Trước khi viết về tướng Giáp, tôi đã nhiều lần nhìn lại cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và lần thứ hai, tôi có những ưu tư thắc mắc nặng trĩu trong lòng là phải chi Việt Nam mình tránh được cuộc chiến tranh huynh đệ, kéo dài gần nửa thế kỷ? Điều khó nhất là việc đánh nhau thì ta lại làm được, điều dễ là không đánh nhau thì ta lại làm không được. Ta hãnh diện, tự hào và gọi đó là những hy sinh cao cả. Mà thực ra bóc trần nó chỉ là thứ nghề đi giết người. Thế giới này làm nghề gì cũng được, nhưng không thể có cái nghề đi giết người!!
Thật vậy, đôi khi cần can đảm hỏi: Tại sao các nước láng giềng như Singapore, như Thai Lan, như Nhật, như Phi Luật Tân chung quanh ta họ tránh được cái kiếp nạn chiến tranh? Và nhìn toàn diện thế giới từ Âu sang Á Châu đến Phi Châu rồi Nam Mỹ, có hằng trăm nước cũng bị đô hộ, bị thuộc địa, vậy mà họ có bao nhiêu nước cần một cuộc chiến tranh giải phóng như thế không?
Phong trào giải thực trên toàn thế giới sau chiến tranh thế giới thứ hai, do sự suy sụp của các đế quốc, các thuộc địa đã biết khai thác kẽ hở yếu kém đó và đã giành lại được Độc Lập với một giá rẻ? Nhiều khi không tốn đến một viên đạn?
Nhưng khi tôi đọc một trích đoạn về tướng Giáp trong cuốn Patriots, tôi hiểu rõ được con người của ông hơn. Mặc dầu ông nhìn nhận cuộc chiến tranh này là: The most atrocious conflict in human history. Trong cuộc Hội thảo tại Hà Nội có sự tham dự của ông Mc Namara với hy vọng xem xét lại thởi gian chiến tranh để tìm ra những cơ hội bỏ lỡ (missed opportunities). Cuộc trao đổi giữa hai bên cho thấy sự khác biệt nền tảng giữa hai người về cách nhìn về chiến tranh.
Mc Namare khiêm tốn đưa ra nhận xét:”Chúng ta cần rút ra bài học từ đó cho phép chúng ta tránh được một thảm kịch như thế trong tương lai”.
Ông Giáp đáp lại một cách một cách thẳng thừng: ” Những bài học thì quan trọng thật Tôi đồng ý. Tuy nhiên, ông đã sai lầm khi gọi cuộc chiến tranh là một thảm kịch! Có thể nó là một thảm kịch đối với ông, nhưng đói với chúng tôi, chiến tranh là một sự hy sinh cao cả. Chúng tôi không muốn đánh nhau với người Mỹ, nhưng các ông đã không cho chúng tôi một chọn lựa nào khác”.
Christian G. Appy, Patriots, The Viet Nam war, trang 43
Câu trả lời của tướng Giáp, nó bắt buộc người viết biên khảo về ông cần nắm vững hai điều: Cần tìm hiểu kỹ gốc gác miền và cá tính con người tướng Giáp. Thời gian đi dạy học tiết lộ khá đầy đủ con người và tham vọng của ông sau này . Hai là sự tôn thờ chủ nghĩa cộng sản đến độ trong thâm sâu con người của ông chỉ có sự hận thù, chỉ có sự muốn thủ tiêu tất cả những ai không cùng chính kiến. Đây là điều mà những người viết về tiểu sử trướng Giáp hầu như không chú trọng tới đủ.
Từ bản chất con người như thế, cái nhìn về chiến tranh, về chiến thắng trở thành nỗi ám ảnh suốt đời ông! Trong khi cái nhìn đại cuộc, cái nhìn về viễn ãnh các mối tương giao quốc tế giữa nhiều thế lực chính trị, giữa nhiều xu hướng chính trị, giữa nhiều ý hệ đối nghịch, giữa nhiều giải pháp cứu nước dành độc lập, ông không có dịp học hỏi và không có một quan điểm vững vàng.
Kiến thức lúc trẻ của ông vùi đầu vào một số sách sử Pháp- đặc biệt cuộc Cách mạng 1798 của Pháp và những chiến công của Napoléon và từ đó ông dệt lên những ước mộng sau này của ông.
Thật vậy ngay khi còn ẩn dật dạy tư tại trường Thăng Long cũng là nơi ông nuôi dưỡng ý chí, đọc sách để sau này làm chuyện lớn. Ông học sử, dạy sử và dùng sử học cho những mục tiêu chính trị của ông và tin rằng có thể truyền thụ những điều ấy nơi học trò của ông. Vì thề, một số học trò của ông sau có thể do ảnh hưởng của ông cũng đi theo con đường ấy như Lê Đức Thọ, Nguyễn Thành Lê, tướng Lê Quang Đạo hay Nguyễn Lâm. Trong số ấy, kẻ thù muốn tiêu diệt hạ nhục ông không ai khác là học trò Lê Đức Thọ!!
Ngoài ra, còn có hai học trò mà sau này di cư vào miền Nam là Trung tướng Nguyễn Vĩnh Lộc, và ông Bùi Diễm, lúc ấy ông Bùi Diễm 13 tuổi. Ông Bùi Diễm tác giả In the Jaws of History, 1987.
Cả hai ông đều ghi lại những hồi ức về ông thày dạy sử. Những nhận xét về ông Giáp như là một người chiến đấu cực đoan, không bao giờ nở một nụ cười và không chịu khuất phục trước đối phuong. Giảng sử say mê đi từ đầu lớp xuống cuối lớp, mô tả lại những trận đánh của Napoleon, từng câu nói, cử chỉ của vị tướng như thể vị tướng đang có mặt.
Gần như ông nhập vào vị tướng và diễn xuất sử thay vì dạy sử. Và đã có lần, ông nói rằng, ông sẽ trở thành một Napoleon.
Dạy về Cách mạng Pháp, ông lôi trường hợp hoàng hậu Marie Antoinette ra, nói về sự chi phí xa xỉ quá đáng của bà hoàng hậu và kết luận là xứng đáng phải tử hình.
Và đi đâu ông cũng kè kẻ cuốn Tư Bản luận, ân bản tiếng Pháp và khuyến khích những người như Bùi Diễm nên đọc cuốn đó.
Con người ông- những điều ông đọc, điều ông xác tín, những điều ông mơ ước thực hiện- đều nuôi mầm từ những năm tháng này!!
Muốn hiểu tướng Giáp, hiểu tâm trạng, ước mơ tuổi trẻ của ông thoi72b đi dạy trường Thăng Long. Cho nên, cho dù ông nhận những ân huệ của Louis Marty đi nữa thì đó không có nghĩa là ông đi theo Tây. Một ngày nào đó- như cuộc đời ông cho thấy-ông đã cùng Phạm Văn Đồng đi tìm lãnh tụ của họ là Hồ Chí Minh ở bên Tầu .
Một quyết định không dễ, bỏ lại vợ con sau này chết trong tù và quyết tâm xây dựng sự nghiệp của mình cho thấy con người của ông –ý chí sắt đá- ra sao!!
Cecil B. Currey, Victory at any cost, The genius of Viet Nam’s Vo Nguyen Giap, trang 33-34
Nhưng đọc và tìm hiểu về tướng Giáp, chúng tôi có một lối tiếp cận liên hệ tư tưởng gần như tự phát giửa ông Võ Nguyên Giáp, một viên tướng ở miền Bắc và ông Ngô Dình Nhu, một nhà chính trị và trí thức miền Nam-.
Phải nhìn nhận, họ có một số điểm chung là là sự say mê và một xác tín vào một số vấn đề đất nước. Họ đểu thông minh, lý luận sắc bén. Họ đều ham học hỏi. Họ đều có thể ít bạn bè và cô đơn trong những nhận thức của họ.
Nhưng theo tôi việc học và đọc của VNG và NĐN khác nhau nhiều. Ông Giáp đọc tập trung vào một số vấn đề ông thiết thân như cách mạng và hoạt động cách mạng. Và chú trong vào hai phạm trù: Bạo lực và cách mạng.
Ông Nhu học và đọc chính quy, hiểu biết rộng về văn hóa, lịch sử và tầm nhìn chiến lược tương quan thế giới, ông Nhu vượt lên trên cái nhìn hạn hẹp của ý thức hệ cộng sản. Nếu thế giới quan của Võ Nguyên Giáp là ý thức hệ Mác Xít, làm cách mạng bằng đổ máu để đạt mục đích. Đánh Pháp là con đường duy nhất không thể tránh được bằng mọi giá.
