Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Các nhà thờ trong TGP Sài Gòn phổ biến bản Nhận định và góp ý HP của HĐGMVN
VRNs (11.03.2013) – Sài Gòn – Hôm qua, Chúa nhật, ngày 10 tháng 03 năm 2013 tại nhiều nhà thờ trong Giáo phận Sài gòn đã phổ biến thư kiến nghị sửa đổi hiến pháp của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN).

Tại nhà Thờ Đức Bà (chính tòa Sài gòn) đã dán ngay trên bảng thông báo của giáo xứ, giáo xứ Thủ Đức cũng đã dán trên bảng thông báo ngay cổng vào nhà thờ, Giáo xứ Hiển Linh cũng đã dán và tất cả đều đọc cho giáo dân nghe trước khi ban phép lành cuối lễ, riêng tại Giáo xứ Hiển Linh không chỉ đọc, chiếu lên các TV hai bên nhà thờ, chiếu lên màn ảnh rộng cuối nhà thờ để cho những ai ngồi ngoài sân cũng có thể thấy mà còn photo 1000 bản phát cho giáo dân tham dự thánh lễ đem về đọc.


Bảng thông báo phổ biến Bản nhận định và góp ý của HĐGMVN tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn


Giáo dân giáo xứ Hiển Linh, Thủ Đức, theo dõi Bản nhận định và góp ý thông qua máy chiếu ở ngoài sân

Theo thông tin chúng tôi được biết, thì nhiều nhà thờ của 14 hạt trong giáo phận đều đã phổ biến thư kiến nghị của HĐGMVN, những nơi còn lại thì chưa chuẩn bị kịp nhưng cũng sẽ phổ biến cho giáo dân biết.

Anh Bình ở Thủ Đức chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ Cha xứ phổ biến thư kiến nghị của HĐGMVN. Đó là dịp để mọi tín hữu được biết là HĐGMVN đang lên tiếng bảo vệ và bênh vực các quyền của con người. Theo tôi nghĩ thư kiến nghị này phải được phân tích kỹ và phổ biến rộng rãi cho các giáo dân của các giáo phận được biết”.

Chị Maria Kim Thu thì nói là nhờ có Cha xứ thông báo và đọc cho giáo dân nghe nên tôi mới biết và thấy các điều trong hiến pháp đều mâu thuẫn và ép dân quá. Dân xem ra chẳng có quyền gì trong xã hội này.

Anh Nghĩa thì chia sẻ: “Từ trước tới nay không ai biết và cũng không ai dám nói sự thật nay HĐGM lên tiếng và phân tích những cái sai, cái bất hợp lý trong hiến pháp Việt nam tôi rất khâm phục và tâm đắc, những quyền của con người từ trước đến nay là không có và không được coi trọng và bảo vệ”.

Một người Úc tên Philip Jony đi lễ ở nhà thờ Đức Bà sau khi đọc thư kiến nghị cho biết hoan hô HĐGMVN đã dám lên tiếng nói bảo vệ và đấu tranh cho quyền lợi và quyền con người.

Một Cha xứ nói rằng mình phải có bổn phận và tất cả các Cha xứ phải có trách nhiệm phổ biến thư kiến nghị của HĐGMVN cho giáo dân của mình biết, để họ nhận thấy rằng các quyền mà con người phải có đã bị lấy mất, và quyền hành chính trị đã chiếm đoạt các quyền đó của con người mà rất nhiều người không nhận ra.

Chúng tôi hỏi một Linh mục trẻ là khi phổ biến thư kiến nghị sửa đổi hiến pháp của HĐGMVN, Cha có lo ngại là nhà cầm quyền họ sẽ làm khó dễ Cha không? Cha nói: “Nếu mà tôi sợ tôi đã không phổ biến cho giáo dân biết, với lại đây là thư kiến nghị của HĐGMVN là của tập thể giáo dân cả nước mắc gì tôi phải sợ?”.

Sau khi dạo quanh các nhà thờ của hai giáo hạt chúng tôi ghé quán nước ven đường ở Quận 9. Chúng tôi hỏi chị bán nước là chị có biết là nhà nước kêu gọi toàn dân góp ý sửa đổi hiến pháp không? Chị trả lời: “Ở đây phường có phát cho mỗi nhà một tờ bảo ghi tên, số nhà, phường xã xong ký tên rồi gửi lại cho họ”. Chúng tôi hỏi thế chị có ký không? Chị trả lời: “Ngu gì ký, ở đây nhiều người cũng không ký vì có biết gì mà ký, kêu dân góp ý mà có thấy cho dân góp ý gì đâu, cứ đưa ra bảo ký vào rồi nộp biết nó ghi cái gì trong đó ký cho chết à? Tôi không ký”.

