Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Tâm Nguyên - Về giải thưởng Hòa bình Khổng tử 

Tâm Nguyên
Nếu giới truyền thông không nhắc đến chuyện Bill Gates năm nay là một ứng viên của Giải Hòa bình Khổng Tử - Confucius Peace Prize (HBKT) thì thiên hạ cũng quên béng trên đời có một giải thưởng tên như vậy. Trên con đường thực hiện giấc mơ quốc gia quán quân, quốc gia lãnh tụ… Trung Quốc đang cố gắng thay đổi hình ảnh văn hóa của mình với thế giới. Giải thưởng HBKT là một động thái sơn phết thêm cho văn hóa Hoa Hạ vốn đã đậm nét huyền thoại.

Một gánh mãi võ vắng ông bầu

Ý tưởng cho giải thưởng HBKT đầu tiên được khởi xướng bởi Liu Zhiqin, đại diện tại Bắc Kinh của một ngân hàng Thụy Sĩ. Trong phần bày tỏ ý kiến độc giả trên Hoàn Cầu Thời Báo, Liu Zhiqin chỉ trích giải thưởng Nobel và ủng hộ việc thành lập một giải thưởng HBKT "để cho thế giới biết nhận thức của chúng ta về hòa bình và nhân quyền." (1) Theo Liu Zhiqin: “Giải thưởng Khổng Tử có thể là vũ khí trong cuộc chiến ý tưởng” và “Với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc và ý tưởng cũng sẽ được lây lan. Với việc thành lập Viện Khổng Tử trên toàn thế giới, những ý tưởng của Khổng Tử được hiểu và chấp nhận bởi nhiều người và nhiều hơn nữa trên khắp thế giới”. (2)
Xen lẫn giữa những quyết định của đảng ủy với các công chức ngành giáo dục, công tác bình chọn ứng viên nhận giải khá mơ hồ. Người được chọn với các tiêu chí không thuyết phục. Hầu như trong việc tuyển chọn ứng viên, người ta còn trù bị cả trường hợp hoán vị: một ngày nào đó người nhận giải sẽ ngồi ghế Ban giám khảo và trong một dịp thích hợp, các giám khảo sẽ được vài phen hồi hộp trong vai ứng viên. Chẳng hạn theo Hoàn Cầu Thời Báo, ứng cử viên được lựa chọn là những người chiến thắng qua một cuộc thăm dò trực tuyến. (3) Tuy nhiên theo South China Morning Post số ra ngày 9/12/2010, khi được hỏi về thời gian và địa chỉ trang web thực hiện cuộc bình chọn trực tuyến, các nhà tổ chức nói rằng họ không thể thực hiện nó vì "vấn đề kỹ thuật”.
Như nhiều giải thưởng khác của Trung Quốc, giải HBKT hoàn toàn không phải là một thiết chế xã hội độc lập. Mặc dù trong dịp trao giải HBKT năm 2010, ông Đàm Trường Lưu (Tan Changliu) tự nhận nhóm mình là một tổ chức phi chính phủ và từ chối gắn sự ra đời của giải HBKT với sự kiện ông Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình. Song những phát biểu này mâu thuẫn với nội dung tập tài liệu của ban tổ chức phát hành trong cuộc họp báo. Tập tài liệu này chép rằng, với dân số hơn một tỷ, Trung Quốc cần phải có một tiếng nói lớn hơn về vấn đề hòa bình thế giới. Na Uy chỉ là một đất nước nhỏ bé với diện tích và dân số... nó là thiểu số so với các tập thể số lượng lớn khác khi bàn các vấn đề liên quan đến tự do và dân chủ. (4)
Khán giả có mặt tại khán phòng trao giải HBKT năm 2010 khó mà quên nhà thơ Qiao Damo, một người có nhiều đóng góp tạo nên giải thưởng đã phát biểu thay mặt cho tất cả các ứng cử viên. Ông nói, “Giải thưởng này đã liên kết hòa bình với thơ, làm cho bản thân giải thưởng hoàn hảo trong chất thơ và hình ảnh trí tưởng tượng”, khiến nhiều người trong khán phòng Tập đoàn Báo chí nhật báo Bắc Kinh, địa điểm trao giải năm đó cười khúc khích. Không hiểu có phải nhờ vào năng khiếu tấu hài này, mà năm sau, ông Qiao Damo trở thành Chủ tịch Ban giám khảo giải HBKT.
