1) Ngày 07/03/2013 Khối 8406 kêu gọi “Nhà cầm quyền cộng sản phải tổ chức tại Việt Nam một cuộc Trưng Cầu Dân Ý có quốc tế giám sát, với nội dung: Việt Nam nên hay không nên thiết lập một chế độ chính trị dân chủ đa đảng? ”
Ngày hôm sau 08/03/2013 ông Lê Quang Liêm, đại diện cho giáo hội “Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Tuý” ở Việt Nam, cũng kêu gọi “đảng Cộng sản phải chấp nhận một cuộc Trưng Cầu Dân Ý có quốc tế giám sát để tiến đến việc soạn một Hiến Pháp Tự Do và Dân Chủ cho Việt Nam.”
Xem: http://danlambaovn.blogspot.com.au/2013/03/loi-keu-goi-cua-phat-giao-hoa-hao-thuan.html#.UTutM9aLBKg
2) Nếu đồng bào, trong nước và ngoài nước, khắp nơi lên tiếng phản đối điều 4 Hiến Pháp VN đã làm nao núng và mất mặt đảng Cộng Sản VN, thì sự đòi hỏi của đồng bào về cuộc Trưng Cầu Dân Ý mới thật sự ép đảng CSVN chứng minh sự hợp pháp của câu “đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” trong điều 4 Hiến Pháp. Nếu không chấp nhận cuộc trưng cầu dân ý thì đảng cứ “vô tư” cuốn gói ra đi, để lại chính quyền cho người khác lo.
3) Nếu đảng Cộng Sản được hơn 50% số phiếu thuận của dân chúng, thì điều 4 của Hiến Pháp hoàn toàn hợp pháp, và sự cai trị của đảng Cộng Sản VN được chứng minh là hợp pháp, dù là hợp pháp theo kiểu những chế độ quân chủ trong những trang sử cũ VN.
Số người còn lại, dù không thích điều 4, cũng phải bị ràng buộc bởi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, vì người chủ đất nước, là nhân dân, đã chấp nhận như vậy, ít nhất là vào thời điểm đó. Từ đó, những phong trào lật đổ chế độ ở trong nước, dù bạo động hay không bạo động, đều trở thành bất hợp pháp. Nếu muốn thay đổi Hiến Pháp lần nữa, họ phải hoạt động chính trị trong khuôn khổ luật pháp. Điều 69 của Hiến Pháp của đảng CSVN đã công nhận quyền biểu tình, có nghĩa là công nhận dân chúng có quyền biểu tình để nói lên quan điểm chính trị của mình, kể luôn cả sự phản đối Hiến Pháp.
Nếu hôm nay những cuộc biểu tình dữ dội có thể ép đảng CSVN phải mở một cuộc trưng cầu dân ý, thì sau này cũng thế thôi. Do đó, dù cho đảng CSVN thắng cuộc trưng cầu dân ý này, họ cũng không thể ngăn cản được cuộc trưng cầu dân ý khác trong tương lai.
4) Tôi xin đề nghị rằng kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý chỉ ràng buộc tối đa 10 năm thôi. Sau 10 năm, nếu có một công dân nào kiếm được 100 ngàn chữ ký (con số tượng trưng) với địa chỉ và tên tuổi thật của những người cùng ý muốn thay đổi điều 4, thì nhà cầm quyền có bổn phận phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác.
Con số 100 ngàn tôi đưa ra ở trên dựa theo Hiến Pháp của Cộng Hòa Latvia, qua đó người nào có được 153 ngàn 232 chữ ký của các công dân thì sẽ ép được chính quyền tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý (về vấn đề mà người đó muốn).
Xem: Latvian constitutional referendum, 2012
Con số 100 ngàn xem ra không khó có lắm, vì hồi tháng 7 năm 2009 tòa Giám Mục địa phận Vinh đã có thể huy động khoảng 200 ngàn người Công giáo ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, xuống đường biểu tình ủng hộ cuộc đấu tranh ở Tam Tòa (Quảng Bình).
Nếu luật chơi này được mọi đảng phái, kể cả đảng CSVN, tôn trọng thì chúng ta sẽ tránh được những cuộc biểu tình không cần thiết trong tương lai.
