Nho Giáo và văn minh phương Đông cùng âm mưu Hán hóa (Phần 1)
Trần Việt Bắc
(Danlambao) - Đã có rất
nhiều sách vở và tài liệu viết về Khổng Tử và Nho giáo, tuy nhiên trong thời
điểm mà Trung Quốc đang bành trướng thế lực trên toàn thế giới, người viết -
một người Việt xa xứ - cũng muốn nêu lên nhận xét riêng của mình về Nho
giáo và Khổng Tử, dù biết đây chỉ là "tiếng kêu trong sa mạc". Đây là
một đề tài khá lớn, liên quan đến nhiều vấn đề như tôn giáo, tư tưởng, xã hội,
văn hóa, chính trị, v.v..., vì thế người viết chỉ dám góp nhặt những tài liệu
và tạm thời lạm bàn sơ lược trong khả năng hiểu biết hạn hẹp của mình.
Mới đây Trung Quốc đã thiết lập nhiều viện Khổng
học trên thế giới để quảng bá về ngôn ngữ, văn hóa của Hán tộc. Tính tới tháng
7 năm 2010 đã có 316 viện Khổng học trên 94 quốc gia (nguồn: Wikipedia). Sự kiện
này có mục đích gì? Âm mưu Hán Hóa toàn cầu?
Khổng Tử người khởi xướng Nho Giáo đã được người
Trung Hoa xưng tụng là "Vạn thế sư biểu" (ông thầy của vạn đời) và là
"Thánh nhân". Vậy xin thử phân tích để xem Khổng Tử có đúng như thế
không? Học thuyết của ông ảnh hưởng như thế nào tới ngày nay? Có phải học
thuyết này là nguyên nhân của nhiều vấn đề xã hội?
Như chúng ta đã biết, kể từ thời nhà Tiền Hán, về
chính trị và xã hội, Nho giáo với học thuyết của Khổng Tử đã coi như là nền
tảng của văn hoá Trung Hoa. Sau đó qua các thời Đường, Tống, Nguyên , Minh,
Thanh, Nho giáo đã bị biến thái dần thành Đường Nho, Tống Nho, Minh Nho, v.v…Học
thuyết của Khổng Tử đã bị thay đổi khá nhiều.Việt Nam đã bị ảnh hưởng một cách
đặc biệt bởi Tống Nho từ khi có nền độc lập. Cả hai quốc gia Trung Hoa và Việt
Nam đã đi sau nền văn minh Tây phương một bước khá xa , lịch sử trong hai ba thế
kỷ trước đây đã minh chứng điều này. Trung Hoa thì bị lục cường xâu xé, rồi lại
bị Nhật chiếm đóng, Việt Nam thì bị mất vào tay người Pháp. Nhật Bản cũng bị ảnh
hưởng bởi Nho Giáo, nhưng đã nhận ra những gì không hợp và đã sớm canh tân để
đuổi kịp nền văn minh của phương tây; nên đã trở thành một quốc gia hùng cường
từ thời vua Minh Trị.
Câu hỏi được đặt ra: Có phải Nho giáo và
Khổng học là nguyên nhân cản trở sự tiến bộ và văn minh của phương đông?
Để trả lời câu hỏi này, trước hết xin có nhận
xét qua về thời Khổng Tử sống (551 - 479 TCN):
Thời Xuân Thu của Trung Hoa (khoảng 770 -
476 TCN).
Tên này có nguồn từ sách Xuân Thu của Khổng Tử,
trước giai đoạn này có khoảng 170 nước lớn nhỏ, nước lớn xâm chiếm các nước nhỏ
hơn. Những nước này là nước chư hầu và phải nghe mệnh lệnh của nhà Tây Chu,
kinh đô ở Tràng An tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Nhà Tây Chu bị các bộ lạc phía tây
uy hiếp nên dời kinh đô về phía đông là Lạc Dương, từ đây gọi là nhà Đông Chu,
khởi đầu thời Xuân Thu, thế lực nhà Chu lúc này rất yếu và cần các chư hầu bảo
vệ. Sau đó các quí tộc nổi lên dành ngôi bá chủ để sai khiến các nước chư
hầu nhỏ hơn. Chiến tranh xảy ra liên miên. Khởi đầu là Trịnh Trang Công
(743 - 701 TCN) nước Trịnh, rồi:
Tề Hoàn Công (685 - 643 TCN) nước Tề,
Tống Tương Công (650 - 637 TCN) nước Tống,
Tấn Văn Công (636 - 628 TCN) nước Tấn,
Tần Mục Công (659 - 621 TCN) nước Tần,
Sở Trang Vương (613- 591 TCN) nước Sở,
Ngô vương Phù Sai (Cơ Phù Sai 495 - 473
TCN) nước Ngô,
Việt vương Câu Tiễn (496 - 465 TCN) nước Việt.
Thời Chiến Quốc (475 - 211 TCN)
Cuối thời Xuân Thu, các nước lớn thôn tính các
nước nhỏ hơn, lập thành 7 nước là Yên, Hàn, Ngụy, Sở, Tần, Tề, Triệu và Yên.
Chiến tranh xảy ra liên miên giữa các nước này- thời Chiến Quốc. Giai đoạn
chót, nước Tần mạnh nhất, thôn tính 6 nước khác lập thành một nước Trung Hoa thống
nhất với hoàng đế đầu tiên là Tần Thủy Hoàng.
Bách Gia chư tử (770 - 220 TCN)
Trong thời Xuân Thu - Chiến Quốc, biên giới các
nước không rõ rệt, binh lực đồn trú trong các thành trì để tránh bị tấn công bất
ngờ, nhưng dân chúng từ nước này qua các nước khác khá dễ dàng. Những người du
thuyết đi từ nước này qua nước khác để mong được trọng dụng, các tư tưởng gia
và các môn đồ bôn ba các nước để truyền bá học thuyết của mình. Đây là thời mà
"trăm nhà tranh tiếng", nhiều trường phái tư tưởng nở rộ, những học
thuyết từ thời kỳ này đã ảnh hưởng nước Trung Hoa tới ngày nay. Có những trường
phái nổi bật như:
- Khổng Tử và Mạnh Tử với tư tưởng "Khổng Giáo" hay
"Nho Giáo", đề cao chữ "nhân", “ngũ thường",
"đạo tại tâm", thuyết "chính danh", "trung dung",
v.v...
- Hàn Phi Tử với tư tưởng "Pháp gia", dùng luật pháp để cai trị
và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật
- Lão Tử và Trang Tử với tư tưởng "Đạo Giáo": sách
"Đạo Đức kinh" và học thuyết "vô vi".
- Mặc Tử với tư tưởng "Mặc Học" và học thuyết "kiêm ái
phi công": mọi người đều bình đẳng và phải thương yêu nhau, không chiến
tranh, cũng như không làm thì không thể sung túc no đủ, v.v...
- Tuân Tử với tư tưởng về "trí thức và kinh nghiệm", "đạo
ngoại tâm" và "nhân chi sơ tính bản ác"
Khi Trung Hoa thống nhất (221TCN), Tần Thủy
Hoàng đã áp dụng tư tưởng “Pháp Gia” một cách triệt để, những học thuyết khác bị
ông hoàng đế này gạt sang một bên, Khổng Giáo đang được phổ biến bị ngăn cấm với
việc đốt sách và chôn sống học trò, các tư tưởng ngược với đường lối cai trị đều
bị triệt để cấm đoán. Khi nhà Tần sụp đổ, nhà Hán dựng nghiệp thì tư tưởng của
Khổng Giáo, sau khi đã được biến dạng thành Hán Nho, hợp với đường lối
cai trị nên được các hoàng đế Trung Hoa cổ võ, Nho Giáo được phổ biến rộng rãi
trong quần chúng. Bằng cách lèo lái bởi những kẻ cầm quyền, Nho Giáo đã là tư
tưởng được truyền bá và ảnh hưởng đến ngày nay, trong khi các tư tưởng và học
thuyết khác bị mai một vì không phù hợp với quan điểm của sự tập trung quyền lực.
A-Tiểu sử Khổng Tử
(Tóm tắt theo chương “Khổng Tử Thế Gia”
trong sách Sử Ký (SK) của Tư Mã Thiên)
Khổng Tử sinh ở nước Lỗ, năm 552 TCN (trong thời
Xuân Thu), tên là Khâu, tên tự là Trọng Ni. Tổ tiên trước kia là người nước Tống.
Cha của ông là Thúc Lương Ngột, “Lương Ngột khi đã quá tuổi, lấy
Nhan Thị, hai người cầu tự ở núi Ni Khâu sinh Khổng Tử. …Khi còn nhỏ,
Khổng Tử thích chơi trò bày các khay để cúng và chơi trò tế lễ” (SK).
“Khổng Tử nghèo hèn, đến khi lớn lên làm lại
cho họ Quý. Việc tính toán đo lường đứng đắn, nên được làm chức coi súc vật.
Súc vật đông đúc sinh đẻ nhiều, nên được làm tư không. Được ít lâu, Khổng Tử rời
khỏi nước Lỗ, bị ruồng bỏ ở nước Tề, bị đuổi ở nước Tống và nước Vệ, bị nguy khốn
ở giữa miền nước Trần và nước Thái, cuối cùng lại trở về nước Lỗ.” (SK)
Khổng Tử trở về nước Lỗ khi đã 68 tuổi, tiếp tục
dạy học và soạn kinh sách cho học thuyết của mình . Ông mất năm 479 TCN,
thọ 73 tuổi.
Theo như truyền tụng, Khổng Tử soạn các kinh
Thi, Thư, Lễ, Nhạc và Xuân Thu. Sách Luận Ngữ là một kinh điển quan trọng của
Nho học ghi lại các lời dạy của Khổng Tử , do học trò của ông chép lại.
Cuộc hành trình của Khổng Tử qua các nước thời
Xuân Thu
(Ghi lại theo sách“Sử Ký, Khổng Tử Thế Gia” ):
Đến nước Chu: “Khổng Tử đến đất Chu hỏi về lễ. Khổng Tử yết kiến Lão Tử ở đấy.”
Về lại nước Lỗ: “Khi Khổng Tử ở Chu về nuớc Lỗ, học trò càng nhiều.”
Sang nước Tề: “Sau đó ít lâu nước Lỗ có loạn, Khổng Tử đến
nước Tề làm tôi ở nhà họ Cao Chiêu tử để được yết kiến Tề Cảnh Công...
Các quan đại phu nước Tề muốn giết Khổng Tử.... Khổng Tử bèn ra đi, trở
về nước Lỗ. Bấy giờ Khổng Tử bốn mươi hai tuổi.”
Về lại nước Lỗ: “Lỗ Định công cho Khổng Tử làm quan cai trị
thành Trung Đô. Được một năm, cả bốn phuơng đều noi theo xem là mẫu mực.
Từ chức quan cai trị thành Trung Đô, Khổng Tử được thăng làm tư không,
rồi được làm đại tư khấu... Khổng Tử 56 tuổi, rời chức tư khấu, quyền
giữ chức tướng quốc... Quý Hoàn Tử nhận nữ nhạc của Tề, ba ngày không
nghe việc chính sự... Khổng Tử bèn ra đi.”
Sang nước Vệ: “Khổng Tử bèn đến nước Vệ ở trọ tại nhà Nhan
Trọc Trâu, anh vợ của Tử Lộ... Khổng Tử ở đấy mười tháng, đoạn rời khỏi
đất Vệ, định đi qua đất Khuông, để đến nước Trần...”
Đến nước Trần: “Khổng Tử đi qua đất Bồ...”
Về lại nước Vệ: “Sau hơn một tháng lại trở về nước Vệ, ở trọ tại nhà Cừ Bá Ngọc.”
Sang nước Tào: “Rời khỏi nước Vệ, đi qua nước Tào.”
Sang nước Tống: “Khổng Tử rời khỏi nước Tào đến nước Tống, Quan tư mã của nước Tống tên là Hoàn Khôi muốn giết Khổng Tử.”
Đến nước Trịnh: “Khổng Tử đến nước Trịnh, thầy trò lạc nhau.”
Đến nước Trần: “Khổng Tử bèn đến nước Trần , ở trọ tại nhà viên
quan giữ thành là Trịnh Tử hơn một năm... Khổng Tử ở Trần ba năm. Lúc
bấy giờ, các nước Tần và Sở tranh cường với nhau và lần lượt đánh bại
Trần; nước Ngô cũng đánh Trần. Trần luôn luôn bị đánh phá. Khổng Tử bèn
rời khỏi đất Trần, đi qua đất Bồ.”
Sang nước Vệ: “Khổng Tử liền đến đất Vệ... Vệ Linh Công già, lười biếng việc chính sự, không dùng Khổng Tử.”
Đến nước Thái: “Năm sau, Khổng Tử từ đất Trần đến đất Thái...
Năm sau, Khổng Tử từ đất Thái đi đến đất Diệp... Khổng Tử rời bỏ đất
Diệp trở về đất Thái... Khổng Tử dời đến ở đất Thái ba năm.”
Đến đất Diệp: “Năm sau, Khổng Tử từ đất Thái đi đến đất Diệp.”
Đến nước Thái: “Khổng Tử rời bỏ đất Diệp trở về đất Thái... Khổng Tử dời đến ở đất Thái ba năm.”
Đến nước Sở: “Các quan đại phu đất Trần và đất Thái bàn
nhau: ...Nếu ông ta được dùng ở nước Sở thì các quan đại phu đang được
dùng ở đất Trần đất Thái sẽ nguy mất... Họ bèn bàn nhau cho bọn đày tớ
vây Khổng tử ở ngoài đồng, không cho đi. Khổng Tử hết lương ăn, những
người đi theo đều ốm không ai dậy được,... Khổng Tử sai Tử Cống sang Sở.
Sở Chiêu Vương đem binh đón Khổng Tử, kết quả Khổng Tử mới được
thoát.”
Sang nước Vệ: “Khổng Tử bèn rời nước Sở trở về nước Vệ. Năm ấy, Khổng Tử sáu mươi ba tuổi.”
Về lại nước Lỗ: “Khổng Tử trở về nước Lỗ. Khổng Tử đi đã 14 năm,
bây giờ mới trở về nước Lỗ... nước Lỗ chung quy vẫn không dùng Khổng
Tử. Khổng Tử cũng không xin làm quan.”
Khổng Tử và các học trò của ông du hành qua rất
nhiều nước thời Xuân Thu , để truyền bá Nho học, mà các học trò của ông gọi là
cái “Đạo” - Đạo của Nho Gia hay Nho Giáo.
Có lẽ vì Khổng Tử đi quá nhiều nơi đông
dân cư để rao giảng học thuyết của ông, nên Nho học đã được phổ biến rộng rãi
hơn hẳn những trường phái khác.
Ghi chú: địa danh trên bản đồ với phiên âm tiếng Việt
Lỗ (Lu), Vệ (Wei), Tống (Song), Thái (Cai), Sở
(Chu), Tào (Cao), Yên (Yan), Tề (Qi), Tần (Qin), Tấn (Jin), Ngô (Wu), Việt
(Yue), Trần (Chen), Trịnh (Zheng)
Chiết Giang (Zhejiang), Hồ Bắc (Hubei), Hà Nam
(Henan), Hà Bắc (Hebei), An Huy (Anhui), Giang Tô (Jiangsu), Sơn Đông
(Shandong), Sơn Tây (Shanxi), Liêu Ninh (Liaoning), Cát Lâm (Jilin), Hắc Long
Giang (Heilongjiang), Nội Mông (Inner Mongolia).
B. Kinh sách và học thuyết của Nho học
Chúng ta hậu thế thường được nghe nói tới “Tam
tòng, tứ đức”, “Tam cương, ngũ thường” cũng như “Thi,
thư, lễ, nhạc” khi được nghe nói về Nho Giáo. Ngoài ra còn những câu
như “Quân sử thần tử, thần bất tử, bất trung ; phụ sử tử vong, tử
bất vong, bất hiếu” v.v... Tuy nhiên, những gì thường
nghe về “Nho” ngày nay đã bị biến đổi và thêm thắt, cũng như đã bị làm cho sai
lạc so với triết thuyết nguyên thủy của Khổng Tử. Rồi từ “Nho học”; khi
được đa số quần chúng tin theo con đường (“đạo”) này, đã biến đổi thành “Nho Đạo”
hay "Nho Giáo”, vì thế “Nho Học” hay “Nho Giáo” đều đã được dùng một cách
hoán chuyển, mặc dù không có thần thánh nào được tôn thờ trong “Nho Giáo”.
Để có thể biết được những gì do chính Khổng Tử dạy,
chúng ta nên tìm hiểu những tài liệu sớm nhất viết về ông và những học thuyết
cũng như sách của ông được ông và học trò của ông ghi lại.
Tư Mã Thiên (145 TCN - 86 TCN) ghi lại trong Sử
Ký (SK), “Khổng Tử Thế Gia (KTTG)” như sau:
“Khổng Tử lấy thi,
thư, lễ, nhạc dạy học trò. Số học trò đến ba ngàn người.
Có 72 người thông thạo cả lục nghệ. Còn những người chỉ học một phần như Nhan
Trọc Trâu thì rất nhiều. Khổng Tử dạy bốn điều: văn
học, đức hạnh, trung thành, tín nghĩa; bỏ bốn điều:
không có định kiến trước, không nhất thiết phải theo một mặt, không cố chấp,
không chỉ thiên về mình. Khổng Tử cẩn thận trong việc trai giới, chiến trận, ốm
đau: ít nói về lợi, mệnh và nhân. Khi người ta chưa cảm thấy tức tối muốn biết,
thì Khổng Tử chưa giảng, khi nêu một góc mà người ta chưa thấy cả ba góc thì Khổng
Tử chưa dạy”.
Học thuyết cũng như thân thế của Khổng Tử được
ghi lại một phần trong “Khổng Tử Thế Gia” qua các câu nói của ông với các học
trò. Những lời dạy bảo của ông cũng được ghi lại một cách đầy đủ hơn trong sách
“Luận Ngữ”, sách này do các môn sinh biên soạn.
Viết về học thuyết của mình, Khổng Tử nói là ông
chỉ thuật lại chứ không sáng tạo ra điều gì mới: “Thuật nhi bất tác...” (trong
sách Luận Ngữ)
Các kinh sách căn bản của Nho học
Các kinh điển căn bản của Nho Giáo là “Ngũ
Kinh” : Thi, Thư, Lễ, Nhạc Kinh Dịch và Xuân Thu.
“Trong thời Khổng Tử, nhà Chu đã suy, lễ
nhạc bị bỏ, Kinh Thi, Kinh Thư thiếu sót. Khổng Tử theo dấu vết của lễ thời Tam
đại, đề tựa Kinh Thư, kinh này chép sự việc tự thời Đường, Ngu cho đến thời Tần
Mục Công” (SK, KTTG).
Kinh Thi: là sách sưu tập các câu ca dao, hay thi ca cổ của dân chúng thời
Xuân Thu gồm 305 thiên.
“Ngày xưa Kinh thi có tất cả hơn ba ngàn
thiên. Đến thời Khổng Tử, Khổng Tử bớt những thiên trùng điệp, lấy những thiên
có thể có ích cho lễ, nghĩa. … Tất cả ba trăm linh năm thiên này đều được Khổng
Tử đánh đàn và hát để làm cho nó hợp với điệu nhạc Thiều, Vũ, Nhã, Tụng.” (SK,
KTTG)
Kinh Thư: cũng gọi là “Thượng Thư”, sách ghi lại các
câu nói của các vua chúa cũng như các quan lại thời nhà Thương (thế kỷ 14 đến
11 TCN) và nhà Tây Chu (Thế kỷ 11 TCN đến 770 TCN). Nguyên bản đã bị Tần Thủy
Hoàng đốt, một phần đã tìm được thời Hán Vũ Đế.
Kinh Lễ và Nhạc: cũng gọi là “Lễ Ký”, sách ghi lại các nghi lễ, tôn giáo, phong tục
(quan, hôn, tang tế) từ thời Khổng Tử trở về trước. Ngoài ra kinh Lễ còn viết
thêm về nhân nghĩa, đạo đức, cách cư xử. Tương truyền nguyên thủy là 130 thiên,
một số lớn các thiên bị thất lạc, ngày nay còn 39 thiên. Kinh Nhạc bị Tần Thủy
Hoàng tiêu hủy, ngày nay chỉ còn một thiên là “Nhạc Ký” trong kinh Lễ. Kinh Nhạc
giúp cho lễ nghi thêm long trọng.
“Nhà Chu noi gương hai triều đại trước, lễ
nghi nhà Chu rực rỡ làm sao! Ta theo nhà Chu”. Vì thế phần truyện trong Kinh
Thư và Lễ ký là do Khổng Tử làm.” (SK, KTTG)
Kinh Dịch: cũng gọi là sách “Chu Dịch”, là một bộ
sách nói về nhân sinh quan và triết lý cổ thời. Được dùng như một phương tiện để
bói toán. Theo truyền thuyết thì sách này do vua Phục Hy (một ông vua trong huyền
thoại của Trung Hoa, khoảng 28 thế kỷ TCN) làm ra. Khổng Tử không liên quan đến
bất cứ sáng tác nào của sách này, ông chỉ viết thêm chú giải cho các quẻ. “Quan
trọng nhất vẫn là chú giải đầu tiên, tức Thập Dực, cũng gọi là Thập Truyện. Đại
đa số các học giả Trung Hoa thời xưa cho Thập Dực là công trình của Khổng tử” (Nguyễn
Hiến Lê).
“Khổng Tử thích Kinh dịch, thích các phần
tự, thoán, hệ, tượng, thuyết quái, văn ngôn. Khổng Tử đọc Kinh dịch làm cho cái
dây da để buộc các thẻ tre đứt ba lần. Khổng Tử nói: -Nếu cho ta thêm vài năm nữa
thì ta sẽ hiểu Kinh dịch một cách toàn vẹn”. (SK, KTTG)
Kinh Xuân Thu: cũng gọi là Lân Kinh, đây là một quyển sử
sớm nhất của Trung Hoa được ghi lại theo lối “biên niên” từ năm 722 TCN đến 481
TCN - thời Xuân Thu - do Khổng Tử biên soạn.
“Khổng Tử nói: - Không, không! Người quân tử lo rằng mình chết rồi mà
cái tên của mình không được nhắc đến, nếu đạo của ta không được dùng thì ta biết
lấy gì để làm đời sau thấy ta. Bèn dựa vào Sử ký làm ra Kinh Xuân thu, chép từ
thời Lỗ Ai Công (năm 722 - 712 trước công nguyên), đến năm thứ 14 đời Lỗ Ai
công (năm 481 trước công nguyên), bao gồm 12 đời vua. Căn cứ vào chỗ vua Lỗ là
họ với nhà Chu cho nên Khổng Tử đưa vào đấy những việc của thời Tam đại... Học
trò học Xuân thu, Khổng Tử nói: - Đời sau biết Khâu là căn cứ vào Xuân thu, bắt
tội Khâu cũng là căn cứ vào Xuân thu.” (SK, KTTG)
Ngoài “Ngũ Kinh” còn có
“Tứ Thư” là các sách Luận Ngữ, Đại Học, Trung
Dung và Mạnh Tử.
Sách Luận Ngữ: là sách do các môn sinh của Khổng Tử ghi lại
lời dạy của ông, cũng như những lời bàn luận với người cùng thời. Đây là quyển
sách chủ yếu của Nho gia. Nội dung của sách này đề cập đến các vấn đề triết học,
tôn giáo, chính trị, cách xử thế. Sách này nói về nhân sinh quan của Khổng Tử
cũng như về sự phân loại con người ai là “Thánh Nhân”, “Quân Tử” và “Tiểu
Nhân”.
Sách Đại Học: là sách dạy về luân lý dành cho những người
được xếp vào hàng cao đẳng. Sách do Tăng Tử (Tăng Sâm) viết, gồm 11 chương. Tư
tưởng của sách nói về cách trị quốc với hai phần: 3 điều chủ yếu và 8 điều
chuyên tâm.
Ba điều chủ yếu: “minh đức”, “tân dân” và “chí ư chí thiện”.
Tám điều chuyên tâm: “cách vật”, “trí tri”, “thành ý”, “chính
tâm”, “tu thân”, “tề gia”, “trị quốc”, “bình thiên hạ”.
Sách Trung Dung: là sách nói về thuyết Trung Dung do Khổng
Tử đề ra, sách này do cháu nội của Khổng Tử là Khổng Cấp, học trò của Tăng Sâm
viết. Đại ý nói là ý nghĩ và hành động phải ở mức trung hoà, không cực đoan,
không thái quá và bất cập, chủ yếu là sống theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín để là
một người “quân tử”.
Sách Mạnh Tử: là sách do Mạnh Tử, học trò của Khổng Tử viết. Đây là sách nói về
học thuyết của Mạnh Tử, được triển khai từ tư tưởng của Khổng Tử . Gồm những điều
như “nhân chi sơ tính bản thiện” , duy dân
“dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” và nhân trị.
Học thuyết của Nho học
“Khổng Tử dạy bốn điều: văn học, đức hạnh,
trung thành, tín nghĩa; (SK,
KTTG).
Sách Luận Ngữ, “Thuận nhi đệ thất (7-24)” viết: “Tử dĩ tứ giáo: văn, hạnh, trung, tín”.
Một cách đại cương thì học thuyết của Khổng Tử có mục đích giáo hoá con người để họ có lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Học thuyết này đưa ra mẫu người quân tử để noi theo: người quân tử phải là người có đủ “ngũ thường” là nhân, nghĩa, lễ trí, tín, ở thứ bậc nào thì sống cho đúng địa vị đó (“chính danh”) và sống thì không thái quá cũng không bất cập (“trung dung”).
Sách Luận Ngữ, “Thuận nhi đệ thất (7-24)” viết: “Tử dĩ tứ giáo: văn, hạnh, trung, tín”.
Một cách đại cương thì học thuyết của Khổng Tử có mục đích giáo hoá con người để họ có lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Học thuyết này đưa ra mẫu người quân tử để noi theo: người quân tử phải là người có đủ “ngũ thường” là nhân, nghĩa, lễ trí, tín, ở thứ bậc nào thì sống cho đúng địa vị đó (“chính danh”) và sống thì không thái quá cũng không bất cập (“trung dung”).
Ngoài “ngũ thường”, chúng ta còn nghe là người
quân tử còn phải có đủ “tam cương”, là phải tuân giữ lễ “vua-tôi”, “cha-con”,
“chồng-vợ”, rồi “tam tòng tứ đức” mà sau này được thêm vào và dành cho phụ
nữ. Theo như học giả Phan Khôi - một người theo Khổng học từ nhỏ - thì nguyên
thủy của Khổng học không có “tam cương”, trong bài “Cái ảnh hưởng
của Khổng giáo ở nước ta” ông viết như sau: “Đức Khổng Tử chưa hề xướng
ra cái thuyết tam cương. Và xét tra các sách từ đời ngài về trước cũng chưa hề
có cái thuyết tam cương. Thuyết tam cương mới bắt đầu có từ nhà Hán, thấy ra
trong sách Bạch hổ thông của Hán nho. Sách ấy có nói rằng: “Quân vi thần cương
; phụ vi tử cương ; phu vi thê cương”. Bởi đó người ta gọi là tam cương.”
