Lê Thu Phương - Một cuốn sách đọc dở "Ngày phán xử cuối cùng"
Lê Thu Phương
Người ta vẫn thường nói chỉ có mình mới hiểu mình nhất, là công dân của đất nước Việt Nam hẳn sẽ hiểu đất nước mình nhiều hơn bạn bè thế giới. Nhưng tôi lại nghi ngờ điều đó. Hôm vừa rồi ngồi nhìn em Hà chát với một bạn người tây, em hỏi: “Bạn hiểu gì về đất nước chúng tôi?” Người bạn ấy trả lời: “Tôi biết đất nước bạn qua chiến tranh của nước bạn với Pháp, với Mỹ, tôi còn biết bạn là người thích ăn gạo”. Quả tình chỉ với chừng ấy ý thôi nhưng người bạn của em tôi đã nói tới cái đặc trưng cơ bản nhất của người Việt Nam. Tình cờ tôi lục tìm trong thư viện khoa văn và mượn được cuốn “Ngày phán xử cuối cùng” của Blaga Đimitorova, cuốn sách đã bị mốc meo, dính bết lại với nhau, Tất cả sách mà ngày trước được sinh viên xem là của quý của đời mình thì nay trở thành đống vô dụng, nằm im lìm đau xót. Tôi không có ý gì chỉ trích người quản kho bởi lẽ với chúng tôi thầy rất tốt bụng. Đọc “Ngày phán xử cuối cùng” tôi mới chợt nhận ra người ngoại quốc hiểu về con người Việt Nam rất sâu sắc. Tôi lại đi tìm chính tôi, tôi đi tìm tính cách của dân tộc mình qua những trang sách của một người dân tộc khác. Tự mình cảm thấy hổ thẹn…Người đàn bà ngoại quốc ấy đã dám giãi bầy tâm sự thiết tha của mình khi nhìn về mọi giá trị cuộc sống qua lăng kính Việt Nam. “Đấy là một tấm lòng đau nhức nổi đau Việt Nam, căm giận đến bầm gan tím ruột trước tội ác của bọn xâm lược, tin niềm tin chiến thắng của ý chí đối với bạo tàn, một tấm lòng sau bao nhiêu trăn trở, hoài nghi cuối cùng đã tìm được nơi nương tựa bình yên, ấy là đứng hẳn về phía Việt Nam”.
Tôi đi tìm tôi, tôi đi tìm tính cách của dân tộc mình qua những dòng tâm sự của Blaga. Có rất nhiều hình ảnh đã trở thành biểu trưng cho tính cách Việt Nam, có rất nhiều sự kiện trong chiến tranh ở Việt Nam được bà diễn giải chi tiết, cụ thể, có những địa danh được bà nhắc đến nay đã trở thành nhân chứng của lịch sử. Ngay phần mở đầu dòng tâm sự của mình bà đã liên tưởng hình ảnh những cây tre Việt Nam với các em gái nhỏ “Ở đất nước của các em tôi đã nhìn thấy những cây tre non lớn lên như thế nào sau mỗi trận mưa rào. Cây tre vươn mình lên cao một cách không thể nào hiểu được. Có một sức mạnh nào đấy như đẩy tất cả nhựa xanh từ dưới lòng đất lên nhanh. Bão tố đã qua. Cơn mưa đã tạnh. Và tất cả vẫn xanh tươi, vẫn tràn trề sức sống như thửa ban đầu.” Các em gái nhỏ Việt Nam cũng có sức sống bền bỉ và dẻo dai như những cây tre non, sẽ vượt qua bão tố của chiến tranh, xây dựng cuộc sống mà mọi người có thể sống bình yên trong đó. Niềm tin này sẽ theo suốt người viết cho tới cuối tác phẩm, nhưng đi cùng với niềm tin này bà thấy chính mình bất an với nỗi ám ảnh về bom rơi vẫn hiện hữu trong giấc mơ của bé Hà. “Từ phía xa, phía xa, tiếng máy bay phản lực gầm rú. Em gái nhỏ đang mơ thấy tiếng gầm rú ghê rợn ấy. Em gái vùng vẫy trong giấc ngủ, và hai bàn tay nhỏ của em cố đẩy tấm chăn ra hệt như mái nhà tranh vừa sụp xuống.” Cho đến cuối trang viết của mình, bé Hà vẫn không tin rằng ở Việt Nam đã hết bom. “Em giận chúng tôi. Dường như đối với em_bom đã là một phần không thể thiếu trong cảnh vật của đất nước quê hương em.” Cái ấn tượng về bom sâu sắc đến nỗi Hà lại nghĩ rằng: “Nếu ở Việt Nam hết bom thì bom sẽ sang bên này. Cô đừng lo lúc ấy cháu lại sẽ mang cô sang Việt Nam.” Lời nói ngây thơ mà như dao cứa trái tim người đọc.
