Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Mỹ sẽ nhượng bộ Việt Nam vấn đề nhân quyền?

Mỹ sẽ nhượng bộ Việt Nam vấn đề nhân quyền? 

Việt Hà, phóng viên RFA
2013-07-12
000_DV1076612-305.jpg
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và phu nhân Michelle Obama bắt tay Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tân Sang (giữa) và phu nhân Mai Thị Hạnh (trái) tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Honolulu, Hawaii, vào ngày 12 tháng 11 năm 2011.
AFP PHOTO / JIM WATSON
 
Theo lời mời chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama, Chủ tịch Việt Nam, ông Trương Tấn Sang sẽ sang thăm Mỹ vào ngày 25 tháng 7 tới. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Chuyến thăm diễn ra chỉ vài tuần sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang. Ý nghĩa của chuyến đi này với Việt Nam và Mỹ là gì? Mời quý vị tìm hiểu vấn đề này trong cuộc phỏng vấn giữa phóng viên Việt Hà và Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn quan hệ quốc tế tại trường đại học George Mason.

Áp lực nội bộ

Trước hết nói về lý do Tổng thống Obama mời Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Mỹ lần này, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết:
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ là trước hết là Việt Nam muốn sang thăm Mỹ và muốn ông Tổng thống Mỹ sang Việt Nam thì đã nói đi nói lại nhiều lần rồi và Việt Nam muốn ông Obama sang mà ông Obama chưa sang được thì lúc này là dịp để mời ông Sang thăm Mỹ trước khi ông Obama sang Việt Nam khi điều kiện cho phép. Nhất là vào lúc này Việt Nam cũng muốn sang Mỹ thì sau khi Việt Nam đã sang Tàu rồi thì ông cũng muốn sang Mỹ để mang tính chất cân bằng quyền lực một chút. Cho nên ý định nhiều nhất là của Việt Nam, dù Obama mời nhưng ý muốn nhiều nhất là của Việt Nam, và Mỹ đã đáp ứng.
Việt Hà: Theo ông thì vấn đề nhân quyền có tầm quan trọng thế nào trong cuộc nói chuyện giữa hai vị lãnh đạo quốc gia lần này?
Nhất là vào lúc này VN cũng muốn sang Mỹ thì sau khi VN đã sang Tàu rồi thì ông cũng muốn sang Mỹ để mang tính chất cân bằng quyền lực một chút.
-GS Nguyễn Mạnh Hùng
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Rất quan trọng vì từ thời ông Carter đến thời ông Bush thì nhân quyền đã trở thành rất quan trọng, nhất là áp lực bên quốc hội về vấn đề nhân quyền cũng khá nhiều. Trong việc thảo luận giữa Việt Nam và Mỹ về nâng cao tầm quan hệ chiến lược, rồi Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam thì Mỹ đã nhắc nhiều lần cả hành pháp lẫn lập pháp là chuyện đó không xảy ra nếu vấn đề nhân quyền không được cải thiện. Vì thế đó là vấn đề quan trọng. Nó được đưa ra trong lúc này vì gần đây có nhiều sự bắt bớ các bloggers và những cái mà người Mỹ gọi là xâm phạm quyền tự do phát biểu trên Internet, vì thế áp lực nội bộ của Mỹ về vấn đề nhân quyền Việt Nam làm cho vấn đề nhân quyền trở thành vấn đề nổi cộm.