(nguyên văn là chữ “cang” thay cho chữ “cương”).
Khổng Tử chỉ nói trong sách Luận Ngữ, “Nhan Uyên
đệ thập nhị (12-11)”: “Quân quân , thần thần , phụ phụ , tử tử” là làm
vua thì ra vua, làm tôi ra tôi, con ra con, sống cho đúng danh phận. Đây là
thuyết “Chính Danh” của Khổng học.
Khổng học hay Nho học chia xã hội ra làm ba hạng
người: “Thánh nhân” là các bậc hiền giả, “Quân tử” là những người đức độ, chân
chính, “Tiểu nhân” là những kẻ có hành động không hợp với “đạo đức”.
Trong bài “ "QUÂN TỬ-TIỂU
NHÂN" THEO KHỔNG GIÁO” của học giả Trần Trọng Kim, ông đã viết về hai
hạng người này như sau:
“Khổng Giáo chia người ở trong xã hội ra làm hai
hạng là: Quân tử và tiểu nhân. Quân tử là quý là hay, tiểu nhân là tiện là dở.
Vậy trước khi bàn đến các mục khác, thiết tưởng nên nói rõ tư cách của người
Quân tử và kẻ tiểu nhân khác nhau thế nào thì sau xem mới rõ mọi ý nghĩa.
…
Con đường thẳng là con đường Đạo đức Nhân nghĩa;
con đường cong queo là con đường gian ác quỷ quyệt. Trong hai con đường đó ta
phải chọn lấy một con đường mà đi. Đi con đường thẳng là người Quân tử, có nhân
cách hoàn toàn. Đi con đường cong là người tiểu nhân hèn hạ”.
Lúc đầu chữ Quân tử là nói người có địa vị tôn
quý, mà chữ tiểu nhân là người thường nhân không có địa vị gì trong xã hội... Về
sau dùng rộng nghĩa ra, gọi Quân tử là người có đức hạnh tôn quý
và gọi tiểu nhân là người có chí khí hèn hạ.
Nhận định theo Hán tự thì:
“Quân” (君) : Vua, người làm chủ cả một
nước.
Chữ “Tử”( 子) có khá nhiều nghĩa như là “con”, “thầy”, tước “tử”,...
Theo ý nghĩa của Hán tự thì “quân tử” là con
vua.
Vậy lúc đầu theo như ông Trần Trọng Kim thì
“Quân Tử”(con vua), là hạng người ở giữa “Thiên Tử” (con Trời) và “Tiểu nhân”
(những người dân nhỏ bé), họ là những người ra làm quan, giúp vua cai trị đám
“tiểu nhân”.
Khổng học với quan niệm về “Ngũ thường”: nhân,
nghĩa, lễ, trí, tín
Quan niệm về chữ “nhân 仁”: Khổng Tử nói về chữ “nhân” khá nhiều trong
sách Luận Ngữ (110 lần). Nói một cách tóm lược về chữ “nhân” là thương người,
là cách cư xử giữa người với người.
Câu nói của Khổng tử thường được nhắc tới về việc
này là “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”.
Nguyên văn theo sách Luận Ngữ, “Nhan Uyên đệ thập
nhị (12-2): “Tử viết: xuất môn như kiến đại tân , sử dân như thừa đại tế ,
kỷ sở bất dục , vật thi ư nhân. Tại bang vô oán, tại gia vô
oán” (khi ra ngoài làm việc phải như tiếp kiến khách quý và sai khiến
dân phải như tiến hành việc tế lễ, đừng làm những gì mà mình không muốn
điều người khác làm cho mình. Có thế người dân trong nước cũng như người thân
trong gia đình mới khỏi oán hận”
Vài nét điển hình về chữ “Nhân” trong Luận Ngữ:
Sách Luận Ngữ, “Lý Nhân đệ tứ (4-3)”: “Tử viết:
Duy nhân giả năng háo nhân, năng ố nhân” . (Khổng tử nói: Chỉ người
có lòng nhân mới biết thương người ghét người đúng cách mà thôi).
Sách Luận Ngữ, “Lý Nhân đệ tứ (4-5)”: “Quân
tử khứ nhân ô hồ thành danh? Quân tử vô chung thực chi gian vi nhân, tháo thứ tất
ư thị, điên bái tất ư thị.” (Người quân tử phải nỗ lực làm điều nhân đức,
nếu không có “nhân” sao có thể mang danh là người quân tử. Nhân cũng là điều cốt
yếu của người quân tử, không thể trong bất cứ lúc nào mà xa điều nhân đức).
Quan niệm về chữ “nghĩa 義”: Khổng Tử nói về
chữ “nghĩa” cũng khá nhiều (27 lần), tuy nhiên ông không có một sự xác định rõ
ràng về “nghĩa” chính xác như thế nào. Đại cương là lấy “Lễ”, “Khiêm”, “Tín” để
cư xử với mọi người theo công bình và lẽ phải, vì điều “nghĩa” thì ngược với điều
“lợi”. Tuy nhiên câu hỏi sẽ được đặt ra: thế nào là công bình, thế nào là lẽ phải?
Vài nét điển hình về chữ “Nghĩa” trong Luận Ngữ:
Sách Luận Ngữ, “Lý Nhân đệ tứ (15-17): “Quân
tử nghĩa dĩ vi chất: Lễ dĩ hành chi, tốn dĩ xuất chi, tín dĩ thành chi, Quân tử
tai!”. (Quân tử lấy nghĩa làm cốt: lấy lễ mà làm, lấy khiêm
tốn mà thi thố ra, lấy lòng tin mà thành tựu thật là
quân tử vậy thay!)
Sách Luận Ngữ, “Lý Nhân đệ tứ (4-16): “Tử viết:
“quân Tử dụ ư nghĩa , tiểu nhân dụ ư lợi.”
Quân tử hiểu rõ điều nghĩa, tiểu
nhân hiểu rõ điều lợi.
Sách Luận Ngữ, “Dương Hóa thập thất (17-23): “Quân
tử nghĩa dĩ vi thượng, Quân tử hữu dũng nhi vô nghĩa vi loạn, tiểu nhân hữu
dũng nhi vô nghĩa vi đạo”. (Quân tử chuộng nghĩa, quân tử có dũng mà không
có nghĩa thì làm loạn. Tiểu nhân có dũng mà không cò nghĩa thì làm đứa ăn trộm).
Quan niệm về chữ “Lễ 禮”: Khổng Tử rất
chú trọng về chữ “Lễ”, chữ này lập đi lập lại nhiều lần (79 lần) trong sách Luận
Ngữ, chính ông đã soạn kinh Lễ và ông cũng là người chuyên việc tế lễ. Một
cách tổng quát là chữ “Lễ” của Khổng học chỉ cách người đối xử với người (bàn rộng
về chữ “nhân, nghĩa, trí, tín”) và với quỷ thần, trời đất. “Lễ” là kính
người, kính trời đất. Vì thế chữ “Lễ” vừa có tính cách nghi thức và luật lệ,vừa
có tính cách luân lý.
Vài nét điển hình về chữ “Lễ” trong Luận Ngữ:
Sách Luận Ngữ, “Học nhi đệ nhất (1-12): “Hữu
tử viết: lễ chi dụng, hoà vi quí...” (Hữu tử viết: Trong việc giữ lễ, hòa
thuận là điều quan trọng...)
Sách Luận Ngữ, “Học nhi đệ nhất (1-13): “Hữu
tử viết: “tín cận ư nghĩa, ngôn khả phục dã; cung cận ư lễ, viễn sỉ
nhục dã. Nhân bất thất kỳ thân, diệc khả tông dã”. (Hữu tử viết: hứa điều
gì mà hợp nghĩa thì phải làm, cung kính hợp với lễ thì
tránh được sỉ nhục. Đối với người thân không mất lòng thì
mới xứng đáng với họ hàng).
Sách Luận Ngữ, “Bát dật đệ tam (3-3): “Tử viết:
“nhân nhi bất nhân, như lễ hà?...” (Khổng tử nói: Người không có nhân thì
sao có lễ được?...)
Sách Luận Ngữ, “Bát dật đệ tam (3-19): “Định
Công vấn: “quân sử thần thần sự quân , như chi hà? Khổng Tử đối viết “quân sử
thần dĩ lễ , thần sự quân dĩ trung”. ((Lỗ) Định Công hỏi: Vua quan đối
với nhau như thế nào cho phải? Khổng tử đáp: Vua dùng lễ đối với các quan, các
quan dùng lòng trung đối với vua).
Sách Luận Ngữ, “Lý nhân đệ
tứ (4-9)”: “Tử viết: Năng dĩ lễ nhượng vi quốc hồ, hà hữu. Bất năng dữ lễ nhượng
vi quốc, như lễ hà”. (Khổng Tử nói: Người cầm quyền cai trị dùng lễ khiêm
tốn, thì trị quốc đâu khó. Cầm quyền mà không dùng lễ khiêm tốn, như vậy
không có lễ”.
Sách Luận Ngữ, “Bát dật đệ
tam (8-2): “Cung nhi vô lễ tắc lao, thận nhi vô lễ tắc tỷ, dũng nhi vô lễ tắc
loạn, trực nhi vô lễ tắc giảo...” (Cung kính mà thiếu lễ thì khổ, cẩn thận
mà thiếu lễ thì nhút nhát, cương dũng mà thiếu lễ thì loạn, thẳng thắn mà thiếu
lễ thì nóng nảy...”
Quan niệm về chữ “Trí
智”: Khổng Tử không nói nhiều
về chữ “Trí” trong Luận Ngữ. “Trí” là sự sáng suốt để phán đoán đâu là những điều
nhân, nghĩa, lễ và tín mà người quân tử nên noi theo.
Điển hình về chữ “Trí”
trong Luận Ngữ:
Sách Luận Ngữ, “Lý Nhân đệ
tứ (4-2)”: “Tử viết: “...Nhân giả an nhân, trí giả lợi nhân”. (...Người
nhân an vui với lòng nhân. Người trí làm lợi ích cho lòng nhân).
Quan niệm về chữ “Tín
信”: Khổng Tử
nói về chữ “tín” tương đối nhiều (37 lần). Tín là những điều đáng tin tưởng,
như đã hứa thì phải làm, như đã thề thì phải tuân theo
Vài nét điển hình về chữ
“Lễ” trong Luận Ngữ:
Sách Luận Ngữ, “Học nhi đệ
nhất (1-4): “Tăng Tử viết: ngô nhật tam tỉnh ngô thân: vi nhân mưu, nhi bất
trung hồ? Dữ bằng hữu giao, nhi bất tín hồ? Truyện , bất tập hồ?” (Mỗi ngày
ta xét ba điều: Làm việc cho ai có hết lòng không? Đối với bạn có vẹn chử tín
không? Đạo thầy truyền có học không?)
Sách Luận Ngữ, “Vi chính đệ
nhị (2-21): “Tử viết: Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã, Đại xa vô nghê, tiểu
xa vô ngột, kỳ hà dĩ hành chi tai?” (Khổng tử nói: Kẻ mà không đáng tin,
không biết có làm được điều gì tốt. Như cái xe bò mà không có ngáng vai; như xe
ngựa mà không có đà lôi, thì làm sao mà kéo xe đi được?)
Sách Luận Ngữ, “Thái bá đệ
bát (8-16)”: “Tử viết: cuồng nhi bất trực, đồng nhi bất nguyện, không không
nhi bất tín, ngô bất tri chi hỹ”. (Khổng tử nói: cuồng vọng mà không ngay
thẳng, dốt mà không trung hậu, thực thà mà không thủ tín, ta chẳng biết hạng
người đó như thế nào?)
Khổng học với học thuyết “Chính Danh” và
“Trung Dung”
Học thuyết “Chính Danh”
Học thuyết “Chính danh” là
một học thuyết chính của Khổng Tử. Thuyết này nói về vị trí cách hành xử của mỗi
người trong xã hội, làm vua thì phải xứng đáng cho ra vua, bề tôi phải giữ đúng
cương vị của bề tôi, người cha trong gia đình phải sống cho đúng nghĩa của người
cha, phận làm con phải hành xử bổn phận của người con.
“Quân quân , thần
thần , phụ phụ , tử tử” là làm vua thì ra vua, làm tôi ra tôi,
con ra con, sống cho đúng danh phận.
Tư Mã Thiên đã viết về Khổng
Tử và học thuyết này như sau:
“Học trò Khổng Tử giữ
lại có nhiều người làm quan ở Vệ, nên vua Vệ muốn trao chính trị cho Khổng Tử.
Tử Lộ nói:
- Nếu vua Vệ giao chính trị
cho thầy thì thầy sẽ làm cái gì trước?
Khổng Tử nói:
- Chắc chắn phải chính
danh trước!
Tử Lộ nói:
- Sao thầy viển vông thế,
chính danh để làm gì?
Khổng Tử nói:
- Anh rõ thực là quê mùa
quá! Cái danh mà không chính thì lời nói không đúng với sự thực, lời
nói không đúng với sự thực thì việc không thành, việc không thành thì không làm
cho lễ, nhạc phồn thịnh, lễ nhạc không phồn thịnh thì hình phạt không đúng,
hình phạt không đúng thì dân không biết đặt tay chân vào đâu. Phàm
người quân tử đã làm điều gì thì có thể nói tên việc đó, và nhất định làm được
việc đó. Người quân tử chớ cẩu thả trong lời nói của mình.” (SK, KTTG)
Nhiều học giả cổ kim cho rằng
học thuyết “Chính danh” của Khổng Tử đã giúp trật tự trong xã hội phong
kiến xa xưa được ổn định.
Học thuyết “Trung Dung”
Học thuyết “Trung Dung” của
Khổng Tử không thấy được đề cập đến trong sách Luận Ngữ. Thuyết này do Khổng Tử
dạy cho các học trò sau này, được cháu nội của ông là Khổng Cấp, học trò của
Tăng Tử viết lại. Đại cương là người quân tử phải hành xử “không thái quá,
không bất cập”, đừng cực đoan. Trong sách này đưa ra những lời chỉ bảo của Khổng
Tử như:
“Quân tử trung
dung, tiểu nhân phản trung dung”. (Quân tử thì trung dung, tiểu nhân thì
trái trung dung).
Đây là một học thuyết khó
hiểu, theo học giả Phan Khôi: “Nhưng chính đức Khổng Tử lại nói rằng: “Lẽ
trung dung thật là tột vậy thay, đã lâu rồi, người ta ít làm theo được!”.
Ông Phan Khôi là một môn
sinh của “cửa Khổng sân Trình” viết: “...Theo người hiểu thì trung dung
là thế nào không biết, chớ theo tôi, tôi không hiểu,... thì trung dung thật là
một cái thuyết lôi thôi lắm, như tôi đã nói nẻ nóc ra trên kia. Rút lại nó là
thế nào mặc lòng, tôi chỉ đánh cho một cái dấu hỏi lớn rằng: Tôi không
biết một cái thuyết mà chính người lập ra nó đã trối rằng “gươm đao có thể xông
vào, chớ không có thể làm theo nó được”, thì thôi, còn lập ra làm chi?”.
Sự biến thái của Nho giáo
qua các triều đại
Khổng Tử xây dựng học thuyết
Khổng; với mong muốn kiến tạo một xã hội theo kiểu mẫu nhà Tây Chu, ông đã qua
đời với mộng ước không thành! Tuy nhiên các môn sinh theo Khổng học đã tiếp tục
phổ biến học thuyết này một cách rộng rãi. Đáng kể nhất là Mạnh
Tử (372–289 TCN), ông là học trò của Khổng Cấp, chủ
trương “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, khác với quan
niệm của Khổng Tử, Mạnh Tử được coi như ông tổ thứ hai của Nho giáo sau Khổng Tử.
Thời Xuân Thu (770 - 476
TCN) chuyển qua thời Chiến Quốc (475 - 211 TCN), dù tư tưởng Đạo gia (của Lão Tử)
được truyền bá song hành với Khổng học, nhưng cũng đã có nhiều trường phái tư
tưởng khác nổi lên (“Bách gia chư tử”), đáng kể là tư tưởng Pháp gia của Hàn
Phi Tử; mà trường phái này đã ảnh hưởng đến xã hội Trung Hoa rất nhiều. Khi nhà
Tần thống nhất, Tần Thủy Hoàng đã áp dụng tư tưởng của Pháp gia một cách gay gắt,
các trường phái khác đều bị đàn áp, đặc biệt là Khổng học với sự kiện đốt sách
và chôn học trò. Nhà Tần bị diệt vong, nhà Hán thống trị (206 TCN - 220), Khổng
học thành Nho giáo, rồi trở thành quốc giáo từ thời Hán Vũ Đế Lưu Triệt (156TCN
- 87TCN, 54 năm làm vua), mà các học giả gọi thời này là Hán Nho. Sau đó đến
các triều đại kế tiếp, Nho giáo đã biến thái khá nhiều, tuy nhiên vẫn trường tồn
ở Trung Hoa qua 20 thế kỷ. Vài nét sơ lược về sự biến đổi của Nho Giáo qua thời
gian:
Hán Nho
Tần Thủy Hoàng chết
(210TCN), Hồ Hợi lên thay là Tần Nhị Thế. Nhà Tần suy vong, Trung Hoa lâm vào cảnh
rối loạn, lúc này Nho học bớt bị đàn áp và tiếp tục được phổ biến. Lưu Bang và
Hạng Vũ tranh hùng, Lưu Bang thắng thế thiết lập triều đại nhà Hán. Hán Cao Tổ
Lưu Bang vốn là kẻ thô lỗ, coi thường các nhà Nho: “Bái Công không thích đạo
Nho. Thấy những người khách nào đội mũi nhà Nho đến Bái Công liền giật mũ đái
vào trong. Khi nói với người ta thường mắng nhiếc, không thể lấy tư cách nhà
nho mà thuyết phục ông ta được”. (SK, Lịch Sinh, Lục Giả liệt truyện). Tuy
nhiên khi lên làm hoàng đế, trong các bề tôi nhà Hán có một Nho gia là Thúc
Tôn Tông (? - ~194 TCN). Ông này đã từng làm quan của nhà Tần,
rồi theo Hạng Vũ sau đó lại theo nhà Hán. Khi cung Trường Lạc xây xong, ông và
các đệ tử bày ra nghi thức cung đình, Hán Cao Tổ rất vui lòng vì thấy mình tỏ
được cái oai và sự tôn quí của một vị hoàng đế qua những nghi thức này. Các đệ
tử của ông đều được làm quan. Hán đế thấy có thể dùng Nho học để củng cố uy quyền,
các Nho gia đã được trọng dụng.
Tới thời Hán Vũ Đế, một Nho
gia đã từng làm “bác sĩ” dưới thời Hán Cảnh Đế là Đổng Trọng Thư (179
TCN - 104 TCN) đã đưa ra kiến nghị lấy Nho giáo làm quốc giáo, “bãi bỏ bách
gia, độc tôn Nho học”. Hán Vũ Đế chấp thuận và cho ông này làm tướng quốc.
Kể từ đó chế độ thi cử để tuyển người ra làm quan đặt căn bản trên kinh điển của
Nho Giáo. Đổng Trọng Thư cũng là một lý thuyết gia về Nho Giáo, ông đã pha trộn
Nho học nguyên thủy với các học thuyết khác (Pháp gia, Âm Dương gia) để đưa ra
chủ trương “Thiên Nhân cảm ứng", chủ trương dùng cả “nhân trị” và
“pháp trị”. Bên ngoài thì giả nhân đức , mà ẩn tàng thì luật pháp gắt gao. Tất
cả chỉ với mục đích thống trị và bảo vệ nền quân chủ chuyên chế.
Đổng Trọng Thư cũng là người đề ra “tam cương”
(quân thần, phụ tử, phu phụ) và ông cũng đề cao chữ “tín” trong “ngũ thường”.
Tác giả Trịnh Hiểu Giang (Zheng xiao Jiang) đã có nhận định khá chi tiết về Đổng
Trọng Thư: “Ông mở ra một phương pháp bảo toàn tính mệnh cho những kẻ làm bầy
tôi là phải tận tâm tận lực phục vụ cho ông vua... Từ cách đặt bày chính trị của
Đổng Trọng Thư, người ta dễ dàng thấy tính tàn khốc của chính thể chuyên chế và
cảnh bi thảm của các bầy tôi trong thời đại ông vua là đấng tối cao. Vì những cố
gắng về học thuật và chính trị của Đổng Trọng Thư, Nho học trở thành học
thuyết chính thống của xã hội thời xưa rộng ra ở Trung Quốc. Tư tưởng
của Đổng Trọng Thư trong lịch sử Trung Quốc cũng sinh ra ảnh hưởng to lớn kéo
dài mãi không dứt”.
Khổng học đã đi vào một khúc quanh chính trong lịch
sử từ thời Tiền Hán (Tây Hán) bởi Thúc Tôn Thông - người đã đưa Nho học của Khổng
Mạnh vào chính trị, và Đổng Trọng Thư - người đã biến cải và đã nâng địa vị của
Nho học lên hàng độc tôn. Nho học trở thành Nho giáo và là quốc giáo, qua quyết
định của Hán Vũ Đế với mục đích phục vụ cho quân quyền.
Đường Nho
Nho giáo giữ địa vị độc tôn, người dân muốn tiến
thân phải học kinh điển của Nho giáo để có thể thi đậu làm quan. Tuy nhiên khá
đông dân chúng vẫn theo các tôn giáo khác. Phật giáo du nhập vào Trung Quốc khoảng
từ thế kỷ thứ hai sau Công nguyên. Đời nhà Đường, Phật giáo được phát triển vì
có sự cổ võ của triều đình. Lão giáo cũng được phục hồi và biến thái thành Đạo
giáo có tính cách tu luyện huyền hoặc. Thời Đường là một thời nổi bật của văn
hóa Trung Hoa, Nho học được coi như là nền móng của chế độ. Đường Thái Tông Lý
Thế Dân (599 - 649) dùng các nhà Nho để soạn lại bộ sách “Ngũ kinh chính
nghĩa” do Khổng Dĩnh Đạt (574 - 648) làm chủ biên. Đây là bộ sách
tiêu chuẩn cho khoa cử của Nho giáo đời Đường và các triều đại sau này.
Tống Nho
Nho giáo từ thời Hán qua thời Đường đã không có
những thay đổi nhiều. Đến thời nhà Tống, Nho giáo tại Trung Hoa trong thế kỷ 11
đã có những thay đổi đáng kể. Nho giáo tuy gọi là “giáo” nhưng chú trọng nặng về
xã hội. Lão giáo hay Đạo giáo chú trọng nhiều về triết lý của đời sống, một phần
đã biến dạng thành những niềm tin có tính cách huyền bí, như “tu tiên”, luyện
đan, v.v... và các tu sĩ theo Đạo giáo được gọi là những đạo sĩ. Quần chúng đã
biến tư tưởng của Đạo giáo thành những hình thức có tính cách mê tín. Phật giáo
chú trọng đến duy tâm và hầu như không trực tiếp liên quan đến vấn đề chính trị
(dù đã có vài hoàng đế say mê Phật pháp), tuy nhiên cũng đã có những ảnh hưởng
lớn đến xã hội Trung Hoa.
Các Nho gia thời Tống - những người làm quan, trực
diện với xã hội - một số cũng đã bị ảnh hưởng khá nhiều bởi tư tưởng của Đạo
gia, những người này đã làm thay đổi quan niệm về Nho khá nhiều, họ pha trộn
Nho giáo với quan niệm về siêu hình học của Đạo giáo. Thời Bắc Tống (960 -
1127), điển hình là Trương Tái (1020-1077), Chu Ðôn Di (1017-1073) và học trò của
ông là hai anh em Trình Hạo (1032-1085), Trình Di (1033-1107). Trình Di với chủ
trương phân biệt giai cấp giữa nam và nữ, ông này đưa ra chủ trương “phu xướng
phụ tùy” và nêu lên tiết hạnh của người phụ nữ: “Có người hỏi ông, “Gái
góa nghèo bơ vơ, có thể tái giá không?” Ông nghiêm chỉnh trả lời rằng, “Chết là
việc nhỏ, thất tiết là việc lớn”. Rồi câu thành ngữ “Cửa Khổng
sân Trình” - “ sân Trình” ở đây chỉ Trình Tử (Trình Di).
Bắc Tống đã bị người Kim diệt năm 1127, một
hoàng thân của triều Tống là Triệu Cấu (Tống Cao Tông) chạy về phía nam dựng
nên nhà Nam Tống. Dù có chiến tranh liên tục với quân Kim phía bắc, nhưng Nho học
trong thời này đã có một thay đổi lớn.
Người tạo nên khúc quanh này là Chu Hi
(1130-1200), ông là người phát triển tư tưởng của Trình Hạo và Trình Di cộng
thêm với tư tưởng của Phật giáo, đưa ra một học thuyết có tính cách vừa duy lý
vừa duy tâm, dù quan niệm chủ yếu vẫn là Nho giáo. Các học giả gọi học thuyết của
ông là “Tân Nho giáo”. Ông chủ trương “cách vật trí tri”
(đối với sự vật, phải biết rõ nguyên lý, để có thể hiểu thấu đáo sự vật), đây
là “Lý học” của Chu Hi. Ông cũng đề ra chủ thuyết an phận “Tồn thiên
lí, khắc nhân dục” (muốn giữ cái “lí” của trời thì phải chế ngự cái “muốn”
của người), thuyết này được ảnh hưởng bởi quan niệm “diệt dục” của Phật giáo.
Chu Hi là người viết sách chú giải Tứ Thư (Luận Ngữ, Đại Học, Trung Dung và Mạnh
Tử) cũng như kinh Thi và kinh Dịch. Học thuyết của Chu Hi trở thành một học
phái chính trong các triều đại kế tiếp (Nguyên, Minh, Thanh) và ảnh hưởng đến
các nước chung quanh, đặc biệt là Việt Nam.
Minh Nho
Nhà Nam Tống bị nhà Nguyên (Mông Cổ) diệt năm
1279, sau gần một thế kỷ ngự trị Trung Hoa, nhà Nguyên bị nhà Minh (1368-1644)
nổi lên đánh đuổi. Để thiết lập nền quân chủ chuyên chế, nhà Minh cũng giống
như các triều đại trước, đã dùng Nho gia trong việc cai trị, vì thế Nho giáo vẫn
vững mạnh. Tuy nhiên vì ảnh hưởng Tống Nho, nền giáo dục có tính cách từ chương
vẫn được áp dụng.
Thời điểm này xuất hiện một nhà tư tưởng là
Vương Dương Minh (1472-1528). Ông có tên thật là Vương Thủ Nhân, có tài cả văn
lẫn võ, đã từng làm tướng đi dẹp loạn nhiều lần, tổ chức quân đội rất có qui củ.
