Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

RA ĐI CỦA MÙA THU

Hồn nhiên (Ảnh internet) 
Một đức tính đáng ghét, hạn chế sự phát triển cá nhân cũng như của đất nước cần sửa ngay và luôn của người Việt mình là gì? Tự hỏi mình lâu nay mãi chưa có câu trả lời nhất quán. Vì tính xấu thì nhiều (như người Việt xấu xí mà cả cố nhân lẫn người đương thời Vương Chí Nhàn đã liệt kê), cái nào cũng cần, cái nào cũng trầm trọng, quan trọng, cần sửa chữa, có cái không thể sửa chữa mà cần xóa bỏ ngay và luôn…Cuối cùng thì thấy cái đức (vô phúc) này ghê sợ nhất: luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác khi bản thân họ bị thiên hạ vạch ra những thói tật xấu, bị chỉ trích những hạn chế, yếu kém, những sai lầm. 
Thử bắt đầu từ một sự kiện rất nhỏ để nhìn ra đức quá “khủng” này qua sự kiện The Voice. Giám đốc phụ trách Âm nhạc Phương Uyên bị lên án từ một cuộc điện thoại dàn cho các thí sinh do ai đó bí mật thu được và tung lên mạng. Và sau đó là im lặng. Và sau đó là họp báo. Và sau đó là khóc lóc. Và sau đó là ngụy biện. Và sau đó là đổ lỗi…Và sau đó là dàn “chân gỗ” thay nhau phát biểu bảo vệ chương trình, cụ thể bảo vệ Phương Uyên. Cũng là tự bảo vệ mình trên con đường đến danh vọng. 

Các “nữ hoàng”, “quí ông”, “các “tài năng” âm nhạc lên tiếng ca ngợi Phương Uyên hết lời như một tài năng không thể thay thế. Màn bi hài đó diễn ra đầy kịch tính, nhiều cung bậc cảm xúc của những người trong cuộc, nhưng người chứng kiến, và cả những người muốn tìm đến sự thật. Từ màn tâm sự đẫm nước mắt của Phương Uyên đến những lời tung hô, an ủi, khuyến khích cô đứng vững trước sóng gió “bất ưng” đổ ập xuống đầu…Và cuối cùng lời từ chức của Phương Uyên chìm nghỉm trong tiếng hô dậy sóng của ba quân, những người đang tham dự cuộc thi - người lệ thuộc rất nhiều vào sự đánh giá của các cộng sự do Phương Uyên mời và lãnh đạo, phụ thuộc vào cảm xúc và không thể thiếu những nhận xét (tất nhiên khó tránh khỏi tính cá nhân) về thụ cảm nghệ thuật…
Thật đáng sợ tâm thế của người Việt hôm nay bộc lộ rõ nét của “màn kịch ngắn” The Voice này – Họ sẵn sàng phủ nhận tính xấu, việc làm xấu xa của ai đó với sự bàng quan, lấp liếm, có thể hàm chứa sự thân quen, tính vụ lợi:


