Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [28]

Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [28] 



|
Tiếp theo phần trước 
Một cán bộ nữ đi vào, cô ta cầm tập hồ sơ dày đến nửa gang tay. Đặt lên bàn, trên phần bìa có chữ hồ sơ Bùi Thanh Hiếu. Tôi đã từng nhìn những tập hồ sơ về mình như thế, mỗi nơi họ đều có một bộ riêng từ cấp bộ đến cấp phường, từ nam, trung, bắc… có lẽ bộ hồ sơ ở đây là đầy đặn, phúc hậu nhất.

Tập hồ sơ ấy không dùng đến, cũng chả mở ra. Bởi tôi đã nói không làm việc, không trả lời về những gì khác từ 9 giờ sáng ngày hôm nay.
Một tốp người nữa vào. Họ ngồi chật phòng. Cán bộ 1 giới thiệu những người kia.
Cán bộ 2 già nói:
- Tôi nghe mọi người nói Hiếu là người sắt đá lắm.

Tôi cười:
- Chắc không thế đâu anh ạ.

Tôi cười vì biết, tí nữa sau câu đấy sẽ có đoạn đang hỏi cung chen vào câu khác là tưởng anh sắt đá thế nào, chứ anh làm mà anh không dám nhận thì vớ vẩn quá. Thôi vào công an thì chớ nhận anh hùng, cứ em hèn, em nhát, em chối cho nó lành.
Cán bộ 3 giở giấy tờ, anh ta cao, gầy dáng nhanh nhẹn, hoạt bát, lúc này cán bộ 1 nói:
- Anh Hiếu, giờ cán bộ kỹ thuật sẽ kiểm tra điện thoại của anh, đề nghị anh mở máy lên.

Tôi đẩy tất cả tư trang của mình trên bàn ra trước mặt, nói rành rọt:
- Các anh dùng vũ lực, đưa tôi về đây, giờ thì tự mà lấy điện thoại làm gì thì làm, tôi không đưa cho các anh, không chứng kiến, không xác nhận. Tôi chỉ nhận điện thoại này là của tôi, còn anh làm gì trong đó, tôi không xác nhận vì đây là thư tín cá nhân. Trong đó có thư tình, có tin tôi dọa chém giết ai, chửi bới ai… tôi phản đối cách các anh bắt tôi về đây, cũng như phản đối tính pháp lý khi anh kiểm tra điện thoại thuộc về thư tín cá nhân của tôi.

Các cán bộ nói:
- Anh không ký, tôi gọi người làm chứng.

Trả lời:
- Việc của các anh, các anh muốn làm gì thì làm.

Tôi không nhìn, không nghe họ làm gì với hai cái điện thoại của mình. Có chăng là những tin nhắn sau này, còn lúc trước xóa hết rồi còn đâu. Lát sau họ chép ra được 3 tờ giấy, đi ra ngoài gọi một người thanh niên vào. Giới thiệu anh này là dân, đến đấy làm chứng. Anh kia giới thiệu tên địa chỉ rồi chuẩn bị ký vào giấy thì tôi nói:
- Làm chứng thì phải mở điện thoại ra, đối chiếu từng tin nhắn, cuộc gọi, giờ giấc. Định ký luôn à, không cần đọc,, không cần biết gì à? Đây là giấy vay nợ mấy tỉ đấy, xem lại đi hẵng kí.
Anh cán bộ 1 anh bảo cậu kia xem điện thoại đi. Rồi họ quay ra hỏi cung tôi tiếp.
Cán bộ 2 hỏi, cán bộ 3 ghi.
- Anh cho biết từ blog Nguyễn Xuân Diện có lời kêu gọi biểu tình hôm chủ nhật 27-11-2011, anh có biết và có tham gia không?
Tôi mím môi vì tức giận, cố nén bình tĩnh. May sao ngay từ đầu tôi đã nói không biết về mạng, về blog. Không phải mình hèn không dám nhận, mà tại vì nếu nhận thì phải trả lời những câu hỏi liên quan đến người khác, có khi là hại người ta. Tôi hít hơi dài bĩnh tĩnh rồi mới nói rõ từng câu:

- Theo như tôi biết, thì cán bộ điều tra khi lấy lời khai của đương sự, bị can, người làm chứng phải ghi rõ câu trả lời, không được thêm bớt từng dấu chấm, dấu phẩy. Đúng thế không ạ?
Các anh cán bộ đều gật đầu. tôi nói:
- Vậy thì đề nghị các anh ghi rõ câu trả lời của tôi; Tôi phản đối câu hỏi này của cán bộ điều tra vì có tính dẫn dắt, định hướng. Tôi đã nói không biết internet thì làm sao tôi biết được blog là gì, Nguyễn Xuân Diện là gì.?