Việt Hà: Thưa giáo sư, trong tình hình hiện nay tại châu Á Thái Bình Dương, thì Mỹ cũng chuyển trọng tâm chiến lược về khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có sự quan ngại về sự lớn mạnh của Trung Quốc. Có những lo ngại được đặt ra là liệu Mỹ sẽ bỏ qua vấn đề nhân quyền ở Việt Nam để đưa Việt Nam trở thành đối tác chiến lược. Giáo sư có nhận xét thế nào?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Bỏ qua thì không bỏ qua hoàn toàn được, tất nhiên quyền lợi về chiến lược và kinh tế quan trọng hơn quyền lợi về nhân quyền. Nhưng mà ở trong chính sách ngoại giao Mỹ, cơ chế ngoại giao Mỹ giữa cân bằng quyền lực, kiểm soát lẫn nhau giữa hành pháp và lập pháp thì vấn đề nhân quyền không thể được bỏ qua, nhất là nếu Việt Nam muốn mua vũ khí thì vấn đề đó không thể bỏ qua được. Nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ đòi Việt nam phải dân chủ hoàn toàn hay phải có thành quả nhân quyền đặc sắc. Nhưng không thể bỏ qua được. Chính sách của Mỹ thời bà Madeleine Albright khi ông Tổng thống Bill Clinton muốn liên hệ với Trung Quốc thì có đặt ra hai điểm quan trọng, chúng tôi có nhiều vấn đề tổng quát, nhưng khi nói về nhân quyền thì không thể bắt những vấn đề khác trở thành con tin của nhân quyền được. Điều này cũng đang được áp dụng với chính quyền của Obama tức là nó quan trọng nhưng nó không thể nào yếu tố áp đảo các quan hệ khác.
Nếu VN có một số nhượng bộ thỏa đáng thì tôi nghĩ trong thông cáo chung sẽ có thể phản ánh được một sự tiến bộ hoặc là một sự gì đó trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và VN.
-GS Nguyễn Mạnh Hùng
Việt Hà: Như ông biết thì trước kia khi Việt Nam muốn vào WTO và cải thiện quan hệ với Mỹ thì Việt Nam cũng có dễ dàng hơn trong vấn đề nhân quyền theo yêu cầu của cộng đồng quốc tế, nhưng khi họ đạt được mục đích của họ rồi thì họ lại tiếp tục đàn áp nhân quyền. Vậy Mỹ đã học được bài học gì trong quá khứ để lần này khi Mỹ cần bằng chiến lược tại châu Á Thái Bình Dương, đưa Việt Nam thành đối tác chiến lược, có thể mặc cả với Việt Nam về vấn đề nhân quyền?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Vấn đề nhân quyền là quan trọng nhưng không quan trọng bằng vấn đề quan hệ chiến lược. Còn bài học mà Mỹ học thì chuyện đó người Mỹ cũng biết. Vấn đề lúc này là muốn tăng đối tác chiến lược thì Việt Nam phải có một số nhượng bộ về nhân quyền. đây là về lúc này, còn chuyện đạt được về sau thì lại trở thành một chuyện khác.
Việt Hà: Theo Giáo sư đánh giá thì khả năng Việt Nam trở thành đối tác hợp tác chiến lược với Mỹ trong thời gian sớm sắp tới thế nào?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ có hai điều mình có thể đưa ra dự đoán tương đối. Thứ nhất trong chuyến đi này Việt Nam đã có chuẩn bị tức là khi ông Sang sắp sang đây, thì tất cả các vụ bắt bớ bloggers rồi tin từ Việt Nam đưa ra là bắt thêm 20 người nữa thì những chuyện đó đã không xảy ra. Như vậy là họ đã để ý đến quan tâm của người Mỹ và họ đã có chuẩn bị cho chuyến đi của ông Sang. Điểm thứ hai là Việt Nam rất muốn đẩy cao tầm quan hệ chiến lược với Mỹ bởi vì ông tuyên bố ông muốn thiết lập đối tác chiến lược với tất cả 5 quốc gia thường trực hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc thì họ đã làm được 3 rồi, chỉ còn ông Pháp và ông Mỹ thôi. Ông Mỹ rất quan trọng.  Việt Nam rất tha thiết. Nếu Việt Nam có một số nhượng bộ thỏa đáng thì tôi nghĩ trong thông cáo chung sẽ có thể phản ánh được một sự tiến bộ hoặc là một sự gì đó trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam.
Việt Hà: Xin cảm ơn giáo sư.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/will-us-strategic-priority-trump-hr-in-vn-vh-07122013152115.html
======================================================================
Nguyên thủ Mỹ-Việt sẽ bàn về nhân quyền  



