Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Tiếng trống trận của ông Tập 

John Garnaut
Bạn đọc Dân Luận chuyển ngữ

Foreign Policy 13.05.2013
Nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc đang dùng quân đội để củng cố quyền lực của mình. Liệu ông ta có nới dây cho lực lượng quân đội quá tầm kiểm soát hay không?
(Chú thích biên dịch: Đây là một bài phân tích khá dài, cho thấy có khả năng khá lớn là Quân Đội Giải phóng Nhân Dân Trung Quốc thường được sử dụng để phục vụ cho cạnh tranh quyền lực trong nước, cũng như nguyên nhân Trung Quốc tăng cường các hoạt động gây hấn trong khu vực là do tình hình nội bộ bên trong quốc gia này. Trong bản dịch, chúng tôi lược bỏ một số đoạn trong bài phân tích, cụ thể là phần tác giả dẫn ra một loạt những minh họa cho thành tựu hiện đại hóa trang thiết bị, vũ khí quân sự của Trung Quốc và phần đi vào chi tiết diễn biến đợt khủng hoảng trong quan hệ Trung-Nhật, với thông tin ông Tập Cận Bình có vài trò trực tiếp trong điều hành khủng hoảng này. Toàn văn bài xin xem trang Foreign Policy, May/June 2013:
http://www.foreignpolicy.com/articles/2013/04/29/xis_war_drums?page=0,1&wp_login_redirect=0).
Mặc dù có chút phóng đại, nhưng những người trong cuộc có chức vụ cao cấp thường đi đến nhận định rằng quân đội của Trung Quốc đã mục nát đến tận lõi. Những ghế bậc chính thức được chiếm chỗ qua quan hệ đỡ đầu cá nhân, hợp tác giữa các quân ngành là tối thiểu, nạn tham nhũng thì bao trùm đến mức là các chức vụ cao cấp được bán cho ai sẵn sàng trả giá cao nhất, trong khi đó tiền dùng cho trang bị vũ khí được tuồn vào túi cá nhân. “Tham nhũng đã được cơ chế hóa hết mức và đang là đáng kể,” ông Tai Minh Cheung, giám đốc Viện nghiên cứu xung đột và cộng tác toàn cầu tại Đại học California/San Diego nhận xét. “Điều này làm cho việc phát triển, sản xuất và đưa vào sử dụng các hệ thống vũ khí cần thiết để hình thành được một sức mạnh có tầm cỡ thế giới ngày càng khó khăn hơn.”
Ở đây không chỉ có vấn đề tham nhũng. Hơn ba thập kỷ hòa bình với bùng nổ kinh tế, một hệ thống hành chính mờ đục đã tạo ra cái giá phải trả, đấy là còn chưa nói tới Quân đội giải phóng nhân dân PLA là một trong những tổ chức hành chính lớn nhất thế giới – và nó đã hành động đúng kiểu như thế. “Mỗi đơn vị có một ủy ban với trưởng ban, chính ủy, các phó ban, họp hành quyết định cho từng việc,” ông Nan Li, phó giáo sư Viện nghiên cứu hải dương thuộc Đại học chiến sự hàng hải nhận xét. Ông Li có cho tôi biết các trường đại học thuộc PLA thậm chí chỉ còn làm mỗi việc là in sách giáo khoa hướng dẫn cán bộ chỉ huy làm thế nào vượt lên trên sự chuyên chế của trình tự ra quyết định theo kiểu ủy ban. “Điều này chỉ ra PLA đã bị đánh gục hay bào mòn bởi … hòa bình đến mức độ nào,” ông Li nói.
Cũng không phải chỉ là vấn đề buộc quân đội phải trung thành 100% với các nhà lãnh đạo chính trị trong Đảng cộng sản – một thực tiễn đáng lo ngại cho một nhân vật lãnh đạo mới muốn tìm cách củng cố quyền lực của mình. Về mặt lý thuyết, PLA đã luôn tuân thủ mệnh lệnh của cánh dân sự trong đảng, nhưng các kênh mệnh lệnh phần lớn chỉ được nối với lãnh đạo tối cao, trong vài trường hợp cá nhân được trao quyền đại diện. Năm 2012, trong thời gian ông Bạc Hy Lai, người đã khoe khoang có các mối quan hệ rộng rãi không chính thức với các cá nhân trong quân đội và là người có khả năng trở thành đối thủ chính trị của ông Tập, đang bị truất quyền, tiếng trống chính thức đòi PLA phải biểu hiện rõ ràng thái độ ngoan ngoãn vâng lời với đảng được gióng lên ở Trung Quốc và ông Hồ Cẩm Đào, tổng bí thư đảng đang rời ghế đã có nhận xét là đường dây truyền mệnh lệnh quân sự thực tế có thể là mong manh hơn người ta thường nghĩ.