5) Ngược lại, nếu hơn 50% người đi bầu không chấp thuận điều 4 thì nhà cầm quyền VN phải tổ chức một cuộc bầu cử để thành lập một Quốc Hội Lập Hiến, sau đó soạn thảo một Hiến Pháp mới để có một chính quyền đa đảng. Họ phải bị ràng buộc bởi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý giống như những người đang chống đối họ. Nếu không, họ sẽ bị truất phế bằng bạo lực, giống như những gì đã xảy ra ở Tunisia, Egypt, Lybia, và Yemen, hoặc phải đối phó với cuộc nội chiến như đang xảy ra ở Syria. Trong hoàn cảnh “bọn bá quyền Bắc Kinh” đang tiếp tục bành trướng và lăm le xâm chiếm cả nước VN, chứ không chỉ có rừng núi biên giới, biển và đảo, như một số người đang tưởng, thì những cuộc nồi da xáo thịt sẽ không có lợi cho ai cả.
6) Liên Hiệp Quốc là tổ chức đáng tín nhiệm trong việc tổ chức trưng cầu dân ý (nói một cách tương đối). Họ đã có uy tín trong việc tổ chức bầu cử hoặc trưng cầu dân ý ở nhiều nước, thí dụ:
6.1) Cuộc trưng cầu dân ý ở East Timor ngày 30/08/199:
Trước năm 1975 East Timor là một thuộc địa của Bồ Đào Nha (Portugal). Ngày 28/11/1975 East Timor tuyên bố độc lập. Chín ngày sau, Indonesia xâm lăng East Timor và tuyên bố East Timor là một tỉnh của Indonesia. Dân East Timor không chấp nhận sự cai trị của Indonesia, chống đối liên tục cho đến năm 1999. Hơn 100 ngàn người Timor chết vì chiến tranh trong giai đoạn này.
a) Ngày 27/01/1999 Tổng Thống Habibie của Indonesia yêu cầu Tổng Thư ký của Liên Hiệp Quốc Kofi Annan tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, qua đó East Timor sẽ trở thành một quốc gia độc lập, hay là một tỉnh tự trị trong nước Indonesia.
Liên Hiệp Quốc đặt ra 2 câu hỏi:
“1) Do you accept the proposed special autonomy for East Timor within the unitary state of the Republic of Indonesia?”
(nghĩa là: Anh có chấp nhận đề nghị East Timor trở thành một khu vực tự trị đặc biệt trong nước Cộng Hòa Indonesia thống nhất hay không?
“2) Do you reject the proposed special autonomy for East Timor, leading to East Timor's separation from Indonesia?”
(nghĩa là: Anh có muốn dẹp bỏ đề nghị East Timor trở thành khu vực tự trị (tức là anh muốn East Timor tách ra khỏi Indonesia) hay không?)
b) Kết quả cuộc trưng cầu dân ý như sau:
* Số phiếu “accept: 94.388 phiếu (chiếm tỉ lệ 21.5% tổng số phiếu)
* Số phiếu “reject”: 344.580 phiếu (chiếm tỉ lệ 78.5% tổng số phiếu)
* Phiếu trắng: không có
* Tỉ lệ đi bầu: 98.60%
c) Ngay sau khi có kết quả trưng cầu dân ý, bạo động bùng nổ khắp East Timor, vì phe thua cuộc “phá sòng.” Liên Hiệp Quốc phải gởi một lực lượng quân sự quốc tế tới để vãn hồi trật tự. Chúng ta rất nên chú ý tới chuyện này, vì nếu cuộc trưng cầu dân ý ở VN trở thành sự thật, và nếu đảng Cộng Sản thua, khả năng họ “phá sòng” rất là lớn.
d) Ngày 19/10/1999, chính phủ Indonesia chấp nhận kết quả cuộc bầu cử, và hủy bỏ những đạo luật chính thức biến East Timor thành một phần lãnh thổ của Indonesia. Sau đó Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết thành lập một chính phủ chuyển tiếp (Transitional Administration) để thực hiện việc chuyển tiếp tới ngày độc lập vào tháng 5 năm 2002.
