Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Ở Việt Nam không có tiền đề cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập 



Giải trình về việc có ý kiến cho rằng cần đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập để “đảm bảo dân chủ”, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 khẳng định, dân chủ không đồng nghĩa với đa nguyên, đồng thời “về thực tiễn, ở Việt Nam không có tiền đề cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Bởi vì, ở nước ta chỉ có một đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng ta luôn là Đảng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.
Ngày làm việc đầu tuần, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi. Bản dự thảo lần này đã được điều chỉnh một số nội dung trên cơ sở ý kiến nhân dân.
Về quy định vai trò lãnh đạo của Đảng, Ủy ban dự thảo cho hay, nhìn chung, đại đa số ý kiến nhân dân tán thành về việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, tán thành bổ sung quy định Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
Ủy ban dự thảo cho hay, qua lấy ý kiến nhân dân, có ý kiến đề nghị yêu cầu phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập vì như vậy mới bảo đảm dân chủ. Về vấn đề này, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng: “Về lý luận, dân chủ không đồng nghĩa với đa nguyên, không phải có đa nguyên là có dân chủ. Dân chủ là quyền của nhân dân tự mình quyết định hoặc tham gia với Nhà nước quyết định với những vấn đề nhất định. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là một hình thức chính trị - nhà nước. Nó thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của công dân, thừa nhận nhân dân là chủ thể của quyền lực. Quyền làm chủ của nhân dân được thể chế hóa thành các chuẩn mực mang tính nhà nước và pháp quyền, thành nguyên tắc tổ chức và vận hành của Nhà nước cũng như các thiết chế chính trị khác, tạo nên chế độ dân chủ. Vì vậy, không ai khẳng định là nhiều đảng sẽ tốt hơn một đảng”.
Ủy ban cũng khẳng định, về thực tiễn, ở Việt Nam không có tiền đề cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Bởi vì, ở nước ta chỉ có một đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng ta luôn là Đảng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là sự lựa chọn mang tính lịch sử và phù hợp với thực tế, hoàn cảnh xã hội nước ta. Điều đó được thể hiện và được đảm bảo trong đạo luật cơ bản của Nhà nước là Hiến pháp. Trên thế giới, tuy có nhiều nước tuyên bố theo chế độ đa đảng chính trị, nhưng thực chất vẫn chỉ là đảng đại diện cho một lực lượng xã hội duy nhất là giai cấp tư sản mặc dù các đảng này có thể có các tên gọi khác nhau. Các đảng thay nhau lãnh đạo đất nước, cùng bảo vệ quyền và lợi ích của giai cấp tư sản. Tuy thế, giữa các đảng phái này cũng luôn có sự tranh chấp quyền lợi với nhau (thực chất là sự tranh chấp giữa các nhóm lợi ích, giữa quyền lợi của các nhóm tư bản trong từng ngành, từng lĩnh vực) và điều này thường dẫn đến tình trạng bất ổn về chính trị trong nội bộ đất nước, cản trở sự phát triển chung của xã hội. Từ đó, Ủy ban kết luận: “dân chủ không phụ thuộc vào cơ chế một đảng hay đa đảng, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chế độ cầm quyền phục vụ cho lợi ích của giai cấp nào cũng như cách thức vận hành cụ thể của bộ máy nhà nước trong từng xã hội”.


Đại biểu Huỳnh Thế Kỷ phát biểu tại hội trường sáng 3/6.

Thảo luận tại hội trường, các ý kiến tán thành việc giữ khoản 1 Điều 4 như dự thảo đã công bố vì quy định này là kế thừa quy định tại Điều 4 của Hiến pháp hiện hành, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Dự thảo đã bổ sung quy định về bản chất của Đảng theo tinh thần mới của Cương lĩnh, đó là: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”. Chính do bản chất này nên nhân dân ta mới thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng và ghi nhận vào Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, thể hiện vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và toàn xã hội. Đảng có vai trò to lớn đối với đất nước từ khi ra đời cho đến nay. Việc ghi rõ và khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là phù hợp với thực tế lịch sử, khách quan, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân nên cần được bảo vệ. Đại biểu Huỳnh Thế Kỷ (Ninh Thuận) cũng thừa nhận, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Chính do bản chất và nền tảng tư tưởng của Đảng như vậy nên nhân dân ta mới thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng và ghi nhận vào Hiến pháp.
Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) đề nghị, để làm cụ thể hơn vai trò lãnh đạo và lòng tin của Đảng trước nhân dân, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần bổ sung thêm quy định Đảng chịu trước trách nhiệm trước pháp luật, trước sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Cần làm rõ hơn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, cơ chế chịu trách nhiệm của Đảng và cơ chế để nhân dân giám sát Đảng. Cơ chế này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Đảng thực thi vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình đối với Nhà nước và xã hội, tạo sự minh bạch và tạo cơ sở cho nhân dân giám sát hoạt động của tổ chức Đảng.
Tái khẳng định việc giữ nguyên tên nước
Việc giữ nguyên tên nước CHXHCN Việt Nam như hiện hành tiếp tục được đại biểu Quốc hội khẳng định tại phiên thảo luận. Theo đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, tên gọi trên ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ XHCN của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tên gọi CHXHCN Việt Nam đã được sử dụng ổn định từ tháng 7/1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên CNXH và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, phải thay đổi quốc huy, quốc hiệu, gây tốn kém, phức tạp.
Admin gửi hôm Thứ Ba, 04/06/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130604/o-viet-nam-khong-co-tien-de-cho-da-nguyen-chinh-tri-da-dang-doi-lap
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001