Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Trangđài Glassey-Trầnguyễn - Ba nấu, Mẹ nêm 

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

Trong công việc nghiên cứu và sáng tác về cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung, đôi khi tôi hơi bị bối rối, hay nói đúng hơn là bất bình, về hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trong cái nhìn của dòng chính, vì khi nhắc đến họ, người ta nghĩ ngay đến “mai cốt cách, tuyết tinh thần,” đến cái nét dịu dàng, cái vẻ mảnh mai.  Tuy nhiên, những hình ảnh đó quá phiến diện, và hình như lừa phỉnh chúng ta về một sức mạnh vô cùng trong mỗi người phụ nữ ấy, cũng như thân phận cơ cùng của họ đặc biệt là trong bốn thập niên vừa qua tại quê nhà.  Với những biến cố xảy đến cho phụ nữ Việt Nam trong hậu bán thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, bao nhiêu “cô dâu” bị bán đi khắp nơi trên thế giới, bao nhiêu phụ nữ trẻ em bị dập vùi trong bể kinh doanh tình dục, cũng như ba cô gái Việt bị bán đấu giá trên ebay, nhân diện của người phụ nữ Việt Nam đã tiến vào một thế kỷ mới – hình thành một chân dung mới.  Một chân dung tỏ rõ cái tủi nhục, cái hạnh phúc, cái can trường, cái bất nhẫn, cái chịu đựng, cái uất ức. 


Từ một nền văn hóa mẫu hệ, văn hóa Việt Nam dưới một ngàn năm đô hộ của Trung Hoa đã giảm sút trong cái quân bình với vai trò của người phụ nữ trong xã hội và gia đình.  Và dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, thân phận của người phụ nữ đã bị cùng cực hóa.  Bài viết này xin được kính tặng những người Mẹ mang trái tim của một con dân Việt, dù ở bất cứ nơi nào trên bề mặt địa cầu.  Xin gửi đến những người Mẹ, dù ở nơi nghìn trùng thăm thẳm không hy vọng được về lại quê hương, hay phải cầm cự trong cảnh nô lệ thể xác và tinh thần.  Bài viết cũng xin cho loan phụng hòa minh – có vợ có chồng (có Mẹ có Ba) –  một quyền căn bản được yêu và có một mái ấm gia đình mà rất nhiều phụ nữ Việt Nam đã bị tước đoạt.  Vả chăng, đối với nền văn hóa lúa nước, âm dương tương giao vẫn là cái cốt lõi của nhân sinh.  Tôi vẫn không quen lắm với phong tục của người Mỹ, mừng kính Mẹ từ tháng Năm, nhưng cả hơn tháng sau mới nhớ đến Ba. 

cãi nhau

Mỗi khi tôi cãi vả với Mẹ, tôi thường nghĩ là mình đúng.  Tôi vận dụng lý lẽ, lập luận của một đứa sinh viên đại học Mỹ để cãi lý với một bà mẹ Việt Nam.  Cả người tôi giận run. Tôi nghĩ là mình đã làm đúng.  Tại sao Mẹ lại có thể đối xử với tôi như thế?  Sao Mẹ có thể “sai” đến như thế?

Như người ta nói, giận quá mất khôn.  Tôi cãi thế, nhưng dù biết là mình có đúng 101% đi nữa, cảm giác còn lại trong tôi là sự trống vắng, hụt hẫng.  Tôi ức vì tôi phải cãi với Mẹ.  Tôi không hiểu, tại sao hai mẹ con phải gây nhau.  Tôi muốn chúng tôi lúc nào cũng hiểu nhau, và đầm ấm với nhau.  Có phải tại Mẹ không hiểu tôi không?

Thế nhưng, cãi vả với Mẹ cũng có cái hay của nó, vì sau mỗi cơn cãi vả, tôi đi học, Mẹ tôi đi làm.  Và y như rằng trong ngày hôm đó, giữa giờ chuyển lớp, tôi lại gọi Mẹ.  Chẳng phải để xin lỗi.  Đôi khi chỉ gọi như thế, thì cả hai chúng tôi đã biết người bên kia đường dây nghĩ gì.  Nếu không cãi lộn, thì tôi chẳng bao giờ gọi cả, lo cắm đầu chạy chuyển lớp và đi làm.