6.2) Cuộc trưng cầu dân ý ở Eritrea:
Eritrea là một quốc gia nhỏ ở đông-bắc Phi Châu, có dân số khoảng 6 triệu người, nằm cạnh một anh khổng lồ Ethiopia có dân số 91 triệu người.
1) Năm 1952 Liên Hiệp Quốc quyết định rằng Eritrea và Ethiopia cùng nhau thành lập một liên bang. Nhưng Ethiopia không có biển, trong khi đó Eritrea có hơn 1000 km bờ biển, do đó Ethiopia quyết định nuốt luôn Eritrea cho tiện việc sổ sách. Eritrea, tuy nhỏ nhưng có võ, đánh nhau với với Ethiopia suốt 30 năm trời, cho tới lúc đánh Ethiopia văng ra khỏi nước vào năm 1991.
Xem: Eritrea http://en.wikipedia.org/wiki/Eritrea
Vấn đề kế tiếp là Ethiopia thuộc loại thù dai, có thể “đại quyết đấu phục thù” lần nữa. Do đó, chính quyền lâm thời độc đảng của Eritrea tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào những ngày 23-25 tháng 4 năm 1993 để biết dân muốn gì:
1) Muốn độc lập (như vậy có khả năng đánh tiếp).
2) Muốn làm một tỉnh tự trị trong nước Ethiopia (chịu thuần phục thì chắc chắn không đánh nhau nữa).
3) Muốn trở lại liên bang với Ethiopia lần nữa (như vậy sẽ được hòa bình trong một thời gian, nhưng nếu anh Ethiopia đói ảnh sẽ nuốt lần nữa. Như vậy vẫn có khả năng đánh nhau nữa).
2) Mặc dù chính quyền là độc đảng, và đã có uy tín trong việc đánh đuổi quân xâm lăng
Xem: COUNTRIES AT THE CROSSROADS 2011: ERITREA
nhưng chính quyền Eritrea vẫn xin Liên Hiệp Quốc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý dùm. Làm như vậy có 2 cái lợi:
a) Danh chánh ngôn thuận: độc đảng và độc diễn giống như mặt trái và mặt phải của một đồng xu. Anh có thề thốt trong sạch thế nào đi nữa cũng chẳng có ma nào tin. Do đó, chỉ có một tổ chức quốc tế có uy tín như Liên Hiệp Quốc mới bảo đảm được sự trong sạch của cuộc trưng cầu dân ý.
b) Đỡ tốn kém tài chánh: sau mấy chục năm chiến tranh, kinh tế kiệt quệ, thì cuộc tổ chức trưng cầu dân ý là một gánh nặng về tài chánh, đó là chưa nói tới việc thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức bầu bán.
Vấn đề là anh nhà giàu Mỹ là người chi tiền cho hầu hết những hoạt động của Liên Hiệp Quốc. Tuy Erirea khôn, nhưng Mỹ cũng khôn. LHQ từ chối bỏ tiền ra, chỉ hướng dẫn tổ chức, và gởi hàng ngàn quan sát viên tới giám sát cuộc trưng cầu dân ý, coi có gian lận hay không, nhất là việc đếm phiếu.
3) Câu hỏi trong cuộc trưng cầu dân ý được đặt ra như sau:
“Are you in favor of Eritrea becoming an independent, sovereign State?”
(nghĩa là: “Anh có muốn Eritrea trở thành một quốc gia độc lập, tự lập, hay không?”)
Kết quả của cuộc bỏ phiếu như sau:
* Tỉ lệ đi bỏ phiếu: 98.5%
* Số phiếu Yes: 1 triệu 100.260 (chiếm 99% tổng số phiếu)
* Số phiếu No: chỉ có 1.822
Xem:
* Eritrean independence referendum, 1993
* United Nations Observer Mission to Verify the Referendum in Eritrea
7) Những cuộc trưng cầu dân ý của LHQ tổ chức hoặc giám sát thì nhiều lắm, tôi không thể kể ra hết ở đây. Tôi chỉ muốn lưu ý độc giả là cách đặt câu hỏi rất quan trọng đối với kết quả. Hai vụ trên có sự thành ý của chính quyền của 2 tổ chức. Nếu chính quyền không thành ý, thì ngay dân đen ở những quốc gia tiền tiến cũng bị lừa.