Ông phê bình “Lý học” của Chu Hi, cho là khó mà có thể tìm ra “đạo lí” từ sự vật
(sau 7 ngày nghĩ về “lý” của cây trúc, ông đã không tìm ra được “đạo lý” gì!).
Sau một thời gian dài suy nghĩ, ông cho là không thể tìm ra “đạo” từ sự vật, mà
“đạo” từ trong tâm, tu tâm dưỡng tánh, làm lành, lánh ác mới biết được cái đạo
của Trời. Ông đề ra học thuyết “Tâm học” là “trí lương tri” (cố gắng để biết thế nào là những điều tốt) và
“tri hành hợp nhất” (biết được điều tốt lành thì phải lập tức thi hành,
biết và làm phải đi đôi với nhau). Học thuyết của ông có tính cách thực dụng và
bớt tính cách từ chương, dù cốt lõi vẫn là Nho giáo, được các học giả gọi là “Nho
Giáo cải cách”. Học thuyết của Vương Dương Minh được phát triển khá rộng
từ cuối thời Minh sang đến thời nhà Thanh. Tuy nhiên tư tưởng này vẫn bị lấn áp
bởi tính cách từ chương và khoa cử của Tống Nho.
Vài nét sơ lược và tóm tắt về tiến trình của
Nho giáo với những nhà tư tưởng tiêu biểu:
- Khổng Tử với Khổng học nguyên thủy.
- Mạnh Tử với nhận định “nhân chi sơ tính bản thiện” chủ trương “vương đạo” và “dân vi qúi...”.
- Đổng Trọng Thư với “Tam Cương” và “độc tôn Nho học” để phục vụ nền quân chủ chuyên chế.
- Trình Hạo, Trình Di hội nhập quan niệm siêu hình của Đạo học vào Nho giáo
- Chu Hi với “Lý học” và sự hội nhập quan niệm Đạo học cũng như tư tưởng Phật giáo vào Nho Giáo.
- Vương Dương Minh với “Tâm học” và “tri hành hợp nhất”.
Còn tiếp (C. Mặc học với sự phê bình về Nho học)
danlambaovn.blogspot.com
___________________________________
___________________________________
Tài liệu tham khảo:
- "Sử Ký"
của Tư Mã Thiên, bản dịch của dịch giả Nhữ Thành và bản dịch của dịch giả Phan
Ngọc.
- "Lịch Sử Trung
Quốc 5000 năm" của Lâm Hán Đại và Tào Dự Chương, dịch giả Trần Ngọc
Thuận, nhà xuất bản Trẻ.
- "Luận Ngữ"
của Khổng Tử, dịch giả Phùng Hoài Ngọc, Đại Học An Giang 2010
- "Luận Ngữ"
của Khổng Tử, nguồn tại: http://philong58.blogspot. com/2010/09/oc-luan-ngu.html
- "Luận Ngữ"
của Khổng Tử, nguồn tại: http://duyviet.org/cu/ khongnho/luanngu.htm
- "Đại Học"
của Khổng Tử, nguồn tại: http://duyviet.org/cu/ khongnho/sachdaihoc.htm
- “Mặc học” của Nguyễn Hiến Lê.
- "Mặc Tử",
"Mozi", nguồn: http://ctext.org/mozi
- “墨子” (Mặc Tử, bản Hán văn), nguồn tại: http://www.xys.org/pages2/ mozi.html
- "Nho Giáo"
của Trần Trọng Kim, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin 2001.
- "Kinh Thi"
của Khổng Tử, dịch giả Tạ Quang Phát, NXB VH 2004, nguồn tại: http://vnthuquan.net/diendan/ tm.aspx?m=584692
- "Cái ảnh hưởng của
Khổng giáo ở nước ta" của Phan Khôi, nguồn tại:
http://lainguyenan.free.fr/ pk1929/caianhhuong.html
- "Tống Nho với phụ
nữ" của Phan Khôi, nguồn tại: http://www.viet-studies.info/ Phankhoi/PKhoi_ TongNhoVoiPhuNu.htm
- "Quân tử tiểu nhân
theo Khổng giáo" của Trần Trọng Kim, nguồn tại: http://www.banthedao.org/ QuanTuTieuNhan.html
- "Hôm qua chó nhà
tang, hôm nay chó gác cửa: Bàn về cơn sốt Khổng Tử hiện nay" của Lưu
Hiểu Ba, nguồn tại:
http://www.vietthuc.org/2012/ 11/27/hom-qua-cho-nha-tang- hom-nay-cho-gac-cua-ban-ve- con-sot-khong-tu-hien-nay/
- "Nho Giáo đại
cương" của Nguyễn Ước, nguồn tại: http://www.dunglac.org/index. php?m=module3&v=detail&ib=329
- “Người Trung Quốc xấu xí” của Bá Dương, nguồn tại: http://ttvnol.com/f_484/322358
- “Tìm hiểu cuộc đời” của Trịnh Hiểu Giang (Zheng xiao Jiang), dịch giả Nguyễn An, nguồn tại: http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=297542&mpage=1
- “Tướng Trung Quốc bàn về niềm tin và đạo đức” của Lưu Á Châu.
- “Tướng Lưu Á Châu bàn về văn hóa” của Lưu Á Châu, bản dịch của Nguyễn Hải Hoành, nguồn tại: http://boxitvn.wordpress.com/2010/09/03/t%c6%b0%e1%bb%9bng-l%c6%b0u-chu-bn-v%e1%bb%81-van-ha/
- “Người Trung Quốc xấu xí” của Bá Dương, nguồn tại: http://ttvnol.com/f_484/322358
- “Tìm hiểu cuộc đời” của Trịnh Hiểu Giang (Zheng xiao Jiang), dịch giả Nguyễn An, nguồn tại: http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=297542&mpage=1
- “Tướng Trung Quốc bàn về niềm tin và đạo đức” của Lưu Á Châu.
- “Tướng Lưu Á Châu bàn về văn hóa” của Lưu Á Châu, bản dịch của Nguyễn Hải Hoành, nguồn tại: http://boxitvn.wordpress.com/2010/09/03/t%c6%b0%e1%bb%9bng-l%c6%b0u-chu-bn-v%e1%bb%81-van-ha/
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.de/2013/10/nho-giao-va-van-minh-phuong-ong-cung-am_7197.html#.Umen6FOAWRA
======================================================================
Nho Giáo và văn minh phương Đông cùng âm mưu Hán hóa (Phần 2)
Xem lại: Phần 1
C. Mặc học với sự phê bình về Nho học
Trọng Ni nói: Vua Hạ Vũ triệu tập những người làm chủ núi sông ở núi Cối Kê. Phòng Phong đến sau bị vua Vũ giết phơi thây, mỗi cái xương của ông ta chở đầy một xe. Xương này là của Phòng Phong cho nên lớn như vậy.”
1. Văn hóa lừa dối
2. Văn hóa của “đàn cừu”
3. Văn hóa kỳ thị
(còn tiếp)
Trần Việt Bắc
danlambaovn.blogspot.com
Nho Giáo và văn minh phương Đông cùng âm mưu Hán hóa (Phần 2)
C. Mặc học với sự phê bình về Nho học
Mặc học do Mặc Tử sáng lập, ông là người phê
bình học thuyết của Khổng Tử một cách gay gắt, từ quan niệm về đạo đức đến vấn
đề xã hội. Đối với Nho học, Mặc Tử chống quan niệm về “Nhân”, phê phán về
“Lễ”, chê bai “Nhạc”, phê bình thuyết “Thiên mệnh”, bài bác thuyết
“Chính Danh”.
Ngược lại Mạnh Tử cũng chê bai Mặc Tử thậm tệ: “Nay
thuyết của Dương Chu cùng Mặc Địch lan tràn thiên hạ... Họ Dương chủ trương vị
kỷ, ấy là không có chúa; họ Mặc chủ trương kiêm ái, đó là không có cha; kẻ
không chúa không cha, là loài cầm thú vậy”. Rồi Mạnh
Tử cũng đã nói: “Đạo của Dương, Mặc mà không dứt, thì đạo của Khổng Tử
không sáng tỏ được”.
Đối với vấn đề mưu sinh, ai cũng phải có ăn để
mà sống, Mặc Tử và các môn sinh của ông chủ trương phải ra công sức lao động, để
tự tạo lấy nhu cầu và phương tiện cho đời sống, cho mình và cho người, sống cần
kiệm; nếu không muốn nói là khổ hạnh để mưu cầu hạnh phúc cho mình và tha nhân,
thể hiện tinh thần vị tha (vì tha nhân). Trong khi đó các nhà
Nho theo Khổng học thì không lao động để có thể tự mưu sinh, nhưng sống bằng bổng
lộc được cung cấp bởi những kẻ lao động (nông, công, thương), gián tiếp qua các
vua chúa (từ thuế). Họ dùng sản phẩm và phương tiện của kẻ lao động để cung phụng
mình, nhiều khi còn đi đến sự bóc lột. Đây là sự xung khắc ngấm ngầm giữa hai học
phái.
Về vấn đề xã hội, đã có nhiều học giả từ đông
sang tây đã so sánh học thuyết “kiêm ái”, quan niệm “bình đẳng”, chống đối những
sự gây hấn và chiến tranh, hy sinh cho người của Mặc Tử giống như tinh thần
“bác ái”, “yêu người như mình” của Ki-tô giáo.
Tiểu sử:
Mặc Tử tên là Mặc Địch, người nước Lỗ (có thuyết
nói ông là người nước Tống). Ông sinh cuối thời Xuân Thu, sau khi Khổng Tử mất
khoảng 10 năm (~490 - ~397 TCN) và lớn lên thời Chiến Quốc. Mặc Địch
xuất thân bần hàn, rất có năng khiếu về kỹ thuật, kiếm sống bằng nghề thủ công.
Tương truyền ông là nhà phát minh ra cánh diều (kite). Lúc thiếu thời ông theo
Nho học, nhưng không đồng ý với Nho học, ông chuyển qua tự học bằng cách đọc
sách để nhận định và tìm hiểu về tư tưởng, học hỏi thêm kiến thức. Sự học của
ông qua sử sách là sự chọn lọc những điều tinh túy, để có thể phân biệt được
đâu là điều đúng, đâu là điều sai. Ước mong của ông là “làm lợi cho người
và cho đời”. Với hoài bão này, ông đã cố truyền bá tư tưởng của mình. Học
trò của ông cũng là những người lao động. Mặc Tử là người cổ võ hoà bình và chống
đối chiến tranh một cách kịch liệt, ông đã đi qua các nước như Tống, Tề, Ngụy,
Việt, Sở truyền bá tư tưởng “phi công” để củng cố hòa bình. Thời Chiến Quốc,
chiến tranh càng dồn dập hơn thời Xuân Thu. Nước Tề chuẩn bị mang quân đánh chiếm
nước Lỗ, Mặc Tử sang Tề và đã thuyết phục được vua Tề bỏ ý định này.
Một việc nổi tiếng về Mặc Tử được ghi lại qua sử
sách là việc ông đã ngăn cản được một cuộc chiến giữa Sở và Tống. Sở chuẩn
bị đánh Tống, vì nghĩ là có Công Thâu Ban (Gongshu Ban 公輸班, cũng gọi là Lỗ Ban) đã chế
được “thang mây” (vân thê) - một chiến cụ để tấn công thành. Mặc Tử từ nước Lỗ
đi liên tục mười ngày đêm tới Ảnh Đô là kinh đô của Sở gặp Công Thâu Ban (CTB);
để khuyên ông này bỏ ý định chế thang mây. CTB nói là ông đã nhận lời của Sở
vương. Mặc Tử nhờ CTB dẫn ông tới gặp vua Sở là Sở Huệ vương để trình bày hơn
thiệt. Mặc Tử nói với vua Sở với đại ý là Sở đất rộng, giàu có sao lại cố đánh
chiếm Tống là nước nhỏ và nghèo, vua Sở vẫn không đổi ý, hơn nữa CTB cho là với
thang mây thì nhất định sẽ hạ được thành dễ dàng. Mặc Tử nói với CTB: “Ông có
cách đánh thành thì tôi có cách giữ thành”. Sau đó Mặc Tử cởi thắt lưng quây
trên sàn giả làm thành, cùng với các vật dụng nhỏ bằng gỗ giả làm chiến cụ thủ thành.
CTB công thành, Mặc Tử thủ thành. Sau 9 phương thức công thành của CTB, Mặc Tử
đều có cách phòng thủ. CTB nói là còn một cách nữa để công thành nhưng không
nói ra. Mặc Tử trả lời là cũng còn cách thủ thành nhưng không nói. Sở vương thấy
lạ nên hỏi hai người đang nói gì? Mặc Tử trả lời là ý của CTB định giết mình
thì Tống không còn cách thủ thành, rồi ông nói là trước khi sang Sở ông đã sai
Cầm Hoạt Ly cùng với 300 đệ tử khác; mang các chiến cụ sang Tống để đề phòng
khi quân Sở tấn công. Sở Huệ vương chứng kiến bản lĩnh phòng thủ của Mặc Tử và
thấy là khó có thể thắng Tống nếu cuộc chiến xảy ra, nên bỏ ý định đánh Tống.
Mặc Tử đã ngăn chặn được cuộc chiến tranh Tống -
Sở , hàng trăm ngàn sinh linh cũng như tài sản đã không bị tiêu tan. Chủ trương
“phi công” đã được Mặc Tử mang chính mạng sống mình ra để thi hành.
Chủ thuyết của Mặc Tử
Mặc Tử là người sáng lập ra Mặc học. Ông đưa ra
học thuyết “kiêm ái và phi công” (兼 愛 非 攻, Kiêm :
bao gồm, ái: yêu, phi: không, công:
đánh, tấn công), không chiến tranh, chủ trương yêu thương hoà bình, mọi người đều
bình đẳng, sống cần kiệm và phải làm việc để được no đủ. Ông chủ trương chủ
nghĩa “thực nghiệm” để tạo phúc lợi cho người và cho đời.
Những tài liệu còn lại đến ngày nay cho hậu thế
biết là đã có 71 thiên trong 15 quyển sách. Số phận của những thiên bị thất
thoát có lẽ cũng do việc đốt sách của Tần Thủy Hoàng và kinh điển của Mặc học gần
như bị đi vào quên lãng kể từ thời Tiền Hán, kho Nho giáo đi vào vị thế độc
tôn. Ngày nay còn 53 thiên được lưu truyền.
Mặc Tử tin vào thần linh, “ông rất tin Trời,
tin quỷ thần (có lẽ cũng do ảnh hưởng của (nước) Tống), với ông Trời là đấng
chúa tể, quản lãnh mọi việc trên thế gian, ai thuận ý Trời thì được thưởng,
trái ý Trời thì bị phạt, mà muốn thuận ý Trời thì phải yêu khắp mọi người vì Trời
muốn cho loài người được sung sướng”.
Mặc Tử chủ trương sống theo ý Trời, vì “ngã
dĩ thử tri kỳ kiêm ái thiên hạ chi nhân dã” (vì biết là Trời thương yêu mọi
người trong thiên hạ) và “khiết vi tư thịnh tửu lễ, dĩ kính tế tự Thượng Đế” (sửa soạn bánh rượu
tinh khiết để hiến tế Thượng Đế) vì “Thả thiên chi ái bách tính dã” (Trời
thương yêu mọi người). Ông cho là các kẻ sĩ hay quân tử là là những người
ước mong làm điều nghĩa hợp với lẽ Trời (“Kim thiên hạ chi sĩ quân tử dục vi
nghĩa giả, tắc bất khả bất thuận thiên chi ý hỹ”).
Những câu được ghi lại từ môn sinh của Mặc Tử, từ
53 thiên trong sách của Mặc học, thấy có 25 lần đề cập đến chữ “Thượng Đế” (“上帝”), đặc biệt là trong thiên
26, 27, 28: “Thiên Chí” thượng, trung, hạ . Qua những điều đã viết trong
ba thiên này, có lẽ ông tin có một đấng “Thượng Đế”, và Đấng này là nguồn của
yêu thương, quyền năng và sự hiểu biết, mặc dù đây là cách diễn tả có vẻ khó hiểu
của những người trong “Mặc gia” 24 thế kỷ trước!
Về phương diện luận lý về quan niệm đạo đức cũng
như chính trị, Mặc Tử đề ra phương pháp “tam biểu”: thứ nhất xét “gốc”
của sự việc, sau đó xem cái “nguyên” có hợp với quyền lợi của mọi
người, nếu thấy đúng thì “ứng dụng” vào việc cai trị.
Từ sự lý luận này, Mặc Tử chủ trương làm gì cũng
phải nghĩ đến điều lợi lâu dài cho mọi người. Người dân phải cùng nhau nhận biết
điều gì tốt cho họ, rồi ứng dụng, không cần phải theo những truyền thống cũ
(ngược với quan điểm “hưng Chu” của Khổng học)
Phê bình Nho học
Sách của Mặc học dành riêng hai thiên 38 là “Phi
Nho thượng” (thất lạc) và thiên 39 “Phi Nho hạ” để đả kích Nho học,
dù các thiên khác cũng có nhiều sự bài bác.
Quan niệm về “Nhân”
Một cách đại cương thì chữ “nhân” của Khổng Tử
là thương người. Khổng học chủ trương “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (đừng
làm những gì mà mình không muốn điều người khác làm cho mình), tuy nhiên sự
thương yêu này có tính cách giới hạn và giai cấp: “Khổng Tử khích lệ mối
quan tâm cá biệt cho gia đình, thân tộc của mỗi người, gây nhiều thương tổn cho
cảm giác phổ quát của loài người về thiện chí. Mặc Tử tuyên bố rằng
lòng trung thành ưu tiên cho gia tộc - thân nhân: thân yêu người thân - là
cội rễ của cái ác. Ông tìm cách thay thế nó bằng quan điểm xã hội
hòa hợp dựa trên “kiêm ái: yêu hết thảy mọi người”, một học thuyết làm nảy
sinh cảm giác thiết thực về phúc lợi của toàn thể xã hội” .
Quan điểm về “nhân” của Mặc học là “Ái nhân
nhược ái kỳ thân” (yêu người như yêu mình), không kỳ thị, không phân biệt
giai cấp hay phe nhóm. Ông còn đi xa hơn nữa “Vi bỉ giả , do vi kỷ dã”
(vì người cũng như vì mình).
Quan niệm về “Lễ”
Quan niệm về “lễ” của Mặc Tử khác với Khổng Tử.
Khổng Tử trọng “lễ”, ông rất chú trọng đến nghi thức trong các cuộc tế lễ. Tâm
lý con người nói chung thì hầu hết ai cũng cho là mình quan trọng. Những nghi
thức để chứng tỏ uy quyền của “thiên tử” đã được các Nho gia tận dụng. Điển
hình là Thúc Tôn Thông và đám đệ tử. Họ đã làm Hán Cao Tổ thỏa mãn và Nho gia
được trọng dụng. Trong khi đó Mặc học lại chống đối. Kẻ theo tâm lý chung của
người đời đã thắng, “kẻ lội ngược dòng” sẽ bị đào thải, dù có thể đây là chân
lý, nhưng những tư tưởng này đã không được sự hỗ trợ của những kẻ có quyền
hành, vì đụng chạm đến quyền lợi của họ. Mặc học đã suy tàn từ thời Tiền Hán.
Mặc Tử cho là Khổng Tử rườm rà về “lễ” chỉ gây
nên sự tốn kém: “chư gia phí bất gia dân lợi giả , thánh vương phất vi”
(điều gì làm tốn kém cho dân, các bậc thánh vương không làm).
Về nghi lễ, Mặc Tử cho là Trời chẳng cần những lễ
vật, mà Trời nhận sự hiến tế là tình thương yêu đồng loại “phù hề duyệt thuyết
dĩ bất dục nhân chi tương ái tương lợi dã? Cố viết: “ái nhân lợi nhân giả,
thiên tất phúc chi , ác nhân tặc nhân giả , thiên tất hoạ chi”
Vấn đề tang lễ, Mặc Tử đồng ý tang lễ là điều
nên làm “táng tuy hữu lễ, nhi ai vi bản yên” (an táng phải có lễ để khóc
thương người qúa cố) nhưng giản dị. Ông cho là các Nho gia lười làm lụng chỉ lợi
dụng tang lễ để kiếm ăn, trục lợi, nên ông đã mạt sát vấn đề này một cách thậm
tệ: “Thả phu phồn sức lễ nhạc dĩ dâm nhân, cửu táng ngụy ai dĩ mạn
thân, lập mệnh hoãn bần nhi cảo hạo cư, bội bản khí sự nhi an đãi ngạo, tham vu
ẩm thực, noạ vu tác vụ, hãm vu cơ hàn, nguy vu đống nỗi, vô dĩ vi chi.. phú
nhân hữu táng, nãi đại thuyết, hỷ viết: “thử y thực chi đoan dã”.”
Quan niệm về “Nhạc”
Mặc học có nguyên ba thiên 32, 33, 34 là “Phi
nhạc thượng, trung, hạ”, thiên 33, 34 đã thất lạc. Trong thiên 32, Mặc Tử
nêu một số lý do là không nên có “nhạc”:
Các thánh vương không dùng nhạc, vì: “Nhạc”
không làm lợi cho người dù “nhạc” làm con người thoải mái, nếu vậy dùng “nhạc”
là không đúng: “Tuy thân tri kỳ an dã, khẩu tri kỳ cam dã, mục tri kỳ mỹ dã,
nhĩ tri kỳ nhạc dã, nhiên thượng khảo chi bất trung thánh vương chi sự; hạ độ
chi, bất trung vạn dân chi lợi. Thị cố tử Mặc Tử viết: “vi nhạc , phi dã!”.
Rồi “nhạc” làm tốn kém vì phải chế nhạc cụ, người
dân lo về “nhạc” mà không sản xuất nhu yếu phẩm, ăn uống vui chơi quá độ v.v...
“Nhạc” theo quan niệm của Nho gia là cần phải có
“nhạc” để dùng cho “lễ”. Mặc Tử theo chủ thuyết “thiết thực”, những điều gì
không cần thiết cho con người mà cố gắng thi hành là sai trái. Có thể là khởi đầu
thời Chiến Quốc, chiến tranh xảy ra liên miên, người chết nhiều, không đủ nhân
sự để sản xuất các nhu yếu phẩm, đói kém thường xuyên, nên vấn đề này đã ảnh hưởng
đến tư tưởng của Mặc học?
Vì thế Mặc Tử cố loại bỏ những điều gì không có
tính cách thực nghiệm, “Tuân Tử chê ông là bị cái “dụng” che lấp mà không biết
cái “văn vẻ”, không biết đến mỹ thuật. Nhưng theo Lưu Hướng trong sách
Thuyết uyển, thì ông có nói với Cầm Tử đại ý rằng trong năm đói kém, lúa gạo
quý hơn châu báu; “phải được thường ăn cho no rồi mới cầu cái ngon, phải được
thường mặc ấm rồi mới cầu cái đẹp, phải được thường ở yên rồi mới cầu cái vui,
như vậy mới lâu bền được, tóm lại là phải trong cái chất trước hết rồi mới đến
cái văn, việc của thánh nhân là thế. Nếu lời đó đúng thì Mặc Tử không phải là
chê hẳn mỹ thuật, mà chỉ cho nó là phụ thôi.”
Quan niệm về “Thiên mệnh”
Khổng Tử cho rằng “Thiên mệnh” là số phận đã định
đoạt sẵn và hướng dẫn hành động của từng cá nhân.
Mặc Tử không tán đồng quan niệm này, ông cho là
nếu tin vào thiên mệnh thì còn nỗ lực để cải thiện cuộc sống làm gì? Niềm tin
này chỉ làm con người lười biếng không chịu tìm kiếm những điều tốt hơn!
Mặc học có 3 thiên 35, 36, 37 là “Phi mệnh
thượng, trung, hạ” để bài bác quan niệm về “mệnh” của Khổng học, những
thiên này vẫn còn được lưu truyền.
Khổng học quan niệm là con người có số mạng
Luận Ngữ “Nghiêu viết đệ nhị thập chi tam”: “Tử
viết: bất tri mệnh, vô dĩ vi quân Tử dã” (Không biết mệnh không phải
là kẻ quân tử).
Luận Ngữ “Nhan Uyên đệ thập nhị”:
"tử sinh hữu mệnh, phú quí tại thiên" (Sống chết do mệnh,
giàu sang do mệnh).
Luận ngữ “Hiến vấn đệ thập tứ - chi tam bát”: "Đạo chi tương
hành dã dự, mệnh dã, đạo chi tương phế dự dã, mệnh dã,…” (Cũng là
hành đạo, nhưng đạo của ông (Tử Lộ) nếu như đem ra thi hành thì chính là trong
mệnh đã định, đạo nếu như thất bại, thì trong mệnh đã vốn có sẵn. "
Một cách đại cương là Khổng học rất tin tưởng
vào số mệnh.
Mặc Tử phản đối quan niệm về “mệnh”
Ông cho rằng quan niệm này không tốt lành gì, vì
không thể biện minh là có “mệnh” hay không? “Cố đương chấp hữu mệnh giả chi
ngôn , bất khả bất minh biện”
Vì thế Mặc Tử đưa ra cách để khảo sát:
“ Cố ngôn tất hữu tam biểu. Hà vị tam biểu? Tử
Mặc Tử ngôn viết: “hữu bản chi giả , hữu nguyên chi giả , hữu dụng
chi giả . Ư hà bản chi?”
Đây là cách lý luận “tam biểu” (đã nêu lên trong
phần trước) là tìm hiểu về cái “gốc”, rồi cái “nguyên” sau đó là “ứng dụng”
Sau khi áp dụng nguyên tắc “tam biểu” để biện luận,
Mặc Tử cho là nếu con người tin vào “mệnh” thì sẽ sinh ra lười biếng, không đủ
ăn đủ mặc, rồi tới cảnh nước mất nhà tan cũng đều cho đó là số mạng của họ.
Mặc Tử đi đến kết luận : “Thị cố tử Mặc Tử ngôn
viết: “kim thiên hạ chi sĩ
quân tử, trung thực dục thiên hạ chi phú nhi ác kỳ bần , dục thiên hạ chi trị
nhi ác kỳ loạn , chấp hữu mệnh giả chi ngôn, bất khả bất phi, thử
thiên hạ chi đại hại dã.” (Mặc Tử nói: nay người quân tử trong thiên hạ
muốn mọi người giàu có, không muốn họ nghèo, muốn thiên hạ như thế (tin vào “mệnh”)
thì sẽ sinh loạn, quan niệm về “mệnh” nên loại bỏ, vì quan niệm này là
tai họa cho thiên hạ).