Ông NĐN đã có một quan điểm chính trị khác hẳn, đối ngược như một chiến lược khác với chủ trương của người cộng sản và ông khẳng định rằng: Độc lập không phải là mục đích, Phát triển dân tộc mới là mục đích.
Ngô Dình Nhu, Chính Đề, trang 279.
Sự phân biệt này rất quan trọng bởi vì do sự chọn lựa khác nhau đã đã dẫn đưa đến những hậu quả như ngày hôm nay. Ông đã nêu ra một vài lần gương của nước Nhật giữ được tự chủ nhờ giáo dục, nhờ học hỏi nước ngoài, nhờ tự lực tự cường và nhờ phát triển kinh tế, mở mang dân trí. Nói theo bây giờ là biết dùng sức mạnh mềm ( soft power) để giữ được tự chủ, biết xử dụng Smart power(Thông Minh). Con dường dùng bạo lực (hard power) như vũ khí, chiến tranh là con đường mà Võ Nguyên Giáp đã coi như con đường duy nhất- cũng là con đường mà Napoléon đã đề cao trong lời tyên bố thời danh của ông?:
“God is on the side of the big batailions”
Xem Joseph S. Nye, Jr, The Future of power, chương II, trang 25
Ông Ngô Đình Nhu cũng cho rằng cần phân biệt hai chính sách thuộc địa: Chính sách thuộc địa di dân và chính sách thuộc địa khai thác. Nếu người Pháp sang đây chỉ có mục đích khai thác thì sớm muộn gì họ cũng biết con đường phải rút lui. Phải chăng họ bướng bỉnh tham lam, đó là sự thiển cận của người Pháp?
Phần những người cộng sản coi độc lập là cứu cánh, mục dích nên mọi tiềm lực của chúng ta phải đổ vào cuộc kháng chiến bằng mọi giá để đạt chiến thắng.(Đó là quan điểm Victory with any cost). Thay vì chúng ta dành cho sự giáo dục, dào luyện và phát triển như trường hợp nước Nhật?
Và ông Ngô Đình Nhu giả định rằng người Pháp có thực tâm trao trả Độc Lập như người Anh đối với Việt Nam thì ”Các nhà lãnh đạo miền Bắc đã du nhập chủ nghĩa cộng sản cũng chưa chắc đã đưa chúng ta ra được ngoài vòng chi phối trục tiếp của hai khối để khai thác mâu thuẫn mà phát triển dân tộc!!Bởi vì các nhà lãnh đạo miền Bắc đã coi lý thuyết ấy như một chân lý, một lý thuyết mà Nga Xô và Trung Cộng chỉ dùng làm phương tiện tranh đấu và Nga Sô bắt đầu sa thải sau khi mục đích phát triển đã đạt được!!
Và rồi muốn giành được độc lập, do sức lực còn yếu, người cộng sản đã dựa vào Tàu. Và theo ông Ngô Đình Nhu, đó là sai lầm lớn nhất của Hồ Chí Minh. Sự lệ thuộc vào Tàu thỏa mãn tham vong đất đai của Trung Cộng. Viện trợ cho Bắc Việt cũng là một công tác phòng thủ cho Trung Hoa, vì con đường tháo ra biển củng là con đường xâm nhập vào trung Hoa của các đạo quân chính phủ”.
Và ông kết luận: Trong tinh thần này, Trung Cộng đã viện trợ cho Bắc Việt
Ngô Đình Nhu, Ibid, trang 290- 291
Và sau đây, ông đã đưa ra một lời cảnh báo nghiêm trọng về sự lệ thuộc vào Tàu mà ký ức của những thời kỳ thống trị tàn khốc của Tàu đối với chúng ta còn ghi trong mỗi trang sử và trong mỗi tế bào thân thể của chúng ta. Ông viết:
“Các nhà lãnh đạo miền Bắc, khi tự đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng, đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ khủng khiếp. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi cơ hội phát triển của chúng ta, mà lại còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc. Và sau đây là lời tiên đoán để đời của ông Ngô Đình Nhu, với một tâm nhìn chính trị sáng suốt như một lời tiên tri cách đây trên nửa thế kỷ:
“Sở dĩ tới ngày nay (năm 1962), sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam chưa thành hình, là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây Phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử Nam Việt Nam bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian”.
Ngô Đình Nhu, Ibid, trang 301
Chính trong những suy nghĩ trăn trở trên mà tôi viết về những chiến trận làm nên tên tuổi Võ Nguyên Giáp và tôi cũng cảm thấy sự sự tê tái và chua xót cho những vinh danh quá độ về hãnh tiến chiến thắng đã qua được lập đi lặp lại mỗi ngày để xoa dịu nỗi bất hạnh nghèo đói, lạc hậu và suy đồi về mọi mặt.
Bước mở đầu sự nghiệp của một vị tướng lãnh có tài
Vào ngày 24 tháng 12, 1944, 32 người chiến sĩ đầu tiên ở vùng rừng núi bưng biền Thiện Thuật, gần Cao Bằng dự nghi thức “uống máu ăn thề”. 48 giờ sau, họ xâm chiếm hai bốt do quân đội Pháp chiếm đóng. Đây là những bước đầu tiên, mặc dầu nhỏ và không đáng kể.. Nhưng lại là bước mở đầu cho một cuộc trường chinh dài với nhiều trận chiến dẫn tới Điện Biên Phủ.
Georges Boudarel, Giap, trang 29
Nhưng theo tác giả Thiếu tá Robert J. O’Neill thì đơn vị tướng Giáp lập ra là 34 người thay vì 32, dưới danh hiệu Đơn vị tuyên truyền và Giải Phóng. Họ đã lập công đầu bằng cách tấn công hai bót nhỏ Khai Phát và Na Ngàn vào ngày 24 tháng 12, 1944 .. Hiện nay ngày sinh nhật cửa đon vị đầu tiên này trở thành ngày sinh nhật chính thức của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.
Robert J. O,Neill, General Giap, Politician & Strategist, trang 31
Đó cũng là bước mở đầu cho sự nghiệp quân sự của tướng Giáp mà sau này đã có nhiều người không ngần ngại gọi là một thiên tài quân sự của Việt Nam.
Chúng ta sẽ không lạ gì những tác giả như Georges Boudarel cũng như nhiều tác giả Pháp khác. Ông là người cộng sản Pháp nên toàn bộ cuốn sách của ông viết về tướng Giáp mà tôi đọc- ông đã không hề nhắc nhở xa gần về vai trò của Trung Quốc trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.
Viết về những trận đánh của tướng Giáp thì đã nhiều người viêt . Tôi tập trung vào 3 trận: Chiến dịch Biên giới, trận Vĩnh Phúc Yên Và cuối cùng trận Điện Biên Phủ ..
Trong ba chiến dịch này, tôi nhấn mạnh đến vai trò yểm trợ của Trung Quốc và nếu không có sự yểm trợ đó, không thể thắng Pháp được.
Chiến thắng biên giới
Trong trận chiến biên giới, đối với dòng sử chính thống, Võ Nguyên Giáp được coi như tác giả chính của những chiến công này và đã được ghi lại một cách chính thức trong quân sử Việt Nam.
Theo tài liệu chính thức của QĐND do Hữu Mai ghi:
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi trinh sát thực địa, nơi sẽ nổ súng tấn công đầu tiên. Trở về, Đại tướng triệu tập toàn bộ cán bộ cơ quan tham mưu, tác chiến và ban chỉ huy các trung đoàn trực tiếp tham gia chiến đấu. Đại tướng nêu câu hỏi: Ngoài Cao Bằng, còn nơi nào nữa không? Tại sao lại chọn Cao Bằng? Sau một phút yên lặng, Đại tướng nói: Chiến dịch này là Chiến dịch Biên giới. Mục tiêu là giải phóng toàn bộ các nơi bị chiếm đóng trên biên giới, trong đó có hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Cao Bằng là tỉnh biên giới không có cửa khẩu. Giải phóng Cao Bằng sau lại đánh tiếp Lạng Sơn? Thế có khác gì ta thông báo cho địch biết, để chúng chuẩn bị đối phó. Đại tướng quyết định đánh Đông Khê, Thất Khê và nói: “Đánh Đông Khê, Thất Khê là đánh một nơi, nơi đó bị tiêu diệt thì hai nơi khác không đánh cũng thắng. Mất Đông Khê, Thất Khê thì tại Cao Bằng và Lạng Sơn địch đều phải bỏ chạy vì không còn đường tiếp tế”.
