Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Võ Phiến - Ðàn Ông, Kẻ Nọ Người Kia (1) 
Võ Phiến

Chị Lê thèm khát ước ao một khoảng không gian.

Người đàn ông buông lỏng vòng tay. Chị nhích ra. Chị nhích sát ra ngoài cửa xe. Cửa sau của xe tắc-xi hiệu Renault bốn ngựa chỉ có thể đẩy qua đẩy lại nửa tấm kính, không thể mở rộng, gió không lùa vào được nhiều. Chị áp trán rồi nghiêng mặt áp má sát vào tấm kính cửa để nghe cái mát của bên ngoài. Chị thò bàn tay ra ngoài, xòe các ngón tay ra để cho gió lọt từng lọn qua kẽ ngón tay. Ðường khuya vắng người, rộng thêm ra.


Chị thèm hít cái hơi sương ngoài đường phố vào những giờ khuya khoắt, – một, hai giờ sáng – lúc chị rời khỏi tiệm, đi về nhà.

Ðêm nay, trời vừa mưa một trận, đường còn ướt, không khí hãy còn đẫm ướt. Chị muốn nhoài người ra ngoài hứng đón cái không khí ấy đập ngược vào mặt, tung vào tóc mình.

Chị nhích ra quá xa, bàn tay người đàn ông tuột rơi trên nệm xe và nằm yên đấy. Chị thầm cảm ơn thái độ của người nhân tình. Anh ta tử tế mà không bao giờ vồ vập. Một người con gái mới lớn sẽ tha hồ giận dỗi về những lúc anh ta hờ hững, lơ đãng. Nhưng chị Lê thì chị thấy dễ chịu. Thỉnh thoảng chị cần được người đàn ông bỏ quên trong chốc lát. Nếu không, chị cũng đến phải làm như cáo từ một người khách niềm nỡ, rút lui trong chốc lát vào cuộc sống riêng của mình. Một người vào tuổi chị, ở vào hoàn cảnh chị, thường gặp nhiều phiền bận vì cuộc sống riêng quá.

Lần này không phải là lần đầu chị đi về nhà của người nhân tình, nhưng đêm nay anh ta vừa đề nghị chị đến ở chung với anh ta ít lâu. Như thế cũng được chứ can gì? Anh ta rộng rãi, tính tình dễ chịu, độ lượng. Còn đời chị, đã biết mấy lần thay đổi... Một chuyện như vậy có nghĩa gì. Thế nhưng chị cũng lo lắng ngại ngùng.

Chị Lê nghĩ đến đêm tân hôn. Ðêm khuya, đàn dơi tranh nhau ăn trái bàng ở sau vườn kêu lóe chóe, thỉnh thoảng một trái bàng rụng xuống đất kêu đánh “bịch”, tiếng kêu đục đục. Ở trong phòng, chị lo lắng. Giờ phút chờ đợi kéo dài... Anh Khảo ngồi bên cửa sổ, hút thuốc lá, hãm thấp giọng xuống, nói ba điều bảy chuyện rồi ca vọng cổ. Anh ta ca nho nhỏ. Nhưng chị biết chắc rằng mọi người trong nhà không khỏi lắng nghe, theo dõi tiếng hát ấy, theo tiếng hát mà lần dò đến tận chuyện riêng của chị trong cái đêm trọng đại này. Sao anh ta không thể kín đáo hơn? Khuya rồi, anh ta vẫn ca vọng cổ, thản nhiên sung sướng. Khảo cũng không vồ vập. Có lúc anh ta xoắn xuýt vì miếng ăn, nhưng có lúc anh ta làm như người quá thạo đời, không để cho sự xúc động ham muốn nào lay chuyển nổi. Ðôi khi sự dềnh dàng bất cần của anh ta tuy thiếu tế nhị mà nó uy hiếp chị, đối với chị nó có cái bí hiểm quyến rũ. Hết hát, anh Khảo quàng tay lên vai chị, kể lại cho chị nghe về cửa hàng bán rượu, bán gạo, ngô, nếp, đậu xanh... của mẹ anh ta, về người chị què, về đám tang của ông nội xảy ra từ hồi anh ta lên chín tuổi: ông chết vào mùa mưa, trời mưa tầm tã suốt nửa tháng, lúc khiêng đi chôn, hai ba người khiêng đàng trước cùng trượt chân ngã, quan tài ông cụ bị văng ra, chúi xuống ruộng, bao nhiêu đèn cầy cắm trên quan tài lăn xuống nước trôi lềnh bềnh v.v... (Sau đêm ấy chẳng bao giờ chị nghe anh Khảo nhắc lại những chuyện lẩn thẩn ấy nữa).

