Thấy tin một vụ lộn xộn trước sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội
trên trang tin Anh Ba Sàm chợt nhớ lại cái truyện ngắn này, viết từ hồi
1988, ngay sau biên cố mất đảo Gạc Ma. Sau gần 25 năm, tính thời sự của
nó vẫn nguyên vậy, duy chỉ truyện vẫn không đăng được ở báo nào.
Bản tin thời sự buổi trưa
Đó là con người như thế nào?
Dẫu
đã có thói quen sẵn sàng đón nhận những bất ngờ lớn nhất, trung úy công
an Nguyễn Đạm, trực ban phòng an ninh hôm nay, vẫn không hề chờ đợi
điều cấp dưới của anh vừa thông báo: Một người đàn ông trạc ba lăm tuổi
đã có dự định dùng đá ném vỡ kính cái tụ ảnh của đại sứ quán Trung Quốc.
Theo lời khai đầu tiên của người đó thì ông ta làm thế là muốn tỏ thái
độ trước hành động xâm lược của họ ở mấy hòn đảo ngoài khơi.
Sau
khi lệnh cho đơn vị ở cơ sở đưa người đó lên gặp anh, Nguyễn Đạm cầm
ống nghe điện thoại, mà đầu kia đã gác máy, và nhìn chăm chăm vào nó.
Anh nhận ra anh đã không kịp hỏi thêm đôi điều cần thiết trước khi ra
cái lệnh này. Anh đã hành động theo thói quen được điều khiển bởi sự
ngạc nhiên, tò mò của người thường hơn là một sĩ quan công an đang làm
nhiệm vụ. Cũng không hẳn chỉ có thế, anh mơ hồ nhận thấy trong hành động
của mình còn có một nguyên nhân nào đó nữa?
Gác
ống nghe điện thoại vào máy, gấp lại tập hồ sơ đang đọc dở, anh châm
một điếu thuốc rồi tựa dài người vào ghế. Đó là con người như thế nào?
Kinh nghiệm cho biết có thể chờ đợi bất cứ điều tệ hại, xấu xa nào trong
bất cứ vẻ ngoài nào của con người, anh vẫn muốn hình dung đối tượng anh
sắp gặp thuộc loại người nào. Không phải là sự bồng bột, manh động của
giới sinh viên, cũng không phải là sự căm thù của một người cha có con
đang chiến đấu ở ngoài đảo, cứ giả thuyết như thế tuy trong thực tế đó
là điều hoàn toàn không nên. Ba lăm tuổi, có thể chờ đợi điều gì ở người
đàn ông vào tuổi đó. Còn hai năm nữa anh mới đến tuổi đó nhưng hoàn
toàn có thể suy luận từ chính bản thân mình. Chẳng hiểu sao anh tin rằng
cơ sở đã nắm sai tuổi của người đàn ông ấy. Nếu không phải lứa tuổi của
giới sinh viên thì ông ta phải là người bất đắc chí ở cỡ tuổi bốn lăm,
không còn hy vọng gì ở đường công danh sự nghiệp.
“Thế
đấy, suy bụng ta ra bụng người là thế đấy! Thật đầy đủ tính chất của
một tên cơ hội” - Anh đưa tay lên xoa hai mắt và thầm thốt lên câu ấy.
Dí
điếu thuốc lá mới chỉ hút vài hơi vào chiếc gạt tàn, anh đứng dậy và
bước ra cạnh cửa sổ. Anh muốn tập trung vào những suy nghĩ bất chợt đến
nhưng rồi lại ngắm nghía đường phố.
Trời
đang trưa, đã cuối xuân nhưng vẫn không có một tí nắng nào. Đường phố
ẩm ướt suốt mấy tháng nay. Dòng người đi xe đạp đều đặn trôi trên lớp
bùn nhớp nháp. Hiếm hoi lắm mới có một hai chiếc áo màu sáng nổi bật
giữa dòng người xám xịt một màu như bùn đất, như bầu trời. Có nhiều tin
đồn giá gạo sẽ tăng vọt vì cây lúa thiếu nắng để quang hợp.
- Cộp, cộp.