Phụ tá xung quanh ông Tập tin rằng ông này cũng có các lo lắng tương tự. Họ quan sát thấy rằng Lưu Uyên, một viên tướng cao cấp, người đã gây ra nhiều làn tin làm sốc giới quan chức trong đảng và quân đội sau khi đã đưa ra cảnh báo trong một bài nói chuyện nội bộ hé lộ các mối quan hệ bảo trợ và tham thũng kiểu Ma-phi-a đang làm quân đội PLA què quặt, chỉ hành động như vậy sau khi đã nhận được một cái gật đầu từ phía ông Tập. “Chỉ có tham nhũng do chúng ta tự gây ra có thể đánh gục chúng ta và làm cho lực lượng vũ trang của chúng ta thua trận mà không cần phải có cuộc chiến,” ông Lưu cảnh báo trong bài nói chuyện của mình trong năm 2011 như vậy. Hai vị vương hầu đầy tham vọng này, vốn được biết là hai  cậu con trai được hưởng đặc quyền của hai nhà lãnh đạo cách mạng Trung Quốc, đã là bạn thân của nhau từ những năm 70 thế kỷ trước. Một người bạn thân cận của gia đình ông Tập, có người cha đã từng chiến đấu bên bố ông Tập khi Hồng quân còn là một cỗ máy quân sự thiếu đói, có kỷ luật, cho tôi biết ông Tập đã tập trung vốn liếng chính trị của mình vào việc uốn nắn quân đội và thăm dò đội ngũ tướng lĩnh xem ai ông ta có thể tin cậy được. Người bạn của gia đình ông Tập nói chương trình rà xoát kỹ càng của ông Tập và việc ông ta kêu gọi tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội là có mục đích rõ ràng: “Để loại ngựa ra khỏi la ta phải lùa chúng đi vòng quanh sân.”
Phụ tá của ông Tập cho biết chức vụ đầu tiên của ông Tập - trợ lý cá nhân cho tổng bí thư Quân ủy trung ương, đã cho ông ta có được một vị trí kề sát bên sàn đấu chính trường để ông ta học tập cách tích lũy xây dựng quyền lực qua thí dụ của một nhân vật có thế lực lớn của thế giới, ông Đặng Tiểu Bình. Ngày nay, hầu như ai cũng cho rằng ông Đặng là người thiết kế các công cuộc cải cách kinh tế ở Trung Quốc, hoạt động chính trị của ông Đặng có nền tảng ban đầu từ quân đội, nơi ông ta có được uy tín mà không nhân vật lãnh đạo nào sau thời của Mao Trạch Đông có được. Ông ta xiết chặt “tay nắm súng”, theo lời của một nhân vật trong cuộc của đảng CS Trung Quốc, bằng cách tổng động viên quân đội trong một cuộc chiến xâm lược Việt Nam vào tháng hai năm 1979. Ông Đặng, tuy về mặt kỹ thuật vẫn là phó trưởng ban Quân ủy Trung ương, nhưng về thực chất là nhân vật lãnh đạo quyền lực nhất, đã tự tay khởi màn, lập kế hoạch và điều hành cuộc xâm chiếm bị thất bại thảm hại sau này, gây thiệt mạng cho hàng chục nghìn người Trung Quốc và làm cho ngân sách quốc gia bị thâm hụt nặng nề, tuy vậy cho phép ông ta nắm trong tay lực lượng quân đội chính qui và giữ chắc vị trí chỉ huy.
Ông Đặng giữ chắc tay nắm quyền lực bằng cách điều khiển các chức vụ quân đội cao cấp. Theo nhà sử học Warren Sun, vào năm 1980, sau một đợt thay đổi tiến hành trong thời gian ông Hoa Quốc Phong, chủ tịch Quân ủy trung ương đương nhiệm, đi nước ngoài, 15 trong số 22 chức vụ quân khu cao nhất đã được trao cho tướng lĩnh trực tiếp chiến đấu dưới sự chỉ huy của ông Đặng.
Không có gì trong bài học trên bị vị vương hầu trẻ tuổi Tập Cận Bình bỏ qua. Sau cùng thì ông Hoa Quốc Phong đã là cấp trên theo giấy tờ của ông Tập, nhưng ông Đặng đã loại trừ ông Hoa. Bài học thu được: “Thiếu súng trong tay, ai sẽ nghe lời anh?”, theo lời người bạn của gia đình ông Tập. “Vì thế việc đầu tiên ông Tập thực hiện là nắm lấy điều khiển quân đội.”