Lúc nói nhiều, anh ta quên hãm thấp giọng, và nghiêng người đè nặng lên vai chị Lê khiến chị sụn người xuống, có cảm tưởng nếu là ban ngày thì trông mình sẽ có vẻ khổ sở lố bịch. Chị e ngại quá, không dám nói gì... Tiếng dơi cắn nhau như thế ở sau vườn vang vào phòng chị đến rất khuya, thật khuya. Và sáng hôm sau, anh Khảo cứ nằm lỳ trong phòng mà ngủ đến hơn tám giờ sáng, anh ngủ tự do, không ngượng ngùng.

Cái cảm giác khổ sở lúng túng khi bị người chồng mới cưới quàng tay đè nặng lên hai vai cứ đeo đẳng mãi, lẫn lộn với cảm tưởng lo ngại khi lần đầu tiên chị nhận thấy thế nào là sự đè nặng của một cá tính đàn ông lên cuộc đời mình...

... Chị Lê nghĩ đến hôm chị bằng lòng đi về nhà Tại. Chiếc xe tắc-xi gặp một cái chợ xổm họp tràn lan ra đến giữa đường, người tài xế bỏ số một, đi rất chậm, và bóp còi liên tiếp. Người ta tránh miễn cưỡng. Chị có cảm tưởng đám đàn bà đang họp chợ lấy làm bực dọc về chị, về một lý do không chính đáng. Tại nghiêng mình nói vào tai chị, nhưng chị nghe không rõ, chỉ thình lình chú ý đến mấy tiếng: “... gần đến nơi rồi...” và chị giật mình lo lắng. Tại lại cúi xuống nói. Chị mỉm cười, gật gật đầu, nhưng không còn có lời nào vào đến tâm trí chị nữa. Cả những tiếng Tại nói bên tai, tiếng còi xe pin pin, cả những gồng gánh vướng trước đầu xe và sự chậm chạp khó nhọc của chiếc xe đều làm chị khó chịu bực mình. Chị muốn thoát hết những cái đó. Chị muốn được yên thân một mình.

Xe đậu trước một căn nhà lầu. Cửa ở từng dưới là một dãy cửa ván nhỏ cánh, có thể xếp vào nhau cho rộng chỗ: căn nhà đáng lẽ là một cửa hàng bày ra buôn bán rất tiện, nhưng lại đóng cửa kín mít giữa buổi chiều. Tại nắm tay lại, đấm vào cửa rầm rầm bốn năm cái, rồi dừng lại chờ, không nghe có tiếng động nào trong nhà. Chàng đặt chiếc va-li xuống hè, và trước khi đấm cửa lần nữa, chàng quay mặt nhìn chị mỉm cười, nụ cười dịu dàng như muốn nói: “Nhà cửa anh thế đấy!” Có lẽ chàng chờ đợi chị mỉm cười đáp lại, nhưng chàng gặp một vẻ mặt nghiêm khắc bất ngờ. Chị Lê nhận thấy sự ngạc nhiên của chàng và chị ngoảnh qua phía khác.

Tại toan đấm cửa lần thứ ba thì cửa mở. Một người đàn ông chừng trên bốn mươi tuổi, vẻ đứng đắn khiêm tốn, chào hai người. Tại thân mật chào lại, rồi xách va-li vội vàng đi vào, không cần giới thiệu chị Lê. Người đàn ông không tò mò, thản nhiên đứng lại đóng cửa.

Chị theo Tại băng ngang qua gian phòng trống trơn. Ra khỏi cửa sau, đến một khoảng sân rộng, cuối sân là một bờ thành cao quá đầu người. Ở góc sân có ngôi nhà nhỏ lợp bằng tôn sơ sài. Một người đàn bà và hai đứa con gái nhỏ đang ngồi xúm xít ăn ốc trong gian nhà ấy.

