Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Thiện Xuân - Di chúc về Tâm Từ Bi  

LỜI TÒA SOẠN: Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 184 của đại văn hào Lev Tolstoi (28.08.1828-28.08.2012), tác giả của những thiên tiểu thuyết bất hủ Chiến Tranh và Hòa Bình, Anna Karenina, nhà nhân văn nổi tiếng, người một thời được coi là lương tâm của nhân loại, chúng tôi đăng lại bài Di Chúc Về Tâm Từ Bi của Thiện Xuân Inna Malkhanova - bài này đã được đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21, số 97, tháng 5/1997 -  vì thấy rằng bức Thư gửi những người anh em của L. Tolstoi đến nay, dù đã trên 100 năm, vẫn còn giá trị giáo huấn cho con người trong thời hiện đại.
Thiện Xuân Inna Malkhanova

Những con người ưu tú nhất của nhân loại trong thời đại nào cũng đều là những người vị tha, nghĩ đến người khác nhiều hơn là nghĩ về mình. Trong tâm trí họ thường xuyên xao xuyến, bận rộn, day dứt bởi những câu hỏi: phải giúp người khác thế nào đây? phải làm sao để đem lại niềm phúc lạc cho mọi người? làm sao để giải thoát cho loài người khỏi khổ đau, khỏi điều ác, khỏi giận hờn, ghen ghét, căm thù và bạo lực? Những tâm hồn cao thượng nhất của nhân loại đem lòng thương yêu, tâm từ bi của mình trải rộng ra chẳng những đối với con người, mà cả đối với muôn loài, muôn vật, cho đến cỏ cây, đất đá. Những tư tưởng, những tâm hồn, những ý hướng đó gần gũi với đạo pháp của đức Phật biết bao!



Trong số những người Nga ưu tú nhất thì tôi thấy nổi bật lên đại văn hào, nhà hiền triết, nhà nhân văn, bậc chân nhân Lev (Léon) Tolstoi (1828-1910), người mà gần cuối đời đã đặc biệt quan tâm đến di sản tâm linh của đức Phật, đã gặp gỡ, đàm thoại với các lạt ma, các nhà sư, và cố gắng truyền đạt những tư tưởng quý báu của đức Phật vào dân chúng Nga bằng cách dịch những chuyện ngụ ngôn nhỏ trong Kinh Bách Dụ, những chuyện cổ tích Phật giáo, viết bài giới thiệu cuộc đời đức Phật, v.v... đăng lên các báo. Điều đó chứng tỏ rằng giáo lý vĩ đại của đức Phật với minh triết bao la, rộng lớn, cao thượng đã có ảnh hưởng tốt đẹp đến con người sáng suốt như Tolstoi.

Đáng tiếc là những người Nga chúng tôi không phải bao giờ cũng biết được toàn bộ di sản tâm linh quý báu mà Tolstoi đã để lại! Có một thời gian dài đến trên 73 năm, cái di sản tâm linh đó đã bị đảng cầm quyền hoặc là ra sức xuyên tạc, vu khống, hoặc là cố bằng mọi cách che giấu với nhân dân. Dưới thời xô-viết, sinh viên chúng tôi phải học thuộc những lời phê phán, mỉa mai của Lenin đối với những tư tưởng tốt đẹp của Tolstoi, trong lúc đó, rất nhiều bài viết của Tolstoi thì không ai được biết đến vì chúng bị loại bỏ một cách cố ý và độc đoán ra khỏi bộ di cảo đồ sộ của ông, gồm trên 90 tập sách dày. Đó là chưa nói đến những thảm kịch của các môn đồ Tolstoi đã trở thành nạn nhân của các vụ đàn áp khốc liệt dưới thời cộng sản, dù họ là những người theo thuyết bất bạo lực, rất ôn hòa và không hoạt động chống đối mạnh mẽ. Chỉ sau khi chế độ cộng sản bị sụp đổ, nhiều tài liệu mật đã được công bố cho biết rằng các hội đoàn những người theo Tolstoi bị khủng bố ác liệt, những người theo tư tưởng Tolstoi bị cầm tù, bị tàn sát thê thảm.