Đúng như nhận định của Đại tướng. Sau khi Đông Khê, Thất Khê thất thủ, quân Pháp chiếm đóng ở hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn đều bỏ doanh trại, đồn, bốt rút chạy.
Nhận định tình hình đúng và chính xác, biết trước, nên sau khi đánh chiếm được Đông Khê, Thất Khê, ta chỉ để lại một lực lượng đủ để bảo vệ, còn toàn bộ tổ chức đi đón đánh quân địch tiếp viện và rút chạy. Kết quả, ta tiêu diệt và bắt sống hai tiểu đoàn lính lê dương do hai Đại úy tiểu đoàn trưởng tên là Sác-tông và Lơ-pa-dơ chỉ huy. Nếu nói về số tù binh bị bắt sống thì Chiến dịch Biên giới chỉ đứng thứ hai sau Chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Thế nhưng tài liệu Trung Quốc lại cho rằng Chen Geng(Trần Canh) cùng với 281 cán bộ cố vấn quân sự của Trung Quốc mới là những người có công trong chiến dịch biên giới và đã bắt được Marcel Le Page và Pierre Charton và nhiều tù binh Pháp.
Cũng theo Trần Canh, Việt Minh sử dụng gần 10.000 người tung vào chiến dịch Biên giới đê”tấn công Đông Khê vốn chỉ có vỏn vẹn 260 binh sĩ, tỉ lệ là 500:13= 38%, (tức hơn 38 lần).
Trong Ghi chép thực về đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam ghi lại như sau:
Phạm Văn Đồng phấn khởi nói:” Mao Chủ tịch, Đảng Trung Quốc viện trợ chúng tôi một cách vô tư, lại cử cố vấn giúp chúng tôi , năm 1950 giúp chúng tôi giành thắng lợi trong quan trọng trong chiến dịch biên giới, làm thay đổi tình hình kháng chiến của Việt Nam khai thông đường giao thông biên giới Việt- Trung hiện nay .( 1951).
Hạ tuần tháng 7, đồng chí Trần Canh đã đến Thái Nguyên, nơi đóng trụ sở của Trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc giao nhiệm vụ cho Trần Canh là giúp Việt Nam tổ chức chiến dịch biên giới.
Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam, trang 35
Trong Ghi chép thực về đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam ghi lại như sau:
Phạm Văn Đồng phấn khởi nói:” Mao Chủ tịch, Đảng Trung Quốc viện trợ chúng tôi một cách vô tư, lại cử cố vấn giúp chung’ tôi , năm 1950 giúp chúng tôi giành thắng lợi trong quan trọng trong chiến dịch biên giới, làm thay đổi tình hình kháng chiến của Việt Nam khai thông đường giao thông biên giới Việt- Trung hiện nay .( 1951).
Hạ tuần tháng 7, đồng chí Trần Canh đã đến Thái Nguyên, nơi đóng trụ sở của Trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc giao nhiệm vụ cho Trần Canh là giúp Việt Nam tổ chức chiến dịch biên giới.
Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam, trang 35
Qiang Zhai cũng có viêt về vấn đề này một cách chi tiết và rõ rệt như sau:
“ Tướng Hoàng Văn Thái đã thuyết trình cho Trần Canh về những hoạt động của quân đội Pháp dọc theo đường số 4. Trần Canh sau đó có nói với tướng Giáp, tổng tư lệnh quân đội Việt Minh về kế hoạch biên giới .. Tướng Giáp chấp nhận kế hoạch của trướng Trần Canh, sau đó tướng Giáp mời các cố vấn Trung Quốc thuyết trình cho các sĩ quan lãnh đạo chiến dịch cấp trung đoàn .. Trần Canh đã thuyết trình khoảng 4 tiếng đồng hồ, tập trung vào những điểm yếu của quân đội Việt Minh .. Những người dự buổi thuyết trình chăm chú nghe bài nói chuyện .. Đôi lần, tướng Giáp chen vào cho hay rằng những điều trình bầy của trướng Trần Canh rất có ích lợi .. Trong chiến dịch biên giới, ông Hồ đi thị sát bộ tham mưu bộ đội và nhắn nhủ họ tuân thủ theo những chỉ đạo của tướng Trần Canh “.
Trích Qiang Zhai, China & The Viet Nam wars, 1950-1974, trang 29
Nếu đúng như những gì Qiang Zhai vừa viết, sự có mặt của Trần Canh với kinh nghiệm dầy dặn chiến trường đã hẳn đóng góp không nhỏ vào chiến thắng chiến dịch Biên giới, đồng thời cho thấy sự viện trợ không điều kiện về quân nhu, quân cụ và lương thực của Trung Quốc.
Theo chính tướng Giáp trong chiến dịch biên giới đã viết:
“Cơ quan hậu cần đã cung cấp 1.886 tấn gạo, thực phẩm, 41 tấn đạn .(…) Các địa phương ở Việt Bắc, đặc biệt là hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, đã đóng góp rất lớn.
Tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc cũng đã đóng góp lương thực cho chiến dịch. Những đoàn xe vận tải của quân giải phóng Trung Quốc chạy thâu đêm cả tháng ròng trên những con đường cửa khẩu Việt Nam- Trung Quốc .
Cũng theo tướng Giáp cho đến năm 1950, ta tiếp nhận của Trung Quốc: 1020 tấn vũ khí đạn dược, 180 tấn quân trang quân dụng, 2634 tấn gạo, 200 tấn thuốc và dụng cụ quân y, 800 tấn hàng quân giới, 30 ô tô, 120 tấn xăng dầu và phụ tùng ô tô . Viện trợ của Trung Quốc là nguồn cung cấp quan trọng và hiệu quả cho chiến dịch “.
Trích Võ Nguyên Giáp, Ibid, trang 102
Trong số 1886 tấn gạo do hậu cần cung cấp, có bao nhiêu là tấn gạo đến từ Quảng Tây?
Nhưng ai là người thực sự quyết định đánh Đông Khê? Theo tài liệu quân sử chính thức ở trên thì quyết định ấy do tướng Giáp.
Nhưng theo Quang Zhai thì khi Trần Canh đi gặp ông Hồ ở Thái Nguyên, Trần Canh đã ở đó 4 ngày và trình bày kế hoạch chiến dịch biên giới. Tướng Trần Canh khuyến cáo bộ đội Việt Minh không nên đánh tỉnh Cao Bằng mà khuyến cáo đánh những địa điểm nhỏ như Đông Khê. Sau đó vây hãm Đông Khê và chờ lực lượng đến giải vây thì tiêu diệt lực lượng giải vây. Đó là công đồn, đả viện.
Và ngày 16 tháng chín, quân đội Việt Minh đánh Đông Khê sau hai ngày chiến dịch. Cũng theo tướng Trần Canh quyết định đánh quân Pháp ở Đông Khê với chỉ 260 quân đội đồn trú thay vì đánh Cao Bằng
Chiến thắng Đông Khê mang một ý nghĩa quan trọng. Quân đội Pháp điều động Le Page vào ngày 30 tháng chín, rời Thất Khê tiến về Đông Khê, nhưng đã bị phục kích ở phía Nam Đông Khê. Ngày 3 tháng 10, đại tá Charton rời bỏ Cao Bằng và mang binh đội tiến về phía Nam tính liên kết với Le Page .. Khi Charton bỏ Cao Bằng, cũng chính tướng Trần Canh đề nghị điều động sư đoàn 308, (Sư đoàn 308 đươc huấn luyện và trang bị đầy đủ bởi Trung Quốc) và đoàn 209 và những tiểu đoàn độc lập bao vây và tiêu diệt trước tiên đội quân của Le Page trước khi tấn công binh đội của Charton.
Hai ngày sau đến lượt Charton bị tiêu diệt. Cả hai Le Page và Charton đều bị bắt làm tù binh
Sau chiến dịch này, quân đội Pháp rút quân khỏi Lào Cay, Lang Sơn và Hòa Bình để lại 11.000 tấn đạn dược và bỏ trống tất cả vùng Lao Cay, Lạng Sơn, Hòa Bình ..