Tôi nghĩ rằng có biết bao con dân Việt Nam vui vì được hít cái mùi vị, nghe cái âm thanh, nhìn thấy ánh sáng trong trẻo rất riêng của bầu trời xứ sở mình, nhưng cũng có những kẻ chẳng cảm nhận được sự hạnh phúc đó đâu, thậm chí chúng còn nhạo báng chính dân tộc mình, chính cha mẹ mình. Ngược lại người đàn bà ngoại quốc sang Việt Nam làm tình nguyện lại có được tâm hồn rất Việt “Tôi bước ra và đắm mình vào cái huyền bí của bóng đêm nhiệt đới…Im lặng. Không khí dịu dàng như làn lụa mỏng. Tôi thở thật sâu và nao nao uống mùi thơm kỳ diệu của trời đêm trong trong ăm ắp đầy những bóng cây xanh thẫm. Chiến tranh vào một đêm như vậy bỗng trở thành một giấc mơ kỳ quặc. Tôi hoàn toàn không thể ngờ được rằng lại có thể tồn tại một cái chết ép buộc, xuẩn ngốc. Trời đêm ôm vào lòng mình tất cả những gì là sự sống vĩnh viễn.”
Từ trong những đêm tối ấy, bà đã nhận ra sức mạnh của một thế hệ trẻ Việt Nam. Cái thế hệ mà cho đến bây giờ những ai đang còn sống trên đất nước Việt Nam vẫn tự hào nói “thế hệ chúng tôi sống rất đẹp”. Chính Blaga đã nhận thấy ngay từ những ngày bà bước những bước đầu tiên trên đất nước Việt Nam. “Chiến tranh là sự giết chết thời gian. Không ai có thể trả lại cho một thế hệ cả năm tháng tuổi trẻ, khi tương lai họ đang hình thanh, vì đó là thời kỳ học tập hoàn thiện và lựa chọn đường đi mai sau. Một thế hệ mà ước mơ riêng tư đã bị gác lại. Nhưng mà chính thế hệ đó, thế hệ mà ta tưởng rằng phải rền rỉ tiếc than vì đã bỏ đi cái thời kỳ quý nhất trong đời mình, lại cất tiếng cười trong đêm tối, và lấy tuổi trẻ của mình mà lấp những hố bom”. Bà đã thấy được tính cách Việt Nam. Cái như đã trở thành một hằng số Việt Nam “Trong bản chất của con người Việt Nam luôn ẩn nấu một khả năng kỳ lạ: Đứng vững trước sức ép của ngoại cảnh bằng cách tạo ra trong bản thân mình một sức đối kháng ngược chiều”. Bà tìm hiểu những tâm hồn Việt Nam một cách im lặng, im lặng quan sát để rồi bà dần nhận ra tâm hồn rất riêng của từng thế hệ. Thế hệ những em bé như Hà phải sống trong cảnh “Mỗi lần có còi báo động đêm, đứa lớn sẽ nắm lấy tay đứa bé hơn mà dắt xuống hầm” nhưng Blaga đã nhận ra rằng quê hương đối với các em vẫn là bài hát mẹ ru, là những tên chim, tên hoa, là câu chuyện cổ tích bố kể vào một đêm mưa mùa đông, là bát cháo nóng thơm mùi gạo mới, là điệu múa cùng với các bạn nhỏ truyền lại từ ngày xưa. Chính vì lẽ đó bà luôn thấy khó khăn trong suốt thời gian đưa bé Hà về đất nước mình tránh bom “Tôi muốn giữ cho em nụ cười thơ trẻ mà lại làm em phải khóc”. Sự suy nghĩ này là nguyên cớ cho những đan xen giữa cảnh ở đất nước Hoa hồng bình yên với Việt Nam đầy bom rơi, đạn nổ. Bé Hà là sợi dây cho mối liên tưởng của bà.