Gần đây, tôi được đọc ‘Thư Gửi Những Người Anh Em’  của Lev Tolstoi , bức thư viết 90 năm trước đây mà giờ đây được đọc thì tôi thấy rất xúc động. Có thể coi bức thư này là lời nhắn nhủ cuối cùng, là bản di chúc của Tolstoi đối với mọi người, vì nó được viết ra trong ngày mà ông tưởng là ông sẽ chết. Chỉ mới đọc qua lời đề từ ở đầu thư viết rất bóng bảy và ẩn dụ của nhà văn, tôi đã thấy ngay tất cả nỗi lòng của ông - băn khoăn, xót xa, day dứt - trước sự vô minh của những người đồng loại đang chen lấn nhau, giày xéo lên nhau đến chết để cố tìm, và than ôi, tìm nhầm lẽ sống, trong lúc đó, chính ông là người thấy rõ ‘cửa ấy chỉ có thể mở được vào trong mà thôi’, ý nói chỉ có thể tìm được lẽ sống trong nội tâm, phải sống cuộc sống tâm linh, phải sống với lòng thương yêu rộng lớn, phải thực sự điều phục, cải biến cái tâm của mình.

Như tôi đã nói, toàn bộ bức thư đã gây cho tôi ấn tượng thật mạnh và sâu sắc. Vì tôi cảm thấy bức thư đó, xuyên qua làn sương mù dày đặc của năm tháng - 90 năm chứ có phải ít gì đâu - đã đến với tôi dường như chỉ dành riêng cho tôi: những tư tưởng của tác giả bức thư sao mà phù hợp, mà đồng điệu với tâm tư, ý tưởng, với sự cảm nhận của tôi về lẽ sống của con người đến thế! Và tôi thấy rằng những tư tưởng đó của Tolstoi cho đến bây giờ vẫn còn nóng hổi, vẫn còn bức thiết, vẫn còn có ‘tính thời sự’ đối với ‘những người anh em’ đang sống trên cái thế giới ngày nay, nơi mà điều ác đã không ít hơn trước, có khi lại còn nhiều hơn. Đây quả là lời nhắn nhủ thiết tha đối với loài người đang đứng trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ thứ ba và thế kỷ 21. Hơn nữa, điều chủ yếu là những tình cảm, những ý tưởng, sự cảm nhận về thế giới của Tolstoi nêu ra trong thư, sao mà trùng hợp với những tư tưởng cao siêu của đạo  Phật đến thế!

Mọi người đều đã biết là từ xưa đến nay, cuộc đời trên thế giới này tràn đầy đau khổ, đúng như lời Phật dạy ‘Đời là biển khổ’. Khổ do sự vô minh của con người, do sự hận thù, tham lam, đâm chém, cướp bóc lẫn nhau, do sự dối trá, bịp bợm, do thói ích kỷ... Đặc biệt là đầu thế kỷ 20 này - thời điểm mà nhà đại văn hào viết bức thư - khi ở châu Âu, giới trí thức, sinh viên cấp tiến và công nhân đang say sưa tiếp nhận học thuyết của Marx, là thứ chủ nghĩa kêu gọi hận thù giai cấp, đấu tranh giai cấp, kêu gọi bạo lực (chắc mọi người còn nhớ Marx nói: bạo lực là bà đỡ của mọi cuộc cách mạng!), họ điên cuồng lao vào ‘cuộc đấu tranh cuối cùng’ (lời trong bài Quốc tế ca) với hy vọng sẽ được giải thoát vĩnh viễn khỏi mọi ách áp bức bóc lột, sẽ xây dựng nên một thế giới đại đồng với hạnh phúc chung bất tận. Cũng trong thời điểm đó, ở nước Nga vừa bùng nổ cuộc nổi dậy quyết liệt của công nhân (năm 1905) và cuộc đàn áp đẵm máu cũng không kém phần quyết liệt của kẻ cầm quyền. Cũng trong thời điểm đó, các giới quân phiệt trên thế giới đang từng bước chuẩn bị một cuộc chém giết lẫn nhau khủng khiếp trên quy mô thế giới. Tóm lại, loài người cũng như dân Nga đang trong cơn loạn thần kinh, đang lao vào một cuộc xâu xé nhau giữa người với người và đang chuẩn bị cho những cuộc chém giết đẵm máu chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại: cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) và việc thiết lập nền chuyên chính vô sản sau cuộc đảo chính tháng 10 năm 1917 của những người cộng sản bolshevik Nga. Nền chuyên chính đẵm máu này kéo dài hơn 70 năm trời trên một lãnh thổ rộng bằng một phần sáu diện tích địa cầu. Chính nhà hiền triết Lev Tolstoi, với cái tâm từ bi rộng lớn, cái trí tuệ nhạy cảm, đã thấy trước những thảm kịch đó và đã phát ra lời kêu gọi tha thiết này để mong ‘những người anh em’ sớm thoát khỏi vô minh, cùng sống với nhau trong lòng thương yêu nồng thắm, để tìm thấy niềm phúc lạc chính trong lòng thương yêu đó. Tiếc thay, tiếng kêu gọi thống thiết này của ông đã trở thành tiếng kêu giữa bãi sa mạc! Nhưng, như tôi đã nói trên, ngày nay tiếng kêu đó vẫn còn có ‘tính thời sự’ nóng hổi. Chỉ mong sao loài người biết lắng nghe!