Tại đưa chị trèo lên thang gác lộ thiên, dừng lại ở bậc thang cuối cùng, tháo mở sợi dây thép buộc ràng rịt ở chỗ khuy cửa thay thế cho ổ khóa. Hai người bước vào. Cánh cửa đóng dập theo, phát một tiếng động mạnh. Chị dừng lại cau mày, cảm thấy bị xúc phạm. Chị quay lại xô bật cánh cửa ra, và liếc mắt ngó xuống ngôi nhà tôn nhỏ ở góc sân. Nhưng dưới nhà chỉ vọng lên một tiếng muỗng sắt khua trong soong, rồi im lặng. Chị không nhìn thấy được người đàn bà và mấy đứa bé trong bếp. Có lẽ những người ở trong ấy cũng không thể nhìn thấy chị.

Cánh cửa từ từ khép ập lại. Chị đưa tay lên chận cánh cửa, tìm cái khuy để móc nó vào vách, nhưng cửa không có khuy. Trong lòng chị tự nhiên cuồn cuộn nổi lên một cơn giận. Cái cửa thiếu khuy như muốn tố cáo một lối sống phi lý của Tại, đáng ghét đáng giận vô cùng.

Chị đảo mắt tìm một hòn sạn, một miếng dăm, để chêm vào dưới cánh cửa cho nó bị kẹt không khép vào được. Nhưng tìm mãi không có cái gì, chị bỏ tay, mặc kệ cho cánh cửa lại ập vào. Tiếng kêu vang lớn trong khoảng sân vắng vẻ.

Trước khi tiến sâu vào, chị đứng im một lát, đưa mắt nhìn bao quát gian phòng mà chị sẽ sống với Tại, như quang cảnh này có thể cho chị một ý niệm về cái tương lai đang chờ đợi mình. Tầng lầu rộng và trống trải, có một vẻ bừa bãi khác lạ, làm cho chị bỡ ngỡ, lo sợ. Chị đuối sức, đảo mắt cầu cứu, tìm vu vơ một chỗ nương tựa, bấu víu.

Chị nghe tiếng chân Tại khua phía sau tấm màn xa-tanh lớn màu trắng buông từ trên trần nhà xuống làm vách ngăn buồng ngủ. Sàn lầu lót bằng ván, tiếng giày của Tại lộp cộp rền to qua. Chị nghe tiếng giày của người đàn ông vang to, như một thái độ thiếu tế nhị, vô tình, bên cạnh những xúc động của mình. Chị càng giận người nhân tình.

Tự nhiên tiếng chân Tại ngừng lại, hình như chàng đã đoán được ý nghĩ của chị và đang e ngại nghe ngóng. Sự im lặng thình lình trên sàn gác dội mạnh vào sự chú ý của hai người, cả hai cảm thấy một bất thường rõ rệt. Tại lên tiếng gọi: “Em”. Chị nghe được trong tiếng kêu nhỏ ấy một vẻ ngạc nhiên lo ngại. Chị cúi đầu xuống, cắn lấy môi trên, không đáp. Chị bước thong thả vào buồng.

Tiếng guốc của chị một mình khua lên những âm thanh chắc chắn, dè dặt. Bất giác Tại cũng giữ hoàn toàn im lặng.

Lúc chị bước vào thì mắt chị gặp ngay mắt người yêu ngước lên chờ đợi. Chị thấy hơi nóng bừng lên mặt, như là vừa trả lời ưng thuận một lần chót. Những cảm xúc lộn xộn, vừa hổ thẹn, giận dỗi, phản đối, vừa sung sướng bồng bột cùng ùa đến một lúc. Chị vờ tìm chỗ cất cái nón, ngó loanh quanh.

Tại đứng dậy, bước ra khỏi phòng, vừa đi vừa nói: “Chốc rồi em cũng xuống rửa mặt cho mát”. Chị không trả lời, thầm cảm ơn sự lánh mặt khéo léo của chàng.

