Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [27]
Tiếp theo phần trước
Tôi quyết đinh không ra ngoài một thời gian, ở lì trong nhà thờ biên tập lại những truyện ngắn đã viết, quyết định in. In sách trong một chế độ kiểm duyệt khắt khe, đầy an ninh, mật vụ là điều khó với người khác. Nhưng với những mối quan hệ xã hội từ thời trẻ, đã giúp tôi thuận lợi. Chỉ cần dùng số điện thoại khác nhắn đi, liên hệ qua những hòm thư mới. Những người bạn cũ và mới đã giúp tôi in được cả ngàn cuốn sách. Một thuận lợi nữa cuốn sách này đã được phát hành bên Mỹ trước. Tôi chỉ xin lại mẫu bìa y chang để người ta tưởng nó in ở bên Mỹ chứ không phải ở Việt Nam. Cuốn sách có tên Đại Vệ Chí Dị có nghĩa là ‘’ những câu chuyện kỳ quái ở nước Vệ’’. Tôi không phải động tay đến cuốn sách nhiều, những người bạn của tôi họ giúp tôi từng khâu khác nhau. Những người làm ở công đoạn này không biết người ở cộng đoạn khác. Khi ngàn cuốn sách in xong, chúng được chia làm ba nơi cất giữ và đồng loạt tuần sau được chuyển đến người đọc qua những trung gian với cách rối rắm để khó phát hiện nếu lần ngược lại sách từ đâu ra. Ngay tuần đầu tiên dù phải phát hành, vận chuyển trong bí mật , đã có 400 cuốn được chuyển đi. Tuần sau nhận thấy sách đã có sự bàn tán, tôi ngừng không phát tán nữa. Để im một tháng, rồi chuyển nhỏ lẻ 10 cuốn một kín đáo đến những nơi thực sự tin tưởng.
Tốp an ninh bên ngoài cổng nhà thờ đã thay đổi người, chỉ còn lại một tên cũ đeo kính cận là từ nhóm trước. Rồi đám theo dõi ít dần chỉ còn ba người, thời gian sau còn hai, rồi rút hẳn. Ngày 27 tháng 11 năm 2011 trên mạng lại có lời kêu gọi biểu tình. Lần biểu tình này là để kêu gọi quốc hội ra luật biểu tình. Vì từ khi thành lập nhà nước này đến nay, chính quyền ra đủ mọi luật, nhưng luật biểu tình thuộc quyền lợi của nhân dân thì chưa bao giờ có, mấy lần quốc hội bàn đến rồi lại gác lại. Công an thì cứ vin vào cớ không có luật biểu tình để bắt và giải tán thô bạo những người biểu tình. Mọi lần đi biểu tình tôi đều mang theo máy ảnh, máy quay phim để ghi hình, lần này tôi đi người không đến trung tâm thủ đô, khu vực Hồ Gươm.
Sáng chủ nhật cuối thu, trời trong xanh, mát mẻ. Thời tiết rất đẹp để những người dân thủ đô đi dạo. Mình cũng như thế, tôi đi bộ từ nhà đến gần hàng phở Thìn ngồi uống cà fe ung dung 1 mình, ngắm thiên hạ đi qua đi lại, người quen nhiều lắm. Cả an ninh lẫn bạn biểu tình, nhưng làm như không biết gì ai, bởi bây giờ mới 8 giờ 30, còn quá sớm để chào hỏi nhau.
Gần 9 giờ đối tượng theo dõi tôi từ lúc ở nhà thờ ngó vào quán xem tôi còn ở đó không. Đối tượng đi theo đi theo tôi gần cả năm nay, lúc ở Nghĩa Tân, lúc ở Hàng Buồm, rồi Thái Hà, và Hồ Gươm quen đến nỗi cũng chả bận tâm. Gần đến giờ , tôi đứng dậy trả tiền quán đi sang bên đường, hai tay đút túi cứ tà tà đi giữa hè đường.
