Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Phạm Thảo Nguyên - Câu chuyện Tự Lực Văn Đoàn, những điều chưa nói

Phạm Thảo Nguyên - Câu chuyện Tự Lực Văn Đoàn, những điều chưa nói 

   at 7/14/2013 02:36:00 PM
Phạm Thảo Nguyên
 
Anh em Nguyễn Tường Tam sinh ra trong một gia đình cựu quan lại đã sa sút, gốc Quảng Nam. Xưa kia, cụ Nguyễn Tường Phổ đã được triều đình nhà Nguyễn bổ làm quan ngoài Bắc, sau ở lại lập nghiệp. Con là Nguyễn Tường Tiếp(Trấp) đỗ tiến sĩ, làm tri huyện tại huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Đến đời cháu là Nguyễn Tường Nhu, làm thông phán bên Lào, đã mất sớm tại đây, để lại người vợ trẻ 37 tuổi với sáu người con trai, một gái. Bà Nhu đã bương chải rất vất vả nuôi các con ăn học thành tài. Nguyễn Tường Tam là con thứ ba, học giỏi, thường đi làm kiếm tiền để đi học tiếp. Ông đỗ đầu vào trường Mỹ Thuật Đông Dương nhưng chỉ học một năm rồi bỏ, vì thấy hội hoạ không giúp dân trí tiến bộ được. Tuy vậy, ông là một họa sĩ có tài, đã từng sống bằng nghề vẽ phông cho rạp hát và vẽ tranh bán tại miền Nam và Cao Miên (Bức tranh Họp Chợ).


Nguyễn Tường Tam đi Pháp du học. Sau ba năm học xong cử nhân khoa học Vật Lý, đồng thời tìm học thêm nghề báo, xuất bản, in ấn, và tham khảo văn chương các nước. Với ông, văn bằng cử nhân chỉ dùng để dạy học kiếm sống khi cần, phần học thêm mới quan trọng. Về nước, ông Tam đi dậy trường tư thục Thăng Long của hiệu trưởng Phạm Hữu Ninh, chờ thời.

Lúc đó, ông Ninh đang là chủ báo Phong Hóa (cũ), phát hành ở Hà Nội. Đó là một tuần báo viết theo lối cổ xưa, đã ra 12 số từ 16/6/1932, không người đọc, thua lỗ nặng sắp đình bản. Thấy cơ hội tốt, ông Tam mua lại tờ Phong Hoá: Giữ lại cái vỏ, báo không phải đóng cửa, hai ông Ninh và Mai để tên lại, ngồi làm vì, được trả lương hàng tháng. Cái ruột, trái lại, được thay toàn bộ: Nhất Linh Nguyễn Tường Tam làm chủ bút, ban biên tập gồm hai người bạn : Khái Hưng Trần Khánh Giư, Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, cùng hai người em: Tứ Ly (Hoàng Đạo) Nguyễn Tường Long và Việt Sinh (Thạch Lam) Nguyễn Tường Lân. 

Ngày 22/09/1932 báo Phong Hóa số 14 của nhóm Nguyễn Tường Tam ra đời tại Hà Nội, là tờ báo trào phúng đầu tiên của Việt Nam. Mục đích là:
Bàn một cách vui về các vấn đề cần thiết:
Xã hội, chính trị, kinh tế- nói rõ về hiện tình trong nước…

Nhờ tính thời sự và giọng trào lộng châm biếm, báo lập tức nổi tiếng. Đó chính là khởi đầu tinh thần dân chủ mở rộng và bình đẳng trong tư tưởng, văn chương, báo chí, để tham dự vào cuộc cách mạng chữ nghĩa, văn học Việt Nam thế kỷ 20, mà chúng ta còn được hưởng tới ngày nay. 

Nhất Linh hiểu sâu sắc là dân chúng chán ngấy văn chương, báo chí cổ, họ chờ đợi một tờ báo với tinh thần mới, phù hợp với nhu cầu muốn biết, muốn hiểu, muốn tiến về đời sống đang bắt đầu thay đổi. Cho nên, Nhất Linh và nhóm biên tập xây dựng lại Phong Hóa với phong thái hoàn toàn mới, làm một cuộc lột xác báo chí thời đó với nội dung càng ngày càng gần gụi dân chúng trong những bài lý luận về thời sự, kinh tế, xã hội, chính trị mới mẻ sắc sảo, nhiều kiến thức và những bài phóng sự rất được chờ đón… Báo sử dụng một dòng văn học nhẹ nhàng dễ đọc, đạt tới mẫu mực của thời đại do Khái Hưng và Nhất Linh dẫn đầu. Tất cả lồng trong hình thức mỹ thuật hay lạ, dí dỏm, ý nhị có duyên, với những truyện vui, văn vui, những bức tranh khôi hài, và những nhân vật hý lộnảotào phúng được yêu thích chưa từng có : Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh... Báo lúc đầu chỉ do Đông Sơn (Nhất Linh) và Tứ Ly vẽ minh hoạ, về sau, có rất nhiều hoạ sĩ xuất sắc tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Đông Dương phụ trách.

