không được học thầy, hay học thầy khác tồi hơn), ước tính chênh lệch đó là 1000 USD/ trò. Như vậy ảnh hưởng tốt của thầy lên đến các học trò trực tiếp của mình cũng ở mức tính theo triệu USD. Tất nhiên, kiểu tính toán này thô thiển và không thể hiện được toàn bộ giá trị của người thầy, nhưng nó cũng đã cho thấy giá trị của một người thầy tốt là rất lớn.
Tất nhiên, để có được giá trị lớn, thì phải là một người thầy tốt, vì một người thầy tồi thì đem lại được ít giá trị cho học trò, cho xã hội, hoặc thậm chí cá biệt có thể làm hại học trò. Bởi vậy, một khi đã làm thầy, cần luôn cố gắng để trở thành người thầy tốt. Kể cả khi mà việc dạy học bị trả thù lao thấp, hay là dạy không công đi nữa, thì cũng không vì thế mà người thầy có thể “tự cho mình” quyền dạy ẩu, dạy chán. Một người thầy mà làm như vậy sẽ là tự hạ thấp giá trị của mình, và hạ thấp thì dễ nhưng nâng nên lại thì khó hơn. Bởi vậy, bất kể dù lương lậu ra sao, đã dạy là nên cố gắng dạy tốt. Những người dạy tốt có giá trị lớn trong xã hội, và không sớm thì muộn sẽ được xã hội đánh giá đúng mức, và sẽ có được thu nhập xứng đáng.
Chất lượng ngày càng quan trọng
Our future depends on the quality of education of our children today — Arnold Schwarzenegger
Một người thầy tốt thì đem lại giá trị rất lớn cho xã hội. Nhưng giá trị xã hội của một người thầy “làng nhàng”, dạy không hay, thì không được cao. Đặc biệt có những người dạy điều sai điều xấu cho học trò, khi đó thì không những không có giá trị, mà còn là giá trị âm, làm hại học trò và xã hội. Muốn có giá trị cao, thì phải có chất lượng tốt. Điều này đặc biệt đúng trong giáo dục.
Nhiều khi học sinh phải học một người thầy dở trong giờ học chính thức vì không có lựa chọn nào khác. Nhưng đối với học ngoại khóa hay trường tư có thể sẽ có nhiều lựa chọn hơn, và khi đó những người dạy tốt sẽ sớm thu hút được người đến học còn người dạy tồi không thu hút được người học trừ khi dùng những mánh khóe bắt ép. Ngay ở Toulouse, tôi có từng chứng kiến những trường hợp có hai giáo sư cùng dạy một môn ở hai giảng đường khá nhau (vì đông sinh viên nên chia ra thành vậy), chỉ sau một thời gian ngắn phần lớn các sinh viên ở giảng đường của giáo sự dạy chán chạy sang  ngồi học bên giáo sư dạy hay.
Trong thời đại thông tin, sự phân biệt giá trị giữa chất lượng thấp và chất lượng cao ngày càng rõ rệt. Ví dụ, một người thầy có khả năng giảng một bài thật hay, thật dễ hiểu và sinh động. Nếu thầy chỉ giảng cho một lớp học, thì thường có vài chục hay cùng lắm là vài trăm học sinh được tham dự bài giảng rất hay đó. Nhưng cùng với công nghệ thông tin, bài giảng rất hay này có thể được thu lại đưa lên internet, và không chỉ là vài trăm, mà là vài chục nghìn hay thậm chí vài trăm nghìn người sẽ được trực tiếp thưởng thức bài giảng hay này. Nhìn từ khía cạnh kinh tế, một bài giảng hay để trên internet như vậy sẽ có giá trị cho xã hội lên đến hàng nghìn hay hàng chục nghìn USD. Trong khi đó, những bài giảng dở thì chẳng ai muốn nghe, chẳng có giá trị gì mấy, nếu không nói là chỉ làm mất thời giờ của người nghe giảng. Khi mà học sinh không có lựa chọn về thầy, thì thầy dạy dở học sinh cũng phải cố mà đi học. Nhưng khi xã hội mở ra, lựa chọn nhiều hơn, có thể qua máy tính, video, internet những người thày dạy rất hay thay vì học trực tiếp người dạy dở, thì nói chung họ sẽ chọn lựa học thầy dạy hay dù là có ít được tiếp xúc trực tiếp.
Đối với các tài liệu và dụng cụ học tập, ví dụ như sách giáo khoa, cũng vây: chất lượng ngày càng trở nên quan trọng. Khi có thể được chọn lựa sách học, thì sẽ không còn chỗ đứng cho những sách viết dở, khô khan, rắm rối, giáo điều, trong khi đó những sách viết hay, hấp dẫn, giải thích đúng bản chất và dễ hiểu, sẽ được nhiều học sinh chọn lựa, trở nên có giá trị cao.
