Bàn tròn: Luật có nên can thiệp quá sâu vào gia đình?
Nguyên Cao (thực hiện)
Sài Gòn Tiếp Thị:
Thông tin “đề nghị quy định độ tuổi phụ nữ mang thai không được quá 33” của chi cục Dân số – kế hoạch hoá gia đình TP.HCM và dự thảo xử phạt “1 triệu đồng hành vi vợ kiểm soát tiền của chồng” của bộ Công an đang gây xôn xao trong dư luận. Chưa bàn đến tính khả thi của các quy định này nếu thành hiện thực, việc nhà quản lý mang tâm thế muốn luật hoá các quan hệ của đời sống gia đình, xác lập những quy định chủ quan của nhà làm luật, vô hiệu hoá những tính năng của đạo lý… là một xu hướng quản trị xã hội nên cổ vũ hay đáng lo ngại? Chúng tôi ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, luật sư, bác sĩ và người dân cùng trao đổi vấn đề này.
Thông tin “đề nghị quy định độ tuổi phụ nữ mang thai không được quá 33” của chi cục Dân số – kế hoạch hoá gia đình TP.HCM và dự thảo xử phạt “1 triệu đồng hành vi vợ kiểm soát tiền của chồng” của bộ Công an đang gây xôn xao trong dư luận. Chưa bàn đến tính khả thi của các quy định này nếu thành hiện thực, việc nhà quản lý mang tâm thế muốn luật hoá các quan hệ của đời sống gia đình, xác lập những quy định chủ quan của nhà làm luật, vô hiệu hoá những tính năng của đạo lý… là một xu hướng quản trị xã hội nên cổ vũ hay đáng lo ngại? Chúng tôi ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, luật sư, bác sĩ và người dân cùng trao đổi vấn đề này.
Ai cũng biết xã hội được vận hành dựa trên hai yếu tố chính: pháp luật và các chuẩn mực xã hội. Mục đích cuối cùng của pháp luật chính là bảo vệ quyền con người. Một điều luật được đưa ra phải đảm bảo được tính phổ quát, bình đẳng, không phân biệt đối xử, và cân bằng với các chuẩn mực xã hội. Người làm luật cần nắm rõ điều gì nên đưa vào làm thành luật để mọi người tuân theo, và việc gì thì nên để xã hội tự điều chỉnh, dựa vào giá trị đạo đức cũng như quan điểm của xã hội. Không phải vấn đề gì cũng đưa thành luật.
Tin liên quan:
Không phải vấn đề gì cũng đưa thành luậtMột khi pháp luật vượt ra khỏi mục đích bảo vệ quyền con người, can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư, cá nhân thì chắc chắn điều luật, nghị định đó sẽ vấp phải nhiều phản ứng từ xã hội. Ví như chuyện phạt người vợ vì kiểm soát tiền của chồng. Mối quan hệ hôn nhân hoàn toàn là thoả thuận dân sự, đơn thuần là một mối quan hệ xã hội. Người trong cuộc có quyền quyết định về mặt tài chính. Nếu họ không thống nhất được, ắt hẳn sẽ chính họ đưa ra những giải pháp khác. Nhà nước không thể nào quyết định, không nên quyết định thay họ ai là người giữ tiền hoặc phải chia đều tiền ra. Hơn nữa, các khái niệm “kiểm soát”, “hào phóng”, “ki bo”, “tiết kiệm” chỉ là những quan niệm xã hội, chúng đa dạng, tuỳ thuộc hoàn cảnh của mỗi người, không có một ngưỡng chung để đo lường cho tất cả, vì thế không thể đúc thành luật được. Một khi các điều khoản không có tính khả thi: khó định nghĩa, dễ tranh cãi, khó đo lường, dễ gây tuỳ tiện trong việc diễn giải, phân xử và tạo ra khối lượng công việc khổng lồ cho cả một hệ thống, thì khi dự tính làm luật ắt sẽ bị phản ứng.
Thêm một ví dụ nữa, về việc cấm phụ nữ trên 33 tuổi mang thai, nếu có xảy ra thì thật sự điều luật này vi phạm quyền con người. Là phụ nữ, họ có quyền sinh con và pháp luật phải đảm bảo quyền này. Một trong những nguyên tắc quan trọng khi làm luật là sự bình đẳng. Cấm sinh con có nghĩa tước đoạt sự bình đẳng của con người, và phân biệt đối xử về tuổi tác.
Điều này dẫn đến một vấn đề lớn hơn, đó là cần phải xem xét khía cạnh quyền con người trong tất cả các văn bản pháp luật. Cần đặt ra câu hỏi liệu dự luật đó có ảnh hưởng xấu đến ai, có phân biệt đối xử hay không? Đây là câu hỏi quan trọng mà luật pháp cần tính đến. Bởi nếu một khi các điều luật trên được thực thi, thì ảnh hưởng rất mạnh đến tính tự chủ của gia đình và quyền của các thành viên trong gia đình đó. Pháp luật chỉ nên can thiệp nếu trong gia đình đó xảy ra việc vi phạm quyền con người như bạo hành: cha mẹ hành hạ con cái, chồng đánh đập, đối xử tàn bạo với vợ.