Tại sao Mặc Tử cho rằng sự tin vào số mệnh là
tai họa của thiên hạ? Vì ông cho rằng nó là nguyên nhân gây ra sự nghèo túng:
“Quần lại tín chi, tắc đãi ư phận chức; thứ
nhân tín chi, tắc đãi ư tòng sự. Lại bất trị tắc loạn, nông sự hoãn tắc bần, bần
thả loạn chính chi bản, nhi Nho giả dĩ Đạo giáo, thị tặc thiên hạ chi nhân
giả dã”. (Quan lại tin vào điều này (“mệnh”) sẽ không thi hành nhiệm vụ, thứ
dân tin vào điều này sẽ bỏ bê công việc. Quan lại không lo trị an sẽ sinh loạn,
nhà nông biếng trễ sẽ sinh nghèo, chính cái nghèo sinh ra loạn lạc,
các Nho gia dạy điều này như Đạo học thì loạn là phải rồi!).
Tóm lại Mặc học bài bác Nho học cực kỳ gay gắt,
đã vạch ra từng điểm để phê bình trong 53 thiên của sách Mặc học. Hai quan niệm
Nho học và Mặc học không thể đứng chung! Lịch sử đã nói lên điều này. Nho học
có quan niệm hợp với quyền lợi, sự tự tôn của những kẻ có quyền hành - các vua
chúa, nên Nho học đã được họ cổ võ triệt để. Mặc học có quan niệm ngược với đặc
quyền của họ, nên bị trôi vào quên lãng gần như hoàn toàn thời Hán Vũ Đế, có
chăng chỉ là những lưu trữ trong các sách được cất dấu.
D. Nhận xét về Khổng Tử qua “Khổng Tử Thế Gia” (Sử Ký)
Sử gia thời Tiền Hán là Tư Mã Thiên (145 TCN -
86 TCN) đã dành riêng một thiên khá dài so với các thiên khác trong sách Sử Ký
để viết về Khổng Tử.
Đoạn cuối cùng của “Khổng Tử Thế Gia” (bản dịch
của Phan Ngọc) viết như sau:
“Thái Sử Công (Thái Sử Công là danh
xưng về chức vụ của Tư Mã Thiên) nói: Trong thiên hạ các
vua chúa và người tài giỏi rất nhiều, khi sống thì vinh hiển, nhưng lúc chết là
hết. Khổng Tử là một người áo vải thế mà truyền hơn mười đời, các học giả đều
tôn làm thầy, từ thiên tử tới vương hầu ở Trung Quốc hễ nói đến lục nghệ đều lấy
Khổng Tử làm tiêu chuẩn. Có thể gọi là bậc chí Thánh vậy”.
Kết luận là như thế, tuy nhiên phần nội dung ông
đã viết về Khổng Tử như thế nào? Hậu thế xin tìm hiểu:
1- Lời của tể tướng Án Anh nước Tề:
“Bọn nhà nho chỉ là kẻ ba hoa mà không
thể noi gương theo họ được. Họ kiêu ngạo, tự cho mình
là phải nên không thể để cho họ làm tôi. Họ chú trọng việc chôn cất, thương
xót, làm mất gia sản để chôn cất cho được
đầy đủ, không thể cho điều đó thành phong tục. Họ đi du thuyết hết nơi này đến
nơi khác để kiếm ăn , không thể cho họ trị nước được.”
Dù đây là lời của Án Anh (cùng thời với Khổng Tử),
nhưng được ghi lại trong “Khổng Tử Thế Gia”, hậu thế sẽ nghĩ sao về Khổng Tử với
sự phê bình của người nổi tiếng về sự đứng đắn và sống cùng thời.
2-Sự phán đoán của Khổng Tử:
Khổng Tử nổi tiếng là người hiểu biết khi còn sống,
tuy nhiên sự phán đoán của ông như sau:
“Khi nước Ngô đánh nước Việt, phá hủy Cối
Kê, có lấy được một cái xương, chở đầy một xe. Vua Ngô
sai sứ giả hỏi Trọng Ni: Tại sao xương lại lớn như vậy?
Trọng Ni nói: Vua Hạ Vũ triệu tập những người làm chủ núi sông ở núi Cối Kê. Phòng Phong đến sau bị vua Vũ giết phơi thây, mỗi cái xương của ông ta chở đầy một xe. Xương này là của Phòng Phong cho nên lớn như vậy.”
Luận Ngữ “Vi chính đệ nhị - chi thập thất”:
“...Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã” . (Biết
thì nhận là biết, không biết thì nhận là không biết, đó là biết vậy).
Mỗi cái xương người đầy một xe!? Có lẽ tình cờ
khai quật được xương khủng long mới lớn đến như vậy! Khổng Tử không biết về vấn
đề này và nói bừa đây là xương ông Phòng Phong. Qua câu nói của Khổng Tử
từ đoạn văn trên , chúng ta thấy có những vấn đề nên bàn luận:
Câu hỏi được đặt ra:
- Khổng Tử không biết gì nguốn gốc, xuất xứ của
hiện vật tìm thấy và nói bừa?
- Chứng tỏ sự hiểu biết của mình, dù biết rằng
mình hoàn toàn không biết gì về hiện vật => Kiêu căng?
- Không biết mà nói biết là lừa
dối?
- “Nói một đàng, làm một nẻo!”?
Không biết nói là biết (Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã)?
3- Khi Khổng Tử làm tướng quốc tại Lỗ:
“Năm thứ
14 đời Định công, Khổng Tử 56 tuổi, rời chức tư khấu, quyền giữ chức
tướng quốc . Thấy Khổng Tử có vẻ mừng rỡ, một
người học trò nói: Tôi nghe thầy nói: "Người quân tử khi tai họa đến thì
không sợ, khi phúc đến thì không mừng".
Khổng Tử nói: Câu nói ấy
cũng có đấy. Nhưng chẳng có câu: "Vui vì ở địa vị cao quý mà khiêm
tốn đối với mọi người" hay sao?”
Câu hỏi được đặt ra:
- Ở địa vị “cao quý?”, coi thường người khác, cao
ngạo và không khiêm tốn với địa vị của mình?
- Kiêu căng và kỳ
thị về giai cấp?
- Khổng tử mê công danh? Vui mừng
khi được trọng dụng? Học trò ông đã đặt câu hỏi về việc này!
- Khổng Tử ngụy biện cho
sự kiêu căng và kỳ thị giai cấp?
- Khổng Tử lừa dối mình
và lừa dối học trò?
4- Khổng Tử từ quan
“Vua Tề bèn sai chọn tám mươi người con
gái đẹp ở trong nước Tề... Vua Lỗ bỏ chính sự... Cuối cùng, Quý Hoàn Tử nhận nữ
nhạc của Tề, ba ngày không nghe việc chính sự. Khi làm lễ tế giao cũng không
đưa thịt tế đến cho các quan đại phu. Khổng Tử bèn ra đi.”.
Khổng Tử từ quan vì không được vua cho thịt tế?
Hay vì việc vua Lỗ và Quý Hoàn Tử “không
nghe việc chính sự” ?
Đã có ý kiến khác nhau về vấn đề này. Nho gia
thì cho là Khổng Tử bỏ đi vì vua Lỗ mê nữ sắc, không màng đế chính sự nên ông từ
quan và bỏ đi. Người phê phán Khổng Tử thì cho rằng ông bỏ đi vì không được
chia thịt nên xấu hổ, vì miếng thịt mà từ quan thì đây là cách hành xử không ra
gì.
Khi làm tướng quốc, Khổng Tử đã giúp nước Lỗ
cũng như dân chúng có được cảnh an cư lạc nghiệp:
“Sau khi tham dự chính quyền trong nước ba
tháng, những người bán cừu bán lợn không dám bán thách, con trai con gái ở trên
đường đi theo hai phía khác nhau, trên đường không nhặt của rơi. Những người
khách ở bốn phương đến thành ấp không cần phải nhờ đến các quan, bởi vì người
ta đều xem họ như người trong nhà.”
Nếu vua Lỗ và Quý Hoàn Tử bỏ bê chính sự thì dân
Lỗ càng cần ông hơn nữa. Khổng Tử lại bỏ đi! Hai lý do đã nêu đều khó được chấp
nhận!
Câu hỏi được đặt ra:
- Có phải Khổng Tử vị kỷ,
chỉ nghĩ về mình mà không nghĩ đến người dân?
- Đây có phải là hành động của “thánh nhân”?
5- Khổng Tử là “văn” và “đức”?
“Khổng Tử nói: Sau khi Văn vương chết
đi cái "văn" không phải ở ta hay sao? Nếu trời
muốn làm mất cái "văn" ấy đi thì ta là người sinh sau đã không được
biết đến nó. Vì trời chưa muốn mất cái "văn" ấy thì người đất Khuông
làm gì đựoc ta?
…
Khổng Tử nói: Trời sinh đức ở ta,
Hoàn Khôi làm gì được ta?”
“Văn” cũng ở Khổng Tử, “đức” cũng ở Khổng Tử.
“Văn” mà mất thì đời sau không có văn?
Câu hỏi được đặt ra:
Khổng tử có kiêu ngạo quá
hay không?
6-Khổng Tử bội thề!
“Khổng Tử bèn rời khỏi đất Trần, đi qua
đất Bồ. Vừa lúc ấy họ Công Thúc cầm đầu người đất Bồ nổi loạn. Người đất Bồ giữ
Khổng Tử lại. Trong số học trò của Khổng Tử có Công Lương Nhụ đem năm cỗ xe của
mình đi theo Khổng Tử. Ông ta là người đứng tuổi, tài giỏi, có sức mạnh. Ông ta
nói: Xưa kia con theo thầy gặp nạn ở đất Khuông, nay gặp nạn ở đây, đó là mệnh!
Con lại cùng thầy gặp nạn, con quyết chiến đấu mà chết.
Ông chiến đấu rất hăng. Người đất Bồ sợ hãi, bảo
Khổng Tử: Nếu ông không đến nước Vệ thì chúng tôi sẽ cho ông đi.
Khổng tử cùng họ ăn thề. Họ cho Khổng Tử đi ra phía cửa đông. Khổng
Tử liền đến đất Vệ.
Tử Cống hỏi: Có thể phụ lời thề được
sao?
Khổng Tử nói: Đó là vì ta bắt buộc phải
thề cho nên quỷ thần không nghe”
Phần đầu trong thiên này cũng đã viết: “Khổng
Tử dạy bốn điều: văn học, đức hạnh, trung thành, tín nghĩa”.
Sách Luận Ngữ, “Vi chính đệ
nhị (2-21): “Tử viết: Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã,...” (Khổng tử
nói: Kẻ mà không đáng tin, không biết có làm được điều gì tốt...?)
Qua đoạn văn này chúng ta
thấy Khổng Tử mới vừa thề thốt xong đã nuốt lời thề. Đến độ học trò của ông là
Tử Cống phải hỏi: “Có thể phụ lời thề được sao?”. Rồi để biện luận
cho hành động của mình, Khổng Tử nói là bị bắt buộc nên làm thế!
Câu hỏi được đặt ra:
- Khổng Tử là kẻ bất tín? Tệ hơn nữa là bội lời thề?
- Lừa dối?
- Ngụy biện?
- Khổng Tử là một kẻ không đáng tin: “Nói một đàng
làm một nẻo?”
7- Mặc Tử chê bai Khổng Tử
Sách Mặc học cũng viết về hành động này của Khổng
Tử với sự chê bai thậm tệ , so sánh với những gì ông làm khi ông được Lỗ Ai
Công đón tiếp:
Mặc Tử, thiên 39 “Phi Nho hạ đệ tam thập cửu” (tạm
phiên dịch):
“Khổng Tử bị khốn cùng ở biên giới hai nước
Thái - Trần, sau 10 ngày chỉ ăn cháo rau không có gạo, Tử Lộ dâng cho ông thịt
heo, Khổng Tử không hỏi thịt từ đâu mà có để ăn, Tử Lộ đổi áo lấy rượu, Khổng Tử
cũng không hỏi ở đâu có rượu mà uống. Khi (Lỗ) Ai Công đón Khổng Tử thì chiếu
trải không ngay ngắn ông không ngồi, thức ăn cắt không đúng khuôn phép thì
không ăn. Tử Lộ đến hỏi: “Sao thày lại làm ngược với những gì thầy đã làm ở
(biên giới) nước Trần - Thái?” Khổng Tử trả lời: “Này, ta nói cho anh biết, trước
đó làm thế vì phải sống, nay làm là vì nghĩa”. Thật là nói càn
thế nào cũng được, đúng là kẻ lật lọng, khi đầy đủ thì cứ thả cửa mà xuyên tạc,
còn trò gian trá thấp hèn nào lớn bằng!”
------
Sau khi đọc qua nội dung của “Khổng Tử Thế Gia”,
dưới ngòi bút của Tư Mã Thiên chúng ta thấy ông đã diễn tả cuộc sống của Khổng
Tử một cách rất linh động. Khổng Tử có tài, đặc biệt là về giáo dục, ông đã có
công đưa vị trí của sự giáo dục lên cao, khi làm quan cũng đã thành công. Trong
nội dung; Tư Mã Thiên đã nêu ra những cách hành xử của Khổng Tử, nhưng không
đưa ra những phán đoán. Có lẽ ông muốn để cho hậu thế
xét đoán? Tuy nhiên có một điều là qua những diễn tả của ông, Khổng Tử có phải
là một người có nhân cách đáng phục hay không? Chưa dám nói đến “bậc thánh” hay
cao hơn nữa là “bậc chí thánh”.
Câu hỏi đặt ra là gần như có sự mâu thuẫn
trong phần kết luận với câu nói của Thái Sử Công. Để trả lời cho câu hỏi này,
người viết chỉ có thể phỏng đoán là Tư Mã Thiên muốn “qua mặt”
Hán Vũ Đế, để lưu lại cho hậu thế biết Khổng Tử như thế nào! Hán Vũ Đế vì tình
cảm riêng nên đã xử cung hình Tư Mã Thiên (trích trong “Lời giới thiệu”cuả sách
Sử Ký của dịch giả Nhữ Thành):
“Năm 99 trước Công Nguyên, Vũ Đế sai Lý Quảng Lợi
cầm ba vạn quân đánh Hung Nô. Bấy giờ Lý Lăng, cháu của danh tướng Lý Quảng, cầm
năm ngàn quân vào biên giới Hung Nô. Bị tám vạn quân Hung Nô bao vây. Lăng chỉ
huy cuộc chiến đấu suốt mười ngày liền, giết hơn vạn quân địch. Nhưng cuối cùng
vì cách xa biên giới, bị chặn mất đường về, quân sĩ chết hầu hết, mệt mỏi không
còn sức chiến đấu, Lăng phải đầu hàng. Vũ Đế nổi giận muốn giết cả nhà Lăng, quần
thần đều hùa theo ý nhà vua.”
Tư Mã Thiên biện hộ cho Lý Lăng, “không
ngờ Vũ Đế càng giận, cho ông cố ý đề cao Lăng để chê Lý Quảng Lợi nhút nhát
không lập nên công lao gì, mà Quảng Lợi lại là anh của Lý phu nhân rất được nhà
vua yêu quý. Vũ Đế bèn sai bắt giam Tư Mã Thiên giao cho Đỗ Chu xét xử... cuối
cùng bị khép vào tội “coi thường nhà vua”, và bị thiến! Đã mấy lần uất ức quá,
ông nghĩ đến việc tự vẫn.
…
…
Cái ấn tượng nhục nhã, cô độc theo dõi ông cho đến
khi chết. Mỗi khi nghĩ đến cái nhục bị hình phạt, mồ hôi vẫn cứ đầm lưng ướt
áo! Nhưng ông không vì thế mà chán nản. Trái lại, ông càng tìm thấy ý nghĩa của
cuộc sống. Ông thấy rõ hình phạt đó là một thử thách đối với những “người trác
việc phi thường”. Ông càng thấy cần
phải viết “cho hả điều căm giận”. Và chính cái hình phạt nhục nhã ấy
đã làm cho ông hiểu rõ cái mặt trái của xã hội phong kiến và dũng cảm đứng về
phía nhân dân.”
Thúc Tôn Thông đã lợi dụng “lễ” của Nho học để
đưa các Nho gia vào hệ thống cai trị. Đổng Trọng Thư đã dâng kiến nghị để Hán
Vũ Đế nâng Nho học lên hàng “Quốc giáo”. Tư Mã Thiên là kẻ ngay thẳng đã trở
thành nạn nhân của nền phong kiến với tư tưởng thống trị của Nho giáo. Vì thế
người viết phỏng đoán là ông đã nêu lên vấn đề một
cách ngấm ngầm, nâng Khổng Tử lên hàng “chí thánh” một cách “vu vơ” để chiều
lòng và “qua mặt” Hán Vũ Đế, hầu mong những gì ông viết được được phổ biến cho
hậu thế biết để tránh hay thay đổi.
E- Ảnh hưởng của Nho học tới văn hoá và văn minh phương Đông
E- Ảnh hưởng của Nho học tới văn hoá và văn minh phương Đông
Ghi chú: Mặc dù dùng chữ “phương Đông”; tuy nhiên chỉ
xin nhấn mạnh đến hai nước Trung Hoa và Việt Nam.
Học thuyết nào cũng có điều hay, điều dở, tuy
nhiên dù sao đi nữa một học thuyết có thể được phát triển hay không còn tùy thuộc
vào thời đại, dân trí, hoàn cảnh và nền văn minh, nhưng yếu tố quan trọng nhất
là thể chế chính trị của xã hội đó. Chủ thuyết Cộng Sản là một thí dụ điển
hình, nổi lên ở Âu châu, lan truyền sang Á châu rồi bắt đầu tàn lụi Âu châu,
trong khi Á châu vẫn còn vướng víu.
Thời Xuân Thu rồi Chiến Quốc là thời đại loạn
trong xã hội vùng trung nguyên. Một xã hội ổn định là điều ước mơ của người
dân. Đã có những người nêu lên tư tưởng phản ảnh với tình trạng này, kẻ thì chủ
trương rút lui, né tránh, người thì cố tìm đường hướng để giải quyết và mang lại
trật tự. Nhiều trường phái tư tưởng bộc phát, Nho học của Khồng Tử khởi đầu cho
hiện tượng “Bách gia chư tử” ra đời. Tuy nhiên Nho học cũng không ngoại lệ, muốn
truyền bá thì phải được thể chế chính trị làm hậu thuẫn. Nho học đã ở vị trí độc
tôn khi Trung Hoa có một thể chế chính trị vững vàng và trải dài đến cận đại.
Tìm hiểu về ảnh hưởng của Nho học, chúng ta có thể thấy được nền văn hóa đó như
thế nào. Từ đây, ta có thể suy ra được nền văn minh của xã hội đó. Tuy nhiên,
văn minh góp phần thay đổi văn hóa và có tính cách hỗ tương lẫn nhau. Nho học ảnh
hưởng như thế nào đến văn hóa Trung Hoa và Việt Nam?
Người viết không phải là người tìm hiểu hay
nghiên cứu về Nho học, chỉ tham khảo những nhận định từ lời bình phẩm của những
nhà Nho thời cận đại và các tác giả đương thời, để có một cái nhìn tổng quát
liên quan đến “Nho Giáo và văn minh phương đông”, hầu có thể
đưa ra một kết luận hợp lý cho đề tài này.
Sự phê bình Nho học của cựu Nho gia Phan Khôi
Trong sách “Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước
ta” của học giả Phan Khôi (PK), một người từ “Cửa Khổng sân Trình”
đã thấy “Cái học nhà Nho đã hỏng rồi. Mười người đi học, chín người thôi”
đưa ra những nhận định như sau:
“Cái đạo của ngài chẳng những không hợp
thời, không dụng được trong thời nay, mà lại, những chỗ không hợp thời ấy,
những chỗ không dụng được ấy, nếu còn vướng víu trong óc chúng ta, là kẻ cần phải
kiếm cách “sanh hoạt mới” ở đời này, thì cũng còn là không lợi cho ta vậy.” (PK)
“Tam cương” (Quân thần, phụ tử, phu phụ): được đặt ra trong thời Hán do
chủ trương của Đổng Trọng Thư, vì “nhà nho cũng nhờ quân quyền mà được mạnh.
Nghề thế, chén tạc phải có chén thù, nhà nho mới càng bợ đỡ quân quyền cho mạnh
thêm lên... tam cang là cái thuyết của Hán nho nịnh nhà vua mà đặt
ra vậy.” (PK). Tại miền nam Việt Nam; “Tam cương” còn đi xa hơn nữa với
câu truyền tụng là “Quân sử thần tử, thần bất tử, bất trung; phụ sử tử
vong, tử bất vong, bất hiếu”, tuy nhiên cụ Phan Khôi đã giải thích như
sau: “Nhiều người đem hỏi tôi, tôi phải lấy làm lạ. Hoặc giả có, mà tôi
lâu nay ít hay ôn nhuần lại sách cũ rồi quên đi chăng, chớ theo như cái trí nhớ
trong đầu tôi, thì câu nầy chẳng có trong sách nào hết, chẳng ông thánh nào nói
hết, mà chừng như là lời của Lê Tử Trình nói trong tuồng Sơn hậu hồi thứ ba !”.(PK)
Khổng học theo như cụ Phan Khôi đã “không hợp
thời”, Tống Nho thì càng xa hơn nữa với chữ “Tam Cương”: “Tống nho về
luân lý là trái nhau với Khổng Tử, họ không thèm ké né chút nào hết, cứ trợn mắt
phùng mang mà đè nén kẻ bề dưới (tôi, con, vợ) và ra mặt bợ
đỡ kẻ bề trên (vua, cha, chồng)”.
Ông cũng cho rằng cho rằng nền Nho học ảnh
hưởng tới Việt Nam là Tống nho và “các học thuyết của họ dễ làm cho
người ta trở nên hiền lành yếu đuối, lợi cho sự cai trị, nên từ đó về sau,
Tàu cũng vậy, ta cũng vậy, các nhà vua đều tôn chuộng Tống nho và bắt thần dân
mình phải học theo sách vở của họ đã làm ra hoặc đã chú thích”.
Từ khi giành lại được độc lập, Phật giáo ảnh hưởng
đến Việt Nam đến hết đời Trần. Sau đó Việt Nam bị dưới ách Minh thuộc 20 năm
(1407-1427). Nhà Minh lúc này vẫn bị ảnh hưởng bởi Tống Nho, dù thời gian bị trị
ngắn ngủi nhưng tàn bạo, Tống Nho đã gây ảnh hưởng nặng đến dân Việt qua hệ thống
cai trị. Ông Lê Lợi và những người cùng chí hướng đã đánh đuổi quân Minh dựng
nên nhà Hậu Lê, triều đại này “bắt kẻ học trong nước phải học theo sách
họ Khổng mà Tống nho đã dọn lại và chú thích... thế lực của Tống nho trở lại mạnh
hơn Khổng Tử; và người An Nam mình, tiếng rằng theo đạo Khổng, chớ kỳ thật là
theo đạo Tống nho vậy!” (PK). Mà Tống Nho là cái học từ chương, học chỉ để
làm quan, không tăng trưởng về kiến thức, không phát triển óc sáng tạo, “ở
trong vòng học vấn nô lệ thì khó mà kiếm ra được cái óc tự chủ !” (PK). PK đã viết lại câu của Tây Hồ Phan Chu Trinh: “Cái học thuyết của Tống
nho là học thuyết vong quốc” .
Nho học
đã gây ảnh hưởng ra sao đến nền văn hóa phương Đông?
Có phải Nho giáo đã tạo ra nền:
Khổng Tử là “giáo chủ” Nho giáo đã dạy chữ
“tín”, nhưng ông là người đã làm ngược lại điều ông dạy: phản bội lời thề ở đất
Bồ và những điều đã nêu trong phần trước. Từ những hành vi này; kẻ hậu thế
này thấy ông là kẻ bất tín đã thế còn ngụy biện cho
hành vi của mình, và “nói một đàng làm một nẻo”, đây là một sự lừa dối rõ
ràng của “vạn thế sư biểu” về gian trá.
Khổng Tử đã có công làm cho nền giáo dục phát
triển, nhưng sự phát triển này ẩn tàng một sự dối trá, một nền giáo dục gian trá
đưa đến một nền văn hóa lừa đảo. Kết quả là một đám nhà Nho nịnh hót để kiếm địa
vị và bổng lộc ra đời, được nở rộ từ thời Tiền Hán và kéo dài đến hơn hai ngàn
năm sau. Chữ “lễ” đã được tận dụng để vẽ ra những chuyện không có thật để tâng
bốc, chữ “nhân, nghĩa” làm bình phong cho những âm mưu lừa dối hiểm độc, để
mang lợi cho cá nhân hay dòng họ.
Những mưu mô lừa đảo được tôn vinh, càng lừa hay
càng được thán phục. Trần Thắng với trò lừa viết chữ “Trần Thắng vương” vào lụa,
nhét vào bụng cá vừa mới bắt được; khi mổ bụng thấy “điềm trời”, để hô hào dân
chúng nổi dậy chống Tần, rồi trò lừa “người đá một mắt” thời Nguyên đã là một yếu
tố dựng nên nhà Minh. Cũng trò lừa đảo tương tự, Nguyễn Trãi với mật hay mỡ viết
vào là câu “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” để kiến ăn thả xuống sông suối.
Dùng sự lừa đảo cho một mục đích cao thượng là điều tốt, nhưng từ từ sự lừa đảo
trở thành quán tính và nằm trong tâm tưởng của con người như một mục đích để
noi theo. Khổng Minh trong “Tam Quốc Chí diễn nghĩa” với những trò lừa đi lừa lại;
đã được nâng lên thành biểu tượng về sự trí tuệ của Trung Hoa. Ngày nay những
trò gian trá đưa đến sự lợi lộc là “đỉnh cao trí tuệ”.
Nhân loại ở đâu cũng có sự gian trá, tuy nhiên lừa
dối trở thành một kế sách cho hành động để đạt mục đích thì Trung Hoa và Việt
Nam ngày nay đã “vượt chỉ tiêu” so với các dân tộc khác. Sự gian dối đi vào máu
và óc, đã tạo nên một nền “văn hóa đểu”. Văn hoá lừa dối này ảnh hưởng
đến văn minh, văn minh đã tạo nên những sản phẩm “đểu” cho đời sống trên rất
nhiều bình diện. Chúng ta có thể kiểm chứng rất dễ dàng qua mạng lưới
toàn cầu ngày nay; qua những việc tẩy chay các sản phẩm giả và độc hại từ Trung
Quốc.
Chữ “tín” 信trong Nho học đã được “vạn thế sư biểu” viết
thành chữ “trá” 詐 ngay từ đầu! Gian trá đã là một yếu tố truyền kiếp
của văn hóa phương Đông???
Khởi đầu, nền giáo dục của Nho giáo đã tạo nên
giai cấp kẽ sĩ, những kẻ làm quan, xưng danh là “quân tử”, vâng lệnh vua chúa để
cai trị, đám dân đen bị kẻ sĩ đặt là “tiểu nhân” (những người không có địa vị
trong xã hội). Dần dà chữ “tiểu nhân” được dùng để chỉ người hèn hạ,
“quân tử” chỉ những kẻ có đức hạnh cao thượng.