Đang đi đến chỗ đối diện tượng đài Lý Thái Tổ thì gặp Phạm Văn Phương, Phương Bích, Lê Dũng, Lã Dũng và ông anh trai. Cũng chả nói chuyện với ai,tôi đút tay vào túi đi bộ loanh quanh ngó tình hình bỗng thấy xôn xao, ngoái lại thấy Phương bị một đám thanh niên lôi lên xe buýt, tiếp đó Lê Dũng bị lôi lên tiếp. Bắt xong bọn bắt người nhìn quanh tìm ai bắt nốt, lúc đó có một thằng đeo kính đen (thằng nà ytôi có ảnh, ) nó gọi bọn bắt người rồi kia lại chỉ vào tôi. Bọn kia lao tới, tôi gỡ kính cho vào túi áo khoác sợ sẽ rơi vỡ, 4 thằng kia bám cánh tay tôi lôi đi, tôi bảo bỏ ra để anh tự lên xe. Chúng buông ra, tôi vẫn hai tay đút túi đi lên xe buýt chuyên dùng để bắt người biểu tình ,chậm rãi như hành khách.
Đúng là tôi không làm gì để bị bắt thế, có bao nhiêu sếp công an đủ mọi cấp từ quận đến thành phố, bộ công an ở đấy, họ nhìn thấy tôi đứng yên. Nhưng cái thằn gchỉ bắt tôi, dường như nó thù hằn cá nhân vì mấy lần đi biểu tình nó quay phim tôi, tôi thì giơ máy ảnh chụp ảnh lại. Giờ nó nhân lúc hôn loạn gườm nó chỉ bọn choai choai bắt mình.
Lên xe buýt thấy chị Phương, Đoan Trang, Dương Thị Xuân, Lã Dũng, Trương Dũng, Lưu Đức, Phương, ông anh trai và mấy người nữa. Phương đang bực bội nói việc bị mấy thằng đạp vào ngực. Lê Dũng thì nói về lòng yêu nước bị xúc phạm, còn Trương Dũng thì luôn mồm mắng bọn bắt người. Xe buýt đi nhanh kinh khủng, có xe còi hụ dẫn đường, xe buýt lấn trái, phải, vượt, chèn ngồi trên xe mà phát hoảng cho những người đi xe máy dưới đường.
Xe buýt đến trại Lộc Hà – đây là trại phục hồi nhân phẩm dành cho gái làm tiền – Tôi than:
- Ôi đi ủng hộ thủ tướng ra luật biểu tình mà lại vào trại phục hồi nhân phẩm.
Mọi người lùa xuống xe vào một khu đất, có những căn phòng nhỏ, có giường chiều và công an bảo ngồi chờ ở đấy. Công an canh gác hai đầu, không cho ra. Đề phòng sắp tới sẽ cam go tôi đi vệ sinh, lúc vệ sinh ra nhìn cái bể nước có song sắt đậy người không chui lọt, nhìn mãi khiến mấy tay công an nhìn mình như thắc mắc tôi đang nhìn gì mà kỹ thế. Sau đó tôi chui vào một phòng, kiếm giường nằm. Giở điện thoại ra xóa sạch tin nhắn gọi đến, tin nhắn gọi đi rồi vắt tay lên trán nằm đợi. Bên ngoài sân Lê Dũng nói thằng Gió tù quen rồi, nên nó ngủ ngon thế, giường cán bộ nhé. Lê Dũng nói làm tôi bực quá dậy ra sân nói:
- Đây là khu giam phạm nhân nhé, các ông nhìn kỹ đi, cửa phòng chỉ có chốt ngoài không có chốt trong, bể nước hàn song sắt kín, cửa sổ song sắt nhưng lại chắn thêm bằng tấm nhựa trong dày để không đưa được cái gì ra, vào.
Mọi người xem lại, mới à lên, hóa ra là bị vào khu giam biệt lập. Đâu phải nơi làm việc nào hay phòng của cán bộ nào. Đây là khu để giam những người lang thang, gái mại dâm, trẻ em đánh giày, người ăn xin. Mỗi đợt sắp đến ngày quốc khánh hay kỷ niệm cách mạng thành công. Chính quyền lại huy động công an đi bắt những người như thế về đây nhốt lại, cốt để cho thành phố có bộ mặt đẹp đẽ, không có cảnh người ăn xin, đói khổ, vô gia cư.