Với tinh thần vui vẻ, dí dỏm, Phong Hoá tạo lại không khí trẻ trung yêu đời cho thanh niên thời đó. Họ đang quá ư ủ dột vì văn chương đầu độc tràn lan như : Tố Tâm, Mồ Cô Phượng, Giọt lệ Thu,… Phong Hoá và Ngày Nay dần trở thành món ăn tinh thần mới, không thể thiếu của dân chúng khắp nơi. Số báo phát hành tăng vọt, vượt lên 5000, rồi trên 10 000, những con số chưa từng có trong lịch sử báo chí. 

Không lâu sau, Nguyễn Thế Lữ, một cây viết trẻ, mới, đã có ít nhiều thành tựu về thơ văn, về hợp tác với nhóm Phong Hoá. Với tài năng đa dạng và sức làm việc năng động hăng hái, Thế Lữ sớm trở thành một trong những cây bút rường cột của báo.

Ngay khi thấy nhân sự đã đầy đủ, báo đã vững vàng, Nhất Linh đề nghị thành lập văn đoàn, một loại «hạt nhân»(noyau), để giúp đỡ che chở nhau cùng tiến lên, không dựa vào ai khác. Theo Tú Mỡ (1) «nguyên tắc là làm ăn dựa trên sức mình, theo tinh thần anh em một nhà, tổ chức không quá mười người nên không phải xin phép nhà nước, không cần có văn bản điều lệ : lấy lòng tin nhau làm cốt, chỉ nêu ra trong nội bộ, mục đích , tôn chỉ, anh em tự giác tuân theo», (Lúc đó Pháp trợ cấp cho Nam Phong của Phạm Quỳng 600fr mỗi tháng, Trung Bắc Tân Văn 500fr mỗi tháng, còn một lạng vàng giá 30fr ) .

Tự Lực Văn Đoàn ra đời gồm 6 người : Thủ lĩnh Nhất Linh cùng năm thành viên : Khái Hưng, Tứ Ly (Hoàng Đạo), Thạch Lam, Tú Mỡ và Thế Lữ.

Tới nay, không ai biết đích xác ngày văn đoàn thành lập, tuy nhiên chúng tôi sau khi khảo cứu về ngày Thế Lữ ra nhập toà soạn Phong Hoá, xin xác định :
 Thời điểm thành lập Tự Lực Văn Đoàn là vào khoảng giữa tháng 7/1933.

Vì « Không cần có văn bản điều lệ : lấy lòng tin nhau làm cốt.. », Văn Đoàn không thấy cần công bố tôn chỉ. Đến khi bị bạn bè, độc giả… hỏi nhiều quá, ngày 2/3/1934, Phong Hoá số #87 đăng tôn chỉ của văn đoàn như sau:
1- Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài, nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi : mục đích để làm giầu thêm văn sản trong nước.
2- Soạn hay dịch những cuốn sách có giá trị xã hội, chủ ý làm cho Người, cho Xã hội ngày một hay hơn lên.
3- Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân, và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.
4- Dùng một lối văn giản dị dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách Annam.
5- Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời. có trí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ
6- Ca tụng những nết hay, vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả, quý phái.
7- Trọng tự do cá nhân.
8- Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.
9- Đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào văn chương Annam.
10- Theo một điều trong chín điều này cũng được, miễn là đừng trái ngược với những diều khác.

Năm 1938, Tự Lực Văn Đoàn nhận thành viên thứ bẩy. Vì có nhiều dư luận khác nhau, chúng tôi xin dựa vào Di Cảo« Đời Làm báo » tờ viết nháp của Nhất Linh. Di cảo này do Gia đình nhà văn Nhất Linh công bố, đã giải quyết rốt ráo hai vấn đề: 
1-).Thành viên Tự Lực Văn Đoàn: Ngoài sáu vị thành viên đầu tiên, không ai bàn cãi. Trên Di Cảo duy nhất tên Xuân Diệu có hàng chữ «Có chân trong Tự Lực Văn Đoàn».

Vậy thành viên thứ bẩy của Tự Lực Văn Đoàn là Ngô Xuân Diệu, bút hiệu Xuân Diệu và Trảo Nha (2) . Thi sĩ không làm việc toà soạn như nhiều thành viên khác, chỉ gửi bài đăng báo.

Vậy Tự Lực Văn Đoàn chỉ có bẩy người kể trên là thành viên mà thôi. 

Những trường hợp có nghi vấn:
Đỗ Đức Thu: Nhất Linh đã chính thức gửi thư mời, nhưng ông từ chối, vì không muốn bị ràng buộc vào tôn chỉ của bất cứ văn đoàn nào. 

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí cũng như các hoạ sĩ khác, đều không thuộc văn đoàn vì không phải là nhà văn, tuy các ông làm việc sát cánh trong toà soạn Phong Hoá Ngày Nay nhiều năm.