internet
Các cán bộ nói lao xao, đây là câu hỏi của chúng tôi, anh không trả lời, hay trả lời không biết, chúng tôi có kết luận gì đâu. Tôi đòi hỏi họ phải ghi câu hỏi theo trình tự, không được gộp lại. Đầu tiên phải hỏi tôi có vào mạng không, có đọc blog Nguyễn Xuân Diện không, rồi tiếp đến là có đọc bài kêu gọi biểu tình không, rồi đến có tham gia không. Tôi phản đối cách hỏi gộp này vì dễ làm người ta thường trả lời câu cuối là không tham gia, nhưng vô tình bao hàm việc xác nhận là blog Nguyễn Xuân Diện kêu gọi biểu tình. Một câu hỏi rất hiểm, bởi tâm lý người trả lời thường chỉ lo cho bản thân mình, họ nói không tham gia là xong. Nhưng sẽ để lại ý nghĩ rằng có lời kêu gọi biểu tình trên mạng của Nguyễn Xuân Diện nhưng tôi không tham gia ủng hộ. Chính vậy mà tôi cảm thấy tức giận.
Tranh luận cuối cùng thì thống nhất câu trả lời của tôi là:
- Tôi không đọc mạng, không biết in te net là gì, không biết blog Nguyễn Xuân Diện thế nào.

Câu hỏi tiếp theo:
- Anh có tham gia biểu tình ngày 27-11-2011 tại Hồ Gươm không?

Tôi lại lằng nhằng:
- Anh cho tôi định nghĩa thế nào là biểu tình, biểu tình là cầm khẩu hiệu, hô hét, đi lại nhảy múa hay là ngồi ghế đá một mình là biểu tình. Nếu ngồi ghế đá là biểu tình thì ngày 27-11-2011 thì tôi có tham gia.

Cán bộ 2:
- Chúng tôi không có trách nhiệm giải thích cho anh, anh phải hiểu.

Trả lời:
- Ơ thế tôi không hiểu định nghĩa về biểu tình, sao tôi trả lời được anh.?

Cán bộ 3:
- Anh cứ nói là không được rồi.

Trả lời:
- Vậy thì không

Hỏi:
- Anh có quen Nguyễn Xuân Diện không?

Trả lời:
- Không?

Hỏi:
- Anh quen Lê Quốc Quân không?

Trả lời:
- Không

Hỏi:
- Anh quen Nguyễn Hữu Vinh không?

Trả lời
- Không

Cán bộ nói, thế là không tất à. Cán bộ 3 cười nói giễu:
- Anh kém hơn mấy ông kia, mấy ông kia các ông ý làm các ông ý nhận hết. Những ông dân chủ đều nhận việc mình làm, đấy, làm chính trị thì phải có bản lĩnh thế người ta mới nể.

Tôi trả lời:
- Tôi không nhận những gì để ảnh hưởng đến người khác, hơn nữa tôi chỉ là người dân thường, lao động chân tay, học thức hạn chế như hồ sơ cá nhân thể hiện. Và tôi không phải là nhà dân chủ, tôi chỉ là dân đen, hay ngứa mồm miệng tán láo mà thôi.

Tất nhiên thì chả cần cơ quan an ninh, khối người dân đều biết tôi là chủ blog Người Buôn Gió cũng như là bạn của mấy lão to mồm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Xuân Diện, Lê Quốc Quân, và điều nữa là tôi cũng chả ra bờ Hồ để đi dạo một mình.
Nhưng có điều là đang trên đường đi đến chỗ biểu tình. Những biểu hiện từ khi tôi đi đến lúc bị bắt không chứng minh được dấu hiệu đi biểu tình. Cho nên việc bắt là vô lý, mà đã bắt vô lý thì cũng chả việc gì phải trả lời những câu hỏi khác.
Anh cán bộ 3 hỏi:
- Nếu anh vô tội, tại sao anh để yên cho người ta bắt anh đi, tôi nghe kể anh không có phản ứng gì?

Trả lời:
- Bởi vì tôi có xem một đoạn phim, tôi rút ra được vài kinh nghiệm trong trường hợp đó. Anh hỏi thế là suy luận, chả nhẽ tôi không có tội thì tôi buộc phải vùng vẫy, la hét , thanh minh sao?

Anh cán bộ 2:
- Xem phim gì?