Chị đứng trong cửa sổ nhìn xuống. Nắng chiều chóa sáng trên mặt đường dầu lóa cả mắt. Tiếng ồn ào dưới chợ vẳng lên, người đi lộn xộn, những mảnh lá chuối bẩn nhớp vứt bừa bãi, những vũng nước tạt lèm nhèm, mùi tanh của cá thịt phất lên... Một cảnh chợ ở đâu đối với đàn bà cũng là một cảnh quen thuộc. Chị nhớ lại cuộc sống của nhiều năm đã qua. Ở chỗ quận lỵ của chị, chỗ mà anh Khảo làm công an, chợ cũng họp chiều, tất cả các buổi chiều. Và khi chị hay thím Ngãi đi chợ về thì thường thường nhà chị Thạch cũng vừa tắm xong cho lũ con, thả chúng nó ra đứng trước hè lố nhố. Gia đình chị Thạch có tám đứa con, đẻ liên tiếp năm một. Sự săn sóc một đàn con như vậy bắt buộc người mẹ phải có một vài sáng kiến hợp lý hóa công việc: ăn cơm thì mỗi đứa lớn chăm nom mỗi đứa nhỏ, áo quần thì may một loạt, một kiểu, tắm rửa thì tất cả tám đứa một lần. Trước hiên vợ chồng Thạch rào ngăn lại, cấm đàn con không được vượt ra khỏi giới hạn đó để khỏi sợ tai nạn xe cộ. Và mỗi chiều, khi chị Lê hay thím Ngãi đi chợ về thì tám đứa trẻ ấy ăn mặc sạch sẽ, đứa đứng đứa ngồi, bấu vào những thanh gỗ hàng rào như từ trong một cái chuồng thưa song.

Trời chiều một chút nữa, Triêm ăn cơm xong, bồng con đi dạo lơ ngơ từ đầu phố tới cuối phố. Triêm còn trẻ, nhưng người ta gọi chàng bằng ông; và người già gọi chàng là “tú Triêm”, vì chỉ có mình chàng có bằng tú tài ở chỗ quận lỵ. Chàng lạc loài, cô độc, rụt rè, không kết giao với ai, chiều chiều đi làm về, thay đồ py-gia-ma, bồng con đi lóm thóm trước dãy phố như không trông thấy ai, như ôm riêng cái hạnh phúc của mình đi bơ vơ đui điếc giữa mọi người. Mắt chàng không dám nhìn vào ai cả, sau cặp kính cận thị. Chị biết “ông tú” đó rất hiền lành, lén lút mê chị, và mỗi lần chị đón lại hỏi han về đứa con thì “ông tú” lúng túng vụng về khờ dại.
Khi chợ tan, người thợ hớt tóc sát cạnh nhà chị cũng thu dọn đồ đạc, cất vào một chiếc va-ly đóng bằng gỗ, vỏ bọc bên ngoài đan bằng mây, đem va-ly ấy gởi bên nhà chị, rồi ra về... Những cái đó, những kỷ niệm đó, chị có cảm tưởng chúng nó như là... vừa xứng với cuộc sống của mình. Còn cảnh chợ búa ở đây... nắng chiều ở đây chói chang, xa lạ.

Chị cởi áo dài ra, tìm quanh quẩn rồi đành vắt lên cái đinh mà Tại dùng treo cà-vạt. Chị mặc vào chiếc áo cụt màu hồng lạt; tay chị đang gài nút bỗng vấp phải một cái khuy quá chật. Chị dừng lại, cúi xuống nhìn: giữa hàng nút đỏ xen vào một hột nút trắng lớn hơn bằng rưỡi. Tuần trước cái bàn ủi đẩy quá tay đã làm đứt của chị một hột nút áo, cháu Ngân lượm chơi và quăng mất trên mái ngói nhà bên cạnh. Những chuyện nhỏ nhặt ấy đuổi theo chị đến tận nơi này.

Chị vuốt tay từ trên ngực xuống đến bụng, rồi lại nhìn xuống áo: hột nút trắng vẫn trâng tráo nhìn chị. Chị đau nhói trong lòng. Tự nhiên chị cảm thấy mình đã đi xa quá, chị bơ vơ quá.

Tại bước nhanh lên thang lầu đi thẳng vào phòng, vui vẻ như có điều gì muốn nói ngay với chị. Nhưng trông thấy chị, chàng ngừng lại, nghẻo đầu chải tóc, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn trộm chị. Nhiều giọt nước còn đọng trên cánh tay, trên cổ chàng, trên ngực, giữa cổ áo chàng... Nước lạnh mới tắm xong làm cho chàng tươi tỉnh, trông trẻ thêm ra. Chàng tiến đến đứng bên cạnh chị, và cái sinh lực, cái vẻ khỏe khoắn sung sướng phô bày tràn trề trên người chàng làm cho chị bất giác lo sợ.

