Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Tòa án Tối cao chạy trốn công chúng Vinh 
VRNs (11.09.2012) – Nghệ An – Phiên tòa phúc thẩm ba thanh niên Công giáo sẽ diễn ra ngày 26.09.2012, tại thị xã Cửa Lò, thay vì thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An như thường lệ. Đó là thông tin do thân nhân của ba thanh niên bị xét xử này cho VRNs biết.

Ba thanh niên Công giáo bị xét xử lần này là các anh Antôn Đậu Văn Dương, Phêrô Trần Hữu Đức, và Antôn Chu Mạnh Sơn. Ba người này đã bị tòa án sơ thẩm tỉnh Nghệ An giáng cho một bản án nặng nề, tuần tự là 42 tháng tù, 39 tháng và 36 tháng. Một người khác cũng bị xử chung vụ án này, nhưng chỉ bị 24 tháng tù treo. Theo một nguồn tin chưa được VRNs kiểm chứng thì gia đình người thứ tư này đã chạy án.
Trong thành phố Vinh và tại trước cổng TAND tỉnh Nghệ An vào ngày phiên tòa sơ thẩm ngày 24.05.2012 đã diễn ra cuộc biểu tình trên đường phố với nhiều băng rôn, hình ảnh do trẻ em, thanh niên và người lớn tuổi, cả nam lẫn nữ cầm trên tay. “Bạn tôi vô tội”, “Cháu tôi vô tội”, “Con tôi vô tội”, “Trả tự do cho những nhà bất đồng chính kiến”, “Phản đối việc bách hại những người dân vô tội”.
Trong tòa: ông Chu Văn Nghiêm, bố của anh Chu Mạnh Sơn đã đứng dậy hô lớn rằng: “Các con vô tội, các con hãy can đảm lên. Cha mẹ, anh em, bạn bè, luật sư, công luận và những người tiến bộ đang ủng hộ các con”.

Ngày 25.05.2012, báo điện tử SGGP đăng lại bản tin của TTXVN cho biết: “Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, khoảng tháng 3-2011, Đậu Văn Dương, Nguyễn Xuân Kim, Trần Hữu Đức gặp Nguyễn Văn Lý tại số nhà 69, đường Phan Đình Phùng, thành phố Huế. Tại đây Nguyễn Văn Lý gợi ý Dương, Kim, Đức rải truyền đơn kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội khoá XIII và HĐND 3 cấp trên địa bàn Nghệ An.
Khoảng 1 giờ ngày 20-5-2011, sau khi chuẩn bị xong, Nguyễn Xuân Kim yêu cầu mọi người tự sắp xếp với nhau thành 3 nhóm. Nhóm Đặng Xuân Tương, Nguyễn Xuân Kim rải trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Nhóm Trần Hữu Đức, Trịnh Văn Thương rải trên địa bàn huyện Nam Đàn. Nhóm của Chu Mạnh Sơn, Hoàng Phong rải ở huyện Diễn Châu…

Chiều 21-5-2011, Chu Mạnh Sơn một mình đến huyện Yên Thành tiếp tục rải truyền đơn. Các đối tượng dùng máy ảnh chụp cảnh rải truyền đơn rồi đưa cho Đậu Văn Dương gửi cho Nguyễn Văn Lý. Ngay sau đó, công an các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành tổ chức thu gom được 5.150 tờ truyền đơn do các đối tượng này rải”.
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội điều 50 và 51 chỉ đề cập đến những tổ chức có trách nhiệm tuyên truyền và vận động tranh cử, mà không hề đưa ra một giới hạn hay ngăn cản nào về người có thể tham gia vận động cho cuộc bầu cử:
“Điều 50: Hội đồng bầu cử chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử trong phạm vi cả nước; Uỷ ban bầu cử chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử tại địa phương.
Điều 51: Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan thông tin báo chí trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền về cuộc bầu cử”.
Do đó, ngoài những tổ chức có trách nhiệm vận động bầu cử thì mọi công dân đều có thể tham gia.
Vận động bầu cử là gì, nếu không phải là thuyết phục cử tri bầu cho người này và đừng bầu cho người kia (có thể lúc vận động bầu cử người ta không nói trắng ra như thế, nhưng bản chất là thế), hoặc vận động đừng bầu ai cả. Lưu ý luật bầu cử không hề cấm vận động tảy chay cuộc bầu cử. Do vậy tự thân cuộc vận động tảy chay bầu cử Quốc hội mà các anh Antôn Đậu Văn Dương, Phêrô Trần Hữu Đức, và Antôn Chu Mạnh Sơn, nếu có, thì cũng không có gì là vi phạm pháp luật.

