Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Phan Hoàng Linh - Bàn về pháp quyền và pháp chế 

Phan Hoàng Linh


Pháp quyền - pháp chế, 2 khái niệm dường như tương đồng nhưng thật ra có tương đồng hay không? Nhiều người cho rằng cả 2 khái niệm này đều đề cao vai trò của luật pháp trong xã hội, buộc mọi chủ thể phải tuân thủ luật pháp từ đó mới tạo nên trật tự trong xã hội. Vì vậy, thực ra chúng có cùng bản chất, nếu không muốn nói là tương đồng với nhau.
Vậy chúng có thật sự có cùng bản chất hay không? Nếu chúng tương đồng với nhau vậy tại sao trong các học liệu về luật học, chúng không được trình bày trong cùng 1 chương mục, 1 vấn đề, mà lại phải tách biệt nhau ra như vậy?
Tìm hiểu kĩ hơn về 2 khái niệm này, chúng ta mới tìm ra được những điều thật lý thú, và khá bất ngờ rằng, dường như 2 khái niệm này lại khác biệt, chứ không tương đồng với nhau. Và chúng ta, nếu thực sự muốn xây dựng một Nhà nước lý tưởng, thì buộc phải chọn một trong hai, chứ không thể đồng thời chọn cả hai

1. Lịch sử ra đời

Pháp quyền:

Tư tưởng về pháp quyền, người ta cho rằng, có lẽ được đề cập lần đầu tiên qua câu nói của Platon: "Ta nhìn thấy sự diệt vong của nhà nước, mà trong đó pháp luật không có sức mạnh và ở dưới quyền lực của ai đấy. Còn ở đâu mà pháp luật đứng trên nhà cầm quyền, họ chỉ là nô lệ của luật thì ở đó ta nhìn thấy sự cứu thoát của Nhà nước."
Lý thuyết về pháp quyền đưa ra trong bối cảnh của chế độ cực quyền – tức sự lạm dụng quyền lực của chính quyền, nên đặt ra vấn đề công quyền phải bị giới hạn bởi luật pháp. Hay nói cách khác, pháp quyền, thực chất là sự hạn chế, giới hạn quyền lực nhà nước mà trước hết là quyền lực Nhà nước ở trung ương bằng việc buộc Nhà nước phải tôn trọng và đứng dưới pháp luật. Sự giới hạn quyền lực này nhằm bảo vệ quyền tự do của con người, của công dân, vì chính Nhà nước mới là thứ đáng sợ nhất có khả năng xâm phạm nhân quyền. Bởi vậy pháp luật trong pháp quyền phải xuất phát từ luật tự nhiên, những quyền tự nhiên mà tạo hóa đã ban cho con người như những quyền được sống, quyền tự do..., và bảo vệ những quyền con người đó bằng việc hạn chế quyền lực Nhà nước, đặt Nhà nước ở dưới pháp luật (nên Hồ Chủ tịch đã gắn liền "pháp quyền" với "thần linh" để nhấn mạnh sự thiêng liêng của pháp luật trong pháp quyền vì nó xuất phát từ những quyền mà tạo hóa ban cho con người).
Hiểu một cách chung nhất, pháp quyền là một phương thức tổ chức và vận hành xã hội trên cơ sở các quyền, quan trọng nhất là các quyền tự nhiên của con người. Các quyền ấy phải được pháp luật ghi nhận và bảo vệ một cách hữu hiệu. Pháp luật, do đó phải xuất phát từ các quyền tự nhiên và chiếm vị trí tối cao trong xã hội (thượng tôn pháp luật). Mặc dù quan niệm cụ thể về "pháp quyền" là không giống nhau ở từng quốc gia, song từ "Rule of law" của Anh, "Rechtsstaat" của Đức hay "Etat de droit" của Pháp, tinh thần pháp luật thống trị, điều chỉnh nhà nước và xã hội vẫn là tinh thần cốt yếu nhất.