Tại ái ngại: “Em có chuyện gì?” Chị không nói được. Câu hỏi đó gợi sự khổ sở của chị gấp thành hình. Chị muốn tuôn ra khóc.

Tại ném nhẹ cái lược lên mặt bàn, thân mật ngồi xuống bên cạnh chị. Có phải sự gần gũi đó làm cho chàng thình lình thông cảm được tâm trạng của chị? hay có phải vì chàng vốn thành thạo tâm lý đàn bà? Chàng nắm lấy bàn tay chị nhẹ nhàng và nói:
– Hồi anh còn nhỏ, gia đình có lần thay đổi chỗ ở. Hôm dọn đến nhà mới, lúc ba má anh giăng cái võng ra, mỗi người cầm mỗi đầu để cột vào móc, má anh vùng mủi lòng, ngồi khóc. Lúc sửa soạn chỗ ăn chỗ nằm người ta chợt nhớ tới cái chỗ ở đã bao nhiêu lâu vừa rời bỏ, mặc dù không làm điều gì quấy...

Chị không cầm được nữa, bật lên tiếng khóc. Tại ngừng nói, quay lại, đặt tay lên vai người yêu, kéo chị xoay người áp mặt vào ngực mình. Sự tiếp xúc thình lình đánh tan cảm tưởng lo ngại, đem lại cho chị sự yên tĩnh. Tuy nhiên, chị vẫn còn khóc, để cho nước mắt mỗi lúc mỗi làm cho mình êm dịu lần lần. Bây giờ thì chị đã có cái gì để nương tựa.

Chị nghĩ đến câu nói của Tại. Chị nhớ đến mẹ, và nhớ một thói quen của mình hồi nhỏ. Mãi đến khi lên năm lên bảy tuổi, đi dạo chơi với người lớn chị vẫn luôn luôn nắm tay người lớn để được dắt đi. Quen như thế; nhiều lúc không cố ý, tự nhiên tay chị cũng đưa lên chới với tìm bàn tay người lớn. Những hôm mẹ bồng em thì chị phải nắm lấy một chéo áo của mẹ. Nắm nhẹ nhẹ, vì mỗi lần chéo áo chằng mạnh ra, mẹ lại la rầy hay giật đi. Mẹ chị đâm ngượng giữa chỗ đông người về cái cảnh tượng một người đàn bà đi giữa đường có đứa trẻ nâng cao tà áo lên. Chị tìm sự nâng đỡ gì trong cử chỉ ấy? Ðứa bé không tìm gì cả, nhưng bỏ bàn tay hay chéo áo ra nó thấy bơ vơ lo sợ. Dầu không hề để ý đến mẹ nó, dù vừa đi vừa ngoảnh nhìn con vịt bơi giữa hồ sen, con châu chấu đậu trên lá cây sặt, con sáo kêu lớn trên cành cây bàng v.v... đứa trẻ vẫn cần tay nó không rời mất chéo áo mẹ. Bây giờ, khôn lớn, chị vẫn còn cái lo ngại vẩn vơ đó. Chị không dám buông thả chéo áo thành kiến của xã hội. Rời bỏ một thói quen, rời bỏ cuộc sống trong phép tắc được dư luận thừa nhận, để tìm theo hạnh phúc của mình, chị bất giác lo lắng. Tay chị quờ quạng chới với sờ kiếm sự nâng đỡ, sờ kiếm một chéo áo.

Một bàn tay của Tại đặt lên đầu chị. Tại thương chị, nhưng không cùng xúc động vì cái cớ đã khiến chị xúc động. Chàng tỉnh táo, đứng ngoài sự xao động của người yêu. Vì thế, dần dần chính chàng cảm thấy cử chỉ ôm ấp của mình có vẻ giả tạo, càng kéo dài càng làm cho chàng lúng túng. Chàng đi lạc dần ra xa sự xúc cảm của chị.

Chị nhận thấy vòng tay của người yêu xung quanh chị nới lỏng ra, tay chàng mềm đi. Rồi mấy ngón tay đang bấu vào vai chị đã thả ra tự lúc nào, bắt đầu gõ nhịp nhè nhẹ xuống lưng chị trong lúc bàn tay kia vuốt tóc chị một cách thờ ơ. Chị yên lặng, – qua vai người yêu, mắt chị nhìn xuống chiếc chiếu bông cũ kỹ trên giường, – phân vân giữa nhiều ý tưởng lộn xộn không chịu thành hình trong trí.