Tuy nhiên người nổi tiếng trong Ban giám khảo giải HBKT năm 2011, có lẽ là Khổng Khánh Đồng (Kong Qingdong), giáo sư bộ môn Trung Quốc học tại Đại Học Bắc Kinh. Sự thành danh của vị giáo sư này không hề liên quan gì đến việc bản thân thuộc dòng dõi Khổng Tử, mà là nguyên nhân khiến khoảng 150 người Hồng Kông đã xuống đường biểu tình phản đối hồi đầu năm nay. Họ bày tỏ thái độ phẫn nộ trước các lời lẽ miệt thị của giáo sư Khổng Khánh Đồng đối với người dân Hồng Kông. Là một người quen ăn nói tục tằn trước công chúng, ông Khổng Khánh Đồng đã không ngần ngại gọi dân Hồng Kông là một lũ ‘con hoang’, là ‘đồ chó’, là phường ‘lừa đảo’, trong một bài phỏng vấn công khai phát hành. Vụ việc liên quan đến sự khác biệt ngôn ngữ giữa người Hồng Kông (nói tiếng Quảng Đông) với người Trung Quốc (nói tiếng Quan Thoại), tức là tiếng Phổ thông. Theo vị giáo sư Trung Quốc: "Tất cả mọi người phải có nhiệm vụ nói tiếng Quan Thoại. Những ai cố tình không nói tiếng phổ thông chỉ là đồ khốn nạn”. Vị giáo sư này nói tiếp: "Theo chỗ tôi biết, nhiều người Hồng Kông không tự nhận mình là Trung Quốc. Những loại người đó đã quen làm chó cho người Anh. Họ là chó, chứ không phải là người.” (5)
Người ta cũng sẽ nhớ rất lâu cảnh tượng: trong lần trao giải HBKT đầu tiên hồi tháng 12/2010, người lên nhận giải là một bé gái sáu tuổi, được trao một bó 100.000 nhân dân tệ (15.000 USD) tiền mặt. Các nhà tổ chức từ chối cho biết bé gái này là ai hay tại sao em được lựa chọn. Người được giải là cựu phó Tổng thống Đài Loan Liên Chiến, ông này đã tuyên bố rằng ông không hề hay biết về giải thưởng được trao. Dĩ nhiên là ông Liên Chiểu không có mặt trong buổi phát giải. Quả thật, khó trông đợi một cách xử sự đàng hoàng từ một giải thưởng từ khi lập ra cho đến khi trao giải chỉ vỏn vẹn có ba tuần lễ.
Người thắng giải HBKT năm thứ 2 là ông Putin, Tổng thống Nga hiện nay, là do hai sinh viên Nga đang theo học chương trình trao đổi với Trung Quốc nhận giải thay. Lần này không nghe đề cập gì đến tiền thưởng, hiện vật trưng ra là một pho tượng Khổng Tử mạ màu vàng. Như vậy là lần thứ 2, người thắng giải vắng mặt. So với lần trước, nét mới là hàng loạt nhận xét của giới truyền thông Nga về một giải thưởng vô giá trị. Theo nhiều người Nga, với vai trò là một tụ điểm thương mại, ngày càng có nhiều giải thưởng chưa được biết đến đang cố dính vào Putin. (6)
Cuối cùng không hiểu người đoạt giải HBKT năm nay có đích thân đến nhận thưởng được hay không. Năm ngoái, các thành viên của ban tổ chức giải đã phủ nhận sự liên quan của chính phủ đến giải thưởng HBKT. Tuy nhiên, Chủ tịch điều hành giải thưởng – ông Liu Haofeng sau đó lại tiết lộ với AFP rằng, giải thưởng HBKT được thành lập bởi một hiệp hội do Bộ Văn hóa Trung Quốc quản lý. Sự khó hiểu xung quanh giải thưởng HBKT tiếp tục tăng lên khi Bộ Văn hóa Trung Quốc đã ra lệnh cho các nhà tổ chức hủy bỏ giải thưởng với lý do giải này không nhận được sự cho phép chính thức của chính phủ.
Các biểu hiện của Ban tổ chức giải HBKT như gánh mãi võ Sơn Đông trúng ngày ông bầu trốn nợ. Đào ngơ ngác quên tuồng, kép loay hoay tìm áo. Tiếng được tiếng mất phát ra mà rốt cuộc khán giả chẳng biết, trong hồ lô của gánh mãi võ kia định bán thuốc gì.

