Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Roddick: Tay vợt Mỹ cuối cùng giành Grand Slam giải nghệ 


Andy Roddick trong trận đấu với Juan Martin Del Potro của Argentina tại giải Mỹ Mở rộng ở New York, ngày 5/9/2012.

Ngôi sao quần vợt nam của Mỹ Andy Roddick đã nói lời chia tay cảm động với đám đông hâm mộ trên sân Arthur Ashe tối thứ Tư vừa qua, sau trận thua Juan Martin del Potro ở vòng bốn giải Mỹ Mở rộng 2012. Roddick giải nghệ vào lúc làng quần vợt nam của Mỹ trong suốt một thập niên qua vẫn chưa tìm được một tay vợt nam sáng giá nào cho các giải Grand Slam.

Andy Roddick nghẹn ngào trong nước mắt khi nói lời chia tay trước đám đông hâm mộ trên sân quần vợt lớn nhất thế giới Arthur Ashe ở New York, nơi mà cách đây 9 năm anh giành được danh hiệu Mỹ Mở rộng, danh hiệu Grand Slam duy nhất của Roddick và cũng là Grand Slam cuối cùng của Mỹ tính đến nay.

Andy Roddick giải nghệ
Roddick nói: “Lần đầu tiên trong sự nghiệp quân vợt, tôi không biết mở lời như thế nào. Tôi đến với giải quần vợt này từ khi còn bé, và may mắn được ngồi ở chỗ quý vị đang ngồi đó để chứng kiến các nhà vô địch đăng quang rồi chia tay. Tôi yêu quý từng giây phút có được tại đây. Với tôi đó là một cuộc hành trình dài đầy thăng trầm, với những khoảnh khắc tuyệt diệu nhất. Tôi xin cám ơn sự ưu ái và ủng hộ của quý vị giành cho tôi trong suốt thời gian qua. Tôi yêu mến quý vị hết lòng. Tôi mong một ngày nào đó lại có dịp trở lại đây với quý vị.”

Món quà sinh nhật 8 tuổi của Roddick là chuyến đi đến New York để xem giải Mỹ Mở rộng năm 1990, và cậu bé mê quần vợt lần đó đã tìm cách vào được khu vực giành cho các cầu thủ để để tiến gần đến ngắm nhìn thần tượng Pete Sampras.

Khi đến với quần vợt, Roddick đã không ngừng nỗ lực, tận dụng mọi thứ có được để vươn lên đạt những thành tích vượt quá khả năng của mình.

Chiều tối thứ Tư vừa qua tại vòng 4 của giải Mỹ Mở rộng 2012, Andy Roddick vừa mừng sinh nhật thứ 30 lại cố gắng vượt qua giới hạn của mình, và đó cũng nỗ lực trong trận đấu chuyên nghiệp cuối cùng của anh, khi anh không vượt qua được đối thủ trẻ hơn, cao hơn và có thứ bậc cao hơn nhiều trên bảng xếp hạng thế giới, đó là Juan Martin del Potro người Argentina.

Roddick chọn sân khấu thể thao lớn nhất – Sân vận động Arthur Ashe -- để chia tay với người hâm mộ và môn thể thao mà anh yêu thích từ khi còn bé. Đó cũng chính là sân khấu mà anh đã giành được chiến thắng vĩ đại nhất – danh hiệu Mỹ Mở rộng năm 2003, một tuần lễ sau khi anh mừng sinh nhật lần thứ 21.

Ðỉnh cao sự nghiệp của Roddick ở vào giai đoạn có thể nói là không thuận tiện lắm cho tay vợt người Mỹ này. Pete Sampras, một trong những tay vợt Mỹ nổi danh nhất, giành danh hiệu Grand Slam lần cuối vào năm 2002. Roger Federer, ngôi sao Thụy Sĩ ngay sau đó đã nổi lên và che lấp hầu như mọi kỷ lục của Sampras lập ra, giành danh hiệu Grand Slam đầu tiên vào năm 2003. Cánh cửa cơ hội thực sự mở ra rất hẹp cho Roddick, tay vợt có cú giao bóng và cú đánh thuận tay rất uy lực.

