Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Tuyên ngôn của Adam Smith về cuộc cách mạng kinh tế năm 1776

Tuyên ngôn của Adam Smith về cuộc cách mạng kinh tế năm 1776 


Bản dịch của nhóm Nghiên Cứu Quốc Tế
Dân Luận: Dưới đây là một trích đoạn ngắn của "Chương 1: Adam Smith tuyên bố một cuộc cách mạng kinh tế năm 1776" trong cuốn "Ba Nhà Kinh tế học lỗi lạc: Adam Smith, Karl Marx và John Maynard Keynes" của Mark Skousen. Bản dịch do Nguyễn Hoàng Hà, nhóm Nghiên Cứu Quốc Tế thực hiện.
Để đọc toàn bộ Chương 1, mời độc giả tải xuống tập tin PDF đính kèm ở cuối bài viết hoặc sử dụng đường link sau: "Tuyên ngôn của Adam Smith về cuộc cách mạng kinh tế năm 1776".

* * *

Adam Smith là một nhà cách mạng và cấp tiến trong thời đại của ông – giống như những người truyền bá lý thuyết tự do kinh tế trong thời đại của chúng ta. – Milton Friedman (1978, 7)
Kinh tế học vì con người
Nếu như Washington được coi là cha đẻ của một quốc gia mới, thì Adam Smith là cha đẻ của một môn khoa học mới – khoa học về của cải. Nhà kinh tế học vĩ đại người Anh Afred Marshall đã gọi kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu “công việc kinh doanh bình thường của cuộc sống”. Có lẽ cũng như vậy, Adam Smith có thể đã có một cái tên bình thường. Ông được xếp sau người đàn ông đầu tiên trong Kinh thánh – Adam, với nghĩa là “một trong số nhiều người”, và tên cuối của ông – Smith, có nghĩa là “một người làm việc”. Smith là cái tên phổ biến nhất ở Vương quốc Anh.
Người đàn ông có cái tên bình thường ấy đã viết cuốn sách về phúc lợi của người lao động bình thường. Trong tác phẩm kiệt xuất của mình, ông đã đảm bảo với người đọc rằng mô hình cho thành công kinh tế sẽ tạo ra “vạn vật giàu có đến với cả tầng lớp thấp nhất của xã hội”. (1965 [1776], 11) [1].
Đây không phải là một cuốn sách dành cho giới quý tộc và các vị vua. Thực tế thì Adam Smith không dành nhiều hảo cảm đối với những người được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi trong thương mại. Sự cảm thông của ông được dành cho những người dân bình thường – những người bị bóc lột và lạm dụng hàng thế kỷ qua. Tại thời điểm hiện tại, họ đã được giải phóng thoát khỏi 16 tiếng làm việc một ngày, mức lương ít ỏi và cuộc sống 40 năm ngắn ngủi.
Chướng ngại vật đối với Adam Smith
Sau khi dành 12 năm để viết cuốn sách lớn của đời mình, Smith tin rằng mình đã tìm đúng mô hình kinh tế học để tạo ra “vạn vật giàu có”. Ông đã gọi mô hình của mình là “mô hình cổ điển”. Mô hình của Adam Smith đã được truyền cảm hứng từ Issac Newton, người có mô hình về khoa học tự nhiên mà Adam Smith vô cùng ngưỡng mộ là mô hình vạn vật hấp dẫn.
Chướng ngại vật lớn nhất của Smith có lẽ là thuyết phục người khác chấp nhận hệ thống của ông, đặc biệt là đối với các nhà lập pháp. Mục đích của ông khi viết cuốn Của cải của các quốc gia không chỉ là đơn giản là để giáo dục, mà còn để thuyết phục. Rất ít tiến bộ đã đạt được ở Anh và châu Âu trong nhiều thế kỷ qua bởi vì tồn tại một học thuyết cổ hủ được biết đến là học thuyết Trọng thương. Một trong những mục tiêu của Adam Smith khi viết cuốn Của cải của các quốc gia là phá vỡ quan điểm thông thường về nền kinh tế, trong đó những người theo học thuyết Trọng thương kiểm soát các quyền lợi thương mại và quyền lực chính trị hàng ngày, và thay thế nó bằng quan điểm về nguồn gốc thực sự của giàu có và tăng trưởng kinh tế của ông, đưa nước Anh và phần còn lại của thế giới hướng tới “sự cải thiện vĩ đại nhất” về định mệnh đối với con người.