Đến
rồi, không muốn để những cảm xúc đã có ảnh hưởng đến công việc, anh vội
trở lại ngồi vào bàn và nhanh chóng tạo ra cho mình một vẻ mặt cần
thiết, rồi nói:
- Mời vào.
Trước
hết hãy để đồng chí áp dẫn làm hết phần việc của đồng chí ấy, chỉ chỗ
ngồi cho người đàn ông ấy, trình biên bản, hồ sơ cùng những tang vật, là
hòn đá to bằng nắm tay, cho anh và báo cáo thêm đôi điều cần thiết rồi
chào và quay ra.
Trước
mắt anh bây giờ là người đàn ông gầy gò và yếu đuối trong chiếc áo đại
cán từ thuở nào còn lại. Anh ta ngồi với dáng vẻ đầy lo lắng, sợ hãi.
Cái đầu cúi gầm xuống hai bàn tay cầm chiếc mũ nồi đen bạc phếch và bẩn
thỉu được cuốn tròn lại, đặt vào giữa hai gối. Anh ta sợ hãi vì lẽ gì?
Trông anh ta là một chàng trai ba mươi già trước tuổi hơn là người trông
trẻ hơn tuổi ba lăm của mình. Có một nét ngây thơ nào đó trong khuôn
mặt được tạo nên bởi mái tóc dày, hơi bồng lên, đầy vẻ thông minh và
chiếc cằm hơi vuông thanh mảnh. Trung úy Nguyễn Đạm cảm thấy vui vui một
cách vô cớ, anh đặt tờ biên bản vào tập hồ sơ và gấp lại.
- Anh tên gì?
Không ngẩng mặt lên, anh ta nói bằng giọng trong trong:
-
Xin đừng tra tấn tôi bằng cách ấy. Từ hôm qua đến giờ các anh đã hỏi
tôi không biết bao nhiêu lần là: Anh ở đâu, tên gì, làm gì, mấy tuổi.
Nếu anh muốn biết xin hãy đọc trong tờ biên bản, có chữ ký của tôi trong
ấy.
- Sao? Anh bị bắt từ hôm qua đến giờ à?
- Tối hôm qua. Lúc mười giờ.
Anh
hiểu rằng các đơn vị ở cơ sở đã làm cho người đàn ông này chai lì trước
câu hỏi được lặp đi lặp lại. Ngay cả sự hối tiếc nếu có cũng đã mất đi
sự thành khẩn ban đầu.
- Anh có hối tiếc vì việc làm của mình không?
-
Đồng chí chỉ huy, tôi không làm. Tôi chỉ dự định thôi và bây giờ thì
tôi biết chắc là tôi sẽ không bao giờ ném. Anh ta ngẩng đầu lên, hai tay
cầm chiếc mũ nồi ép vào ngực, động tác thường thấy ở các diễn viên sân
khấu kịch nói: Các đồng chí công an đã cho tôi biết nếu tôi ném vỡ tấm
kính ấy thì tôi sẽ phải đền. Nếu không bắt được tôi thì chính phủ ta
cũng phải đền. Tôi hiểu rồi, đồng chí chỉ huy, hành động của tôi là một
điều dại dột, chẳng đem lại điều gì cả nếu không nói là chỉ gây thêm
thiệt hại cho đất nước vốn đã rất nghèo khổ. Giá trị tấm kính ấy đủ cho
tôi sống nửa năm, các đồng chí công an nói với tôi như thế. Tôi hiểu
rồi, xin hãy thả tôi ra, đồng chí chỉ huy, tôi không hiểu lắm về chuyện
an ninh đối ngoại. Nhưng tôi cũng chỉ mới dự định thôi mà, tôi đã ném đá
đâu mà các đồng chí bắt tôi?
- Anh đã ném - Anh trung úy công an gần như quát lên, anh cảm thấy một cơn giận dữ xô đến - Nếu anh không ném thì anh giữ hòn đá này trong người làm gì?
Nhìn
thấy rõ người đàn ông giật bắn người rồi đứng bật dậy, đôi mắt thất
thần nhìn thẳng vào anh công an, long lanh rồi ướt đẫm lại. Anh ta bật
khóc hu hu:
- Đồng chí chỉ huy, tôi dại dột, tôi ngu dốt. Hãy tha lỗi cho tôi.
