Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Quà ngoại giao

Quà ngoại giao 


Câu chuyện đã cũ nhưng khi ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bước lên phi cơ sang Mỹ vào ngày hôm nay, 22 tháng 7 thì người ta chợt nhớ lại chuyến đi của ông sang Bắc Kinh cách nay một tháng.
Chiều 19/6 sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, nguyên thủ hai nước đã chứng kiến lễ ký kết 10 văn kiện hợp tác. Có bốn khoản trong 10 văn kiện hợp tác này đáng chú ý vì khi đọc kỹ thì cán cân nghiêng hẳn về phía Trung Quốc.

Bảng thông báo đã dùng ngôn từ ngoại giao để che đậy sự yếu ớt của Việt Nam trong đó khoản thứ nhất đã khỏa lấp tất cả khi viết: "Chương trình hành động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc".
Sự "hợp tác chiến lược toàn diện" phải được hiểu dưới hàm ý giữa "hai đảng" chứ không phải hai nước, hai chính phủ. Chỉ có Đảng cộng sản của hai nước mới có thể có cái nhìn chung về mục tiêu và chính sách vì sự khác biệt sâu xa giữa hai chính phủ không thể hợp tác toàn diện khi Bắc Kinh luôn mang "hải giám" ra để làm tê liệt ý chí Việt Nam qua mũi thuốc gây mê "cộng sản".
Chấp nhận ký vào chương trình này Việt Nam đã chấp nhận đi chung chuyến xe với Trung Quốc mà tài xế thuộc về người đàn anh mạnh bạo và hung dữ.
Động thái ngoại giao dưới kèo này chỉ có thể giải thích: 10 văn kiện hợp tác này có bốn món quà của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đại diện cho toàn thể Bộ chính trị trao cho Trung Quốc nhằm bảo đảm trung thành, chấp nhận hợp tác không tranh cãi để giữ mối giao tình giữa hai đảng đã từng chung vai đấu cật nhiều chục năm qua.
Chung vai đấu cật vì sự nghiệp cao cả chung của hai đảng nên những cái chết chưa từng giải oan và những cái chết khác trên Biển Đông sắp tới nếu có, chỉ là những hiểu lầm cần được che đậy bằng đồng nhân dân tệ trong các dự án do chính Trung Quốc làm chủ hay thi công.
Điều này được xác định ở các khoản Trung Quốc sẽ hỗ trợ tài chánh. Cái cách mà Việt Nam thường làm mỗi khi muốn phân bua một nhượng bộ nào khó giải thích với quần chúng.
Món quà "Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa hai Bộ Quốc phòng" một lần nữa có hàm ý mê muội hóa người dân "hãy vững tin vào sự hợp tác" mặc dù bài học Biển Đông đang sờ sờ trước mắt và việc cố xóa dấu vết lịch sử trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 của nhà nước Việt Nam vẫn đang gây bức xúc trong xã hội.
"Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển" cũng không ngoài ý đồ cấy ghép niềm tin "ăn liền" cho người ngư dân để họ tiếp tục làm con thiêu thân cho chế độ.
Đường giây đỏ ấy chỉ có trên giấy và không bao giờ xuất hiện. Màu đỏ của máu không tô trên đường giây nóng mà chảy lai láng trên Biển Đông ngay sau khi 10 điều được ký kết.
Ngày 6 tháng Bảy, nửa tháng sau khi ông Sang từ Bắc Kinh quay về Hà Nội, 2 tàu cá với thủy thủ đoàn gần 30 người do ông Võ Minh Vương và Mai Văn Cường ở Lý Sơn, Quảng Ngãi làm thuyền trưởng cùng bị “tàu lạ” có võ trang hung hãn đập phá, cướp bóc.
Ông Sang đã bị đàn anh xỏ lá bỉ mặt trước người dân của mình.
Món quà cuối cùng: "Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4" giữa Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ.
"Lần thứ 4" có nghĩa là chuyện khai thác nguồn lợi dầu khí giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có từ lâu nhưng vùng dầu khai thác ấy nằm ở đâu và trữ lượng bao nhiêu, có dính gì tới chủ quyền biển đảo của Việt Nam hay không thì cả nước hoàn toàn mù tịt.
Thông tin nhỏ giọt không thoát ra khỏi hệ thống báo chí quốc doanh và vì vậy tiết lộ này chỉ làm mạnh thêm giả thuyết chính phủ đã âm thầm nhượng cho Trung Quốc một số vùng nào đó để đánh đổi lại những chiếc ghế trong Bộ chính trị được an toàn hơn trong bối cảnh tranh chấp hiện nay.
Bốn món quà "nhỏ" này có đủ để làm yên lòng Bắc Kinh cho chuyến đi Mỹ của ông Sang hay không chỉ có ông Chủ tịch nước và các vị trong Bộ chính trị biết. Tuy nhiên hệ thống công an có vẻ khá vụng về trong công tác làm hài lòng "đối tác chiến lược và toàn diện" khi tiếp tục cảnh cáo những ai có hành động chống lại Trung Quốc. Bỏ mặc Blogger Điếu Cày tuyệt thực là một điển hình.
Khi ông Chủ tịch nước bước lên máy bay sang Mỹ vào ngày 22 tháng 7 cũng là lúc người blogger chống Trung Quóc nổi tiếng đã tuyệt thực trong tù đúng một tháng trời. Điếu Cày tuyệt thực để chống lại chế độ cai tù hà khắc và cũng nhắc nhở mọi người ghi nhớ bản án của anh: Bản án chống Trung Quốc.
Trong chiếc cặp ngoại giao của ông Sang có nhiều hồ sơ được công an chuẩn bị sẵn để chứng minh họ đối xử rất hợp luật pháp quốc tế đối với những từ nhân chính trị như Lê Quốc Quân, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên hay Đinh Nguyên Kha. Những tù nhân này ông Sang có thể không cần biết nhưng blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải thì ông Sang phải biết. Ông biết không phải để trả lời với ông Obama mà vì ông buộc phải biết để kịp thời làm Trung Quốc hài lòng để không lấy cớ chèn ép Việt Nam thêm nữa.
Việc trả lời về vấn đề nhân quyền với ông Obama không phải là cốt yếu vì nước Mỹ không thể là "đối tác chiến lược và toàn diện" với Bộ chính trị Việt Nam. Nước Mỹ ngăn cấm doanh nghiệp của họ hối lộ ở nước ngoài và vì vậy Bộ chính trị khó lòng dùng quà cáp ngoại giao như với Trung Quốc để lót đường cho một mong muốn nào đó.
Nòi chuyện với ông Obama nhưng phải chọn từng lời để không làm phật ý "đối tác chiến lược và toàn diện" là sự khó khăn của ông Sang. Có lẽ vì vậy mà ông dẫn phái đoàn cả trăm người để họ trấn an ông hay chăng?
Đến Mỹ trong tâm thức bất an như vậy thì làm sao nói lời sáng suốt?
nguồn:http://rfavietnam.com/node/1710
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001