Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

"Trung Quốc đừng tự coi mình là trung tâm, bất chấp luật pháp quốc tế”

Trong khi người Nhật cho rằng Trung Quốc là “một quốc gia tự coi mình là trung tâm và không tuân thủ các luật lệ quốc tế” thì các nhà sử học “khuyên” Trung Quốc không nên đi theo vết xe đổ của Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần II.
Nhà sử học Liu Jie, giáo sư trường đại học Waseda và là một chuyên gia về quan hệ Trung – Nhật hiện đại đang làm rõ các vấn đề lịch sử về quan hệ hai nước bằng cách tìm đến những manh mối từ thời kỳ chiến tranh của những năm 1930.
Bức ảnh được chụp vào năm 1933 cho thấy các binh sĩ Nhật cùng quốc kỳ nước này tiến vào phía bắc Trung Quốc. Biến cố Mãn Châu năm 1931 là sự mở đầu cho cuộc xâm lược của Nhật Bản vào Trung Quốc - Ảnh tư liệu.

Cơ sở lập luận của chuyên gia Liu chính là kết quả một cuộc thăm dò dư luận được tổ chức phi chính phủ Genron NPO (Nhật) và tờ Trung Quốc nhật báo (China Daily) thực hiện ở Nhật Bản và Trung Quốc hồi đầu năm nay. Ông Liu đã có bài viết trên tạp chí “Ngoại giao” (Gaiko) số 15 của Bộ ngoại giao Nhật Bản. 

Theo kết quả cuộc thăm dò, 84,3% người Nhật Bản “không ưa” Trung Quốc, kết quả tệ nhất kể từ khi cuộc thăm dò đầu tiên được thực hiện vào năm 2005. 

Lí do phổ biến nhất cho nhận định này, theo 54,4% người chọn là bởi vì “Trung Quốc có vẻ ích kỉ khi cố gắng chiếm lấy các nguồn tài nguyên và năng lượng”. Lí do thứ hai được 48% người trả lời đưa ra là “bởi vì tình trạng đối đầu về Senkaku vẫn tiếp tục” và 48,3% người trả lời thăm dò nói rằng “bởi vì Trung Quốc hành xử không tuân theo luật pháp quốc tế”. Người tham gia cuộc thăm dò có thể được chọn nhiều lí do. 

“Vụ tàu cá Trung Quốc va chạm (với tàu Canh gác bờ biển Nhật Bản năm 2010) đóng một vai trò lớn trong việc tạo dựng nên ấn tượng này. Bên cạnh đó, các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ và an toàn thực phẩm cũng có một phần tác động”, chuyên gia Liu, người sinh ra năm 1962, đã từng học tại Đại học ngoại giao Bắc Kinh và Đại học Tokyo, nhận xét. 

Theo ông Liu, “đó là bởi vì Trung Quốc hiện nay đã trở thành một cường quốc kinh tế và đang ngày ngày càng tự phơi bày bản thân mình trước các luật lệ của xã hội tư bản”. 

Trong bài viết của mình ông Liu cũng viết rằng việc người Nhật Bản nhìn nhận Trung Quốc là quốc gia không tuân thủ luật pháp quốc tế “cũng giống như cảm nhận (của người Trung Quốc về Nhật Bản) vào thời điểm xảy ra biến cố Mãn Châu”. Biến cố Mãn Châu xảy ra vào năm 1931 khi Nhật Bản mở đầu cuộc xâm lược Trung Quốc ở Mãn Châu.

Đế chế Nga đã thiết lập chế độ cai trị ở phía Bắc Mãn Châu năm 1860. Sau khi Nhật Bản giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật, lợi ích từ Tuyến đường sắt Nam Mãn Châu được chuyển từ Nga sang Nhật Bản. Nhưng sự chuyển giao này đã biến Mãn Châu trở thành điểm nóng. 

“Tuyên bố chủ quyền của người Trung Quốc nhằm đòi lại chủ quyền của nước này (về Mãn Châu cũng như lợi ích từ tuyến đường ray) đã xung đột với lập lập của Nhật Bản bảo vệ lợi ích của phía mình dựa trên các hiệp ước và luật pháp”, ông Liu nói. 

