Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Tàu Nhật 'lượn' quanh Senkaku, rình Trung Quốc? 

Các tàu của Nhật đang tuần tra xung quanh quần đảo Senkaku nhằm bảo vệ quần đảo này trước bất kỳ hành động xâm phạm nào của tàu hải giám Trung Quốc hiện cũng đang có mặt tại khu vực này.
Tàu Nhật 'lượn' quanh Sankaku, 'rình' tàu Trung Quốc
Hai tàu tuần tra Nhật Bản chặn tàu Trung Quốc khi tàu này tiến về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng trước.
Hôm qua, tờ Asahi Shimbun (Nhật) cho biết 2 tàu hải giám Trung Quốc đã có mặt tại biên giới vùng đặc quyền kinh tế của Nhật và Trung Quốc nhưng tàu Trung Quốc không tiến về phía các hòn đảo Senkaku.
Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc điều động 2 tàu Hải giám nói trên nhằm bảo vệ chủ quyền của nước này với quần đảo mà Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
“Tình hình trên vùng biển này đang rất nguy hiểm do cả hai quốc gia đều đang điều động tàu tuần tra đến cùng một khu vực. Nguy cơ xảy ra sự cố ngoài dự kiến giữa lực lượng an ninh hai nước ngày càng tăng lên sau các hành động vừa qua”, Yoichiro Sato, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Đai học châu Á Thái Bình Dương Ritsumeikan ở Tokyo, nhận xét.
Nhật Bản sáp nhập quần đảo gồm 8 hòn đảo mà nước này gọi là Senkaku vào lãnh thổ của mình năm 1895 và sau đó lấy lại từ Hoa Kỳ theo hiệp ước hậu Chiến tranh thế giới lần II. Bắc Kinh gọi quần đảo này là Điếu Ngư và tuyên bố quần đảo này thuộc về chủ quyền của Trung Quốc kể từ thời xa xưa.
Trong những tuần vừa qua, cả hai nước đều lên giọng về tuyên bố chủ quyền với quần đảo này và chưa bên nào tỏ dấu hiện nhượng bộ.
Những người theo chủ nghĩa yêu nước ở Nhật Bản hối thúc đưa quần đảo này về tay Nhật, mở đầu bằng chiến dịch quyên tiền mua đảo của Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara.
Vào ngày 11/9 vừa qua, Tokyo đã phớt lờ cảnh cáo của Bắc Kinh sau khi tuyên bố hoàn thành thỏa thuận mua Senkaku từ một gia đình Nhật Bản.
Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tuyên bố: “Chính quyền và các lực lượng vũ trang Trung Quốc giữ quan điểm cứng rắn và quyết tâm không thể lay chuyển nhằm bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia”.
Theo chuyên gia Jamie Metzl thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Á ở New York, xung đột là có thể xảy ra do tinh thần dân tộc ở cả Trung Quốc và Nhật Bản đang dâng cao đến mức người dân bắt đầu hành xử thiếu lý trí.
“Điều cần có lúc này một giai đoạn "giảm nhiệt" sau khi tiến hành các cuộc đàm phán. Nhưng công cuộc đàm phán gặp khó khắn lớn khi một số quốc gia nhất định, đặc biệt là Trung Quốc, đang bác bỏ các nguyên tắc của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển”, ông Metzl nói.
Tuy nhiên, chuyên gia Metzl phỏng đoán rằng sẽ không xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Hầu hết các chuyên gia cũng đều cho rằng hai quốc gia sẽ không đổ máu chỉ vì vài hòn đảo không có người ở.
Theo ông Metzl, tranh chấp này là bằng chứng của cái mà ông gọi là thời kỳ hậu Hoa Kỳ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
“Trung Quốc không chỉ phô trương sức mạnh để gây sức ép với các quốc gia khác mà còn nhằm thử nghiệm mối quan hệ của nước này với các quốc gia khác – đặc biệt là Nhật Bản và Hoa Kỳ”, ông Metzl nhận xét.
Hiện Hoa Kỳ chưa bày tỏ quan điểm rõ ràng về chủ sở hữu của quần đảo mặc dù nước này vẫn gọi quần đảo này là Senkaku.
Tuần trước, trả lời câu hỏi của một phóng viên Nhật Bản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tái khẳng định Mỹ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền nhưng Washington bị ràng buộc bởi Hiệp ước hợp tác quốc phòng song phương ký kết với Nhật vào năm 1971.
Theo hiệp ước này, Mỹ có nghĩa vụ phải bảo vệ Nhật và nếu Trung Quốc dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp này với Nhật thì Nhật hi vọng Mỹ sẽ thực thi các cam kết quốc phòng này.
“Hoa Kỳ sẽ không có sự lựa chọn nào khác vì nếu tình huống đó xảy ra, Hoa Kỳ phải bảo vệ uy tín với đồng minh, không chỉ với Nhật Bản mà còn với các đồng minh khác. Mỹ không muốn bị rơi vào tình huống đó”, ông Sato bình luận.
Ông Sato cũng cho rằng trong thời điểm này, Mỹ nên ngăn chặn Trung Quốc bằng cách lên tiếng bảo vệ cam kết với Nhật Bản mạnh mẽ hơn nữa.
Lê Dung
nguồn:http://www.infonet.vn/the-gioi/tau-nhat-luon-quanh-senkaku-rinh-trung-quoc/a28418.html
=====================================================================
Quân đội Trung Quốc “diễu võ dương oai” với Nhật
Quân đội Trung Quốc “diễu võ dương oai” với Nhật
Một cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc - Ảnh: Reuters