Là một Phật tử Nga, tôi rất mong được giới thiệu bức thư của Tolstoi với mọi người, nhất là với anh chị em Phật tử khắp nơi trên thế giới - từ châu Á đến châu Âu, châu Phi, từ châu Mỹ đến châu Úc,  để mọi người cùng cảm nhận nỗi đau của Tolstoi trước đau khổ và sự vô minh của con người, cùng cảm nhận niềm khát vọng của Tolstoi muốn thức tỉnh mọi người, muốn làm cho con người tốt hơn, từ bi hơn, nhân đạo hơn, trong sáng hơn, biết sống với lòng thương yêu rộng lớn để giảm thiểu điều ác, giảm thiểu nỗi khổ đau trên trái đất này. Hơn nữa, khi đọc bức thư này của Tolstoi, tôi tin chắc rằng Phật tử chúng ta sẽ càng thấy sâu sắc hơn nữa tầm vóc vĩ đại cùng với giáo lý cao siêu, màu nhiệm của đạo  Phật, vì thực ra, những điều Tolstoi nêu lên trong thư cũng chính là những điều đức Phật đã từng nói khoảng 25 thế kỷ trước.

Lev Tolstoi thực sự là niềm tự hào của những ai muốn sống tốt đẹp, xứng đáng với sứ mệnh Con Người viết hoa, muốn sống với niềm phúc lạc của tình thương yêu, tâm từ bi, lòng vị tha. Uy tín của Tolstoi đối với dân Nga và nhân dân thế giới thật lớn. Lòng quý mến nhà đại văn hào đã để lại cho loài người những tác phẩm bất hủ như ‘Chiến Tranh Và Hòa Bình’, ‘Anna Karenina’, ‘Phục Sinh’, v.v... , lòng kính phục nhà nhân văn vĩ đại đã thể hiện rõ rệt trong những đoàn người đông đảo từ khắp nơi trên trái đất và nước Nga đến hành hương tại Yasnaya Polyana, nơi bá tước Lev Tolstoi đã chào đời và đã sống phần lớn cuộc đời đầy sáng tạo của mình. Người ta muốn tận mắt nhìn thấy nơi chôn nhau cắt rốn của Tolstoi, muốn mườn tượng thấy lại hình bóng của bậc chân nhân Nga trong khu bảo tàng đó, để cảm nhận sâu hơn tư tưởng cao quý của ông, hiểu được phong trào Tolstoi hồi đầu thế kỷ 20, phong trào ấy dựa trên thuyết bất bạo lực, chủ trương đi sâu vào dân chúng để phục vụ con người, quan tâm đến giáo dục, đến đạo đức và lòng bác ái, từ bi mà khi sinh thời, Tolstoi đã từng nêu gương và cổ vũ.

Dưới đây, là toàn bộ bức thư của Lev Tolstoi. Vì bức thư viết rất khó nên phải nhờ đến ngòi bút dịch thuật của đạo hữu Thiện Mẫn mới mong truyền đạt hết tinh thần của tác giả ra tiếng Việt. Bức thư đã đăng trên tuyển tập nhan đề là ‘Đạo Pháp’ do tạp chí ‘Buddha’ xuất bản bằng tiếng Nga tại Moskva năm 1996.