Thí dụ như cuộc trưng cầu dân ý ở Úc ngày 06/11/1999 (không có liên quan tới LHQ) có 1 câu hỏi quan trọng nhất về vấn đề như sau:
“A proposed law: To alter the Constitution to establish the Commonwealth of Australia as a republic with the Queen and Governor-General being replaced by a President appointed by a two-thirds majority of the members of the Commonwealth Parliament”
(nghĩa là: Có một dự luật muốn thay đổi Hiến Pháp để cho nước Úc trở thành một nước Cộng Hòa, qua đó Nữ Hoàng và quan Toàn Quyền (cũng còn được gọi là Thái Thú vào lúc VN bị nhà Hán đô hộ) được thay thế bằng một Tổng Thống được chỉ định bởi đa số 2 phần 3 của dân biểu và nghị sĩ Quốc Hội)
Người đặt câu hỏi cố ý gài khái niệm Tổng Thống do Quốc Hội bầu ra, chứ không phải do nhân dân trực tiếp bầu kiểu như ở Mỹ. Khái niệm này hình như không theo một khuôn mẫu chính trị nào có sẵn, và rất xa lạ đối với người dân Úc, cho nên nhiều người không muốn bỏ phiếu Yes, họ muốn chờ một cuộc trưng cầu dân ý khác có một câu hỏi hay hơn. Gần tới ngày bỏ phiếu mới có một số chính trị gia nhận ra “ý đồ thâm độc” của người đặt câu hỏi, do đó họ kêu gọi cứ bỏ phiếu Yes trước đã, sau này khi có chế độ Cộng Hòa rồi hãy sửa lại sau. Nhưng quá muộn, dân chúng không kịp nhận được đầy đủ thông tin, kết quả là phe ủng hộ Hoàng triều (Monarchist) đã thắng.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý:
*Số phiếu Yes: 5 triệu 273 ngàn 024 (chiếm tỉ lệ 45.13% tổng số phiếu)
* Số phiếu No: 6 triệu 410 ngàn 787 (chiếm tỉ lệ 54.87% tổng số phiếu)
Xem: Australian republic referendum, 1999
8) Ngày 06/03/2013 Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc Hội Việt Cộng, dời hạn chót của sự góp ý thay đổi Hiến Pháp tới ngày 30/09/2013.
Xem: Nhân dân tiếp tục góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cho đến ngày 30-9-2013
Như vậy những người đấu tranh cho dân chủ có 6 tháng rưởi để gây áp lực với đảng Cộng Sản VN, ép họ chấp nhận một cuộc trưng cầu dân ý. Theo như tôi thấy, ngoại trừ những cuộc xuống đường với sự tham dự đông đảo của đồng bào Bắc, Trung và Nam ở những thành phố lớn và nhỏ, thì không có cái gì khác để có thể làm cho đảng CSVN sợ đến độ phải chấp nhận trưng cầu dân ý hết.
Thành ngữ tiếng Anh có câu: “If it doesn’t break, don’t fix it” (Nếu cái đó không gẫy, bể thì đừng có sửa, nghĩa là còn xài được thì cứ xài). Do đó những người đấu tranh cho dân chủ phải làm cho đảng CSVN thấy rằng đại cục của họ đã đổ vỡ, tiêu tùng rồi, nếu không họ sẽ không chịu nhúc nhích cái mông của họ. Thanh niên, sinh viên và học sinh nên tham gia biểu tình hàng loạt. Nếu những người trẻ đó không tự kiềm chế được, và đốt phá những trụ sở công an, nhà tù, và những cơ sở xây dựng bất hợp pháp trên đất của dân oan, thì đảng CSVN càng mau thấy chỗ hư, chỗ nát, và chịu ngồi xuống nói chuyện với những người dân đen không có súng trong tay.
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2013/03/y-kien-ve-loi-keu-goi-trung-cau-dan-y.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001