Trong những năm cuối thập niên 1950 tại Saigon, Duy Lam, Tường Hùng và Nguyễn thị Vinh, được Nhất Linh lựa chọn dự bị cho nhập văn đoàn, nhưng việc không thành. 

Về dấu hiệu Tự Lực Văn Đoàn trên các sách xuất bản bởi Đời Nay: Phong Hoá # 87 xác nhận không phải chỉ các tác phẩm của thành viên Tự Lực mới có đóng dấu Tự Lực Văn Đoàn:
Người trong Văn Đoàn có quyền để dưới tên mình chữ Tự Lực Văn Đoàn  và bao nhiêu tác phẩm của mình đều được Văn Đoàn nhận  và đặt dấu hiệu.

Những sách của người ngoài, hoặc đã xuất bản, hoặc còn là bản thảo gửi đến để Văn Đoàn xét, nếu hai phần ba người trong Văn Đoàn có mặt ở Hội-đồng xét là có giá trị và hợp với tôn chỉ, thì sẽ nhận đặt dấu hiệu của Đoàn và sẽ tùy sức cổ động giúp.

2-) Bút hiệu 
Các tác giả trong Tự Lực Văn Đoàn có nhiều bút hiêu, thường đã được phổ biến rộng rãi. Di Cảo xác nhận vài bút hiệu chưa được biết đến nhiều, như: 
*Thiện sĩ của Thạch Lam Nguyễn Tường Lân.

*Tường Vân của Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long trên loạt bài “Có cứng mới đứng đầu gió” tháng 2/1940
Các nhà văn của Tự Lực Văn Đoàn với tài năng độc đáo, và những phong cách hoàn toàn khác nhau. Họ đều dùng một loại văn giản dị, rõ ràng, dễ đọc, ít chữ Hán, nhiều hình ảnh và nhiều cảm xúc. Đọc văn thơ của văn đoàn Tự Lực chúng ta luôn luôn có cảm giác mới mẻ, và các truyện thường có một vẻ ý nhị, thâm thuý, rất được ưa chuộng. Tất cả thành viên đều là những tác giả xuất sắc hiếm có. Sự nghiệp văn chương lừng lẫy của mỗi tác giả đã được nhiều nhà phê bình công nhận, và ca tụng là những người mở đầu văn chương mới, tiểu thuyết mới (Khái Hưng), thơ mới (Thế Lữ), xứng đáng của dân Việt. Họ cùng nhau làm việc rất hăng hái trong suốt gần một thập kỷ, khiến Tự Lực trở thành một văn đoàn kiểu mẫu chưa ai so sánh được.

Danh tiếng của hai tờ báo Phong Hoá, Ngày Nay và văn đoàn Tự Lực ngày một lên cao. Con đường lý tưởng : «Lấy văn chương cải tạo xã hội» đã chứng tỏ là có cơ sở, được người đọc yêu thích, tin cậy. Khi xuất bản tờ Ngày Nay số  #1, Phong Hoá nhìn lại, xác nhận: “Phong Hoá ra đời, chú trọng về trào phúng và văn chương, được các bạn hoan nghênh, đã xô báo chí đi một bước tiến khá dài, và đã từng phá tan bớt những hủ kiến nó làm mờ mịt khối óc người ta

Những ngón đòn kiểm duyệt của Pháp :
Báo Phong Hoá và Ngày Nay được dân chúng hoan nghênh, tinh thần yêu tiếng Việt, yêu dân tộc được xây đắp, ẩn tàng lòng yêu dân yêu nước. Nhưng vào nửa đầu thế kỷ XX, Việt nam, còn là một thuộc địa Pháp, một dân tộc mất chủ quyền, âm thầm mong mỏi thoát ách nô lệ. Những năm về sau, nhất là từ thời Mặt trận bình dân lên nắm chính quyền ở Pháp, trên báo Ngày Nay chúng ta thấy xuất hiện những lá thư gửi những người Pháp công bình, hiểu biết…  cũng như loạt bài trong Thuộc địa ký ước, (từ Ngày Nay #74), rồi Công Dân Giáo Dục… mong muốn những người Pháp cởi mở hiểu nỗi bất công đè nén dân tộc bị trị.., và người Việt  trí thức nhìn ra tương lai của dân mình. Lẽ dĩ nhiên, vì quyền lợi của họ, thực dân muốn điều ngược lại. Họ luôn luôn rình rập sơ hở để đóng cửa báo. Cho nên, muốn sống sót để tiếp tục nâng cao dân trí thì phải che dấu hết sức khéo léo. Tuy vậy, ngoài những bài viết bị bà Kiểm Duyệt xoá trắng tràn đầy trong nhiều số báo, Tự Lực Văn Đoàn đã từng nếm trải nhiều gió bão:

1/ Phong Hoá bị đình bản ba tháng: từ số #150 ngày 24/5/1935, tới ngày 31/8/35. Hồ sơ của Mật vụ ở Aix en Provence, Pháp, nơi tàng chữ những tài liệu thời thuộc địa, cho thấy: Báo Phong Hoá bị phạt đình bản 3 tháng vì đã giễu nhại các quan lại Nam Triều, (đó là chưa động tới «mẫu quốc», chứ động tới thì đi tù rồi).