Chiến dịch biên giới mang nhiều ý nghĩa chiến lược vì kể từ nay hàng hóa, người cũng như quân cụ chuyển vận từ Trung Quốc cho chiến trường Việt Nam mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Qiang Zhai, Ibid, trang 31
Được biết rằng, trong chiến dịch này, Hồ Chí Minh đã tự ký thông tri tự mình làm Tổng Tư Lệnh, Võ Nguyên Giáp xuống làm phó tổng tư lệnh kiêm Tổng tham mưu trưởng, Nguyễn Chí Thanh, chủ nhiệm TC/CT và Trần Đăng Ninh, chủ nhiệm TC/Hậu Cần.
Trích Thông Tri ngày 28/ 6/1950 VKDTDTT .. Trích lại trong Võ Nguyên Giáp, Chính Đạo, Hợp Lưu, số tháng 8&9, 2010
Vì lý do gì chính Hồ Chí Minh phải đảm nhận chức Tổng tư lệnh quân đội ?
Nhưng sau buổi họp Hội Đồng chính phủ ngày 10/7/1950, ông Hồ tạm hoãn kiêm chức TTL/QĐ và để tướng Giáp tiếp tục làm TTL.
Còn theo Võ Nguyên Giáp, trong chiến dịch có mặt Trần Canh từ Vân Nam sang đây đã tới Tả Phày Từ. Nhưng Võ Nguyên Giáp xác định rõ: “Trần Canh chỉ là khách của Bác ” Trong khi thảo luận với Võ Nguyên Giáp, Trần Canh khuyên nên áp dụng chiến thuật “đánh điểm diệt viện” thường được áp dụng trong chiến tranh với quân Tưởng. Sau đó, Võ Nguyên Giáp cho biết sẽ dùng 9 tiểu đoàn trong một trận công kiên. 4 giờ 30 sáng ngày 18/9/1950, trận Đông Khê đã toàn thắng; Địch chết và bị bắt 300 tên Một số chạy thoát về Thất Khê.
Võ Nguyên Giáp viết tiếp:
“Số thương vong của ta lớn hơn dự kiến. Trận đánh phải kéo dài tới 52 giờ”.
Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ, trang 39—44
Tướng Giáp cho rằng Trần Canh chỉ là khách của Bác là không đúng . Chính ông Hồ yêu cầu đích danh mời Trần Canh sang Việt Nam.
Số binh lính trong đốn Đông Khê là tổng cộng 260 người thì không thể vừa chết vừa bị bắt là 300 tên, chưa kể một số chạy thoát về Thất Khê !!
Số thương vong của ta là lớn. Lớn bao nhiêu thì không rõ !! Nhưng theo Trần Canh thì Việt Minh đã xử dụng 10.000 binh đội trong trận đánh Đông Khê so với 260 binh sĩ Pháp trấn thủ đồn Đông Khê. Cũng theo Trần Canh, Việt Minh thiệt hại khoảng 500 người trong chiến dịch này.
Sau chiến dịch, ông Hồ cũng chỉ ban thưởng cho ông Giáp huy chương quân công hạng ba. Phần các cố vấn Trung Quốc đã đươc ông Hồ gửi công điện tạ ơn từ Trần Canh đến Vi Quốc Thanh, La Quí Ba, Tống Nhiệm Cùng, Lý Thiên Hữu, Trương Quân Dật, Diệp Kiếm Anh, Phương phương “.
Võ Nguyên Giáp, Chính Đạo, Ibid, trang 127.
Kết thúc chiến dịch biên giới thì Trần Canh trở về Trung Quốc để tham gia chiến đấu ở Triều Tiên với cương vị phó tư lệnh chí nguyện quân Trung Quốc.
Phần tướng Võ Nguyên Giáp cũng phải nhìn nhận rằng:
“Vấn đề nổi bật trong chiến dịch là chiến thuật đánh điểm diệt viện. Các bạn Trung Quốc đặc biệt coi trọng chiến thuật này.( …) Ở Tây Bắc, nhờ địa hình thuận lợi, anh Lê Trọng Tấn đã vận dụng đánh điểm diệt viện. Các bạn Trung Quốc đặc biệt coi trọng chiến thuật này “
Võ Nguyên Giáp, Ibid, trang 101
Phần Hồ Chí Minh đã viết thư cho Mao Trạch Đông với những lời lẽ như sau:
“Chúng tôi đã thắng lợi hoàn toàn trong chiến dịch Thất Khê-Cao Bằng (chỉ chiến dịch biên giới). Nguyên nhân lớn nhất của thắng lợi này là sự viện trợ tận tình của Đảng cộng sản Trung Quốc, Đảng cộng sản Liên Xô, sự nhiệt tình cảm động của các đồng chí Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông không nề hà gian khổ chấp hành chỉ thị của các đồng chí trực tiếp để giúp đỡ chúng tôi. Tôi cần nêu lên công lao đặc biệt của Trần Canh, Nhiệm Cùng, Vân Dật, Thiên Hựu , Qui Ba, Kiếm Anh, Phương Phương, Quốc Thanh và các đồng chí cố vấn trong chiến dịch.
Tóm lại, tôi cho rằng thắng lợi này là thắng lợi của đường lối Mao Trach Đông Cách mạng, quốc tế chủ nghĩa. Tôi không nói lời khách sáo: ” Cám ơn các đồng chí”, mà nói các đồng chí Việt Nam và nhân dân chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa giành lấy thắng lợi cuối cùng lớn hơn, lấy thành công để đền đáp sự kỳ vọng tha thiết và giúp đỡ to lớn của Đảng cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Liên Xô anh em”.
Nhớ lại Mao Trạch Đông và viện trợ Việt Nam chống Pháp. La Quy Ba, Những năm chống Pháp.
Cho dù lá thư của Hồ Chí Minh mang thứ ngôn ngữ ngoại giao khách sáo, nhưng chắc rằng hơn phân nửa nội dung lá thư là sự thật!!
Chiến thắng biên giới mang một ý nghĩa rất quan trọng vì nó khai thông biên giới giữa Việt Nam- Trung Quốc và kể từ nay không còn gặp những khó khăn trong việc chuyển vận người và quân dụng từ Trung Quốc sang VN.
Trong những Hồi ký chiến tranh của tướng Giáp, người đọc kỷ cảm nhận ra được rằng, ông cố gắng làm nhẹ giảm vai trò cố vấn của các cố vấn Trung Quốc. Nếu bắt buộc phải nói, ông chỉ nói lướt qua hoặc đưa ra những nhận xét tổng quát, không nêu rõ con số cụ thể.
Người ta có cảm tưởng, ông nhận sự giúp đở cả về quân trang, quân dụng và sách lược. Nhưng vì tự ái cá nhân .. Ông không muốn đặt nặng vai trò cố vấn này.
Sự che giấu vai trò của Trung Quốc trong chiến thắng tại chiến dịch biên giới khéo đến nỗi Rober J. O’Neill viết cuốn sách của ông đã hầu như không nha71c nhở một chút síu nào về sự trợ giúp của Trung Quốc cho Việt Nam.
Và như thế cho đến mãi năm 1969, khi Robert J. Neill cho xuất bản cuốn sách của ông, ông cũng hoàn toàn không đề câp đến sự giúp đỡ của Trung Quốc . Ông có thể đưa ra những con số đầy đủ và chi tiết số lượng vũ khí tịch thâu được của Pháp như sau:
- Kho lớn võ khí gồm 13 súng Field gun , 125 súng cối, 450 xe cộ đủ loại, ba xe tăng, 940 machines gun, 1200 sub-machine guns, hơn 8000 riffles và 1100 tấn đạn dược ..
Robert J. O’Neill, General Giap, trang 79
Nhưng, có lẽ chúng ta không thể nào gắn trọn vẹn chiến thắng biên giới cho một mình tướng Giáp được.
Chiến thắng của cộng sản Trung Quốc với Mao Trạch Đông vào mùa thu 1949 đã mở ra một tiềm năng và một hy vọng mới cho đảng cộng sản Việt Nam. Trước đó, sự giúp đỡ của Trung Quốc cho Việt Nam thật hạn hẹp. Nó thu gọn vào một vài việc huấn luyện quân sự cho một số nhỏ đơn vị chiến đấu của cộng sản VN tại biên giới giữa hai bên.
Vì thế phải đợi đến năm 1950, khi đảng cộng sản Việt Nam gửi Võ Nguyên Giáp sang gặp các lãnh đạo Trung Quốc với yêu cầu được giúp đõ về quân sự, trang bị và huấn luyện cũng như sự nhìn nhận chính thức đảng cộng sản Việt Nam. Mọi chuyện bế tắc tronbg chiến tranh Dông Dương lần thứ hai được triển khai và khai thông.