Lê Dũng, Phương, chị Xuân Bích nhao nhao phản đối với đám công an trẻ gác cổng,họ phẫn nộ giãi bày n về yêu nước, về luật pháp, nhưng đám kia nín thinh. Lê Dũng cứ hỏi sao bắt tôi, lý do đâu…chả ai trả lời anh. Thương anh ý hỏi nhiều mà đám công an canh gác cứ lặng thinh. Tôi dạy khỏi giường đi ra bảo Lê Dũng, thôi em đóng vai trả lời, cho anh hỏi. Tôi thấy cái bàn làm việc, và cái ghế của công an bỏ đó nhảy tốt lên ghế ngồi, vỗ bàn ầm cái, hất hàm hỏi Lê Dũng.
- Nào thắc mắc gì nói đi.
Lê Dũng hỏi:
- Sao bắt tôi vào đây?
Trả lời:
- Thích thì bắt.
Lê Dũng:
- Bắt tôi luật gì?
Trả lời:
- Luật R2011.
Lê Dũng:
- Là luật nào giải thích đi?
Tôi chỉ tay vào mặt Lê Dũng quát.
Luật R2011 là luật rừng năm 2011, quốc hội chưa thông qua những vẫn được thi hành.
Lê Dũng gân cổ cãi.
- Dựa vào cái gì để thi hành chứ.
Tôi đứng dậy nói :
- Dựa vào đây (tôi chỉ vào dùi cui điện của đám công an đứng bên) mày thấy chưa, nói nữa chúng tao dí điện chết mất xác mày luôn. Chúng tao có vũ khí, thích làm gì là làm, mày còn muốn hỏi nữa không.
Đám công an thấy tôi diễn kịch với Lê Dũng , họ trừng mắt nhìn, rồi lôi Lê Dũng đi làm việc. Tôi ngồi khoanh chân trên cái ghế rung đùi thì thấy xe buýt thứ hai tới, thằng Quân ( luật sư Lê Quốc Quân ) thò tay ra vẫy vẫy tôi. Đám công an trại Lộc Hà bèn lôi đi bảo làm việc luôn, vừa ra đến nơi đọc tên, cái tay sếp bảo.
- Ơ sao đưa vào đây, trường hợp này làm với bên an ninh cơ mà.
Lại bị dẫn vào, các cảnh sát trẻ làm nhiệm vụ áp giải, canh gác ngạc nhiên, chứ tôi thì không. Vì lúc nằm trong phòng giả vờ mệt mỏi nằm chờ, lúc đó tôi đã xóa hết những dữ liệu trong điện thoại, nhét thẻ nhớ vào trong bật lửa Zippo, lục ví xem có giấy tờ gì đốt đi, sau đó nằm chờ tình huống sẽ như diễn ra như thế này.
Tôi quay vào trong nằm, nghe tiếng gọi tên. Tôi nhìn tên an ninh gọi tôi thấy quen quen, nhớ ra cách đây 3 năm hắn đã đi theo tôi ở vụ xử giáo dân Thái Hà hồi năm 2008. Tôi hỏi khinh miệt.
- À giờ lên chức , không phải đi theo dõi nữa à.?
Tên an ninh trừng mắt nhìn, tôi nhìn lại thách thức.
Có 3 người nữa ở đó, họ hỏi tôi rất nhã nhặn:
- Anh là anh Hiếu phải không?