Người làm quan - Kẻ sĩ - phải là những
người thông hiểu về Nho học, tuy nhiên học “thuật” này có chủ yếu ngầm là “tôn
quân”. Kẻ sĩ dùng Nho học để biện hộ cho cái gọi là “chính nghĩa” của nền quân
chủ chuyên chế, cũng như cái gọi là “đạo đức” của kẻ sĩ là phải “trung quân” một
cách tuyệt đối, “Thần sự quân dĩ trung” (Bề tôi phải phục vụ vua
hết lòng - Sách Luận Ngữ, “Bát dật đệ tam (3-19) ). Họ đã tự chế chiếc
gông “tam cương” với ổ khoá “quân thần” khó mở để đeo vào cổ, ngoại trừ nổi loạn.
Kẻ sĩ đã tự tạo cho mình một kiếp nô lệ cho vua chúa, làm quan thì phải tập
quì cho hai đầu gối chai cứng, cái lưng phải mềm dễ cong, để có được bổng lộc.
Vua bảo sao cũng phải tuân hành, họ đã trở thành những con cừu ngoan, và khi
nhà vua muốn làm thịt con nàothì con đó phải chịu. Đã như thế mà
Nho gia còn tự vinh danh “sĩ, nông, công, thương”, nâng địa vị “sĩ” lên hàng đầu. Học
để thi đậu rồi được làm quan là mục đích của sĩ tử.
Cựu Nho gia Phan Khôi có nhận xét như sau: “Khổng
giáo đã thiệt tình lấy sự làm quan làm một cái chủ nghĩa. Mà
hình như chính đức Khổng Tử cũng đã đem cả đời mình hy sanh cho cái chủ nghĩa
đó,... cả đời đức Khổng Tử chỉ châu du các nước chư hầu để kiếm một
cái địa vị làm quan.”. Khổng Tử đã phải chạy đi chạy lại “long
tóc gáy” để kiếm một “chỗ để quì” với chiêu bài “tu thân, tề gia, trị quốc,
bình thiên hạ”, không tìm được chỗ nào, đành về lại nước Lỗ dạy học viết
sách nuôi thân và gia đình, một cách đi ẩn. Thầy như thế thì môn sinh học theo,
đời này kế tiếp đời kia. Một nền giáo dục vị kỷ, sự học không phải để làm cho
dân giàu nước mạnh, mà chỉ để kiếm bổng lộc, để “vinh thân phì gia”, để kiếm một
chỗ đứng của con cừu trong bầy cừu. Rồi khi đạt được địa vị, “bề trên” bảo
sao nghe vậy thì làm gì có được đầu óc sáng tạo! Cả hai xã hội Trung Hoa và Việt
Nam qua các thời đại không thấy có được một tổ chức nào gọi là “viện nghiên cứu”;
có khả năng làm cho cuộc sống của người dân tốt hơn, có chăng chỉ một vài cá
nhân đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên những sáng kiến hay những tư tưởng mới
này được áp dụng hay không lại là chuyện khác, tùy “kẻ chăn cừu”. Sáng
kiến, đường hướng mới để làm tốt hơn không có; thì văn minh sẽ đứng tại
chỗ hay tệ hơn nữa là lụn bại! Đến khi phải đối diện với một nền văn hóa xa
xôi kèm theo cái văn minh trấn áp của những “đàn sói” mới biết sáng mắt ra thì
đã muộn: mất nước!
Nho học dạy môn sinh trở thành một kẻ
trung quân tuyệt đối, đó là đối với “bề trên”, các bậc vua chúa, những kẻ ban bổng
lộc. Nho gia tự biến họ thành những kẻ thừa hành ngoan ngoãn , tệ hơn nữa là trở
thành những công cụ để vua chúa xử dụng, muốn thì dùng, không thì vất bỏ. Nhưng
đối với “kẻ dưới” - đám thường dân trong xã hội, hay “tiểu nhân” theo nghĩa
nguyên thủy – thì kẻ sĩ lại ra vẻ ta đây “quân tử”, coi thường người dân, khinh
thường nữ giới, người không cùng Hán tộc thì gọi là Man, Di, Địch và tìm trăm
phương ngàn kế để tiêu diệt, với chủ trương “Hưng Chu diệt di”!
a-Kỳ thị đẳng cấp.
Về đẳng cấp xã hội, Khổng Tử đã nói nhiều
về “quân tử” và “tiểu nhân” trong sách Luận Ngữ, mạt sát “tiểu nhân” không tiếc
lời, đề cao “quân tử” không mỏi miệng.
Ông Trần Trọng Kim (TTK) trong bài viết “QUÂN TỬ-TIỂU
NHÂN" THEO KHỔNG GIÁO” đã nêu lên những trích dẫn, điển hình như:
“Quân tử học đạo tắc ái nhân, tiểu nhân học đạo
tắc di sử giã” (Quân tử học đạo thì yêu người, tiểu nhân học đạo thì dễ
khiến). (Luận Ngữ: Dương Hóa XVII).
Nếu “tiểu nhân” học đạo chỉ để dễ sai khiến thì
học làm gì, học để trở thành người đạo đức, biết phân biệt phải trái. Sự thật
qua lịch sử đã chứng minh ngược lại, “quân tử” hay kẻ sĩ cũng là Nho gia; học
“đạo” để làm công cụ cho vua chúa sai khiến. Để cho hợp với lịch sử,
câu này nên đổi chữ “ái nhân” thành “tôn quân”.
“Quân tử nghĩa dĩ vi
thượng, Quân tử hữu dũng nhi vô nghĩa vi loạn, tiểu nhân hữu dũng nhi vô nghĩa
vi đạo”. (Quân tử chuộng nghĩa, quân tử có dũng mà không có nghĩa thì làm
loạn. Tiểu nhân có dũng mà không có nghĩa thì làm đứa ăn trộm). (Luận Ngữ:
Dương Hóa XVII).
Qua lịch sử chúng ta thấy những kẻ thường dân,
hay “tiểu nhân” như Lưu Bang bên Tàu, Lê Lợi bên Việt Nam đâu có là kẻ ăn trộm,
họ có dũng và nổi dậy để diệt bạo tàn, thành công làm hoàng đế và
“quân tử” phải quỳ lạy, trong khi quân tử như Trương Lương, Nguyễn Trãi, có
dũng nhưng nào dám tự mình “làm loạn”!
“Quân tử thượng giao bất siểm, hạ giao bất độc”.
(Quân tử giao với người trên thì không nịnh, giao với người dưới thì
không nhàm). (Dịch: Hệ Từ Hạ).
Xảo ngôn! Gối chai vì quì, lưng cong bởi cúi mà
nói không nịnh. Thái độ của một nịnh thần mắng chửi và khinh thường những người
ra công sức phục dịch; để vua chúa và “quân tử” có cuộc sống hơn họ. Kỳ thị một
cách gian dối?
Chỉ qua ba thí dụ nêu trên, theo quan niệm thời
nay; chúng ta thấy Nho giáo đã hoàn toàn đi ngược với sự bình đẳng của
con người, kỳ thị đẳng cấp một cách lầm lẫn và chủ quan. Một điều tệ hại hơn nữa,
so sánh những hành vi của Nho gia qua các thời đại; thì hành động đã không đi
đôi với việc làm, hoàn toàn ngược với câu “tri hành hợp nhất” (hiểu biết
và việc làm phải đi đôi với nhau). Một kẻ ăn cướp, giết người cũng có thể nói
những câu đạo đức để làm bung xung che dấu những hành động tàn ác! Lịch sử năm
ngàn năm của Trung Hoa đã chứng minh điều này.
Trong Lễ Ký, Khúc Lễ thượng: “Lễ bất hạ thứ
dân, hình bất thượng đại phu” (Lễ nghi không được dùng đối với đám thứ dân,
hình phạt không áp dụng cho bậc đại phu). Đây là sự kỳ thị đẳng cấp thô bỉ, cổ
võ sự bất lương của đám quan lại mà giai cấp này là “quân tử” hay kẻ sĩ có đặc
quyền, đã thế lại khinh thường người dân quá đáng.
Luận Ngữ “Vi chính đệ nhị 2-3”: “Tử viết:
đạo chi dĩ chính , tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ” (kẻ cầm quyền phải
dùng hình pháp để trị cho dân sợ mà không phạm luật, chứ người dân tự họ không
biết xấu hổ).
Luận Ngữ “Thái bá đệ bát 8-9”: “Tử viết:
Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi”, (Người dân có thể sai khiến, chứ
không thể dạy cho họ hiểu).
Khinh thường người dân quá sức, con người tự họ
ai cũng biết hổ thẹn khi biết việc làm của mình không đúng, kể cả với lương
tâm. Ai cũng có khả năng học hỏi. “Quân tử” là người biết “đạo” phải biết
xấu hổ khi nói lên tính cách kỳ thị này, chính họ đã quên câu của Mạnh Tử: “Dân
vi quí,...”.
Một xã hội mà chỉ có một bọn kẻ sĩ nịnh hót, học
hỏi từ những điều được gọi là đạo đức từ sự tưởng tượng và gian dối, vua chúa
mà hầu hết là những hôn quân bảo sao kẻ sĩ nghe vậy, chỉ biết vị kỷ,
vơ về cho mình và dòng họ, không cố tìm ra những phương thức để cải thiện cuộc
sống của mọi người; thì nền văn minh của xã hội này đi tới đâu, lịch sử đã nói
lên điều này!
Trong bài viết “QUÂN TỬ-TIỂU NHÂN" THEO KHỔNG
GIÁO”, không thấy cụ TTK đề cập đến một câu trong Luận Ngữ mà câu này
đã mạt sát cả “tiểu nhân” lẫn nữ giới một cách rất gọn: “Duy
nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã! Cận chi tắc bất tôn , viễn chi tắc oán”
(Đàn bà và tiểu nhân thật khó nuôi dạy, gần họ thì khinh nhờn, xa họ thì oán
thán) (Luận Ngữ, Dương hoá đệ thập thất, chi nhị ngũ, 17-25).
Nho giáo đã tạo nên quan niệm kỳ thị và khinh
thường người dân, “quân tiểu nhân” (theo nghĩa nguyên thủy) như thế nào, người
viết cảm thấy đã tạm đủ qua sự trình bày sơ lược, mặc dù còn nhiều chỗ
trong Nho học qua tứ thư và ngũ kinh chưa được biết đến! Qua câu viết trong Luận
ngữ vừa nêu, Nho giáo đã xếp hạng nữ giới ngang hàng với “tiểu nhân (theo nghĩa
sau này l à kẻ hèn mọn). Điều này đã ảnh hưởng đến văn hóa, gây ra không
biết bao nhiêu sự đau khổ cho phụ nữ trong xã hội phương Đông qua nhiều ngàn
năm. Nền văn hóa này đã biến người phụ nữ thành nô lệ thực sự. Văn hóa được cấu
tạo bởi Nho giáo đã ảnh hưởng đến người phụ nữ ra sao, người viết sẽ lạm bàn
trong phần kế tiếp.
b-Kỳ thị phụ nữ
Khi nói về phụ nữ trong xã hội ảnh hưởng bởi Nho
giáo, chúng ta thấy có những câu như “tam tòng, tứ đức”, “nhất
nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “trinh tiết”, v.v... áp đặt
lên người nữ. Xã hội Việt Nam trước khi bị ảnh hưởng bởi Nho giáo, người phụ nữ
Việt đã không bị những ràng buộc và kỳ thị, hơn nữa họ còn giữ vai trò chủ động,
bằng chứng là sự khởi nghĩa của hai bà Trưng, bà Triệu. Ngôn ngữ của Việt Nam
cũng nói đã nói lên điều này: những gì “chính” thì được gọi là “cái” (nghĩa là
mẹ) như sông “cái”, đường “cái” quan, ngón tay “cái”, cái cò, cái vạc cái
nông”, v.v..., hay chữ “con” (chỉ phái nữ, khác với phái nam là “thằng”) như
“con” sông, “con” cọp, v.v... Tuy nhiên từ khi Nho học thâm nhập vào nền giáo dục,
vai trò quan trọng của người phụ nữ trong xã hội đã bị suy giảm một cách đáng kể.
“Đàn bà và tiểu nhân thật khó nuôi dạy...”
Trung Hoa từ lúc khởi đầu là văn hóa du mục, có
lẽ vì thể lực nam nữ khác nhau nên hình thái phụ hệ thịnh hành và biến thành một
tập tục. Khi Trung Hoa bước vào xã hội phong kiến, kể từ thời nhà Tây
Chu, vị trí của phái nữ đã trở nên thấp hèn hơn so với phái nam một cách rõ
ràng. Cuối thời Xuân Thu (Đông Chu), Khổng giáo được phổ biến, vai trò của phái
nữ trong xã hội được qui định để dìm vai trò của họ xuống bùn. Khởi đầu là Khổng
Tử với quan niệm khinh thường phụ nữ: “Đàn bà và tiểu nhân thật khó nuôi dạy...”.
Chẳng lẽ Khổng Tử quên mẹ mình, người đã nuôi dạy ông cũng là đàn bà hay sao? Dạy
người khác phải có hiếu với cha mẹ, còn mình thì “vơ đũa cả nắm”, vì khinh thường
phái nữ nên ông chửi toáng lên, không cần biết là trong số đó có cả mẹ mình!
Đây là hành động của “Thánh nhân”?
“Tam tòng, tứ đức”
Rồi “Tam tòng” là “tại gia tòng
phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà thì theo cha, xuất giá
thì theo chồng, chồng chết theo con). Câu “Tam tòng” từ sách Lễ Ký, thiên Tang
Phục, Tử hạ truyện, nguyên văn: “vị giá tòng phụ , ký giá tòng phu, phu tử
tòng tử”, chủ trương “nam tôn nữ ti” (trọng nam khinh nữ). “Tam
tòng” là cái cùm để cùm chân nữ giới không cho ra ngoài xã hội, chỉ ở trong nhà
để phục vụ cha, chồng rồi con, người phụ nữ không có quyền hạn gì trong gia
đình. Thật là một sự ích kỷ được bày vẽ ra bởi Khổng Tử và đám môn sinh của
ông, với mục đích biến người phụ nữ trong gia đình thành nô tì!
Sau “Tam tòng” lại có “Tứ đức” (công, dung,
ngôn, hạnh) để giáo huấn người phụ nữ. Chữ “Tứ đức” từ sách Lễ Ký, thiên
Quan, cửu tần, nguyên văn: “phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công”.
Đưa ra chữ “tòng” thì phải có những hành động đi theo để cung phụng “tam tòng”,
“tứ đức” là nguyên tắc thành văn cho hành động của sự nô lệ?
“Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”
Mạnh Tử nói về chữ “hiếu”: trong sách Mạnh Tử,
Ly Lâu thượng có câu “bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại” (có ba điều bất hiếu,
không có nỗi dõi là điều lớn nhất). Xã hội phụ hệ, thì con trai mang họ
cha, có con trai thì hy vọng có kẻ nối dòng. Vì vậy phải có con trai mới được
coi là có hiếu, còn nếu sinh con gái thì coi như “vất đi”, coi như không sanh,
hơn nữa không có con trai thì coi như đại bất hiếu. Thật là một quan niệm vô
nhân đạo và kỳ thị một cách vô nhân tính! Có lẽ từ câu này nên các Nho gia Việt
Nam mới bịa ra câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (sinh một trai
là “có con”, sinh mười gái cũng coi như “không con ”) lại càng có vẻ kỳ thị hơn
nữa. Con gái còn bị coi là “nữ nhi ngoại tộc” (con gái là họ ngoài, họ
người ta), câu này có lẽ đã được thu gọn thành câu chữ Hán từ câu tục ngữ “con
gái là con người ta, con dâu mới thiệt mẹ cha mua về”, coi
phụ nữ như món đồ có thể mua bán! Vì con gái bị coi như ngoại tộc; nên
bên Trung Hoa nhiều gia đình đã không truyền lại những bí mật nghề nghiệp cho
con gái!
“Kẻ thù riêng của phụ nữ”
Lưu Bang, một kẻ một kẻ thô lỗ, “người
khách nào đội mũi nhà Nho đến Bái Công liền giật mũ đái vào trong” (Sử
ký), nhưng có chí lớn nên đã dựng nên nhà Hán. Đám Nho gia này muốn
kiếm địa vị, đứng đầu là Thúc Tôn Thông đã bày ra trò lễ nghi để tôn vinh Hán
Cao Tổ Lưu Bang; nên được ông này trọng dụng cùng với cả trăm tên đệ tử. Sau đó
qua sự “đạo diễn” của Đổng Trọng Thư, Hán Vũ Đế Lưu Triệt thấy có lợi cho
nền quân chủ chuyên chế; nên đặt Nho học làm quốc giáo. Để nịnh hót hơn nữa,
đám Nho gia lại dùng “lễ” bày thêm trò mới, để thỏa mãn tính tham lam độc ác về
tính dục của phái nam là hoàng đế với trò “tam cung lục viện”.
Trong bài viết “Hoàng đế với phụ nữ” của
cựu Nho gia Phan Khôi, năm 1930:
“… Nghĩ cho kỹ mà xem, đế vương
thật như là kẻ thù riêng của phụ nữ;... Nói về chế độ quân chủ nước
Tàu. Theo Kinh Lễ, thiên Hôn nghĩa, thiên tử thì đặt ba bà phu
nhân, chín bà tân, 27 người thế phụ, 81 người ngự thê. Mà lễ ấy, nói rằng
thánh nhơn đặt ra đó. Không biết ông thánh nào mà có cái
óc kỳ quái như vậy? Một người đàn ông mà cho đến 120 người đàn bà lận...
Cái số chánh là 120, còn ngoài ra, những cung nữ,
thị tỳ, không biết bao nhiêu mà kể, gấp mươi lăm, hai mươi lần số ấy nữa... Những
con gái dân gian đã bị chọn vào đó thì phí cả một đời người, chỉ có chết là hết,
chớ không có ngày ra được….Nội một sự vì hầu hạ một người mà chứa vào trong
cung đến năm bảy ngàn người đàn bà, đã đủ giày vò phụ nữ đến đâu rồi;...”.
Cụ Phan Khôi hỏi là “ông thánh nào” dù rằng
cụ đã biết rõ đây là “Thánh Khổng”, ông viết “đế vương thật như là kẻ thù
riêng của phụ nữ” , chẳng lẽ cựu Nho gia lại viết rằng “Thánh Khổng”
và Nho giáo là kẻ thù chung của phụ nữ! dù rằng có
lẽ ý ông muốn nói như thế?
Độc giả nào nếu có dịp đến Tử Cấm thành tại Bắc
Kinh, hay tham khảo cũng đều biết là cung cấm này có gần một chục ngàn phòng ốc.
Khi tối đến, trong số cả hàng ngàn người ở đây, chỉ có một người phái nam duy
nhất là ông hoàng đế, ngoài ra chỉ có phái nữ và một số hoạn quan; nam không ra
nam nữ không ra nữ. Ngoài một số cực nhỏ được hoàng đế yêu thích, còn lại là những
“nữ tù nhân” bị “án” chung thân không có ngày ra!
Cấm quả phụ tái giá
Người phụ nữ đến “cửa Khổng” thì bị mang cùm,
qua thời Tống đến “sân Trình” lại bị đeo thêm gông, “sân Trình” chỉ Trình
Tử (Trình Di hay Trình Y Xuyên , 1033 - ~1107).
Trình Tử đề ra quan niệm về tiết hạnh của phụ nữ
là cấm quả phụ tái giá. Trong bài viết “Tống Nho với phụ nữ” của cựu Nho
gia Phan Khôi đăng báo năm 1931:
“Lại ông Trình Hy cấm đàn bà góa lấy chồng,
nói rằng: “Chết đói là sự nhỏ, thất tiết là sự lớn” (nhiên ngã
tử sự cự tiểu, thất tiết lễ sự cự đại).
…
“Cái nầy Trình tử không thèm hỏi đến kẻ goá bụa
đó ở vào cái địa vị nào, gặp cái cảnh ngộ ra sao, mà nhứt luật không cho cải
giá, thì thật là bất cận nhân tình quá thể. Người lập ra cái luật ấy chẳng có
gì khác hơn là muốn thỏa cái lòng ích kỷ của đàn ông, cố ý mà bóc lột hết
thảy quyền lợi đàn bà”.
Cấm góa phụ tái giá đã là một sự đàn áp khủng
khiếp, đến cả người phụ nữ bị chồng bỏ (hay chồng “để”) cũng không được lập lại
cuộc sống mới thì thật là tàn ác!
“Theo lẽ công bình, nếu đàn bà bị chồng để,
không được cải giá thì đàn ông cũng đừng nên để vợ. Vậy mà Trình tử lại cho
phép đàn ông để vợ. Trong sách Tánh lý đại toàn chép rằng: “Có
kẻ hỏi: Vợ, có thể để không? Trình tử đáp rằng: Vợ chẳng hiền, thì để
đi có hại gì đâu?...”
Đã thế lại còn có câu “trai năm thê bẩy thiếp,
gái chính chuyên chỉ có một chồng” thì công bằng ở đâu? Nho giáo đã đạp người
phụ nữ xuống bùn đen, luật lệ này chẳng khác gì câu nói “tao là luật, luật
là tao”.
Quan niệm kỳ thị phái nữ của Nho giáo đã ảnh hưởng
như thế nào đến văn hóa phương Đông qua các thời đại?
-Đã hạ phẩm giá của người phụ nữ xuống quá thấp
-Không cho phụ nữ đi học
-Không cho phụ nữ thi cử
-Không thể làm quan
-Nửa tài sản trí tuệ bị mai một
-Biến phụ nữ thành món đồ sở hữu của phái nam, đặc
biệt là các vua chúa
-Hủ tục bó chân ghê rợn tại Trung Hoa là hệ quả
việc biến phụ nữ thành món đồ chơi .
-Hủ tục tảo hôn tàn ác biến phụ nữ thành “con ở”
không công!
-Ngày nay với chế độ “một” con tại Trung Quốc,
các bé sơ sinh nữ bị giết một cách vô nhân đạo, sau đó với cảnh trai thừa gái
thiếu làm xã hội bất ổn.
Một nền văn hóa mà nửa tài sản trí tuệ bị lãng
phí, thì phát triển về văn minh sẽ bị chậm lại! Một xã hội đặt trên quan niệm bất
bình đẳng và kỳ thị thì “Ở đâu có bất công , ở đó có chống đối”, xã
hội rối loạn thì văn minh khó phát triển.
c-Kỳ thị chủng tộc
Cuối thời Xuân Thu, quyền lực của nhà Chu (Đông
Chu) chỉ còn tập trung tại Lạc Ấp (gần Lạc Dương ngày nay), vua Chu gần như chỉ
là bù nhìn, cần quân đội của các chư hầu bảo vệ khi có sự tấn công hay cướp bóc
từ các bộ tộc khác. Thời gian này có khoảng 14 nước tương đối lớn, trong số đó
qua các diễn biến theo năm tháng có “thất hùng” là 7 nước mạnh nhất và
luôn tìm cách thôn tính lẫn nhau. Các chư hầu tranh nhau làm bá chủ, chiến
tranh xảy ra thường xuyên, vùng trung nguyên (lưu vực sông Hoàng Hà) hỗn loạn.
Khổng Tử có hoài bão khôi phục lại quyền lực như
thời nhà Tây Chu, ông muốn làm như Chu Công (hay Chu Công Đán, tên thật là Cơ
Đán), định lại quy chế “phân phong chư hầu”: “Nay Khổng Khâu theo phép
tắc của Tam vương, làm sáng cả cơ nghiệp của Chu công, Thiện Công.” (KTTG,
Sử Ký). Khổng Tử “nghiện” lễ nghi nhà Tây Chu: “Nhà Chu noi
gương hai triều đại trước, lễ nghi nhà Chu rực rỡ làm sao! Ta theo nhà Chu.”
(KTTG, Sử Ký). Ông rất thán phục và thường nằm mơ thấy Chu Công, khi gần
chết ông than: “Ta suy nhược lắm rồi! Đã từ lâu ta chẳng mơ thấy Chu Công”
(Luận Ngữ , Thuật nhi đệ thất, chi ngũ: “Tử viết: “thậm hỹ ngô suy dã! Cửu hỹ
, ngô bất phục mộng kiến Chu Công!”).
Theo như quan niệm thời nhà Tây Chu, vua là
“thiên tử” là con Trời.Vì đất đai rộng lớn (cái nhìn cổ thời) nên chia cho các
chư hầu cai trị từng vùng, chư hầu phải thần phục nhà vua, vùng đất ở giữa và
các chư hầu chung quanh xưng là Trung Hoa, thay Trời để cai trị. Đây là chế độ
phong kiến do Chu Công thiết lập. Nhà Chu -Trung Hoa- tự thấy là mình văn minh
hơn các dân tộc chung quanh; nên phải “giáo hóa” họ, thực chất để dùng vũ lực
xâm chiếm và ép buộc các dân tộc này phải theo văn hóa của họ, nếu không theo sẽ
tiêu diệt. Nạn Hoa hóa cho các dân tộc chung quanh ngoài Trung Hoa bắt đầu từ
đây. Qua diễn tiến lịch sử, chúng ta đã thấy kết cuộc rất rõ ràng, khởi đầu
Trung Hoa chỉ là vùng lưu vực sông Hoàng Hà, ngày nay Trung Quốc với diện tích
lớn thứ ba trên thế giới, 9.6 triệu km2, gồm 55 chủng tộc.
Khổng Tử muốn làm như Chu Công thì đương
nhiên ông phải cổ võ cho sự “giáo hóa” các dân tộc man di, là phải theo ta nếu
không thì bị tiêu diệt, chủ trương “hưng Hoa diệt di” đã được thi hành nhiều lần
qua lịch sử, một sự kỳ thị về chủng tộc rất tàn bạo! Nếu một
người thường có quan niệm tự hào dân tộc mình là nhất (kiêu ngạo) thì cũng chỉ
có tính cách cá nhân, sẽ ít gây thiệt hại. Tuy nhiên “thánh nhân” mà có chủ
trương này và phổ biến hay truyền dạy tư tưởng này cho hậu thế thì kinh
khủng quá! “Thánh nhân” đã không nghĩ đến hậu quả của chiến tranh diệt chủng! Để
rồi tư tưởng này trở thành tai họa truyền kiếp đến ngày nay cho nhân loại!
Khổng Tử kỳ thị man di?
