Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

Người Việt - Ðức Giáo Hoàng Benedict 16 chính thức thoái vị

Người Việt

Ðức Giáo Hoàng Benedict 16 chính thức thoái vị hôm Thứ Năm, sau khi đảm nhiệm chức vụ giáo hoàng thứ 265 của Vatican từ năm 2005. Ngài trở thành vị giáo hoàng đầu tiên từ gần 600 năm qua quyết định ngưng vai trò dẫn dắt Giáo Hội Công Giáo và trị vì Vatican. 
    

Ðức Giáo Hoàng Benedict 16 rời khỏi cửa sổ của Castel Gandolfo, sau khi vẫy tay chào hàng ngàn người bên dưới. Ðây là nơi ngài trú ngụ tạm thời trước khi về sống ở tu viện Mater Ecclesiae, sau khi thoái vị hôm 28 Tháng Hai. (Hình: Christopher Furlong/Getty Images)  

Trong không khí rộn rã tiếng chuông ở Công Trường Thánh Peter cùng các giáo đường trên khắp thủ đô Rome của Ý, một chiếc trực thăng cất cánh, đưa vị chủ chăn Vatican về cung điện mùa hè dành riêng cho giáo hoàng ở Castel Gandolfo, một vùng đồi núi cách Rome chừng 15 dặm về hướng Ðông Nam. Tại đây, ngài sẽ tạm sống trong hai tháng đầu tiên của thời kỳ nghỉ hưu, trong khi chờ xây cất xong một tư thất mới.
Toán ngự lâm quân người Thụy Sĩ trong đồng phục sọc xanh vàng bàn giao nhiệm vụ bảo vệ Ðức Thánh Cha Benedict 16, 85 tuổi cho cảnh sát Vatican.

Ðức Giáo Hoàng Benedict 16 thoái vị, để lại sau lưng một giáo hội trong cơn khủng hoảng, như tiếp tục thích ứng với vụ tai tiếng sách nhiễu tình dục, một hệ thống hành chánh trung ương của Vatican đầy phân hóa, kể cả điều mà ngài gọi là một cuộc khủng hoảng đức tin.

Trước đó, bên trong điện Clementine Hall, gần Công Trường Thánh Peter, ngài cố làm dịu bớt dư luận quan tâm đến vai trò mai sau của mình, kể cả những mâu thuẫn có thể có do tình trạng đặc biệt sắp tới đây, khi giáo hội vừa có một giáo hoàng đang trị vì và một giáo hoàng đã về hưu, sống gần bên nhau ngay tại Vatican.

Vài nét về Ðức Giáo Hoàng Benedict 16

Ra đời ngày 16 Tháng Tư, 1927, tại Bavaria, Ðức, với tên Joseph Aloisius Ratzinger, ngài được thụ phong linh mục vào năm 1951. Ðến cuối thập niên, ngài trở thành một nhà thần học tiếng tăm và được bổ nhiệm làm giáo sư thực thụ trong năm 1958. Ngài làm giáo sư thần học tại nhiều trường đại học ở Ðức, mà University of Regensburg là trường cuối cùng, nơi ngài làm phó viện trưởng trong hai năm 1976 và 1977.

Cũng trong năm 1977, ngài được Ðức Giáo Hoàng Paul 6 (1963-1978) chỉ định làm tổng giám mục Tổng Giáo Phận Munich và Freising. Không lâu sau đó, ngài được phong chức hồng y vào ngày 27 Tháng Sáu, 1977, một sự đề bạt được xem là khá bất thường đối với người có ít kinh nghiệm về mục vụ.

Năm 1981, ngài định cư ở Rome khi được Ðức Giáo Hoàng John Paul 2 bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin, trước đây được gọi là Văn Phòng Tòa Thánh. Ngày 5 Tháng Tư, 1993, ngài được phong chức hồng y, giám mục hiệu tòa Velletri-Segni.

Năm 1998, ngài được cử làm phó chủ tịch, và đến năm 2002 được làm làm chủ tịch Hồng Y Ðoàn, và được xem là nhân vật sáng chói nhất trong số các hồng y.

Ngay trước khi trở thành giáo hoàng, Hồng Y Joseph Aloisius Ratzinger là một trong những người có nhiều ảnh hưởng nhất trong Giáo Triều Roma, một guồng máy hành chánh của Tòa Thánh và cơ quan quản lý trung ương của toàn Giáo Hội Công Giáo, và là một phụ tá thân cận của Ðức Giáo Hoàng John Paul 2. Trong vai trò chủ tịch Hồng Y Ðoàn, ngài là người chủ tọa tang lễ vị giáo hoàng tiền nhiệm của mình, kể cả buổi thánh lễ trước khi Cơ Mật Viện họp vào năm 2005 để chọn một giáo hoàng tương lai, mà ngài là người được bầu.
Sau khi lên ngôi, Ðức Giáo Hoàng Benedict 16 bắt đầu thu nhỏ lại bộ máy hành chánh Giáo Triều Roma, cho nhập bốn hội đồng thành hai hồi Tháng Ba, 2006.

