Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Alan Phan - Từ bỏ quốc tịch 


Alan Phan

Tôi xin nói ngay để tránh những suy đoán lầm lẫn là bài này đụng chạm đến lòng yêu nước, tự hào dân tộc hay 4 ngàn năm văn hiến, văn hóa… của cá nhân người Việt. Đây thực ra là một giải pháp khách quan và tích cực về khả năng sáng tạo cùng đổi mới của các doanh nghiệp để vượt qua suy thoái và nâng tầm cạnh tranh của mình.
Bối cảnh toàn cầu
Nền kinh tế thế giới trong 3 thập niên qua đã rẽ vào một con đường lạ mà đầu tàu là công nghệ thông tin (IT) và tư duy toàn cầu trong việc vận hành chánh sách quốc gia cũng như doanh nghiệp. Sự sụp đổ của Liên Xô và đồng minh, sự hình thành các khối mậu dịch tự do (free trade agreements) như Liên Âu (EU) và sự biến thiên cơ chế tại Trung Quốc có thể truy nguồn vào 2 nhân tố nói trên.
Mọi doanh nghiệp từ Âu Mỹ đến Phi Á bắt đầu một hành trình đổi mới với một quốc tịch mới. Dù vẫn mang bản sắc của Mỹ, hiện nay McDonald, Boeing, Apple, Walmart… có doanh số từ nước ngoài cao hơn so với doanh số tại Mỹ. Ngay cả phim ảnh và TV từ Hollywood đã niêm yết số thu (box office receipt) của thế giới, chuyện mà các nhà sản xuất tại đây chưa bao giờ tính đến khi dự trù ngân sách chỉ 20 năm trước.
Các tập đoàn đa quốc gia hình thành như nấm sau cơn mưa và ngày nay, 100 công ty lớn nhất thế giới theo Forbes đều có quốc tịch “đa quốc” (trụ sở phần lớn đặt tại các quốc gia nhỏ, không thuế, như Cayman Island, Bermuda, Isle of Man…).
Thương hiệu quốc gia
Mặc dù nhiều sản phẩm và dịch vụ vẫn mang bản sắc quốc gia nhưng chúng thường gắn liền với chất lượng và danh tiếng của ngành nghề. Xe hơi Nhật hay điện tử tiêu dùng Nhật là những thương hiệu tuyệt vời (Toyota, Nissan, Sony, Hitachi…), nhưng không ai mua sản phẩm vì chúng là hàng Nhật (phần lớn Made in China).
Đồng hồ Thụy Sĩ, mỹ phẩm Pháp, thiết kế Ý, công nghệ IT Mỹ, bóng đá Brasil, và gần đây, điện thoại Samsung, xe hơi Huyndai…đem Hàn Quốc lên vị trí sao mới nổi, nhưng người tiêu dùng thế giới không vì một vài ngành nghề mà cho rằng tất cả mọi loại hàng xuất xứ từ một quốc gia đều hưởng vị trí tối ưu khi lựa chọn.
Chỉ một trường hợp ngược lại là thực phẩm từ Trung Quốc mang một nhãn hiệu tồi tệ là “độc hại” khủng khiếp, tạo sự tẩy chay ngay cả với người tiêu dùng Trung Quốc.
Thương hiệu Việt
Do đó, khi các doanh nghiệp Việt lobby chánh phủ bỏ tiền hổ trợ quảng bá một “thương hiệu Việt”, tôi luôn nhăn mặt. Đây là một lối “gánh vàng đi đổ sông Ngô”, chỉ lợi cho các công ty quảng cáo và các quan chức điều hành chương trình.
Khẩu hiệu “người Việt dùng hàng Việt” thì có thể chấp nhận được vì đây chỉ là một chiêu tiếp thị khích động lòng yêu nước, nhưng về lâu dài, hiệu quả cũng chẳng bao nhiêu.
Một sản phẩm hay dịch vụ có chất lượng cao bền vững và một chương trình hậu mãi tốt vẫn là một cố gắng rất “cá nhân” của từng doanh nghiệp và đòi hỏi một thời gian dài để tạo thương hiệu. Gốm sứ Minh Long, bút bi Thiên Long, thép Pomina, sữa Vinamilk…có thể trở thành những thương hiệu quốc tế, nhưng tiến trình sẽ mất nhiều thập kỷ và nếu thành công, họ sẽ mang lại vài hãnh diện cho Việt Nam, nhưng họ sẽ không giúp gì cho các sản phẩm khác ở những ngành nghề khác.