Luận ngữ, “Hiến vấn đệ thập tứ”: “Tử viết:
“Quản Trọng tướng Hoàn Công, bá chư hầu, nhất khuông thiên hạ, dân đáo vu kim
thụ kỳ tứ. Vi Quản Trọng, ngô kỳ phi phát tả nhậm hĩ...” (Quản Trọng làm tướng
quốc cho (Tề) Hoàn Công, nước Tề làm bá chủ chư hầu, làm thiên hạ vào một
khuông phép. Không có Quản Trọng thì chúng ta đã phải búi tóc và cài
nút áo phía trái), các dân tộc thuộc Bách Việt có phong tục “phi phát, tả
nhậm”, câu này Khổng Tử đề cao Quản Trọng là ông này đã “nhất khuông
thiên hạ”, nhờ có Quản Trọng dẹp yên dân man di nên Khổng Tử đã không phải
theo tục lệ của Man Di. Câu này nói lên quan niệm của Khổng Tử về man di
với sự khinh thường, quan niệm này đã trở thành truyền kiếp.
Chúng ta thử tìm hiểu xem Khổng Tử đã làm gì
liên quan đến vấn đề này qua Sử Ký (KTTG):
“Tề Cảnh Công bèn sai sứ giả mời vua Lỗ lại họp
ở Giáp Cốc. Lỗ Định công sắp sửa lên xe đến họp thân mật. Khổng Tử bấy giờ quyền
giữ chức tướng quốc... Bèn mang theo tả tư mã và hữu tư mã, họp mặt với Tề Cảnh
công ở Giáp Cốc... Ở đấy dựng lên một cái đàn có ba bậc tam cấp bằng đất
và hai người gặp nhau theo nghi lễ... Và ngay đó, một người cầm cờ lông
thú và lông chim mang lông chim sáo, giáo, kích, kiếm và khiên bước ra trong tiếng
trống và tiếng hò la và bước lên đài. Khổng Tử rảo bước tiến ra, bước lên các bậc
tam cấp, nhưng không qua bậc trên cùng, giơ ống tay áo lên nói:
- Vua hai nước chúng ta hội họp nhau than mật, chơi
thứ nhạc Di, Địch làm gì? Xin ra lệnh cho quan đương sự để họ đuổi những
người kia đi.”
Vì thế Trung Hoa luôn có ý định “áp đặt” văn
minh của họ đến cho các dân tộc chung quanh bằng võ lực. Đến ngày nay, ngoại trừ
dân Lạc Việt, toàn thể Bách Việt đã bị Hoa hóa hay Hán hóa. Man ở phía nam, Di ở
phía đông, Địch ở phía bắc, Nhung ở phía tây cũng đã bị Hán hóa.
4-Văn hóa kiêu ngạo và bành trướng
Từ thời Tây Chu, ý niệm vua là “thiên tử”, là
con Trời đã có. Quan niệm về “thiên mệnh” của Khổng Tử lại được các Nho gia cổ
võ, do đó vai trò của thiên tử càng tỏ rõ khi hoàng đế nhà Hán lên ngôi và trọng
dụng Nho học cho mục đích chính trị. Quyền lợi của hai bên đều được nâng cao,
uy quyền của hoàng đế được tung hô, Nho gia có được bổng lộc, và dân chúng thêm
ách nặng.
Óc kiêu ngạo và tự tôn
Để nâng cao uy thế cũng như ảnh hưởng, Nho gia
đã đề cao sự góp phần cho nền văn hóa Trung Hoa kiểu mẫu của họ mà “lũ man di”
phải noi theo! Hoàng đế hay Thiên tử được tôn là con Trời, thay Trời “giáo hóa”
mọi dân tộc. Đây là một sự tự tôn của một thể chế quân chủ toàn trị, muốn các
dân tộc chung quanh phải hội nhập với mình. So với các dân tộc chung quanh, gồm
những bộ tộc du mục phía bắc, các dân tộc nông nghiệp phía nam, chế độ quân chủ
của Trung Hoa đã có qui củ hơn. Tuy nhiên tự cho là mình văn minh hơn các dân tộc
khác, rồi vênh váo lên mặt giáo huấn họ thì cả là một sự kiêu ngạo quá đáng. Hậu
Hán thư của Phạm Việp đã sỉ vả dân Giao Chỉ: “Người như cầm thú, không phân
biệt trưởng ấu (tức không có tôn ti trật tự), búi tóc ở gáy, đi chân không, lấy
vải quấn qua đầu làm áo”.
Phong hóa của mỗi dân tộc mỗi khác, nhưng các
Nho gia đã theo tư tưởng của Khổng Tử là khinh thường các văn hóa khác và tìm
cách áp đặt. Gốc du mục là dùng vũ lực để đánh chiếm, những gì dùng được thì cướp,
còn lại là thiêu hủy. Thành Cát Tư Hãn và quân Mông Cổ đã làm như vậy từ Á sang
Âu. Gốc gác du mục còn lưu lại đến ngày nay tại Trung Hoa qua cách ẩm thực (thịt
chiên xào được dùng nhiều hơn từ phía bắc Trường Giang, thời cổ dùng thịt và mỡ
thú vật, so với rau luộc hấp phổ thông hơn ở phía nam). Thời Khổng Tử vùng
trung nguyên chưa biết dùng thực phẩm chính là gạo mà dùng hột kê. Gạo là sản
phẩm của văn minh lúa nước Bách Việt nói chung, Lạc Việt nói riêng. Nhà Tần xâm
chiếm vùng này năm 221 TCN (ngoại trừ Lạc Việt), thế mà thời cuối thời Tiền
Hán, sử sách Trung Hoa lại nói là thái thú Hán: “(Nhâm) Diên mới dạy
dân khai khẩn ruộng đất, hàng năm cày trồng, trăm họ no đủ” (ĐVSKTT). Đây
là trò kiêu ngạo và tự tôn một cách gian trá của đám Nho
gia viết sử. Tuy nhiên, các thế hệ kế tiếp tại Trung Hoa lại tin, rồi nghĩ
họ là cái nôi của nền văn minh nhân loại, nên đã phải khai hóa lũ Nam Man,
cũng như các dân tộc khác. Thế là niềm tự hào về dân tộc được ve vuốt và tư tưởng
“đại Hán” được truyền bá dễ dàng đến ngày nay, mặc dù đây là sự kiêu ngạo, tự
tôn một cách gian trá và lố bịch (ngụy tạo trong Olympic 2008, ăn cắp hình ảnh
trong phim “Top Gun”). Việt Nam đã bao lần (bị xâm lăng rồi phải triều cống),
cũng như đang khốn khổ (bị uy hiếp) vì cái trò kiêu ngạo và tự tôn kệch cỡm
này.
Chủ nghĩa bành trướng
Từ cổ thời các dân tộc có những nền văn hóa khác
nhau, nếu muốn các dân tộc này theo mình, thì cách nhanh nhất là dùng võ lực để
đánh chiếm (tư tưởng du mục?), sau đó đặt ách cai trị (quan niệm của Nho gia?)
để bắt các dân tộc này phải theo, đây là chủ nghĩa bành trướng của
Trung Hoa, cách thức này hiện tại vẫn còn đang được áp dụng. Điển hình là
vùng Tân Cương, Tây Tạng trong thế kỷ 20. Cổ thời, từ một khoảng đất tại lưu vực
sông Hoàng Hà, ngày nay Trung Hoa đã có diện tích lớn thứ ba trên thế giới.
Đất đã là mục tiêu của tư tưởng “đại Hán”, ngày nay lại thêm mục tiêu về biển,
một mối đe doạ cho các nước quanh Trung Hoa! Tất cả chỉ là sự canh tân của “tư
tưởng Đại Hán” cho hợp với tình thế hiện tại và tương lai!
5-Văn hoá chống hòa bình?
Qua kinh nghiệm lịch sử của nhân loại, những gì
bất công dễ đưa đến chống đối hoặc tranh chấp. Trong một xã hội mà một giai cấp
bị đàn áp và bóc lột thì sẽ có những sự vùng dậy; để con người đòi quyền được sống,
nội chiến có thể xảy ra. Tới một bình diện lớn hơn là dân tộc, những sự đối xử
bất bình đẳng sẽ đưa đến chiến tranh giữa các dân tộc.
Nhà Tần chủ trương chiến tranh xâm lăng, có tính
cách du mục là cướp, nếu dùng được thì giữ, không thì thiêu hủy. Khi đã chiếm
được thì áp dụng chủ thuyết của Pháp gia trong việc cai trị tàn bạo nên suy tàn
rất nhanh (15 năm). Nhà Tây Hán với chủ trương chiến tranh xâm lăng, ngụy trang
dưới chiêu bài “giáo hóa”, bề mặt là “nhân trị”, nhưng bên trong là “pháp trị”
gay gắt , bàn tay sắt bọc nhung, đánh chiếm rồi cai trị và bóc lột thật
là phi nhân bản. Phương pháp này đã được các Nho gia góp ý cho những
hoàng đế Trung Hoa đầy tham vọng qua các đời; với mục đích được chia phần lợi lộc.
Đây là một trò giả hình về đạo đức để đàn áp các dân tộc khác.
a-Kỳ thị đẳng cấp gây nội loạn?
Như đã được trình bày trong phần trước, Nho Giáo
đã tạo nên một sự kỳ thị về đẳng cấp ngay trong xã hội Trung Hoa, đám cai trị gồm
vua chúa, kế đó là đám “kẻ sĩ” Nho gia làm quan, sau đó là đám dân bị trị gồm
đa số quần chúng. Thời Hán, Nho giáo trở thành quốc giáo, thi cử để tuyển chọn
người ra làm quan đặt trên căn bản Nho học, điều hành việc cai trị do các Nho
gia đảm trách, ngay cả hoàng đế cũng được huấn luyện từ tư tưởng Nho học. Hậu
quả của sự phản hòa bình, dù trực tiếp hay gian tiếp, gây ra bởi Nho giáo như
thế nào?
Để kiểm chứng, chúng ta có thể nhìn sơ qua lịch
sử Trung Hoa kể từ thời nhà Hán, hầu hết những cuộc nổi dậy đều do giai cấp bị
trị, họ đã bị phỉnh gạt bởi cái “đạo” của đám Nho gia với chữ “nhân” mờ
ảo (“nhân” với ai, với mọi người hay chỉ trong gia tộc và thân thuộc hay một đẳng
cấp nào đó?)! Khởi đầu thì dân chúng theo, vì mong muốn có sự bình đẳng
của con người và được no đủ. Khởi nghĩa thành công, đám Nho gia vẫn được
dùng làm quan lại, vẫn tiếp tục bóc lột, rồi lại khởi nghĩa. Vòng luẩn quẩn này
có tính cách truyền kiếp. Không có tư tưởng nào được nêu ra để thay đổi hẳn tư
tưởng Nho giáo, thấy sai rồi sửa sai, lại thấy sai! Chu Hy rồi Vương Dương Minh
có cố gắng để chỉnh đốn, nhưng cũng vẫn chỉ là não trạng của Nho gia, đâu lại hoàn
đấy! Không một ai có được tư tưởng bình đẳng của Mặc gia, có lẽ
cũng chỉ vì sự tự tôn và vị kỷ của đám Nho gia đầy kiêu ngạo, cho
quan niệm của mình là nhất!
Cuối thời nhà Thanh, Hồng Tú Toàn khởi nghĩa dựng
nên Thái Bình Thiên Quốc, ông này bị ảnh hưởng phần nào bởi tinh thần của Thiên
Chúa giáo (thi hỏng nhiều lần, sau đó học về Kinh Thánh, xưng là em của
Jesus!?), đề cao sự bình đẳng, dân chúng vùng Quảng Tây rồi các tỉnh
khác theo, thắng lợi liên tiếp, đã từng mang quân tới Thiên Tân (gần Bắc Kinh),
lập quốc đóng đô ở Nam Kinh. Tuy nhiên đầu óc của ông này vẫn mang nặng tính
cách của Nho gia, đến khi làm vua lại theo đường lối cũ rồi bị tiêu diệt. Đây
là mộc cuộc nổi loạn có số thương vong nhiều nhất trong lịch sử Trung Hoa
và có lẽ nhất trên thế giới từ trước đến nay (trực tiếp khoảng 25 triệu,
gián tiếp có thể lên tới 100 triệu, theo như tài liệu trong sách "Sử
Trung Quốc" của học giả Nguyễn Hiến Lê).
Bất bình đẳng dễ đưa đến nội loạn; bất kể nơi
nào trên thế giới, Hoa Kỳ cũng đã xảy ra nội chiến, tuy nhiên một nền văn hóa
truyền kiếp; có sự bất bình đẳng truyền kiếp; thì nội chiến sẽ xảy ra hết đời
này đến đời khác. Nho Giáo từ Khổng Tử trở đi đã tạo nên sự kỳ thị về đẳng cấp,
từ đó sẽ có nội loạn và chiến tranh cho đến khi con người có sự bình đẳng. Mới
đây (2009), người Hồi ở Tân Cương đã gây phản ứng nhưng bị dẹp yên, tuy nhiên
còn bất bình đẳng thì sẽ còn Tây Tạng, còn dân tộc Tráng, còn Nội Mông, còn
v.v... và v.v...
b-Kỳ thị chủng tộc gây chiến tranh?
Chiến tranh là hiện tượng lịch sử của nhân loại.
Chiến tranh là dùng vũ lực để giải quyết sự xung đột. Giữa các dân tộc trên thế
giới thì sự tham lam, kiêu ngạo, kỳ thị, lừa dối thường là do tính vị kỷ của
con người, sự vị kỷ dễ đưa đến xung đột vì phía nào cũng muốn điều lợi cho phần
mình, phe phái của mình.
Tính du mục hiếu chiến
Văn hóa du mục có tính cách hiếu chiến, trọng võ
hơn văn. Từ khi chiếm được vùng lưu vực sông Hoàng hà, một bộ tộc mạnh (truyền
thuyết về nhà Hạ) chuyển qua phương cách định cư và thôn tính các bộ tộc
chung quanh. Sau đó xã hội gồm có nhiều bộ tộc, một thể chế chính trị được
thành lập; đó là nhà Thương, rồi đến chế độ phong kiến nhà Chu, văn hóa được
thành hình, tuy nhiên vẫn còn nặng tính cách hiếu chiến của dân du mục. Chiến
tranh xảy ra liên miên qua các thời Xuân Thu và Chiến Quốc. Trung Hoa thống nhất,
Tần vương Doanh Chính làm hoàng đế, tuy nhiên vì muốn bành trướng nên chiến
tranh vẫn tiếp tục (Mông Điềm đánh Hung Nô phía bắc, Đồ Thư chinh phục Bách Việt
phía nam). Nhà Tần suy thoái, Trung Hoa lại lâm vào cảnh nội chiến giữa các thế
lực. Hai thế lực còn lại là Lưu Bang và Hạng Vũ tranh nhau, chiến tranh vẫn tiếp
diễn. Lưu Bang thắng dựng nên nhà Hán. Tuy nhiên vì muốn mở rộng về phía bắc,
Trung Hoa luôn có chiến tranh với Hung Nô. Nếu không có chiến tranh với các dân
tộc chung quanh, Trung Hoa lại chia phe ra đánh lẫn nhau, lập thành nhiều nước
như thời Tam Quốc, Ngũ Hồ thập lục quốc, Nam Bắc Triều, Ngũ Đại thập quốc. Tuy
nhiên khi nàoTrung Hoa thống nhất thì tai họa chiến tranh lại xảy ra cho các
lân bang.
Tính cách hiếu chiến của du mục tàn bạo nhưng nhất
thời. Sự hiếu chiến cộng thêm với sự cai trị để bóc lột và chủ trương đồng hóa,
ngụy trang dưới chữ “nhân” để “khai hóa”; thì hậu quả cho các dân tộc
láng giềng sẽ kinh khủng hơn rất nhiều! Đây là một chính sách tàn độc (tàn bạo
và thâm độc) có tính cách lâu dài và đưa đến sự diệt chủng một cách êm thắm. Việt
Nam đã là nạn nhân của chính sách này qua nhiều lần bị Bắc thuộc, cũng như vùng
Bách Việt đã bị Hán hóa hầu hết, ngoại trừ Lạc Việt.
Tự kiêu về văn hóa và chủng tộc: tư tưởng Hán
hóa
Chủ trương mang “văn hóa” đi truyền bá kèm theo
vũ lực vẫn tiếp tục, qua hàng ngàn năm cũng vẫn chỉ là bành trướng: tư
tưởng Hán hóa. Như đã trình bày trong phần trước, Nho giáo đã di truyền lại
cái tư tưởng tự kiêu tự đại, cảm thấy mình là nước lớn, nước “có văn hóa”
nên luôn tự kiêu. Hoàng đế luôn luôn cho mình là chủ của các lân bang, “ai
cũng là thần dân”, không đánh chiếm được thì tạm “tha làm phúc”, bắt triều
cống rồi chờ cơ hội khác. Chỉ khi nào Trung Hoa có nội loạn, hoặc chia năm xẻ bẩy,
hay bị các bộ tộc du mục phía bắc (Kim, Mông, Mãn) uy hiếp hay chiếm đóng; thì
các nước phía nam và phía tây mới được tạm thời yên ổn!
Trung Quốc có phải là cái họa của lân bang?
(còn tiếp)
Trần Việt Bắc
danlambaovn.blogspot.com
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.de/2013/10/nho-giao-va-van-minh-phuong-ong-cung-am_21.html#.UmepXVOAWRA
======================================================================
Nho Giáo và văn minh phương Đông cùng âm mưu Hán hóa (Phần 3)
Trung Quốc có phải là
cái họa của lân bang?
Đông dân nên cần thực thực phẩm và tài nguyên
Ngày nay, ngoài việc tìm cách chiếm đất của các
quốc gia kế bên, Trung Quốc lại tìm cách bành trướng thêm ra biển. Nguyên nhân
nào cổ võ cho sự bành trướng ngoài tính tự kiêu tự đại? Trung Hoa đông dân nhất
thế giới, trong khi đó tỉ lệ diện tích canh tác tính theo đầu người đã rất giới
hạn. Để có đủ thực phẩm, diện tích canh tác hay chăn nuôi phải tương đương;
trong khi kỹ thuật canh nông vẫn không thay đổi. Mặc dù nội chiến liên miên qua
các thời đại, số người bị chết trực tiếp cũng như gián tiếp vì chiến tranh
rất nhiều, nhưng dân số Trung Hoa vẫn không giảm. Đặc biệt là từ thời nhà
Thanh, Trung Hoa tương đối ổn định, dân số tăng rất nhanh (1650: 145 triệu người,
1800: 280 triệu người), sau đó dân số vẫn tăng theo tỉ lệ này (khoảng 1.3
tỷ người ngày nay), mặc dù Trung Hoa với qui chế một con dưới chế độ Cộng sản
(~1957) đã hơi sút giảm, nhưng sau đó vẫn tăng nhanh (xin coi biểu đồ). Để
giải quyết tình trạng không đủ thực phẩm và tài nguyên, chính sách bành trướng
được áp dụng triệt để qua các triều đại của Trung Hoa, cũng như hiện đang xảy
ra ngày nay.
voxeu.org/sites/default/files/image/galor%20fig1.JPG
Đông dân vì phải có nối dõi và khuếch trương
dòng tộc?
Có phải đông dân vì quan niệm của Nho giáo?
Mạnh Tử viết: “Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại” (có ba điều bất hiếu,
không có nỗi dõi là điều lớn nhất), vậy phải sinh con cho đến khi có con trai,
nếu không thì bất hiếu, con gái gả chồng thuộc họ khác, không phải họ mình! Hơn
nữa, quan niệm về dòng tộc là phải làm cho dòng họ mình lớn mạnh; để ganh đua
và tạo vị thế hơn thua với các họ khác. Việc ganh đua dễ đưa đến thù hận giữa
các dòng họ, sự “diệt tộc” đã xảy ra rất nhiều lần qua quá trình lịch sử của
Trung Hoa và Việt Nam! Khởi đầu từ những xung đột về quan điểm cá nhân; dễ
đưa đến chiến tranh nhỏ giữa các dòng tộc! Tuy nhiên nhiều lần đã đưa đến chiến
tranh rộng lớn, khi cá nhân đó có quyền hành và quân lực trong tay! Kẻ thắng nếu
làm vua đã đưa ra những hình phạt kinh rợn như “tru di tam tộc” hay tệ hơn nữa
là “tru di cửu tộc” (Minh Thành Tổ Chu Đệ tru di cửu tộc của văn học sĩ Phương
Hiếu Nho, tổng cộng 873 người)! Quan niệm dã man này từ đâu mà có? “Khổng Tử
khích lệ mối quan tâm cá biệt cho gia đình, thân tộc của mỗi người, gây nhiều
thương tổn cho cảm giác phổ quát của loài người về thiện chí. Mặc Tử
tuyên bố rằng lòng trung thành ưu tiên cho gia tộc - thân nhân: thân yêu người
thân - là cội rễ của cái ác.” (trích lại từ phần trước).
Chiến tranh xảy ra , trước hết là từ quan điểm,
quan điểm đưa đến suy nghĩ rồi hành động, Nho gia là đám quan lại hiến kế cho vua
chúa để giải quyết vấn đề với cái quan điểm tự tôn, kỳ thị và đầy âm mưu thâm
hiểm, với cái “gene” du mục còn lưu lại bằng chính sách xâm lăng và bành trướng!
(Nho gia với chủ trương canh tân là Vương An Thạch, người đưa ra chủ trương
đánh Đại Việt; gây nên chiến tranh Tống - Lý là một thí dụ điển hình). Cái não
trạng cổ điển này vẫn còn đang được áp dụng cho đến ngày nay! Tạo chiến tranh bằng
cách này hay cách khác để xâm lăng, dùng chiến lược “tằm ăn dâu”, hay chiến
tranh ngoại giao không xong thì dùng vũ lực khi có khả năng?!
Nhân loại gần như không lúc nào dứt chiến tranh,
tuy nhiên tại từng quốc gia, nếu so sánh tỉ lệ thời gian giữa chiến tranh / hòa
bình, cũng như lấy tỉ số thương vong / dân số thì có lẽ Trung
Hoa chiếm giải nhất. Giải nhất vì chính sách bành trướng và xâm lăng luôn được
duy trì!
a- Chiến tranh cản trở văn minh; hay chiến tranh
tăng trưởng văn minh (chạy đua phát minh về phòng thủ)? Có thể cả hai, tuy
nhiên đến một mức nào đó sẽ là sự hủy diệt. Einstein đã nêu lên vấn đề:
“I know not with what weapons World War III will be fought, but World War IV
will be fought with sticks and stones." (tôi không biết là vũ khí nào dùng
trong thế chiến thứ 3, nhưng thế chiến thứ 4 thì vũ khí sẽ là gậy và đá)
b-Nho Giáo gây ra bất bình đẳng nên dễ đưa đến
chiến tranh.
c-Vậy có phải Nho giáo là sự cản trở hòa bình và
văn minh?
6-Văn hóa “đội trên đạp dưới”
Phần trình bày vừa qua đã nêu lên chính sách “đối
ngoại” của kẻ sĩ - những Nho gia. “Đối nội” thì kẻ sĩ hành xử như thế nào?
Kể từ khi Lưu Bang dựng nhà Hán, Nho gia được trọng
dụng trong hệ thống cai trị, các tầng lớp cai trị được hệ thống hóa. Ngoại trừ
các võ quan chỉ huy về quân sự, các kẻ sĩ là những người trực tiếp cai trị dân
chúng; mà sự bổ nhiệm đều do triều đình. Nho gia cũng là những quan lại có được
bổng lộc từ triều đình, tất cả được chỉ định dù trực tiếp hay gián tiếp từ
hoàng đế, chính sách trung ương tập quyền. Người thi đậu - kẻ sĩ- được làm quan
là một sự vinh hạnh cho cá nhân, gia đình và dòng tộc. Họ coi như
đây là một ân huệ để họ- những kẻ không tạo ra nhu yếu phẩm cho đời sống
- mong được lệ thuộc, ngoại trừ đi ẩn. Sự qụy lụy quân quyền đã thấm vào
máu và óc của người được ra làm quan là “trung quân”. Hoàng đế hầu như có toàn
quyền sinh sát với các quan lại dưới trướng, kẻ sĩ vì bổng lộc cho cá nhân, gia
đình hay dòng họ đã hoàn toàn trở thành công cụ.
“Đội trên”
Đối với vua chúa, kẻ sĩ không có chữ “kính” (làm
sao có thể “kính” một lũ hầu hết là hôn quân) mà chỉ có một chữ “sợ”, sợ
vì mất bổng lộc, sợ vì mất danh tiếng, sợ bị giết, sợ bị tru di tam hay cửu tộc,
sợ và hèn, ngoại trừ muốn làm loạn, làm phản thần để lật đổ ngôi vua rồi làm
vua (như Vương Mãng, Chu Ôn bên Tàu,..., Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dung,... bên Việt
Nam). Chữ “sợ” đã được áp dụng trong việc cai trị cho mọi thời đại, mọi quốc
gia đến ngày nay! Để tránh tiếng hèn, kẻ sĩ đề cao sự trung quân cho phải “đạo”.
Đối với vua chúa đã vậy, với các quan chức quyền hành hơn mình, kẻ sĩ cũng phải
qụy lụy để bảo vệ chức vụ, hầu có bổng lộc và thăng quan tiến chức. Những cách
thức thường được dùng để làm vừa lòng bề trên là nịnh nọt và đút lót, quan bé nịnh
quan lớn, quan lớn nịnh vua, nịnh có hệ thống và có phương pháp . Chung
quy, đối với “bề trên”, kẻ sĩ đội họ lên đầu. Biết mình hèn, kẻ sĩ
phải tìm cách chữa cái hèn này, họ bèn vẽ vời về vị trí của kẻ sĩ là họ đứng đầu
trong các giai cấp của xã hội: “sĩ, nông, công, thương”, mà thật ra họ đứng
ngoài xã hội! Nho giáo đã tạo nên một đám kẻ sĩ hèn, kiểm qua lịch sử 5000 năm
của Trung Quốc những kẻ sĩ không hèn chả được bao nhiêu, và kẻ sĩ “hùng”chỉ đếm
được trên đầu ngón tay!
“Đạp dưới”
Những người làm quan thì “đội” trên, nhưng lại
“đạp” dưới, họ khinh thường và đàn áp người dân, những kẻ bị trị. Lịch sử đã chứng
minh, số quan lại thanh liêm nào có được bao nhiêu người, họ được ca tụng không
tiếc lời, dù đó là việc họ nên làm và phải làm. Trong khi đó số tham quan thì
quá nhiều, còn những bè đảng của chúng thì hằng hà sa số. Những kẻ này đã bóc lột
người dân tới tận xương tủy, để thoả mãn túi tham, để đút lót cho đám quan
trên, để cung cấp cho những triều đình hoang phí xa xỉ. Chung qui thì đa số
quan lại áp bức người dân vì sự vị kỷ của họ và của cấp trên.