Sự hấp dẫn của chủ nghĩa Trọng thương
Từng tồn tại lâu dài và thành truyền thống ở phương Tây, những nhà Trọng thương (những lái buôn chính trị) đã tin rằng nền kinh tế thế giới là trì trệ và sự giàu có là không đổi, vì vậy một quốc gia muốn phát triển được chỉ có thể dựa trên phí tổn của nước khác. Các nền văn minh từ thời Cổ đại xuyên qua Đêm dài Trung cổ đã dựa trên chế độ nô lệ hoặc các dạng khác của chế độ nông nô. Dưới hệ thống này, sự giàu có dựa trên sự hy sinh của người khác hoặc bằng chế độ người bóc lột người. Bertrand de Jouvenel nhận xét rằng “sự giàu có có được là do chiếm đoạt và bóc lột” (Jouvenel 1999, 10).
Do đó, các quốc gia châu Âu thành lập các chế độ chính phủ độc tài nắm quyền ở mẫu quốc và hỗ trợ các nước thuộc địa bên ngoài, gửi các quan lại và quân đội sang các nước nghèo hơn để chiếm đoạt vàng và hàng hoá quý hiếm khác.
Trong hệ thống trọng thương, bản chất của sự giàu có gắn với tiền, mà ở thời kỳ đó có nghĩa là vàng và bạc. Mục tiêu chính của mọi quốc gia luôn luôn là phải tích luỹ vàng và bạc và sử dụng bất kỳ cách thức cần thiết nào để đạt được điều đó. Smith đã nhận xét trong cuốn Của cải của các quốc gia (398): “Một công việc lớn mà chúng ta luôn phải thực hiện là kiếm được tiền”.
Làm thế nào để kiếm được nhiều tiền hơn? Thứ nhất, tăng trưởng của các quốc gia dựa trên sự cướp bóc. Các quốc gia như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã gửi các đặc phái viên đi đến những vùng đất xa xôi để tìm vàng và kiếm được nhiều kim loại quý bằng mọi cách có thể. Không có hành trình thám hiểm hay cuộc chiến tranh ngoại quốc nào là quá tốn kém so với cơn khát những nén vàng lấp lánh. Các quốc gia khác cũng noi gương những kẻ tìm vàng khi thường xuyên áp đặt sự kiểm soát ngoại hối và cấm xuất khẩu vàng và bạc bằng việc đưa những án phạt rất nặng.
Thứ hai, các nhà trọng thương tìm kiếm một cán cân thương mại có lợi, có nghĩa là vàng và bạc phải luôn đầy két của họ. Bằng cách nào? Smith đã nhận xét rằng, “việc khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu là hai công cụ tuyệt vời mà hệ thống những người Trọng thương đưa ra để làm giàu cho mọi quốc gia” (607). Smith đã mô tả chi tiết một loạt các loại sưu cao, thuế nặng, hạn ngạch và các quy định với mục đích nhằm hạn chế thương mại. Cuối cùng, chính hệ thống này cũng đã hạn chế sản xuất và một mức sống cao hơn. Chính những sự can thiệp thương mại như vậy đã dẫn đến các cuộc xung đột và chiến tranh một cách tự nhiên giữa các quốc gia.