Kết quả ông Hồ Chí Minh đã đạt được một thoả thuận vào tháng ba, năm 1950.
Trả lời một bài phỏng vấn của ký gỉ MỹAndrew Roth vào tháng 8, ông Hồ cũng nhìn nhận cho rằng phong trào Việt Minh đã thay đổi chiến thuật và nay phỏng theo mô hình của Trung Quốc. Chẳng bao lâu sau đó, Việt Minh đã mở những lớp huấn luyện để cho các bộ lãnh đạo học theo mô hình Trung Quốc.
William J. Duiker, The Communist Road to Power in Viet Nam, trang 140 .
Chẳng những bắt chước theo mô hình Trung Quốc mà còn bắt chước cả lối ăn mặc của Mao Trạch Đông. Trong một bức hình chụp ông Hồ Chí Minh sabng thăm Trung Quốc vào năm 1955, tại phi trường Bắc Kinh, người ta nhan65n thấ ong? Hồ Chí Minh mặc bộ quần ao đại cán giống y hệt Mao Trạch Đông. Kiểu áo cùng một mầu, cùng một loại cổ áo, cùng 4 túi, cùng có năm nút cài. Xem Qiang Dhai, China& the Viet Nam Wars, 1950-1975 trang 71.
Trong chuyến đi này nhằm mục đích chính là tỏ lòng biết ơn Mao Trạch Đông và say đó nhận được một khoản tiềng cho vay khoảng 200 triệu Đô la để xây dựng nhà máy xi măng Hải Phòng, tu bổ nhà máy dệt Nam đinh đã bị Pháo tháo gỡ hết cũng như nhà máy phát điện ở Hà Nội.
Sự bắt chước này cho thấy ong HCM có những tiểu xảo khó ai bắt chước được.
Tài liệu Trung Quốc lại cho rằng Chen Geng(Trần Canh) cùng với 281 cán bộ cố vấn quân sự của Trung Quốc mới là những người có công trong chiến dịch biên giới và đã bắt được Marcel Le Page và Pierre Charton và nhiều tù binh Pháp.
Cũng theo Trần Canh, Việt Minh sử dụng gần 10.000 người tung vào chiến dịch Biên giới đê”tấn công Đông Khê vốn chỉ có vỏn vẹn 260 binh sĩ, tỉ lệ là 500:13= 38%, (tức hơn 38 lần)QĐND
Vấn đề viện trợ của Trung Quốc
Charles de Gaulle đã nhận xét như sau về nước Tầu: Không có một cuộc chiến tranh hoặc hòa bình nào ở Á châu mà không có sự dính líu của nước Tầu. (Il n’y a ni guerre ni paix en Asie sans que la Chine soit impliquée).
De Gaulle quả thực đã nhìn không sai về Á châu và nước Tầu.
Riêng Á châu với gần 3 tỉ người, với 50 thế kỷ lịch sử kể từ khi có lịch sử được gọi là lịch sử, với mảnh đất không gian trải dài như vô tận từ Sinai đến Kamtchatka.
Trong đó nước Tầu với dân số đông nhất thế giới với hơn một tỷ người, với một miền địa lý chạy dài tử Tiểu Á đến bờ Thái Bình Dương, từ miền bắc cực Sibéri đến biên giới nhiệt đới Ấn Độ và cuối cùng dừng lại ở xứ Bắc Kỳ.
Sức nặng lịch sử đã đè nặng trên dân Việt với không biết bao nhiêu trải nghiệm với lòng tự quyết và ý chí sinh tồn. Lịch sử Việt Nam tóm lại trong mấy nghìn năm chỉ là lịch sử sinh tồn để không bị đồng hóa. Sự xác nhận trên cho thấy rõ ràng có sư thay đổi sau chuyến đi Bắc Kinh của ông Hồ Chí Minh. Vì truớc đó, tướng Giáp đã cho thấy rõ thực trạng quân đội Việt Minh như thế nào? Lực lượng bộ đội đã lên đến con số 166.542 người cộng với 2 triệu dân quân du kích so với lực lượng của binh đội Pháp là 180.000 người Sê xích thua kém không bao nhiêu.Tuy nhiên, như tướng Giáp viết:
“Tuy nhiên quân đội ta vẫn đơn thuần là bộ binh, trang bị còn rất yếu kém, phương tiện di chuyển vẫn là đôi chân, mọi thứ vũ khí, kể cả sơn pháo, đều nằm trên vai chiến sị “ Về mặt lương thực thì như tướng Giáp giải thích: “Điều gây căng thẳng lúc này lại là khó khăn gay gắt về mặt lương thực. Ông giải thích thêm: Những tỉnh miền núi ít đất trồng trọt, dân cư thưa thớt. Bộ đội tập trung về Việt Bắc mỗi ngày mồi đông. Cư dân miền núi vốn không đông lại phải tham gia mọi công tác chính quyền, đi bộ đội, đi dân công, làm đường, phục vụ chiến dịch. Số người không sản xuất nông nghiệp quá nhiều. Lương thực gạo muối đều trông vào miền xuôi. Địch biết rõ điều này. Chúng đẩy mạnh bao vây chặt chẽ ta về kinh tế, lương thực, đặc biệt là gạo và muối. Chúng thực hhiện chính sách đốt sạch trong những cuộc càn, dùng máy bay đánh phá các đập nước. Giá gạo tăng vọt, từ 4.3/ một Kí lô lên đến 14.2/một kí lô. Đến mùa hè này thì có tiền cũng không mua được gạo. Các cán bộ từ tỉnh lên phải tự túc mang theo gạo hoặc mang thuốc men, vải vóc đổi lấy gao..Đồng tiền VN mất giá rất nhanh”
Và tướng Giáp kết luận: Nhìn bữa ăn của bộ đội, cán bộ, thật đau lòng
Trích Đương tới Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp, trang 7-8
Vì thế phải trông chờ vào sự giúp đỡ của Trung Quốc thôi. Không có Trung Quốc là bộ đội đói ăn.
Trong bài Mẫu Mực sáng ngời của chủ nghĩa Quốc Tế Vô sản của Lã Quý Ba
Lã Quỳ Ba là người được cử sang VN đầu tiên sau khi chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Mao Trạch Đông vào mùa đông năm 1949, xin cung cấp viện trợ. Lã Quý Ba viết: Tháng 1/1950, tôi từ Bắc Kinh lên đường, bí mật xa tổ quốc. Trước khi lên đường, đồng chí Thiếu Kỳ giao cho ba tháng làm xong việc về nước.Thế nhưng, tình hình thay đổi, tôi đã đi một mạch gần 8 năm..
Trích bài Mẫu mực sáng ngời của chủ nghĩa Quốc tế vô sản, Lã Quý Ba, trang 2
Theo tài liệu hữu quan, Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam hơn 150.000 khẩu súng, hơn 3000 khẩu pháo và số lớn đạn dược, xe cộ, quần áo, lương thực, thực phẩm và đồ dùng hằng ngày khác như màn, khăn bông, bát tráng men ..vv
Sự viện trợ không điều kiện ấy:
” Chính phủ Trung Quốc không lấy tiền, đòi nợ Việt Nam, không ký bất cứ thỏa thuận nào hoặc hiệp đinh bất bình đẳng nào với Việt Nam, không xây dựng bất cứ căn cứ quân sự và đóng một người lính nào ở Việt Nam, hoàn toàn không phải trả giá, vô tư, điều đó nói lên đầy đủ ý nghĩa quốc tế vĩ đại của Mao chủ tịch “
Trích ý kiến của Lã Quý Ba, Ibid..
Trong tám chiến dịch quan trọng nhất là: Thắng lợi biên giới, Chiến thắng Tây Bắc và Điện Biên Phủ thì đều có vai trò quyết định của cố vấn Trung Quốc.
Và Vị Quốc Thanh đã kết luận:
“Tôi cảm thấy thấm thía rằng, không có viện trợ số lớn, vô tư của Trung Quốc thì thắng lợi của chiến tranh Việt Nanm chống Pháp sẽ không đến nhanh như thế “.
Trích Ghi chép thực về đoàn cố vấn Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Ibid
Nhưng người nào viết về cuộc chiến tranh Đông dương lần thứ nhất thì không thể quên được hai biến cố xảy ra ở Trung Quốc có tầm quan trọng ảnh hưởng như một khúc quanh của cuộc chiến Đông Dương.