Bỗng chị nghe vang lên một tiếng “bộp” trên bức vách, một tiếng kêu bộng rỗng khô khan. Chị ngước mắt trông lên, gặp một tờ lịch lớn bị gió phất đánh vào bìa, tờ lịch của một hãng sản xuất vỏ ruột xe hơi Nhật Bản, vẽ hình hai cô gái đẹp bên bờ bể. Tiếng tờ lịch tăng thêm cảm tưởng an toàn yên tĩnh xung quanh hai người trong gian phòng vắng vẻ...

Ðêm ấy có trăng. Lúc Tại ghé nằm, chị ngoảnh mặt tránh qua phía cửa sổ, nhìn ra ngoài trời. Trong đêm khuya im lặng, chị nghe tiếng xè xè của bình điện cọ vào bánh xe của một chiếc xe đạp lẻ loi nào lướt đi vội vã dưới đường. Chị lắng tai theo tiếng xè xè đang mất hút về phía cuối đường, chị cố gắng, cố hướng tai đuổi theo, như bấu víu tuyệt vọng lấy cơ hội cứu thoát cuối cùng..., nhưng muộn rồi: chị chợt rùng mình... Lần đầu tiên chị ngoại tình.

Qua vai người đàn ông, chị nhìn theo ngôi sao lợt lạt nháy trên trời cao thăm thẳm và sáng mênh mông. Và một vạt mây đùn lên như hình một người rạp mình cưỡi trên con ngựa đang phi, đầu tóc người kỵ sĩ nổi lên một cái bờm cao. Người ngựa lặng lẽ trôi nhanh giữa vòm trời...

Một lúc sau, Tại ngồi dậy, ở mép giường, dựa lưng vào vách. Chàng đánh một que diêm châm thuốc hút, rồi mân mê lơ đãng bao diêm rỗng trong tay. Một lát, chàng vứt bao diêm xuống sàn nhà. Chị nghe một tiếng kêu nhỏ, lại một tiếng rỗng và khô, gọn gàng.

Gian phòng trở về với sự yên tĩnh hoàn toàn. Chị vẫn nằm im, hé mắt theo dõi cử chỉ của người yêu. Chị nghĩ thầm: “Anh ấy hút thuốc và thu mình lại, yên lặng. Còn người chồng của mình thì mỗi lần sau đó cũng đốt một điếu thuốc, nhưng lại ậm è cựa quậy, loay hoay, cử động vô ích, làu nhàu, gắt gỏng vu vơ...” Từ trước tới bây giờ chị chỉ biết có một người đàn ông, những thói quen nhỏ nhặt của một người đàn ông khác như mở ra cho chị một thế giới mới. Chị e dè, ngập ngừng trước ngưỡng cửa của một cuộc đời mới. Chị có cảm tưởng mình nép sát xuống, và sẽ lén âm thầm theo dõi Tại, nhìn theo khói thuốc chàng thở ra bay tỏa tan lịm trong ánh trăng, nhìn mái tóc chàng, rình rập sự im lặng khó hiểu của chàng... Chị quan sát Tại như lần mò sờ sẫm thám hiểm một hiện tượng, trong lòng hơi phập phồng một hoang mang nhẹ nhàng khó tả.

Chị nằm im nghiêng mắt nhìn một nửa đầu Tại in đen trên nền trời ngoài khung cửa sổ. Sau cái đầu ấy, đám mây hình người kỵ sĩ rã lần ra, bờm tóc tước mỏng bay tơi bời, chiếc cằm và mũi và tay nhểu dài ra, rã rời, trôi đi thành từng vệt trắng dài. Trời sáng trước mắt chị rộng quá! rộng quá! Có tiếng cửa nhà ai đập vu vơ trong đêm trăng, giữa cái hoang mang chơi vơi...