Các ấn phẩm truyền thông Nhật Bản đã chỉ trích: “Trung Quốc là một quốc gia không tuân thủ các hiệp ước hay các nghĩa vụ quốc tế”. 

“Vào thời đại của chủ nghĩa đế quốc, Nhật Bản lập luận rằng không có gì là sai trái khi mở rộng lợi ích của mình dựa trên cơ sở là các hiệp ước. Nhưng trong con mắt của người Trung Quốc, khi đó đang theo đuổi con đường giải phóng đất nước, những thỏa thuận được kí kết do sức ép là không công bằng hay hợp đạo lý”, ông Liu phân tích. 

Tuy nhiên, hình ảnh của Trung Quốc ngày nay không chỉ đơn giản là “sự quay trở lại” quá khứ. Ông Liu cho rằng còn có sự soán đổi vị trí giữa hai cường quốc Đông Á. Nếu như cách đây 80 năm Trung Quốc nhìn nhận Nhật Bản là một “kẻ bá chủ” thì ngày nay đó lại chính là nhìn nhận của người Nhật Bản về Trung Quốc. 

Vậy, việc nhận định một quốc gia khác là kẻ không tuân thủ luật pháp có tác dụng phụ gì?

“Nếu bạn ngày càng cho rằng một ai đó là sai còn bạn thì đúng thì khi đó ít có khả năng bạn sẽ suy nghĩ cởi mở. Khi đó, sẽ rất dễ có tư tưởng bề trên và khinh khi đối với người khác. Những gì xảy ra vào những năm 1930 đã dạy chúng ta rằng tình trạng đó có thể dễ dàng dẫn đến một cuộc xung đột”, ông Liu nói.
Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự với tốc độ “chóng mặt”.

Các học giả và các nhà nghiên cứu đang bắt đầu nghiên cứu bài học của những năm 1930 để khiến kỉ nguyên ngày nay, khi mà Trung Quốc soán ngôi Nhật Bản để trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ 2 thế giới, thành một kỉ nguyên hòa bình. 

Makoto Iokibe, cựu chủ tịch Học viện quốc phòng Nhật Bản và là một chuyên gia về lịch sử chính trị và ngoại giao Nhật Bản đã có bài viết trong quyển “Trung Quốc ngày nay” xuất bản năm 2011. 

Bài viết có tiêu đề “Trung Quốc, đừng đi theo vết xe đổ của Nhật Bản thời kỳ tiền chiến tranh” được xuất bản để nhắm đến độc giả Trung Quốc.

Ông Iokibe cho rằng Trung Quốc nên tránh rơi vào vòng tròn “đen tối”: khuấy động thế giới bằng hành động thúc đẩy năng lực quân sự và chủ nghĩa dân tộc, hậu quả là bị cô lập và sau đó đối mặt với một cuộc khủng hoảng do sự cô lập gây nên, và lại càng tập trung hơn vào sức mạnh quân sự và chủ nghĩa dân tộc.

Theo ông Iokibe, đây chính là “kịch bản của nước Nhật vào những năm 1930”. 

Akio Takahara, giáo sư Đại học Tokyo và là một chuyên gia về chính trị Trung Quốc hiện đại, đã viết trong tạp chí Thế giới ấn bản tháng 12 rằng: “Một điều nữa mà các công dân Nhật Bản có thể làm là kêu gọi người Trung Quốc suy xét lịch sử (của Nhật Bản khi mà quốc gia này “lao đầu” vào các cuộc chiến tranh) để ngẫm nghĩ về bài học mà Nhật Bản đã rút ra từ thời kỳ đó. 

Trong cuộc thăm dò ý kiến nói trên, 64,5% người Trung Quốc tham gia cho thấy họ “không ưa” Nhật Bản. Lí do chính được đưa ra với 78,6% người chọn, là “bởi vì chúng tôi đã từng tham gia vào một cuộc chiến tranh với nước Nhật trong quá khứ”. 

Khoảng 27,2% số người Nhật Bản và 50,2% số người Trung Quốc tham gia thăm dò cho rằng vào một lúc nào đó cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông sẽ xảy ra. 

Cuộc khảo sát này được thực hiện trước khi chính phủ Nhật Bản mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001