Tôi đi tìm tôi, tôi đi tìm tính cách của dân tộc mình qua dòng tâm sự của một người dân tộc khác. Bà đã cung cấp cho tôi tên đất, tên mỗi vùng quê của Việt Nam mà tôi chưa hề được đặt chân đến. Đấy là làng Thu Phong hẻo lánh hiện lên đầy chất thơ nhưng cũng mang nhiều thương đau. “Cái làng Thu Phong hẻo lánh này tách ra khỏi rừng già và trở thành một danh lam thắng cảnh chính nhờ một ngôi mộ.” Đấy là Thanh Hóa với cây cầu Hàm Rồng lịch sử, là Hà Nội, là Hải Phòng, là cầu Long Biên, là vĩ tuyến 17…tất cả đều được nhắc đến trong các trang viết của bà. Đó còn là những cánh rừng bạt ngàn màu xanh, là những dòng sông đã ru bé Hà ngủ trong nhịp sóng rì rầm, tươi mát. Bà đã nhận ra vốn văn hóa của người Việt: văn hóa sông nước “Chiếc cầu bắc qua sông Đuống đã bị phá hỏng. Những đơn vị thanh niên xung phong đã nhanh chóng nối lại chỗ hỏng bằng tre, gỗ…Những thanh tre ấy đã tỏ ra bền bỉ hơn thép rất nhiều và đủ sức chịu đựng nổi sức nặng như thế. Đó không còn là nhịp cầu tre mà là nhịp cầu nối con người Việt Nam với thiên nhiên, với đất nước thân yêu. Cây cối và người chiến sĩ, mảnh đất và dòng sông ở đây hòa hợp, quấn quýt lại với nhau, cùng nhau đối chọi với thế lực cường bạo”. Nhận ra được nền văn hóa Việt Nam ấy, bà lại nghĩ ngay tới bé Hà “Em cũng như con cá nhỏ mềm mại bị bắt ra khỏi dòng sông quen thuộc”. Chính người Việt Nam, chính bé Hà cũng không nghĩ rằng mình bị rơi vào hoàn cảnh như vậy, không còn được nghe tiếng nói quen thuộc, những móm ăn quen thuộc, những khung cảnh quen thuộc, em sẽ thấy sợ hãi đến độ nào. Chỉ có Blaga lo lắng về điều đó. Và còn nữa, bà còn nhận thấy ở Việt Nam có rất nhiều chùa, đi đâu cũng cảm thấy phảng phất không khí cổ kính thâm thúy. Bà cảm nhận được sâu sắc thơ của Tố Hữu, Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa. Tiếng thơ đã góp phần làm tinh thần người Việt lạc quan để chiến đấu với mưa bom bão đạn. Bà nhớ mãi Xuân Quỳnh bằng thứ ngôn ngữ ríu rít như chim hót, đã đọc cho bà nghe bài thơ “Lời ru”:
Hàng mi tơ vẫn khép giấc ngon lành
Con đâu biết máy bay thù gầm rít
Con chỉ nghe lời mẹ ru quấn quýt
Bom chuyển hầm con ngỡ tiếng nôi đưa
Hơi đất vào mam mát giấc mơ!
Con nào hay hơi lửa thù rát mặt!
Ngủ yên con, ngủ đẩy giấc con nghe
Lời ru mẹ làm chiến hào che chở.
Tôi đi tìm tôi, tôi đi tìm tính cách của dân tộc mình qua mối quan hệ của một người dân tộc khác với anh chị em của tôi. Mối quan hệ của Blaga với bé Hà, với cô Phượng, với anh Nguyễn,…Với bé Hà, chính Blaga đã cứu bé, mang em tới quê bà, nơi không còn nghe thấy tiếng bom nổ. Ấy vậy mà bà đã thú nhận rằng “Chính Hà đã dạy cho tôi điều khó có nhất_ấy là lòng độ lượng. Bỏ qua lỗi lầm cho em, cho tất cả, chỉ đừng bỏ qua lầm lỗi của chính mình”. Balaga biết rằng mình không thể thay thế được mẹ bé Hà trong em. Bà đã nhận ra cái sợi dây bền chặt của tình mẫu tử trên đất nước Việt Nam. “Đây là tôi đang nhớ em từ lần gặp trước chứ không phải em nhớ tôi. Đây là tôi sống với em trong trí tưởng tượng tha thiết suốt những năm qua chứ không phải em đã sống với tôi. Đối với em chỉ đơn giản rằng tôi chưa hề tồn tại.” Với anh Nguyễn, bà nhớ cái giọng âm ấm, thân thiện, cái nhìn trìu mếm. Tất cả những điều đấy bao năm sau trên thế giới mọi người đều biết đến. Bà đã nói lên được những mối quan hệ gần gũi nhất của bà với người Việt để tôi có thể nhận ra tính cách đặc trưng nhất của dân tộc tôi.
Trong bài viết của mình tôi không muốn nhắc và ca ngợi tới tấm lòng của bà với đất nước tôi, tôi thấy giá trị nhất ở cuốn sách này là bà đã giúp tôi đi tìm chính tôi, giúp tôi hiểu hơn tính cách của dân tộc mình. Tôi phải mang trả cuốn sách ngay bây giờ, nếu không tôi còn muốn trích ra nhiều đoạn rất hay cho các bạn cùng đọc. Tiếc quá! Hum nào mượn lại vậy.
Khách gửi hôm Thứ Ba, 18/06/2013
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130618/le-thu-phuong-mot-cuon-sach-doc-do-ngay-phan-xu-cuoi-cung
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001