PV. VRNs
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2013/03/cac-nha-tho-trong-tgp-sai-gon-pho-bien.html#more
======================================================================
Vì sao Hội đồng Giám mục góp ý Hiến pháp?
Đoàn Xuân Lộc (BBC) - Trong Bản nhận định và góp ý gửi tới Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hôm 01/03, Hội đồng Giám mục Việt Nam không chỉ bày tỏ bất đồng với Điều 4 mà còn mạnh dạn nêu lên những mâu thuẫn, bất hợp lý trong cơ cấu chính trị tại Việt Nam và những hậu quả mà những mâu thuẫn, phi lý ấy mang đến cho người dân và đất nước.

Có thể nói từ trước tới nay chưa bao giờ các Giám mục Việt Nam thẳng thắn, công khai và mạnh dạn lên tiếng như vậy. 

Điểm ‘tử huyệt’ của chế độ 

Bản nhận định, góp ý của các Giám mục Việt Nam đã nêu rõ rằng “trong Hiến pháp không nên và không thể khẳng định một cách tiên thiên sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phái chính trị nào, vì chủ thể của quyền bính chính trị chính là nhân dân”. 

Và vì vậy, cần “xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính trị nào, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, do dân bầu ra và là đại diện đích thực của nhân dân, chứ không phải là công cụ của một đảng cầm quyền nào”. 

Với những nhận định rõ ràng và dứt khoát như vậy, một cách gián tiếp Hội đồng Giám mục muốn loại bỏ Điều 4 khỏi Hiến Pháp dù trước đó năm ngày, Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cho rằng những ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 là suy thoái đạo đức, lối sống. 

Ngoài việc dám thẳng thắn điểm vào ‘tử huyệt’ của đảng Cộng sản, Bản nhận định và góp ý của các Giám mục còn nêu lên nhiều mâu thuẫn, phi lý trong cơ cấu chính trị ở Việt Nam và những mâu thuẫn, bất hợp lý ấy được thể hiện ngay trong nội dung của Hiến pháp. 

Theo nhận định của HĐGM, chính những mâu thuẫn và phi lý ấy là “lý do lớn, dẫn đến tình trạng trì trệ và chậm tiến của Việt Nam về nhiều mặt. Các Giám mục kêu gọi phải có những thay đổi căn bản về “quyền con người”, “quyền làm chủ của nhân dân”, và về việc “thi hành quyền bính chính trị”, trong lần sửa đổi Hiến pháp lần này. 

Tiếng nói chính thức, mạnh mẽ 

Có thể nói đây cũng là lần đầu tiên các Vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo Việt Nam công khai và mạnh mẽ lên tiếng về một việc hệ trọng của đất nước, dân tộc như vậy. 

"Một cách gián tiếp Hội đồng Giám mục muốn loại bỏ Điều 4 khỏi Hiến Pháp dù trước đó năm ngày, Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cho rằng những ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 là suy thoái." 

Vào năm 2002, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có Thư ngỏ gửi lãnh đạo các cơ quan lập pháp của Nhà nước Việt Nam. Trong Thư ngỏ đó các Giám mục Việt Nam đã nhận định rằng để “xây dựng và phát triển một xã hội nhân bản, một xã hội không làm què quặt và hủy hoại con người”, cần phải “xóa giảm những khuyết tật hiện hữu của xã hội”, như “cơ chế xin-cho” và “phát huy những giá trị nhân bản làm cho con người ngày càng trở nên người hơn, sống xứng với phẩm giá của mình hơn”. 

Đó lần đầu tiên kể từ năm 1975, Giáo hội Công giáo mới công khai và mạnh dạn nêu những vấn nạn trong xã hội, đặc biệt là cơ chế xin-cho. Tuy vậy, so với những điều được nêu trong Bản nhận định, góp ý lần này, thì nội dung Thư ngỏ đó nhẹ nhàng hơn nhiều. 

Trong thời gian qua có một vài Giám mục như Đức cha Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Vinh, ký vào các kiến nghị của các nhân sỹ, trí thức về các vấn đề liên quan đến tình hình đất nước. Mới đây, Đức cha Nguyễn Chí Linh, Giám mục Thanh Hóa và Đức cha Ngô Quang Kiệt, nguyên Tổng Giám mục Hà Nội, cũng ký vào ‘Kiến nghị 72’. 

Vào tháng 5 năm 2012, Ủy Ban Công lý và Hòa bình thuộc HĐGM đưa ra một bản “Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay”, trong đó đề cập đến một số vấn đề nhức nhối, hệ trọng liên quan đến nền kinh tế Việt Nam, luật đất đai, môi trường xã hội, chủ quyền quốc gia, pháp luật, sinh thái, vai trò của trí thức, giáo dục y tế và tự do tôn giáo. 

Sáu tháng sau đó cũng Ủy ban này đã có “Bản phúc trình về tình hình công lý, hòa bình và nhân quyền trong xã hội Việt Nam hiện nay”, trong đó nêu rõ những tệ nạn đang xảy ra tại Việt Nam. Sau vụ xử các thanh niên Công giáo và Tin Lành tại Nghệ An mới đây, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh cũng đã lên tiếng “phản đối bản án phi pháp và bất công”. 