Niềm Phúc Lạc Của Lòng Thương Yêu
Thư gửi những người anh em

Thế thì phải làm gì đây, khi một người thấy đám đông dân chúng chen lấn nhau, giày xéo lên nhau đến chết, cố lật đổ và ráng sức xô cánh cửa cực kỳ kiên cố với hy vọng mở nó ra ngoài, trong khi đó anh ta biết rằng cửa ấy chỉ có thể mở được vào trong mà thôi ?

L.N.Tolstoi

Hỡi những người anh em thương mến, nhất là những anh em ở nước Nga hiện đang đấu tranh cho việc tổ chức nhà nước theo kiểu này hay kiểu khác hoàn toàn không cần thiết. Người anh em thương mến ơi, bất kỳ bạn là ai - Sa hoàng, bộ trưởng, công nhân, nông dân - bạn chỉ cần một điều, một điều duy nhất mà thôi. Điều duy nhất đó là: sống cho hết cái khoảnh khắc ngắn ngủi, vô định ấy của cuộc đời sao cho đúng với sự mong mỏi ở bạn, khi Đấng Tối Thượng đã phái bạn xuống sống ở cõi trần này.

Tất cả chúng ta đều biết, và tôi luôn luôn cảm thấy lờ mờ điều vừa nói đó, và càng sống lâu thì càng thấy rõ hơn, còn bây giờ, từ ngày hôm nay, khi mà lần đầu tiên tôi cảm thấy cái chết đã đến gần thật tự nhiên, giống như người sống cảm thấy hiển nhiên sự đến gần của ngày mai. Cái chết không những không đáng sợ, mà đó là sự chuyển tiếp thật tự nhiên và tốt lành, giống như sự chuyển tiếp đến ngày mai. Bây giờ, sau khi đã cảm thấy như vậy, thì tôi thấy đáng sợ, và điều chính là tôi thấy lạ lùng khi nghĩ đến cuộc đời khủng khiếp đầy hận thù mà hiện nay đại đa số chúng ta - là những người vốn được sinh ra vì lòng thương yêu và niềm phúc lạc - đang sống.

Chúng ta là ai, chúng ta là cái gì? Chúng ta chỉ là những sinh vật yếu đuối, hèn kém, có thể biến mất trong bất cứ giây phút nào, những sinh vật từ cõi hư vô nhảy vào cuộc đời tuyệt đẹp, hân hoan với bầu trời lồng lộng, với vừng dương rực rỡ, với rừng núi, đồng cỏ, sông ngòi, chim muông, với niềm phúc lạc của lòng thương yêu cả đối với đồng loại, cả đối với tâm hồn của mình, cả đối với điều thiện và cả đối với mọi loài đang sống... Thế thì sao? Chúng ta, những sinh vật đó, chẳng lẽ chúng ta không tìm thấy cách gì tốt hơn để trong khoảnh khắc ngắn ngủi, vô định ấy, khoảnh khắc có thể bị đứt đoạn trong bất cứ giây phút nào của cuộc đời để cống hiến cho những việc, như làm hư hỏng đất đai khi xây cất những ngôi nhà mười tầng, đường sá rải đá, phun khói, phun muội đầy trời, rồi náu mình trong những ngôi nhà ổ chuột ấy, rồi chui xuống lòng đất, khai thác đá, khai thác sắt để xây dựng đường sắt chuyên chở khắp thế giới những con người không ai cần đến và những hàng hóa không cần thiết, và điều chủ yếu là, thay vì cuộc đời hoan hỉ, cuộc đời của lòng thương yêu, thì người ta lại thù hận, sợ sệt, hành hạ, đau đớn, chém giết, giam cầm, hành hình, học giết chóc và giết chóc lẫn nhau.

Tất cả những cái đó thật khủng khiếp làm sao!

Những người làm các điều đó nói rằng họ làm thế để giải thoát cho con người khỏi mọi sự xấu xa. Và bịp bợm hơn nữa, họ còn nói rằng họ làm như vậy để giải thoát cho con người khỏi điều ác, rằng động cơ của họ khi làm những điều đó là tình yêu thương đối với con người.