Đó là sự thống nhất nước Tàu vào năm 1949 và sự chấm dứt chiến tranh Cao Ly giữa Nam và Bắc Hàn năm 1953. Nhờ hai biến cố đó, Mao Trạch Đông mới rảnh tay giúp đỡ và viện trợ cho chiến tranh ở Việt Nam.
Các sự trợ giúp ấy đã được các tướng lãnh Pháp như R. Salan, Henri Eugène Navarre, P. Ély nhắc đến trong hồi ký của họ.
Tướng Salan, tác giả Indochine rouge, le message de Ho Chi Minh và nhất là Le Viet-Minh, mon adversaire, ông tiết lộ cho hay đã chỉ định thiếu tá Charles Latapy bay trên vùng biên giới Trung Quốc giáp giới với Lạng Sơn và chụp được những tấm không ảnh về những kho hàng và xe vận tải chạy về hướng Bắc Việt.
Và sau này, 1959 có cuốn La Chine et le règlement du première conflit d’Indochine, Genève 1954 của Francois Joyaux. Cuốn sách đã được trong nước dịch ra tiếng Việt
Trong cuốn sách của F. Joyaux cho thấy tháng 12/1949, một phái đoàn quân sự Việt Nam đã đến Bắc Kinh để xin viện trợ quân sự. 20.000 binh đội Việt Minh đã được đưa sang Trung Quốc huấn luyện và được trang bị đầy đủ khi về lại Việt Nam.
Và kết quả cụ thể là kể từ 1950, cuộc viện trợ đã đem lại những chiến thắng cho Viet Minh tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Kay, Đông Khê Thất khê. Trước đây, việc viện trợ chỉ đạt tới con số 1000 tấn/ một tháng. Sau tăng đến 4000 tấn/ tháng trong đó có 2000 tấn lương thực .. Từ 1952, Trung Quốc gửi sang hàng vạn kỹ thuật viên nhiều ngành khác nhau như: truyền tin, bộc phá, bảo quản vật tư, pháo binh …
Tuy nhiên, tài liệu còn trích dẫn trong cuốn Hồi Ký của Kruschev kể lại một chi tiết rất quan trọng và tiết lộ một thực tế chiến tranh không mấy sáng sủa về phía quân đội của tướng Giáp. Theo Krustchev cho thấy rằng Phong trào kháng chiến của Việt Nam sắp tan rã vì Chu Ân Lai đã tuyên bố với ông ta:
“Đồng chí Hồ Chí Minh đã nói với tôi (tức với Chu Ân Lai) rằng tình hình Việt Nam là tuyệt vọng và nếu chúng ta không có được một cuộc ngừng bắn thì người Việt Nam sẽ không kháng cự được lâu hơn nữa với Pháp . Cho nên, việc họ quyết định lui đến biên giới Trung Quốc và nếu việc đó là cần thiết, thì họ muốn Trung Quốc sẵn sàng đưa quân vào Việt Nam như Trung Quốc đã làm với Bắc Triều Tiên. Nói một cách khác, người Việt Nam muốn chúng tôi giúp họ đuổi người Pháp “
Trích tóm lược cuốn Trung Quốc và việc giải quyết chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, bản dịch, trên Diễn Đàn Thế kỷ ..
Hiện nay, chúng ta có nhiều cơ hội để đọc các tài liệu từ phía Trung Quốc như các tác giả Shi Zhe, Tong Xiaopeng, Zeng Sheng Qiang Zhai vv. Đó là một kho tư liệu quý báu đã mở ra cho người đọc.
Mới đây, Qiang Zhai, giáo sư sử học tại đại học Auburn University trong cuốn China& The Viet Nam wars, 1950-1975 cho thấy sự hỗ trợ ” không điều kiện” của Mao Trạch Đông trong hai cuộc chiến như thế nào.
Đây là những tiết lộ dựa trên tài liệu không chối cãi được. Đọc để nhìn ra được bản chất cuộc chiến tranh ấy mang dấu ấn gì và tầm ảnh hưởng trên những quyết địch sinh tử về cán cân quyền lực đưa đến thắng lợi chung cuộc. Trung Quốc đã tài trợ vũ khí, lương thực. Cạnh đó còn giúp đỡ nào là huấn luyện, nào là trau dồi ý thức hệ, nào là sách lược chiến tranh, nào là cách đánh, nào là kinh nghiệm chiến trường rút tỉa được từ cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Vậy mà có sách vở tài liệu chiến tranh nào của Việt Nam nói đầy đủ về sự “trợ giúp quốc tế ” này không? Theo tôi được biết chính thức là không có tài liệu nào cả. Việt Nam sau cuộc chiến tranh đã tránh né viết đầy đủ công cuộc việc viện trợ cũng như vai trò của Trung Quốc.
Nhưng có ai ngờ rằng, từ một sợi chỉ, cây kim cũng phải nhờ vào Trung Quốc? Không có sự trợ giúp của Trung Quốc, cộng sản Việt Nam không thể tiến hành hai cuộc chiến được. Có ai biết rằng một “đôi dép râu”, một chiếc mũ cối đều do Trung Quốc chế tạo và cung cấp cho Việt Nam? Một đôi dép cao su có đáng giá là bao nhiêu mà cũng không sản xuất nổi? Giả dụ không có Trung Quốc giúp hàng triệu đôi dép râu thì chắc hẳn binh lính cộng sản sẽ đi chân đất vào đánh miền Nam. Những đôi dép râu vừa nhẹ về tổn phí sản xuất, nhẹ nhàng, bền bỉ, lội bùn sình lầy, sông ngòi, trên rừng, đạp lên chông gai hơn hẳn mọi mặt về đôi bốt của phía địch. Không có sự giúp đỡ hàng 10 ngàn xe vận tải thì binh đội Bắc Việt sẽ phải để ra 6 tháng trời đi bộ vào miền Nam đánh trận? Và lấy gì để ăn nếu không có những khẩu phần lương khô đầy đủ chất dinh dưỡng của Trung Quốc? Không có xe tăng của Liên Xô thì lấy gì húc đổ Dinh Độc Lập?
Những món nợ ấy ngày này đến lượt chúng ta phải trả !!! Ông Hồ Chí Minh hơn ai hết biết rõ điều đó, lo sợ về điều đó. Chẳng phải bây giờ chúng ta mới mất đất, mất biển mà mất ngay từ cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất .
Chúng ta không biết gì chỉ vì Đảng ngậm tăm dấu kín.
Theo Vũ Thư Hiên:
” Tại vùng mỏ Quảng Ninh, quân Trung Quốc ngang nhiên ngăn cấm người Việt Nam đi vào khu vực đóng quân của chúng, thậm chí bắt giữ các chuyên gia địa chất Liên Xô đi lại. Chỉ đến khi chính quyền Việt Nam can thiệp, những chuyên gia này mới được thả . Trở về Hà Nội, họ nói thẳng với thủ tướng Phạm Văn Đồng: ” nếu đến Việt đồng chí báo trước để về sau những việc tương tự không xảy ra nữa” . Nghe những lời mỉa mai cay đắng ấy, ông thủ tướng im như thóc “.
Trích Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, trang 402
Cũng theo Vũ Thư Hiên thì:
“Việc đảng cộng sản mời quân đội Trung Quốc vào nước mình là chuyện mọi người đều biết. (.. ) Trong việc viết báo, tôi thường có mặt ở các địa phương quân đội Trung Quốc đóng Quân đội Trung Quốc đóng trên toàn bộ khu mỏ Quảng Ninh, tự trị Việt bắc, một phần khu Tây Bắc và dọc quốc lộ 1 tới tận Yên Sở, phía Nam Hà Nội) được nghe lời phàn nàn của dân chúng về chuyện Đảng và nhà nước để quân Trung Quốc vào. Người ta hỏi tôi như hỏi một cán bộ hiểu biêt, hi vọng tôi giaqi? đáp câu hỏi nhức nhối đó . Khốn nạn, tôi có thể nói được gì cho họ trong khi chính tôi cũng không hiểu nổi, và đôi khi còn không được những quyết định tự quyền của Duẩn-Thọ trước khi chúng lộ ra, những quyết định cực kỳ ngu xuẩn mà, theo chúng tôi, chỉ có những thằng điên mới hành động như thế “.