Khổng Tử nói: “hà chính mãnh ư hổ”( Điển
cố: Chánh sách hà khắc khốc hại hơn là hổ), nhưng sự hà chính lại khởi
nguyên từ quan niệm của Nho giáo: “...hình bất thượng đại phu” (...,
hình phạt không áp dụng cho bậc đại phu) (Lễ Ký, Khúc Lễ thượng). Sự bất bình đẳng
là đây, “đại phu” cứ việc làm bậy và được luật pháp che chở?! Quan lớn được
bình phong của Nho giáo chắn, bao che cho đám quan bé ức hiếp dân, tạo nên một
hệ thống đàn áp với vũ lực phía sau. Rồi quá trớn hơn nữa là sự trộm cướp và
tham nhũng . Dù luật pháp các triều đại có thay đổi, nhưng tư tưởng này đã bám
vào óc của kẻ sĩ ra làm quan. Kết cục, người dân không còn lối thoát, chỉ còn
cách vùng dậy để cứu chính mình. Câu “đằng nào cũng chết” là câu thường được
dùng; khởi đầu cho sự nổi dậy của người dân qua lịch sử của Trung Hoa.
“Cướp ngày là quan”
Tại Việt Nam ngày nay, có câu ca dao đang được
phổ biến: “Con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm là giặc, cướp ngày là
quan!”. Mặc dù “quan ngày nay” khác với quan ngày xưa là kẻ sĩ, ngày
xưa kẻ sĩ ít ra thì họ cũng phải đi thi, phải thi đậu rồi mới được làm quan. Họ
cũng học được ít nhiều điều hay từ Nho học, dù dối trá tham tàn cũng tràn lan,
nhưng tối thiểu là một số đông cũng biết xấu hổ, che đậy hành vi của mình, họ
chưa đến độ trắng trợn là “cướp ngày” như ngày nay. Tuy nhiên, người viết không
lạm bàn về đám “cướp ngày”, vì đây là vấn đề thời sự, mà chỉ bàn đến những kẻ
làm quan là “kẻ sĩ”, gian tham đủ điều, hiếm hoi có một số thanh liêm.
Khiêu Lập Dân, trong "Thất thập
niên đại Tạp chí ", Hồng Kông, ngày 12-11-1973. (Trích trong sách “Người
Trung Quốc xấu xí” của Bá Dương):
“... Sở dĩ mồm không nói đến lợi, nhưng trong bụng
lại nghĩ đến lợi một cách sống chết, vì thế mới làm quan để vơ vét.
Chuyện tên đạo tặc khét tiếng Trịnh Chúng đời
Nam Tống, sau khi quy hàng được bổ làm quan, bị đồng liêu coi rẻ, y tức mình
bèn có thơ rằng:
"Các vị làm quan rồi trộm cướp,
Trịnh Chúng trộm cướp rồi mới làm quan!"
(Các vị tố quan hựu tố tặc,
Trịnh Chúng tố tặc tài tố quan)
Đúng là một câu nói toạc móng heo cái việc làm
quan!...”
Những trò trộm cướp của đám quan lại là gì? Ăn cắp
của công, dùng quyền lực cướp tài sản của dân và nhiều hình thức cướp của “có
giấy phép”; đã đưa đến sự vùng dậy của dân chúng, như vụ nổi loạn của Vương Tiểu
Ba thời Tống Thái Tông, Cát Hiền thời Minh Thần Tông, v.v…
Cướp bóc thì trên thế giới chỗ nào cũng có, những
Nho gia ra làm quan nhiều người không muốn vướng vào những trò gian ác này,
nhưng khi cái guồng quay được điều hành từ trên, cộng thêm lòng tham của “kẻ
sĩ”, vì thế đã lao vào thì khó cưỡng lại. Vua thì ăn chơi xa xỉ, ngân quỹ hao hụt,
chiến tranh cần chiến phí, quan to ra lệnh quan dưới, quan dưới chèn ép và bóc
lột dân. Triều đại nào may lắm thì được một vài ông vua đầu, còn ngoài ra thì hầu
hết các ông vua chẳng ra gì. Quan niệm “trung quân” của Nho giáo là
một yếu tố chính đã làm người dân khốn khổ. Quan thì lo vơ vét, dân chỉ
lo có đủ ăn, sự việc lập đi lập lại từ triều đại này qua triều đại khác, kể cả
đến ngày nay! Như thế thì làm sao mà có thể cải tiến để có đời sống tiến
bộ hơn!
Nạn tham nhũng
Tham nhũng là gì? Là lạm dụng chức vụ, quyền hạn,
hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho
tài sản của quốc gia, hay toàn thể dân chúng. Kẻ sĩ ra làm quan nếu thanh liêm
thì thường không giàu có gì, ngoại trừ có được chút tiếng tăm cho gia đình hay
dòng họ. Để có thêm bổng lộc cho mình, cũng như nộp cho quan trên thì tham
nhũng là cách thức “hay nhất”, nhiều khi không muốn cũng khó chối từ. Vì không
quá lộ liễu và ít bị phản ứng trực tiếp từ dân chúng, hình thức tham nhũng được
áp dụng nhiều hơn cả. Những thí dụ như tăng thuế, hối mại quyền thế, nhưng hình
thức thịnh hành nhất là ăn hối lộ.
Hối lộ đã được các Nho gia đặt cho cái danh từ hoa mỹ là “lễ”, như
phải có “lễ” để “tiến” vua, “lễ” để biếu quan, chữ “lễ” trong kinh điển Nho
giáo được “cải tiến” cho hợp thời, hợp lúc. Tùy ân sủng của quan, người dân phải
mang “lễ” để biếu quan một cách tương xứng; dù có gần chết đói; thì “lễ” cũng
phải làm quan vừa lòng (tham). Rồi quan bé phải có “lễ” cho quan to. Đây là một
tập tục nếu không muốn nói là hủ tục, tục này đã đi vào văn hóa của cả Trung Hoa
và Việt Nam. Tập tục này có ảnh hưởng đến văn minh hay không? Xin để độc giả
phán đoán.
Tham nhũng bằng đủ mọi hình thức đã thấm sâu vào
máu huyết và não trạng của xã hội phương Đông từ nhiều ngàn năm, là tầm gởi ăn
bám vào văn hóa, quan lớn quan bé đua nhau tham nhũng, đến nay sự di hại vẫn tiếp
diễn. Bất cứ một sự cải tiến nào của xã hội cũng cần chi phí để thi hành, như mở
mang giáo dục, tu bổ giao thông, nâng cao điều kiện sống của dân chúng, v.v...
ngân khoản không đủ hay thất thoát thì không có phương tiện và sự cải tiến bị
đình trệ. Vì thế tham nhũng đã là một yếu tố lớn cản trở sự văn minh!
7-Văn hóa thủ cựu và chữ “lễ” bị đóng khung
“Ôn cố tri tân”
“Ôn cố tri tân” là ôn lại những gì cũ, để từ đó
có thể biết hay suy ra những điều mới. Đây là một việc rất tốt để cải thiện những
gì liên quan đến cuộc sống của con người, từ tư tưởng, văn hóa, xã hội, chính
trị, khoa học, v.v... Luận Ngữ, thiên Vi chính 2-11: Tử viết: “Ôn cố
nhi tri tân, khả vi sư hỹ” (Ôn lại điều cũ để biết điều mới, thì có thể
làm thầy được). Khổng Tử nói câu này quá đúng, quá hay, tuy nhiên, trong
Luận Ngữ, thiên Thuật nhi 7-1: Tử viết: “thuật
nhi bất tác , tín nhi hiếu cổ , ....” (Ta
chỉ thuật lại đạo của thánh hiền chứ không sáng tạo ra điều gì
mới; ta tin và hâm mộ đạo người xưa...). Về chính trị và nghi
lễ thì ông chỉ mong phục hồi lại đường lối nhà Tây Chu (1121 TCN – 771TCN) theo
kiểu mẫu của Chu Công, một thời đại cách ông cả 500 năm, thời còn rất lạc hậu!
Vậy là ông chỉ dạy người khác là “Ôn cố nhi tri tân” để làm thầy, còn
chính ông thì không cần “tri tân”, chỉ “bất tác” và “hiếu cổ” là
đủ rồi hay sao? Khổng Tử mâu thuẫn với chính ông trong sự dạy bảo?
Khổng Tử là người “ôn cố” quá kỹ
càng, ông là bậc thầy về sự hoài cổ và thủ cựu. Để cải tổ một xã hội loạn lạc
thời Xuân Thu, ông chỉ mong những gì được cho là tốt ở thời xa xưa thể hiện, về
già không mơ thấy Chu Công thì than tiếc. Khổng Tử là thầy- người khai
sáng ra Nho giáo- mà dậy như vậy thì học trò làm theo! Khi Nho giáo bị nền
quân chủ lợi dụng biến thành thành quốc giáo (thời Hán Vũ Đế), thì những gì được
coi là “tốt”, có lợi cho nền quân chủ chuyên chế được cổ võ. Vấn đề là đời sống
con người ngày càng phát triển, trong khi đường lối lại y như cũ, Nho gia lại đề
xướng thêm vấn đề “tam cương” để tự đóng gông; hướng dẫn xã hội theo một đường
hướng nhất định là “trung quân” tuyệt đối, có phải chữ “ngu trung”
đã được dùng để chỉ về vấn đề này?
Khổng Tử hay các môn sinh đã không có một đường
hướng mới hợp thời; để giải quyết các vấn đề rối ren của xã hội như Mặc Tử (chủ
thuyết “kiêm ái” và “phi công”), hay sau đó là Hàn Phi Tử (chủ trương
“pháp trị”). Giả thuyết (qua tra cứu trong Internet) là nếu mọi người đều bình
đẳng theo thuyết “kiêm ái” của Mặc Địch, cộng chung với thuyết “pháp trị”
của Hàn Phi với luật pháp qui định (đưa ra hiến pháp) thì sẽ có được chế độ gần
như “dân chủ” thời nay? Nếu đúng (!) thì Trung Hoa đã có những tư tưởng
vượt thời gian nếu (!) có tư tưởng nào đó biết gom chung hai chủ thuyết này,
phương Đông sẽ có một lịch sử khác, không phải như chúng ta có ngày nay! Hay ít
nhất có một cái “mầm” dân chủ như phương tây khoảng 500 TCN tại Hy lạp. Nhưng
Trung Hoa đã, và đang không có cái may mắn này, và điều này đã ảnh hưởng đến
láng giềng chung quanh! Việt Nam đã khốn khó với ông láng giềng đầy tham vọng,
sự tham vọng được đẻ ra từ cái không may mắn này! Có phải đây là “quả” từ cái
“nhân” của ông thầy thủ cựu?
Tư tưởng thủ cựu được duy trì đến ngày nay, cái
gì cũ cũng hay cũng tốt, nó đã biến thành quán tính trong cách suy nghĩ. Thời
còn nhỏ người viết là kẻ mê truyện võ hiệp, thấy chỉ trong những bí kíp võ công
thời cổ, mới có cách luyện nội công thâm hậu, hay c ác thế võ vô địch,
thanh kiếm cổ mới là thanh kiếm sắc bén. Đặc biệt là Kim Dung, một tác giả nổi
tiếng nhất về lãnh vực này, ảnh hưởng rất nhiều đến lớp trẻ, cũng đưa ra những
bí kíp võ công cổ điển, nếu luyện được thì sẽ thành vô địch. Tại sao không sáng
tạo ra một cái gì mới mà cứ phải đi tìm những cái cổ? Dù chỉ là hư cấu trong
truyện, nhưng đã nói lên cái bản chất của sự thủ cựu, hoài cổ hay sợ không dám
nghĩ đến sự sáng tạo?
Thử kiểm sơ những ảnh hưởng này qua các thời đại,
hơn hai ngàn năm chỉ là một nền quân chủ chuyên chế và bóc lột, đã có đầy dẫy
những cuộc “tạo phản” của người dân, chỉ để mong được sống, được no đủ, sự no đủ
với ý nghĩa tận cùng là có thực phẩm để khỏi chết đói, nói gì đến những điều kiện
để làm đời sống tươi đẹp hơn! Muốn có đời sống khá hơn thì phải có những sự
thay đổi, từ tôn giáo, chính trị, kinh tế, giáo dục, v.v..., và những gì có thể
gọi là văn minh. Cả hàng ngàn năm,Trung Hoa và Việt Nam đã không có tư tưởng hoặc
phát minh hay sáng tạo nào có thể thay đổi để văn hóa khá hơn, ngoại trừ cuộc
“Cải cách ruộng đất”, “Đại nhảy vọt” rồi “cách mạng Văn Hoá Trung Quốc”
thời Mao làm cả nước Trung Hoa điêu đứng (koảng 50 triệu người chết)! Nho
gia với chủ trương là những gì có từ thời xa xưa là điều hay lẽ phải nên cần
noi theo! Nội việc canh nông cũng là con trâu và cái cày đã có từ hàng ngàn năm
trước. Thể chế của phương đông đã làm giống như luật Murphy một cách máy móc:
“nếu cái đó đang chạy tốt, đừng sửa đổi (“if it works don't fix it”). Tuy nhiên
tốt theo kiểu nào? Tốt cho thiểu số lãnh đạo hay tốt cho toàn thể? Xã hội không
phải là cái máy! Nền quân chủ chuyên chế được lèo lái bởi đám Nho gia thủ
cựu, thiếu đầu óc sáng tạo đã làm nền văn minh bị tê liệt?
“Tiên học lễ hậu học văn”
“Tiên học lễ hậu học văn” là câu nói hay được
dùng để dạy các học trò còn nhỏ: phải học “lễ phép” trước sau đó mới học chữ.
Câu này được thu gọn từ câu trong sách Luận Ngữ, thiên Học Nhi 1-6: “Tử viết:
Đệ tử, nhập tắc hiếu, xuất tắc đệ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân,
hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn.” (Khổng Tử nói: các đệ tử này, ở nhà thì
phải có hiếu, ra ngoài thì kính người lớn tuổi, cẩn trọng điều tín, yêu thương
mọi người như họ là người thân của mình, làm vậy mà còn dư lực thì hãy học thêm
văn chương chữ nghĩa ). Trong câu này, “lễ” gồm có hiếu, kính già, giữ lời hứa,
yêu người như anh em, là nguyên tắc để đối xử với người chung quanh, chữ
“văn” là văn chương. Đây là một sự dạy bảo rất tốt và nên theo về cách đối xử
giữa người với người của Nho giáo, chữ “lễ” trong câu nguyên thủy đã bao gồm cả
chữ “đức hạnh”.
Sự học về chữ “lễ” và chữ “văn” đã
bị “đóng khung” trong sự lễ phép và văn chương. “Lễ phép” với người trên
như ông bà cha mẹ, người lớn tuổi, hay bề trên, là điều rất hay, đây là nét đặc
thù của văn hóa phương Đông. Tuy nhiên chữ “đức” trong câu dạy nguyên thủy đã
không được nói tới, đây là những điều phải theo và những điều phải tránh,
như “hiếu” là phải thảo kính ông bà cha mẹ, “tín” là
không được gian xảo lừa dối, phải thành thật, “ái chúng” là
yêu thương mọi người, không được thù hằn, ghen ghét hay làm hại kẻ khác.
Chữ “lễ” bị đóng khung trong sự lễ phép vì “bề
trên” tự đề cao và tỏ quyền uy của họ, nên ép “bề dưới” phải nghe theo những gì
họ cho là đúng, đây là một sự bất bình đẳng và kỳ thị, việc này làm giới hạn sự
phát triển trí tuệ của kẻ theo học, hơn nữa chưa chắc người lớn đã hay đã giỏi,
kinh nghiệm nhiều hơn thì có (xin coi phụ chú về cuộc
nói chuyện giữ Khổng Tử và cậu bé Hạng Thác, dù đây có thể chỉ là một giai thoại) . Chữ
“văn” chỉ có nghĩa là “văn chương”! Chữ này đã được đề cao trong sự tiến thân của
sĩ tử, học để làm quan, một nền học thuật từ chương! Sự thực dụng để khuyến
khích những tư tưởng và sự sáng tạo mới lạ có được từ kiến thức đã không được
biết tới. Các Nho gia của Việt Nam đã hướng dẫn lớp hậu bối theo quan niệm thủ
cựu của họ, với chữ “lễ” gò bó hà khắc và chữ “văn” với sự bóng bẩy nhưng
không thực dụng!
Người viết có một người bạn lớn tuổi hơn đã nêu
lên vấn đề: câu “tiên học lễ hậu học văn” nên đổi là “tiên học đức, hậu
học kiến thức” mới hợp với thời nay. Ông nói “lễ” thì tốt, nhưng “đức”
cần hơn, “văn” thì hay, nhưng kiến thức mới là thực dụng, giúp cho mình và cho
người. Chữ “lễ” quá đáng đã gây nên cái “sợ”, sợ từ bé vì không lễ phép với người
lớn, nói một câu thẳng thừng theo ý nghĩ thì bị sợ là hỗn với kẻ trưởng thượng,
bậc lão thành. Trước đám đông thì phải “kính thưa” mỏi miệng, sau đó ấp a ấp
úng nói không ra lời vì sợ bị bắt bẻ, điều muốn trình bày bị khuất lấp sau một
màn “lễ phép” và thăm dò phản ứng của “bề trên”! Người viết rất đồng ý, vì
chính bản thân mình đã bị vướng mắc về vấn đề này. Khi còn bé mà nêu ý kiến thì
bị nạt là “Vô lễ ! con nít biết gì mà nói!”. Rồi sau này sự “lễ phép”; nhiều
khi không cần thiết đã ảnh hưởng đến cả công việc để kiếm sống nơi xứ người,
nơi có quan niệm khác biệt. Nhìn thế hệ kế tiếp tại hải ngoại, chúng thuyết
trình trước đám đông với sự tự tin, nói những gì chúng muốn phát biểu, không ai
bắt bẻ là phải “kính thưa” phiền phức mất thì giờ, chúng đã không “sợ”, thính
giả mến phục vì nội dung chứ không phải sự “lễ phép” không cần thiết! Một thí dụ
điển hình về một cậu bé 12 tuổi gốc Việt “dạy” 4 giờ một tuần tại đại học Hoa Kỳ: http://www.youtube.com/watch?v=WxlcGCGUG5o
Chung qui, có lẽ chúng ta thừa hưởng một
nền văn hóa “sợ”, quan thì sợ vua, dân sợ quan, trẻ sợ già, nghèo sợ giàu,
v.v... sợ ma sợ quỉ và sợ đủ thứ! Tuy nhiên có câu tục ngữ “sợ quá hóa liều”,
mà liều thì làm ẩu, kẻ “được” sợ và kẻ “bị” sợ đều thiệt hại! Vì thế, canh tân
văn hóa là điều cần thiết để có một nền văn minh khá hơn.
Phụ chú:
Khổng Tử và Hạng Thác.
Một lần, Khổng Tử ngồi trên chiếc xe nhỏ có ngựa
kéo chu du khắp các nước. Đến một vùng nọ thấy có chú bé lấy đất đắp một tòa
thành, rồi ngồi vào trong đó, Khổng Tử liền hỏi:
“Này cháu, cháu trông thấy xe ta đi tới cớ sao
không chịu tránh?”
Chú bé trả lời:
“Cháu nghe người ta đồn rằng, Khổng Phu Tử trên
thông Thiên Văn, dưới tường Địa Lý, giữa hiểu lòng người. Vậy mà hôm nay cháu gặp
Phu Tử thì không phải vậy. Bởi vì từ xưa đến nay, chỉ nghe nói đến chuyện xe
tránh thành, chứ thành nào lại tránh xe đâu?”.
Khổng Tử ngạc nhiên quá, liền hỏi:
- Cháu tên là gì?
- Dạ Hạng Thác
- Năm nay cháu bao nhiêu tuổi?
- Dạ, 7 tuổi ạ.
- Mới 7 tuổi mà đã khôn ngoan vậy sao?
- Dạ thưa, cháu nghe nói, con cá nở được 3 ngày
đã bơi tung tăng từ hồ nọ sang hồ kia. Con thỏ 6 ngày tuổi đã chạy khắp đồng cỏ.
Cháu sinh ra đến nay đã được 7 tuổi, lấy gì làm khôn?.
Lần này thì Khổng Tử thực sự kinh ngạc, bèn đưa
ra liền 16 câu hỏi khó để thử tài Hạng Thác. Thế nhưng Hạng Thác đã trả lời
trôi chảy, rồi nói:
- Vừa nãy Khổng Phu Tử hỏi cháu nhiều quá. Bây
giờ, cháu xin hỏi Phu Tử: Tại sao con ngỗng và con vịt nổi trên mặt nước? Tại
sao chim hồng, chim hộc lại kêu to? Tại sao cây tùng, cây bách lại xanh cả mùa
hè lẫn mùa đông?
Khổng Tử đáp: Con ngỗng, con vịt nổi được trên mặt
nước là nhờ hai bàn chân vuông làm phương tiện. Chim hồng, chim hộc kêu to, là
vì cổ chúng dài. Tùng bách xanh tươi bốn mùa là vì thân chúng đặc.
- Thưa, không đúng! Hạng Thác reo lên – con rùa
nổi lên mặt nước, đâu có pahỉ nhờ đôi bàn chân vuông làm bàn đạp. Con ễnh ương
kêu to mà cổ nó đâu có dài. Cây trúc cũng xanh bốn mùa, mà ruột nó rỗng đấy
thôi.
Khổng Tử chưa biết giải thích ra sao, thì chú bé
lại hỏi:
- Thưa Phu Tử, cho phép cháu hỏi thêm. Tại sao mặt
trời buổi sáng lại to mà buổi trưa lại nhỏ?
Khổng Tử nói:
- Là vì buổi sáng, mặt trời gần ta hơn.
- Không phải ạ! – Hạng Thác vặn lại – Buổi sáng
mặt trời gần ta hơn, sao lại mát, còn buổi trưa mặt trời xa ta hơn, sao lại
nóng?
Rồi Hạng Thác lý sự một hồi, khiến Khổng Tử phải
thốt lên:
- Cháu còn ít tuổi mà lại thích hỏi những chuyện
xa xôi, viễn vông, ở tận đẩu tận đâu, chuyện trước mắt thì không hỏi.
Hạng Thác cười khanh khách nói:
- Vâng, cháu xin hỏi chuyện ngay trước mắt ngài:
- Vậy lông mày của Phu Tử có bao nhiêu sợi ạ?
Khổng Tử không đáp, sai người đánh xe đi, và
than rằng: “Hậu sinh khả úy!” (Lớp hậu sinh thật đáng sợ!). Câu “hậu sinh khả
úy” ra đời từ đấy. Hạng Thác mất năm 10 tuổi, được lập đền thờ, gọi là Tiểu Nhi
Thần, nghĩa là Thần Nhi Đồng, gọi tắt là thần đồng. Chữ “Thần Đồng” cũng có từ
ngày đó.
F-Di sản của Nho học: “văn hóa vị kỷ”
Thế giới ngày nay đã thay đổi rất nhiều, khoa học
tiến triển quá nhanh, hai thế kỷ trước, phương tây đã có cuộc “cách mạng kỹ nghệ”
(Industrial Revolution) dùng “cơ năng” để thay “cơ bắp”, dùng sức của máy
móc để thay bắp thịt với sự phát minh máy hơi nước rồi sau đó máy nổ (internal
combustion engine) kèm theo với những phát minh về điện. Sự áp dụng những phát
minh đã làm thay đổi bộ mặt các nước phương tây từ canh nông, sản xuất, giao
thông, hàng hải, v.v... Âu Mỹ đã có một bước tiến rất xa, dù cuộc cách mạng này
cũng đã gây ra nhiều vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị và quân sự, v.v... Những
việc này đã ảnh hưởng đến các chính sách đối ngoại của Âu Mỹ, các quốc gia này
tìm cách giải quyết những vấn đề của họ, mục tiêu là những quốc gia mà họ có thể
“bắt nạt”. Phương đông đã ngỡ ngàng khi phải đương đầu với các đoàn quân xâm
lăng với vũ khí tối tân. Hậu quả ra sao? Trung Hoa bị lục cường xâu xé, Việt
Nam bị Pháp xâm lăng và đô hộ. Thế kỷ 19 rồi đến tiền bán thế kỷ 20 đã qua, với
bao nhiêu biến cố cho phương đông từ phương tây mang đến, mà kết cục là sự thua
kém! Khi sáng mắt ra thì đã trễ, ngoại trừ Nhật Bản, họ đã nhìn ra vấn đề và
canh tân kịp thời.
Ngày nay Nho học không còn phổ biến như xưa, kể
cả Trung Hoa và Việt Nam, cái học từ chương để làm quan đã đi vào quá khứ, cái
học thực dụng để canh tân đã thay thế “cái học ngày xưa”. Để theo kịp trào lưu
tiến hóa và để sống còn, phương đông đã phải cải tổ về giáo dục, cũng như nhiều
vấn đề khác, tuy nhiên nền văn hóa từ Nho học vẫn còn ảnh hưởng đến ngày
nay rất nhiều. Di sản từ một nền văn hóa cả ngàn năm đã thấm vào máu và óc của
xã hội phương Đông quá sâu đậm, muốn văn minh hơ n, mỗi phần tử trong xã hội
này phải tự nhận biết và cải tổ chính cá nhân họ.
Di sản này là một niềm tin của một tôn giáo, hay
chỉ là sự ảnh hưởng lâu đời của một triết thuyết với lễ nghi có tính cách tín
ngưỡng (thờ cúng tổ tiên)?
1-Nho giáo là triết thuyết hay là một tôn
giáo?
Nho giáo hay Nho học thực tế không phải là một
tôn giáo vì không có một đấng thần linh hay đấng siêu nhiên nào được tôn thờ,
dù độc thần, hay đa thần. Đây là một triết lý về hệ thống đạo đức, mục
đích làm xã hội khỏi rối loạn, đặt căn bản trên sự đối xử người với người. Thực
tế Nho học là chỉ là một đường lối giáo dục để cố tạo ra những người quân tử, một
giai cấp dưới vua chúa , cai trị giai cấp thứ dân theo đường lối đạo đức, để
mong có một xã hội ổn định và thịnh vượng. “Sư tổ” Khổng Tử của Nho học
có tin vào một đấng thần linh nào không? Câu trả lời là có, ông tin có Trời,
ông đã nói về thuyết “Thiên mệnh” khá nhiều. Ông nói đến chữ “Thiên” rất nhiều
lần trong sách Luận Ngữ cững như đã thề rằng:
Khổng Tử thề nói: Nếu ta làm sai thì trời
bỏ ta! Trời bỏ ta!” (Sử Ký , KTTTG)
Mặc dù Khổng Tử là “chuyên viên” về lễ tế, nhưng
không rõ là ông tế đấng thần linh nào. Ông không xưng ông là tiên tri khởi xướng
một niềm tin, nhưng chỉ dạy bảo là dùng đạo đức để làm tốt cho xã hội, một xã hội
thịnh trị (?) như thời Chu Công (!). Sau Khổng Tử, các Nho Gia, môn sinh của
ông cũng không ai đề cập đến sự tôn thờ một đấng thần linh nào! Như vậy Nho học
chỉ có thể là triết thuyết để cải thiện xã hội, sau này nhà nước mang ông
ra để “thờ” (cho mục đích chính trị), mặc dù dân chúng thờ cúng tổ tiên là điểm
chính và gọi sự tín ngưỡng này là “Khổng giáo” hay “Nho giáo”.