Ông Tập lên nắm quyền vào lúc Trung Quốc tăng cường xây dựng sức mạnh quân sự ở tốc độ chưa từng có, với việc phát triển trang thiết bị mới và hung hăng đưa vào sử dụng nhằm hỗ trợ cho tham vọng bành trướng, họ đã gây bất ngờ cho Mỹ và gây sốc cho các nước láng giềng xung quanh.

Nhưng ông Tập có vẻ nhưng không tin rằng lượng trang thiết bị sáng bóng kia có thể được đem ra sử dụng bởi một tổ chức vốn được xây dựng để phục vụ cho công cuộc nội chiến và được thích ứng hóa trong các thập kỷ cuối đây như một lực lượng chính trị phục vụ cho tay nắm quyền lực của đảng.
Đây chính là nơi xuất phát tình trạng leo thang trong thách thức chủ  quyền của Trung Quốc với Nhật Bản, bạn hàng lớn nhất với nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Vào tháng 9/2012, chính phủ Nhật mua lại các đảo Senkaku hay còn gọi là Diaoyu (Điếu Ngư) ở Trung Quốc từ các chủ tư nhân nhằm tránh cho các đảo này rơi vào tay thị trưởng Tokyo đương nhiệm, một nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc khiêu khích không khoan nhượng. Tuy nhiên, Trung Quốc đã nổi cáu. Trung Quốc cho tiến hành một đợt oanh tạc bằng tuyên truyền chống Nhật Bản, cho biểu tình và phá rối (chống Nhật Bản) khắp Trung Quốc, tăng cường kiểm soát vùng biển và bầu trời trong  khu vực tranh chấp. Theo nguồn tin từ người bạn của gia đình ông Tập, đợt khủng hoảng ngoại giao do tranh chấp trên gây ra đã cho ông Tập một cơ hội vô giá để “loại ngựa ra khỏi la" và huy động các tướng tá sẵn lòng xung quanh mình. Những lời buộc tội ông Tập đã lợi dụng, thậm chí điều khiển quan hệ trên bờ vực khủng hoảng với Nhật Bản có thể làm cho người quan sát bên ngoài thấy phi lý, vì một tính toán sai có thể dẫn đến chiến tranh. Nhưng điều này rõ là có lý với những người từng đã lớn lên và sống gần tâm điểm những cuộc đấu tranh nội bộ không khoan nhượng, không có hồi kết thúc ở Trung Quốc.
“Sắp xếp nhân sự vào các vị trí luôn là một vấn đề nhạy cảm,” một quan chức về hưu, con trai của một trong những tướng lĩnh quân đội được ca ngợi nhất, đã từng làm việc tại Bộ tổng chỉ huy quân đội của PLA trong thời gian ông Tập đang ở Quân ủy trung ương năm 1979, nhận xét như vậy. “Đó là nguyên nhân tại sao ông Tập lên nắm quyền, ông ta đã sử dụng đến tiếng nói mạnh mẽ của mình trong vụ Điếu Ngư,” ông này cho biết tiếp. “Ông Tập đã đòi quân đội phải chuẩn bị cho chiến tranh … giống như ông Đặng.”

Nhưng cảnh tượng kinh hãi của chiến tranh không phải là lời giải thích duy nhất tại sao ông Tập đòi khua vang gươm giáo và sẵn sàng chiến đấu. Ngay cả khi giới lãnh đạo Nhật Bản và các quan chức Mỹ công bố lo ngại của họ về một khu vực đang đứng trên bờ vực chiến tranh hải dương trong mùa đông trước, người ta đã thấy rõ rằng ông Tập và các cộng tác tin cậy trong quân đội của ông ta lại chỉ chăm chăm tập trung vào chính sách quốc nội. Thực thế, tướng Lưu Uyên – chính vị vương hầu có tiếng là hiếu chiến được cho là gần gũi với ông Tập đã được nhắc tới ở phần trên – trong một bài viết đăng ngày 4.2.2013 trên các phương tiện thông tin nhà nước đã đưa ra khuyên nhủ rằng giấc mộng hiện đại hóa của Trung Quốc đã hai lần bị đánh bể bởi chiến tranh với Nhật Bản. “Ngày nay, công cuộc xây dựng kinh tế của chúng ta đã đạt tới giai đoạn quyết định. Chúng ta không được phép để xảy ra đổ vỡ bởi bất kỳ một sự cố nào,” ông Lưu viết như vậy trong liên quan tới vụ việc Điếu Ngư. “Mỹ và Nhật đang lo sợ bị chúng ta đuổi kịp, họ sẽ làm bất kể điều gì để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc, vì thế chúng ta không được để bị đánh lừa.”