Hỡi những người anh em thương mến, xin các bạn hãy tỉnh ngộ, hãy quay đầu nhìn lại, hãy suy nghĩ về sự yếu đuối của mình, về tính chất phù du của mình, về điều sau: trong cái thời hạn ngắn ngủi, vô định ấy của cuộc đời giữa hai cõi vĩnh cữu hay, nói đúng hơn, giữa hai cõi vô thời gian của cuộc đời, trong đó không có niềm phúc lạc nào cao hơn lòng thương yêu. Xin các bạn hãy nghĩ lại về điều này: thật là điên rồ biết bao khi không làm những điều vốn là bản tính của các bạn mà lại làm những điều  các bạn hiện đang làm.

Trong sự vô minh của các bạn, được dư luận xã hội vô tình ủng hộ, các bạn tưởng rằng tất cả những điều các bạn đang làm là điều kiện tất yếu, không tránh được của cuộc sống con người trong thời đại chúng ta ngày nay; rằng những điều các bạn đang làm là sự tham gia vào cuộc sống toàn thế giới của nhân loại; rằng các bạn không thể không làm những gì mà tất cả mọi người đã làm và đang làm và cho là cần thiết phải làm. Nhưng, nghĩ như thế là đúng, nếu những gì các bạn làm phù hợp với đòi hỏi của tâm hồn các bạn, nếu những điều đó đem lại niềm phúc lạc cho các bạn và cho những người khác. Thế mà không có điều đó. Cuộc sống của thế giới, của nhân loại, như nó đang diễn tiến hiện nay, với toàn bộ tiến trình của nó, đòi hỏi ở các bạn phải có sự hung ác, phải tham dự vào những việc không có lòng thương yêu đối với một số người anh em này vì những người anh em khác và không đem lại niềm phúc lạc cả cho những người khác và cả cho chính các bạn nữa.

Có người đáp lại rằng: ‘Nhưng chúng tôi làm việc cho tương lai cơ mà’. Thế thì tại sao bây giờ lại phải hy sinh lòng thương yêu trong cuộc sống hiện tại vì một cuộc sống tương lai mà các bạn không biết là gì cả?
Lẽ nào không thấy rõ điều đó quả là một sự mê tín lạ lùng và nguy hại hay sao. Tôi biết, tôi biết chắc chắn rằng cuộc sống phải ở trong lòng thương yêu, theo đạo lý của Thượng đế và theo sự đòi hỏi của trái tim tôi, chính nó đem lại niềm phúc lạc cho tôi và cho người khác, thế mà bỗng dưng có những lập luận trừu tượng nào đấy bắt tôi phải từ bỏ niềm phúc lạc hiển nhiên, chắc chắn của tôi, trách nhiệm và đạo lý của tôi... Vì cái gì thế? Chẳng vì cái gì cả. Vì tập tục, thói quen, vì bắt chước.

Cứ để người chiến sĩ đấu tranh cho ‘tự do’ hay ‘trật tự’ cống hiến dù chỉ một phần trăm những cố gắng, những hy sinh mà anh ta đang dành cho cuộc đấu tranh vì mục đích của mình, cống hiến cho việc tăng thêm tình thương yêu trong lòng mình và trong lòng những người khác, thì anh ta - không giống như trong hoạt động đấu tranh, nơi không thấy được những kết quả mà chỉ mong đợi chúng thôi - thì lập tức anh ta sẽ thấy được những thành quả hoạt động thương yêu của mình không chỉ đối với mình, mà sẽ thấy cả trong niềm hân hoan vĩ đại của lòng thương yêu lẫn trong những dấu vết mà hoạt động đó nhất định để lại trong lòng những người khác nữa.

Hỡi những người anh em thương mến, xin các bạn hãy hồi tỉnh lại, hãy tự giải thoát mình khỏi quán tính đáng sợ của lầm lạc (lầm lạc tưởng rằng cuộc đấu tranh, cuộc đấu tranh thú vật có thể là đặc tính của con người mà không nguy hại cho con người); rồi các bạn sẽ biết được nỗi hân hoan, niềm phúc lạc, tính chất thiêng liêng của đời sống; những thứ đó thì không gì có thể phá hủy được: cả những đòn đả kích của kẻ khác, vì những đả kích đó chỉ làm tăng cường thêm lòng thương yêu mà thôi, cả nỗi khiếp sợ chết chóc, vì đối với lòng thương yêu thì không có chết chóc.