... Ngồi trong xe chị Lê nghĩ thầm: “Người chồng của mình đốt một điếu thuốc, rồi trăn trở ậm è, cựa quậy, loay loay, cử động vô ích, làu nhàu gắt gỏng vu vơ. Anh Tại thì cũng hút một điếu thuốc, nhưng thu mình lại yên lặng, lờ đờ... Còn người đàn ông này, người hiện cùng ngồi một chiếc tắc-xi với mình đây, tay buông lỏng vừa rơi trên đệm xe, người này thì mỗi lần như thế lặng lẽ đi tìm cái ly hớp vài ba hớp nước, rồi trở lại nằm yên...” Những người đàn ông ấy, họ không thể biết nhau đến như thế; họ giận nhau, họ giận chị vì chị đã thấy tất cả mỗi người trong bọn họ. Nhưng nếu họ thật biết chị, thì hẳn là họ không có gì để oán hận. Chị có cảm tưởng thân phận mình là một cái gì quá mong manh, hết sức mong manh. Một thói quen không đâu trong sự sinh hoạt thân mật của người đàn ông, một vài chi tiết nhỏ nhặt trên thân thể một người đàn ông, cũng làm chị bỡ ngỡ, phân vân, e sợ vẩn vơ, như là lo ngại trước một chân trời lạ, trước định mệnh của mình. Biết bao nhiêu lần chị cố tránh mắt không muốn ngó đến những bàn chân lõa lồ của họ, nhưng vẫn bị chúng thu hút, chị vẫn nhìn như phải tò mò thám hiểm một cái gì có quan hệ đến đời mình: thật là vô duyên cái cảnh tượng trơ trẽn của những bàn chân rạc rời ngơ ngác, có những khổ bàn chân nhu nhược, những tướng bàn chân hung tợn, có những ngón chân ngắn ngủn và nép khít lại bên nhau, khít chặt lại trông dễ ghét như một thái độ rụt rè cẩn tắc quá đáng, những ngón chân ấy mà bám riết xuống mặt guốc!

Người đàn ông bên cạnh chị vừa đề nghị chị đến chung sống với anh ta ít lâu. Chị thở ra một hơi dài. Chị muốn được khỏi nghĩ tới chuyện ấy nữa... muốn ngoảnh mặt đi. Chị đâu có muốn trông thấy... nhưng rồi chị sẽ bận bịu vì những điều thân mật nhỏ nhặt của anh ta... Úi chà! chị muốn được khỏi nghĩ đến gì hết, chỉ muốn phơi mặt hứng lấy cái gió mạnh lồng lộng mát mẻ của đêm khuya đập tơi bời vào mặt mình.

Ðàn ông, ôi chao, những người đàn ông! Có người nhìn chăm chăm vào mắt chị lúc ấy, có người đưa tay sờ nắn thăm dò. Họ rình xem từng phản ứng trên nét mặt, trên từng sớ thịt của người chị. Có người dùng sức mạnh mẽ, và hơi thở của chị bị cắt đứt hực hực... Họ tìm cách kích thích, và họ muốn thưởng thức sức mạnh của họ, tác động cuồng bạo của họ, kỳ công hoạt động của họ, họ muốn bắt gặp, trông thấy sự hung hăng của họ... Họ muốn xông xáo vào những phản ứng thân mật của đàn bà, họ khoái trá trong sự xâm nhập tàn nhẫn, khai phá tung hoành, phá vỡ những bí mật ấy. Và sau cùng, có người theo dõi lúc chị mặc đồ vào với cái nhìn không thể chịu được... Thật nản!

Còn người đàn ông bên cạnh chị, anh ta vừa đề nghị chị đến sống chung với anh ta ít lâu. Ðề nghị chị phải chú ý đến anh ta hơn mọi người khác, trong ít lâu phải quan tâm, phải lấy làm quan trọng sự ăn ở với anh ta...
Ðàn ông! Thế mà không có họ, chị Lê không tưởng tượng ra chị sẽ sống cách nào, ra sao... 

Chiếc xe hãm tốc độ. Gió không lọt từng lọn qua kẽ tay nữa. Chị xoay người tìm khuôn mặt người đàn ông ấy. Chiếc xe ngừng hẳn. Anh ta đưa vòng tay qua người chị, mở cánh cửa xe. Chị Lê bước xuống. Người đàn ông còn chờ tài xế trả lui mấy đồng bạc. Ánh sáng của hai chiếc đèn pha chiếu vào những giọt mưa nhỏ lắc rắc, li ti, chiếu xuống mặt đường đầy những xác trái dầu.