(TNO) Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tăng cường những lời đe dọa vào hôm 12.9 trong động thái được xem là lời cảnh báo đến Nhật rằng họ sẵn sàng bảo vệ chủ quyền Trung Quốc giữa lúc căng thẳng tăng cao giữa hai nước.

Trong một bài báo đăng ở trang nhất vào hôm 12.9, tờ PLA Daily loan tin hải quân, không quân và lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận kết hợp ở Hoàng Hải và sa mạc Gobi vào đầu tháng này, mô tả chi tiết một loạt các cuộc tập trận bắn đạn thật của Quân khu Nam Kinh.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của quân khu này là phụ trách biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc và Nhật có tranh chấp chủ quyền về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Kênh truyền hình vệ tinh Thâm Quyến vào hôm 12.9 cho biết các quân khu Thành Đô, Tế Nam và Quảng Châu cũng đã tiến hành những cuộc tập trận chuyên sâu trong những ngày qua, bao gồm các cuộc tấn công trên biển và diễn tập bắn tên lửa đánh chặn hải đối hải.
Tờ South China Morning Post dẫn lời các chuyên gia nhận xét rằng các cuộc tập trận là lời cảnh báo gửi đến Nhật.
Nhà nghiên cứu Từ Quang Dụ thuộc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí và Giải trừ quân bị Trung Quốc tại Bắc Kinh nói với tờ South China Morning Post: “Chuỗi các cuộc tập trận của PLA có mục đích cảnh báo Tokyo rằng nếu họ nỗ lực triển khai lực lượng phòng vệ trên biển để đương đầu với các tàu tuần tra của chúng ta thì chúng ta sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia khi xung đột xảy ra”.
Bắc Kinh đã điều hai tàu hải giám đến vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào hôm 11.9 trong động thái phản ứng việc chính phủ Nhật mua lại quần đảo.
Vụ trưởng châu Á vụ thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy, khi gặp gỡ người đồng cấp Nhật Shinsuke Sugiyama vào hôm 12.9, đã kêu gọi Nhật hãy rút lại quyết định mua quần đảo từ chủ sở hữu tư nhân người Nhật .
Ông Sugiyama nói cả hai nước sẽ tiếp tục liên lạc về vấn đề tranh chấp. Song, Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba phát biểu trong cuộc họp báo vào hôm 12.9 tại Tokyo thì lại nêu quan điểm rằng Nhật không thể hủy bỏ việc mua quần đảo.
Sơn Duân
nguồn:http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120913/quan-doi-trung-quoc-dieu-vo-duong-oai-voi-nhat.aspx
===================================================================
Bắc Kinh cảnh cáo tranh chấp biển đảo tác hại đến thương mại Nhật-Trung

Người Trung Quốc biểu tình trước sứ quán Nhật tại Bắc Kinh (Reuters)
Người Trung Quốc biểu tình trước sứ quán Nhật tại Bắc Kinh (Reuters)

Trọng Thành
Hôm nay, 13/09/2012, hãng tin Reuters dẫn lời một thứ trưởng Thương mại Trung Quốc, cảnh báo tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Tokyo và Bắc Kinh có thể có tác động xấu đến hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á.

