Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Thứ trưởng Bộ Công An với cáo buộc nhận hối lộ: Tay bẩn lấy nước mà rửa. Nước bẩn lấy gì để rửa?

Thứ trưởng Bộ Công An với cáo buộc nhận hối lộ: Tay bẩn lấy nước mà rửa. Nước bẩn lấy gì để rửa?



Dân Luận tổng hợp
Osin Huy Đức: Hôm qua, khi Dương Chí Dũng khai đưa cho Phạm Quý Ngọ tổng cộng 1,5 triệu USD và đích thân điện thoại kêu Dũng bỏ trốn, Tướng Ngọ đã bác bỏ lời khai này (trên VNEpress). Nhớ, chiều 13-12-2013, khi Trần Hải Sơn khai đưa cho Dương Chí Dũng một vali tiền, Dũng chối, cho rằng đó là vali rượu nhưng Dũng vẫn bị Tòa vẫn tuyên tử hình.
Không thể không khởi tố vụ án khi Dũng đã nói quá rõ trước Tòa nhưng khởi tố thì các cơ quan tố tụng sẽ phải đối diện với một lựa chọn không hề đơn giản. Không lẽ chấp nhận lời khai của Trần Hải Sơn lại bác bỏ lời khai của Dương Chí Dũng. Không lẽ trước tòa, Dương Chí Dũng Cục trưởng không được đối xử bình đẳng như với Tướng Ngọ Trung ương ủy viên.
Đoan Trang: Câu hỏi pháp luật:
Nếu có những lời khai (chẳng hạn của Dương Chí Dũng) cho rằng cả Bộ trưởng Trần Đại Quang lẫn Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ – nghĩa là hai quan chức đầu ngành của Bộ Công an, riêng Trần Đại Quang còn là ủy viên Bộ Chính trị – đều có liên quan đến chạy án, tham nhũng, làm lộ bí mật công tác, v.v., thì theo bạn, căn cứ vào pháp luật Việt Nam hiện hành, cá nhân / cơ quan nào có thể đứng ra khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử Bộ trưởng Công an? Nói cách khác, ai sẽ là người điều tra khi chính cơ quan điều tra phạm pháp?
Có thể có 2 phương án trả lời:
1. Bộ Chính trị
2. Quốc hội.