Trả lời:
- Thật ra đó là một chương trình giáo dục trẻ em trên truyền hình, ban giám khảo có một thượng tá công an, 2 giáo sư. Họ đặt câu hỏi cho học sinh cấp 2 rằng – Nếu trong trường hợp bị một tên côn đồ tấn công, đe dọa buộc phải làm theo ý hắn thì các cháu làm gì? Một học sinh trả lời là sẽ hô hoán mọi người giúp, một học sinh khác thì bảo sẽ mưu trí lừa hắn để thoát ra… một học sịnh thì mặt buồn thiu trả lời khiến khán giả bật cười chế nhạo, cậu bé nói – Cháu mà bị thế, anh ý nói gì cháu nghe tất, bảo đưa cái gì cháu có cháu cũng đưa tất. Kết thúc ông thượng tá công an đứng lên tổng kết. Ông ấy nói rằng cái cậu bé mà nói đưa tất, nghe theo hết là đúng nhất. Vì không thể mạo hiểm tính mạng trong trường hợp gặp côn đồ như vậy. Còn việc đồ bị mất thì còn cơ hội công an tìm lại, chứ mất mạng rồi thì…

Mấy anh cán bộ gật gù:
- Hay, đoạn phim hay, bởi thế anh rút ra bài học đúng không?

Trả lời.
- Đúng, đó là bài học trên phim, còn bài học nữa là ông Trịnh Xuân Tùng vì giao thông không đội mũ bảo hiểm, bị ông Vũ văn Ninh cũng là công an TPHN đánh chết vỡ sọ. Ông Ninh già thế, bao năm trong nghề còn thiếu tự chủ vậy, huống chi các cậu thanh niên trẻ ngoài hồ Gươm bắt tôi.

Các cán bộ cười, lắc đầu:
- Nhưng đoạn phim anh kể thì hay đấy. Anh cho biết anh đi biểu tình bao nhiêu lần ở Hồ Gươm?

Trả lời:
- Tôi đi nhiều lần.

Cán bộ 3:
- Đấy rõ là lần nào biểu tình anh cũng đi, thế mà lần này có biểu tình anh cũng ra đó, mà anh không nhận là sao?

Trả lời:
- Nếu anh làm việc về những lần trước thì tôi có nhận tôi đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Còn lần này thì không, vì tôi mới chỉ đi ra đến nơi, chưa kịp có hành động gì gọi là biểu tình thì bị bắt. Nếu các anh để tôi thêm chút nữa thì tôi nhận. Pháp luật chỉ làm việc trên những gì diễn ra thực tế, không thể suy luận trong đầu hay khi nó chưa diễn ra, nhất là không có bằng chứng. Càng không thể kết luận những lần trước tôi đi biểu tình, lần này tôi cũng đi biểu tình được.

Cán bộ 3:
- Anh biết gì về Phạm Chính, Lã Việt Dũng, Nguyễn Lân Thắng…
Trả lời:

- Tôi không biết gì về họ.
Hỏi:
- Sao cái gì anh cũng không biết, bọn anh vẫn đi với nhau mà?

Trả lời:
- Đến Người Buôn Gió (nhấn mạnh) tôi còn không biết, vậy thì tôi còn biết ai?

Cán bộ cười.
- Chúng tôi có bằng chứng hết, nhưng việc hỏi anh là hỏi anh thôi, anh trả lời không biết cũng được.

Trả lời:
- Nếu các anh muốn hỏi về điều gì, xin giải quyết xong lý do bắt tôi ngày hôm nay. Sau đó các anh có thể đưa tôi về nhà, đưa giấy triệu tập nói rõ lý do là làm việc với cơ quan an ninh về quan hệ với Nguyễn Hữu Vinh, về Lê Quốc Quân, về Nguyễn Xuân Diện hay về blog Người Buôn Gió. Có thể tôi sẽ xác nhận và trả lời blog của tôi, những người kia tôi có quen… Nhưng hôm nay thì tôi không trả lời bất cứ câu hỏi khác ngoài việc từ 9 giờ sáng hôm nay.

Cán bộ 3:
- Vậy là có giấy triệu tập, anh sẽ đi.

Trả lời:
- Tôi đã nhận nhiều giấy triệu tập, chưa bao giờ tôi không đi cũng như chưa bao giờ không đi đúng giờ.

Các cán bộ bảo nhau:
- Thế thì làm giấy triệu tập.

Nói xong họ đứng lên đi hết, còn lại hai cậu bảo vệ, canh gác ngồi lại với tôi.
Lát sau cán bộ 1 quay vào nói:
- Anh Hiếu này, anh ăn gì đi, trời tối rồi, ngay bên kia có bánh mỳ ngon lắm, tôi gọi 5 phút họ mang vào đây.

Trả lời:
- Thôi, có gì chốc nữa tôi ăn.

