Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Tranh cãi kịch liệt về thuế thu nhập cá nhân 

- Chính phủ - cơ quan trình và UB Tài chính - Ngân sách QH - cơ quan thẩm tra luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi chưa tìm được tiếng nói chung về mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) tại phiên họp Thường vụ QH chiều 12/9.
Lo giảm thu ngân sách
Đề xuất của Chính phủ là nâng mức GTGC từ 4 triệu đồng/tháng đối với bản thân người nộp thuế lên mức 9 triệu đồng và từ mức 1,6 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc lên mức 3,6 triệu đồng.
Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho biết điều chỉnh này căn cứ vào "tốc độ tăng trưởng GDP, mức GDP bình quân đầu người, chỉ số CPI trong thời gian qua và giai đoạn tới, mức tiền lương tối thiểu, đề án cải cách tiền lương, kết quả thống kê mức sống và thu nhập của dân cư cũng như tiếp thu ý kiến của người dân, các bộ ngành, dư luận xã hội, báo chí thời gian qua".
Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Thường trực UB Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc nâng mức GTGC như vậy là cao và bất hợp lý xét cả dưới góc độ kinh tế cũng như xã hội.
"Cả nước hiện chỉ có khoảng 3,87 triệu người phải nộp thuế TNCN, chỉ chiếm 4,4% dân số", Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói. "Nếu sửa luật theo hướng nâng mức GTGC lên mức đó thì số lượng người nộp thuế còn không đáng kể, chỉ khoảng 1 triệu người, giảm quá lớn so với hiện nay và chiếm tỷ lệ quá ít so với số người có thu nhập".
Theo ông Hiển, như vậy bản chất của thuế TNCN sẽ trở thành thuế thu nhập cao như trước đây, mà cũng không giữ được ý nghĩa điều tiết thu nhập từ người có thu nhập cao vì "những người thuộc đối tượng nộp thuế TNCN theo luật hiện hành, xét trên mặt bằng chung là những người có thu nhập cao trong xã hội".
Ông Hiển cũng chỉ ra hướng tăng như vậy sẽ gây ảnh hưởng lớn đến ngân sách. "Chính phủ đã tính toán phương án này sẽ giảm thu NSNN 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng, giảm thu cả năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng"
"Ước tính sắp tới phải bỏ ra 10 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách đầu tư công, trong khi bao nhiêu vấn đề xã hội chúng ta phải giải quyết mà giảm động viên từ thuế đi thì càng khó khăn", ông Hiển nói.
Từ đó, đa số ý kiến trong Thường trực UB Tài chính - Ngân sách đề nghị hạ mức GTGC đối với người nộp thuế và người phụ thuộc xuống thấp hơn mức quy định trong dự thảo luật từ 9 triệu đồng xuống 7 triệu và từ 3,6 triệu xuống còn 2,8 triệu.
Giảm tham nhũng sẽ bù đắp giảm thu thuế?
Hơi khác thường, các ý kiến trong Thường vụ QH chiều nay lại đồng tình với Chính phủ hơn là với UB Tài chính - Ngân sách.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn. Ảnh: QĐND
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn gay gắt: "UB Tài chính - Ngân sách cũng đại diện cho dân, cho người thu nhập ít, tại sao không đồng ý với Chính phủ mà lại yêu cầu tăng người nộp thuế lên như vậy?"
Ông Sơn chỉ ra "trong 3 năm luật có hiệu lực vẫn phải liên tục ban hành các nghị quyết miễn, giảm thuế cho người làm công ăn lương". Ông cho rằng UB Tài chính - Ngân sách đã "dội một gáo nước lạnh" khi đưa ra đề xuất mức 7 triệu đồng và 2,8 triệu đồng.
