Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Bức thư gửi từ Tương Lai


Nguyễn Như (Danlambao) - Tôi chạy qua quảng trường Tự Do, nơi đây có tượng đài hình một bức chiếu thư quấn quanh cây đuốc, trên đó ghi tên hơn hàng trăm ngàn người từng ký tên trong “Lời Tuyên Bố Của Các Công Dân Tự Do” trông thật to lớn và hùng vĩ. Bây giờ muốn kiếm một tượng đài nào mới ở Sài Gòn rất khó vì chính sách ngặt nghèo về việc hội đủ các điều kiện để xây dựng tượng đài, khiến cho việc xây dựng tượng đài trở nên khó khăn và cũng vì lý do khá nhiều tượng đài cũ bị đập bỏ vào 15 năm trước mà gần như thiếu vắng các tượng đài ở mảnh đất này. Quảng trường cũng rất rộng, có các công viên cây xanh thật là nơi lý tưởng để đi dạo, tôi hỏi con có muốn đi dạo không, nó nói “Đi khoảng 15 phút đi ba, con muốn nhìn tên mẹ trên bức tuyên bố”...


*

Đã 15 năm kể từ khi cuộc chiến giành tự do thành công. Tôi đang lái xe cùng con trai trên đường chuyển nhà từ Sài Gòn trở về Bình Dương sinh sống, cảm thấy một chút tiếc nuối với vùng thành đô từng một thời nhộn nhịp này. Nhưng dường như bây giờ người dân không còn ai mặn mà gì tới nó nữa, chắc cũng vì chính sách hỗ trợ phát triển các vùng ngoại ô và tỉnh lẻ của chính phủ nhằm kích thích phát triển các khu vực ngoài trung tâm, nên ai cũng thấy ở quê nhà họ vẫn có thể sống sung túc, no ấm được. So với 15 năm trước, Sài Gòn lại trở về với vẻ đẹp hào hoa của nó, không xô bồ, không quá náo nhiệt, nhưng cũng không quá yên lặng nhàm chán.

Đang tâm trạng suy nghĩ và hồi tưởng thì tôi lại nghe một vài âm thanh ồn ào, tôi phải quẹo sang đường khác vì có một đám đông biểu tình trước trụ sở ủy ban quận, khiến ngài thị trưởng phải ra mặt xin lỗi, do có việc riêng nên tôi cũng không đứng lại để xem chuyện gì được. Mải lo nhìn, suy nghĩ nên dường như tôi đã bị lạc đường, tôi định dùng GPS để định vị lại đường thi con trai tôi nói phía sau “Ba cứ chạy vòng vòng, con muốn nhìn lại Sài Gòn lâu thêm nữa”. Chiều theo ý con (và cũng có thể chiều theo cảm xúc của mình), tôi đã chạy quanh Sài Gòn để xem được những địa điểm mang dấu ấn một thời sầm uất này. 

Tôi chạy qua quảng trường Tự Do, nơi đây có tượng đài hình một bức chiếu thư quấn quanh cây đuốc, trên đó ghi tên hơn hàng trăm ngàn người từng ký tên trong “Lời Tuyên Bố Của Các Công Dân Tự Do” trông thật to lớn và hùng vĩ. Bây giờ muốn kiếm một tượng đài nào mới ở Sài Gòn rất khó vì chính sách ngặt nghèo về việc hội đủ các điều kiện để xây dựng tượng đài, khiến cho việc xây dựng tượng đài trở nên khó khăn và cũng vì lý do khá nhiều tượng đài cũ bị đập bỏ vào 15 năm trước mà gần như thiếu vắng các tượng đài ở mảnh đất này. Quảng trường cũng rất rộng, có các công viên cây xanh thật là nơi lý tưởng để đi dạo, tôi hỏi con có muốn đi dạo không, nó nói “Đi khoảng 15 phút đi ba, con muốn nhìn tên mẹ trên bức tuyên bố”.

Dừng xe vào bãi đỗ xe, lại quỳ trước tượng đài xong, tôi cùng con dạo quanh quảng trường. Xa xa có một đám đông rất náo nhiệt, tôi và con lại xem thử thì thấy có một người đàn ông đứng trên bục đang diễn thuyết cho khoảng vài chục người nghe. Tôi mới sực nhớ, còn mấy tuần nữa là ngày bầu cử thị trưởng, đám đông có vẻ đang rất hăm hở và ủng hộ ông ta. Tôi định quay đi thì một chú cảnh sát với quân phục xanh đen tiến đến, chú nói với tôi sao không dẫn cháu vào xem cho biết. Tôi nói do có việc nhà nên không tham gia được và chào chú cảnh sát, chú ấy cũng chào lại với nụ cười rất tươi. Đi được một khoảng thì tôi thấy thiếu thiếu, đưa tay vào túi mới phát hiện mình bị giật đồ, vừa định thần lại xong thì thấy đằng kia một tên ăn cắp đã bị đám đông người dân chặn lại, đè rạp xuống  đất và giao cho cảnh sát. Cũng chú cảnh sát vừa nãy cầm lấy chiếc ví trả lại cho mình và bảo sau này cẩn thận nhé, tôi định tìm người phát hiện tên cướp nhưng có lẽ anh hay chị ta đã biến đâu mất, tiếc thật chắc họ cũng bận như mình.