Trích Vũ Thư Hiên, Ibid, trang 405
Một cuốn sách cũng cần được lưu ý là cuốn Vietnamese Communists’ Relations with China and the Second Indochina Conflict, 1956-1962 của Ang Cheng Guan. Cuốn sách giúp chúng ta hiểu sâu sắc mối liên hệ phức tạp giữa đôi bên. Và một lần nữa, ở các trang từ 143-147 nói về cuộc viếng thăm của Thủ tướng Chu Ân Lai vào năm 1960 chi tiết hóa thêm những sự trợ giúp từ phía Trung Quốc như các chương trình dẫn thủy nhập điền, kỹ nghệ luyện kim, kỹ nghệ hóa học, xây dựng cầu đường giúp đỡ chẳng những về mặt quân sự mà còn kinh tế như xây dựng 72 cơ sở kỹ nghệvv.
Các món nợ ấy cứ thế mà chồng chất lên. Thời điểm Hồ Chí Minh- Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai còn sống thì Hồ Chí Minh có thể cười trừ “xóa nợ”. Nhưng đến lượt gặp Đặng Tiểu Bình thì cười trừ, giã lả không được nữa. Đã có lần Hồ Chí Minh gặp Đặng Tiểu Bình, ông này ngồi yên, không thèm nhúc nhich. Hồ Chí Minh đành nhẫn nhục, ép bụng đến bắt tay họ Đặng!
Thời xưa đã vậy, thời nay cũng thế mà thôi. Và hy vọng chính quyền cộng sản nay theo được gương của tiền nhân để lại !!
Từ năm 1966 có một tác giả là tiến sĩ Stephen C.Ỵ Pan đã cùng với một linh mục dòng tên là Daniel Lyons, S.J. viết chung một cuốn sách nhan đề: Viet Nam crisis ..Phần đầu cuốn sách đã dành tiết lộ những sự trợ giúp của Trung Quốc cho Viet Minh như thế nào ..
Về phương diện cá nhân, ngay từ thời sinh viên, tác giả tiến sĩ Stephen Pan đã có dịp quen biết với Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Và đặc biệt có mối quan hệ quen biết gần gũi với Tưởng Giới Thạch trong suốt cuộc đời của TT. họ Tưởng. Cuốn sách tuy mỏng, nhưng nội dung lại chứa đựng nhiều thông tin quý giá vì tác giả quen biết nhiều người trong cuộc. Cuốn sách cũng đã được sự khuyến khích xuất bản của tổng giám mục Nam Kinh Paul Yu-Pin. Cuốn sách này cũng được dịch ra tiếng Trung Hoa, tiếng Đức, tiếng Ý và Tây Ban Nha.
Theo Stephan Pan, dựa vào nhiều nguồn tài liệu, ông tiết lộ cho biết :
- Từ 20 tháng 8, 1950, có 150.000 lính Trung Hoa chuyển đến Côn Minh và Hồ Nam để hỗ trợ Viet Nam. Nguôn tin này được đưa ra từ Chinese United News Agency ở Hồng Kông.
- Ngày 28 /6/ 1950, tờ China Tribunes of New York city cho hay có hai tàu thủy mang tên S.S Kwo Tai và S.S Kuo Young từ một cảng ở gần Quảng Đông đã di chuyển vê phía Bắc Việt Nam với những kiện hàng vũ khí.
- Cơ quan Kwong Wah News Agency ở Hồng Kông cũng thuật lại cho biết có hai tàu thủy rời Quảng Châu đi Hải Phòng, phía Bắc Việt Nam với các trang bị quân sự. Không rõ số lượng.
- Theo tờ Chinese United New Agency ở Hồng Không tường thuật cho biết tướng Lâm Bưu đã cho thiết lập một bộ Tham mưu hỗn hợp Sino-Viet Minh Joint staff group cùng với 6 cố vấn quân sự của Liên Xô. Nhiệm vụ của đoàn cố vấn này là điều hợp những công tác tham mưu giữa Trung Quốc và Việt Minh .
- Và tháng 9/1951, nhiều báo chí ở Trung Quốc lọt ra ngoài đã kêu gọi quân tình nguyện Trung Quốc để gửi sang giúp các đồng chí Việt Minh, để tiêu diệt bọn tư bản đế quốc cùng một lúc trên hai mặt trận Hàn Quốc và Việt Nam.
- Ngày 29 tháng5, 1951 tờ China Daily News thuật lại Hồ Chí Minh trước đây đã gặp Lưu Thiếu Kỳ và ra một thông báo chung, trong đó Hồ Chí Minh nhìn nhận có sự giúp đỡm của Trung Quốc cho bộ đội Việt Minh .”
Vietnam Crisis, Stephen Pan và Daniel Lyons, trang 24-26, nxb East Asian Research Institute, N.Y
Trên đây là những tin tức tình báo mà tác giả cuốn sách thu tập được, nó chứng tỏ sự trợ giúp của Trung Quốc là sự kiện có thật và nó góp phần không nhỏ vào chiến thắng quân sự ở Việt Nam ..
De Lattre De Tassigny- Võ Nguyên Giáp tại trận đánh ở đồng bằng: trận Vĩnh Phúc Yên
Sau chiến thắng biên giới, tướng Võ Nguyên Giáp chắc là lên tinh thần và ông chuẩn bị cho một trận đánh dứt điểm giải quyết xong vùng trung du, vùng Duyên Hải Đông Bắc và Liên khu ba.
Trong chiến dịch này, mục tiêu cuối cùng của tướng Giáp là bằng mọi giá chiếm được Hà Nôi. Chiếm được Hà Nội là giải quyết xong chiến tranh giữa đôi bên !
Trong những tờ truyền đơn mà người Pháp và binh sĩ Quốc Gia nhặt được trong thời gian này có ghi một khẩu hiệu tuyên truyền vớ ý đồ rất rõ ràng như sau: Bác Hồ về ăn tết ở Hà Nội. Mục tiêu chiến thắng này cũng tương tự như chiến dịch Tổng tấn công và Tổng nổi dậy của Lê Duẩn trong dịp Tết Mậu Thân !!
Kiểm điểm tình hình quân sự lúc bấy giờ cho thấy quân số của hai bên Pháp và tướng Giáp gần như bằng nhau: Tướng Giáp có quân số là 238.884 người. Quân đội Pháp là 239.000.
Theo tướng Giáp, “việc trang bị vũ khí còn gặp nhiều khó khăn. Trung Quốc đã đưa chí nguyện quân sang chiến đấu ở Triều Tiên .. Để trang bị cho 6 đại đoàn bộ binh, nhu cầu của vũ khí của ta lên tới 1200 tấn. Trong năm 1950, bạn chỉ giao được 30% .. Nguồn vũ khí của ta lúc này một phần dựa vào bạn, nhưng phần chủ yếu vẫn là lấy của địch và do ta tự sản xuất “.
Võ Nguyên Giáp, Ibid, trang 128-129
Tướng Giáp đã chuyển hai đại đoàn chủ lực từ Cao Bằng, Lạng Sơn di chuyển về phía Nam .. Họ mất nửa tháng cho cuộc di chuyển bí mật này.
Đêm 26 tháng 12/1950, tướng Giáp ra lệnh tấn công nhiều nơi ở vùng Trung Du và Đông Bắc và áp dụng lối đánh bôn tập của giải phóng quân Trung Quốc (Lối đánh bất ngờ, đánh nhanh, giải quyết chiến trường trong vài giờ, rồi rút nhanh để hạn chế hỏa lực máy bay và đại bác của địch).
Và đây cũng là lần đầu tiên quân đội Pháp phải đối diên với lối đánh biển người. (Human sea). Hết đợt người này đến đợt người khác tiến lên tấn công các đồn bót do binh sĩ Pháp đồn trú . Các ngọn đồi 101, 210 lần lượt bị tràn ngập.
Trong những ngày đầu kể như quân đội Pháp thua vì các đồn bót bị tràn ngập bởi binh đội Bắc Việt.
Trong khi đó thì tướng De Lattre De Tassigny mới tới Sài Gòn ngày 17/12/1950 đem theo các cộng sự viên thân tín của ông như tướng Salan, đại tá Allard, Cogny, Gracieuxvv..
De Lattre De Tassigny là nguời dám làm những điều mà người tiền nhiệm của ông không dám làm như:
- Yêu cầu các công chức hành chánh thay phiên nhau canh gác trại để các quân nhân thuần túy rảnh tay ra mặt trận.
