Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Tâm Sự Y Giáo - Hai lần thề thốt với Bắc Kinh 


Tâm Sự Y Giáo

Hôm nay, TTXVN đăng bản tin Tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc phát triển, nói về việc Chủ tịch Trương Tấn Sang sắp sang thăm Trung Quốc.
Sau khi “kê khai một số thành tích” đạt được trong quan hệ Việt Trung trong thời gian qua, bản tin đã tiết lộ rằng trong năm 2012, tổng kim ngạch thương mại Việt Trung đạt 41,18 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất gần 12,4 tỉ USD, nhập gần 28,8 tỉ USD; trong 4 tháng đầu năm 2013, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 14,3 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất gần 3,9 tỉ USD, nhập hơn 10,4 tỉ USD. Như vậy trong năm 2012, Việt Nam đã phải nhập siêu từ Trung Quốc hơn 16 tỉ USD, và chỉ trong 4 tháng đầu năm 2013, Việt Nam phải nhập siêu từ Trung Quốc 5,5 tỉ USD. Ngược thời gian về một số năm trước, được biết Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc năm 2011 khoảng 13,5 tỉ USD, năm 2010 là 12,7 tỉ USD, năm 2009 là 11,5 tỉ USD.
Những con số nói trên cho thấy sự bất bình đẳng ghê gớm trong quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc như thế nào. Ấy thế nhưng bản tin rất “sung sướng tự hào” thông báo: “Trong những năm qua, Trung Quốc đã không ngừng tăng quy mô tín dụng ưu đãi dành cho Việt Nam. Đến nay, Trung Quốc đã cho ta vay 1,6 tỉ USD ưu đãi, tập trung vào những lĩnh vực công nghiệp, khai khoáng, đường sắt, năng lượng, dệt may, hóa chất… Ngoài tín dụng ưu đãi, Chính phủ Trung Quốc còn hỗ trợ Việt Nam nhiều khoản viện trợ không hoàn lại”. Thật lạ, 1,6 tỉ USD tín dụng ưu đãi (cho đến nay, không biết từ khi nào) chỉ bằng 1/10 lượng nhập siêu từ Trung Quốc trong một năm 2012, mà sao giọng điệu của bản tin lại có vẻ “mang ơn bạn vàng” đến thế? Sao không kể ra những “nỗi thống khổ” mà nền kinh tế nước ta phải chịu đựng từ phía Trung Quốc như nạn lao động chui ở nhiều nơi, hàng nhập lậu, hàng dởm, hàng nhái, hàng độc hại của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam. Gần như ngày nào cũng có hàng tấn thực phẩm bao gồm thịt, nội tạng thối, trái cây rau quả độc hại, gà nhập lậu... từ Trung Quốc tràn sang mà đến nay vẫn chưa có cách gì đối phó hiệu quả. Hàng ngày,chúng ta vẫn phải chống chọi với những âm mưu phá hoại kinh tế VN vô cùng thâm hiểm, ác độc như những đợt thu mua lá điều khô, mua rễ tiêu, mua hạt nhãn, râu ngô, móng trâu, ốc bươu vàng, khoai lang… Nhiều ngành sản xuất của Việt Nam đang bị điêu đứng bởi hàng hóa Trung Quốc tràn ngập…
Đó là nói về kinh tế.
Nhưng bản tin này lại là một bản tin chính trị. Điều đáng kinh hãi là trong bản tin có một đoạn nói về chuyến đi thăm Trung Quốc sắp đến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:
“Chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Trung Quốc nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Đảng và Nhà nước Trung Quốc”.
Sao lại như thế nhỉ? Để khẳng định chính sách nhất quán của ta thì đâu có nhất thiết Chủ tịch nước phải sang Trung Quốc mới khẳng định được? Quan hệ giữa hai nước phải thực sự là quan hệ bình đẳng như báo đài vẫn thường hay nói, thế thì hà cớ gì tôi phải sang nhà anh để khẳng định sự nhất quán trong chính sách của tôi đối với anh? Nghe nó yếm thế vô cùng, chưa gì đã thể hiện thái độ thần phục không thể chấp nhận đối với kẻ láng giềng phương Bắc.
Dường như điều này là do TTXVN tự viết ra, như ngầm thể hiện một lời hứa, một lời thề thốt của ai đó với Bắc Kinh. Và Chủ tịch nước đọc thấy câu này của TTXVN chắc cũng cảm thấy buồn.
Nhưng vẫn chưa hết. Gần cuối bản tin, TTXVN còn viết lại nguyên xi câu “thề thốt với Bắc Kinh” một lần nữa, sừng sững, chắc nịch:
“Chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Trung Quốc nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Đảng và Nhà nước Trung Quốc”.