2- Nho học đã để lại di sản gì cho ngày nay?
Đối với người Trung Hoa, di sản này xin để chính
họ nhận xét.
(Ghi chú: người viết dùng
chữ “Trung Hoa” để chỉ Trung Quốc, Đài Loan và những người nhận họ là người Hoa)
Tác giả Bá Dương trong sách “Người Trung Hoa xấu xí”
đã nêu lên vấn đề về văn hóa như sau:
“Tôi muốn mạo muội đề xuất một câu trả lời
có tính cách tổng hợp : Đó là vì văn hóa truyền thống Trung Quốc
có một loại siêu vi trùng, truyền nhiễm, làm cho con
cháu chúng ta từ đời này sang đời nọ không khỏi được bệnh... Cái
văn hóa truyền thống kiểu nào để sinh ra hiện tượng này ? Nó đã khiến cho người
Trung Quốc chúng ta mang sẵn trong mình nhiều đặc tính rất đáng sợ !”.
Ông Bá Dương đã nêu lên nguồn gốc của “bệnh” là
do “siêu vi trùng” , nhưng ông không cho biết đây là loại gì? Ông tiếp tục “chẩn
bệnh” với những “bệnh trạng” như sau:
“Không thể nhận lỗi”
“Người Trung Quốc không thể nhận lỗi... Để
che đậy một lỗi của mình người Trung Quốc không nề hà sức lực tạo nên càng nhiều
lỗi khác hòng chứng minh rằng cái đầu tiên không phải là lỗi.”
“Nói dối, nói láo, nói những lời độc địa”.
Cho nên có thể nói người Trung Quốc thích nói
khoác, nói suông, nói dối, nói láo, nói những lời độc địa. Họ liên
miên khoa trương về dân Trung Quốc, về tộc Đại Hán, huyên thuyên về truyền thống
văn hóa Trung Quốc, nào là có thể khuếch trương thế giới,v.v... Nhưng bởi vì
không thể đưa ra chứng cớ thực tế nào nên tất cả chỉ toàn là những điều
bốc phét.”
“Không có lòng bao dung, bụng dạ hẹp hòi”
“Người Tây phương có thể đánh nhau vỡ đầu rồi
vẫn lại bắt tay nhau, nhưng người Trung Quốc đã đánh nhau rồi thì cừu hận một đời,
thậm chí có khi báo thù đến ba đời cũng chưa hết. Tại sao chúng ta có thể thiếu
lòng bao dung đến như vậy? Không có lòng bao dung, bụng dạ hẹp hòi đưa
đến hai điều cực đoan và mất cân đối như sau: Một đằng tuyệt đối tự ty,
một đằng tuyệt đối tự kiêu”.
“Bo bo giữ mình”
“Trong truyền thống văn hóa Trung Quốc, các vị
có thể xem ở "Tư trị thông giám" (Một pho sử của Tư Mã Quang tóm hết
chuyện hơn 2.000 năm để làm gương cho người đời sau), cái việc bo bo giữ
mình đã được xem là kim chỉ nam và nhấn mạnh năm lần bảy lượt.”
“Không hề có ý kiến độc lập”
“Những kẻ biết chữ đều chỉ luẩn quẩn ở học
thuyết Khổng Khâu đã giảng hoặc môn đồ ông giảng lại chứ không hề có ý
kiến độc lập của riêng mình. Bởi vì cái văn hóa chúng ta không cho
phép làm như vậy.”
Ích kỷ
“Ở Trung Quốc người nào mà không suy
nghĩ một cách ích kỷ, cư xử một cách ích kỷ đều bị chế diễu là ngu ngốc.
Người Trung Quốc không khoan dung, hễ ai có tâm địa tốt, rộng lượng với người
khác, tán dương người khác đều bị chửi là đồ ngốc...
... chịu mất mặt thì sống còn có gì thú
vị nữa. " Cái mặt " ở đây là cái gì vậy ?”
Riêng phần mình, tôi cho rằng "cái mặt"
có lẽ là một sản phẩm của sự suy nhược thần kinh và của tính ích kỷ đời đời bền
vững... Cái lòng ích kỷ con người ai cũng có, không những
không thể chê trách là quá đáng mà còn có thể xem như một động lực thúc đẩy cho
xã hội tiến. Nhưng một khi nó vượt quá mức độ lại thành một con bệnh nặng, chỉ
đáng khiêng đến nhà xác chờ cho nó tắt thở thôi.”
Kỳ thị chủng tộc
“Mà hiện nay nước Mỹ có lẽ là một trong những
nước mà sự kỳ thị chủng tộc được xem là ít nhất trên thế giới... Tôi nói
như vậy không có nghĩa là người Mỹ da trắng không kỳ thị chủng tộc, hoặc
không kỳ thị gì đối với người Trung Quốc...
Thế mà cái kỳ thị chủng tộc của người
Trung Quốc so với cái kỳ thị của người Mỹ còn kinh khủng hơn nhiều.
Nếu ta đem kết hợp lại với nhau những ý niệm rất
hẹp hòi kiểu "Con cháu của Hoàng Đế và Thần Nông", "Đại Hán oai
trời", "Không phải là tộc loại của chúng ta", "Lòng dạ khác
chúng ta" thì chỗ còn lại cho người các dân tộc khác sống sẽ chẳng
còn gì!... Kỳ thị chủng tộc là một thứ quan niệm ghẻ lở, nó dai dẳng và lây
lan...
Kỳ thị chủng tộc là một sai lầm. Đó là một sự thực không thể chối cãi. Người Mỹ
có được cái trí tuệ và dũng cảm tìm cách sửa đổi và giải quyết một cách thỏa
đáng những lỗi lầm. Họ có khả năng lựa chọn những quyết định đúng đắn
khiến cho sự kỳ thị chủng tộc dần dần bớt đi, và có thể một ngày nào đó
không còn nữa.”
Tục bó chân của phụ nữ Trung Hoa
“Hôm trước, lúc đi thăm Viện bảo tàng Boston,
tôi thấy bên trong có bầy đôi giày cho phụ nữ bó chân của thời đại các bà nội
chúng ta. Kinh nghiệm bản thân cho tôi biết những người phụ nữ khoảng tuổi tôi
thời ấy đều phải bó chân. Ngày nay những người trẻ tuổi nghe đến chắc không thể
nào tưởng tượng nổi. Tại sao trong văn hóa chúng ta lại có thể sinh ra một cái
tập quán tàn khốc thế? Lại có thể áp đặt nó lên trên một nửa dân số
trong hàng nghìn năm, làm cho những người bị bức hại phải tàn phế cả hai
chân, thậm chí có khi còn gãy cả xương, thối cả thịt, không thể đi đứng được. Tại
sao văn hóa Trung Quốc lại có thể kéo dài cả hàng nghìn năm trong lịch sử một yếu
tố dã man như vậy ? Tại sao lại cho phép trường tồn qua một thời gian dài như
thế mà không có một người nào đứng lên bảo nó phản tự nhiên, hại sức khỏe ? Ngược
lại, đại đa số nam nhi còn xem bó chân là hay ho, đẹp đẽ.”
Đây là những thí dụ và dẫn chứng về cái “di sản
văn hóa” một lại “siêu vi trùng” mà ông Bá Dương đã nêu ra. Người viết sau khi
đọc qua những nhận định của ông có thể tạm đặt tên cho loại
“siêu vi trùng” này là “văn hóa vị kỷ” bao gồm những vấn đề được nảy
sinh từ sự vị kỷ (vì mình) hay vì gia tộc, phe nhóm hoặc đảng phái gồm có:
“Văn hóa lừa dối” với vấn đề “Nói
dối, nói láo, nói những lời độc địa”.
“Văn hóa của “đàn cừu” ” với vấn đề “Bo
bo giữ mình” và “Không hề có ý kiến độc lập”.
“Văn hóa đội trên đạp dưới” với vấn đề “một
đằng tuyệt đối tự ty, một đằng tuyệt đối tự kiêu”: đối với kẻ mạnh
hay “bề trên” thì tự ti và nịnh, đối với kẻ yếu thế hơn hay “bề dưới” thì tự
tôn và đàn áp!
“Văn hóa kỳ thị” với vấn đề “Kỳ
thị chủng tộc” và sơ lược về sự kỳ thị phụ nữ với “tục bó chân”,
hủ tục này đã hết từ đầu thế kỷ 20, nhưng điểm quan trọng là ông đã không
nêu lên vấn đề “nam trọng nữ khinh” trong xã hội Trung Quốc ngày nay với việc
giết thai nhi nữ! Vài trích dẫn theo quan niệm của tác giả Bá Dương đã nói lên
những ảnh hưởng của Nho học đến văn hóa ngày nay như thế nào. Người viết xin
tìm hiểu thêm về “di sản” này qua một học giả Trung Hoa khác.
Tác giả Trịnh Hiểu Giang trong sách “Tìm hiểu cuộc đời” đã
nói đến sự vị kỷ này như sau:
“Người Trung Quốc chỉ có chuyển hóa đối
phương thành người có quan hệ thân thuộc, máu mủ cùng huyết thống, người có
quan hệ địa phương với mình, mới có thể giao tiếp với họ, mới có thể đối đãi
nhiệt tình.
...
Do đó, người Trung Quốc khi sống chung với người
xa lạ cũng sẽ không có thái độ nhiệt tình, không có ràng buộc đạo đức, thậm
chí không từ một việc xấu xa nào hại người lợi mình.
...
Thế là có người đã làm ra các loại sản
phẩm giả, kém một cách yên lòng để làm hại người, bịp người lừa người, bởi
vì tôi không quen biết họ, thì có sao đâu?”
“Xã hội ngày nay, cái gì cũng đều không thần
thánh, cái gì cũng đều có thể làm giả... Vì lợi ích của
mình, người ta có thể vứt bỏ hết bất cứ nguyên tắc, luật lệ nào, thậm
chí bất chấp cả lương tâm, mà lại mở hết cửa thuận tiện, thế là nhiều người
như cá gặp nước, không từ một việc xấu xa nào, cái gì cũng có thể
làm”.
Riêng “cái khoản” làm giả thì đến ngày nay,
Trung Quốc đã làm giầu có thêm cho cái di sản “văn hóa lừa dối” khá nhiều. Muốn
có lợi và nhiều tiền mà không có khả năng làm sản phẩm tốt để bán thì làm hàng
giả, muốn khoe khoang mà không có thì ăn cắp để khoe. Trung Quốc đã rất nổi tiếng
về di sản văn hóa này!
Trung tướng Lưu Á Châu của không quân Trung Quốc trong bài
viết “Tướng Lưu Á Châu bàn về văn hóa” cũng đã nói lên cái di sản “ văn
hóa vị kỷ” này:
“Tôn giáo Trung Quốc có mấy loại, tuy khác
nhau về tư tưởng nhưng trên mặt chủ nghĩa chống hiểu biết hoặc chủ trương ngu
dân thì đều như nhau. Chính vì thế mà tôn giáo mới được tầng lớp thống trị coi
trọng. Dưới sự giáp công của văn hóa tôn giáo và chính sách ngu dân của bọn thống
trị, người Trung Quốc hình thành quần thể như ngày nay. Người Trung Quốc
giỏi nhất về chuyện ca tụng công đức, thứ nhì là tố giác, thứ ba là giở thủ đoạn,
cuối cùng là khôn ngoan bo bo giữ mình [nguyên văn: minh triết bảo
thân]”.
Một cách tóm tắt, di sản văn hóa từ Nho
học để lại là một nền văn hóa vị kỷ, nó đã nhập sâu vào tim óc và tiềm
thức, ảnh hưởng đến hành động cũng như suy nghĩ của người Trung Hoa như chính họ
đã nhận xét.
Trung Hoa và Việt Nam đều có di sản này, tuy
nhiên hai di sản này có những điểm chung, nhưng cũng như có những điểm riêng biệt.
Việt Nam đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi Tống Nho, nền Nho học này hòa nhập
với nền văn hóa cổ truyền của Việt Nam nên cái di sản này nhỏ hơn so với
Trung Hoa. Tác giả Bá Dương đã nêu lên di sản “văn hóa vị kỷ”, nhưng cái vị kỷ
của Việt Nam nhẹ hơn Trung Hoa về vấn đề kỳ thị phụ nữ. Riêng về
“văn hóa kiêu ngạo và bành trướng”, cũng như “văn hóa chống hòa bình”, có
lẽ vì Việt Nam nhỏ hơn Trung Hoa vì luôn bị “bắt nạt”, nên hai cái di sản văn
hóa này tại VN dù có nhưng cũng đã bị tắt lịm. Ngược lại VN đã luôn mang “văn
hóa chống ngoại xâm” rất đáng kính phục, đây không phải là di sản của Nho học,
di sản này giúp dân Việt trường tồn trước cái nền “văn hóa kiêu ngạo và bành
trướng” của láng giềng tham lam và tự tôn một cách lố bịch!
G- Văn hóa vị kỷ cản trở văn minh
Như phần trước đã trình bày, Nho học đã để lại một
di sản “văn hóa vị kỷ”, vậy nền văn hóa này ảnh hưởng ra sao đến văn minh của
những quốc gia đang mang theo di sản này? Trước khi đưa đến một nhận định, câu
hỏi được đặt ra: “văn hóa” và “văn minh” là gì? Định nghĩa rõ ràng về hai chữ
này là một sự rất phức tạp, vì tùy theo quan niệm! Cũng như tùy theo thời điểm.
Tuy nhiên để có một cái nhìn theo đa số, người
viết xin trình bày sơ lược về định nghĩa này theo hiểu biết cá nhân sau khi tra
cứu.
Văn hóa (culture) là sự sinh
hoạt của con người trong một xã hội, bao gồm phong tục, tập quán, quan
niệm đạo đức và luân lý, hay những giá trị về tinh thần ( như
kiến thức, quan niệm thẩm mỹ, văn chương, nghệ thuật, v.v…), những điều này được
thể hiện qua sự đối xử giữa người với thần linh (tôn
giáo), người với người (giao tiếp), hay kể cả với các sinh vật
khác (theo quan niệm Tây phương), cũng như môi trường. Văn hóa còn bao gồm cả vấn
đề thể chất như cách ẩm thực, trang phục, kiến trúc, v.v… cũng
như sự mưu sinh; qua cách thức kiến tạo nên phương tiện để phục vụ đời sống đang
hiện hành trong xã hội đó.
Văn minh (cilvilization) là sự kết hợp đầy đủ các yếu tố cấp
tiến để cải thiện, kiến tạo, duy trì và điều
hành xã hội, những yếu tố cấp tiến gồm có vật chất, tài chính cũng
như kinh tế, kỹ thuật, tri thức, tinh thần của xã hội đó, ngõ hầu các
phần tử cũng như toàn thể có một đời sống hạnh phúc hơn. Khái niệm về văn
minh chỉ có tính cách tương đối, để nhận định, đa số dùng sự sự lạc hậu là điều
ngược với văn minh để so sánh. Theo ý nghĩa đơn giản (thiên về
vật chất), thì văn minh là trạng thái tiến bộ của con người trong lãnh vực kỹ
thuật hay khoa học, chính trị, gồm những cải tiến để cuộc sống được dễ
dàng, đầy đủ tiện nghi với tài chính dồi dào, cũng như tri thức được mở mang
hơn!
Định nghĩa của sự “văn minh” theo tự điển (từ
internet):
Cilvilization: A human society that has highly developed
material and spiritual resources and a complex
cultural, political, and legal organization; an advanced state in social
development.
Cilvilization: An advanced state of human society, in which a
high level of culture, science, industry, and government has been reached.
Văn minh là một phần của văn hóa, cũng như văn
hoá là một phần của văn minh, hai tính chất này ảnh hưởng lẫn nhau
(interaction) với những liên quan từ thể chất đến tinh thần.
Dưới đây là hình vẽ với tính cách tượng trưng:
U: tượng trưng cho tình trạng chung của xã hội về
mọi mặt, vùng đất mà xã hội này đang tồn tại, bao gồm những điều kiện thiên
nhiên như tài nguyên, khí hậu,v.v…, hay nhân sự như dân số, tín ngưỡng, v,v…
A: tượng trưng cho nền văn hóa
B: tượng trưng cho sự văn minh
a- B (văn minh) là một phần tử (subset) của A
(văn hóa). Theo như cách nhìn này thì văn minh là một phần tử và nằm trong
văn hóa mà có một số người đã có nhận định này (hình phía trên).
b- B (văn minh) và A (văn hóa) ảnh hưởng lẫn
nhau (interaction). Phần “giao” của cả A và B (intersection) là điểm chung của
cả văn hóa và văn minh.
Người viết nhận thấy là hình tượng trưng A giao
B (hình bên dưới) phù hợp hơn với định nghĩa.
Văn hoá và văn minh ảnh hưởng đến nhau như thế
nào hoàn toàn không có tính cách định lượng (quantization). Nhận định một nền
văn hóa có sự văn minh hay không; còn tùy vào cách nhìn theo đa số của những phần
tử trong xã hội đó, cũng như cách nhìn của xã hội bên ngoài. Thí dụ như trang
phục, cách ẩm thực (ngày nay một số nước Á Đông vẫn ăn thịt chó – “văn hóa thịt
chó”! Phương tây “ớn” cái “văn hóa” này và coi là không văn minh (?)) v.v... )
Tuy nhiên có điểm chung là ai
cũng muốn có phúc lợi cho cuộc sống. Chiến tranh, độc tài, kỳ thị, diệt chủng,
đàn áp, bóc lột v.v... đều bị đa số ngày nay chống đối, mọi người đều coi đây
là sự phản văn minh của xã hội loài người.
Nếu phần A (văn hóa) có những “di sản”
không tốt thì phần B (văn minh) trong phần giao của A và B cũng có một số những
điểm không tốt.
Trở lại vấn đề di sản của “văn hóa vị kỷ”.
Theo ông Bá Dương; nó là một loại “'siêu
vi trùng', truyền nhiễm đã làm cho con cháu chúng ta từ đời này sang đời nọ
không khỏi được bệnh”. Nhận định riêng của người viết qua những trình bày
phía trên, thì “siêu vi trùng” này chính là sự VỊ KỶ. Đây là một
cản trở chính cho sự phát triển chung về văn minh của xã hội phương Đông. Siêu
“vi trùng vị kỷ” không những làm sự văn minh chậm tiến, mà nó có thể hủy diệt
văn minh chung, đó là chiến tranh với sự “bành trướng” của “siêu
vi trùng vị kỷ” khi nó đủ mạnh! Để ngăn ngừa sự tàn hủy và sinh sản của
siêu vi trùng này, phải chăng chỉ có thuốc chủng (vacination) “VỊ THA” nên được
“chủng” (vacinate) cho từng cá nhân trong xã hội?
H-Kết luận
Qua những điều đã trình bày, Nho giáo đã để lại
một di sản với nhiều tai hại cho xã hội phương Đông đến ngày nay. Trung Hoa với
“văn hóa bành trướng” và chủ trương “đại Hán” đã là nỗi lo sợ cho các nước
chung quanh. Hiểm họa chiến tranh luôn đe dọa các nước láng giềng với di sản
“văn hóa chống hòa bình” của Trung Quốc.
Khởi đầu từ đâu? Từ Khổng Tử hay chăng? Thật ra
Khổng Tử cũng chỉ là người thừa hưởng quan niệm hiếu chiến của “văn hóa du mục”,
nhưng ông chỉ thuật lại mà không chế ra điều gì mới (“thuật nhi bất tác”),
tuy nhiên sự giáo dục về chủ thuyết của ông qua nhiều đời; đã tạo ra một đám
môn sinh di hại cho xã hội đến ngày nay với di sản “văn hóa vị kỷ”. Các quốc
gia không bị ảnh hưởng bởi Nho học cũng có riêng văn hóa của họ, với sai lầm,
cũng như lắm điều tàn ác và nền văn minh cũng lạc hậu, có thể có nhiều vấn đề
còn tệ hơn so với những nước có ảnh hưởng của Nho học. Tuy nhiên, qua thời gian
khi dân trí khá hơn, họ đã có một lối rẽ khác, có thể vì họ có tư tưởng nhẹ về
vị kỷ và nặng về vị tha? Trong khi Trung Hoa và Việt Nam vẫn thế!
Có chủ thuyết nào ở phương Đông có thể tạo
được phúc lợi hơn cho ngày nay, nếu giáo dục theo đường lối này (dù đây chỉ là
giả thuyết)? Câu trả lời là có, đó là thuyết “kiêm ái và phi công” (yêu thương
mọi người như chính mình và không chiến tranh) của Mặc Tử. Học thuyết này có chủ
trương “VỊ THA”, tuy nhiên đã bị cạnh tranh và bị Nho học áp đảo bởi số đông
các Nho gia vị kỷ, cộng thêm với sự trợ lực của quân quyền, nên chủ thuyết này
đã đi vào quên lãng.
Nho học thực ra đã có nhiều quan niệm rất hay, bằng
chứng là đã có một số thời kỳ đã làm xã hội ổn định và thịnh vượng. Tuy nhiên,
vì lòng vị kỷ, đám môn sinh của Nho Học đã thêm thắt nhiều điều, làm cho một chủ
thuyết vốn đã có vài điểm có thể không hay cho toàn xã hội, lại thêm tệ hại
hơn. “Tam cương” đã được đề ra bởi đám Nho gia trục lợi với chữ “trung
quân” tuyệt đối. Điều này làm cho xã hội khốn đốn hơn bởi những quyết định độc
đoán và không sáng suốt của những hôn quân, với đề nghị của những Nho gia bợ đỡ!
Chữ Thiên tử là con Trời được gán cho hoàng đế, thay trời trị dân, “quân tử” là
“con vua” giúp vua chúa đàn áp và làm ngu dân theo tư tưởng của đám “kẻ sĩ” vì
mình, vì dòng họ vì sự cha truyền con nối đã ăn bám vào sự thống trị!
Ngày nay, hai tư tưởng “vị kỷ” và “vị
tha” đã có những thí dụ khá rõ ràng: những người giầu có trên thế giới
đã dùng khả năng của mình để tạo dựng tài sản, sau khi giầu có đã dùng tài sản
này để cống hiến cho cộng đồng hay nhân loại như, Nobel,
Rockefeller, Buffet, Gates, Getty, v.v..., hay có những tổ chức
nhân đạo trên thế giới. Có phải đây là sự ảnh hưởng của lòng vị
tha? Dưới xã hội Nho giáo, có ai tự mình tạo ra tài sản rồi cống hiến?
Hay tệ hơn nữa là vơ vét, bóc lột để giàu có, rồi khi chết đi chỉ để lại cho
con cháu, đây là ảnh hưởng của lòng vị kỷ? Tra cứu thêm chúng ta sẽ có câu trả
lời!
Khổng Tử có phải là “Thánh nhân” và là “Vạn thế
sư biểu” hay không?
Qua những điều đã trình bày thì Khổng Tử không
phải là “thánh nhân”, ông chỉ là một ông thầy tài giỏi với
số người theo học ông quá đông (3000 học trò), ông đã nâng cao nền giáo dục, kết
quả đã tạo được phần nào sự ổn định trong xã hội cổ đại. Tuy nhiên ông vẫn phạm
những lỗi lầm như những người thường, những kẻ không “quân tử”, ông đã vi phạm
về chính những điều ông đã dạy người khác!
Ông có phải là “vạn thế sư biểu” không? Câu trả
lời là không! Xã hội Trung Quốc thời Mao đã đạp ông xuống bùn! Người dân sẽ
không theo chủ thuyết ông đề xướng, nếu họ biết sự tác hại lâu đời mà nay họ nhận
hậu quả. Nếu biết rõ cái mầm “vị kỷ” nảy sinh từ Khổng học, rồi được vun trồng
bởi đám Nho gia xu nịnh, biết rõ là Mặc Tử đã đả kích những điều này, thì hậu
thế khó có thể phong ông là “vạn thế sư biểu”!
Ngày nay Trung Quốc muốn mang tên Khổng Tử với
Khổng học, cũng như Hoa ngữ phổ biến khắp thế giới để làm gì? Có phải đây là mục
đích Hán hóa toàn cầu vì người Hoa quá đông và phân tán khắp thế giới? Đối với
Trung Quốc xưa thì “trung quân” nay “trung với đảng”, với dân chúng lại muốn tiếp
tục chủ trương “văn hóa đàn cừu” bảo sao nghe vậy?
Các chính thể độc tài luôn lợi dụng bất cứ điều
gì để có thể bảo vệ chế độ. Khổng Tử cũng chỉ là nạn nhân như các đấng được các
tôn giáo tôn thờ, như Chúa, Ahlah, Phật hay Jesus, v.v... đều đã bị loài người
lợi dụng cho mục đích riêng, họ đã giải thích những điều trong kinh điển có lợi
cho họ, nhiều khi còn nhân danh thần thánh để tàn sát. Các lãnh tụ dù đã chết
cũng không thoát, được tô son đánh phấn cho mục đích chính trị. Tất cả chỉ với
mục đích là phục vụ quyền lực, cũng như để thỏa mãn sự tham lam, kỳ thị và kiêu
ngạo.
Vị kỷ là bản thể cố hữu của con người, vị kỷ nếu
biết hạn chế có thể sẽ giúp cho văn minh thêm phần phát triển.
Tuy nhiên nếu không kiềm chế và để sự vị kỷ tự do bộc phát, thì với lòng tham
vô đáy cũng sự kiêu ngạo lên tới trời, sẽ gây nội loạn trong xã hội, hay với những
tác hại vô lường của chiến tranh giữa các quốc gia hay các dân tộc. Thay vì kiến
tạo và xây dựng, chiến tranh đã gây nên tàn phá và hủy diệt. Một xã hội
với những xáo trộn hay chiến tranh sẽ làm văn minh không phát triển.
Điều gì có thể giúp cho sự phát triển về văn hóa
cũng như văn minh chung? Đối nghịch với “VỊ KỶ” là “VỊ THA”, thay vì chỉ
biết nghĩ đến mình, đến dòng họ, đến dân tộc của mình, thì hãy nghĩ đến những
người khác, dòng họ khác, dân tộc khác, hãy nghĩ đến đến sự công bằng và bình đẳng
cho mọi người. Nho học vẫn còn có giá trị ở câu được chọn lọc là “kỷ sở bất
dục, vật thi ư nhân”.
Vậy “VỊ THA” có phải là một giải pháp cho từng
cá nhân để đưa đến hòa bình và hạnh phúc chung cho nhân loại! Câu trả lời tuỳ
theo quan điểm của mỗi người!
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.de/2013/10/nho-giao-va-van-minh-phuong-ong-cung-am_23.html#.UmeqoVOAWRA
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001