Lợi ích của quốc tịch mới
Khi người chủ cũng như đội ngũ quản lý bắt đầu tư duy theo bản sắc mới, tầm nhìn và chiến lược sẽ phải thay đổi để phù hợp hơn với mục tiêu xa rộng hơn, cũng như lâu dài hơn.
Công ty phải hoạt động theo những nguyên tắc và hạn chế xuyên quốc gia trên mọi bình diện. Điều này rất quan trọng vì nó sẽ nâng cao kỹ năng và trải nghiệm của doanh nghiệp và đội ngũ quản lý để khắc phục những yếu kém nội tại và khủng hoảng vĩ mô đang làm trì trệ tăng trưởng.
Về thị trường, sản phẩm phải đáp ứng với nhu cầu của một số lượng người tiêu dùng lớn hơn và đa dạng hơn, dù rằng một sản phẩm có chất lượng thỏa mãn khách hàng Việt phần lớn cũng sẽ thỏa mãn những khách hàng tại Asean hay Trung Nam Mỹ. Dù lớn về tầm cỡ, nhưng chúng ta cũng phải chú trọng đến phân khúc nhỏ và thị trường ngách khi chưa đủ khả năng cạnh tranh để đối đầu các anh cả.
Về công nghệ và thiết kế, sáng tạo và đặc thù vẫn phải là chỉ nam. Ban quản lý phải sẵn sàng tiếp cận và sử dụng hữu hiệu các nhân viên bản xứ. Về pháp lý và xã hội, tư vấn địa phương rất cần thiết để vượt qua các rào cản và hòa đồng với nhiều dân tộc trên căn bản tôn kính.
Về tài chánh, các nguồn vốn sẽ dồi dào hơn vì các nhà đầu tư luôn luôn ưa thích những công ty tiềm năng có thị phần và sản phẩm chất lượng quốc tế. Một công ty niêm yết trên Nasdaq luôn có một giá trị và uy tín cao hơn một công ty niêm yết ở HOSE hay ngay cả Singapore, Hong Kong. Sự suy thoái kinh tế của một hay vài quốc gia sẽ không ảnh hưởng nhiều trên doanh thu và lợi nhuận của một doanh nghiệp đa quốc.
Khó khăn và thử thách
Dĩ nhiên, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ cho đây là chuyện không tưởng. Phần lớn sẽ mặc định là khi mình không đủ sức thành công trên sân nhà, thật khó mà chiến thắng ở sân lạ, trong một môi trường với nhiều đối thủ nặng ký hơn.
Tôi cho rằng tất cả chỉ là tư duy.
Nếu doanh nhân chỉ nghĩ rằng một tiệm tạp hóa tại một làng nhỏ là mơ ước tối hậu thì đây sẽ là đích đến và không xa hơn. Nhưng nếu người chủ tiệm biết rằng bao nhiêu người trẻ đã bỏ làng lên Hà Nội, Saigon, Đà Nẵng…và họ đã thành công vượt bực, trở thành những doanh nhân thành đạt, hạnh phúc…chỉ vì họ dám tư duy khác hơn và xa hơn lũy tre làng. Dĩ nhiên, cũng không ít các doanh nhân thất bại và bỏ cuộc; nhưng đấy là thương trường: không bao giờ có tỷ lệ thắng hay thua 100%.
Tầm nhìn là cốt lõi
Một doanh nhân Mỹ, ông Henry Ford có nói rằng,” Nếu bạn nghĩ là bạn làm được hay bạn không làm được; cà hai trường hợp, bạn đều đúng (“If you think you can, or if you think you can’t , either way, you‘re right.) Từ một tư duy đa quốc, chúng ta mới có được một tầm nhìn xa rộng. Tầm nhìn này sẽ cấu trúc mục tiêu dài hạn, chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tầm cỡ thị trường và cách quản lý tài chánh.
Chỉ những công ty có tầm nhìn như vậy mới đủ kiên trì để xây dựng một thương hiệu bền vững và bám trụ qua nhiều thế hệ. Ngoài ngành IT còn quá mới, tất cả những thương hiệu hàng đầu trên thế giới đều do các công ty trên 100 tuổi tạo dựng lên.
Có thể nhiều doanh nghiệp sẽ chưa sẵn sàng với cơ hội, nhưng ít nhất họ phải biết là cơ hội vẫn chờ đợi ngoài khung cửa.
(Bài 1 Trong Loạt Bài “ Khi Doanh Nghiệp Phải Trực Diện Khủng Hoảng)
nguyen_y_van gửi hôm Thứ Năm, 20/06/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130620/alan-phan-tu-bo-quoc-tich
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001