Giận nhau

Ba tôi hay làm cho tôi bực mình.  Ông có những cái tật không tha thứ được.  Một điều mà cả năm anh chị em chúng tôi đồng thuận với nhau tuyệt đối, là không sung sướng gì khi muốn lái xe chở ông cụ đi đâu.  Ba tôi là một hành khách rất tích cực trong việc định hướng tài xế.  “Quẹo, quẹo phải!” hay “Qua lane liền!” hay “Coi chừng xe đằng trước!” là những thành ngữ thông dụng trong tự điển đi đường của Ba tôi.  Ông không thích ngồi không.  Có lẽ vì ông ngại, “Nhàn cư vi bất thiện” chăng?  Lắm khi sau khi xung phong lái xe chở Ba tôi đi đâu, tôi lại tự vấn sao mình “can đảm” thế.  Cái dại này, hình như cũng bị sự xúi giục của lương tâm và trách nhiệm.

Đương nhiên, Ba tôi hăng hái chỉ đường, thì tôi cũng hăng hái “giận” Ba tôi.  Mặc tình ông cụ hồ hởi hướng dẫn, tôi nghiêm mặt ra vẻ không ủng hộ.  Và hôm nào Ba tôi hăng hái quá đáng, tôi giận liền tù tì vài hôm.  Nếu người khác hăng hái như vậy thì không có tội.  Nhưng ai bảo Ba tôi là Ba tôi.  Tháo nút thì đi tìm người buộc.  Chắc biết vậy, nên lần nào Ba cũng làm hòa với tôi.  Hôm nào tôi chướng lên, thì đem những cái bực mình khác vào “giận luôn một thể.”  Ba tôi ngang nhiên hốt hụi chót, nhưng không hề biết gì về sự may mắn đó.

người khôn hay lo

Người xưa bảo, “Kẻ khéo thường bận, Người khôn hay lo.”  Nếu xét theo từng câu từng chữ, tôi quả là người vừa khôn vừa khéo.  Số là tôi vốn “hay lo” và “thường bận.”  Không chỉ vậy, tôi còn khôn khéo cho cả nhà nữa mới khổ. 

Mười năm trước, khi gia đình mới định cư tại Mỹ, tôi hay giật mình thức dậy giữa đêm khuya, run bắn người vì nằm mộng thấy đám tang của ông bà tôi ở Việt Nam.  Người lớn tuổi thì gần đất xa trời.  Tôi nằm mơ như vậy, cũng không lạ.  Thế nhưng gần đây, có những đêm, tôi nằm mơ, thấy Ba Mẹ tôi qua đời.  Sáng dậy, tôi như mất hồn.  Cái ám ảnh dai dẳng về sự ra đi của người thân yêu, trước nay vốn là với Ông Bà tôi, nay đã lấn đến vùng đất mới.  Khi Ba Mẹ tôi bắt đầu suy yếu về sức khỏe, đi đứng chậm lại, tôi rơi tõm vào cái vực đen ngòm của sự sợ hãi và vô vọng của một đứa con mồ côi – một đứa con ngoài ba mươi.  Tôi nghĩ mình sẽ đi tìm hoa cúc trắng, và xé nát đến thành tơ từng cánh hoa, để Ba Mẹ tôi sống mãi.

Thế nhưng, tôi biết, dòng đời trôi vô tận.  Rồi dù Ba Mẹ tôi ra đi sớm hay muộn, điều đó chắc chắn sẽ xảy ra.  Tôi không thể lo nhiều.  Tôi chỉ có thể sống trọn vẹn những ngày tháng mà Ba Mẹ còn ở bên tôi.  Sống với nhau thật trọn vẹn.

Ba nấu, Mẹ nêm

Giờ cơm trưa.  Tôi đi hâm cái hộp cơm gà rô ti trong cái phòng nhỏ cạnh văn phòng của cô Sơn, cô giáo đỡ đầu của các nhóm Sinh Viên Việt Nam tại đại học Fullerton.  Mùi thơm tỏa ra, như cái mùi quen thuộc ở nhà mỗi bữa cơm tối, khi Ba Mẹ tôi vừa nấu nướng xong là gọi với vào trong phòng ngủ, nơi mà tôi lừ đừ bước ra:

-  Sáu Mèo, cơm!