Smith lên án các rào cản thương mại
Trong một lần công kích trực diện vào hệ thống Trọng thương, nhà tư tưởng Scotland đã lên án mức thuế cao và các rào cản thương mại khác. Ông tuyên bố, những nỗ lực để đạt được cán cân thương mại có lợi là “ngớ ngẩn” (456). Ông đã nói về “các lợi thế tự nhiên” của một quốc gia so với các quốc gia khác trong sản xuất hàng hoá. Smith nhận xét, “bằng việc lợp kính, các luống đất được bón phân, các bức tường được ủ nóng, loại nho ngon có thể được trồng ở Scotland,” nhưng nếu sản xuất ở Scotland thì chi phí cao gấp 30 lần thay vì nhập khẩu từ Pháp. Ông đặt ra câu hỏi “liệu có một điều luật nào hợp lý khi ngăn cản nhập khẩu rượu từ nước ngoài, đơn giản chỉ để khuyến khích việc làm rượu vang đỏ thẫm và rượu vang tía ở Scotland?”
Theo Smith, các chính sách Trọng thương đơn giản chỉ là bản sao của thịnh vượng thực sự. Nó chỉ có lợi đối với các nhà sản xuất và những kẻ độc quyền. Bởi vì nó không đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, chủ nghĩa Trọng thương là cản trở tăng trưởng và là sự thiển cận. Ông đã viết, “trong hệ thống Trọng thương, lợi ích của người tiêu dùng hầu như thường xuyên phải hy sinh cho người sản xuất” (625).
Smith biện luận rằng các rào cản thương mại đã làm tê liệt khả năng sản xuất của các quốc gia và do vậy cần phải bị xoá bỏ. Ví dụ, sự mở rộng thương mại giữa Anh và Pháp sẽ cho phép cả hai quốc gia đều có lợi. Smith tuyên bố, “những gì là khôn ngoan trong hành vi của mọi gia đình riêng lẻ lại có thể trở nên hiếm hoi một cách nực cười trong một vương quốc vĩ đại” và “nếu ngoại quốc có thể cung cấp cho chúng ta hàng hoá rẻ hơn những gì chúng ta sản xuất ra thì tốt hơn nên mua hàng hoá của họ” (424).
Phát lộ nguồn gốc thực sự của giàu có
Sự tích luỹ vàng và bạc có thể lấp đầy túi những người giàu và những kẻ có quyền lực, nhưng những thứ đó liệu có phải là nguồn gốc của cải của toàn bộ quốc gia và các công dân hay không? Đây là câu hỏi quan trọng nhất của Adam Smith. Của cải của các quốc gia không chỉ là con đường cho tự do thương mại mà là quan điểm của thế giới về sự thịnh vượng.
Giáo sư người Scotland đã biện luận mạnh mẽ rằng chìa khoá đem lại “giàu có cho quốc gia” là sản xuất và thương mại chứ không phải là sự tích luỹ vàng và bạc một cách nhân tạo bằng sự hao tổn của các quốc gia khác. Ông nói rằng, “của cải của một quốc gia không chỉ là vàng và bạc, mà còn bao gồm đất đai, nhà cửa và những hàng hoá ở nhiều dạng khác nhau có thể tiêu thụ được” (418). Của cải phải được đo lường dựa trên cách mà mọi người được ăn, ở, mặc chứ không phải dựa trên số vàng bạc trong ngân khố. Năm 1763, ông nói “sự giàu có của một quốc gia bao gồm việc cung cấp thực phẩm và tất cả các hàng hoá thiết yếu khác với giá rẻ cùng với các tiện ích của cuộc sống” (1982 [1763], 83).
Smith đã bắt đầu với cuốn Của cải của các quốc gia của mình bằng việc thảo luận về của cải. Ông đã đặt câu hỏi, cái gì có thể mang tới “sự cải thiện vĩ đại nhất trong năng lực sản xuất của người lao động?” Một cán cân thương mại có lợi? Hay nhiều vàng, bạc hơn?