 Hỡi những người anh em thương mến, tôi không dám nói: ‘các bạn hãy tin tôi, hãy tin tôi’. Xin các bạn chớ tin, mà hãy kiểm nghiệm điều tôi nói dù chỉ trong một ngày mà thôi. Dù chỉ trong một ngày thôi, khi vẫn còn ở trong những điều kiện mà ngày hôm đó bạn đang sống, hãy đặt cho mình nhiệm vụ là làm bất cứ việc gì trong ngày hôm đó cũng đều lấy lòng thương yêu làm động cơ cho mình. Và tôi biết rằng một khi các bạn đã làm được như thế rồi thì các bạn sẽ không quay trở lại với sự lầm lạc cũ, nguy hại, đáng sợ kia nữa.

Tôi chỉ xin các bạn một điều này thôi, hỡi những người anh em thương mến: các bạn hãy nghi ngờ điều nói rằng cưộc sống đang diễn ra quanh ta chính là cuộc sống phải có (cuộc sống đó thực ra là cuộc sống bị bóp méo), và các bạn hãy tin rằng lòng thương yêu, chỉ có lòng thương yêu là cao hơn cả: lòng thương yêu chính là sứ mệnh, là bản chất, là niềm phúc lạc của cuộc đời chúng ta. Hãy tin rằng cái khát vọng được phúc lạc đang có trong mỗi trái tim, cái nỗi bực dọc vì không có được điều phải có: niềm phúc lạc. Hãy tin rằng cái tình cảm chính đáng đó phải được đáp ứng và nó dễ dàng được đáp ứng chỉ khi nào người ta không còn lầm tưởng - như bây giờ - cuộc sống bị bóp méo là cuộc sống thật.

Hỡi những người anh em thương mến, vì niềm phúc lạc của các bạn, các bạn hãy làm điều này: các bạn hãy nghi ngờ cuộc sống bề ngoài mà các bạn coi là hết sức quan trọng; hãy nghi ngờ cuộc sống mà các bạn đang sống. Xin các bạn hiểu rằng tất cả những chế độ xã hội tưởng tượng của hàng triệu và hàng triệu người, đó là chưa kể đến vinh hoa, phú quý của cá nhân, v.v... - tất cả những thứ ấy đều là những điều vặt vãnh nhỏ mọn và không đáng kể so với tâm hồn mà các bạn nhận thức được ở mình trong khoảnh khắc ngắn ngủi này của cuộc đời giữa lúc sinh ra và khi chết, và cái tâm hồn đó không ngừng đưa ra cho các bạn những đòi hỏi của nó. Các bạn hãy sống vì cái tâm hồn đó và bằng cái tâm hồn đó, hãy sống bằng lòng thương yêu mà tâm hồn đó kêu gọi các bạn, thì tất cả những phúc lạc cho các bạn và cho tất cả mọi người - những phúc lạc mà các bạn chỉ có thể ước mơ được, những phúc lạc càng nhiều gấp bội - sẽ đến với với các bạn.
Chỉ cần một điều là các bạn hãy tin tưởng vào niềm phúc kạc của lòng thương yêu đang công nhiên vẫy gọi các bạn đến với nó.

Lev Tolstoi (21.8.1908)


*
*       *

Tôi đã tưởng là tôi sẽ chết trong ngày viết bức thư này. Tôi đã không chết, nhưng lòng tin của tôi vào những điều tôi đã nói ra ở đây vẫn nguyên vẹn như trước, và tôi biết rằng nó sẽ không thay đổi cho đến khi tôi chết, cái chết dù sao thì chẳng bao lâu nữa cũng phải đến với tôi.