2/ Phong Hoá bị đóng cửa rút giấy phép vĩnh viễn, không lý do, sau số # 190 ngày 5/6/1936. Có thể vì bức tranh «Tam anh chiến nhất bố» đã dám hé ra điều cấm kỵ: Lý Toét, biểu hiệu dân tộc Việt, đang bị ba con chó tấn công xâu xé, mà con dân không hiểu, đứng reo hò bên cạnh! Những con chó đó chắc hẳn là «mẫu quốc», chứ còn ai khác! Báo đã ra lọt, độc giả dân chúng cũng như hậu thế chúng ta ngày nay, đều được coi tranh. Nhưng Phong Hoá không thoát khỏi sự trả thù của Tây, đã bị đóng cửa hẳn. (Bức tranh này không có chữ ký, có nghĩa là hoạ sĩ vẽ theo ý kiến của toàn thể toà soạn).

Nhất Linh đã đoán biết sẽ có ngày Phong Hoá bị giết chết. Nên đã đề phòng. Ông nhờ anh ruột là Nguyễn Tường Cẩm, một công chức, xin ra báo Ngày Nay từ 31/1/1935. Ban đầu, báo Ngày Nay rất hiền lành, chuyên về văn hoá, thử nghiệm chụp ảnh mỹ thuật và phóng sự thực tế. Tuy lỗ vốn, báo vẫn được giữ cho sống lai dai tới khi mất Phong Hoá. Lập tức, toàn lực Tự Lực Văn Đoàn và cộng sự viên quay vào làm việc cho Ngày Nay, nâng Ngày Nay thành một Phong Hoá thứ hai, đầy phong độ. 

3/ Ngày 7/1/1939 Ngày Nay số #144, Nguyễn Gia Trí vẽ bức tranh bìa Lý Toét biếu quan Tây một con gà mái, cho hợp với biểu hiệu «con gà sống (trống)» của Pháp, mà xuýt bị kiện tù. Chủ báo Nhất Linh bị khiển trách. Lý do: Nói cạnh quan tây thích gái (tiếng Pháp: gà mái= «poule»).

4/  Ngày Nay bị đình bản một tháng, từ ngày 6/4/1940 Ngày Nay số #206 tới 11/5/1940. Lần này do một bức tranh chửi thực dân của Nguyễn Gia Trí đăng trong phụ bản.

5/ Cuối cùng, 7/ 9/1940, Ngày Nay bị rút giấy phép, đóng cửa vĩnh viễn, không lý do.

Thế mà thời nay có những nhà phê bình viết rằng Tự Lực Văn Đoàn không biết ai là kẻ thù của dân tộc, không biết đả kích Tây, quả thật là quá ngây thơ.       

Đây là một bức ảnh hiếm hoi “Trên Đồi Lim”, có 4 thành viên của Tự Lực văn đoàn, chụp năm 1938. 
Ảnh có chữ ký của Thế Lữ đề tặng Xuân Diệu 1938 (Nguồn: Cù Huy Hà Vũ)

Từ phải sang trái: Đứng: Hoàng Đạo +một người ban. Ngồi: Khái Hưng, Thế Lữ, Xuân Diệu+ một người bạn

Hai người bạn trong ảnh, chúng tôi không biết là ai, nhưng chắc chắn không phải Nhất Linh, hay Thạch Lam, hay Nguyễn Gia Trí.

Về phong cách làm việc của Tự Lực Văn Đoàn,

Tú Mỡ kể lại một buổi làm việc chung tối thứ bẩy tại toà soạn, trong căn gác ấm cúng số 80 đường Quan Thánh như sau: “Anh em ngồi chầu ngọn lửa ấm áp, tán chuyện thời sự, nảy ra đề tài viết bài cho số báo mới… Dạo Khái Hưng và Nhất Linh viết chung truyện dài Đời Mưa Gió, hai anh bàn nhau kỳ này nên cho hai nhân vật chính Tuyết và Chương đi đâu, làm việc gì, rồi đột nhiên trái chứng trái khoáy, mỗi kỳ mỗi anh thay nhau chấp bút. Công việc sáng tác tập thể của các anh là như vậy”(3)

Nhất Linh, người thủ lĩnh văn đoàn Tự Lực, là một văn hào viết văn đầy hứng thú, đầy tài năng. Đồng thời ông điều khiển báo Phong Hoá, và nhà xuất bản Đời Nay đặc biệt xuất sắc, có phương pháp, có nghề, làm các báo đối thủ không sao chèn chân được. Ông viết những bài phê bình văn học rât sớm, với những nhận xét phê bình rất xác đáng.như: “Nguyễn Thế Lữ, một nhân vật mới trong làng thơ mới” từ 1933, Ph#54. Cũng như đã nói với bà Thế, em gái ông: “Thạch Lam là người viết văn hay nhất Tự Lực Văn Đoàn”, (Thế Uyên, bài Người Bác).

