Đinh Nhật Uy
Ngày 08/05/2013 Sáng, khoảng 10h. Gia đình tôi nhận được giấy báo chính thức về phiên tòa xét xử hai em Kha – Uyên từ luật sư. Nhìn vào quyết định có con dấu đỏ chói, chử ký tươi hẳn hoi, tôi mừng thầm – “đã đến rồi, hai đứa, cố lên”.
Tôi nói với hai bà mẹ: “Phải chuẩn bị đồ đạc lịch sự gửi vào trại giam cho thằng Kha và bé Uyên để tụi nó mặc khi ra tòa. Sinh viên có tri thức, là người yêu nước phải ăn mặc lịch sự, gọn gàng, lôi thôi quá thiên hạ cười.”
Sau hồi hội ý, hai bà mẹ đi đến quyết định: “Áo dài và Veston nhe con” – Tuyệt!
Vậy là phải tiếp tục làm đơn yêu cầu gặp mặt và lại phải xin gửi đồ.
Cặm cụi soạn hai lá đơn: Đơn yêu cầu về việc gửi quần áo... và Đơn yêu cầu gặp mặt người bị tạm giữ… Mẹ chạy xuống tòa án Tỉnh Long An để nộp đơn.
14h ngày 08/05/2013. Tại tòa án Tỉnh Long An, Mẹ vào nộp đơn. Một “đồng chí” không đeo bảng tên ra tiếp nhận đơn. Đọc hai lá đơn, anh này bảo Mẹ ngồi chờ.
Sau một hồi lâu chờ đợi, 2 tiếng trôi qua, anh này quay lại và quyết định nhận một lá đơn “Đơn yêu cầu về việc gửi quần áo…”, còn lá đơn kia trả lại mà không cho biết lý do.
- Sao chú nhận một lá vậy, còn cái kia thì sao?
- Xếp đi vắng rồi, bây giờ tôi chỉ nhận cho cô lá này thôi, cái kia chờ xếp về.
- Vậy mai tui xuống nộp cái đơn kia được không?
- Mai xếp đi khám bệnh.
- Vậy nguyên cái tòa án bự như vầy, không ai nhận đơn của tui hết ha?
- Chỉ có thẩm phán Lê Quang Hùng là giải quyết đơn đó thôi.
- Vậy mốt, ngày thứ 6 có xếp anh ở đây không? Tui xuống nộp đơn.
- Không biết.
- Vậy chú cho tui xin lịch trực của ông Hùng để tui gặp nộp đơn.
- Không biết.
- Vậy chú chỉ cho tui biết người nào biết lịch trực để tui qua hỏi.
- Cái này không phải trách nhiệm của tôi. Có gì thì cô cứ đi hỏi luật sư.
Nói xong, đoạn anh này bỏ đi, bỏ lại mẹ cầm tờ đơn, run run, nóng giận.
Nếu là tôi, tôi sẽ nóng giận, mất bình tỉnh bởi thái độ của “đồng chí” “không bảng tên” này. Tôi sẽ xin gửi “đồng chí” vài câu hỏi này ngay:
- Tôi hỏi đồng chí, đồng chí lãnh lương từ đâu?
- Đồng chí làm trong ngành tư pháp hay làm tại sạp bán hàng sôn trung quốc giá rẻ tại vỉa hè?
- Thái độ tiếp dân với tiêu chí “là con của nhân dân” như vậy có hợp lý hay không?
- Tôi có thể gọi “đồng chí” bằng cái tên “đồng chí ba không” được không? KHÔNG BẢNG TÊN, KHÔNG TRÁCH NHIỆM, KHÔNG BIẾT GÌ”
Nhưng đó là suy nghĩ của tôi, Mẹ lại khác. Nuốt cục giận, bình tĩnh, mẹ quay ngược ra phòng tiếp dân để trình bày tiếp sự việc và muốn được giải quyết. Đồng thời mẹ xin tờ giấy, viết đơn khiếu nại về hành vi thiếu trách nhiệm, tiếp dân không đúng thái độ của “đồng chí ba không” này.
Tại phòng tiếp dân, đồng chí Bàng – trạc 60 tuổi tiếp Mẹ với thái độ hòa nhã hơn vì biết Mẹ đã trải qua một cuộc tranh cãi phi lý. Chú này tiếp thu mọi ý kiến, tiếp nhận đơn khiếu nại và làm thủ tục nộp tại phòng Hành Chánh & Tư Pháp. Chú Bàng dẫn Mẹ xuống phòng Văn Thư ngồi đợi và viết biên nhận nhận đơn và giấy hẹn. 14/05/2013 sẽ có câu trả lời. Cuối cùng, nguyên cái tòa án lớn như vậy cũng đã giải quyết xong một công việc đơn giản.
Thiết nghĩ, mọi công chức nhà nước ăn lương từ tiền thuế nhân dân. Ai cũng tôn trọng pháp luật và làm đúng nghĩa vụ, trách nhiệm thì không thể nào xảy ra tình trạng bất công cho nhân dân được. Một tòa án, hai cách cư xử khác biệt. Phải chăng là do tính chất con người hay cơ chế dẫn dắt để phát sinh thói cậy quyền hà hiếp nhân dân?
Cuối cùng, Mẹ cũng được biết tên của “đồng chí ba không”: TRẦN VĂN CẢNH - Phó phòng HÀNH CHÁNH & TƯ PHÁP tòa án nhân dân Tỉnh Long An.
Nếu ai có về Long An quê tôi, xin dành chút thời gian nghé qua TAND Tỉnh Long An để được biết rõ hơn về đầy tớ nhân dân - “đồng chí ba không”.
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001