Các ủy viên Thường vụ khác cũng băn khoăn 7 triệu hay 9 triệu liệu đã đủ cao để đánh thuế nếu xét trong điều kiện sống của người dân hiện nay.
"Cần phân tích cụ thể đời sống kinh tế, giá cả, điều kiện làm việc, ăn uống, học hành, tích lũy, chữa bệnh, sinh hoạt tinh thần, mua nhà, nuôi con, nuôi bố mẹ... để đề xuất mức phù hợp", Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng lưu ý việc chưa có đầy đủ cơ sở để tính toán khi mà ta chưa công bố được mức tiền lương tối thiểu, chính là nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, cho cả khu vực sản xuất lẫn khu vực công chức.
Bà Mai đề nghị "cân nhắc góc độ xã hội" khi "kinh tế liên tục gặp khó khăn, lạm phát cho đến năm nay mới bắt đầu giảm, còn các năm trước có lúc tăng tới gần 20%, CPI cũng tăng mạnh, thu nhập thực tế người dân giảm sút".
Bà Mai và nhiều ủy viên Thường vụ tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết của việc "khoan sức dân" trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay.
Với "hậu quả nhãn tiền" là giảm thu ngân sách mà UB Tài chính - Ngân sách viện dẫn, nhiều ý kiến trong thường vụ phản biện rằng "có nhiều cách khác để bù đắp" như tăng thu từ các loại thuế khác, tiết kiệm chi ngân sách...
"Việc đóng góp xây dựng đất nước không phải cứ bắt nhiều người nộp thuế mới là hiệu quả", Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói. "Quan trọng là sử dụng thuế thế nào cho hiệu quả, không lãng phí, không tham nhũng thì còn tiết kiệm được cho ngân sách nhiều hơn là thu thuế".
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị Chính phủ làm rõ các phương án bù đắp ngân sách khi đưa ra mức 9 triệu đồng để QH xem xét.
Cứ có thu nhập thì phải nộp thuế?
Trước các ý kiến trên, ông Phùng Quốc Hiển khẳng định đề nghị của cơ quan ông "cũng vì nhân dân, đất nước".
Theo ông, mấu chốt là QH phải xác định rõ quan điểm: thuế đối với TNCN hay thu nhập cao. "Nếu là thuế TNCN thì nguyên tắc công bằng là cứ có thu nhập thì phải nộp thuế", ông Hiển kiên định.
Một số ý kiến đồng tình với nguyên tắc trên song đề nghị có mức tính hợp lý như ở các bậc thấp thì có thuế suất 0-1%, các bậc cao hơn thì thuế suất cao để đúng nghĩa "hỗ trợ cho các đối tượng thực sự khó khăn từ những đối tượng có thu nhập cao".
"0% đối với người thu nhập thấp để tuy họ không phải đóng thuế nhưng vẫn phải có ý thức về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Nhà nước", và Trương Thị Mai chỉ ra. Việc này cũng có thể góp phần kiểm soát thu nhập và chống tham nhũng, theo một số ý kiến.
Tuy vậy, đề xuất này theo Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai là không khả thi vì với số lượng lớn thuộc nhóm 0%, chi phí kê khai sẽ rất tốn kém trong khi không thu được đồng thuế nào.
Do còn quá khác biệt về quan điểm, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự luật tiếp tục hoàn chỉnh và trình Thường vụ QH một lần nữa để có ý kiến thống nhất trình QH xem xét và thông qua ngay trong kỳ họp cuối năm.
Nghị quyết của QH về miễn, giảm một số loại thuế, trong đó miễn thuế TNCN cho toàn bộ người nộp thuế bậc 1 sẽ có hiệu lực cho đến hết năm nay.
Chung Hoàng
nguồn:http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/88341/tranh-cai-kich-liet-ve-thue-thu-nhap-ca-nhan.html
===================================================================
Thường vụ Quốc Hội Thảo luận về Luật Thuế Thu nhập cá nhân:

“9 triệu đồng mới tạm đủ sống”

13/09/2012 | 08:41

(Dân Việt) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ: “Tôi áng thấy mức khởi điểm chịu thuế Chính phủ đưa ra cũng được. Mức ấy đủ sống tạm thôi, 9 triệu đồng là thu nhập chưa cao, bản chất của thuế TNCN vẫn giữ được..."

Chiều 12.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có phiên thảo luận về Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi. Đây là nội dung đang được dư luận quan tâm sau khi Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề xuất hạ mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh xuống thấp hơn so với đề xuất trước đó của Bộ Tài chính.
“Nuôi con thì thôi nuôi cha mẹ”?
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, cần nâng mức khởi điểm chịu thuế từ 4 triệu như hiện nay lên 9 triệu đồng; giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc được nâng từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm rằng: Thuế thu nhập cá nhân nhằm mục tiêu mở rộng các thành phần đóng thuế chứ không phải là thuế thu nhập cao như trước đây. Vì vậy, chỉ nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 7 triệu đồng (thay vì 9 triệu đồng) và mức giảm trừ gia cảnh là 2,8 triệu đồng (thay vì 3,6 triệu đồng) là hợp lý. Quan điểm của Ủy ban là các mức Bộ Tài chính đưa ra là cao và sẽ thu hẹp số lượng người nộp thuế, làm sai lệch bản chất của thuế TNCN.
Nhiều ý kiến đề nghị tăng mức khởi điểm chịu thuế để đảm bảo cuộc sống của người lao động tốt hơn (ảnh minh họa).
Những ý kiến khác nhau này thu hút sự tranh luận sôi nổi của các đại biểu. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chất vấn gay gắt các thành viên trong ban soạn thảo cũng như thành viên tham gia thẩm tra nội dung dự luật sửa đổi: “Dựa vào cơ sở nào, căn cứ khoa học nào mà Bộ Tài chính cũng như Ủy ban Tài chính - Ngân sách lại đưa ra các mức đề xuất như trên?”.
Theo bà Mai, việc xác định tính ổn định của mức thuế cũng là nội dung quan trọng cần phải được xác định cụ thể trong các đề xuất sửa đổi. “Hiện nay, chúng ta còn chưa có mức lương ổn định, dự kiến đến 2015 mới có mức lương ổn định đối với khu vực doanh nghiệp, vậy chúng ta đã tính hết những yếu tố này trong nội dung sửa đổi hay chưa?”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu chất vấn: “Khi giá cả thị trường biến động trên 20% sẽ điều chỉnh, vậy đây là giá cả ngoài thị trường hay chỉ số giá theo tính toán trên giấy tờ? Và trên 20% thì được tính trong khoảng thời gian nào?”.
Mặc dù cả thành viên ban soạn thảo là bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đều đã lần lượt giải trình cơ sở, căn cứ của các đề xuất, tuy nhiên, các đại biểu có phần không đồng tình. Bà Trương Thị Mai cho rằng, cần phải làm rõ 2 quan điểm có thu nhập là có đóng thuế hay thu nhập đến mức nào thì phải đóng thuế. Tiền lương tối thiểu đồng nghĩa với mức sống tối thiểu. Hiện nay chúng ta chưa công bố được mức lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu, nên chưa thể nói dựa vào mức lương tối thiểu để suy ra mức đóng thuế được.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội nhấn mạnh: “Mức thuế cũng phải phù hợp với tập quán Việt Nam là cha mẹ sống cùng với con cái, dựa vào con cái. Một gia đình thường nhiều thế hệ, không nên giới hạn số lượng người được giảm trừ”. Ngoài ra, ý kiến của bà Mai cũng không nhất trí “đem GDP của các nước để so sánh với Việt Nam”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Văn Hằng - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng: Không nên cứng nhắc chỉ cho phép 2 người phụ thuộc như đề xuất của Ủy ban Tài chính - Ngân sách vì khi nuôi dưỡng ai thì phải dựa trên thực tế để giảm trừ cho người đó. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ đồng tình khi ghi nhận ý kiến này, bởi theo bà Ngân để tránh chuyện “nuôi bố mẹ thì thôi nuôi con, nuôi con thì thôi nuôi bố mẹ”.
Quốc hội nên ủng hộ người dân
Hầu hết các ý kiến tại phiên thảo luận hôm qua đều nghiêng về phương án của Bộ Tài chính đề xuất. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu quan điểm: Trước đó, chúng ta nhiều lần phải dãn thuế và giảm thuế nên bây giờ nâng mức thuế và giảm trừ là hợp lý. Ủy ban Tài chính - Ngân sách nên ủng hộ người dân, tại sao lại lo cho ngân sách của Nhà nước. Tại sao không nâng lên 9,5 triệu mà lại hạ xuống 7 triệu đồng? “Cần phải xét đến việc sử dụng hiệu quả thuế chứ không phải là mức cao thấp” - Phó Chủ tịch Sơn nhấn mạnh .
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Luật Thuế này sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII sắp tới và thông qua ngay tại kỳ họp này. Đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra nghiên cứu lại để tìm ra một phương án hợp lý. Sắp tới, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nên đề xuất mới để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gợi ý cần phân tích xem thu nhập mức nào là cao. “Tôi áng thấy mức khởi điểm chịu thuế Chính phủ đưa ra cũng được. Mức ấy đủ sống tạm thôi, 9 triệu đồng là thu nhập chưa cao, bản chất của thuế TNCN vẫn giữ được, nhưng nên bỏ đi vài bậc" - Chủ tịch Quốc hội bày tỏ quan điểm. Quan điểm này ngay lập tức được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lên tiếng ủng hộ. Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng: “Ở đây chúng tôi đồng ý nên nâng lên, nhưng nâng đến mức nào thì cần phải xem xét. Không đồng tình với mức đề xuất của Chính phủ vì như thế thì tăng nhanh quá”.
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001