Giáo sư luật quốc tế Allen S. Weiner, người đã đại diện 17 thanh niên Công giáo và Tin lành khiếu nại nhà nước Việt Nam đã bắt giam người tùy tiện lên Liên Hiệp Quốc, đã viết: “Những hình thức bày tỏ chính trị như vậy được bảo vệ bởi các luật lệ quốc tế về nhân quyền và bởi Hiến pháp Việt Nam. Điều 53 của Hiến pháp bảo đảm công dân “có quyền tham gia vào việc điều hành nhà nước và xã hội, tham gia vào các thảo luận về những vấn đề của cả nước hay của địa phương.” Điều 69 của Hiến pháp Việt Nam xác nhận công dân “có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí” và có “quyền hội họp, lập hội, và biểu tình theo đúng pháp luật”. Tuy nhiên, thay vì bảo vệ các quyền này, chính phủ Việt Nam lại dùng luật để ngăn cấm các quyền tự do căn bản về ngôn luận, hội họp, và lập hội”.
Với việc đưa ba thanh niên Công giáo ra xử phúc thẩm ở thị xã Cửa Lò cho thấy, nhà cầm quyền biết mình làm sai, nhưng vẫn cố làm, nên phải đưa ra xa thành phố, hầu tránh được sự phản đối một cách mạnh mẽ của dân chúng. Nhưng với khoảng cách chỉ xa thành phố Vinh 15 km thì không thể ngăn chặn được làn sóng phản đối của dân chúng, nhất là gần đây, Đức giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã công khai tiếp đón thân nhân 17 thanh niên bị bắt giam cách bất công, và chuyển 50 triệu của những người yêu mến công lý hòa bình cho các gia đình này.
PV. VRNs
Admin gửi hôm Thứ Ba, 11/09/2012 
nguồn:http://danluan.org/node/14244
=============================================================
Phiên tòa Phúc thẩm 3 Thanh Niên Công giáo sẽ diễn ra vào ngày 26/9 tại Cửa Lò 


(TNCG) Theo thông tin chúng tôi mới nhận được thì phiên tòa phúc thẩm xét xử 3 Thanh Niên Công giáo sẽ diễn ra vào thứ 4 ngày 26 tháng 9 năm 2012 tại thị xã Cửa Lò - Tỉnh Nghệ An.
Thông thường các phiên xử phúc thẩm sẽ do tòa án Tối cao nằm tại Thành Phố Vinh, nhưng có lẽ chính quyền sợ một số lượng lớn những người ủng hộ Thanh niên công giáo sẽ đến tập trung để phản đối phiên tòa lớn tại Thành phố Vinh nên đã chuyển về thị xã Cửa Lò nằm ven biển cách thành phố Vinh - Nghệ an 15 km.
Trong phiên tòa sơ thẩm vào ngày 24 tháng 5 vừa qua anh Anton Đậu Văn Dương bị kết án 42 tháng tù giam, Anh Phero Trần Hữu Đức 39 tháng, Anton Chu Mạnh Sơn 36 tháng và anh J.B Hoàng Phong bị kết án 24 tháng tù treo. Anh Hoàng Phong được xử án treo không kháng cáo còn 3 thanh niên khác đã kháng cáo.
Lần này 3 Thanh Niên Công giáo sẽ có 3 luật sư riêng biệt. Đó là: Luật sư Vương Thị Thanh thuộc văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ bào chữa cho Anh Chu Mạnh Sơn; Luật sư Trần Thu Nam thuộc văn phòng luật Tín Việt bào chữa cho Anh Trần Hữu Đức và Luật sư Lê Đặng Tùng bào chữa cho anh Đậu Văn Dương.
Ngày 30/8 Ban Công Lý và Hòa bình của giáo Phận Vinh đã đưa lên bản nhận định về vụ án các Thanh Niên công giáo phân tích những khía cạnh pháp lý và thực tiễn để khẳng định rằng: 1) Lập luận của tòa án là đi ngược lại với Hiến pháp; 2) Các thanh niên Công giáo là những người tốt và 3) Vụ án có nhiều sai phạm về thủ tục tố tụng. Bản nhận định cũng đề nghị tòa án tối cao xem xét lại toàn diện vụ án theo hướng tuyên bố các em vô tội. Trước đó trên trang web của giáo phận cũng đăng bài viết "các con vô tôi - các con hãy can đảm lên" gián tiếp thể hiện sự vô tội của các em.
Gần đây liên tục các giáo xứ trong toàn Địa Phận Vinh đã tổ chức thắp nến cầu nguyện cho các Thanh niên công giáo đã xét xử cũng như những thanh niên khác đang bị bắt và giam cầm trái phép từ hơn một năm nay.
Vào cuối tháng 8 vừa qua, thân nhân các gia đình Thanh Niên Công giáo bị bắt gồm khoảng 30 người đã có một hành trình đi kêu oan đến các cơ quan Nhà nước tối cao, Họ cũng đến giáo xứ Thái Hà và được giáo xứ tổ chức một buổi lễ thắp nến cầu nguyện thật đông đúc và sốt sắng.
Đây là những thông tin ban đầu chúng tôi mới nhận được. Đối với nhà nước cộng sản Việt Nam thì từ nay đến đó có thể vẫn có những thay đổi. Chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu và cập nhật thông tin đầy đủ để cho những người yêu mến công lý sự thật được hiểu biết, cầu nguyện và tham dự phiên tòa.
Thanh Niên Công Giáo
_________________________