Nhất Linh có con mắt tinh đời, nhận xét rất xác đáng tài năng, sở trường của từng tác giả, cho nên ông chia việc rất đúng theo khả năng mỗi người. Việc này giúp các cộng sự viên tin tưởng theo đuổi sự nghiệp của mình. Hơn nữa ông có rất nhiều ý tưởng mới với những quyết định đặc biệt. Ngoài ý kiến tuyệt vời là mua lại báo Phong Hoá cũ, ta có thể kể:

1* Thành lập Tự Lực Văn Đoàn: Đó chính là việc ông hài lòng nhất trong suốt cuộc đời văn chương của mình (theo Nguyễn Tường Thiết).

2* Khuyên Khái Hưng đổi loại viết từ nghị luận sang tiểu thuyết. Kết quả: Cuốn đầu, Hồn Bướm Mơ Tiên là cuốn thử tay của Khái Hưng, cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Văn đoàn Tự Lực được hoan nghênh nhiệt liệt. Còn chúng ta được một văn hào thay đổi cả cách viết văn, viết truyện Việt Nam.

3* Đề nghị Tú Mỡ chỉ nên tập trung viết thơ trào phúng trong Mục Dòng Nước Ngược. Nhờ đó Tú Mỡ phản ứng rất nhạy bén dí dỏm trước mọi diễn biến thời sự. Được nhiều thế hệ yêu thích, Tú Mỡ nổi tiếng một thời. Ông được ví như Tú Xương có dọng Hồ Xuân Hương. 

4*Sáng tác ra hình tượng Lý Toét, tượng trưng cho quốc hồn quốc tuý Việt nam, một nhân vật hý lộng đi vào văn học và lịch sử. Đông Sơn, vẽ tranh Lý Toét trước hết để vui cười, sau để diễu nhại những thói hư tật xấu, hủ lậu, mê tín, tham lam ích kỷ… của dân ta, để sửa mình. Nhưng quan trọng hơn hết là để phê bình các quan tham,… thúc dục họ làm việc đắc lực cho dân cho nước, sửa soạn lòng dân cho việc tranh đấu đòi độc lâp sau này. 

Hay hơn nữa, Nhất Linh không giữ riêng Lý Toét cho mình, mà rủ tất cả các hoạ sĩ trong và ngoài toà soạn cùng vẽ. Ông tạo ra những cuộc thi vẽ tranh Lý Toét để có thêm hứng thú, thêm ý tưởng, thêm bạn và mở rộng ảnh hưởng của Lý Toét. 

5* Thành lập An Nam xuất bản, Cục Xuất Bản (1934) ( Société anamite d’Edition).

Xin độc giả lưu ý, Nhà Xuất Bản không phải là nhà in, thường phải thuê các nhà-in in sách, rồi mang về bán (bây giờ vẫn vậy). Vì vậy tiền lời chui vào túi các chủ nhà in, các ông tư bản, gần hết. Anh em Nhất Linh hiểu chuyện đó, nên nhất định để dành vốn để mua nhà in. Việc mua nhà in còn xa, chúng tôi sẽ nói tới sau.

Thoạt đầu An Nam xuất bản bằng cách bỏ vốn, đưa tác phẩm của các thành viên Tự Lực in thuê tại các nhà in như Lê văn Tân, Tân Dân, Thuỵ Ký… để bán. Sau đó xuất bản cả sách của các bạn văn bên ngoài. Đến tháng 6/1934, đổi tên thành nhà xuất bản Đời Nay, ra sách và bán sách ngày mỗi nhiều, tới 5 vạn cuốn một năm, mỗi cuốn in khoảng 5 ngàn bản. Nổi tiếng đắt khách chẳng kém gì Phong Hoá Ngày Nay, Đời Nay là nhà xuất bản đầu tiên của nước ta chia lãi cùng tác giả, để các tác giả vẫn giữ bản quyền, khỏi bị bóc lột như khi bán cho con buôn sách.

Trên thị trường lúc đó, khi một tác giả có tác phẩm văn chương muốn xuất bản, phải đưa cho một nhà in hay một hiệu sách, họ thường bị ép bán đứt bản quyền với giá rẻ mạt. Đó là: “chiếm đoạt được tư tưởng của người ta, được cả một quãng đời niên thiếu của người ta, vì theo hợp đồng hai bên đã ký thì những tác phẩm kia đã nghiễm nhiên trở nên vật sở hữu của ông buôn chữ rồi!” !.Rồi (sách) mãi mãi là của họ, của con cháu họ, nó sẽ là di sản của nhà họ. Thực, hạng buôn người cũng không tàn nhẫn bằng hạng buôn chữ… mà khắp trong nước không có lấy một nhà xuất bản sách- - xuất bản sách theo như các nước văn minh, nghĩa là để tác giả được hưởng chung lãi, mà vẫn được giữ bản quyền về cuốn sách đã soạn” (4)(Nhị Linh Khái Hưng, Viết Sách, Xuất Bản Sách). 