Anh
muốn làm điều gì đó nhưng không nghĩ ra được cử chỉ ấy nên lúng túng
không biết làm gì và vì thế anh càng tức giận. Anh trở nên độc ác chưa
từng có:
-
Sao hèn thế người anh hùng? Không dám chịu trách nhiệm về việc làm của
mình à? Hãy nói cho tôi biết khi anh dự định làm thế anh có nghĩ rằng sẽ
được mọi người tung hô chứ?
Người đàn ông vẫn chưa thôi nức nở:
-
Xin hãy cứ chửi mắng tôi, mỉa mai, giễu cợt cũng được. Đồng chí chỉ
huy, tôi là đứa ngu ngốc, tôi biết chắc là tôi sẽ không bao giờ ném vậy
mà tôi vẫn mang hòn đá đó theo.
Anh trung úy công an ngơ ngác. Lại thế nữa đấy!
- Làm sao các đồng chí công an bảo vệ ở đó biết là anh mang hòn đá này trong người?
-
Tôi đi xe đạp qua lại nơi ấy rất nhiều lần trước khi bị bắt. Tôi dự
định như thế nhưng rất lo sợ. Đồng chí chỉ huy, chắc chắn là tôi sẽ
không ném. Cả cuộc đời tôi chỉ toàn là dự định thôi mà. Tôi đã làm được
điều gì cho ra hồn đâu. Chẳng hiểu tại sao các đồng chí công an ở đó đã
nghi ngờ tôi và khi tôi vừa lấy hòn đá ra khỏi túi thì một tiếng hét
vang lên… Trước đó tôi đã mấy lần lấy nó ra khỏi túi nhưng tôi đã không
ném. Tôi đã nghĩ đó là… lần thử cuối cùng. Nếu không bị bắt thì tôi cũng
về và sẽ không có chuyện gì xảy ra cả. Tại sao lại bắt tôi chỉ vì một
dự định?
Anh trung úy cảm thấy buồn man mác:
-
Thôi được, cứ cho là anh sẽ không ném và tất cả chỉ trong dự định. Ta
hãy nói chuyện về cái dự định ấy. Trước hết anh hãy ngồi xuống.
Người đàn ông vẫn đứng, khuôn mặt thoáng hiện vẻ mừng rỡ rồi biến mất ngay. Anh ta bước đến một bước:
- Đồng chí chỉ huy, xin hãy thả tôi ra. Mẹ tôi sẽ rất lo lắng vì hôm qua tới giờ tôi chưa về. Bà ấy… đang ốm.
- Anh ngồi xuống. - Anh quát lên, cơn giận dữ còn lớn hơn cơn giận dữ lần trước bỗng ập đến.
Như
bị tiếng quát đẩy, người đàn ông ngồi thụp xuống ghế, khuôn mặt lại mếu
máo. Hình như anh ta nghĩ rằng chỉ có thể thuyết phục được anh công an
này bằng nước mắt và tin rằng mọi chuyện xấu đi là do mình tươi tỉnh quá
sớm:
- Mẹ tôi đang ốm, đồng chí chỉ huy.
Cơn
giận dữ vẫn tiếp tục trào lên trong người anh công an như nồi cơm sôi
lại quá lửa. Anh thừa biết đó là một câu nói dối. Không hiểu tại sao lúc
này anh lại nghĩ như thế là hết, cái quần đảo ấy.
- Anh nói đi.
- Nói cái gì ạ?
- Tại sao anh có cái dự định ấy - Anh lại quát.
Bây giờ thì người đàn ông cảm thấy ngay cả cái dự định ấy cũng có lỗi và có thể đi tù được vì điều đó.
- Hãy tha lỗi cho tôi, đồng chí chỉ huy. Tôi là kẻ điên rồ. Đó chỉ là dự định của kẻ điên rồ thôi mà.
- Tôi nói lại, vì đâu mà anh có cái dự định ấy? Có phải anh muốn làm anh hùng ngay giữa thủ đô hay không?