Khi Roddick giành được danh hiệu Mỹ Mở rộng năm 2003, nhiều người hâm mộ Mỹ tưởng rằng anh sẽ tiếp tục giành được những danh hiệu kế tiếp, và cũng tưởng rằng Roddick chính là tay vợt kế tục sự nghiệp của các đàn anh Jimmy Connors, John McEnroe, Jim Courier, Pete Sampras và Andre Agassi tiếp tục nắm giữ thứ hạng cao nhất và thống trị làng quần vợt thế giới.

Danh hiệu Grand Slam thứ hai không bao giờ đến với Roddick, và danh hiệu tay vợt số một thế giới cũng chỉ ở với Roddick có 3 tháng và đã bị Federer soán ngôi vào tháng 2 năm 2004.

Federer cũng chính là người không cho Roddick đến danh hiệu thứ hai, bằng việc đánh bại tay vợt người Mỹ này ở trận chung kết Mỹ Mở rộng 2006, và ba trận chung kết Wimbledon vào các năm 2004, 2005 và 2009, trong đó trận chung kết năm 2009 được xem là một trong những trận quần vợt “marathon” hay nhất trong lịch sử.

Roddick không phải là tay vợt được xem là có khiếu thiên phú, nhưng là một vận động viên kiên trì và ngoan cường. Sau mỗi thất bại lớn, Roddick lại tích cực luyện tập cật lực hơn để khắc phục những điểm yếu, và nâng cao chiến thuật. Anh được người hâm mộ quý mến cách xử sự khi thua cuộc, và kiên trì tập luyện trở lại.

Hơn một thập niên qua, Roddick đã là gương mặt nam của quần vợt Mỹ, với công lớn giúp đội Mỹ giành Cup Davis năm 2007, và nằm trong nhóm 10 tay vợt hàng đầu thế giới suốt 9 năm liền.

Tuy nhiên trước giải Mỹ Mở rộng năm nay, các chấn thương ở vai đã đẩy Roddick rớt xuống hạng thứ 22.

Trong thời gian gần đây, người hâm mộ thỉnh thoảng thấy Roddick xuất hiện trên các kênh truyền hình thể thao.

Roddick cho biết: “Tôi đã tham gia một số chương trình truyền hình trên kênh thể thao Fox Sports. Cũng khá vui khi tôi đứng ở phía bên kia trong các cuộc phỏng vấn. Tôi tham gia làm chương trình truyền hình mỗi tuần một lần vào chiều thứ Bảy. Cũng rất lý thú vì tôi cũng là một người đam mê thể thao.”

Khán giả thể thao ở Mỹ trong thời gian tới sẽ thấy Roddick xuất hiện trên các chương trình truyền hình thể thao nhiều hơn sau khi ngôi sao này đã chính thức chia tay với quần vợt chuyên nghiệp.

Roddick nói về dự tính cho các chương trình truyền hình sắp tới: “Tôi đã phỏng vấn một số nhân vật thể thao nổi tiếng rồi. Sắp tới tôi sẽ cố gắng phỏng vấn Joe Montana, Kobe Bryan, và chắc tôi sẽ hồi hộp lắm khi có dịp phỏng vấn Michael Jordan. Tôi không dự định sẽ phỏng vấn Ali nhưng tôi rất mong muốn được gặp ông ấy và được bắt tay ông ấy. Ngoài ra tôi không có ý định làm bình luận viên truyền hình cho môn quần vợt.”

Ngôi sao quần vợt hiện cư trú ở bang Texas này cũng đang dự định thành lập một trung tâm đào tạo thể dục thể thao cho thiếu niên ở thành phố Austin. Kế hoạch này đang trên đường hình thành. Roddick cho biết trung tâm thể dục thể thao này không phải là một học viện thể thao, mà chỉ là một trung tâm huấn luyện thể thao vào hướng dẫn cho các em thiếu niên tính kỷ luật và những kinh nghiệm sống thông qua thể thao.

Những người mến mộ Roddick cũng chúc cho tay vợt Mỹ này thành công trong các chương trình mới sau khi chia tay với sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp.

nguồn:http://www.voatiengviet.com/content/andy-roddick-giai-nghe/1504240.html
====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001