6* Giao cho Thế Lữ, hai tiết mục Tin Thơ và Tin Văn Vắn, chuyên phê bình, chỉ dẫn cách thưởng thức thơ, cái hay cái dở …cũng như giới thiệu, nâng đỡ các thi sĩ mới. Từ những khám phá của Thế Lữ và mà độc giả biết tới những thi sĩ thơ mới hàng đầu của Việt Nam ngay từ lúc họ vừa xuất hiện như: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Tế Hanh…

7* Đưa tiểu thuyết trinh thám lên báo Việt đầu tiên và tìm ra người sẽ viết thành công những tiểu thuyết đó. Theo chuyện kể trong gia đình Thế Lữ:
Bạn có biết tại sao Thế Lữ viết truyện trinh thám không? 

“Đơn giản lắm. Hồi ấy báo bắt đầu giảm số lượng phát hành, chính Nhất Linh nghĩ rằng phải viết truyện trinh thám cho người ta đọc, và Thế Lữ là người có khả năng làm việc đó”. Hết.

Sau đó, không phải chỉ Phong Hoá có đăng Tiểu thuyết trinh thám, mà các báo chí Việt nam với nhiều văn sĩ khác cũng theo chân. Theo các nhà phê bình thì có hai người viết nổi nhất, đó là Phạm Cao Củng và Thế Lữ . Mà Lê Phong phóng viên của Thế Lữ có phần nổi hơn Kỳ Phát. 

8* Đưa lên báo vấn đề cải cách y phục phụ nữ Việt Nam, giao cho Nguyễn Cát Từơng, một hoạ sĩ còn rất trẻ, 22 tuổi, phụ trách. (Đôi khi Nhất Linh cũng vẽ mẫu áo). Thế là các bà các cô có Áo dài Lemur, một chiếc áo thay đổi cách ăn mặc của phụ nữ, và làm chúng ta thật hãnh diện.

9* Cùng các kiến trúc sư thiết lập hội Ánh Sáng : xây dựng “Nhà ánh sáng” thoáng đãng hợp vệ sinh cho người nghèo, thay thế nhà ổ chuột…Mời gọi các nhà hảo tâm tới họp, làm việc xã hội tập thể…

10* Lập trò chơi văn chương cổ điển “Câu Đối” dưới dạng “Thách đối” cũng do Thế Lữ phụ trách, làm điên đầu biết bao người đọc! 

Nhân đây, tôi xin kể lại một câu chuyện xẩy ra cho chính tôi:

Được biết tôi đang có trong tay một bộ báo Phong Hóa, Ngày Nay cũ, và đang cùng các bạn hữu tìm kiếm cho đủ, làm số hóa từng trang,... sửa soạn đưa lên mạng cho tất cả mọi người cùng đọc. Một người bạn lớn hơn tôi ít tuổi, anh Cao Huy Thuần, người đã được đọc toàn bộ Phong Hoá Ngày Nay trong tủ sách gia đình từ trước 1946, viết cho tôi:
“Tôi không ngờ chị giữ được của quý văn hóa đó cho đến nay. Vậy tôi xin đố chị:
             Ngày Nay đã ra câu đối này trong số nào : "Ngày Nay ngày nay in nhà in nhà" ?

Câu này có nghĩa là:
(Báo) Ngày Nay ngày (hôm) nay in (tại) nhà-in (của) nhà.

Nhận được thư, tôi ngẩn người, tự hỏi: Làm sao có thể tìm nổi một câu thách đối trong 224 số báo Ngày Nay, mỗi số lúc đầu là 16 trang, sau tới 24 trang? Nên đành… xin hàng, với lý do:
“Thời gian báo Ngày Nay phát hành thì tôi… chưa sinh ra đời, nên bây giờ… mù tịt, không biết mò ở đâu.” 

Hôm sau, tôi nhận được một thư dẫn:
“…Cho tới hôm đó, Ngày Nay phải mang đi in tại một nhà in. Sau một thời gian, xu hào rủng rỉnh, Ngày Nay tậu được máy in, in ấn ngay tại nhà in của mình. Cho nên hôm đó là một ngày có thể gọi là vinh quang. Trí nhớ tôi bây giờ đã bắt đầu khập khiễng, nhưng hình như câu đối "Ngày Nay ngày nay in nhà in nhà" được phô trương như một chiến công, đánh dấu một trang sử mới của tờ báo. 

Chuyện chẳng có gì, nhưng cái gì trong Ngày Nay cũng đều có duyên như thế. Tự Lực Văn Đoàn là một cách mạng ngôn ngữ mà hậu thế ghi ơn đời đời…”.