Về vụ án các thanh niên Công giáo

Phiên tòa xử Dương-Đức-Sơn-Phong ngày 24-05-2012
Ngày 24/5/2012, tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã xử phạt bốn thanh niên tại Vinh: Đậu Văn Dương 42 tháng tù, Trần Hữu Đức 39 tháng tù, Chu Mạnh Sơn 36 tháng tù và Hoàng Phong 24 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điểm c, khoản 1, Điều 88, Bộ luật Hình sự hiện hành của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một trong những vụ án đã gây nhiều bất bình và tranh cãi cho dư luận trong nước và quốc tế. Trước phiên tòa phúc thẩm sắp tới, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh nhận định:
(i) Lập luận của nhà lập pháp Việt Nam, nhất là của các cơ quan tư pháp Nghệ An tại điều 88 (và ngay cả điều 79) Bộ luật hình sự hiện hành về “Tội tuyên truyền chống phá nhà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (cũng như “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”), đã đi ngược lại quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện hành về “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật” (Điều 69). Những quyền này đã không được ghi nhận trong Bộ luật dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2005 !
Đặc biệt, cách lập luận đó đã đi ngược lại các quy định về quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội của luật quốc tế tại Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948 mà Việt Nam là quốc gia thành viên từ ngày 20/9/1977 và Điều 19, khoản 2 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam đã gia nhập ngày 24/9/1982.
Theo đó, hành vi của những thanh niên nói trên thực sự chỉ là những tiếng nói lương tâm ôn hòa trong các quyền nhân thân căn bản của con người, hướng đến một xã hội tiến bộ. Luật pháp cho họ quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến các loại tin tức và ý kiến căn bản, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng nào khác theo sự lựa chọn của mình. Đây là nhận thức chung của nhân loại về quyền của con người và là mục đích, nguyện vọng chính đáng của tất cả các thành viên trong xã hội, không thể tùy tiện quy kết hành vi tội phạm được.
(ii) Tất cả các thanh niên bị bắt và xét xử đều là những sinh viên tốt đã hoặc đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam. Họ xuất thân từ các gia đình nông dân chất phác và cần cù. Không những không hề có tiền án, tiền sự, mà họ vẫn hăng say tham gia các hoạt động tích cực vì lợi ích của cộng đồng và xã hội. Nếu họ có những hành vi như tòa án đã nêu thì cũng chỉ là những hành vi nhỏ nhặt, có động cơ mục đích nhắm đến là một xã hội tự do, tiến bộ và phát triển. Thử hỏi những bằng chứng mà tòa án Nghệ An đưa ra đã đủ để kết tội các em về loại tội phạm an ninh quốc gia hay không? Liệu có gây hoang mang và bất bình trong dư luận không?
(iii) Qua việc bắt, điều tra, xét xử vụ án trong thời gian qua, công luận đã nhận thấy có nhiều sai phạm thủ tục tố tụng vốn đã được quy định chặt chẽ tại Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành: Vi phạm việc bắt người (Điều 80), vi phạm do không tổ chức việc đối chất (Điều 138), vi phạm trong việc thu giữ tài sản, tang vật (Điều 145), vi phạm trong việc thu thập chứng cớ và chứng minh động cơ phạm tội (Điều 63-78) và cuối cùng là vi phạm do không trả hồ sơ điều tra bổ sung khi thiếu những chứng cứ quan trọng và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (Điều 168). Với những vi phạm nghiêm trọng như vậy, làm sao tránh được việc kết án oan sai và trái luật.
Vì những bất cập của việc áp dụng luật pháp Việt Nam và các vi phạm tố tụng đó, chúng tôi đề nghị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại toàn diện vụ án và có những quyết định thật sự khách quan và công bằng, đảm bảo việc thi hành đúng pháp luật Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, và tôn trọng quyền lợi của công dân, đáp ứng mong mỏi của dư luận.
Xã Đoài, ngày 28 tháng 8 năm 2012
Ban Công lý Hòa bình Giáo phận Vinh
Admin gửi hôm Thứ Ba, 11/09/2012 
nguồn:http://danluan.org/node/14246
==============================================================

Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001