Với phương án (1): Thì đấy là việc ''nội bộ'' của Bộ Chính trị rồi, nhân dân không được quyền biết, không được phép bàn thảo.
Với phương án (2): Theo bạn, căn cứ pháp luật Việt Nam hiện hành, Quốc hội có quyền lập ủy ban điều tra đặc biệt không? Nếu có, đó là luật nào? Làm cách nào để Quốc hội thành lập một ủy ban như thế?
Blogger Nguyễn Anh Tuấn: Quan tòa sẽ khó mà khách quan khi xét xử vụ án do chính mình khởi tố. Bởi vậy, quy định "Hội đồng Xét xử có thẩm quyền khởi tố vụ án" theo Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành thường bị các luật gia phê phán, và trên thực tế, khi phát hiện tình tiết mới hoặc dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, HĐXX thường đề nghị VKS khởi tố thay cho mình, để tránh phần trách nhiệm về sau.
Tuy nhiên trong vụ việc lần này có thể thấy sự sốt sắng của HĐXX khi gần như ngay lập tức đưa ra quyết định khởi tố vụ án lộ mật.
Câu chuyện có thể không chỉ dừng lại ở đây, và các diễn biến vừa qua cho thấy một phe nào đó có vẻ như đang nắm rất chắc thiết chế tòa án trong trận đánh lần này.
"Khi được hỏi, bộ Công an sẽ vào cuộc thế nào nếu tòa trả lại hồ sơ, yêu cầu điều tra lại vụ án hay khởi tố vụ án làm lộ bí mật điều tra, Trung tướng Cộng từ chối trả lời."
Dương Chí Dũng đã khai cả Thứ trưởng lẫn Bộ trưởng công an, thì liệu có ai trong Bộ này dám tiến hành điều tra khi hai vị vẫn còn tại chức và nắm trong tay quyền sinh sát đối với các điều tra viên?
Hai cơ quan có quyền tạm đình chỉ công tác bộ trưởng để phục vụ điều tra là Quốc Hội và Chủ tịch nước, tuy nhiên, với điều kiện là có sự đệ trình của Thủ tướng.
Nhưng chẳng may, vì lý do gì đó, Thủ tướng kiên quyết không đệ trình thì sao?
Một phương án là Quốc Hội có thể lập Ủy ban Điều tra lâm thời theo đúng thẩm quyền quy định trong Luật Hoạt động Giám sát của Quốc Hội. Chỉ có điều, phiên họp gần nhất diễn ra vào tháng 5, vì QH Việt Nam chỉ họp xuân thu nhị kỳ.
Ủy ban Thường vụ QH, Nhóm đại biểu chiếm trên 1/3 số ghế QH và Chủ tịch nước là các chủ thể có quyền triệu tập cuộc họp bất thường. Trong thực tế chính trị Việt Nam có lẽ khả thi nhất là chủ thể thứ 3.
(giả định rằng các hướng xử lý nội bộ trong đảng bị bế tắc và các phe nhóm sử dụng các quy định luật pháp và thiết chế chính quyền để 'xử' nhau)
Luật sư Trần Đình Triển: CHUYỆN CHỈ CÓ 500 NGHÌN USD ĐƯA ÔNG THƯỢNG TƯỚNG NGỌ CHỈ LÀ CHUYỆN NHỎ
Mong các anh chị em FB, công luận, báo chí,... bình tĩnh. Phải cảm ơn Đảng, Nhà nước, nhân dân và nhiều vị lãnh đạo cao cấp đã quan tâm giải quyết vụ án này.
Tôi khẳng định ông Dương Chí Dũng không hưởng lợi dù 1 xu nào trong 1,666 triệu đô-la trong việc mua ụ nổi. Tại sao phải ghép ông vào tội tham ô tài sản trong 1,666 tr USD để buộc ông Dũng phải chịu mức án tử hình (càng sớm càng tốt). Tôi tham gia bào chữa cho anh Dương Tử Trọng từ giai đoạn điều tra và cho anh Dương Chí Dũng từ giai đoạn xét xử sơ thẩm. Tại tòa sơ thẩm tôi đã có ý kiến đề nghị anh Dũng bình tĩnh không và chưa đưa thông tin về "mật báo và tiền", đưa Ông Ngọ trong vụ này vì chính anh là bị cáo nên mọi người dễ cảm nhận không khách quan,... chờ vụ xử "tổ chức người trốn ra nước ngoài"sẽ khách quan hơn,với tư cách nhân chứng,...
Ai cãi và che dấu vụ việc này và đổ lỗi cho ông Dương Chí Dũng vu khống ông Ngọ chăng? Mọi người bình tâm và cố gắng chờ đợi, tôi công bố thông tin, liệu Ông Ngọ có trốn chạy được trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam không?!
Lê Diễn Đức: Từ Phạm Quý Ngọ, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ CA, Chỉ huy Cơ quan điều tra, nhận hối lộ 500 ngàn USD, rồi 1 triệu USD khác mà một nhân vật liên quan là Đại tướng, Bộ Trưởng CA Trần Đại Quang. Con voi to quá và người ta vội vàng lấy thúng úp lại trong phiên toà ngày 7/1/2014.
Một đường dây tham nhũng xuyên suốt từ trên xuống dưới, nhưng cái đỉnh chóp la ai thì vẫn còn bỏ ngỏ. Vụ án Vinalines cho thấy nguyên cả hệ thống quan chức là những phe đảng cùng ăn để tồn tại. Lời khai của Dương Chí Dũng có thể đe doạ tính mạng của anh ta, giống như Phạm Huy Phước của Tamexco năm 1998. Phe Nguyễn Bá Thanh - Nguyễn Phú Trọng chắc phải tìm cách che chở cho Dương Chí Dũng nhưng con mồi lại nằm trong tay Bộ CA.
Vụ án Vinalines làm rung động nền tảng của hệ thống Ba Đình nhưng người ta sẽ tìm cách ngăn chặn chúng để không đi quá xa.
Lão Nông Dân: Thằng tây đồng nghiệp nó chỉ vào tấm hình rồi hỏi đểu:
- Ở nước mày, một tấc đất có mấy anh công an?
Mẹ, thằng tây hỏi đểu! Nhưng mà các bác ơi, công an ở đâu mà lắm thế!!!