Ông Trương Tấn Sang thăm Mỹ lần đầu tiên với tư cách chủ tịch nước
Chính phủ Hoa Kỳ ra thông cáo nói Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vào ngày 25/7 tại Nhà Trắng.
Thông cáo của Thư ký Báo chí Nhà Trắng viết: "Tổng thống [Obama] sẽ nhân cơ hội này thảo luận với Chủ Tịch Sang làm thế nào để củng cố hơn nữa quan hệ đối tác giữa hai nước trong các vấn đề chiến lược của khu vực và tăng cường hợp tác với khối Asean".
Thông cáo cho biết thêm rằng ông Obama mong muốn thảo luận với ông Sang các chủ đề "nhân quyền, các thách thức đang nảy sinh như thay đổi khí hậu, và tầm quan trọng của việc hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tiêu chuẩn cao".
Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ vào tuần cuối tháng Bảy. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông trong cương vị chủ tịch nước, và ông Sang là chủ tịch nước thứ hai của Việt Nam thăm đất nước cựu thù.
Năm 2007, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã có chuyến thăm 'lịch sử' kéo dài gần một tuần tới Hoa Kỳ.
Có tin cho hay lần công du này, ông Trương Tấn Sang cũng sẽ thăm Canada.
Việc thông cáo ngắn gọn của Tòa Bạch Ốc đặt nhân quyền lên hàng đầu trong các chủ đề thảo luận cho thấy nước chủ nhà trông đợi một sự giải thích từ phía Chủ tịch Việt Nam về các cáo buộc vi phạm trong lĩnh vực vẫn được coi là còn nhiều khác biệt này.
Hà Nội bị chỉ trích vì đã bắt và cầm tù nhiều nhà hoạt động một cách ôn hòa, thời gian gần đây là các blogger bất đồng chính kiến.

Bước đột phá?

Một số nhà quan sát chính trị Đông Nam Á, như Murray Hiebert và Phoebe De Padua từ tổ chức Sumitro Chair for Southeast Asia Studies thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington DC, cho rằng chuyến đi của ông Trương Tấn Sang là một phần trong chiến dịch ngoại giao của lãnh đạo Việt Nam.
Gần đây ông chủ tịch đã đi thăm Trung Quốc và Indonesia, trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu được đánh giá cao tại Diễn đàn an ninh Shangri-La ở Singapore.
Hai nhà nghiên cứu trên nhận định trong một bài viết: "Việc lãnh đạo Việt Nam đua nhau đưa ra các ý tưởng và cạnh tranh về độ uy tín không phải là điều dở cho các nước đối tác, trong đó có Hoa Kỳ".
Tuy nhiên, họ cũng cho rằng đề xuất hình thành quan hệ đối tác chiến lược chưa thực hiện được vì một số lý do.
Một trong các lý do đó, theo Hiebert và De Padua, là cánh bảo thủ trong Đảng CSVN không muốn đi quá xa với Hoa Kỳ vì lo ngại làm phật lòng Trung Quốc.
Thứ hai, tại Mỹ các dân biểu đang tăng áp lực lên chính phủ đòi phải đề cập với phía Việt Nam về tình trạng nhân quyền, mà họ cho là đang xấu đi.
Một số học giả như Giáo sư Carlyle Thayer từ Canberra, Úc châu, cho rằng "nhân quyền phải là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ, nhưng không nên trở thành trọng tâm làm kìm hãm tiến bộ trong hợp tác ở những lĩnh vực khác".
Thế nhưng cũng có người như Phó Giáo sư Jonathan London từ City University of Hong Kong thì cho rằng nhân quyền là một trong những rào cản trong quan hệ Việt-Mỹ.
Ông London nói Việt Nam cần có bước đột phá trong quan hệ với Hoa Kỳ, và để làm điều này thì Đảng CSVN phải có những đổi thay thực sự.
Ông nói thay đổi hữu hiệu nhất mà lãnh đạo Việt Nam có thể làm là "cho phép toàn dân tham gia vào cuộc sống chính trị của đất nước một cách công bằng, chấm dứt đàn áp, và phát triển thể chế dân chủ ở trong nước".
______________________

'Chính phủ Mỹ chưa quan tâm đúng mức đến tình trạng nhân quyền Việt Nam'


Dân biểu Đảng Cộng Hòa Frank Wolf, Đồng Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos và Nhóm hoạt động về các vấn đề Việt Nam tại Quốc hội Mỹ.