Không! Đó chỉ là một siêu kỹ thuật trong quản lý – “sự phân công lao động”. Trong một ví dụ nổi tiếng, Smith đã mô tả chi tiết các công việc của nhà máy đinh ghim, nơi mà người công nhân theo nhiệm vụ phải làm 18 thao tác riêng biệt để tối đa hoá sản lượng (1965 [1776],3-5). Với phương pháp tiếp cận theo công đoạn sản xuất này, sự quản lý kết hợp với sức lao động để sản xuất hàng hoá nhằm thoả mãn người tiêu dùng đã hình thành nền tảng cho một nền kinh tế tăng trưởng và hài hoà. Ở một vài trang sau đó, Smith đã sử dụng một ví dụ khác về sản xuất áo khoác len: “sự hỗ trợ và cùng phối hợp của hàng nghìn” lao động và máy móc khác nhau từ khắp nơi trên thế giới để sản xuất sản phẩm cơ bản này bằng việc sử dụng “người làm công nhật” [2]. (11-12). Hơn nữa, việc mở rộng thị trường thông qua thương mại toàn cầu sẽ có nghĩa là chuyên môn hoá và phân công lao động cũng có thể được mở rộng. Thông qua việc tăng năng suất, tiết kiệm và lao động siêng năng, sản lượng toàn cầu có thể tăng lên. Do vậy, quan trọng trên hết là của cải không phải là có số lượng cố định và các quốc gia có thể giàu lên không phải bằng cách bóc lột các quốc gia khác.
Smith phát hiện ra chìa khoá đối với sự thịnh vượng
Làm thế nào để sản xuất và thương mại được tối đa hoá và từ đó khuyến khích “vạn vật giàu có” cũng như “cải thiện năng lực sản xuất của người lao động”? Adam Smith đã có một câu trả lời rõ ràng: Hãy cho mọi người sự tự do về kinh tế! Thông qua cuốn Của cải của các quốc gia, Smith đã ủng hộ nguyên tắc “tự do tự nhiên”, sự tự do được làm những gì mà mình muốn với ít sự can thiệp từ nhà nước. Nó khuyến khích sự dịch chuyển tự do của lao động, vốn, tiền và hàng hoá. Hơn nữa, như Smith đã trình bày, sự tự do kinh tế không chỉ đem lại một cuộc sống vật chất tốt đẹp hơn mà đó còn là quyền cơ bản của con người. Smith cho rằng: “Ngăn cấm mọi người … khi họ cố gắng làm tất cả những gì mà họ có thể để sản xuất, hay sử dụng vốn và sự siêng năng theo cách mà họ cho là có lợi nhất, là một sự can thiệp thô bạo vào quyền thiêng liêng nhất của con người” (549).
Trong mô hình của Adam Smith về tự do tự nhiên, của cải được tạo ra không phải là một trò chơi có tổng bằng không. Sự xung đột về lợi ích sẽ không còn tồn tại nữa mà thay vào đó là sự hài hoà về lợi ích. Theo Jouvenel, điều này được coi như một sự “đổi mới vĩ đại” đã gây ra sự ngạc nhiên lớn cho những nhà cải cách châu Âu. “Ý tưởng mới vĩ đại này là nó có thể đem lại sự giàu có cho tất cả các thành viên của xã hội, cộng đồng và các cá nhân bằng sự tiến bộ từng bước trong việc tổ chức lao động” (Jouvenel 1999, 102). Sự phát triển này có thể diễn ra rất nhanh chóng và không bị giới hạn.
Đó là một cái gì đó, đã có thể nắm bắt được niềm hy vọng và điều tưởng tượng của không chỉ người lao động ở Anh, mà cho cả người nông dân Pháp, người lao động Đức, người công nhân Trung Quốc và cả những người nhập cư vào Mỹ, khi Smith đã ủng hộ học thuyết toàn cầu về sự phồn vinh. Sự tự do được làm việc có thể giải phóng tất cả mọi người thoát khỏi các xiềng xích của công việc hàng ngày.
Điều gì đã tạo nên sự tự do kinh tế mới này? Theo Smith, tự do tự nhiên bao gồm quyền được mua hàng hoá từ bất cứ nguồn nào, bao gồm cả các sản phẩm ngoại quốc mà không có những sự giới hạn về thuế hay hạn ngạch nhập khẩu. Nó bao gồm quyền được làm việc ở bất cứ công việc nào mà một người mong muốn và ở bất kỳ nơi nào anh ta thích. Smith đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách của châu Âu thế kỷ 18 khi mà người lao động phải có được sự cho phép của chính phủ (thông qua các giấy chứng nhận) để di chuyển từ thị trấn này đến thị trấn nọ, thậm chí trong một địa hạt (1965 [1776], 118-43).