Không rõ điều này là nhằm nhắc lại, nhấn mạnh hay là để chính quyền Bắc Kinh nhìn thấy và tin ở sự chân thành trong câu thế thốt kia?
Chưa bao giờ trong một bản tin lại có hai câu giống hệt nhau một cách quái dị cả về nội dung lẫn hình thức như thế.
Và thật khó để có thể nghĩ rằng đây chỉ đơn thuần là lỗi copy – past hoặc là lỗi của “cậu đánh máy".
Đích thị đây là một “thông điệp mờ ám”? Mời bà con đọc kỹ bản tin dưới đây thì sẽ rõ:

Tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc phát triển

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang sẽ thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 19-21/6.
Ðây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Trung Quốc và cũng là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Trung Quốc của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau khi Trung Quốc có Ban lãnh đạo mới.
Chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Trung Quốc nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Ðảng và Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Ðảng và Nhà nước Trung Quốc.
Là hai nước láng giềng kề cận, quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Ðến nay, hai nước đã ký nhiều hiệp định cấp Chính phủ và các văn kiện hợp tác, đặt cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước. Trao đổi đoàn ở Trung ương và địa phương ngày càng tăng, hàng năm hai bên trao đổi trên 200 đoàn ở cấp lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, đoàn thể quần chúng, góp phần tăng cường hiểu biết và mở rộng hợp tác giữa hai nước.
Trong năm 2012 và từ đầu năm 2013 tới nay, các hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp tiếp tục được duy trì. Đặc biệt là ngày 21/3/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đã có cuộc điện đàm trao đổi về quan hệ hai nước qua đường dây nóng giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước.
Hợp tác giữa hai Đảng được đẩy mạnh, hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Ðảng. Quan hệ giữa các ngành quan trọng như ngoại giao, an ninh, quốc phòng được đẩy mạnh và tiếp tục triển khai hiệu quả các văn bản thỏa thuận hợp tác.
Các địa phương hai bên cũng tăng cường quan hệ với nhiều hình thức đa dạng và thiết thực như trao đổi đoàn các cấp, ký kết các văn bản hợp tác, cùng nhau tổ chức hội thảo, triển lãm, tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư…
Giao lưu giữa nhân dân và thế hệ trẻ hai nước được tăng cường. Hai bên đã tổ chức Liên hoan Thanh niên Việt Nam-Trung Quốc tại Quảng Tây (8/2010), Liên hoan hữu nghị nhân dân biên giới Việt-Trung (11/2010), Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam-Trung Quốc lần thứ nhất (12/2010), Diễn đàn nhân dân Việt-Trung lần thứ 4 tại Trung Quốc (9/2012), Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt- Trung lần thứ 13 (8/2012).
Về quan hệ kinh tế, thương mại, từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là bạn hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2012, tổng kim ngạch thương mại Việt-Trung đạt 41,18 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất gần 12,4 tỷ USD, nhập gần 28,8 tỷ USD. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã và đang có những chuyển biến tích cực nhất định.
Từ năm 2011 đến nay, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp trong tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc đang có xu hướng tăng dần (trên 30% trong khi trước đây chỉ 10%), vượt qua cả nhóm hàng truyền thống là nông, lâm, thủy sản. Tuy vậy, trong năm 2012, các mặt hàng nông sản có ưu thế, đặc biệt là xuất khẩu gạo tăng đột biến, gấp gần 3 lần, đạt 898 triệu USD. Kim ngạch thương mại song phương 4 tháng đầu năm 2013 đạt hơn 14,3 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất gần 3,9 tỷ USD, nhập hơn 10,4 tỷ USD.
Quan hệ hợp tác đầu tư có bước phát triển mới, tính đến hết tháng 3/2013, Trung Quốc có 899 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký hơn 4,7 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 13/94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã không ngừng tăng quy mô tín dụng ưu đãi dành cho Việt Nam. Đến nay, Trung Quốc đã cho ta vay 1,6 tỷ USD ưu đãi, tập trung vào những lĩnh vực công nghiệp, khai khoáng, đường sắt, năng lượng, dệt may, hóa chất… Ngoài tín dụng ưu đãi, Chính phủ Trung Quốc còn hỗ trợ Việt Nam nhiều khoản viện trợ không hoàn lại.
Nhiều năm qua, quan hệ trao đổi, hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao được đẩy mạnh. Hiện có gần 13.500 lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường đại học của Trung Quốc và khoảng hơn 3.500 học sinh Trung Quốc đang du học tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào các ngành ngôn ngữ (học tiếng Việt), du lịch và kinh doanh.
Hàng năm, hai bên trao đổi nhiều đoàn biểu diễn nghệ thuật, tổ chức nhiều cuộc giao lưu văn hóa, thể thao, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Về hợp tác du lịch, Trung Quốc là thị trường nguồn du lịch của Việt Nam . Năm 2012, Việt Nam đón 1,42 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2011 và hàng năm có khoảng 1 triệu du khách Việt Nam thăm Trung Quốc.
Chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Trung Quốc nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Ðảng và Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Ðảng và Nhà nước Trung Quốc.
Hai bên duy trì đà phát triển quan hệ, nhất là các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao với trọng tâm là tăng cường sự tin cậy giữa hai Đảng, hai Nhà nước, đưa quan hệ hai bên có bước phát triển thực chất theo khuôn khổ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là về hợp tác kinh tế-thương mại./.
(TTXVN)
Khách gửi hôm Thứ Ba, 18/06/2013        
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130618/tam-su-y-giao-hai-lan-the-thot-voi-bac-kinh
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001