Tâm trạng của Khổng Tử

Để gia tăng quyền lực mềm, Trung Quốc đang tích cực mở rộng việc tiếp cận thế giới. Nhưng trong sâu xa, giải thưởng Nobel Hòa bình luôn xa vời đối với tầm tay của phe chính thống Trung Quốc. Giành lấy một giải thưởng như vậy là một công việc bất khả thi, không có chỗ cho sức mạnh kinh tế hay quân sự của nhà nước chen chân. Nobel Hòa bình năm 2010 được trao cho một người bị cầm tù vì bất đồng chính kiến là sự sỉ nhục với cái ác toàn trị. Họ có vẻ bực bội khi thế giới không công nhận những đổi thay xã hội và kinh tế Trung Quốc trong 30 năm qua. Nếu phản ứng la hét giận dữ và sử dụng các áp lực ngoại giao không còn hữu hiệu, động thái dùng giải thưởng HBKT như một biện pháp đáp trả tỏ ra bình tĩnh và trưởng thành hơn.
Khác Lão Tử, triết gia Khổng Tử xem việc ra làm quan là một mục tiêu đáng để phấn đấu ở đời. Lợi dụng điểm mấu chốt này, giới cầm quyền trong nhiều ngàn năm liên tục cổ súy những giá trị vốn nhân bản của ông ấy thành một thứ tư tưởng học phiệt, cột chặt sinh mạng giới trí thức vào guồng máy chế độ. Quan điểm Đại nhất thống của Khổng giáo ngoài khả năng nêu cao ý thức tập thể, còn có tác dụng ngăn chặn ý thức chủ thể và tự do ý chí của cá nhân. Chính khuôn phép giữa thái quá và bất cập, qua chính sách giáo dục đầy dụng ý của các nhà độc tài, đã được thổi phồng lên thành đạo Trung Dung, đã làm thui chột không ít những mầm mống tư duy sáng tạo, tự do học thuật.
Đảng Cộng sản Trung Quốc rất cần hình ảnh của Khổng Tử vào những lúc họ muốn nhấn mạnh sự trung thành với chế độ và những quan điểm đại loại như ‘tôi trung không theo hai đảng’... Đặc biệt so với quan điểm phát triển để ổn định của quản trị hiện đại, xu hướng ổn định để phát triển theo tư tưởng Khổng giáo tỏ ra phù hợp với các nền độc tài toàn trị. Đây là các cơ sở củng cố thêm cho lập luận duy trì chính sách quản lý nhà nước trung ương tập quyền nhằm tránh dẫn đến tình trạng phân chia cát cứ và bạo loạn.
Nhìn chung, nan đề Khổng Tử đang bị lợi dụng ở Trung Quốc; được cách tân thích ứng ở Nhật Bản và Hàn Quốc; khá còn ngưỡng vọng ở Việt Nam với hình thức như ông Lại Nguyên Ân nói: “Nho học đã bị chấm dứt từ những năm 1906 -1907 nên sau đó, dần dần thế hệ những môn sinh chính cống của Khổng tử đã không còn nữa, họ đã chết hết cả rồi.” Theo ông Lại Nguyên Ân, ngày nay tại các Văn Miếu hay Văn Chỉ có những người đến đó, vì họ có ngưỡng vọng thế thôi chứ rất ít người có thể giao lưu với nhau về các vấn đề học thuật của Khổng giáo. (7)
Có thể hình dung toàn bộ câu chuyện xung quanh Khổng Tử qua pho tượng ông ta từng đặt tại quảng trường Thiên An Môn. Sau vài chục năm bị Mao Trạch Đông và cách mạng văn hóa tẩy chay, Khổng Tử được đúc tượng bằng đồng đen, to cao như một hòn núi. Dòng chữ họ tên, năm sinh và năm mất đều đúc bằng vàng gắn trên bệ. Chi phí hết 380 triệu USD, được đặt trang trọng ngay lối vào Bảo tàng quốc gia Trung Quốc. Rồi chỉ hơn 3 tháng sau, pho tượng lặng lẽ bị dời khỏi quảng trường vào ngày 21/04/2011, kèm vài lời giải thích vớ vẩn. Đến lúc này thì người ta mới hiểu hết thâm ý của điêu khắc gia Ngô Vi Sơn (Wu Weishan) hay tâm trạng của Khổng Tử - bị xem như một ông phỗng trong tay nhà cầm quyền. Do đó vẻ mặt pho tượng được khắc đầy nét cam chịu, chứ không mỉm cười như quy định về tượng Khổng Tử do Hội Khổng Tử đặt ra sau năm 1990.
Xem ra, việc chia sẻ không gian có ảnh Mao Trạch Đông độc chiếm từ năm 1949 tới nay chẳng hề đơn giản, dầu thậm chí là Khổng Tử. Một chính quyền bá đạo với chính đồng bào mình thì khó thuyết phục được ai khi phát biểu về giá trị của hòa bình. Giải HBKT tương tự như nhiều sản phẩm đóng nhãn ‘Made in China’ khác, xuất hiện trong con mắt thế giới với nhiều nghi ngờ về chất lượng và uy tín. Ngay cư dân mạng Trung Quốc cũng từng có những đề nghị khá hài hước về giải thưởng này, khi họ đề nghị trao giải cho Osama BinLaden. (8) Hòa bình không đơn giản là khái niệm lý thuyết mà đó còn là một hành vi thực tiễn.
Ngày 11/9/2012
Tâm Nguyên

______________________

Chú thích:

(1) http://www.nytimes.com/2010/12/09/world/asia/09china.html
(2) http://opinion.globaltimes.cn/commentary/2010-11/592778.html
(3) http://www.globaltimes.cn/china/society/2010-12/600306_2.html
(4) http://www.scmp.com/article/732902/confusion-prize-brings-beijing-doubtful-reward
(5) http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120123-nguoi-hong-kong-phan-no-sau-khi-bi-mot-giao-su-dai-hoc-trung-quoc-miet-thi
(6) http://www.voachinese.com/content/article-20111116-putin-china-133951583/790639.html
(7) http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture_social/2011/12/111230_vn_confucius_ideas.shtml
(8) http://inews.mingpao.com/htm/INews/20101209/ca41348i.htm
Admin gửi hôm Thứ Tư, 12/09/2012
nguồn:http://danluan.org/node/14255
=================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001