Tôi gật đầu. Họ bảo anh theo chúng tôi. Vừa lúc ấy anh Tâm gọi điện từ Sài Gòn ra báo anh chụp ảnh ở lãnh sự quán Trung Quốc, bị bọn nó giật mất máy ảnh trước mặt bao nhiêu công an. Buồn thế ! cho anh ý mượn cái ống kính hơi đắt tiền (quà của một người bạn cho mình), đành bảo thôi anh ơi ! Coi như thua bạc đi. Ba người kia không cho nghe điện thoại nữa, họ giằng điện thoại trên tay tôi.Khám người thu thêm cả ví, bật lửa, thuốc lá dẫn tôi vào một cái xe ô tô con. Xe chạy vòng vèo qua cầu Chương Dương, lên chân cầu Thăng Long, rẽ sang Phạm Văn Đồng ra Phạm Hùng rồi vào Hà Đông, đi trên xe hết 1 tiếng thì vào tới số 6 Quang Trung – Hà Đông. Cơ quan an ninh điều tra của CATP Hà Nội.
Tôi bị bàn giao cho 3 người khác, những người này dẫn mình lên tít trên gác, đến cạnh phòng phó thủ trưởng điều tra an ninh tên Hùng thì có một phòng tổng hợp, mình bị đưa vào đó.
Họ hỏi mấy lần ăn cơm để đi mua, tôi lắc đầu từ chối, bảo thôi mệt không ăn, họ cứ nhắc đi nhắc lại chuyện ăn cơm, tôi nhất quyết không. Họ nói tôi không chịu ăn, rồi sau này lại nói công an không cho ăn. Tôi cười nói lại rằng chưa bao giờ tôi nói hay viết cái gì không đúng về công an cả. Họ cười nhạt.
Tôi bảo muốn uống nước trà, họ đi pha và sau đó ngồi chờ. Chờ cái gì tôi không nóng lòng, ngồi nhấp nháp trà nhìn những người vây quanh mình. Im lặng, không ai nói gì, tôi cũng không hỏi gì,chỉ lặng lẽ nhấp trà, hút chậm từng hơi thuốc, nhìn ra cửa sổ về phía xa, đoán xem cái tòa nhà cao tầng đằng kia có phải tòa nhà Kengnam không.
Nửa tiếng sau, một người đàn ông cao to, mặt mũi thông minh, sáng sủa bước vào. Anh ta ngồi đối diện tôi, hỏi một lần nữa về chuyện ăn uống, cố gắng mời tôi ăn chút gì đó. Nhưng tôi bảo không muốn ăn, chỉ xin cốc nước đá. Không có đá, tôi uống nước thường.
Phần bắt đầu, anh ta hỏi họ tên, nhân thân, quan hệ anh chị em ruột.
Anh ta hỏi tiếp. Tôi lắc đầu nói:
- Từ sáng đến giờ, tôi bị đưa đi bao nơi, gặp bao người, tôi chưa có ý kiến. Giờ anh nói làm việc, tôi có ý kiến tôi bị bắt vào đây vì lý do gì?
Anh điều tra (tạm gọi là số 1, bởi vì sau sẽ có nhiều anh khác)
- Cơ quan công an TP có bằng chứng cho thấy anh biểu tình tụ tập ở hồ Gươm nên đưa anh về đây?
Tôi hỏi:
- Bằng chứng đâu, bằng chứng nào. Đưa phim hay ảnh đây. Thế nào là tụ tập, thế nào là mất trật tự.
Anh số 1:
- Có bằng chứng chúng tôi mới đưa anh về đây.
Tôi:
- Bằng chứng chưa ngụy tạo xong à, đưa luôn đi. Này nhé, tôi từ xa đi lại, hai tay đút túi, không hò hét, không có băng rôn, khẩu hiệu, tôi chỉ lặng lẽ đi không chuyện với ai. Lúc bị bắt tôi đang đứng dựa ghế đá riêng một mình.
Anh số 1:
- Giờ chúng tôi là cơ an điều tra, đang làm rõ đúng sai, anh cứ trả lời.
Câu hỏi 1:
- Vì liên quan đến chuyện này, anh cho biết đêm qua anh ngủ ở đâu, đi bằng gì ra bờ Hồ, anh kể quá trình đi đến những đâu, gặp ai?
Trả lời:
- Tôi điên mà kể trước đó tôi ở đâu à, ông hỏi luôn cả tuần trước, năm trước tôi ở đâu thì sao, đêm qua tôi đi cờ bạc, bay, lắc, gái mú giờ tôi đi kể với ông à? Tôi chỉ kể từ phần tôi đặt chân đến khu vực bờ Hồ thôi.