Về ngôn ngữ, ngoài tiếng Ðức là tiếng mẹ đẻ, ngài nói lưu loát tiếng Pháp và tiếng Ý. Ngài cũng giỏi tiếng Latin, và nói được vừa đủ tiếng Anh lẫn tiếng Tây Ban Nha. Ngoài ra, ngài có thêm kiến thức về tiếng Bồ Ðào Nha. Ngài có thể đọc được tiếng Hy Lạp cổ và tiếng Hebrew trong Kinh Thánh. Ngài là thành viên của nhiều học viện khoa học. Ngài thường chơi dương cầm và yêu thích nhạc của Mozart và Bach.

Thoạt đầu là một nhà thần học cấp tiến, nhưng sau năm 1968, ngài trở nên bảo thủ hơn. Phần nhiều các bài viết của ngài bênh vực cho học thuyết truyền thống và giá trị của Công Giáo.

Ngài được chọn làm Giáo Hoàng ngày 19 Tháng Tư 2005, qua một cuộc bầu phiếu của Cơ Mật Viện, bao gồm những hồng y dưới 80 tuổi.

Hoạt động của Ðức Giáo Hoàng Benedict 16

Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ chủ chăn Giáo Hội Công Giáo toàn cầu, Ðức Giáo Hoàng Benedict 16 vận động cho sự trở lại với các giá trị nền tảng của tôn giáo, chống lại khuynh hướng thế tục đang ngày càng mạnh của nhiều nước Phương Tây. Ngài xem sự phủ nhận chân lý khách quan (objective truth) của tương đối chủ nghĩa (relativism), và sự phủ nhận chân lý đạo đức nói riêng, là vấn đề trọng tâm của thế kỷ thứ 21. Ngài dạy về tầm quan trọng của cả Giáo Hội Công Giáo lẫn sự hiểu biết về tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa. Ngài tái khẳng định đến “tầm quan trọng của sự cầu nguyện trong bối cảnh ngày càng có thêm nhiều khuynh hướng thế tục trong nhiều tín đồ Công Giáo dấn thân vào các công tác từ thiện.”

Vị giáo hoàng này cũng làm sống lại một số truyền thống, bao gồm việc nâng cao thánh lễ Latin Cổ Truyền (Tridentine Mass) lên một vị thế cao hơn. Ngài nói, dựa theo “đòi hỏi của đức tin,” việc cử hành thánh lễ này nay được cho phép dễ dàng hơn. Trước đây, thay vì phải có sự chấp thuận của giám mục, nay chỉ cần xin phép vị linh mục địa phương.

Ngài cũng làm mới lại quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo với nghệ thuật, xem việc ứng dụng mỹ thuật là con đường dẫn đến thánh linh. Ngài cổ xúy việc sử dụng tiếng Latin, và du nhập trở lại y phục truyền thống của giáo hoàng, và đây lý do mà ngài được gọi thêm với biệt danh là “giáo hoàng của thẩm mỹ học.”

Bàn về chủ nghĩa thế tục và duy lý, một trong những ý tưởng căn bản của Ðức Giáo Hoàng Benedict 16 có thể được tìm thấy trong bài nói chuyện có tên “Cuộc Khủng Hoảng Văn Hóa” của Tây Phương, một ngày trước khi Ðức Giáo Hoàng John Paul 2 qua đời, khi ngài nhắc đến đạo Công Giáo như là Tôn Giáo của Luận Lý (Religion of the Logos).

Ðức Giáo Hoàng Benedict 16 từng viết ba bản thông tri (encyclical).

Trong thông tri thứ nhất, tên “Deus Caritas Est” (Thượng Ðế là Tình Yêu Thương), viết năm 2005, ngài nói nhân loại được tạo dựng theo hình ảnh yêu thương của Thiên Chúa, rằng họ cũng có thể thực hiện sự yêu thương, qua sự dâng hiến cho Thượng Ðế và kẻ khác, bằng sự cảm nhận tình yêu của Chúa qua sự suy niệm. Bản thông tri dài 16,000 chữ, gồm 42 đoạn, mà nửa phần đầu do ngài viết bằng tiếng Ðức và nửa phần sau trích từ bài viết dở dang của vị giáo hoàng tiền nhiệm.

Thông tri thứ hai tên “Spe Salvi” (Cứu Rỗi bằng Hy Vọng), nói về ưu tính của sự hy vọng vào năm 2007.