Pháp chế:

Khi nói tới "pháp chế", người ta thường gắn liền nó với một loại cơ quan đặc biệt, đó là Viện kiểm sát, với một loại quyền lực đặc biệt không có trong lí thuyết phân chia quyền lực của các nhà nước tư sản, đó là quyền kiểm sát chung. Tại sao thứ quyền lực này lại xuất hiện, đó là do bối cảnh của nước Nga sau khi giành cách mạng, chính quyền địa phương luôn có xu hướng đi ngược, ko tuân theo chính quyền trung ương, nói cách khác là tình trạng "địa phương chủ nghĩa" lúc bấy giờ. Một Nhà nước kiểu mới XHCN, đại diện cho một quan hệ sở hữu mới là sở hữu công, nó cần một sự thống nhất tuyệt đối từ phía trung ương cho tới địa phương, mới có thể đảm bảo cho điều đó, nên quyền lực kiểm sát chung ra đời nhằm mục đích bảo đảm sự thống nhất, tuân thủ các văn bản luật do trung ương ban hành từ phía các địa phương cũng như mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Nói đến pháp chế, có thể hiểu nó là sự thống nhất trên cơ sở quy định của pháp luật trên toàn xã hội, là sự ràng buộc mọi chủ thể đối với các văn bản luật mà công quyền trung ương ban hành.
Từ lịch sử của 2 vấn đề, 2 khái niệm đó, ta có thể thấy điểm khác nhau lớn giữa chúng. Pháp quyền đề cao việc giới hạn quyền lực nhà nước để bảo vệ nhân quyền, trong khi đó pháp chế lại có xu hướng tăng cường quyền lực cho nhà nước với lí do để quản lý xã hội 1 cách thống nhất. Trong khi pháp quyền khẳng định luật pháp là phương thức để chống lại sự chuyên chế của Nhà nước, thì pháp chế lại xem luật như là 1 công cụ để Nhà nước quản lý xã hội.

2. Về các trường phái luật áp dụng và tác động đối với xã hội

- Những học giả nghiên cứu về pháp quyền hầu như luôn đề cao trường phái luật tự nhiên. Vì xem pháp luật là một đại lượng chung, trường phái này cho rằng, việc làm luật là tiệm cận những quy luật khách quan của xã hội. Vì vậy luật pháp phải được xây dựng từ những vấn đề cơ bản của xã hội loài người, đặc biệt là phải xuất phát từ những quyền tự nhiên của con người (những thứ quyền thiết yếu nhất và bất biến đối với con người) như quyền sống, quyền tự do (tự do khế ước, tự do lập hội, tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do kinh doanh, tự do tín ngưỡng...), quyền tư hữu, quyền bình đẳng... Chính vì quan niệm việc làm luật như vậy, họ cho rằng pháp luật cần được tôn trọng ở vị trí thượng tôn trong xã hội, không ai có thể xâm phạm tới nó. Trường phái này không chú trọng ban hành những điều luật cụ thể để điều chỉnh đời sống, mà chỉ chú trọng xây dựng nên những nguyên tắc pháp lý tự nhiên chung nhất, và khuyến khích sự tự điều chỉnh của xã hội. Bởi vậy, luật pháp khi được xây dựng nên rất bền vững, ít thay đổi.
Cũng vì pháp quyền, cũng như trường phái luật tự nhiên chỉ chú trọng xây dựng những nguyên tắc pháp lý chung nhất, bền vững nhất, hạn chế sự can thiệp của luật pháp, của chính quyền vào đời sống xã hội, nên họ rất coi trọng một xã hội dân sự và 1 thị trường năng động với sự tự điều chỉnh của các quy luật đời sống. Những sự bất ổn định hay mâu thuẫn, tranh chấp trong xã hội sẽ được khuyến khích giải quyết bằng các hoạt động tố tụng công khai, công bằng giữa các chủ thể dựa trên những nguyên tắc pháp lý được xây dựng. Do đó, pháp quyền luôn có xu hướng mở rộng phạm vi tố tụng trong việc điều chỉnh xã hội, và án lệ được sử dụng một cách linh hoạt trong quá trình áp dụng pháp luật.
- Trong khi đó, dường như đối với vấn đề pháp chế, trường phái luật thực định lại tỏ ra ưu thế hơn. Vì cho rằng pháp luật là ý chí của Nhà nước để quản lý xã hội, nên họ cho rằng luật pháp được xây dựng dựa trên các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, tư tưởng của từng quốc gia riêng biệt, chứ không tồn tại cái gọi là quy luật khách quan của toàn xã hội như trường phái luật tự nhiên quan niệm. Những đạo luật được xây dựng phụ thuộc chặt chẽ vào các điều kiện xã hội, những quy phạm luật được ban hành rất cụ thể để mở rộng sự điều chỉnh của pháp luật đối với đời sống, do vậy luật pháp thường hay có sự thay đổi, biến động theo sự biến động của xã hội, chứ không bền vững như ở trường phái luật tự nhiên.
Cũng vì pháp chế và trường phái luật thực định coi trọng sự quản lý của Nhà nước đối với đời sống xã hội, các hoạt động của Nhà nước cũng như luật pháp sẽ được mở rộng và cụ thể hóa, vấn đề xã hội dân sự không được coi trọng như trong một nền pháp quyền. Pháp chế chú trọng mở rộng sự quản lý đơn phương của Nhà nước trong việc điều hành xã hội chứ không phải là bằng các hoạt động tố tụng công bằng như trong pháp quyền.

