Câu hỏi tham vấn các tổ chức dân sự/nghề nghiệp và các chuyên gia về việc tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy (1997)
TS Tô Văn Trường
Ngày 13-6-2013Câu hỏi 1: Việt Nam sẽ có lợi gì khi tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy 1997?
Kính gửi GS Nguyễn Huệ Chi,
Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân tham gia Diễn đàn Nước Châu Á 20/5/2013 tại Chiềng Mai Thái Lan vừa qua, có thảo luận về Công ước 1997.
Ngày 17/6/2013, Cục Quản lý Tài nguyên Nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với WWF Việt Nam và Trung tâm CEWAREC của Hội Tưới tiêu Việt Nam sẽ tổ chức Hội thào tham vấn về việc Việt Nam tham gia “Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy” (Công ước 1997).
Hội thảo do Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Thái Lai chủ trì tại Đồ Sơn – Hải Phòng.
Do bận công việc ở xa, tôi không thể tham gia hội thảo nhưng đọc 4 câu hỏi của Ban tổ chức, tôi thấy phải viết ra các suy nghĩ của mình để những người quan tâm tham khảo.
Tô Văn Trường
*Vâng, thưa Anh,
Sáng mai chúng tôi xin đưa bài Anh lên trang BVN. Trong khi biên tập tôi có để ý không thấy TQ tham gia vào Công ước, vậy chắc cuộc đấu tranh đòi kẻ xấu chơi – và cực kỳ hiểm ác đối với các nước láng giềng – phải bảo đảm nguồn nước cho nước ta cũng như các nước hạ lưu sông Mekong, hãy còn rất vất vả.
Cám ơn Anh.
Nguyễn Huệ Chi
*Thưa Anh
Ngay sau khi viết xong, tôi gửi Anh đầu tiên lúc 3 giờ sáng.
Đối với lưu vực sông Mekong, TQ ở thượng nguồn chiếm 20% tổng lượng dòng chảy, không chịu ký Hiệp định cho nên chỉ có MRC năm 1995 của 4 nước hạ lưu (Thái Lan, Lào, Campuchia và VN) . Về Công ước thì TQ lại càng trốn tránh trách nhiệm. Riêng Myanmar chỉ chiếm 2% không đáng kể.
Trong khi trả lời 4 câu hỏi, nếu người đọc tinh ý sẽ thấy tôi liên hệ đến nhiều vấn đề trọng đại của đất nước.
Kính
Tô Văn Trường
Trả lời: Theo cách thông thường có thể trả lời là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy 1997 quy định những nguyên tắc ứng xử của các quốc gia có sử dụng chung nguồn nước. Các Nguồn nước có tác động quan trọng nhất trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội quốc gia (như Đồng bằng Sông Hồng và Sông Cửu Long) đều bắt nguồn từ các quốc gia khác cho nên Việt Nam chịu tác động rất lớn trong việc sử dụng nước của các quốc gia thượng lưu. Vì vậy, Việt Nam sẽ có lợi khi tham gia Công ước sau khi Công ước này có hiệu lực (nếu đủ 35 quốc gia phê chuẩn công ước này), vì không những Việt Nam có thể yêu cầu các quốc gia ký kết Công ước hay những hiệp ước tương tự phải thỏa mãn các điều khoản của Công ước, mà các quốc gia khác cũng bị áp lực của LHQ mà không làm ngược với một Công ước của LHQ.
Theo tôi biết, tổng số quốc gia đã phê chuẩn Công ước này đến cuối năm 2012 là 30, chỉ còn thiếu 5 quốc gia. Danh sách các quốc gia đã phê chuẩn gồm có:
Benin (5-7-2012); Burkina Faso (22-3-2011); Chad (26-9-2012); Denmark (30-4-2012); Finland (23-1-1998); France (24-2-2011); Germany (15-1-2007); Greece (2-12-2010); Guinea-Bissau (19-5-2010); Hungary (26-1-2000); Iraq (9-7-2001); Italy (30-11-2012); Jordan (22-6-1999); Lebanon (25-5-1999); Libya (14-6-2005); Luxembourg (8-6-2012); Morocco (13-4-2011); Namibia (29-8-2001); Netherlands (9-1-2001); Niger (20-2-2013); Nigeria (27-9-2010); Norway (30-9-1998); Portugal (22-6-2005); Qatar (28-2-2002); South Africa (26-10-1998); Spain (24-9-2009); Sweden (15-6-2000); Syrian Arab Republic (2-4-1998); Tunisia (22-4-2009); Uzbekistan (4-9-2007)
Trong bối cảnh hiện tại, các điều khoản của Công ước tạo điều kiện tốt cho việc Việt Nam thương lượng việc sử dụng nguồn nước của các sông quốc tế chảy vào Việt Nam, không những đối với lưu vực Sông Hồng mà cả Sông Cửu Long (trong việc so sánh các điều khoản của Công ước với Hiệp định MRC 1995 các nước hạ lưu sông Mekong).