Thế là tôi bắt đầu hành trình đi tìm câu thách đối trong núi báo Ngày Nay cũ. Kết quả là:

Trong tờ Ngày Nay số 208, ra ngày18/5/1940, có câu đố nói trên, trong 2 thông báo:   

Và Ngày Nay số #209 ra ngày 25/5/1940, là tờ báo đầu tiên in tại nhà in Ngày Nay.

Báo Phong Hóa và Ngày Nay ngày một nổi tiếng, hoàn toàn không có đối thủ trong làng báo. Bên ngoài tưởng rằng họ là những “nhà tư bản, báo có nhà in!”, mà không biết rằng, muốn có tiền mua nhà in, họ đã sống cần kiệm, thanh bạch như thế nào:
Trong Phong Hoá số #154, ra ngày 20/9/1935, bài Lời Nói Đầu (về sự thành lập báo Phong Hoá) Nhất Linh kể:
“ …Mỗi người mỗi tháng chỉ cần một số tiền đủ sống, còn tiền lãi, nếu có, sẽ là của chung và sẽ dùng vào những công cuộc chung phải làm sau này”

Tú Mỡ, kể trong cuốn Tiếng Cười (5) : “Họ tập trung chung lo tờ báo, “anh em quyết tâm đem hết tài lực làm việc quên mình, không vụ lợi. Bốn anh rường cột trong tòa soạn (anh Tam, anh Long, anh Giư, anh Thế Lữ) tình nguyện chỉ lĩnh mỗi tháng 50 đồng (có nhiều nguồn tin nói 30đ) đủ sống(1 người), để dành tiền lãi làm vốn cho báo phát triển” 

Và họ đã làm được điều họ muốn: “Xuất thân từ những bàn tay trắng, đoàn đã có một số vốn khá to, đủ để xây dựng một nhà in riêng, để có thể từ nay:
“Ngày Nay ngày nay in nhà in nhà”

Đó là câu đối báo đưa ra để thách đối, đồng thời để báo tin mừng với bạn đọc.


Thưa quý bạn, đằng sau tất cả những vinh quang đó, mấy ai biết tới những cảnh này: 
Báo Ngày Nay bị Tây rút giấy phép sau số#224 ngày 7/9/1940. (Đóng cửa hẳn, chấm dứt hẳn sự nghiệp của hai tờ báo nổi tiếng nhất nước ta. Hồ sơ mật vụ Tây để ở Aix en Provence cũng nín thinh, không hề nói tới nguyên do). Nghĩa là: Sau hơn 8 năm làm báo, với biết bao tâm lực, bao cố gắng về tài chính, hai tờ Phong Hoá và Ngày Nay chỉ được in tại nhà in Ngày Nay từ số #209 tới số #224. Nói cách khác, báo chỉ được in nhà-in nhà 16 số tất cả, trên tổng cộng 401 số.

Để gia đình, con cái sống qua nổi những ngày tháng thanh bạch đó (từ 1932 tới 1940, và sau đó), phải có người làm lụng buôn bán tần tảo ngược xuôi. Người đó chính là những người mẹ, người vợ cuả các thành viên nổi tiếng như cồn của Tự Lực Văn Đoàn, những tác giả được (bị) mang nhãn hiệu “tư bản”, bị ghen tị vì thành công lừng lẫy.

Bây giờ tôi xin kể những việc làm của các bà Tự Lực: 
- Bà Nhất Linh buôn cau khô nuôi gia đình. Bà kể với các con (anh Nguyễn Tường Thiết thuật lại qua điện thoại): “Khi đi dậy học ở trường Thăng Long thì lương của cậu (thời đó đa số các gia đình ngoài Bắc gọi bố mẹ là cậu mợ) mang về là 200 đồng, đến khi làm báo, báo bán chạy lắm, nhưng cậu chỉ mang về có 20 đồng thôi” (chắc ông chủ báo giữ 10đ làm tiền túi, để tiêu vặt suốt tháng: xe cộ, chè tầu, thuốc lá, …).

- Bà Hoàng Đạo nuôi gia đình hoàn toàn. Anh Nguyễn Lân, con Hoàng Đạo nói qua điện thoại: “Bác Tam còn mang về 20đ, chứ ba tôi chẳng bao giờ đưa một đồng nào về cho vợ con hết”.

Theo hồi ký của bà Thế, em gái Nhất Linh, thì lúc này các vị Nguyễn Tường còn chung nhau trả tiền nuôi mẹ, tiền thuê nhà ở Hà Nội để đưa cụ bà Nguyễn Tường Nhu về sống gần các con các cháu.

- Bà Khái Hưng dù có hoa lợi riêng, cũng phải mua bán tần tảo thêm mới đủ chi tiêu (Trần Khánh Triệu, Ba tôi). 

- Bà Thế Lữ, ở Hải Phòng hành nghề bà lang, chữa bệnh trẻ con, gia truyền từ gia đình mẹ Thế Lữ. Bà làm thuốc, đầu tắt mặt tối nuôi một đàn con và thay chồng phụng dưỡng mẹ già. Thi sĩ đang ở Hà Nội làm báo, mỗi tháng về thăm được một, hai lần. Ông bán cả đất mẹ cho để lấy tiền làm kịch với bạn bè. 