995275_594103747328547_2019600982_n.jpg


17axetxu2qgih.jpg

* * *

Nhật ký Dương Chí Dũng ghi lại nhiều điều

Trao đổi với VietNamNet sau phiên xét xử, Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết, ngoài lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn và nhân chứng Dương Chí Dũng, nhật ký của Dương Chí Dũng cũng ghi lại nhiều điều...
Chiều 8/1, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Dương Tự Trọng 18 năm tù, tuyên bố khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước.
Sau 2 ngày xét xử, chiều 8/1, trong phần tuyên án, Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa đã công bố Quyết định khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” theo Điều 263 Bộ luật Hình sự.
Quyết định khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” nêu rõ: Căn cứ vào lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn, nhân chứng Dương Chí Dũng và các tài liệu khác có trong vụ án Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài; Căn cứ vào kết quả xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa; Căn cứ vào đề nghị của đại diện VKS, HĐXX xét thấy có dấu hiệu phạm tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” theo quy định tại điều 263 Bộ luật Hình sự.
Thay mặt HĐXX, chủ tọa phiên tòa ra Quyết định khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” theo Điều 263 Bộ luật Hình sự.
Quyết định này được Thẩm phán Trương Việt Toàn ký và được gửi đến VKSND Thành phố Hà Nội.
Trao đổi với VietNamNet sau phiên xét xử, Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết: Với lời trình bày của Dương Chí Dũng cũng như lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, HĐXX ra Quyết định khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” là có căn cứ.
Theo ông Toàn, đã có lời khai của hai người về cùng một việc, cùng những tài liệu có trong hồ sơ khác, rồi nhật ký của Dương Chí Dũng... đã đủ cơ sở kết luận có dấu hiệu phạm tội “Làm lộ bí mật Nhà nước”.

Quyết định cần thiết

Trao đổi với VietNamNet xung quanh việc này, luật sư Trần Ngọc Quý - Đoàn luật sư TP.HCM nhận xét: "Đó là một quyết định cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật".
Bởi lẽ, căn cứ theo điều 100 Bộ luật tố tụng Hình sự quy định chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm.
Việc xác định các dấu hiệu phạm tội dựa trên những cơ sở như: tố giác của công dân, tin báo của cơ quan tổ chức, tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, người phạm tội tự thú hoặc cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án...được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm.
Như vậy, đối chiếu với quy định trên, có thể thấy rằng lời khai của bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên tòa là tình tiết mới phát sinh. Hội đồng xét xử có thẩm quyền xem xét, đánh giá các lời khai ấy có phải là dấu hiệu tội phạm để làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự hay không.
Qua quá trình xét xử và diễn biến phiên tòa, nếu đã có căn cứ khởi tố vụ án hình sự thì theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật tố tụng Hình sự Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự.
Điều 263. Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước
Người nào cố ý làm lộ bí mật Nhà nước hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
T.Nhung - M.Phượng
Nguồn: Vietnamnet

Admin gửi hôm Thứ Tư, 08/01/2014          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20140108/thu-truong-bo-cong-an-voi-cao-buoc-nhan-hoi-lo-tay-ban-lay-nuoc-ma-rua-nuoc-ban-lay
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001