Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Lê Hiền Đức: AI ĐÃ TẠO RA NHỮNG "SẢN PHẨM" NHƯ THẾ NÀY?

Bà Lê Hiền Đức tại Phòng tiếp dân của Thanh tra Chính phủ sáng 18.4.

AI ĐÃ TẠO RA NHỮNG “SẢN PHẨM” NHƯ THẾ NÀY?

Lê Hiền Đức

Ngày 18/4/2012, tại phòng tiếp dân của Thanh tra Chính phủ.

Một cô gái trẻ chừng 20 tuổi ngồi cạnh một nữ cán bộ tiếp dân. Cô ngồi rung đùi trông rất phản cảm.

Bỗng tôi giật mình bới câu nói của cô gái trẻ. Chẳng phải vì cô nói to làm tôi giật mình mà là vì cách dùng từ ngữ để chỉ những người nông dân lam lũ nhưng đáng tuổi ông bà, cha mẹ cô. Cô bảo người nữ cán bộ tiếp dân:

- Chị ơi, bọn Phú Túc chúng nó về hết từ trưa rồi.

Tôi hiểu, “bọn Phú Túc” ở đây là những người nông dân xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên kéo đến Thanh tra Chính phủ nộp đơn kêu cứu.

Tôi đang ngứa mắt, bây giờ lại thêm ngứa tai nhưng vẫn phải kìm nén. Tôi ôn tồn hỏi:

- Chị làm ơn cho biết quý danh. Chúng tôi cần biết rõ mình đang nói chuyện với ai?

Tôi là một bà già đã 81 tuổi còn cô ta ngang với lứa cháu gọi tôi bằng bà. Tuy vậy, câu trả lời của cô ta làm cho tôi thêm giật mình lần nữa:

- Các người không có quyền hỏi tên tôi.

Mặc dù cô cố giữ bí mật về danh tính như thể sợ lộ bí mật quốc gia nhưng với nghiệp vụ học được trong những năm công tác trong ngành an ninh, việc biết được tên cô ta với tôi không phải là điều gì quá khó. Trong vòng mươi phút, câu hỏi của tôi, tôi đã tự giải đáp.

Cô ta có một cái tên rất đẹp: QUỲNH ANH, sinh viên năm cuối của Học viện hành chính quốc gia ở đường Nguyễn Chí Thanh, đang thực tập tại cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Cô ấy là con ông cháu cha hay phải chạy bao nhiêu tiền để được thực tập ở đây, tôi không cần biết. Tôi lo lắng: Những con người như thế này, mới đi thực tập thôi mà đã coi thường người dân và thái độ tiếp dân như thế thì khi ra trường, làm việc chính thức ở một cơ quan nào đó rồi thì sẽ ra sao nhỉ? Nhất là khi đã có ít thâm niên công tác, thành cáo, thành tinh rồi thì cô ấy còn hống hách với dân. coi dân như cỏ rác, như giun dế đến thế nào nữa đây.

Đào tạo, cho ra “lò” những “sản phẩm” hỏng như thế này thì cơ quan nào, tổ chức nào, ngành nào phải chịu trách nhiệm?