 Trước hết là thương yêu trò
The best teachers teach from the heart, not from the book — author unkown
Làm sao để trở thành công, đạt chất lượng cao trong việc dạy học ?
Có rất nhiều điểm trong triết lý giáo dục, phương pháp giảng dạy, tư cách người thầy, v.v. mà muốn trở thành một người dạy học tốt chúng ta sẽ phải tuân theo. Nhưng qui tắc đầu tiên có lẽ là: người thầy tốt trước hết phải là người thương yêu học trò.
Muốn thành công trong bất cứ nghề gì thì phải yêu nghề đó. Điều này đặc biệt đúng trong giáo dục. Không thể nói là yêu nghề giáo, nếu như không có tình yêu thương dành cho học trò.
Trong lúc thảo luận, một bạn T nêu câu hỏi: Thế nào là yêu thương học trò ?
Tình yêu thương học trò thể hiện ở chỗ nào ? Theo tôi, nó thể hiện trong toàn bộ các hành động, lời nói của chúng ta trong quan hệ đối với học trò, chứ không phải là ta cứ nói “tôi yêu học trò”  thì có nghĩa là ta yêu học trò.
Cảm thông với các khó khăn của học trò, lắng nghe và trả lời các câu hỏi của học trò, cố gắng dạy cho đúng cho hay, cho học trò những lời khuyên tốt nhất cho trò chứ không phải là cho mình, không sỉ nhục học trò, không bắt nạt hay ăn chặn học trò, cố gắng hiểu nguyên nhân vì sao học trò lại “dốt, lại “hư”  để tìm cách giúp học trò tốt lên, v.v. Tất cả những điều đó là thể hiện sự yêu thương học trò. Người Pháp có một câu nói rất hay: thời gian là tình yêu. Yêu ai tức là dành thời gian cho người đó. Yêu học trò, tức là dành thời gian quan tâm đến học trò. Hãy dành nhiều thời gian cho học trò, cho việc chuẩn bị bài giảng, cho việc tìm hiểu về giáo dục học, cho việc rèn luyện các kỹ năng dạy học của mình, cho việc cập nhật kiến thức, v.v. Khi đó sẽ càng ngày càng trở thành một người thầy tốt.
Người Do Thái có nhiều châm ngôn rất hay, trong đó có  câu truyện sau: Một ông bố có con hư hỏng, ăn cắp, tội phạm, v.v., đến gặp một cha đạo Do Thái để hỏi phải làm gì với con bây giờ, có nên từ nó không. Ông cha đạo nói: “Ông phải yêu con hơn nữa”. Tình yêu thương mới có sức mạnh làm cho con người ta tốt lên.
Người thầy cũng vậy. Khi gặp một học trò dốt, trò hư, thì sỉ nhục nó là “sao mày hư thế, dốt thế” chẳng nó tác dụng làm cho nó giỏi lên hay ngoan lên. Thay vì mắng nó chung chung “cho sướng mồm, cho hả cơn giận”, nếu có thể bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân vì sao nó “hư”, nó “kém”, rồi giải thích cho nó cụ thể hơn là “nó kém điểm nào, tư cách không tốt điểm nào, có thể làm thế nào cho tốt lên” thì có ích cho học trò hơn.
Tất nhiên, nói chung không thể đòi hỏi thầy phải yêu trò nhiều như là bố mẹ yêu con. Bố mẹ có thể hy sinh rất nhiều thứ vì con, và không thể đòi hỏi thầy cũng phải hy sinh như vậy vì trò. Nhưng người thầy tốt có thể chấp nhận hy sinh những thứ không quan trọng lắm (ví dụ như bớt giải trí), khi có trò cần đến mình. Một bạn đồng nghiệp của tôi là giáo sư ở bên Anh có nói: “A student is sacred“. Đấy cũng là quan niệm của nhiều nơi trên thế giới về học trò: đã nhận ai làm trò, là phải có trách nhiệm rất lớn với người đó.
Một bạn C. đặt câu hỏi ngược lại: Thế trò có phải yêu thầy không ?
Theo tôi, quan hệ thầy/trò là một quan hệ không đối xứng, trong đó người thầy ở thế chủ động hơn là người trò. Việc trò có yêu thầy, yêu trường hay không chủ yếu phụ thuộc vào việc trò được thầy, được trường đối xử ra sao. Nếu người thầy thực sự thương yêu trò, dạy những điều tốt, dạy hay, thì hầu hết các học trò sẽ nhận thấy điều đó, và kể cả trò “dốt”, trò “hư” cũng sẽ yêu thầy. Còn nếu trò ghét thầy, thì lỗi chủ yếu nằm ở thầy chứ không phải ở trò: khi một giáo viên tỏ ra khinh miệt, ghét bỏ, bất cần học trò, thì tất nhiên khó đòi hỏi học trò phải yêu giáo viên đó.
(còn tiếp)
nguồn:http://zung.zetamu.net/2012/09/how_to_teach_1/
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001