Vốn được sinh vào năm con mèo, tôi đàng hoàng nhận cái tên cúng cơm "Sáu Mèo" như một sự tiên báo cho cái tính mê ngủ trưa.  Và để chứng minh là Ba Mẹ tôi đúng, trưa nào tôi cũng tìm một chỗ trong thư viện để thực hiện những giấc ngủ không giờ giấc.

Thuở ấy, tôi gặp một ác mộng giữa ban ngày trong lúc nghỉ lưng trong thư viện. Tôi thấy mình dọn đi học xa.  Không có cơm của Mẹ.  Chẳng có canh của Ba.  Chết!  Tuy vậy, tôi vẫn sống vớt sống vát với những phần thức ăn nửa vời mà tôi tự nấu lấy.  Điều đáng nói duy nhất là tôi biến thành một thực thể biết di động, mà bản thân tôi cũng chẳng thể nhớ được hình thù.  Tôi bật dậy, hét thật to, để nhận ra mình đang ấm áp trong giường với mùi hương hoa cỏ mẹ tôi xông ngào ngạt trong phòng.  Có lẽ khi chuyển đi học xa, tôi sẽ dắt mẹ tôi theo.

Một thuở khác, tôi bị bệnh trong kỳ nghỉ mùa đông.  Đây quả là một ác mộng thực sự chứ chẳng phải như ác mộng ban ngày.  Tôi bị bệnh cảm liệt giường đến ba tuần liên tục.  Khi cơn sốt đã thuyên giảm, Ba tôi không chịu nổi cảnh tôi ho như thể muốn văng phổi ra ngoài.  Ba bảo tôi tăng gấp đôi liều thuốc ho, nhưng tôi bướng bỉnh, "Không!  Con muốn ăn nem chua à!"  Em út thương tôi, liền lò dò ra chợ mua về một vĩ nem chua đỏ au.  Cả nhà đều ngạc nhiên, và nhất là tôi, khi thấy tôi hết ho sau khi liền tù tì ăn hết vĩ nem.  Tôi khỏe lại, vừa kịp chuẩn bị cho khóa học mùa Xuân.

Là đứa con áp út trong gia đình năm anh chị em là một diễm phúc.  Tôi có thể vòi vĩnh bằng thích, mà không bị mang tiếng là nhõng nhẽo.  Ba anh chị lớn lúc nào cũng mua đồ cho "hai đứa nhỏ," dù hai đứa ấy đã sắp tốt nghiệp đại học cả rồi.  Nhưng điều tôi trân trọng nhất là sự thương yêu và chăm sóc của anh chị dành cho tôi.  Anh sẽ "cứu" tôi khi máy in không chịu chạy, chị thì chỉ cho tôi đánh bài cách dòng khi tôi mới vô đại học, hay giúp tôi khi máy vi tính bị đứng.  Tôi mang ơn Ba Mẹ đã sanh cho tôi những anh chị em, để thương yêu tôi và cho tôi được hạnh phúc.

Một tuần trước lễ ra trường, tôi nghe Ba Mẹ bàn bạc với nhau để nấu mừng tôi.  Hai ông bà cãi nhau xem ai có quyền nấu món gì.  Ba Mẹ tôi lúc nào cũng nấu chung.  Các bữa cơm lúc nào cũng ngon lành lạ.  Cũng giống như nuôi dạy con vậy, cả hai cùng nâng đỡ và chia sẻ với nhau.  "Cơm nhà" là vậy đó, không cần đặt hàng, lúc nào cũng ưu ái trao ban.  Thức ăn làm khoan khoái vị giác và nuôi dưỡng con tim.

Tốt nghiệp đại học, tôi sẽ dùng kiến thức của mình để xây dựng cuộc sống.  Nhưng tôi cảm thấy như mình đã "tốt nghiệp" từ vòng tay yêu thương của Ba Mẹ từ ngày Ba Mẹ đưa tôi vào thế giới này, và trao cho tôi tấm bằng của Tình Yêu Vô Điều Kiện.  Tôi nghĩ đó là lý do tại sao tôi đi đứng vững vàng trong cuộc đời.  Và bạn biết không, tôi đã chẳng phải vất vả lấy test như khi đi học đại học.  Bài kiểm duy nhất là cảm nhận sự ấm áp bao trùm sự hiện hữu của tôi.

Những chiều kích thiêng liêng.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/05/trangai-glassey-tranguyen-ba-nau-me-nem.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001