Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Nhật Bản nói "không" với điện hạt nhân vào năm 2030 

Hôm nay (12/9), giới truyền thông Nhật Bản tuyên bố quốc gia này sẽ chính thức từ bỏ sử dụng năng lượng điện hạt nhân vào năm 2030 sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào hồi tháng 3 năm ngoái.
Nhật Bản nói `không` với điện hạt nhân vào năm 2030
Người dân Nhật Bản biểu tình yêu cầu chính phủ đóng cửa các cơ sở điện hạt nhân
Trước khi thảm họa động đất và sóng thần tàn phá nặng nề khu vực bờ biển phía đông bắc của Nhật Bản trong đó có nhà máy Fukushima vào ngày 11/3/2011, chính phủ nước này đã từng đề ra kế hoạch đưa điện hạt nhân trở thành nguồn năng lượng cung cấp hơn 50% nhu cầu điện năng cho toàn quốc gia.
Tuy nhiên, thảm họa động đất sóng thần hồi tháng 3 năm ngoái đã khiến 3 lò phản ứng trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi – đơn vị thuộc quyền quản lý của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) tan chảy, đồng thời phát tán các chất phóng xạ nguy hiểm ra bên ngoài môi trường và buộc khoảng 160.000 người phải đi sơ tán.
Thảm họa Fukushima cũng là một trong những lý do chính buộc chính phủ Nhât Bản từ bỏ chương trình thiết lập năm 2010 nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất điện hạt nhân chiếm 50% tổng sản lượng điện vào năm 2030.
Hôm thứ Hai (10/9), thủ tướng Nhật Bản - Yoshihiko Noda cho biết ngay trong tuần này, ông sẽ quyết định đưa ra một chính sách mới bao gồm bản đề xuất được chính Đảng Dân chủ Nhật Bản xây dựng nhấn mạnh "đầu tư mọi nguồn chính sách có thể nhằm kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân tới năm 2030".
Tuy nhiên, chiến lược năng lượng mới của ông Noda dường như không thể làm dịu bớt "sức nóng" từ các cuộc biểu tình của người dân phản đối việc tái khởi động các lò phản ứng cũng như giải quyết những cuộc tranh luận gay gắt về việc loại bỏ điện hạt nhân là một phương án có lợi hay hại cho nền kinh tế Nhật Bản.
Trong khi đó, các nhà hoạt động hành lang kinh doanh năng lượng của Nhật Bản thừa nhận rằng việc từ bỏ năng lượng điện hạt nhân sẽ khiến quốc gia này chuyển sang sử dụng năng lượng hóa thạch hoặc năng lượng tái tạo từ Mặt trời và gió. Song một điều chắc chắn, giá điện sẽ ngày càng tăng cao, khiến ngành công nghiệp Nhật Bản mất đi lợi thế cạnh tranh trong khi thúc đẩy hoạt động sản xuất từ nước ngoài.
Trái lại, những người phản đối điện hạt nhân lại cho rằng việc chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo sẽ là cánh cửa mở cho các tổ chức hợp tác đồng thời tăng cường hoạt động cải tiến kỹ thuật và đưa nền kinh tế Nhật Bản lên một nấc thang mới.
Hiện tại, chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc lựa chọn một trong ba phương án tới năm 2030: từ bỏ hoàn toàn điện hạt nhân; điện hạt nhân cung cấp 15% ; hoặc cung cấp từ 20 – 25%.
Kết quả điều tra thăm dò mới đây cho thấy, đại đa số người dân ủng hộ phương án dù sớm hay muộn Nhật Bản cũng nên từ bỏ điện hạt nhân.
Quyết định của thủ tướng Noda khi cho phép tái khởi động 2 lò phản ứng nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện trong giai đoạn nắng nóng cao điểm mùa hè đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân. Hiện tại, 48 lò phản ứng còn lại của Nhật Bản vẫn đang trong tình trạng ngừng hoạt động để tiến hành kiểm tra các thông số an toàn.
MINH THU
nguồn:http://www.infonet.vn/khoa-hoc/nhat-ban-noi-khong-voi-dien-hat-nhan-vao-nam-2030/a28382.html
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001