Mấy cán bộ kia vào, pha thêm ấm trà, nói chuyện với tôi về cái nhìn, quan điểm trong vấn đề thời sự xảy ra tại thủ đô, biểu tình chống TQ, đòi đất ở Thái Hà. Về biểu tình chống TQ thì quan điểm tôi là yêu nước, hoan nghênh. Về chuyện đòi đất Thái Hà thì tôi quan điểm rằng có mượn thì người ta mới đòi, xưa nay không ai đi đòi nợ người không vay mình.
Các anh cán bộ trích dẫn nhiều điều luật, nghị định để thuyết phục rằng tôi đã sai. Tôi nói rằng đây là quan điểm của tôi là thế, các anh hỏi tôi trả lời. Còn quan điểm, luật lệ của các anh tôi cũng xin nghe và không có ý kiến gì hết.
Gần 7 giờ tối. Các cán bộ tới tấp điện thoại của gia đình… con chưa về được, anh còn đang làm… em đón con đi anh bận..
Tôi ngồi thái độ nhởn nhơ. Cán bộ hỏi:
- Anh cứ thế này mãi, vợ con không sốt ruột à, còn việc nhà chứ.

Trả lời:
- Vợ con tôi quen rồi.

Hỏi:
- Chắc là vợ anh đồng tình với anh, chứ không đời nào vợ anh cho đi làm thế.

Trả lời:
- Vợ tôi chán tôi rồi, không nói gì tôi nữa.

Các cán bộ nói:
- Thôi anh về chăm lo gia đình, làm ăn, đừng dây mấy cái chuyện này. Giải quyết được gì đâu, chỉ gây xáo trộn, rối loạn trật tự xã hội….

Tôi chả nói gì,cứ ngồi nghe họ giảng đến 7 giờ tối. Cán bộ rút hết, hai cậu canh gác dẫn tôi xuống dưới, đến phòng của một phó thủ trưởng an ninh điều tra khác, thấy thằng Quân đi ra, mặt nó đỏ gay, mồm miệng cáu gắt. Cán bộ dẫn tôi nói với người đi cùng.
- Thôi tránh nó ra, sang phòng này.

Họ lôi lại phòng của phó thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra, hình như tên Khanh thì phải. Bảo ngồi xuống ghế, một cán bộ lấy ra hai tờ giầy cầm trước mặt hỏi.
- Anh có phải Bùi Thanh Hiếu, ở 22 Phất Lộc không?
Trả lời:
- Đúng

Cán bộ nói:
- Anh nghe quyết định phạt hành chính. Công an quận HK… phó công an quận… Tuấn… ra quyết định xử phạt hành chính…. tội tụ tập, gây rối… hình thức cảnh cáo.

Cán bộ đọc xong cất giấy luôn. Tôi vớ tay định giằng nói:
- Anh cho tôi xem chứ, để tôi biết rõ ai ra quyết định tôi kiện.

Cán bộ:
- Anh về Hoàn Kiếm hỏi.

Tôi luống cuống với cái giấy bút trên bàn nói
- Anh cho tôi xem, để tôi ghi lại chi tiết, không thì anh đọc tôi nghe.

Cán bộ xếp hồ sơ đi thẳng, tôi đứng dậy hấp tấp hỏi cán bộ Khanh.
- Thế không ký biên bản phạt hành chính à, anh bảo anh kia đưa tôi xem biên bản nào.

Anh Khanh quay lưng nói:
- Về quận hỏi, ở đây chúng tôi không biết.

Anh đi luôn.
Tôi bỗng thấy không còn ai quanh mình.Trụ sở công an vắng tanh, tôi mò mãi trong tòa nhà mới thấy lối ra cổng. Mà từ lúc tôi từ phòng đấy đi ra cổng chính chả có ai, cơ quan công an gì mà để đương sự đi tự do thế. Thậm chí ra đến cổng chính có barie có mấy người gác ngồi bên trong. Họ quay mặt đi, tôi đi ra chả thấy ai hỏi. Đứng ở cổng nhìn quanh lại thấy ”đuôi” ở hè đường. Quay lại nhìn vào trong thấy thằng Quân đi tong tẩy ra, nó bắt tay rồi ôm mình, khoác vai ngay trước cổng công an hỏi han làm việc với an ninh thế nào. Tôi ghé tai nó bảo:

- Tôi vừa bảo đéo quen biết gì ông, thế mà ra khỏi cổng hai thằng lại thế này.
Quân bảo.
- Tôi không trả lời gì hết, không nhận gì hết.

Tôi
- Thế mà công an bảo tôi là ông nhận hết là đi biểu tình, hài thật.

Hóa ra tôi cả Quân là hai thằng về cuối cùng của ngày hôm ấy. Đi tới đầu đường đã thấy anh em, chiến hữu ngồi cả đống, đủ mặt Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Chính, Lã Dũng, Lê Dũng, Kim Tiến, Lân Thắng, Phương Bich… cả lũ ôm nhau. Người cười, kẻ rớm lệ. Qua đường một ngày căng thẳng.
(Còn nữa)
© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/79748/tu-ngo-phat-loc-toi-weimar-28/2013/10
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001