Luật pháp cần được sự thoả thuận và thống nhất của toàn xã hội. Nếu không được sự đồng thuận của đại đa số người dân thì chắc chắn không thể đi vào cuộc sống. Việc trước khi đưa ra một nghị định, điều luật phải được tham vấn nhân dân, những người trong cuộc, các chuyên gia xã hội, các nhà làm chính sách là điều phải làm. Nhưng khâu quan trọng chính là tiếp thu các góp ý dựa trên nguyên tắc phổ quát, bình đẳng và không phân biệt đối xử.
Ông Lê Quang Bình
(viện trưởng viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường – iSEE)
Những đề nghị khácBên cạnh nội dung “Vợ chồng kiểm soát quá chặt tiền của nhau có thể bị phạt 1 triệu đồng”, dự thảo lần 3 “Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình” của bộ Công an còn có nhiều nội dung khác như: hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng; buộc thành viên gia đình đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ; đập phá tài sản riêng của mình nhằm gây áp lực về tâm lý đối với thành viên gia đình; cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên gia đình hoặc tài sản chung của gia đình bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng… (theo Tuổi Trẻ ngày 11.7)
Ngoài đề nghị quy định độ tuổi của phụ nữ mang thai không được quá 33, chi cục Dân số – kế hoạch hoá gia đình TP.HCM còn đề xuất các đôi lứa trước khi làm thủ tục đăng ký kết hôn buộc phải khám sức khoẻ cả vợ lẫn chồng; người hiếm muộn phải thụ tinh nhân tạo cũng chỉ mang số lượng thai tối đa là 2… (theo Vnexpress ngày 8.7). Tuy nhiên sau khi dư luận phản ứng, trên Tuổi Trẻ online ngày 11.7, bà Tô Kim Hoa, chi cục trưởng chi cục Dân số – kế hoạch hoá gia đình TP.HCM cho biết chi cục này chưa hề kiến nghị bằng văn bản chính thức về việc cấm phụ nữ trên 33 tuồi mang thai. Thông tin này là trao đổi của bà bên lề một cuộc họp mới đây, với một vài phóng viên về việc nên khuyến khích phụ nữ không nên mang thai khi đã quá 33 – 35 tuổi.
Không có sự hợp lý ở mỗi khía cạnh
Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh (công ty luật Giải Phóng, TP.HCM):
Nói đến gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, hẳn sẽ có nhiều cái chau mày, bóp trán. Ra luật cũng là một biện pháp giảm thiểu những điểm nóng gia đình hiện nay. Tuy nhiên, việc ra luật, khung hình phạt cho các vấn nạn gia đình cần được xem xét lại mức độ và ý nghĩa của từng vấn đề, chứ không thể theo kiểu “ăn cây này, sẵn tiện rào cây bên cạnh cho chắc”. Ở câu chuyện phạt 1 triệu đồng vợ kiểm soát tiền của chồng, người đưa ra luật định nghĩa như thế nào là kiểm soát chặt chẽ tài chính? Nếu điều luật trên có hiệu lực thì cơ quan nào sẽ là nơi giải quyết những vi phạm hành chính này? Luật không nhất thiết phải can thiệp quá sâu vào các mối quan hệ nhạy cảm trong gia đình, trong đời sống vợ chồng. Đôi khi sự can thiệp của bên thứ ba sẽ khiến tình hình xấu hơn. Về câu chuyện thứ hai, nếu cấm phụ nữ trên 33 tuổi không được sinh con thì không có tính nhân văn, và vô tình tiếp tay cho nạn ly hôn, tội phạm, nạn đẻ thuê bất hợp pháp có cơ hội gia tăng. Hôn nhân là một sự tự nguyện không có giới hạn tuổi tác.
Cấm đẻ như vậy không khả thi!
Bác sĩ Lý Thái Lộc, trưởng khoa hiếm muộn, bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM:
Chức năng sinh sản của người phụ nữ tốt nhất là dưới 35 tuổi. Tuy nhiên, dù phụ nữ trên 35 tuổi có nhiều nguy cơ khi mang thai, nhưng không phải là không thể phòng ngừa và điều trị được, nếu có một chiến lược quản lý thai đúng đắn. Chúng tôi nghĩ việc cấm các phụ nữ trên 33 tuổi mang thai là không khả thi, đặc biệt khi vai trò người phụ nữ trong xã hội ngày càng cao, việc lập gia đình muộn và mang thai muộn theo dự kiến sẽ ngày càng phổ biến. Việc quan trọng cần làm của ngành y tế là tổ chức mạng lưới khám thai càng hoàn chỉnh càng tốt, để giảm thiểu đến mức thấp nhất các tai biến có thể xảy ra cho phụ nữ cao tuổi mang thai.
Chớ tiểu tiết kẻo thành trò cười
Đỗ Hoài Lâm, Bình Thạnh, TP.HCM:
Tôi nghĩ những người làm ra luật cần phải hiểu sâu hơn mối quan hệ của các thành viên trong một gia đình. Hơn nữa, khi đưa ra luật thì người làm luật cần biết dự luật đó có phù hợp hay không. Chuyện vợ kiểm soát tiền chồng, không cho các thành viên trong gia đình xem tivi, đọc báo, tiếp xúc phương tiện truyền thông đại chúng... thuộc phạm vi gia đình, không là vấn đề phổ biến, không ảnh hưởng đến sự phát triển chung, vậy nên chớ tiểu tiết kẻo lại thành một tấn trò cười.
nguyen_y_van gửi hôm Thứ Bảy, 13/07/2013
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130713/ban-tron-luat-co-nen-can-thiep-qua-sau-vao-gia-dinh
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001