Cán bộ 1:
- Được, anh khai từ lúc ra bờ Hồ.
Trả lời:
Sáng 8 giờ 30 tôi ra đến Hàng Dầu, ăn phở Thìn và ngồi uống ca fe ngay đó. Đến 9 giờ tôi đi sang nhà vệ sinh bên kia đường, chỗ Trần Nguyễn Hãn. Tôi đi bộ thong dong đến đối diện với bưu điện TP bị một lũ con đồ tóm nách xốc lên xe. Lúc đó là 9 giờ 10.
Cán bộ 1:
- Ai xốc nách anh, anh em ngoài đó bảo anh hai tay đút túi, hiên ngang đi lên xe buýt.
Trả lời:
- Tôi thấy chúng nó xô vào tôi, tôi chỉ tháo kính đút túi cho khỏi rơi, khi chúng xốc nách tôi lôi đi mấy bước thì tôi bảo để anh đi lên, bậc xe cao kia bọn em xô đẩy như vậy nhỡ ngã tai nạn đấy, họ buông tay ra thì tôi đi lên từ tốn khỏi ngã thôi.
Cán bộ 1:
- Anh cho biết anh ra bờ Hồ với mục đích gì, anh ăn mặc gì?
Trả lời:
- Tôi đi dạo, áo khoác đen, quần bò, giầy da.
Hỏi:
- Anh có thường xuyên đi dạo thế không?
Trả lời:
- Thường xuyên, nhà tôi gần hồ, rảnh lúc nào tôi đi lúc đó.
Hỏi:
- Nhưng có bằng chứng anh đi cùng với nhiều người tuần hành quanh Hồ Gươm?
Trả lời:
- Thế tôi đi ra chợ, ông đi ra chợ, thì tôi và ông và bao người khác là đi cùng nhau à. Ở hồ một ngày có bao đoàn khách tham quan từ xa về, ông đi dạo ở hồ có lúc đi nhanh, đi chậm, kiểu gì cũng có lúc sánh vai với đoàn nào đó. Như thế là đi cùng à?
Hỏi:
- Nhưng mười mấy lần biểu tình trước anh có đi với những người này, anh có tham gia?
Trả lời:
- Nếu ông hỏi về mười mấy lần trước thì tôi có đi biểu tình, còn hôm nay tôi không đi, mà hôm nay là làm việc hôm nay.
Hỏi:
- Không có chuyện ngẫu nhiên, lần trước anh đi biểu tình với họ, lần này anh đi với họ, như vậy là anh có tính chuyện biểu tình.
Trả lời:
- Tôi đề nghị anh không suy luận kiểu lắp ghép như thế, không có căn cứ. Chỉ nói chuyện trên hiện trạng sự việc diễn ra thôi. Lần trước tôi còn máy ảnh, máy quay phim, còn hò hét.Lần này tôi không có ý gì nên chỉ người không đi dạo.
Hỏi:
- Anh có biết thông tin kêu gọi biểu tình trên mạng không?
Trả lời:
- Tôi còn không biết mạng là gì, tôi trình độ chưa hết phổ thông như anh biết đấy, tiền án, tiền sự đầy mình. Kiếm ăn bằng nghề thợ hàn, phu hồ, biết gì về mạng. Thấy người ta cứ nói mạng, mạng nghe loang thoáng vậy thôi.
Cán bộ 1:
- Anh dám làm nên dám nhận, những người khác họ làm, họ nhận cả chứ có sợ đâu, sao anh phải chối như thế?
Trả lời:
- Anh học thì anh biết, giáo trình có dạy “bản chất của tội phạm là chối tội đến cùng”. Đến tội phạm nó làm nó còn chối, huống chi tôi không có tội.
Cán bộ 1:
- Anh hiểu biết thế, mà sao lại nói là không có học.
Trả lời
- Tôi bị bắt nhiều, nên kinh nghiệm thế thôi.