Trong đúng thời gian đó, một tài liệu thuộc cấp cao nhất xuất hiện: đó là một bài nói chuyện của ông Tập vào tháng 12.2012, trong đó ông Tập đã đưa ra khẳng định sấm sét là vai trò trước hết của PLA là bảo vệ chế độ, chứ không phải bảo vệ đất nước Trung Quốc. Đó là bài học rút được từ sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết, ông Tập nói như vậy. Theo trích đoạn bài phát biểu của ông Tập được công bố bởi nhà báo Gao Yu và được chứng thực rộng rãi bởi một loạt nguồn tin, ông Lập đã cảnh báo: “Ở Liên bang Xô-viết, nơi quân đội được phi chính trị hóa, tách rời khỏi đảng và được quốc gia hóa, đảng đã bị tước mất vũ khí. Một vài cá nhân tìm cách cứu Liên bang, họ đã bắt giữ Góc-ba-chốp, nhưng vài ngày sau đó tình thế trở lại như cũ vì họ không có phương tiện dùng sức mạnh quyền lực.” Ông Tập cũng quả quyết rằng không ai trong Đảng cộng sản Liên Xô “đáng đấng nam nhi để đứng lên và chống lại.”
Ông Tập sau cùng đã chọn cách bảo vệ lấy Đảng cộng sản trước các nguy cơ chính trị trong nước hơn là chuẩn bị đối đầu với các nguy cơ quân sự bên ngoài. Không có nghi ngờ gì nữa là Đảng cộng sản đã và đang hiện dạng rõ nét trong một thế giới hậu cộng sản bằng cách tự xác định là chống lại phương Tây, cổ vũ nhiệt thành dân tộc chủ nghĩa và hứa hẹn khôi phục sự vĩ đại của Trung Quốc cổ đại. Ông Tập hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài cách bơm các nguồn tài vật vào cỗ máy quân sự nếu muốn biện minh cho độc quyền của đảng trong nắm giữ quyền lực. “Mơ ước này có thể được gọi là mơ ước của một dân tộc mạnh,” ông Tập nói trước lính hải quân trên boong tàu khu trục Haikou. “Và đối với quân đội, đó là mơ ước về một quân đội mạnh.”
Tuy thế, với nhiều người quan sát bài nói của ông Tập có thể được coi như lời khẳng định rằng các khiêu khích của Trung Quốc với Nhật Bản thực sự chỉ là “bằng chứng cho thấy có bất ổn sâu sắc trong nước hơn là một chính sách có tính thực tiễn,” một nhà ngoại giao Bắc Kinh đã có nghiên cứu sâu về bộ máy quân đội Trung Quốc nói với tôi như vậy. “Thực tế là việc đảng nắm quyền kiểm tra,” ông này nhận xét, “làm cho PLA yếu đi. Mọi điều khác – tham nhũng, nguy cơ chán chường, hệ thống cấp bậc – chỉ là biểu hiện của điều này.”
Ngoài ra còn có một nguy cơ rất thực là nếu Trung Quốc hoặc Nhật Bản tính toán sai trong vấn đề Senkaku và có chiến tranh nổ ra, Trung Quốc có thể thua trận. Ít nhất đó là đánh giá của nhiều nhà phân tích quân sự tôi đã trao đổi cùng, họ tin rằng lực lượng quân đội chính qui, có kỷ luật cao của Nhật có thể chiếm ưu thế thậm chí không cần can thiệp của Mỹ. Từ các nguồn rộng hơn, tôi nghe thấy nhiều nghi ngờ về khả năng chiến đấu của một vài bộ phận trong quân đội Trung Quốc, nhân viên các ngoại giao đoàn nước ngoài và giới hàn lâm Mỹ đang đánh giá lại nhìn nhận của họ về PLA. “Đánh giá của chúng tôi là họ còn xa mới có được hiệu quả cao như họ tự nghĩ,” một nhân viên lãnh sự quốc phòng của một nước thành viên NATO đã nói với tôi như vậy.
Điều gì xảy ra nếu tiếng trống gọi trận là dấu hiệu yếu kém của Trung Quốc chứ không phải sức mạnh đầy ấn tượng của họ? “Khi ông Tập ra lệnh cho quân lính sẵn sàng chiến đấu, thực sự đó là một thú nhận rằng họ đang trong tình trạng lộn xộn,” nhân viên lãnh sự trên nhận xét như vậy. “Ông ta muốn nói, ‘Các anh say xỉn, béo tốt và mãn nguyện, đang tuồn tất cả tiền vào các tài khoản tư nhân, các anh phải tỉnh ra đi.’”
Ông John Garnaut là phóng viên chuyên về Trung Quốc của báo The Sydney Morning Herald và báo The Age
Khách gửi hôm Thứ Tư, 15/05/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130515/tieng-trong-tran-cua-ong-tap
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001