Đồng Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos và Nhóm hoạt động về các vấn đề Việt Nam tại Quốc hội Mỹ ngày 11/7 trình lên Quốc hội các nhận định chỉ trích chính phủ của Tổng thống Obama lơ là trước tình trạng vi phạm nhân quyền leo thang của Hà Nội.
Dân biểu Frank Wolf nói chính phủ Việt Nam mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gọi là một nhà nước độc tài do một đảng cai trị vẫn tiếp tục đàn áp các tiếng nói bất đồng quan điểm chính trị, ngăn cản nghiêm ngặt quyền tự do bày tỏ quan điểm, lập hội, tụ tập của công dân, và bắt bớ tùy tiện các nhà hoạt động tôn giáo.
Nhà lập pháp Wolf, một tiếng nói mạnh mẽ cổ xúy cho nhân quyền và tự do tôn giáo toàn cầu, nhận xét rằng giữa làn sóng đàn áp chính trị dâng cao tại Việt Nam, Washington và đại sứ quán Mỹ lại im lặng thay vì phải mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ và bày tỏ tình đoàn kết với các tiếng nói bất đồng đang ngày càng gia tăng trong quần chúng tại Việt Nam.
Ông Wolf cho rằng người dân Việt Nam và hàng triệu người Mỹ gốc Việt xứng đáng được hưởng những điều tốt hơn những gì mà đại sứ Mỹ đương nhiệm tại Việt Nam, David Shear, và chính quyền của Tổng thống Obama đang mang lại cho họ.
Dân biểu Wolf nhấn mạnh chính phủ Hoa Kỳ đã không đáp ứng được nguyện vọng của từng người dân Việt, từng người Mỹ gốc Việt quan tâm đến nhân quyền và tự do tôn giáo.
Đây là các nhận định đầu tiên của ông Wolf trong hàng loạt các phát biểu sắp tới của ông nhằm nêu lên sự thất bại của chính quyền Tổng thống Obama trong việc đưa nhân quyền và tự do tôn giáo lên vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Đầu tuần này, dân biểu Wolf đã tuyên bố trước Quốc hội ý định của ông sẽ nêu bật sự im lặng và cách hành xử chưa phù hợp của chính phủ Hoa Kỳ trong việc ủng hộ những người bị đàn áp và bị gạt ra bên lề tại nhiều quốc gia. Ông Wolf nói:
“Quyết định trao giải Nobel Hòa Bình cho Tổng thống Obama vì những gắn kết của ông với nhân quyền đã được dựa trên sự hy vọng sai lầm, chứ không phải dựa trên thành tích thật sự. Thực tế cho thấy chính quyền của Tổng thống Obama đã tỏ ra im lặng hoặc thiếu khả năng trong việc cổ xúy cho những người bị đàn áp tại nhiều quốc gia. Trong những ngày sắp tới, tôi sẽ chỉ ra những sự thất bại ghê gớm của chính phủ này trong việc bênh vực cho nhân quyền và quyền tự do tôn giáo trên toàn cầu.”
Năm ngoái, đích thân dân biểu Frank Wolf từng viết thư cho Tổng thống Barack Obama đòi cách chức Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear và thay thế bằng một người Mỹ gốc Việt, với tố cáo rằng nhà ngoại giao này đã không cổ võ cho nhân quyền.
Ông Wolf nói “Nước Mỹ phải là tiếng nói của những người không có tiếng nói. Tòa Đại sứ Mỹ ở Việt Nam phải là một hòn đảo của tự do, nằm dưới sự lãnh đạo của một vị Đại sứ Mỹ dũng cảm mà đại sứ Shear không phải là một người như vậy”.
Trà Mi
Theo VoA
Admin gửi hôm Thứ Sáu, 12/07/2013          
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130712/nguyen-thu-my-viet-se-ban-ve-nhan-quyen
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001