Tự do tự nhiên cũng bao gồm quyền lợi được trả bất kỳ mức lương nào mà thị trường có thể chấp nhận được. Smith đã phản đối gay gắt các nỗ lực của nhà nước trong việc điều chỉnh và tăng mức lương nhân tạo. Ông đã viết “bất kì khi nào luật pháp cố gắng điều chỉnh lương của người lao động thì nó thường được điều chỉnh giảm xuống hơn là điều chỉnh tăng lên” (131). Như mọi công nhân khác, Smith ước muốn có được mức lương cao, nhưng ông nghĩ nó phải đến thông qua sự vận hành tự nhiên của thị trường lao động, chứ không phải là từ các sắc lệnh của chính phủ.
Cuối cùng, tự do tự nhiên bao gồm quyền được tiết kiệm, đầu tư và tích luỹ vốn mà không có sự can thiệp của chính phủ. Đây là chìa khoá quan trọng dẫn tới tăng trưởng kinh tế.
Adam Smith đã tán thành những ưu điểm của tiết kiệm, sự đầu tư vốn và sử dụng máy móc thay thế sức lao động như là những thành phần thiết yếu để thúc đẩy nâng cao mức sống (326). Trong chương viết về sự tích luỹ vốn (Chương 3, Quyển II) trong cuốn Của cải của các quốc gia, bên cạnh sự ổn định trong chính sách của chính phủ, môi trường kinh doanh cạnh tranh và sự quản lý kinh doanh tốt, Smith đã nhấn mạnh rằng tích luỹ và tiết kiệm là các chìa khoá dẫn đến tăng trưởng kinh tế.
Tác phẩm kinh điển của Smith nhận được sự hoan nghênh rộng rãi
Sự ủng hộ hùng hồn của Adam Smith về tự do tự nhiên đã thổi bùng lên sự quan tâm của một thế hệ đang lên. Những từ ngữ văn hoa của ông đã thay đổi chiều hướng chính trị, triệt phá chủ thuyết Trọng thương về bảo hộ và áp bức lao động. Nhờ sự xuất hiện tác phẩm của Adam Smith, nhiều phong trào trên thế giới đã diễn ra nhằm đạt được sự tự do thương mại. Của cải của các quốc gia là một tài liệu lý tưởng để đánh dấu sự khởi đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp và các quyền chính trị của con người.
Kiệt tác của Adam Smith đã nhận được hầu hết sự khen ngợi của thế giới. H.L. Mencken đã nói “không có một cuốn sách tiếng Anh nào có được sự hấp dẫn hơn” (trích trong Powell 2000, 251). Nhà lịch sử Arnold Toynbee đã khẳng định rằng “Của cải của các quốc gia và đầu máy hơi nước đã phá huỷ thế giới cũ và xây dựng một thế giới mới” (trích Rashid 1998, 212). Nhà nghiên cứu lịch sử người Anh Henry Thomas Buckle thậm chí đã cường điệu hơn nữa khi tuyên bố rằng, về tác động lâu dài, tập sách của Smith “có thể là cuốn sách quan trọng nhất đã từng được viết ra”, không kể cuốn Kinh thánh (trích trong Rogge 1976, 9) và Paul A. Samuelson đã đặt Smith ở vị trí “đỉnh cao nhất” trong các nhà kinh tế học (Samuelson 1962, 7) [3]. Ngay cả một số nhà Marxist đôi lúc cũng ca ngợi những luận điểm của Adam Smith.
Admin gửi hôm Thứ Tư, 03/07/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130702/tuyen-ngon-cua-adam-smith-ve-cuoc-cach-mang-kinh-te-nam-1776
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001