- Sao đồng chí lại nói thế? Nếu tôi muốn làm anh hùng thì tôi đã ném… và đã đứng lại để bị bắt…
Chợt
im lặng. Người đàn ông chợt nhận ra điều gì đó trước đây anh ta chưa hề
nghĩ tới. Anh trung úy công an thì nhận thấy cho đến bây giờ anh vẫn
chưa hiểu gì về người đàn ông này. Anh nhìn anh ta và anh ta nhìn lại
anh. Phút im lặng dài quá mức cần thiết cho sự ngạc nhiên.
- Vậy thì tại sao anh làm thế, mang đá trong người?
Nhận
thấy trong câu nói của người công an không còn có sự bắt buộc phải trả
lời của người hỏi cung, người đàn ông cảm thấy tự tin hơn và anh ta cũng
đã bắt đầu cảm thấy mình bắt đầu có một ít uy thế nào đó.
-
Tôi muốn tỏ thái độ. Đúng hơn là tôi ngạc nhiên vì cho đến bây giờ chưa
một ai tỏ thái độ gì về việc họ đánh chiếm mấy quần đảo. Chỉ có mỗi
mình đài báo nói. Cơ quan chúng tôi cũng đã mời một đồng chí trung tá
quân đội về nói chuyện thời sự, mọi người cũng đã ký vào bản quyết tâm
thư và đóng góp mỗi người một ngày lương gửi cho các chiến sĩ giữ đảo,
không khí lúc ấy thật trang trọng. Thế mà lúc về, điện đường thì mất,
năm ngọn đèn nê-ông trong bản ảnh của sứ quán soi rõ cả một góc phố lại
thêm hàng chục bức ảnh rực rỡ màu sắc, đầy lôi cuốn. Tôi không ghét các
bức ảnh, tôi chỉ ghét sự thản nhiên của nó, chung quanh tối om mà nó
sáng quá, rực rỡ quá. Tôi muốn tỏ một thái độ nào đó thiết thực hơn một
chữ ký trên giấy. Đó là tôi chỉ nghĩ thế thôi chứ tôi không hề có ý định
sẽ ném đá vào đó. Hãy tin tôi, đồng chí chỉ huy, tôi chỉ ngạc nhiên là
tại sao mãi không có ai ném… cái gì vào đó. Đúng hơn thì không phải là
tôi ngạc nhiên, tôi chỉ thắc mắc.
Hết
ngạc nhiên rồi thắc mắc. Anh không hề cảm thấy khó hiểu trước việc tìm
chữ để diễn tả cái điều đơn giản ấy của người đàn ông này. Phức tạp thật
đấy nhưng dễ hiểu biết bao. Đó không phải là sự an phận, cũng không chỉ
là nhút nhát, cầu an. Có cái gì đó còn cao hơn thế nữa. Sự kìm hãm.
-
Được, cứ cho là anh chỉ ngạc nhiên, chỉ thắc mắc, nhưng từ đó đi đến
việc nhặt hòn đá bỏ vào túi không phải là chuyện đơn giản. Anh đã suy
nghĩ như thế nào?
Người
đàn ông lại kẹp hai tay cầm chiếc mũ nồi bạc phếch vào giữa gối. Mái
tóc dày và chiếc cằm thanh mảnh bây giờ lại thể hiện một sự yếu đuối đến
thảm. Đã thế hai cánh mũi lại hơi hếch đầy vẻ tham lam, dục vọng. Một
con người ham muốn nhiều nhưng không đủ sức. Cái chính là thiếu một ý
chí, luôn chờ đợi phép lạ nào đó sẽ đến, kiểu như các điều ước. Anh trở thành thầy xem tướng số từ bao giờ vậy nhỉ ?
- Thế nào, anh suy nghĩ gì khi nhặt hòn đá bỏ vào túi?
Im lặng thêm một lúc nữa người đàn ông mới ngẩng mặt lên nói:
-
Đồng chí chỉ huy, xin hãy tha lỗi cho tôi, quả thật là tôi muốn ném cho
vỡ tấm kính ấy nhưng tôi sợ. Sự ham muốn thực hiện hành động ấy thôi
thúc tôi suốt đêm ngày và cuối cùng, như bị quỷ ám, tôi nhặt hòn đá ấy
rồi đi qua đi lại chỗ đó mà chẳng biết mình làm thế là vì lẽ gì nữa?