20/04/2012
LÊ HIỀN ĐỨC
Cụ LHĐ gửi cho Nguyễn Tường Thụy blog
(nguồn:nguyentuongthuy's blog)
--------------------------------------------------------------------------------
TÔI ĐÃ TỰ TÌM RA ĐÁP ÁN CHO CÂU HỎI “AI ĐÃ TẠO RA NHNG SẢN PHẨM NHƯ THẾ NÀY?”
LÊ HIỀN ĐỨC
.
Sau khi chứng kiến chuyện diễn ra tại phòng tiếp dân Thanh tra Chính phủ hôm 18/4/2012, tôi có viết bài: AI ĐÃ TẠO RA NHỮNG “SẢN PHẨM” NHƯ THẾ NÀY?
Ngày 19/4, tôi gọi điện đến Học viện hành chính quốc gia thì cô Hương, trưởng phòng đào tạo nghe máy. Cô nói việc này đã “giao cho anh Hưng, trưởng đoàn phụ trách sinh viên đi thực tập” và hẹn sẽ liên lạc lại sau.
Tin tưởng ở lời cô Hương, tôi kiên trì chờ đến hết tháng 4/2012 nhưng Học viện hành chính quốc gia không có sự liên lạc nào lại đối với tôi.
Ngày 2/5, tôi gọi điện tới Vụ Giáo dục đại học của Bộ GDDT, gặp ông Trần Trọng Toàn, chuyên viên nói rõ về sự việc này và đề nghị Vụ Giáo dục đại học có ý kiến với Học viện nhưng phía Học viện vẫn chây ỳ không có động tình gì cả.
Ngày 3/5, tôi lại gọi điện gặp bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó vụ trưởng Vụ giáo dục đại học.
Ngày 4/5, anh Hưng gọi điện và xin gặp tôi ở nhà riêng để báo cáo vụ Quỳnh Anh. Tôi cũng muốn trên tinh thần “đóng cửa bảo nhau” nên đồng ý.
Ngay chiều hôm đó, anh Hưng đến nhà tôi và đưa cô Quỳnh Anh cùng đến. Trong buổi gặp, anh Hưng có đưa tôi xem bản tường trình của cô Quỳnh Anh. Có một điều rất lạ là không biết bản tường trình này có phải là bí mật quốc gia không mà tôi xin phô tô 1 bản nhưng anh Hưng không đồng ý (!?).
Suốt buổi gặp, cô Quỳnh Anh không nói gì cả nhưng trong bản tường trình của cô có câu rất hỗn láo là “ngày hôm đó (tức 18/4/2012) bà Hiền Đức vào phòng nghe trộm câu chuyện của cô cháu tôi“.
Trong việc này, cô Quỳnh Anh lại càng thể hiện sự dối trá và vẫn giữ lời lẽ xấc xược như hôm ở phòng tiếp dân.
Tôi nói thêm về chuyện ở phòng tiếp dân ngày 18/4. Hôm đó tôi đi theo đoàn của những người đến Thanh tra Chính phủ tố cáo Đài truyền hình Việt Nam, trong đó bà Nhung làm trưởng đoàn. Cán bộ tiếp dân ban đầu là bà Hiên. Sau khi bà Hiên tiếp dân không thỏa đáng, đoàn được mời sang phòng ông Phan Văn Hải để làm việc.
Ngay chiều 18/4, sau khi trực tiếp biết cô Quỳnh Anh có thái độ và lời nói xấc xược với dân, tôi có nói với ông Cục phó Cục 1 về chuyện này. Ông có ngỏ ý mong tôi bỏ qua vì cháu này là nhân viên thực tập, “sẽ rút kinh nghiệm”.
Buổi làm việc giữa tôi với anh Hưng và cô Quỳnh Anh không giải quyết được gì. Anh Hưng xin phép ra về. Cô Quỳnh Anh cũng đứng dậy ra khỏi nhà tôi không có một lời chào, chỉ nói với tôi rằng “yêu cầu bà đừng đưa lên mạng”. Lúc đó, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cũng có mặt và chứng kiến buổi gặp gỡ này.
Với mong muốn góp phần xây dựng ngành dục nói chung và Học viện hành chính quốc gia nói riêng, 8 giờ 15 phút ngày 7/5, tôi có mặt Học viên HCQG ở 71 Nguyễn Chí Thanh để gặp lãnh đạo Học viện. Cán bộ văn phòng cho biết là lãnh đạo đang họp giao ban đầu tuần. Tôi ngồi chờ ở phòng thường trực tới tận 12 giờ trưa, không có một ai tiếp tôi mặc dù suốt buổi sáng, khi ngồi ở phòng thường trực, tôi có gọi nhiều lần đến Vụ giáo dục đại học. Bà Lê Hương, Phó vụ trưởng có nói là cháu đã điện cho chị Vân Hạnh, Phó vụ trưởng Học viện HCQG, chị Hạnh sẽ tiếp bác.
Đợi đến 12 giờ trưa không có ai tiếp, tôi đành ra về.
Mặc dù vậy, sau đó tôi vẫn kiên trì gọi điện tới Học viện nhiều lần. Đến chiều ngày thứ sáu, 25/5, anh Minh, thư ký của giám đốc Học viện gọi cho tôi yêu cầu “bác làm một cái đơn gửi cho học viện để cháu báo cáo với lãnh đạo”
Tôi chỉ biết thốt lên một câu: “Trời!”. Tại sao tôi phải làm đơn? Tôi có yêu cầu gì cho bản thân tôi đâu? Chẳng qua vì muốn xây dựng ngành giáo dục và cho Học viện thì tôi mới tốn công gọi điện và lặn lội đến Học viện, ngồi chờ hết cả buổi sáng trong thời tiết trời mưa tầm tã.
Cách hành xử của Học viên Hành chính quốc gia cho thấy họ thiếu tinh thần cầu thị, thể hiện một thái độ vô trách nhiệm đối với thiện chí góp ý xây dựng của công dân.
Việc kiểm điểm, xử lý đối với trường hợp cô Quỳnh Anh, tiếp thu ý kiến xây dựng của công dân thiết nghĩ không phải là chuyện gì khó. Không hiểu vì lý do gì mà họ lại có thái độ như vậy. Phải chăng họ quen lối làm việc tắc trách hay vì cô Quỳnh Anh có gia thế như thế nào đó mà họ không dám động đến.
Ai đã tạo ra sản phẩm như thế này? Câu hỏi đến hôm nay tôi đã tự trả lời: Đó là HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA.
Thầy nào trò ấy mà thôi.
28/5/2012
LHĐ
Tác giả gửi cho NTT blog
(nguồn nguyentuongthuy's blog)
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001