Và ở thông tri thứ ba (2009), nhan đề “Caritas in Veritale” (Tình Yêu trong Chân Lý), Ðức Giáo Hoàng Benedict 16 tiếp tục lời giáo huấn của Giáo Hội về công bằng xã hội. Ngài lên án hệ thống kinh tế đang chiếm ưu thế mà chứng cớ là “đã gây nên những hiệu ứng độc hại của tội lỗi,” đồng thời kêu gọi người ta hãy tìm lại đạo đức trong kinh doanh và quan hệ kinh tế.

Về chủ nghĩa tiêu dùng, Ðức Giáo Hoàng Benedict 16 lên án khuynh hướng tiêu dùng thái quá, đặc biệt trong giới trẻ. Phát biểu hồi Tháng Mười Hai, 2007, ngài nói: “Thanh thiếu niên và ngay cả trẻ em, dễ dàng trở thành nạn nhân của sự yêu thương nuông chiều của những người trưởng thành vô tâm, là người đã tự đánh lừa mình lẫn con cái họ, đưa chúng vào ngõ cụt của chủ nghĩa tiêu dùng.”

Ðức Giáo Hoàng Benedict 16 mở rộng việc đối thoại với các nhóm tôn giáo khác và tìm cách cải thiện mối quan hệ với họ. Tuy nhiên, trong suốt thời gian làm việc, ngài cũng tạo nên một số vấn đề gây nhiều tranh luận. Nhiều chỉ trích cho rằng ngài thiếu nhạy cảm đối với Do Thái Giáo (Judaism). Ví dụ điển hình là việc ngài nâng cao thánh lễ Latin Truyền Thống và việc ngài bãi bỏ việc rút phép thông công của bốn giám mục thuộc “Society of St. Pius X.”

Ðối với đạo Hồi, có nhiều lần mối quan hệ giữa đôi bên trở nên căng thẳng. Năm 2006, trong bài phát biểu tại University of Regensburg ở Ðức, nội dung có lời phía Hồi Giáo cho là cảm thấy bị xúc phạm, dù rằng ngài chỉ nhắm đến tính hữu lý của sự bạo động trong tôn giáo, và hậu quả của nó đối với tôn giáo. Ví dụ trong câu nói: “Cho tôi xem điều gì Muhammad mang lại, được coi là mới mẻ. Quý vị sẽ thấy ở đó chỉ có những gì xấu xa và vô nhân, như khi ông ra lệnh hãy dùng gươm kiếm để phổ biến niềm tin của mình.”

Về Phật Giáo Tây Tạng, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma ngỏ lời chúc mừng khi Ðức Giáo Hoàng Benedict 16 vừa được chọn, và ghé thăm ngài ở Vatican hồi Tháng Mười, 2006.

Trong chuyến viếng thăm Brazil vào Tháng Năm, 2007, Ðức Giáo Hoàng Benedict 16 gây sóng gió khi nói rằng, thổ dân Nam Mỹ từng “âm thầm mơ ước” đến niềm tin Cơ Ðốc do những người đi chiếm thuộc địa mang đến cho họ. Tổng thống Venezuela, ông Hugo Chavez, đòi hỏi giáo hoàng phải có lời xin lỗi.

Trong cương vị giáo hoàng, ngài thực hiện vô số chuyến du hành trên khắp thế giới, mà nhiều nhất là trong ba năm đầu tiên. Năm 2008, ngài ghé thăm Hoa Kỳ và được Tổng Thống George W. Bush tiếp đón tại Tòa Bạch Ốc.

Vào ngày 11 Tháng Hai, 2013, Ðức Giáo Hoàng Benedict 16 loan báo ý định thoái vị trước sự hiện diện của các hồng y, trong một bài diễn văn đọc bằng tiếng Latin. Qua đó, ngài nêu lý do “thiếu sức mạnh của ý chí lẫn sức khỏe.” Ngài trở thành vị giáo hoàng đầu tiên thoái vị kể từ khi Ðức Giáo Hoàng Gregory 12 thoái vị hồi năm 1415, và cũng là người đầu tiên có quyết định như vậy một cách tự nguyện, tính từ Ðức Giáo Hoàng Celestine 5 vào năm 1294.

Ðức Giáo Hoàng Benedict 16 dự trù sẽ dọn đến sống ở tu viện Mater Ecclesiae đang được tân trang, trong suốt thời gian hưu trí. Với tư cách là Giáo Hoàng Danh Dự (Pope Emeritus), ngài vẫn được giữ tước hiệu Ðức Giáo Hoàng, cũng như được xem là Ðức Thánh Cha, đồng thời cũng tiếp tục mặc sắc phục màu trắng của một giáo hoàng. (TP)  
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/03/nguoi-viet-uc-giao-hoang-benedict-16.html?utm_source=BP_recent
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001