Chúng ta đừng quên các bà vợ trong bóng tối đó, họ không phải là những nhà tư bản, rủng rỉnh xu hào …
Sau này đọc bài Tâm tình của người con, Nguyễn Tường Thiết viết về Nhất Linh, tôi đã thật sự cảm động: “…Chúng tôi thường hay nói đùa: “Cậu có nhiều cái “sĩ” quá, này nhé: văn sĩ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ, và kiêm cả “chiến sĩ” nữa …Nhưng không mấy ai biết là ông còn có một cái “sĩ” nữa mà có lẽ ông hãnh diện nhất trong những sĩ vừa kể, đó là “hàn sĩ”. Ông sống nghèo, trong sạch, và rất kiêu hãnh về điều này.

Trong hai năm 1962-63, tất cả bố mẹ con chúng tôi chen chúc nhau ở trên một căn gác rộng 4mx12m lầu 2 chợ An Đông, vì dưới nhà là giang sơn buôn bán của bà cụ tôi mà các bồ (đựng) cau đã chiếm hơn nửa…. Chính tôi cũng không chịu được cảnh bần hàn này, nên có lần trong bữa ăn có ai than thở về cảnh sống chật chội. Ông cáu, cầm bát đứng dậy, cái bát run run trong tay: “Mình phải hãnh diện là nhà mình nghèo chứ!”. Suốt đời chúng tôi không bao giờ quên được câu nói này. Tiếc rằng lúc đó chúng tôi không hiểu được cái chiều sâu của câu nói, chắc ông cũng cảm nhận được điều đó nên càng tỏ ra buồn phiền hơn.”(6)

Khoảng đầu những năm 1940, Nhất Linh bị Pháp theo dõi, lần trốn ở ngay trong Hà nội một thời gian, nghe nói ông đi thổi kèn cho một dàn nhạc nhỏ Việt Nam của Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước. Sau đó thoát ra hải ngoại …. Đến khi báo Ngày Nay bị đóng cửa, nhà in Ngày Nay và nhà xuất bản Đời Nay còn hoạt động, đã xuất bản thơ, tiểu thuyết, sách Hồng…  nhiều hơn trước. Lúc này các thành viên còn nhận được tiền lời thất thường của Đời Nay.(Song Kim, Những bước đường sân khấu) (7). Tuy vậy, cũng giúp được các gia đình qua ngày trong thời buổi rất khó khăn. 

Một vài cố gắng của Thạch Lam và Khái Hưng ra báo Chủ Nhật, rồi cũng sớm bị rút giấy phép. Năm 1941, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí và Khái Hưng bị Pháp bắt tại Hà Nội, mấy tháng sau bị đưa lên Vụ Bản, Hòa Bình. Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí bị tra tấn tàn nhẫn. Tới 1943, Pháp đưa Nguyễn Gia Trí về an trí ở Thủ Đầu Một. Hoàng Đạo, Khái Hưng ở Hà Nội .(An trí nghĩa là được sống tại ngoại trong vùng chỉ định, nhưng hàng tuần phải đến trình diện). 

Các anh vắng bóng, Thạch Lam trông nom nhà xuất bản một mình. Năm 1942, ông mất trong thiếu thốn vì bệnh lao (32 tuổỉ). Bác sĩ Nguyễn Tường Bách, người em út, đứng ra tiếp tục nhà xuất bản Đời Nay, tới tháng 4/1945 ra cuốn Hoa Niên của Tế Hanh, là cuốn cuối cùng.

Năm 1946 Tự Lực Văn Đoàn tự giải tán. Nhà in mang bán, mỗi thành viên có cổ phần được chia 6 nghìn đồng. Thế Lữ mang tiền về Hải Phòng chia cho mẹ và vợ con, trước khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ (8)(sđd).

80 năm trôi qua, Phong Hoá Ngày Nay vẫn là đỉnh cao của văn chương, báo chí Việt Nam. Đó là một kho tàng văn hoá mà chúng ta còn học được nhiều điều…
P.Thảo Nguyên
____________________________________________________

(1) Tú Mỡ, Tạp chí Văn học, HN, số tháng 5,6/1988
(2) Di cảo  « Đời làm báo» của Nhất Linh
(3) Tú Mỡ,Tiếng Cười NXB Hội Nhà văn, HN, 1993. 
(4) Khái Hưng, Viết Sách, Xuất Bản Sách, PH#101
(5) Tú Mỡ, Tiếng cười.
(6) Nguyễn Tường Thiết, Tâm tình của người con, trong cuốnNhất Linh, Người nghệ sĩ. người chiến sĩ, nhiều tác giả, Thế Kỷ, California, USA, 2004.  
(7) (8)Hồi ký của Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân Khấu, HN, 1995. 
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/07/pham-thao-nguyen-cau-chuyen-tu-luc-van.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001