Các bạn thân mến! Tôi vừa giới thiệu với các bạn bức thư của Lev Tolstoi gửi những người anh em. Đó là lời nhắn nhủ thống thiết của ông với loài người trên trái đất hồi đầu thế kỷ 20. Tiếc thay, những lời nhắn nhủ đó đã không được đông đảo loài người cảm nhận. Và hậu quả rõ rệt là trong gần hết thế kỷ, loài người càng đi sâu vào lầm lạc: chém giết lẫn nhau trong những cuộc thế chiến thứ nhất và thứ hai gây nên bởi các thế lực quân phiệt và phát xít, trong những cuộc chiến tranh để giành và giữ thuộc địa do các cường quốc thực dân tiến hành, trong những cuộc cách mạng xã hội vô bổ mà nhân dân chỉ là cái bung xung cho những kẻ thống trị mới lên nắm quyền, trong những cuộc nội chiến triền miên, đẵm máu vì ý thức hệ, vì tôn giáo, vì phe phái, trong những cuộc thử nghiệm tào lao về việc tổ chức đời sống ‘xã hội chủ nghĩa’ tiến hành trong nhiều nước với nền chuyên chính vô sản, với bạo lực, đàn áp, khủng bố, hành quyết... Hàng trăm triệu sinh mạng đã ngã xuống trên khắp năm châu! Chỉ nói riêng cuộc thử nghiệm ‘xã hội chủ nghĩa’ ở Liên Xô trong hơn 70 năm đã cướp đi 65 triệu sinh mạng! Hay chỉ riêng một cuộc ‘nhảy vọt’ ở Trung Quốc hồi giữa thế kỷ đã làm cho 30 triệu người chết đói! Đó là chưa nói đến hàng chục triệu nạn nhân khác đã ngã xuống trong cải cách ruộng đất, cải tạo trí thức, tư sản, ‘tam phản’, ‘ngũ phản’, cách mạng văn hóa! Đó là chưa nói đến cuộc chạy đua vũ trang điên cuồng giữa các ‘cường quốc’ và ‘siêu cường’ đã đưa loài người có lúc nằm sát bên lề cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt chính con người! Đó là chưa nói đến nền ‘văn minh’ vật chất với tinh thần hưởng thụ, hưởng lạc đến mức cuồng loạn đã tận diệt nhiều loài sinh vật và gây nên nguy cơ hủy diệt ‘mọi loài đang sống’ (từ ngữ này của Tolstoi tương đương với từ ‘chúng sinh’, ‘giới hữu tình’  trong đạo Phật) đang đặt con người trước hiểm họa hạt nhân, hiểm họa sinh thái có thể tận diệt mọi người, mọi loài trên hành tinh chúng ta, điều mà chính Tolstoi đã cảnh báo hồi đầu thế kỷ khi ông nói đến việc ‘làm hư hỏng đất đai’! Những thí dụ khủng khiếp về sự điên rồ như thế còn có thể kể mãi không hết! Điên rồ như thế để làm gì ? Chung quy chỉ để làm khổ thêm con người !

Khi giới thiệu bức thư của Lev Tolstoi, tôi chỉ mong sao loài người ở cuối thế kỷ 20 sẽ học được những bài học đầy xương máu và nước mắt của gần mười thập niên qua để sớm tỉnh ngộ, sớm quay đầu nhìn lại, sớm mạnh dạn bước trên con đường tâm linh, sớm đi theo con đường đạo để tu dưỡng cái tâm của mình, để sống với lòng thương yêu rộng lớn muôn loài, muôn vật và đó là điều cần thiết nhất để đem lại niềm phúc lạc lớn lao cho mọi người và mọi loài trên trái đất. Chỉ mong sao con người trong thế kỷ 21 sẽ khôn hơn, bớt lầm lạc hơn, biết tin và làm theo lời dạy của đức Phật Thích Ca, của đức Chúa Ky Tô, của các bậc chân nhân... để cùng sống với nhau trong tình anh em. vì chỉ có lòng thương yêu, tâm từ bi mới cứu được con người, và nói chung, mới cứu được ‘mọi loài đang sống’.

Là một Phật tử, tôi chỉ xin thành tâm nguyện cầu cho đạo pháp của đức Phật ngày càng rọi sáng trong tâm nhiều người trên trái đất để mọi chúng sinh đều được hưởng niềm phúc lạc vô tận của tâm từ bi,  lòng thương yếu.

Moskva, 16.4.97
Thiện Xuân Inna Malkhanova
Hội Phật giáo Thảo Đường
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/09/thien-xuan-di-chuc-ve-tam-tu-bi.html?utm_source=BP_recent
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001