“Về chuyện vừa qua, tôi thấy không đáng gì với bản thân tôi. Tôi chỉ muốn nói với chị Phương Uyên là 'I love you'". (Ca sỹ Thu Minh)
"Tôi học hỏi chị Phương Uyên về cách dạy dỗ thí sinh, đó là "Em phải thế này, em phải thế kia. Em mà không giỏi thì đứa khác sẽ bóp chết em". (Ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng)
“Chị ấy là linh hồn của thí sinh và chương trình. Chị không được đi đâu hết. Hãy ngồi đây với chúng tôi". (Ca sỹ Hồ Ngọc Hà)
Hot boy Bùi Anh Tuấn nghẹn ngào: "Em không biết nói gì. Nhưng em mong chị Phương Uyên ở lại với chúng em. Vì chị chính là nơi tình yêu bắt đầu của em".
"Tôi khẳng định đây là quá trình làm nghề giữa những người có chuyên môn. Đối với tôi, chuyện này chẳng là gì". (nhạc sỹ Trần lập)
Và đây là Phương Uyên: "Trước cuộc họp, tôi quyết định sẽ sang Mỹ và không bao giờ trở lại. Ngày hôm nay, tôi mất quá nhiều. Tôi mất khán giả. Tôi đã 'tu' một thời gian, giờ trở lại là vì chương trình Giọng hát Việt. Nếu không tiếp tục làm việc này coi như tôi mất tất cả. Ai sai sẽ sửa. Tôi mong các anh chị phóng viên sẽ giúp tôi được khán giả hiểu con người thật chứ không như trong clip".Dừng lại một chút, nữ nhạc sĩ hướng về các phóng viên và hỏi: "Theo các anh chị, tôi có nên ở lại với The Voice không?". Một phóng viên nói: "Phải tự em làm điều đó chứ không ai giúp được". Cuối cùng, Phương Uyên chốt lại: "Vậy tôi sẽ ở lại The Voice và chứng minh cho mọi người thấy".
Mr. Đàm quay xuống các thí sinh The Voice và hỏi: "Ai đồng ý chị Phương Uyên tiếp tục giữ vị trí giám đốc âm nhạc thì giơ tay". Ngay lập tức, toàn bộ số thí sinh có mặt giơ tay lên và họ đồng loạt gọi to: "Phương Uyên, Phương Uyên".
Đấy nhé, Phương Uyên ở lại vì thí sinh mong muốn cô ta ở lại. Nhà sản xuất phong muốn cô ta ở lại. Đồng nghiệp kêu gọi cô ở lại. Phương Uyên đã hy sinh bản tahan mình vì sự nghiệp chung. Câu chuyện xấu xa mà clip thể hiện đã tìm được kẻ tuẫn nạn – một kẻ mà nhà sản xuất nói đã gửi đơn thư lên Bộ công an vào cuộc để tìm ra vì có âm ưu “hãm hại và bôi nhọ” Phương Uyên. Tức là có kẻ thù địch, có thế lực thù địch đứng sau tất cả chuyện này. Từ thủ phạm, Phương Uyên thành “nạn nhân” đáng thương mau nước mắt. Ai sẽ là con dê tế thần thay cho Phương Uyên, cho The Voice sau khi Bộ công an vào cuộc?
Có bao nhiêu “màn kịch” The Voice of…như thế ở Việt Nam hiện nay?
Có thể nhìn ra điều đó ở các chỉ thị nghiêm cấm chuyện này, chuyện nọ. Thay vì đối thoại, lắng nghe, hoặc giải thích, thậm chí là thanh minh, giãi bày, khóc lóc như Phương Uyên thì người ta cấm: Cấm xem, cấm nói, cấm viết, cấm thảo luận…
Không lẽ Đất nước chỉ hiện lên lờ mờ qua những “biển báo” nghiêm cấm?
Không lẽ biện pháp để bảo vệ chế độ là những cấm đoán?
Không lẽ cách tự bảo vệ mình là đẩy nguy cơ khủng hoảng về phía khác mình?
Chợt nhớ câu thơ của nhà thơ quá cố Chu Hoạch:
Thu rất thật thu là chớm bước sang đông.
Em rất thật em – là lúc em hoang mang lựa chọn.
Anh rất thật anh – là biết ra đi cho nhẹ gọn.
Để đỡ cho em bớt một lời chào.
Và bớt cho đời một chút gió xôn xao…
Cách ra đi của mùa thu sẽ luôn là bài học làm người: ra đi đầy kiêu hãnh và tỏa rạng kể cả vào phút chót.
Văn hóa và Nghệ thuật Sống của con người sẽ đạt đỉnh cao ở Nghệ thuật Ra đi.
Bước vào lịch sử dường như dễ dàng hơn khi bước ra khỏi lịch sử, nhất là những người đạt đến đỉnh cao quyền lực và danh vọng.
Có người bước ra khỏi lịch sử vẫn còn tiếp tục làm rạng rỡ lịch sử ở chiều kích rộng lớn hơn như Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Có người ra đi khỏi lịch sử âm thầm không chút vướng bận, để sống nốt cuộc đời làm người bé nhỏ, rồi mai kia về với cát bụi, tiếp tục kiếp luân hồi. Nhưng cũng có kẻ bước ra khỏi lịch sử sau khi tự đào hố chôn mình…
Bạn hãy tự chọn cho mình cách ra đi khỏi lịch sử, dù chỉ là lịch sử bản thân mình…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001