Đã quá 15 phút, tôi cùng con định lên xe nhưng nhìn lại chìa khóa đâu mất rồi, đang luống cuống tìm thì tôi nhìn lại thấy chìa khóa vẫn còn trên xe, tôi vừa mừng nhưng cũng vừa trách mình sao bất cẩn đến thế. Tôi lấy xe đi ra, trên tay cầm tờ tiền 1 đồng có hình vua Lê Thánh Tông đưa cho nhà giữ xe. Rời khỏi quảng trường, tôi đi ngang qua một số địa điểm quan trọng của Sài Gòn. Đầu tiên là Dinh Tổng Thống với lá cờ xanh hai sọc trắng, và có ngôi sao trắng 12 cánh đang tung bay thật hùng dũng. Đường sá cũng thật rộng rãi và bóng mát, cây xanh phủ khắp khiến tôi lơ là mà vượt đèn đỏ. Vừa mới để ý thì tôi nghe tiếng còi phía sau, dừng lại thì tôi biết mình bị phạt, chú cảnh sát với quân phục màu nâu vàng cùng chiếc nón rộng vành ra chào tôi, chú ấy nói “Cảnh Sài Gòn đẹp quá chú nhỉ, mai mốt có nhìn cảnh cũng chú ý chút chú nhá, thôi chú ký vô đây để cháu tiếp tục công việc của mình nữa”, tôi vừa ký xong thì thấy ngán vì tuần sau phải đi nộp phạt, chỉ có điều là muốn nộp ở bất kỳ sở cảnh sát địa phương nào cũng được chứ khỏi phải lên tận Sài Gòn nên tôi đỡ phải lo.

Sau khi hoàn tất nộp phạt, tôi đi ngang bưu điện Sài Gòn, tôi để ý thấy những thùng thư được lấy từ chiếc xe của quân lực, có dán những dòng chữ “Thư từ Hoàng Sa”, “Thư từ Trường Sa”. Tôi nghĩ chắc đây là thư gửi gia đình của mấy chiến sĩ ngoài đó gửi về cho gia đình. 

Con tôi bảo “Lính Việt Nam mặc đồ oai quá bố nhỉ, sau này con muốn làm lính”. 

Tôi trả lời “Con thích vậy cũng là tốt, nhưng ba nghĩ con chỉ nên đi theo diện động viên bắt buộc 1 năm thôi rồi sau đó về với gia đình chứ đừng làm lính chuyên nghiệp cực lắm, với lại có nhiều cách để phục vụ đâu nhất thiết phải làm lính”. 

Nhưng khuyên không được con, nó nói “Con chỉ muốn làm lính, được trực tiếp góp phần vào bảo vệ đất nước này, con muốn thử sức mình”. 

Tôi chỉ nói con mới 15 tuổi thôi, đợi 3 tuổi nữa con hãy quyết định cũng chưa muộn, nói vậy tôi tiếp tục bảo con ngủ đi cho khỏe vì sáng giờ đi cũng mệt rồi.

Đường hôm nay thật dài, khung cảnh thật yên bình, những dòng sông và con kênh đẹp đến mức nếu có thời gian tôi đã nhảy ào xuống đó mà quậy cho thỏa thích như hồi còn trẻ. Tôi vừa chạy qua nghĩa trang Quốc Gia, nơi nổi bật với tượng đài 2 người lính Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đang ôm nhau thương tiếc, bức tượng có tựa đề là Thương Khóc, trên có dòng chữ "Tử Sĩ Đất Việt, Anh Hùng Tử, Khí Hùng Bất Tử". Nơi đây chôn cất hơn 1500 binh lính của cả hai phe nhằm thể hiện sự hòa hợp của dân tộc, nhìn hình ảnh thật bị tráng nhưng cũng thật đau thương của dân tộc làm tôi nghẹn ngào.

Biết mình vừa rời khỏi Sài Gòn tôi tiếp tục chạy trên quốc lộ 13, dường như không có sự khác biệt giữa các tỉnh bên ngoài với vùng ven Thành Đô. Đường xá vẫn rất rộng rãi với cây xanh 2 bên đường, các công ty và nhà dân được xây dựng rất ngăn nắp, có hàng rào và bãi cỏ thật đẹp, tôi thật không lầm khi dời từ Sài Gòn về quê, tôi chợt nhận ra là mọi thứ dần thay đổi một cách thầm lặng ở nơi tôi sinh ra, mọi thứ vẫn phát triển nhưng không ồ ạt, tất cả điều thay đổi nhưng không nhất thiết phải quá náo nhiệt mà là một sự thay đổi thầm lặng đến bất ngờ, đó đúng là sự phát triển mang tính rất Việt Nam.

Chạy thêm 20Km thì tôi về đến ngôi nhà nhỏ của mình. Về đến nhà thằng bé cầm tấm ảnh có hình mẹ nó để lên bàn thờ, tôi thì lao dọn nhà cửa, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp. Thắp nhang xong rồi dẫn con đi ra ngoài để thăm viếng mẹ nó, mẹ nó mất 15 năm trước.


PS: Đây là 1 bài viết của một thanh niên vừa tròn 22 tuổi. Mình muốn viết về ước mơ của mình, một khát vọng và niềm tin về phong trào "Công Dân Tự Do". Bài viết thể hiện cách nhìn có thể sẽ không đúng, hoặc sẽ đúng một phần nào đó. Nhưng cũng hi vọng nó sẽ là một sự khích lệ, một mục tiêu để các chiến sĩ tự do của chúng ta chiến đấu.

Cám ơn các chiến sĩ tự do đã và đang ngày đêm chiến đấu, xả thân vì lý tưởng cao đẹp, chúc các anh, các chú, các cô chiến đấu thành công, và mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2013/03/buc-thu-gui-tu-tuong-lai.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001