Cán bộ 1:
- Khi bị công an thành phố đưa lên xe buýt về Lộc Hà, anh có thấy anh Quân, ls Lê Quốc Quân không?
Trả lời:
- À thì ra bọn dân sự bắt người bạo lực ấy là công an thành phố à? Tôi không biết ai là Lê Quốc Quân hết.
Anh cán bộ mang giấy đi sang phòng bên, qua cửa kính mờ ngăn phòng, mình nhìn thấy có người bến đó, chắc là cho sếp xem bản khai và đợi chỉ đạo. Lúc này vẫn còn 2 cậu canh mình, hai cậu này lúc mới tiếp nhận mình ăn nói áp đảo, cục cằn,nhưng sau vào phòng một lát thì dịu dàng mở điều hòa, pha nước, kiếm gạt tàn.
Người ta thường hay bỏ đương sự đột ngột chờ như vậy, để đương sự sốt ruột, bồn chồn, sau đó bất ngờ vào hỏi tiếp. Bài này mình thuộc lắm, cho nên mình đứng dậy xếp ghế vào nhau và lấy áo đắp, ngủ được chừng nửa tiếng.
Cán bộ 1 quay lại với tập giấy, đưa mình xem, đó là bài viết của ai đó có ký tên là Người Buôn Gió. Có mười mấy bài viết, trong đó có bài thơ Trẻ Con Ăn Học Để Làm Gì có đoạn..
Học đi con
Học đi mà trả nợ
Quê hương ta một dải
Chúng nó bán hết rồi.
Và có bài viết tên là Bài Ca Chế Độ Độc Tài có đoạn:
Những chế độ độc tài sớm hay muộn đều bị diệt vong, bởi chúng đi ngược lại với quyền lợi chính đáng của dân tộc. Sở dĩ có những chế độ kéo dài được bởi chúng biết cách thay đổi màu sắc để phù hợp hoàn cảnh. Hơn nữa chúng giỏi việc tuyên truyền nhồi nhét vào đầu óc người dân, bưng bít thông tin.Hãy xem bài ca Ăng Ka Vĩ Đại một bài hát mà trẻ em Căm Pu Chia bắt buộc phải thuộc lòng dưới thời Pol Pot:
Trước cách mạng chúng em sống cực khổ như súc vật.
Chúng em đói rét và khổ đau.
Chỉ có da bọc xương, gầy guộc, đáng sợ
Tối chúng em ngủ trên nền đất.
Ngày đi xin ăn, kiếm thức ăn trong thùng rác.
Hôm nay Ăng Ka mang đến cho chúng em sức sống.
Và hôm nay chúng em được làm người
Ôi ánh sáng cách mạng đầy ấm no, bình đẳng, tự do tỏa sáng vinh quang.
Ôi Ăng Ka chúng em kính yêu Người
Nguyện đi theo con đường cách mạng của người.
Tôi xem qua rồi trả lại, kêu không biết gì về những cái thứ mà anh gọi là tài liệu này. Anh cán bộ 1 hỏi tôi biết Người Buôn Gió không. Tôi bảo không biết nó là thằng nào. Anh cán bộ bảo tôi xem kỹ lại tài liệu đi, tôi bảo xem làm gì chứ, đầu óc một thằng vô học, phu hồ như tôi đọc những thứ này tiêu sao nổi. Tôi chỉ thích xem ca sĩ hở quần lót, cướp giết hiếp trên báo chính thống thôi.
Anh cán bộ vừa ghi lời khai vừa nói:
- Thế là cái gì cũng không biết à?
Trả lời:
- Đúng không biết, không trả lời. Làm gì có chuyện bắt khi người ta đi dạo, về đây lại hỏi sang chuyện khác. Tôi trả lời anh thì chuyện đến cả năm cũng không hết. Tóm lại tôi nói rồi, tôi chỉ trả lời việc từ 9 giờ hôm nay thôi. Việc khác tôi sẽ không biết, không trả lời.
Tôi quay mặt ra, tỏ vẻ không muốn trả lời gì nữa.
(Còn nữa)
© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/79745/tu-ngo-phat-loc-toi-weimar-27/2013/10
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001