Người
đàn ông lại cúi đầu xuống, rưng rưng khóc, hai vai rung lên - Làm sao
một thằng như tôi mà lại có thể làm được chuyện đó cơ chứ?
Anh
trung úy công an không hề chờ đợi điều này, anh cảm thấy xót xa như
chính mình có lỗi. Anh đứng dậy đi đi lại lại trong phòng và thỉnh
thoảng lại nhìn người đàn ông ấy khóc. Có điều lạ càng thương hại anh ta
bao nhiêu anh lại càng giận anh ta bấy nhiêu. Và bỗng thấy căm ghét
ngay cả bản thân mình nữa.
- Tên anh là gì?
- Tuấn. Hoàng Tuấn ạ.
- Anh làm việc ở đâu?
- Tôi là giáo viên cấp hai, dạy môn văn ở trường phổ thông cơ sở.
- Gia đình anh thế nào?
- Chúng tôi li dị cách đây hai năm, sau chừng đó năm chung sống.
- Tại sao thế?
- Tôi cũng không biết nữa. Có lẽ vì cô ấy yêu người khác.
- Anh có yêu cô ta không?
-
Tôi vẫn mong cô ấy quay trở lại. Nhưng - người đàn ông ngẩng đầu lên -
đồng chí chỉ huy, đồng chí hỏi những điều ấy để làm gì ạ?
- Anh hút thuốc đi. Học sinh cấp hai hiện nay, ở môn văn, học những gì?
- Đồng chí chỉ huy, xin đồng chí đừng nghĩ thế.
- Đừng nghĩ cái gì?
- Không có sự liên quan nào giữa những điều tôi dạy các em và việc làm của tôi đâu.
Cơn giận lại bừng lên trong anh công an, anh nói như quát:
- Sao anh có vẻ xấu hổ vì việc làm của mình thế?
Người
đàn ông ngơ ngác nhìn vào mắt anh công an và anh ta bỗng hiểu tất cả.
Lần này thì anh ta khóc bằng giọng mũi, không thành tiếng, đầu cúi xuống
lắc qua lắc lại vẻ đau xót.
- Tôi xin lỗi, tôi xin lỗi.
Xin
lỗi cái gì ? Xin lỗi ai ? Anh trung úy công an muốn hét lên thật to câu
hỏi ấy nhưng rồi lại ngồi thịch xuống ghế nhìn chằm chằm vào người đàn
ông trước mặt.
- Bây giờ thì tôi cho anh về nhưng anh hãy hứa là sẽ không bao giờ thực hiện cái dự định ấy nữa.
- Đồng chí chỉ huy…
- Anh về đi và hãy cố sống cho đàng hoàng vào, tự tin hơn và đừng bao giờ thực hiện cái dự định ấy nữa.
Họ bắt tay nhau và hai ánh mắt nhìn thẳng vào nhau hằng phút không chớp, người đàn ông cúi đầu xuống:
- Tôi hiểu.
- À, khoan đã, anh công an sực nhớ ra, tôi muốn gọi điện cho cơ quan anh để xác minh lại tất cả. Anh cho tôi biết số máy.
Mặt người đàn ông chợt tái đi.
- Đừng, đồng chí chỉ huy, tôi xin đồng chí.
- Anh sợ cái gì? Có thể mọi người sẽ nghĩ tốt về anh đấy.
- Đừng, đồng chí chỉ huy. Tôi đang là đối tượng để xét kết nạp... Mọi điều xảy ra đều không tốt, hơn nữa lại bị công an bắt.
Anh công an nhíu mày, lưỡng lự một lúc rồi nói:
- Thôi được, anh ra phòng ngoài làm giấy tờ rồi nhận lại xe đạp mà về. Chào anh.
Thỏa
hiệp! Mình thành tên thỏa hiệp từ bao giờ vậy nhỉ? Còn lại một mình
trong phòng anh nghĩ về bản thân như nghĩ về một người nào khác.
Đúng
mười hai giờ. Nhạc hiệu báo giờ ở chiếc loa công cộng nào đó vọng đến
xa xa nghe không rõ tiếng phát thanh viên đang đọc bản tin thời sự buổi
trưa.
Hồ Trung Tú
Hồ Trung Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001