Nhưng có thế nói dù rất thẳng thắn, mạnh dạn, những tiếng nói, nhận định hay phúc trình ấy được làm tương đối đơn lẻ, ở cấp thấp và mang tính nội bộ. Chẳng hạn, Bản phúc trình của Ủy ban Công lý không được gửi cho lãnh đạo hay cơ quan nào của Việt Nam mà gửi cho các Giám mục trong HĐGM Việt Nam. 

Còn Bản nhận định và góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này được Đức cha Nguyễn Văn Nhơn và Đức cha Hoàng Văn Đạt – Chủ tịch và Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam – nhân danh HĐGM VN gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. 

Tại sao vào thời điểm này? 

Giáo hội đưa ra những nhận định, góp ý như vậy lúc này vì cũng như bao người dân, nhân sỹ, trí thức khác, từ lâu giáo dân, linh mục, tu sỹ và các giám mục Việt Nam thấy rõ những bất cập, phi lý ở Việt Nam và cảm thấy đã đến lúc phải chính thức lên tiếng. 

"Sau vụ xử các thanh niên Công giáo và Tin Lành tại Nghệ An mới đây, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh cũng đã lên tiếng “phản đối bản án phi pháp và bất công”." 

Chẳng hạn, Bản phúc trình của Ủy ban Công lý và Hòa bình đã nêu cụ thể bảy vấn nạn – nếu không muốn nói là tệ nạn – đang xảy ra tại Việt Nam, trong đó tình trạng “xử án bất công”, “dùng bạo lực để giải quyết các tranh chấp dân sự” hay “tham nhũng thành quốc nạn”. 

Có thể nói những nhận định, góp ý của Hội đồng Giám mục lần này là kết quả của những ưu tư, lo lắng mà các Giám mục đã có từ trước. 

Một yếu tố quan trọng khác làm các Giám mục Việt Nam lên tiếng đó là các Ngài ý thức rằng việc sửa đổi Hiến pháp lần này là một việc hệ trọng và cũng là một cơ hội có một không hai giúp Việt Nam có những thay đổi quan trọng để qua đó đất nước thực sự tiến tới tự do, dân chủ, giàu mạnh. 

Ngoài ra, trong thời gian vừa qua người dân cũng như nhiều nhân sỹ, trí thức đã mạnh dạn lên tiếng góp ý và muốn có những thay đổi căn bản, quan trọng trong việc sửa đổi Hiến pháp lần này. 

Và vì “không hề thờ ơ với tình hình đất nước” và muốn “góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng một đất nước phát triển vững bền, dân chủ và nhân ái” như hai Bạn nhận định của Ủy ban Công lý và Hòa bình nêu rõ, Giáo hội không thể im lặng trước sự kiện quan trọng như vậy. 

Chọn đồng hành với Dân tộc 

Một điểm đáng lưu ý nữa là Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng gửi bản nhận định và góp ý đó đến “nhân dân cả nước”. 

Và trong phần kết luận, các Giám mục đã nêu rõ mục đính chính của những nhận định, góp ý ấy là muốn “góp phần xây dựng Hiến pháp cho hợp lý và hợp lòng dân”, cũng như “ước mong mọi người dân Việt Nam tích cực góp phần vào việc điều chỉnh Hiến pháp, phục vụ sự phát triển toàn diện và bền vững của dân tộc Việt Nam”. 

Có thể nói, qua những nhận định và góp ý ấy, HĐGM Việt Nam muốn chính thức và rõ ràng bày tỏ rằng Giáo hội luôn đồng hành với người dân, với Dân tộc Việt Nam, luôn đứng về phía người dân và với tư cách công dân của mình muốn góp tiếng nói, góp phần của mình để qua đó những quyền căn bản của người dân được tôn trọng, dân tộc Việt Nam được phát triển toàn diện, bền vững. 

Cũng nên nhắc lại rằng năm 1980, các Giám mục Việt Nam đã ra một Thư chung kêu gọi con cái mình “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” hay “đồng hành với dân tộc”. Văn kiện này được xem như bản định hướng cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam sau biến cố 1975. 

Nhưng kể từ đó, cụm từ “đồng hành với dân tộc” luôn được chính quyền Việt Nam dùng và thường được diễn giải theo hướng có lợi cho mình. Theo cách diễn giải đó, có lúc dân tộc được đồng hóa với đảng, với chế độ. Và như vậy, đồng hành với dân tộc cũng có nghĩa là đồng hành với đảng, với chế độ, hay ít ra không được đi ngược với đường lối, chủ trương, chính sách của đảng. 

Qua Bản nhận định và góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này và với việc yêu cầu “xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính trị nào” trong Hiến pháp, Giáo hội muốn có một Hiến pháp thực sự là ‘của dân, do dân và vì dân’, chứ không phải một Hiến pháp của, do hay vì bất cứ một đảng phái chính trị nào.


nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2013/03/vi-sao-hoi-ong-giam-muc-gop-y-hien-phap.html#more
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001