Nếu bàn sâu hơn, chúng ta thấy ngay kể cả các chuyên gia lão luyện trên trường quốc tế cũng khó có được sự phân tích lợi hại như phân tích màu trắng, màu đen, trong khi trên thực tế khung luật quốc tế như bảy sắc cầu vồng, nó lung linh đẹp đẽ, nó cao cả như những mong ước trong sáng nhất của con người. Công ước quốc tế là sản phẩm trí tuệ của thế giới văn minh, nó làm cho thế giới tử tế hơn, hành xử nhân văn hơn, nó giúp loài người thoát ra khỏi sự ngu muội và cuồng tín, nó tạo ra khung luật pháp, mà chúng ta thường nói là cái ‘hành lang pháp lý’ nhằm dẫn dắt chúng ta theo một hướng nào đó thuận lợi cho đời sống, dễ hành xử trong những vướng mắc liên quan.
Không phải Công ước quốc tế nào khi ra đời cũng là một sản phẩm hoàn hảo. Nó cũng giống như tất cả các bộ luật từ xưa tới nay, nó được thực tế cuộc sống soi rọi, được cọ xát trong thực tế khi người ta đem ra sử dụng, rồi người ta phải rèn giũa thêm, chỉnh sửa thêm làm cho nó theo kịp với yêu cầu mà đời sống đặt ra.
Với tư cách là một quốc gia, chúng ta cần tham gia Công ước, bởi vì:
(i) Chúng ta sẽ là một thành viên trong cộng đồng quốc tế, chúng ta có tham gia Công ước thì chúng ta mới có thể có tiếng nói với cộng đồng ấy về những đóng góp của chúng ta để tiếp tục xây dựng Công ước nhằm phụng sự nhân loại.
(ii) Chúng ta không thể đứng ngoài bất cứ một diễn đàn nào của Liên Hiệp Quốc, bởi vì đó là nền tảng của đối ngoại quốc tế, là chỗ đứng xứng đáng để Việt Nam cũng ngang hàng với các quốc gia khác trên thế giới.
(iii) Nếu vì lợi hại, mà chọn cách không tham gia, thì cũng sẽ có nhiều diễn đàn khác cũng sẽ vì lợi hại mà chúng ta cũng sẽ không tham gia. Từ đó, chúng ta sẽ dễ dàng dần dần đi vào quỹ đạo của sự khép kín và thách thức thế giới như anh Kim Un (Triều Tiên).
(iv) Công ước LHQ không phải là vũ khí vạn năng để cho chúng ta sử dụng có lợi cho mình, hoặc có hại cho ai. Công ước quốc tế chỉ là những quy ước mang tính mong ước, mong các quốc gia hãy làm theo, mong các quốc gia hãy vì những phẩm chất cao hơn để làm theo, đó là danh dự, uy tín, trách nhiệm, sự tôn trọng của mọi người với mình và của mình với mọi người, sự tin tưởng vào lợi ích chung, sự hiểu biết rằng tất cả chúng ta đều có những mối liên hệ qua lại, ràng buộc lẫn nhau, tất cả hành động của chúng ta đều mang lại hậu quả.
(v) Công ước LHQ không có chế tài để bắt buộc thực hiện hoặc hình phạt khi không thực hiện. Chế tài của Công ước, cũng như chế tài của Nghị quyết LHQ, mang tính trừng phạt tượng trưng bằng những hình thức mà loài người văn minh mới thấm nhuần được. Quốc gia vi phạm một lĩnh vực nào đó của Công ước quốc tế bị lên án, bị thế giới xa lánh, bị coi là kẻ vô phúc, bị coi là giống người không biết tự trọng, không biết lẽ phải, không biết hành xử trong danh dự và uy tín. Đó là những thiệt hại về thanh danh, còn những thiệt hại về vật chất có thể là bị những quốc gia trong diễn đàn đó áp dụng cấm vận để trừng phạt. Ví dụ điều này đã xảy ra cho VN trong mấy thập kỷ, việc cấm vận đã đẩy chúng ta xuống hố sâu trong thời gian dài trong khi thế giới vươn lên vũ bão. Nhỡ một bước đó (trong hoàn cảnh chúng ta cũng chọn đứng một mình thách thức thiên hạ mà không dựa vào quốc tế hoặc các công ước quốc tế) đã làm cho chúng ta mất cơ hội phát triển và chắc chắn chúng ta không thể theo kịp các quốc gia khác ngay ở châu Á thôi chứ không nói ra tới thế giới.