3. Về mối quan hệ giữa nhà nước với công dân

- Ở trong 1 nền pháp quyền, Nhà nước được coi như là 1 pháp nhân đặc biệt, và khi đứng trước pháp luật, Nhà nước và công dân ngang hàng với nhau. Nếu công dân có những hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi của Nhà nước, thì Nhà nước thông qua quyền công tố để khởi tố công dân ra trước Tòa án. Nhưng ngược lại, đối với những vi phạm từ phía các cơ quan công quyền, công dân có quyền sử dụng pháp luật bằng cách kiện trở lại ra tòa án những văn bản pháp luật, những hoạt động của các cơ quan công quyền hoặc những hành vi của công chức Nhà nước nếu cho rằng nó không có công lý hoặc vi phạm pháp luật, xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Đặc biệt, quyền sử dụng pháp luật của công dân được khuyến khích, với mục đích đảm bảo quyền con người và hạn chế sự vi phạm từ phía công quyền, hạn chế sự lạm dụng quyền lực từ phía Nhà nước, do pháp luật trong pháp quyền là pháp luật hợp công lý và quyền tự nhiên của con người, nên chính công dân phải chủ động sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền tự do của mình.
Nói cách khác, pháp quyền coi trọng việc sử dụng pháp luật của công dân và việc tuân thủ pháp luật của Nhà nước.
- Trong khi đó, đối với pháp chế thì ngược lại, xem Nhà nước là người quản lý, và pháp luật là 1 công cụ quản lý của nhà nước, còn công dân phải tuân thủ sự quản lý đó. Nó buộc mọi tổ chức, cá nhân phải tuân thủ pháp luật, và việc xử lí những vi phạm từ phía các cơ quan công quyền dường như chỉ là hành vi đơn phương từ phía Nhà nước.
Như vậy, pháp chế coi trọng việc sử dụng pháp luật của Nhà nước và việc tuân thủ pháp luật của công dân

4. Về tổ chức bộ máy Nhà nước

Pháp quyền:

+ Pháp quyền lấy sự hạn chế công quyền để bảo vệ con người là chủ yếu, nên trước hết, các cơ quan công quyền trung ương phải tự hạn chế, đối trọng lẫn nhau. Phân chia quyền lực thể hiện điều này, đặc biệt là giữa Nghị viện và Chính phủ;
+ Quyền lực tư pháp (trong đó có quyền bảo hiến) phải độc lập. Nó phải thể hiện ra bằng việc Tòa án độc lập với Nghị viện và chính phủ, thậm chí là với cả dân chúng. Khi xét xử, Tòa án không đứng về phía Nhà nước, không phải cơ quan tiến hành tố tụng, mà phải đứng ở vị trí giữa Nhà nước và công dân hoặc các công dân với nhau, do Tòa án chỉ nhân danh pháp luật chứ ko nhân danh nhà nước khi xét xử để đảm bảo sự công bình giữa Nhà nước và công dân. Sự độc lập của Tòa án (đặc biệt là tòa bảo hiến) là vương miện của 1 nền pháp quyền, nó thể hiện địa vị "đứng trên tất cả" của luật pháp. Việc xử lý các hành vi, các văn bản sai trái từ phía công quyền cũng thông qua hoạt động tố tụng công bằng trước Tòa án, khi công dân có quyền khởi kiện những hành vi, những văn bản của Nhà nước mà họ cho rằng trái với công lý.
+ Chính quyền địa phương nên tổ chức theo nguyên tắc tự quản, ko phụ thuộc trực tiếp vào Trung ương để tránh sự tập trung quyền lực từ phía công quyền Trung ương, đồng thời do đó phát huy được tiềm lực riêng của địa phương trong 1 xã hội dân sự năng động.

Pháp chế:

Ngược lại với pháp quyền:
+ Do mục đích tăng cường sức mạnh cho công quyền trung ương, lập pháp và hành pháp phải thống nhất với nhau, chứ ko kiềm chế và đối trọng như trong pháp quyền.
+ Sự độc lập của Tòa án dường như không được đảm bảo và coi trọng như trong pháp quyền, khi nó cũng phải phụ thuộc vào công quyền lập pháp và hành pháp, bên cạnh đó luôn luôn bị Viện kiểm sát kiểm tra, giám sát hoạt động xét xử của mình. Đối với pháp chế, thiết chế thể hiện rõ nhất đặc tính của nó là sự hiện diện của Viện kiểm sát, nhằm đảm bảo tính thống nhất từ trung ương tới địa phương, chứ không phải là sự độc lập của Tòa án. Việc xử lý các sai trái của Nhà nước - mà chưa đến mức truy tố trách nhiệm hình sự - (nhất là các văn bản luật sai phạm) hầu như chỉ là hành vi đơn phương từ phía công quyền do Viện kiểm sát thực hiện, chứ không phải thông qua hoạt động tố tụng ở Tòa án.
+ Chính quyền địa phương phải phụ thuộc trực tiếp và trung ương theo hàng dọc để đảm bảo hiệu lực của các văn bản, các chỉ đạo từ phía trung ương, chứ ko tổ chức thành phương thức tự quản.

5. Nhìn ra thế giới

Khi viết những dòng nhận định về sự khác nhau giữa 2 khái niệm trên, chúng ta nhận thấy rằng dường như các nước trong hệ thống Common law gần với mô hình của pháp quyền hơn. Họ rất coi trọng trường phái pháp luật tự nhiên, chú trọng xây dựng 1 thị trường cũng như 1 xã hội dân sự năng động, tự do, tự điều chỉnh, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động xã hội. Phạm vi tố tụng ở các nước này cũng được mở rộng trong việc điều chỉnh xã hội. Tòa án thực sự độc lập trong tổ chức và xét xử. Các thẩm phán được tùy nghi áp dụng các nguyên tắc pháp lý chung và giải thích luật. Các văn bản luật trái với Hiến pháp, trái với công lý được xử lý bởi Tòa án thông qua hoạt động tố tụng công khai, khi mà công dân có quyền khởi kiện các văn bản này...
Admin gửi hôm Thứ Tư, 12/09/2012 
nguồn:http://danluan.org/node/14256
================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001