Việc chính phủ Nhật quyết định mua lại các đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà Trung Quốc đòi chủ quyền, vào đầu tuần này, là một biến cố mới khiến quan hệ Nhật – Trung thêm căng thẳng. Bắc Kinh đã phản ứng lại bằng cách cử hai tầu chiến tới khu vực này, và quân đội Trung Quốc được lệnh sẵn sàng phản ứng.
Trong một phát biểu với báo giới, thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Khương Tăng Vĩ (Jiang Zengwei) nói : « Việc Nhật Bản mua lại các đảo (Điếu Ngư) có thể gây ra các hệ quả tiêu cực đối với các quan hệ kinh tế và thương mại Trung-Nhật ».
Theo thứ trưởng Thương mại Trung Quốc, việc người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản một cách ôn hòa không có gì đáng chê trách. Bên cạnh đó, giới chức Bộ thương mại Trung Quốc lưu ý, hiện thời chưa thấy có hành động trả đũa nào của người tiêu thụ Trung Quốc để phản đối việc “Nhật Bản xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”, và đồng thời nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh coi việc « người tiêu thụ thể hiện thái độ một cách hợp lý » là điều bình thường, vì « đấy là quyền của họ ».
Sau phát biểu kể trên của thứ trưởng Ngoại thương Trung Quốc, từ Tokyo, trả lời báo giới, ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba kêu gọi Bắc Kinh nên có các phản ứng chừng mực và thích hợp. Theo ngoại trưởng Nhật, “điều quan trọng là Nhật Bản và Trung Quốc phản ứng một cách bình tĩnh với một tinh thần rộng mở”. Ngoại trưởng Koichiro Gemba cũng bày tỏ niềm tin là, các tiến triển tích cực trong quan hệ song phương không thể bị cản trở bởi những căng thẳng hiện nay.
Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Nhật. Năm 2011, thương mại song phương đạt đến mức kỷ lục 345 tỷ đô la, tăng 14,3% so với năm trước. Trung Quốc là thị trường rất quan trọng của ngành xe hơi và đồ điện tử Nhật. Công ty xe hơi Nissan Motor Co Ltd của Nhật ghi nhận vào tuần trước, căng thẳng chủ quyền tại biển Hoa Đông đã tác động đến thương mại của Nhật với Trung Quốc.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là đối tượng tranh chấp chủ quyền từ lâu giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Xin nhắc lại là, quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh trở nên đặc biệt căng thẳng vào năm 2010, khi Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc, sau khi chiếc tàu này đụng độ với tàu tuần duyên Nhật gần khu vực quần đảo tranh chấp. Bất đồng Nhật – Trung lại bùng lên vào tháng trước, khi Nhật Bản bắt giữ một nhóm người Trung Quốc đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Hôm nay 13/09, nhiều người biểu tình Trung Quốc tập hợp trước sứ quán Nhật tại Bắc Kinh với nhiều khẩu hiệu phản đối. Một số người hô vang : « Đả đảo đế quốc Nhật ! », « Cút khỏi Điếu Ngư ! », « Tẩy chay hàng Nhật ! » hay « Chiến tranh với Nhật ! ». Hôm qua, Bộ Ngoại giao Nhật khuyên kiều dân Nhật tại Trung Quốc không nên tham gia vào các cuộc tập hợp và tránh có các xử sự gây chú ý.
Theo các bình luận gia, tranh chấp chủ quyền Nhật – Trung đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trở nên căng thẳng hơn với những vấn đề chính trị nội bộ tại hai nước trong thời điểm hiện nay. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang chuẩn bị cuộc chuyển giao quyền lực cho một ê-kíp lãnh đạo mới vào tháng 10 tới, trong khi đó, đảng Dân chủ cầm quyền Nhật Bản thì đang phải đối mặt với một cuộc tranh cử đầy khó khăn vào cuối năm.

nguồn:http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120913-tranh-chap-senkakudieu-ngu-tac-hai-den-thuong-mai-trung-nhat
===================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001