(vi) Công ước LHQ có diễn đàn cho các chuyên gia làm việc cụ thể để từ đó vạch ra những luật trong nước phù hợp, và không làm trái những điều của Công ước. Nếu đã biết các quy định của Công ước mà lại rắp tâm làm trái thì không tham gia. Nếu không rõ lợi hại hoặc đúng sai lại càng cần phải tham gia vì từ việc tham gia mới biết rõ thế nào là đúng và thế nào là sai để thực hiện trong đối nội. Hoặc từ đó mới biết chỗ đứng của mình ở đâu để tiếp tục đấu tranh trên trường quốc tế.
(vii) Nếu thực tâm mong muốn hội nhập, thì các Công ước quốc tế, đặc biệt là các Công ước của LHQ chính là cái cầu đưa chúng ta ra với thế giới. Công ước là những quy tắc của sân chơi mà mỗi quốc gia là người chơi. Nếu không biết quy tắc thì làm sao chơi? Chúng ta có thực tâm muốn chơi trên cái sân rộng gồm mấy trăm quốc gia kia không, hay là chỉ muốn chơi trong cái sân chỉ có một người “bạn vàng”?Câu hỏi 2: Việt Nam có thiệt thòi/bất lợi gì khi tham Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy?
Trả lời: Như đã nói trên, phần lớn các con sông ở Việt Nam đều bắt nguồn từ nước ngoài. Có sông vừa là thượng nguồn lẫn hạ nguồn. Ví dụ sông Mekong thì đồng bằng sông Cửu Long là hạ nguồn nhưng chi nhánh của sông Mekong là sông Sesan-Srepok lại là thượng nguồn của Campuchia. Việc áp dụng các điều khoản của Công ước đối với các phụ lưu này của sông Mekong sẽ tạo cho Việt Nam sức mạnh trong việc thương lượng trên diễn đàn quốc tế. Ngoài ra, việc áp dụng Công ước sẽ không tạo ra thiệt thòi mà chỉ đòi hỏi các nguyên tắc bảo đảm các bên cùng có lợi. Các nguyên tắc này giúp Việt Nam bảo đảm các lợi ích lớn hơn ở Đồng bằng sông Mekong và sông Hồng, đồng thời chúng ta phải bảo đảm lợi ích của các nước hạ lưu của sông Sesan và Srepok.
Câu hỏi 3: Việc tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy sẽ tác động như thế nào đến công tác quản lý tài nguyên nước của Việt Nam?
Trả lời: Có tác động tích cực đến công tác quản lý tài nguyên nước của Việt Nam.
Tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy 1997 không làm tác động đến công tác quản lý tài nguyên nội địa nhưng đòi hỏi tăng cường hơn nữa quan hệ quốc tế với các nước thượng nguồn và các tổ chức quốc tế về quản lý tài nguyên nước. Chúng ta đang ở một mức thấp tận cùng trên nhiều mặt, chúng ta đang rất mê muội, không biết là chúng ta đang ở đâu trong nhiều lĩnh vực. Chúng ta quá loay hoay và tốn kém vào những công cuộc tìm kiếm những điều mà thế giới đã có lời giải từ hàng trăm năm trước rồi. Các Công ước quốc tế là định hướng cho chúng ta vươn tới, và cho thế hệ con cháu chúng ta biết đường mà đi. Các Công ước quốc tế là kết quả của trí tuệ ở mức cao từ nhiều quốc gia, chúng ta được hưởng thành quả đó sẽ là bước khởi đầu tốt.
Câu hỏi 4: Ông/bà có tán thành Việt Nam tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy hay không? (Đánh dấu chéo và ô dưới đây).
- Có X
- Không
Nếu trả lời “không”, xin cho biết lý do.
- Các kiến nghị khác:
Tham gia Công ước là việc phải làm. Hiện nay, vấn đề môi trường là quan trọng mà Việt Nam là nước hạ lưu nên cần quan tâm đến dòng chảy môi trường (environmental flow). Cần đề nghị Công ước bổ sung, nói rõ hơn vấn đề này.
Người viết
Tô Văn Trường
Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước KC08/11-15 Bộ Khoa học & Công nghệ
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/16778
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001