- Vợ con các binh lính, sĩ quan của Pháp được lênh rời Việt Nam để những binh lính yên tâm đánh giặc.
Bernard B. Fall, Street without joy, trang 36
Ngày 19/12/1950, De Lattre bay ra Hà Nội. Sự có mặt của De Lattre đã nâng cao tinh thần binh sĩ Pháp. Chính ông dùng máy bay Morane quan sát mặt trân và khuyến khích tinh thần binh sĩ.
Về Hà Nôi, De Lattre cho lập cầu không vận đưa binh đội từ Nam Bộ và Trung bộ tung vào chiến trường Vĩnh Yên. Cuối cùng ông phải tung vào chiến trường những đơn vị lưu động(Mobile Group No 2) mới được thành lập.
Tướng De Lattre còn ra lệnh cho đại tá không quân Maricourt xử dụng loại bom Napalm lần đầu tiên được xử dụng ném xuống Vĩnh yên.
Xin trích dẫn tóm tắt, sơ lược Hồi ký của một sĩ quan Việt Minh, ông Ngô Văn Chiếu về trận đánh thảm khốc này:
“Chúng tôi là một trong 10 tiểu đoàn tinh nhuệ nhất và chúng tôi hăng hái chiến đấu vì được tham dự trận đánh có tính quyết định số phận của Hà Nội. Hôm nay đã là ngày 13 tháng giêng và chỉ còn vài tuần nữa là Tết. Chúng tôi muốn được ăn tết ở Hà Nội .
Mỗi đơn vị chúng tôi đã sẵn sàng chấp nhận những nhiệm vụ khó khăn nhất được giao phó .
Nhưng bất ngờ có tiếng những ì ầm trên trời và những máy bay xuất hiện mỗi ngày một lớn hơn .. Tôi ra lệnh cho đơn vị tôi tìm chỗ trú ẩn tránh bom và đạn ..Những quả bom hình quả trứng lần lượt hết chiếc máy bay này đến chiếc khác thả trên đầu chúng tôi. Những ngọn lửa lớn lan ra cả trăm mét gây kinh hoàng trong hàng ngũ binh đội chúng tôi. Đó la bom Napalm.
Những ngọn lửa gần đến nỗi làm tôi khó thở . Binh lính lúc này chạy toán loạn không cách nào giữ họ lại được .. Không có cách gì có thể núp hoặc né tránh lửa thổi ra mọi hướng và đốt cháy tất cả những gì trên đường đi của nó.
Binh lính tiếp tục chạy trốn. Tôi nhìn thấy một sĩ quan chính trị viên cầm súng lục đang cố gắng một cách tuyệt vọng để tụ họp họ lại”.
Trong trận này, tướng Giáp thiệt hại 6000 người chết và 500 bị bắt làm tù binh.
Ngô Van Chieu, Journal d’un combattant Viet Minh, Paris, 1954. Trích trong Street without Joy, Bernard B. Fall, trang 39-40
Và sau 23 ngày đêm, chiến dịch Trần Hưng Đạo đã kết thúc. Sáng ngày 17/1/1951, tướng Giáp quyết định kết thúc chiến dịch Trung Du.
Không một ai trong binh đội tướng Giáp nghĩ đến việc ăn cái tết này ở Thủ Đô Hà Nội nữa !!
Phần tướng Giáp đã tổng kết chiến dịch đánh Vĩnh Phúc Yên như sau:
Ta loại khỏi vòng chiến 5.000 quân địch, trong đó có 2000 tên bị bắt sống, tiêu diệt 30 vị trí, trong đó có 10 vị trí đại đội, tịch thu hơn 1000 súng đủ loại đủ trang bị cho một trung đoàn ..
Võ Nguyên Giáp, Ibid, trang 153.
Trong khi đó, Qiang Zhai thì lại nhận định trái ngược với tướng Giáp về kết quả trận đánh như sau:
” Tháng giêng 1951, tướng Giáp cho tấn công Vĩnh Yên, cách Hà Nội 37 dặm, áp dụng chiến thuật biển người đang được Trung Quốc dùng tại Triều Tiên. Tướng Jean De Lattre De Tassigny, tổng tư lênh Pháp tại Đông Dương, đưa quân phản kích, dùng cả bom Napalm. Việt Minh tổn thất ít nhất 6000 chiến sĩ “.
Phỏng Vấn Qiang Zhai của đài BBC, Ibid ..
Trong một bài nghiên cứu của Pháp có tường thuật khác hẳn như sau:
“Tại Vĩnh Phúc Yên có khoảng 3000 binh đội Pháp, chưa kể quân tiếp viện. Ngày 10.1 Võ Nguyên Giáp tấn công bằng hai đại đoàn 308 và 312 ..Nhiều đợt tấn công biển người đã buộc binh đội Pháp phải rút lui. Mất bốt Bao Chuc. Ngày 14, tướng De Lattre De Tassigny trực tiếp cầm quân bên cạnh có các đại tá Redon và Vanuxen, De Castries vv. Tướng De Lattre đã cho gởi quân tăng viện từ phía Nam ra gấp bằng máy bay và quân Pháp đã phản công và đẩy lui quân đội Việt Minh về phía núi, buộc binh đội Việt Minh phải rút lui.
Nhưng cái quyết định quan trọng nhất đưa đến chiến thắng này là tương De Lattre đã yêu cầu Maricourt, chỉ huy không quân có trang bị những bình xăng đặc biệt của bom Napalm. Ngay từ tảng sáng, tướng De Latre De Tassigny đã cho thả bom napalm tưới trên đầu các chiến binh đang tháo chạy. Họ trở thành những cây đuốc sống di động.
Indochine 1951, La bataille de Vinh Yen, Première victoire du Général De Latttre De Tassigny en Indochine.
Đây là chiến thắng vinh dự, chiến thắng đầu tiên của tướng De Lattre tại chiến trường Việt Nam .. Nhưng nỗi bất hạnh đã xảy đến cho ông vài tháng sau, trung úy Bernard de Lattre đã hy sinh tại mặt trận Ninh Bình vào 30/5/1951. Đây cũng là chiến thắng thứ hai của tướng De Lattre. Để đáp lễ lời phân ưu của Bảo Đại cho rằng Bernard là tiêu biểu cho giới trẻ ưu tú của nước Pháp.
Tướng De Lattre đã thưa với Bảo Đại: Thưa Hoàng thượng, con trai tôi đã chết không phải cho nước Pháp, mặc dầu điều đó được ghi trên mộ bia của nó. Nhưng điều đó không đúng. Ở tại Ninh Bình, Bernard đã chết cho Việt Nam”..
19 tháng 12, De Lattre phải nhập viện vì ung thư và qua đời vào 12 tháng giêng.
Cái chết của De Lattre là một mất mát lớn lao không ai bù đắp hoặc thay thế được . Chỉ chưa đầy tám tháng ở Việt Nam, ông đã kích hoạt toàn thể Đông Dương (Électriser l’Indochine) .
Cái chết cũng làm Bảo Đại rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Ông viết:
” Sau cái chết của đại tướng De Lattre, tôi có cảm giác rằng hòa bình chỉ còn là một niềm hy vọng hão huyền “.
Bao Đai, Le Dragon d’Annam, 290-293
Theo kết quả từ phía Pháp thì Binh đội Việt Minh có1300 bị giết, 3000 người bị thương, 450 bị bắt làm tù binh. Phía quân đội Liên Hiệp Pháp có 56 bị giết, 390 người bị thất lạc và 190 bị thương trong đó có đại tá De Castries bị trúng mìn – người sĩ quan mà sau này được giao phó chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ.
Con sô gần 5000 binh đội Việt Minh vừa chết, vừa bị thương so với con số gần 700 binh đội phía người Pháp cho thấy rõ rệt ai là kẻ thắng trận này. Kẻ làm tướng ngoài mặt trân, lẽ thắng thua là chuyện bình thường .. Tướng Giáp trong trận chiến này cũng như trận Ninh Bình đã cố tình che giấu sự thật !
Con số 56 binh đội Pháp bị giết và 390 người bị thất lạc và 190 bị thương so với con số của đại tướng Giáp là 5000 binh đội Pháp bị giết trong đó có 2000 bị bắt phải chăng là một điều bịa đặt lố bịch!!
Vây mà chiến công này sau đó đã được ghi lại trong quân sử Việt Nam.
© Nguyễn Văn Lục
© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/73669/nhung-chien-dich-mang-ten-vo-nguyen-giap/2013/03
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001