Chiếc xe rồ máy, quay đầu, quét một vòng ánh sáng lên quãng đường la liệt những trái dầu. Chị Lê theo sau người đàn ông, đi qua một khoảng sân nhỏ, chân chị đạp gãy những cánh trái dầu vểnh cong lên. Và khi người đàn ông ấy bật ngọn đèn trước nhà thì chị thấy trên thềm nhà, trên các bậc cấp, đâu đó đều có trái dầu nằm la liệt, bết xuống đất vì nước lép xép của cơn mưa vừa qua. Có lẽ không có giờ nào trong ngày mà trái dầu nằm nhiều như vào lúc này, lúc chị đi làm về: suốt ngày chúng rơi, rơi đổ xuống tả tơi trong sự hoạt động của thành phố, cho đến khuya chúng chồng chất đầy đường, rồi chốc nữa đây, khi số lượng chúng đã tới độ tối đa thì những người phu dọn đường đi quét dồn một loạt, đưa chúng ra ngoài thành phố.

Trong khi chị bước chân vào nhà thì trí chị víu lấy những trái dầu, như trước kia có một lần tai chị đã đuổi vói theo tiếng xè xè của một bình điện xe đạp. Chị nhớ những trái dầu đã rơi trên những nẻo đường quen thuộc của chị trong đô thành: Pasteur, Công Lý, công viên Tao Ðàn, bà huyện Thanh Quan..., những trái dầu mỗi chiều rơi trước cửa các phòng trà, tiệm nhảy mà chị vừa bước chân tới, những trái dầu mỗi sáng mệt mỏi chị thức dậy trưa, rơi chạm vào cửa sổ, những trái dầu của những ngày đau yếu nằm nhà, những trái dầu khẽ gõ nhẹ nhàng ngoài cửa hoặc bay lọt vào tận trong phòng khiến chị nằm hiu hiu buồn, nhớ Sài Gòn mênh mang, nhớ đường nhựa rộng, nhớ cuộc sống rạo rực... Chúng thành ra những kỷ niệm thâm thiết. Những trái dầu vừa rơi vừa xoay tít hai chiếc cánh mỏng dính, rất xinh, có những trái lớn trông như những cái kiện lông gà, có những trái rụng héo, nhỏ như những con bướm con... Những buổi trời vừa mới tối, sau cơn mưa dông ngắn của tháng tư tháng năm, chị đến chỗ làm, bước vào sân, thấy chúng bị gió mưa thổi rụng nằm la liệt trên những vũng nước lép nhép, mất hẳn cái dáng linh động của lúc bay lăn tăn giữa trời, trông tội nghiệp như những sinh vật, như những con phù du, chúng giống như... như những con mối cánh! Con mối cánh của những câu hát nhảm nhí:
      Vui ta la vui mừng vui mừng vui!
      Mừng tà là mừng mừng mừng!2

Chị Lê đỏ mặt như bị động chạm vào cái nết hay xấu hổ của người đàn bà. Trời ơi là kỷ niệm!

Nghĩa vừa tắt đèn lớn, bật sáng ngọn đèn nhỏ ở cái bàn phía trên đầu giường, ngọn đèn có cái tán bằng giấy vẽ những con cá vàng rực rỡ những đuôi và vây to lớn... Gian phòng bỗng như ngột ngạt. Chị Lê muốn thở ra được một hơi dài mênh mang như hơi gió mát thổi trong đêm, chị ước mình sống được cái kích thước của gió rộng, thoát được ra khỏi cái ngột ngạt của gian phòng, thoát lên khỏi những ràng buộc phiền toái không đâu của cuộc sống, thoát lên khỏi những phiền hà sâu bọ của cuộc đời, tỉ mỉ nhằng nhịt như những hạt mưa đêm. Thật nản lòng.

(Trích từ cuốn Ðàn ông, truyện dài, 1966)
       
1 Nhan đề tạm đặt cho đoạn sách này, trích từ cuốn Ðàn ông xuất bản tại Sài Gòn năm 1966.
Về các nhân vật: Chị Lê là nhân vật chính. Khảo là người chồng cũ, Tại và Nghĩa là những người nhân tình của chị Lê.
2 Mấy câu mà chồng chị Lê vẫn hát ngày xưa, khi bắt mối cánh để rang ăn.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/09/vo-phien-ong-ke-no-nguoi-kia-1.html?utm_source=BP_recent
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001